ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 80/KH-UBND
|
Thanh Hóa, ngày 01 tháng 07 năm 2013
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1110/2012/QĐ-TTG NGÀY 17/8/2012 VÀ QUYẾT
ĐỊNH SỐ 44/2012/QĐ-TTG NGÀY 15/10/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
Thực hiện Quyết
định số 1110/QĐ-TTg ngày 17/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch
tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg
ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của
lực lượng phòng cháy và chữa cháy; căn cứ Kế hoạch số 289/KH-BCA-C61 ngày 07/12/2012
của Bộ Công an, UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch triển khai như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Quán triệt quan
điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và những yêu cầu đối với việc tổ
chức thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng
cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; công
tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy được quy định trong
các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tới cấp, các ngành và nhân dân nắm rõ, từ
đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, của
toàn thể cán bộ, công nhân viên và nhân dân đối với công tác phòng cháy, chữa
cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2. Cụ thể hóa nội
dung, yêu cầu, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày
17/8/2012; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ
để triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các yêu cầu đề ra.
II. NỘI DUNG KẾ
HOẠCH VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Tổ chức tuyên
truyền nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Quyết định số 1110/QĐ-TTg về Quy
hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và
cứu nạn, cứu hộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg
về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy đến các cơ quan,
tổ chức và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác
phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
2. Triển khai thực
hiện có hiệu quả Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của Chủ tịch UBND
tỉnh về việc phê duyệt Đề án thành lập “Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy
tỉnh Thanh Hóa”. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết về cơ sở vật
chất, tổ chức bộ máy, lực lượng, phương tiện, sớm triển khai thành lập Sở Cảnh
sát phòng cháy và chữa cháy để đi vào hoạt động khi được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt.
3. Thành lập các
Đội phòng cháy chữa cháy cơ sở làm việc theo quy định tại các khu công nghiệp,
khu kinh tế và những cơ sở trọng điểm; thành lập và duy trì hoạt động của lực
lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở và lực lượng dân phòng ở cơ sở trên địa bàn
toàn tỉnh.
4. Tổ chức thực
hiện công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy theo quy
định của pháp luật, đảm bảo sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, kịp thời tiếp
nhận thông tin và xử lý các sự cố, tai nạn xảy ra.
5. Đầu tư trang bị
phương tiện cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC, trước mắt trong giai đoạn 2013
- 2015 đảm bảo ở các địa phương, cơ sở đều được trang bị các phương tiện cứu
nạn thông thường để có khả năng giải quyết các vụ cháy, tai nạn ngay từ ban
đầu.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Giám đốc các
sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành
phố, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh chủ động triển
khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn,
cứu hộ trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý. Chú trọng xây dựng, củng cố
lực lượng PCCC chuyên ngành, PCCC cơ sở, dân phòng đảm bảo thường xuyên, chủ
động, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH. Tổ chức tuyên truyền, huấn
luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH cho lực lượng PCCC; trang bị phương tiện cứu
nạn, cứu hộ phù hợp với tính chất, đặc điểm và yêu cầu công tác cứu nạn, cứu hộ
trên từng lĩnh vực, địa bàn quản lý.
2. Sở Thông tin và
Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố, Đài phát thanh truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh
Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công
tác tuyên truyền Quyết định số 1110/QĐ-TTg và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ để nhân dân biết đầu mối tiếp nhận và xử lý thông tin các
sự cố, tai nạn và yêu cầu cứu nạn cứu hộ là lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua
số điện thoại 114.
3. Sở Nội vụ phối
hợp với Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan hoàn thiện đề án về tổ
chức bộ máy, biên chế theo quy định để triển khai thành lập Sở Cảnh sát phòng
cháy, chữa cháy theo Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của Chủ tịch
UBND tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính hàng năm thực hiện việc thẩm định các đề xuất về kinh phí,
trang bị phương tiện phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực
lượng PCCC; kinh phí, mua sắm phương tiện phục vụ việc triển khai thành lập Sở
Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (phần ngân sách địa phương đảm nhiệm), trình
UBND tỉnh phê duyệt theo quy định của pháp luật.
5. Sở Xây dựng, Sở
Tài nguyên và Môi trường, Viện quy hoạch - kiến trúc, Công ty TNHH MTV cấp
nước, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, các đơn vị có liên quan
phối hợp với Công an tỉnh trong việc lập quy hoạch xây dựng bến bãi lấy nước
chữa cháy, trụ lấy nước chữa cháy, hệ thống giao thông phục vụ chữa cháy tại
các thành phố, thị xã, thị trấn, khu đô thị, khu công nghiệp, khu vực có nguy
cơ cháy cao; đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định quy hoạch xây dựng doanh trại
cho Sở Cảnh sát PCCC và các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH khu vực, đáp ứng yêu
cầu, nhiệm vụ được giao.
6. Ban Quản lý khu
kinh tế Nghi Sơn khẩn trương thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu
hộ theo quy định tại Điều 21 của Luật phòng cháy và chữa cháy (hoàn thành trong
năm 2013), đồng thời xây dựng và triển khai phương án PCCC và CNCH cho các đơn
vị liên quan thuộc phạm vi quản lý và các khu vực sản xuất, kho bãi có nguy cơ
cháy nổ cao.
7. Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố:
- Phối hợp với các
đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ, đặc
biệt là Quyết định số 1110/QĐ-TTg và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ đến mọi người dân nắm rõ. Chỉ đạo việc thành lập và duy trì hoạt động
của lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng dân phòng. Phấn đấu mục tiêu 100% đơn vị
cấp xã, phường có đội dân phòng, 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC có
đội PCCC cơ sở. Chủ động phối hợp lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tổ
chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC cơ sở
và dân phòng, đảm bảo lực lượng này hoạt động có hiệu quả.
- Ủy ban nhân dân
thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, Sầm Sơn, UBND các huyện Thọ Xuân, Tĩnh Gia
phối hợp với các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp đất, kinh phí xây
dựng trụ sở các đơn vị Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã thành lập trên địa
bàn quản lý, góp phần nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, công tác của cán bộ chiến
sĩ Cảnh sát PCCC, nâng cao hiệu quả hoạt động phòng cháy chữa cháy trên địa bàn
quản lý.
- Tiếp tục đầu tư
kinh phí, trang bị dụng cụ, phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng
PCCC cơ sở và dân phòng tại địa phương theo quy định, góp phần phòng ngừa, hạn
chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
8. Công an tỉnh:
- Chủ trì xây dựng
đề án về tổ chức bộ máy và nhân sự Sở Cảnh sát PCCC, phối hợp với Sở Nội vụ
hoàn thiện các nội dung liên quan để triển khai thành lập Sở Cảnh sát phòng
cháy, chữa cháy theo Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 24/4/2013 của Chủ tịch UBND
tỉnh.
- Phối hợp với Sở
Tài chính lập dự trù kinh phí triển khai thực hiện các phần việc trong Quyết
định số 1110/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính
phủ do kinh phí địa phương đảm nhận, đề xuất trang bị phương tiện cứu nạn, cứu
hộ chuyên dùng trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà
nước và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
- Phối hợp với các
sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp đóng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, huấn luyện,
bồi dưỡng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho các lực lượng phòng cháy và chữa cháy
và các lực lượng khác theo yêu cầu.
- Sử dụng số điện
thoại 114 để tiếp nhận và xử lý tin báo cháy, các sự cố, tai nạn, yêu cầu cứu
nạn, cứu hộ; tổ chức thường trực đảm bảo quân số thường trực 24/24h sẵn sàng
tiếp nhận, trực tiếp xử lý các sự cố, tai nạn; chỉ đạo thực hiện công tác cứu
nạn, cứu hộ theo đúng quy định của pháp luật về tìm kiếm cứu nạn.
- Xây dựng Phương
án xử lý các tình huống khẩn cấp về cháy, nổ lớn và các tình huống cứu nạn, cứu
hộ nghiêm trọng trình UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh tổ
chức triển khai đến các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan.
- Tham mưu cho Ban
chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo xây dựng quy chế
phối hợp, chỉ huy với các lực lượng khác trong trường hợp sự cố, tai nạn vượt
quá khả năng của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các sở, ban,
ngành, đoàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp; UBND các huyện, thị xã, thành phố
theo chức năng nhiệm vụ được giao, căn cứ Quyết định số 1110/QĐ-TTg ngày
17/8/2012; Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ
và nội dung kế hoạch này để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu
quả công tác PCCC và CNCH. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện,
gửi báo cáo về Công an tỉnh để tổng hợp, theo dõi chung.
2. Công an tỉnh
hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện Kế hoạch này và tổng
hợp tình hình, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Công an theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT; NC (2).
|
CHỦ TỊCH
Trịnh Văn Chiến
|