ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 968/KH-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 17 tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH
HÓA GIA ĐÌNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11
năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Củng cố, phát
triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030;
Căn cứ Công văn số 7257/BYT-TCDS ngày 25 tháng 12
năm 2020 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình Củng cố, phát
triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030;
Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện
Chương trình Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa
gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, nội dung cụ thể như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT
Kế hoạch hóa gia đình góp phần bảo vệ sức khỏe sinh
sản, bảo đảm cuộc sống bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc
sống của người dân; phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm phá thai, giảm vô
sinh, cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em có liên
quan đến thai sản.
Trong những năm qua, chương trình kế hoạch hóa gia
đình Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu quan trọng, kiểm soát
thành công tốc độ gia tăng dân số. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của Thành
phố đạt ở mức 70%, biện pháp tránh thai hiện đại trên 60% trong giai đoạn
2016-2020.
Tuy nhiên, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình Thành phố
Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, là Thành phố đông dân
nhất so với cả nước, mặc dù mức sinh thấp nhưng mỗi năm quy mô dân số vẫn tăng
bình quân gần 200.000 dân, nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai của phụ nữ
tuổi từ 15 - 49 vẫn ở mức cao; tình trạng nạo phá thai tuy có giảm nhưng vẫn
còn cao so với mặt bằng chung của cả nước (Tỷ số phá thai năm 2020: 33,46 và
năm 2021: 29,03). Bên cạnh đó, đa số người dân nhập cư và người làm việc ở các
khu chế xuất - khu công nghiệp của Thành phố đều trong độ tuổi sinh đẻ (15-49
tuổi), nhu cầu cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
rất lớn. Mặc dù Nhà nước đã ban hành các chính sách khuyến khích, phát triển xã
hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu
ngày càng đa dạng của từng nhóm đối tượng.
Việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng
cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm
2030 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là thật sự cần thiết. Kế hoạch được triển
khai thực hiện nhằm đảm bảo đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận tiện, có
chất lượng về các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức
khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình ngày càng cao của người dân trên địa bàn
Thành phố, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025
tại Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm
2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Củng cố, phát triển
và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.
- Công văn số 7257/BYT-TCDS ngày 25 tháng 12 năm
2020 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển
và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030.
- Quyết định số 1347/QĐ-BYT ngày 22 tháng 02 năm
2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Củng
cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm
2030.
- Kế hoạch số 2347/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021
của Ủy ban nhân dân Thành phố về Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược dân số
Việt Nam đến năm 2030 tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025.
III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI
1. Đối tượng
- Đối tượng thụ hưởng: nam nữ trong độ tuổi sinh đẻ,
vị thành niên, thanh niên, người lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp ...
- Đối tượng tác động: người dân trong toàn xã hội,
ban ngành đoàn thể, cán bộ y tế, dân số, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện
Chương trình.
2. Phạm vi: trên toàn Thành phố Hồ Chí Minh.
IV. THỰC TRẠNG DỊCH VỤ KẾ HOẠCH
HÓA GIA ĐÌNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
1. Kết quả đạt được
Trong thời gian qua, với nỗ lực nâng cao chất lượng
dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn, trong đó có dịch vụ kế
hoạch hóa gia đình, Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm đầu tư cả về số lượng và
chất lượng trong hệ thống y tế công lập và ngoài công lập, kết quả thực hiện
như sau:
Nhu cầu về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người
dân cơ bản được đáp ứng, các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng
chính sách được quan tâm, ưu tiên hỗ trợ. Tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng biện pháp
tránh thai hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh luôn đạt mức cao so với cả nước
và duy trì trong nhiều năm qua (năm 2022 là 60%). Các dịch vụ kế hoạch hóa gia
đình đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu và sự hài lòng của người dân.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế
hoạch hóa gia đình ngày càng được củng cố và phát triển rộng khắp từ Thành phố
đến cơ sở. Trong đó gồm:
- Y tế công lập: Khoa chăm sóc Sức khỏe sinh sản
thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Bệnh viện sản khoa, Khoa Sản - Bệnh viện đa
khoa, Khoa Sức khỏe sinh sản thuộc 22 Trung tâm Y tế và 310 Trạm Y tế phường,
xã, thị trấn thuộc Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện.
- Y tế ngoài công lập: Bệnh viện đa khoa, chuyên sản
phụ khoa và Phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân thực hiện dịch vụ sản phụ
khoa.
- Hệ thống nhà thuốc, đại lý thuốc tây, cộng tác
viên dân số, cộng tác viên y tế ấp, khu phố trực tiếp tư vấn, cấp phát phương
tiện tránh thai phi lâm sàng miễn phí cho đối tượng theo quy định và đáp ứng việc
phân phối phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội, xã hội hóa theo nhu cầu cho
các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Phòng khám chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch
hóa gia đình (thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) đã góp phần nâng
cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia
đình cho công nhân lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, dân nhập cư trong
độ tuổi lao động và độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Năng lực hệ thống cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia
đình cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình: với hệ thống cơ sở
y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố cơ bản đáp ứng nhu cầu
chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho người dân trên địa bàn
(100% Trạm Y tế và Trung tâm Y tế thực hiện dịch vụ đặt vòng tránh thai, tiêm
thuốc tránh thai). Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại của Thành phố
luôn trên 60%. Tuy nhiên, bên cạnh về chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế
tư nhân vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định về đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng
dịch vụ theo quy định.
Công tác truyền thông thay đổi hành vi về Dân số -
Kế hoạch hóa gia đình có nhiều nét mới, sáng tạo, chuyển tải đầy đủ nội dung về
dân số, sức khỏe sinh sản đến người lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh
tế; vị thành niên, thanh niên và đối tượng khó tiếp cận. Công tác tuyên truyền
về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho đối tượng thanh thiếu niên đã có nhiều
chuyển biến tích cực giữa kiến thức và thực hành hành vi đúng. Nhận thức của một
bộ phận người dân về phương tiện tránh thai hiện đại từng bước được nâng lên,
tình trạng nạo phá thai cũng từng bước được kiểm soát tốt. Cùng với sự đóng góp
đáng kể từ đội ngũ cộng tác viên dân số quản lý địa bàn, kênh phân phối phương
tiện tránh thai dựa vào cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số đã
“đi từng nhà, rà từng đối tượng”, tư vấn và phân phối các phương pháp tránh
thai phi lâm sàng (bao cao su và viên uống tránh thai) góp phần đa dạng hóa cơ
cấu sử dụng các biện pháp tránh thai. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai
phi lâm sàng cũng được duy trì và tăng hàng năm. Năm 2015 có 482.820 cặp vợ chồng
sử dụng, đến năm 2020 có 545.356 cặp vợ chồng sử dụng, tăng 12,95%.
Trong thời gian qua, xã hội hóa phương tiện tránh
thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đã góp phần tăng tỷ lệ sử dụng các biện
pháp tránh thai. Mạng lưới phân phối dựa vào cộng đồng thông qua cộng tác viên
dân số đã góp phần quan trọng cho người dân trong việc tiếp cận nhu cầu kế hoạch
hóa gia đình ngày càng phát triển và thuận tiện. Đặc biệt, chương trình tiếp thị
xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai đã góp phần chuyển đổi hành vi của
người dân tham gia thực hiện kế hoạch hóa gia đình, từ việc nhận miễn phí chuyển
sang tự chi trả một phần hay hoàn toàn chi phí cho các biện pháp tránh thai. Đến
nay, việc cấp phát bao cao su tránh thai, dụng cụ tử cung tránh thai, thuốc
tiêm tránh thai, que cấy tránh thai miễn phí đã chuyển sang xã hội hóa 100% đã
góp phần tiết kiệm đáng kể cho nguồn chi ngân sách nhà nước.
2. Một số hạn chế, tồn tại
Số lượng cộng tác viên dân số thay đổi hàng năm
trên 20% và càng biến động hơn trong những năm gần đây do thay đổi cơ cấu tổ chức
bộ máy làm công tác dân số ở cơ sở. Do vậy, kiến thức, kỹ năng tư vấn và chăm
sóc khách hàng của lực lượng này chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay, Nhà nước chỉ hỗ trợ phương tiện tránh
thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng
chính sách, còn lại khách hàng phải tự chi trả chi phí kế hoạch hóa gia đình.
Trong thời gian qua, việc phân phối phương tiện tránh thai tiếp thị xã hội rất
ít về chủng loại và số lượng; sản phẩm xã hội hóa chỉ mới thực hiện phân phối
bao cao su, viên uống tránh thai và sản phẩm dung dịch vệ sinh đa năng và vệ
sinh phụ khoa với số lượng rất ít nên không đáp ứng được nhu cầu rất lớn của
chương trình.
3. Nguyên nhân của tồn tại, hạn
chế
- Thiếu nhân lực y tế được đào tạo về cung cấp dịch
vụ kế hoạch hóa gia đình; tốc độ đầu tư phát triển cơ sở dịch vụ y tế chưa
tương ứng với tốc độ tăng dân số cơ học và nhu cầu cung cấp dịch vụ, nhất là tại
các khu chế xuất, công nghiệp. Công tác đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng
tư vấn cho đối tượng cộng tác viên còn hạn chế, cần phải tăng cường trong thời
gian tới.
- Việc kiểm tra, giám sát chất lượng phương tiện
tránh thai, chất lượng dịch vụ tại các cơ sở thực hiện kế hoạch hóa gia đình,
nhất là các cơ sở y tế tư nhân, chưa được quan tâm đúng mức.
- Tổ chức bộ máy dân số thiếu ổn định, chế độ đãi
ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp.
4. Bài học kinh nghiệm
- Phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy
đảng, chính quyền từ các cấp, công tác kiểm tra, giám sát phải thường xuyên,
sâu sát và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị.
- Phát huy sức mạnh của các ban, ngành, đoàn thể
trên cơ sở hợp đồng trách nhiệm, lồng ghép nội dung dân số với các hoạt động
chương trình khác của các ngành, các cấp và các đoàn thể xã hội. Công tác dân số
cần được xã hội hoá cao, thu hút sự tham gia tích cực của cả cộng đồng dân cư.
- Nhu cầu dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người
dân ngày càng đa dạng đòi hỏi chất lượng dịch vụ ngày càng cao. Vì vậy, hệ thống
cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cần phải đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu
đa dạng, dễ tiếp cận, chất lượng cao với mức phí phù hợp cho từng nhóm đối tượng.
V. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
Bảo đảm đầy đủ, đa dạng, kịp thời, an toàn, thuận
tiện, có chất lượng các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu ngày
càng cao của người dân, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt
Nam đến năm 2030.
2. Chỉ tiêu
a) 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận
thuận tiện các biện pháp tránh thai hiện đại, hỗ trợ sinh sản, dự phòng vô sinh
tại cộng đồng; tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng biện pháp tránh thai
hiện đại tiếp tục được duy trì ở mức trên 60% cho đến năm 2030; giảm 2/3 số vị
thành niên, thanh niên có thai ngoài ý muốn;
b) 80% cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định bao gồm cả khu vực ngoài công lập vào
năm 2025, đạt 90% năm 2030;
c) 100% cấp xã tiếp tục triển khai cung ứng các biện
pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số;
d) 100% cấp huyện có cơ sở y tế cung cấp dịch kế hoạch
hóa gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai lâm sàng và hỗ trợ kỹ thuật cho
tuyến dưới vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030;
đ) Trên 95% cấp xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền,
vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sử dụng biện pháp tránh
thai; hệ lụy của phá thai, nhất là đối với vị thành niên, thanh niên vào năm
2025 và duy trì đến năm 2030.
VI. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Hoàn thiện cơ chế chính
sách về kế hoạch hóa gia đình
- Tham mưu đề xuất với Trung ương về việc điều chỉnh
hoặc bãi bỏ một số quy định về cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch
hóa gia đình.
- Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình; nghiên
cứu, phân tích thị trường kịp thời để ban hành chính sách phù hợp về kế hoạch
hóa gia đình; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh xã hội
hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; có biện
pháp điều chỉnh kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn.
- Thử nghiệm, phổ biến các kỹ thuật mới, hiện đại
nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
- Tổ chức hội thảo, hội nghị để phổ biến các văn bản
pháp luật và các quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sau khi được phê duyệt.
Tham dự các lớp tập huấn hướng dẫn chuyên môn về các quy trình, quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật.
2. Tuyên truyền, vận động
thay đổi hành vi
- Định kỳ cung cấp thông tin, vận động cấp ủy,
chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ nguồn lực. Vận động các tổ
chức, cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ kế
hoạch hóa gia đình.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường
phát sóng, đăng tải các tin, bài, phóng sự .... về cung ứng phương tiện tránh
thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản, thực hiện các biện pháp tránh thai, giảm phá
thai và dự phòng vô sinh tại cộng đồng.
- Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, chú trọng
kênh thông tin đại chúng; các sản phẩm truyền thông phù hợp với địa phương.
Tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại, internet, mạng xã hội trong tuyên truyền,
vận động về kế hoạch hóa gia đình; lồng ghép với các hoạt động truyền thông của
các chương trình, đề án khác.
- Đổi mới nội dung, phương pháp; xây dựng chương
trình và tài liệu giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới
và giới tính trong nhà trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi.
- Khảo sát, đánh giá nhu cầu giáo dục dân số, sức
khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới và giới tính của từng lứa tuổi trong nhà
trường phù hợp với từng cấp học, lứa tuổi.
- Tăng cường tư vấn trước, trong và sau khi sử dụng
dịch vụ tại các cơ sở cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho đối tượng. Tư
vấn tại cộng đồng về tình dục an toàn, hệ lụy của phá thai, hỗ trợ sinh sản, dự
phòng vô sinh.
3. Phát triển mạng lưới dịch
vụ kế hoạch hóa gia đình
- Củng cố mạng lưới cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa
gia đình các cấp; đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở
cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
- Tiếp tục đào tạo cho người cung cấp dịch vụ kế hoạch
hóa gia đình, thực hiện biện pháp tránh thai; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn,
theo dõi, quản lý đối tượng và cung cấp biện pháp tránh thai phi lâm sàng cho
cán bộ, chuyên trách và cộng tác viên dân số tại cộng đồng; đảm bảo nguồn nhân
lực thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở cung cấp dịch vụ.
- Mở rộng các hình thức cung cấp phương tiện tránh
thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập;
ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
- Thí điểm triển khai và từng bước mở rộng các mô
hình: cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản di động tại khu
công nghiệp, khu chế xuất; cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức khỏe
sinh sản qua mạng (viễn thông, internet) và các mô hình khác có liên quan; tiếp
tục triển khai và mở rộng mô hình cung ứng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/ sức
khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên.
- Thí điểm và từng bước mở rộng các mô hình hỗ trợ
sinh sản, dự phòng, tầm soát vô sinh cho nhóm dân số trẻ; can thiệp, điều trị sớm
một số nguyên nhân dẫn đến vô sinh tại cộng đồng; can thiệp giảm phá thai tại cộng
đồng
- Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống thông
tin quản lý hậu cần phương tiện tránh thai và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia
đình. Tổ chức đào tạo và đạo tạo lại về quản trị hệ thống LMIS cho cán bộ các cấp;
thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện LMIS.
- Kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về công
tác kế hoạch hóa gia đình; tổ chức thực hiện việc giám sát chất lượng đối với
cơ sở và người cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
4. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động
nguồn lực
- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ kế hoạch hóa gia
đình, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia Kế hoạch; huy động
toàn bộ hệ thống y tế, dân số tham gia thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm
vụ được giao, ưu tiên bảo đảm hoạt động ở tuyến cơ sở.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học; tổng kết,
đánh giá chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình trên phạm vi toàn Thành phố.
5. Nghiên cứu khoa học và hợp
tác quốc tế
- Chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường hợp tác
quốc tế trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình, đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật, đào tạo,
nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong nước và nước ngoài.
- Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học,
khảo sát, đánh giá về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe vị thành niên, thanh
niên; các vấn đề liên quan đến phá thai và dự phòng vô sinh tại cộng đồng;
nghiên cứu phân đoạn thị trường về phương tiện tránh thai và hàng hóa sức khỏe
sinh sản.
VII. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Do ngân sách Thành phố bảo đảm theo phân cấp ngân
sách hiện hành và khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ theo quy định của
Luật Ngân sách Nhà nước và từ nguồn kinh phí hợp pháp khác; lồng ghép trong các
Chương trình, Dự án khác được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính, các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ
Đức và các quận, huyện để tổ chức triển khai, điều phối thực hiện các mục tiêu,
chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chính đã nêu trong Kế hoạch, đảm bảo gắn kết, lồng
ghép chặt chẽ với các kế hoạch khác có liên quan.
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực
hiện và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định; tổ chức sơ kết
giai đoạn 2021 - 2025 và tổng kết giai đoạn 2021 - 2030.
Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch
hóa gia đình; phối hợp với các ban ngành liên quan tăng cường hoạt động truyền
thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng, đặc
biệt chú trọng đối tượng vị thành niên, thanh niên; đẩy mạnh hoạt động của Đề
án tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai, tiếp tục cung ứng các
biện pháp tránh thai phi lâm sàng thông qua hệ thống cán bộ và đội ngũ cộng tác
viên dân số; thực hiện chế độ báo cáo kịp thời.
Tham mưu chỉ đạo tuyến, giám sát chất lượng dịch vụ
của hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn theo quy định;
xây dựng Kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ y tế về cung cấp dịch vụ
kế hoạch hóa gia đình; mở rộng các dịch vụ hỗ trợ sinh sản; triển khai Đề án dự
phòng vô sinh tại cộng đồng; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh
sản/kế hoạch hóa gia đình; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới; thực hiện chế độ báo
cáo kịp thời.
2. Sở Thông tin và Truyền thông: chỉ đạo các
cơ quan truyền thông thực hiện các hoạt động cung cấp thông tin, tuyên truyền,
giáo dục chuyển đổi hành vi về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo: thực hiện các nội
dung giáo dục về dân số và sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho học
sinh, sinh viên.
4. Sở Tài chính: phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy
ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư: phối hợp với các sở,
ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố việc bố trí ngân sách cho các dự án đầu
tư công liên quan để thực hiện kế hoạch theo quy định (nếu có).
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: lồng
ghép nội dung dân số và sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình vào các chương
trình có liên quan do Sở chủ trì; phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện các
chính sách an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi và vị thế cho các nhóm đối tượng
ưu tiên, trong đó có phụ nữ, trẻ em gái và người lao động làm việc tại các khu
chế xuất, khu công nghiệp, đảm bảo thuận tiện trong việc tiếp cận các dịch vụ kế
hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai...
7. Sở Văn hóa và Thể thao: lồng ghép tuyên
truyền ở cơ sở nhằm góp phần thực hiện tốt các chủ trương gia đình có đủ hai
con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc; lồng ghép các nội
dung về dân số có liên quan vào sinh hoạt cộng đồng dân cư, các tiêu chuẩn văn
hóa trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
bao gồm danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa, ấp văn hóa”, “Xã đạt
chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Xã văn hóa - Văn minh đô thị”.
8. Sở Tư pháp: rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ
sung các chính sách dân số, trong đó có nội dung khuyến sinh theo hướng tăng cường
hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân số; tham gia tuyên truyền các quy
định của pháp luật trong lĩnh vực dân số.
9. Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói nhân
dân Thành phố và các cơ quan thông tin đại chúng: tăng thời lượng phát
sóng, số lượng bài viết phù hợp; nâng cao chất lượng tuyên truyền về sức khỏe
sinh sản, kế hoạch hóa gia đình trong các chương trình, chuyên trang, chuyên mục.
10. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận,
huyện: xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố, phát triển và nâng
cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại địa phương đến năm 2030; đảm bảo
thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Kế hoạch; chỉ đạo, phân công rõ nhiệm vụ,
trách nhiệm của từng ban ngành, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch;
lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án liên quan trên địa bàn.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình Củng cố,
phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình tại Thành phố Hồ
Chí Minh đến năm 2030. Đề nghị Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể và các cơ
quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ nội dung Kế hoạch để triển
khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công. Định kỳ trước ngày 30 tháng 11
hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua Sở Y
tế) để tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Tổng cục DS-KHHGĐ;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ VN và các đoàn thể TP;
- Các sở, ban ngành TP;
- Thành viên BCĐ CT DS-KHHGĐ.TP;
- UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện;
- Chi cục DS-KHHGĐ;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Phòng VX;
- Lưu: VT.(VX-MĐ)
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Anh Đức
|