QUỐC
HỘI
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------
|
Luật
số: 16/2008/QH12
|
Hà
Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2008
|
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG,
CHỐNG MA TÚY
Căn cứ Hiến
pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung
một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma
túy số 23/2000/QH10.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật phòng, chống ma túy:
1. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 13
1. Cơ quan chuyên
trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành một
số hoạt động sau đây:
a. Chủ trì, phối hợp
với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống
tội phạm về ma túy;
b. Áp dụng các biện
pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy;
c. Trưng cầu giám
định mẫu vật, mẫu phẩm sinh học cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy;
d. Yêu cầu cá nhân,
gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình
tài chính và tài khoản tại ngân hàng khi có căn cứ cho rằng có hành vi quy định
tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 8 Điều 3 của Luật này;
đ. Yêu cầu cơ quan
bưu điện mở bưu kiện, bưu phẩm để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng trong bưu kiện,
bưu phẩm đó có chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
e. Áp dụng các biện
pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác, người làm chứng và người bị hại trong
các vụ án về ma túy.
2. Cá nhân, gia
đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện quy định tại điểm d và điểm đ
khoản 1 Điều này theo yêu cầu của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về
ma túy.
3. Cơ quan chuyên
trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh
sát biển, cơ quan Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách
nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện
và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa,
ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền
chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm
soát.
4. Chính phủ quy định
cụ thể về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên
trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong việc thực hiện, phối hợp thực hiện
các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.”
2. Điều 25
được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 25
Chính sách của Nhà
nước về cai nghiện ma túy bao gồm:
1. Áp dụng chế độ
cai nghiện đối với người nghiện ma túy, khuyến khích người nghiện ma túy tự
nguyện cai nghiện;
2. Tổ chức cơ sở
cai nghiện ma túy bắt buộc;
3. Khuyến khích cá
nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện việc cai nghiện tự nguyện cho người
nghiện ma túy, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và
phòng, chống tái nghiện ma túy; nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng thuốc và phương
pháp cai nghiện ma túy;
4. Hỗ trợ kinh phí
thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện
ma túy;
5. Tổ chức, cá
nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, đầu tư vào hoạt động cai
nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện ma túy được hưởng
chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật”.
3. Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 26
1. Người nghiện ma
túy có trách nhiệm:
a. Tự khai báo về
tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú và tự
đăng ký hình thức cai nghiện ma túy;
b. Tuân thủ nghiêm
ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.
2. Gia đình người
nghiện ma túy có trách nhiệm:
a. Khai báo với Ủy
ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma túy trong gia đình mình và đăng ký hình
thức cai nghiện cho người đó;
b. Động viên, giúp
đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại
cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Ủy ban nhân dân cấp
xã;
c. Theo dõi, giám
sát, phòng ngừa, ngăn chặn người nghiện sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có
hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội;
d. Hỗ trợ cơ quan
có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí
cai nghiện theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban nhân dân
cấp xã có trách nhiệm tổ chức cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma
túy khai báo về tình trạng nghiện ma túy và đăng ký hình thức cai nghiện”.
4. Bổ sung Điều 26a vào sau Điều 26 như sau:
“Điều 26a
1. Các biện pháp
cai nghiện ma túy bao gồm:
a. Cai nghiện ma
túy tự nguyện;
b. Cai nghiện ma
túy bắt buộc;
2. Các hình thức
cai nghiện ma túy bao gồm:
a. Cai nghiện ma
túy tại gia đình;
b. Cai nghiện ma
túy tại cộng đồng;
c. Cai nghiện ma
túy tại cơ sở cai nghiện”.
5. Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 27
1. Hình thức cai
nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng được áp dụng đối với
người tự nguyện cai nghiện, trừ trường hợp người nghiện ma túy tự nguyện cai
nghiện tại cơ sở cai nghiện.
Trường hợp người
nghiện ma túy không tự nguyện cai nghiện thì áp dụng biện pháp cai nghiện ma
túy bắt buộc tại cộng đồng theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Thời hạn cai
nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ sáu tháng đến mười
hai tháng.
3. Ủy ban nhân dân
cấp xã có trách nhiệm tổ chức cai nghiện ma túy tại cộng đồng, hướng dẫn, hỗ trợ
cai nghiện ma túy tại gia đình.
4. Chính phủ quy định
cụ thể về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng
và trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng”.
6. Điều 31 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 31
1. Nhà nước áp dụng
phương pháp cai nghiện thích hợp đối với người nghiện ma túy là người bị tạm
giam, phạm nhân, trại viên của cơ sở giáo dục, học sinh của trường giáo dưỡng.
Cơ quan quản lý các cơ sở này phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương để
thực hiện quy định này.
2. Giám thị trại
giam, giám thị trại tạm giam, giám đốc cơ sở giáo dục, hiệu trưởng trường giáo
dưỡng phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về việc cai nghiện ma túy của
người nghiện ma túy quy định tại khoản 1 Điều này khi họ trở về nơi cư trú”.
7. Bổ sung Điều 32a vào sau Điều 32 như sau:
“Điều 32a
Người đang cai
nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện mà phạm tội, nếu thời gian bị phạt
tù ít hơn thời gian cai nghiện ma túy thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù
phải tiếp tục cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc; trường hợp phải
chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo
thì vẫn phải thực hiện cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
8. Điều 33 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 33
1. Người nghiện ma
túy sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai
nghiện phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ một năm đến hai năm theo một
trong hai hình thức sau đây:
a.
Quản lý tại nơi cư trú do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đối với người không
thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b.
Quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện
cao.
2. Nội dung quản
lý sau cai nghiện bao gồm:
a. Quản lý, hướng
dẫn, giúp đỡ phòng, chống tái nghiện; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và tham gia
các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng đối với người được quản lý tại nơi
cư trú;
b. Quản lý, tư vấn,
giáo dục, dạy nghề, lao động sản xuất và chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng đối với
người được quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện.
3. Người được quản
lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện tham gia lao động sản xuất được hưởng thành
quả lao động của mình theo quy định của Chính phủ.
4. Người đang được
quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện mà bỏ trốn thì người đứng đầu cơ cở ra
quyết định truy tìm; cơ quan công an có trách nhiệm phối hợp với cơ sở quản lý
sau cai nghiện trong việc truy tìm để đưa người đó trở lại cơ sở thực hiện tiếp
thời gian còn lại.
5. Cơ sở quản lý
sau cai nghiện phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, tài sản
của người được quản lý sau cai nghiện.
6. Người đã hoàn
thành thời gian quản lý sau cai nghiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều
này được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, gia đình tiếp nhận, tạo điều kiện học
nghề, tìm việc làm, vay vốn, tham gia các hoạt động xã hội để hòa nhập cộng đồng,
giúp đỡ phòng, chống tái nghiện.
7. Chính phủ quy định
cụ thể tiêu chí xác định đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao quy định tại điểm
b khoản 1 Điều này; thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục đưa vào cơ sở quản
lý sau cai nghiện; chế độ quản lý và chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện;
tổ chức và hoạt động của cơ sở quản lý sau cai nghiện”.
9. Bổ sung Điều 34a vào sau Điều 34 như sau:
“Điều 34a
1. Biện pháp can
thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy là biện pháp làm giảm hậu quả tác hại liên
quan đến hành vi sử dụng ma túy của người nghiện gây ra cho bản thân, gia đình
và cộng đồng.
2. Biện pháp can
thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy được triển khai trong nhóm người nghiện ma
túy thông qua chương trình, dự án phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
3. Chính phủ quy định
cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại của nghiện ma túy và tổ chức thực
hiện các biện pháp này”.
10. Khoản 1
Điều 35 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Kinh phí để
xây dựng cơ sở vật chất, tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện,
phòng, chống tái nghiện ma túy được quy định tại các điều 27, 28, 29, 31, 33 và
34 của Luật này, bao gồm:
a. Ngân sách nhà
nước;
b. Đóng góp của
người cai nghiện ma túy và gia đình họ;
c. Các nguồn tài
trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài”.
11. Bổ sung Điều 38a, Điều 38b vào sau Điều 38 như sau:
“Điều 38a
Bộ Quốc phòng có
trách nhiệm:
1. Xây dựng và tổ
chức thực hiện kế hoạch phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới trên đất liền,
khu vực biên giới trên biển, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa;
2. Phối hợp với cơ
quan hữu quan của nước khác để phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận
chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua
biên giới theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên
quan;
3. Tổ chức đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy của Bộ đội Biên
phòng và lực lượng Cảnh sát biển”.
“Điều 38b
Bộ Tài chính có
trách nhiệm:
1. Chỉ đạo cơ quan
Hải quan thực hiện hoạt động phòng, chống ma túy theo quy định của Luật này và
các quy định khác của pháp luật có liên quan;
2. Chủ trì phối hợp
với bộ, ngành, chính quyền địa phương xây dựng dự toán kinh phí phòng, chống ma
túy trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định của
pháp luật”.
12. Điều 39 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 39
Bộ Lao động –
Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
1. Xây dựng và tổ
chức thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch tổ chức cai nghiện
ma túy và quản lý sau cai nghiện; chỉ đạo tổ chức cai nghiện ma túy, quản lý
sau cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện;
2. Tổ chức bộ máy,
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện
và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện;
3. Chủ trì phối hợp
với cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương xây dựng, hướng dẫn hoạt
động của cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở quản lý sau cai nghiện; dạy nghề, tạo
việc làm, tư vấn, hỗ trợ, tạo điều kiện vật chất và tinh thần để giúp đỡ người
đã cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện;
4. Thống kê, đánh
giá tình hình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và giải quyết các vấn đề
xã hội sau cai nghiện;
5. Hướng dẫn, chỉ
đạo việc thành lập, giải thể cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở quản lý sau cai
nghiện; cấp, thu hồi giấy phép hoạt động của các cơ sở khác về cai nghiện ma
túy;
6. Thực hiện hợp
tác quốc tế về cai nghiện ma túy và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện”.
13. Khoản 1 Điều
40 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Bộ Y tế có
trách nhiệm:
a. Ban hành danh mục,
quy chế quản lý thuốc gây nghiện, tiền chất, thuốc hướng thần sử dụng trong
lĩnh vực y tế và tổ chức thực hiện quy chế đó; ban hành và chủ trì phối hợp với
các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện quy chế quản lý chất ma túy sử dụng
trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm và nghiên cứu khoa học;
b. Quy định việc
nghiên cứu thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy; cấp, thu hồi giấy phép lưu
hành thuốc, phương pháp cai nghiện ma túy; hướng dẫn, thủ tục xác định người
nghiện ma túy; hỗ trợ về người, chuyên môn kỹ thuật y tế để cai nghiện ma túy;
c. Thực hiện hợp
tác quốc tế về kiểm soát thuốc gây nghiện, tiền chất, thuốc hướng thần sử dụng
trong lĩnh vực y tế, phân tích, kiểm nghiệm và nghiên cứu khoa học;
d. Chỉ đạo các cơ
sở y tế phối hợp xét nghiệm, xác định và cai nghiện cho người nghiện ma túy ở
xã, phường, thị trấn”.
14. Bổ sung Điều 42a vào sau Điều 42 như sau:
“Điều 42a
Bộ Thông tin và
Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn
các cơ quan hữu quan thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục về
công tác phòng, chống ma túy”.
15. Điều 43 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 43
Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các
cơ quan, tổ chức hữu quan khác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức xóa bỏ cây có chứa
chất ma túy; thực hiện chương trình trợ giúp chuyển hướng sản xuất có hiệu quả,
ổn định đời sống của nhân dân”.
Điều 2.
1. Thay cụm từ “Bộ
Công nghiệp” bằng cụm từ “Bộ Công thương” tại khoản 1 và khoản
2 Điều 41, thay cụm từ “chính quyền cơ sở” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp
xã” tại khoản 1 Điều 53 của Luật phòng, chống ma túy.
2. Bãi bỏ Điều 44 của Luật phòng, chống ma túy.
Điều 3. Luật này có hiệu lực thi hành từ
ngày 01 tháng 01 năm 2009.
Luật này đã được
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông
qua ngày 03 tháng 6 năm 2008.
|
CHỦ
TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Phú Trọng
|