ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 8210/KH-UBND
|
Đắk Lắk, ngày 08 tháng 10 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2018/QĐ-TTg NGÀY 06 THÁNG 3 NĂM
2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TIÊU CHÍ LỰA CHỌN, CÔNG NHẬN NGƯỜI CÓ UY TÍN VÀ
CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH ĐẮK LẮK
Thực hiện Quyết định số
12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, về tiêu chí lựa chọn,
công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào
dân tộc thiểu số; Công văn số 285/UBDT-DTTS ngày 29/3/2018 của Ủy ban Dân tộc,
về việc triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ
tướng Chính phủ; Công văn số 7020/BTC-NSNN ngày 14/6/2018 của Bộ Tài chính về
hướng dẫn cơ chế tài chính quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách đối với
người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
Kế hoạch triển khai thực hiện, với nội dung như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Giúp cho các Cấp ủy Đảng, chính
quyền, ban, ngành, đoàn thể nhận thức cao về vai trò, vị trí
của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và ý nghĩa, tầm quan trọng
của công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân
tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Từ đó có sự đổi mới về
nội dung, hình thức, biện pháp vận động người có uy tín phù hợp, thiết thực
hơn.
2. Người có uy tín trong vùng đồng
bào dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng,
Nhà nước; công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng
bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quá trình
phối hợp thực hiện công tác dân tộc; nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị
xã hội, đoàn thể quần chúng, không ngừng củng cố và phát
huy khối đại đoàn kết dân tộc để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Chăm lo giải quyết tốt các vấn đề
nảy sinh phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giữ vững an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
3. Đảm bảo việc thực hiện các chế độ
chính sách phải dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng
và đúng chế độ; người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu
số được cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng,
Nhà nước, tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
và bảo đảm quốc phòng, an ninh, được tham quan học tập theo chủ trương chung của
tỉnh.
II. NỘI DUNG
1. Đối tượng áp dụng:
a) Người có uy tín trong đồng bào dân
tộc thiểu số (sau đây gọi là người có uy tín).
b) Cơ quan, tổ chức,
cá nhân liên quan trong hoạt động quản lý và thực hiện chính sách đối với người
có uy tín.
2. Nguyên tắc thực
hiện:
a) Người có uy tín được lựa chọn từ
thôn, buôn, tổ dân phố và tương đương (gọi chung là thôn,
buôn).
b) Chính sách thực hiện trực tiếp đối
với người có uy tín, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng chế độ.
c) Người có uy
tín do địa phương trực tiếp quản lý, phân công, phân cấp thực hiện chính sách
và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh.
d) Trường hợp người có uy tín thuộc đối
tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ với cùng tính chất thì chỉ được hưởng
một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.
3. Tiêu chí, đối
tượng, điều kiện lựa chọn người có uy tín:
a) Tiêu chí lựa chọn người có uy tín:
- Là công dân Việt
Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, cư trú hợp pháp tại Việt Nam;
- Bản thân và gia
đình gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước và các quy định của địa phương;
- Là người tiêu biểu, có nhiều công
lao, đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước, xóa đói
giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết các dân
tộc;
- Hiểu biết về
văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và
có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư;
- Có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong phạm vi nhất định bằng lời nói, qua
việc làm, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm
theo.
b) Đối tượng lựa chọn
Người có uy tín được lựa chọn từ các
đối tượng sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức, lực
lượng vũ trang theo quy định của pháp luật hiện hành có quá trình công tác lâu
năm, có cống hiến cho dân tộc, đất nước đã nghỉ công tác;
- Già làng, trưởng thôn, buôn, trưởng
dòng họ hoặc những người thường được đồng bào dân tộc thiểu số mời thực hiện
các nghi lễ cầu cúng cho gia đình, dòng họ, thôn, buôn;
- Chức sắc, chức việc trong các tôn
giáo (Phật giáo, Tin lành, Công giáo,...) ở vùng dân tộc thiểu số;
- Nhân sỹ, trí thức, doanh nhân, nhà
giáo, người chữa bệnh giỏi hoặc người có điều kiện kinh tế thường giúp đỡ và được
đồng bào tín nhiệm.
c) Điều kiện bình chọn người có uy
tín
- Mỗi thôn, buôn thuộc vùng dân tộc
thiểu số có ít nhất 1/3 số hộ gia đình hoặc số nhân khẩu là người dân tộc thiểu
số được bình chọn 01 (một) người có uy tín;
- Trường hợp thôn, buôn không đủ điều
kiện quy định trên hoặc có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, căn cứ tình
hình thực tế và đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định số lượng người có uy tín được bình chọn,
nhưng tổng số người có uy tín được bình chọn không vượt quá tổng số thôn, buôn
của vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
4. Chế độ, chính
sách đối với người có uy tín:
a) Cung cấp thông tin
- Định kỳ hoặc đột xuất người có uy
tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới về chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các Chương trình,
dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương;
- Người có uy tín được cấp (không thu
tiền): 01 tờ Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc; 01 tờ báo Đắk Lắk;
- Người có uy tín được tập huấn, bồi
dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng
hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng;
- Người có uy tín được thăm quan, học
tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây
dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc do UBND tỉnh xác định, thực hiện.
b) Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần
Theo phân cấp quản
lý thực hiện chính sách, người có uy tín được:
- Thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết
Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số không quá 02 lần/năm; mức chi không quá 500.000 đồng/người/lần;
- Thăm hỏi, hỗ trợ người có uy tín bị
ốm đau, mức chi: không quá 3.000.000 đồng/người/năm đối với cấp Trung ương;
không quá 1.500.000 đồng/người/năm đối với cấp tỉnh; không
quá 800.000 đồng/người/năm đối với cấp huyện;
- Thăm hỏi, hỗ trợ hộ gia đình người
có uy tín gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn). Mức chi không quá 2.000.000 đồng/gia
đình/năm đối với cơ quan Trung ương; không quá 1.000.000 đồng/gia đình/năm đối
với cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/gia đình/năm đối với cơ quan cấp
huyện;
- Thăm viếng, động viên khi người có
uy tín, thân nhân trong gia đình (bố, mẹ, vợ, chồng, con)
qua đời. Mức chi không quá 2.000.000 đồng/trường hợp đối với cơ quan Trung ương; không quá 1.000.000 đồng/trường hợp đối với
cơ quan cấp tỉnh; không quá 500.000 đồng/trường hợp đối với
cơ quan cấp huyện;
c) Khen thưởng
Người có uy tín có thành tích xuất sắc
trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự,
giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản
hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng.
5. Kinh phí thực
hiện chính sách
1. Kinh phí để thực hiện chính sách đối
với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số do
ngân sách nhà nước bảo đảm.
2. Ngân sách địa phương bảo đảm cho
các hoạt động triển khai thực hiện chế độ, chính sách tại địa phương và được cân
đối trong dự toán ngân sách hàng năm của các tỉnh, theo phân cấp quy định tại
Luật Ngân sách nhà nước.
3. Việc lập dự toán, chấp hành và quyết
toán kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Quyết định này thực hiện theo
quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn liên quan.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với
các Sở, ngành, cơ quan liên quan:
a) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, tổng
kết, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này; xây dựng và tổ chức triển
khai thực hiện kế hoạch hàng năm của Ban dân tộc.
b) Thực hiện cấp báo Đắk Lắk; báo Dân
tộc và Phát triển cho người có uy tín; tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin,
tài liệu cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, thực hiện chính
sách và vận động người có uy tín ở các địa phương.
c) Tổ chức đón tiếp, tặng quà cho các
đoàn người có uy tín tiêu biểu của các tỉnh bạn đến thăm và làm việc tại tỉnh;
Tổ chức thăm hỏi, giao lưu, gặp gỡ, hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, biểu
dương, khen thưởng người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc ở các vùng dân tộc thiểu
số trên địa bàn tỉnh.
d) Tổ chức tập huấn, cung cấp thông
tin, tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho người có uy tín
trong đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng quy định.
2. Sở Tài chính hướng dẫn cơ chế tài
chính quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Kế hoạch này;
bố trí kinh phí thực hiện chính sách theo phân cấp quy định của Luật Ngân sách
Nhà nước.
3. Công An tỉnh chủ trì, phối hợp với
Ban Dân tộc và các ngành liên quan thực hiện chính sách quy định tại Kế hoạch này đối với người có uy tín được phân công quản lý.
4. Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với Ban Dân tộc, các Sở, ngành và các địa phương liên quan chỉ đạo
các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông
tin, tuyên truyền thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của
người có uy tín với các hình thức đa dạng, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số.
5. Các Sở, ngành liên quan theo chức
năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Ban
Dân tộc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu
quả các chính sách quy định tại Kế hoạch này.
6. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp và tham gia giám sát thực hiện chính sách theo quy định.
7. Ủy ban Nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện)
a) Chịu trách nhiệm
trực tiếp, toàn diện việc lập danh sách, phân cấp quản lý, phân công thực hiện
chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương.
b) Chỉ đạo và giao Phòng Dân tộc huyện
chủ trì, phối hợp với các phòng, ban chức năng xây dựng kế hoạch thực hiện hàng
năm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương để triển
khai thực hiện Kế hoạch này cho phù hợp và thiết thực.
c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của
địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện chính sách
đúng đối tượng, đúng chế độ và kịp thời; sơ kết, tổng kết, đánh giá và báo cáo
kết quả thực hiện chính sách định kỳ 6 tháng (báo cáo trước
ngày 15/6) và hàng năm (báo cáo trước ngày 05/12) gửi Ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Trên đây là Kế
hoạch Triển khai thực hiện hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của
Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính
sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị các cơ quan đơn vị có liên quan, UBND
các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai
thực hiện Kế hoạch nếu có vướng mắc, đề nghị các Sở, ban,
ngành, địa phương báo cáo về UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc) để chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận:
- Ủy Ban Dân tộc; (báo cáo)
- Vụ DTTS, Ủy ban Dân tộc; (báo cáo)
- Vụ Địa phương II; (báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Thường trực HĐND tỉnh; (báo cáo)
- CT, Phó CT.
UBND tỉnh (đ/c Võ Văn Cảnh);
- Các Sở, ban ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- Phó CVP UBND tỉnh (đ/c Nguyễn Tiến Dũng);
- Lưu: VT, NC (Vk.25b).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Văn Cảnh
|