ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 79/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
31 tháng 5 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
“HỖ
TRỢ PHỤ NỮ KHỞI NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2018 - 2025”
Thực hiện Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của
Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”;
Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển
doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng
tạo quốc gia đến năm 2025”; Hướng dẫn số 09/HD-ĐCT ngày 30/6/2017 của Đoàn Chủ
tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam về việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ
nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Quyết định số 1354/QĐ-UBND ngày
27/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch bồi dưỡng
đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn
2018-2025” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện hiệu
quả các hoạt động Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đến Hội
LHPN các cấp, các đơn vị, tổ chức; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận
thức, kiến thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp và khởi sự doanh nghiệp đến
cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân trong phát triển kinh tế của tỉnh; về
chính sách, luật pháp của Nhà nước đối với khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, từ
đó khơi dậy tinh thần ý tưởng kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp trong phụ nữ.
- Biểu dương, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo khởi
nghiệp, tạo sự lan tỏa về tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, ươm mầm, phát
triển, khuyến khích các ý tưởng kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới.
- Bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân nữ có trình độ; khả
năng quản lý, điều hành doanh nghiệp và tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả
thông qua lớp bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về khởi sự doanh nghiệp.
- Nhằm khuyến khích, vận động hội viên, phụ nữ tích
cực tham gia vào các Tổ hợp tác, Hợp tác xã tại địa phương, góp phần thực hiện
có hiệu quả các hoạt động phát triển kinh tế tập thể của tỉnh.
2. Yêu cầu:
- Khảo sát các đối tượng là: chủ hộ kinh doanh cá
thể, chủ hộ kinh doanh trong làng nghề, chủ hộ kinh doanh trang trại và các hội
viên, phụ nữ trẻ có ý tưởng và muốn khởi nghiệp kinh doanh; các tổ hợp tác, hợp
tác xã, doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ của phụ nữ mới thành lập để thu thập thông
tin, số liệu về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, nhằm dự báo nhu cầu nghề
và việc làm của phụ nữ; qua đó có kế hoạch định hướng nghề, khởi nghiệp tương
lai cho phụ nữ.
- Đối tượng hỗ trợ: Là phụ nữ, trong đó quan tâm hỗ
trợ với phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh,
các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ. Ưu
tiên phụ nữ thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ
khuyết tật, phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp.
- Các hoạt động thực hiện Đề án phải đảm bảo tính
thiết thực, hiệu quả, đúng mục đích.
- Qua từng năm, kết thúc các hoạt động thực hiện Đề
án đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc và
đề xuất phương hướng, những giải pháp chủ yếu có tính khả thi nhằm nâng cao chất
lượng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp cho những năm tiếp theo.
II. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
- Nâng cao hiểu biết của phụ nữ về chủ trương,
chính sách pháp luật, các thành phần kinh tế liên quan đến phát triển nghề nghiệp,
khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng,
sức sáng tạo của phụ nữ.
- Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và
sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể,
doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất
lượng, bền vững, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về phát triển
doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
- Góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm hỗ
trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp đảm bảo bình đẳng giới trên
lĩnh vực kinh tế.
2. Mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh đạt được các mục
tiêu sau:
- 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và cán bộ các
sở, ngành tham gia triển khai Kế hoạch được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ
trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
- 70% hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao
nhận thức về việc làm, khởi nghiệp.
- Hỗ trợ 320 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp
(mỗi năm hỗ trợ 40 phụ nữ).
- Phối hợp, hỗ trợ thành lập hơn 19 HTX, THT do phụ
nữ quản lý (trong đó mỗi năm phối hợp thành lập ít nhất 01 HTX do phụ nữ quản
lý).
- 1.590 hội viên, phụ nữ có ý tưởng thành lập doanh
nghiệp hoặc các doanh nghiệp nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ về mọi lĩnh vực
(pháp lý, vốn,...) (mỗi năm, tư vấn, hỗ trợ khoảng 199 thành viên).
III. ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ
- Phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh
nghiệp; phụ nữ có nhu cầu khởi sự kinh doanh; các THT, HTX, doanh nghiệp mới
thành lập do phụ nữ làm chủ; các tổ chức tài chính vi mô của Hội; các Hiệp hội,
Hội, CLB doanh nhân nữ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội. Ưu tiên phụ nữ
thuộc hộ nghèo, khó khăn, phụ nữ là người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật,
phụ nữ sống tại địa bàn khó khăn, địa bàn chuyển đổi đất nông nghiệp.
- Các sở, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có
liên quan tham gia thực hiện các hoạt động của Kế hoạch.
1. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018-2025.
2. Địa bàn thực hiện: tại cấp tỉnh và 14 huyện,
thành phố.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tổ chức tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng
cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi
nghiệp, phát triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển
kinh tế cho cán bộ Hội các cấp, đơn vị trực thuộc
a) Chỉ tiêu:
Giai đoạn 1 (2018-2020):
- 90% cán bộ Hội chuyên trách các cấp và cán bộ các
sở, ngành tham gia triển khai Kế hoạch được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ
trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.
- 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao
nhận thức về việc làm, khởi nghiệp.
- Xây dựng và in ấn tài liệu tuyên truyền, phổ biến;
thiết kế/in ấn các biểu mẫu khảo sát; viết tin, bài, hình ảnh đưa tin về phụ nữ
khởi nghiệp trên Trang thông tin điện tử của Hội...
- Vận động, hỗ trợ xây dựng một số mô hình thí điểm
tuyên truyền tại cộng đồng trong 2-3 năm đầu dự kiến ở 3-4 huyện, thành phố đại
diện cho vùng miền (nếu có), sơ kết rút kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng.
Giai đoạn 2 (2021 - 2025)
- Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc
làm, khởi nghiệp và duy trì viết tin, bài, hình ảnh đưa tin về phụ nữ khởi nghiệp
trên Trang thông tin điện tử của Hội...
- Tiếp tục vận động, hỗ trợ xây dựng các mô hình
thí điểm tuyên truyền tại cộng đồng ở 2-3 huyện, thành phố, sơ, tổng kết rút
kinh nghiệm để triển khai trên diện rộng. Chỉ đạo nhân rộng mô hình thí điểm tại
các huyện, thành phố (nếu có).
b) Nội dung, giải pháp:
- Tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức
về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp, phát
triển kinh doanh; vai trò, vị trí của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế.
- Tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng,
Nhà nước; giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa của phụ nữ mới khởi nghiệp, doanh
nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ...
- Xây dựng và duy trì viết tin, bài, hình ảnh đưa
tin về phụ nữ khởi nghiệp; phát triển kinh doanh trên trang thông tin điện tử của
Hội, các trang báo của địa phương.
c) Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng về khởi
nghiệp, phát triển kinh doanh
- Vận động, hỗ trợ xây dựng mô hình điểm tại 3-4
huyện, thành phố đại diện vùng miền, theo nhóm đối tượng, hình thức tuyên truyền,
nội dung chính sách cụ thể, kết quả các gương điển hình thực hiện Kế hoạch; sau
2 năm sơ/tổng kết rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng (nếu có);
- Lồng ghép truyền thông tại các cuộc sinh hoạt tổ/nhóm,
Câu lạc bộ, các mô hình hoạt động của Hội.
2. Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, phát triển kinh doanh
và khởi nghiệp
a) Chỉ tiêu:
Giai đoạn 1 (2018-2020):
- Hỗ trợ 120 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp;
- Cấp tỉnh phối hợp với LMHTX tỉnh, Hội LHPN các cấp
vận động, hỗ trợ thành lập tối thiểu từ 6 - 7 mô hình kinh tế tập thể
(HTX/THT). Ưu tiên hỗ trợ thành lập tại các đơn vị có nhu cầu, có ý tưởng sáng
tạo...;
- Chủ động và phối hợp với ngành liên quan nâng cao
năng lực cho trên 660 lượt cán bộ Hội chuyên trách các cấp (tỉnh, huyện, xã) và
hơn 500 hội viên, phụ nữ có ý tưởng thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nữ
mới được thành lập về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành, kết nối
các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp...
Giai đoạn 2 (2021 - 2025):
- Tiếp tục hỗ trợ 200 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi
nghiệp;
- Tiếp tục phối hợp với LMHTX tỉnh, Hội LHPN các cấp
vận động, hỗ trợ thành lập tối thiểu từ 13 - 14 mô hình kinh tế tập thể
(HTX/THT). Ưu tiên hỗ trợ thành lập tại các đơn vị có nhu cầu, có ý tưởng sáng
tạo...;
- Chủ động và phối hợp với ngành liên quan nâng cao
năng lực cho khoảng 350 lượt cán bộ Hội các cấp (tỉnh, huyện, xã) và khoảng 700
hội viên, phụ nữ có ý tưởng thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nữ mới được
thành lập về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành, kết nối các đơn vị
hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp...
b) Nội dung, giải pháp:
b1) Hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo
- Tổ chức Ngày Phụ nữ khởi nghiệp:
+ Căn cứ hướng dẫn của Trung ương Hội, phát động
Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, lựa chọn thông điệp và chủ đề phù hợp với từng năm.
+ Phối hợp với các cơ quan liên quan, hướng dẫn phụ
nữ cách xây dựng ý tưởng/dự án kinh doanh để tham dự Ngày Phụ nữ khởi nghiệp và
tìm kiếm nhà đầu tư.
+ Tiếp nhận các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ đăng ký
dự thi; sàng lọc, xét duyệt, phân loại các ý tưởng có tính khả thi.
+ Hưởng ứng/phối hợp tham gia tổ chức các sự kiện kết
nối nguồn lực để hỗ trợ hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, đổi mới của phụ nữ
đã được lựa chọn; khuyến khích/vận động/hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu phát
triển về chất lượng và quy mô.
+ Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân phụ
nữ có ý tưởng/công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao (sản xuất/ kinh
doanh sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường... đem lại lợi ích cho phụ nữ
và cộng đồng).
- Hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp
cho phụ nữ có ý tưởng kinh doanh khả thi:
+ Phối hợp và chủ động tổ chức các lớp tập huấn,
đào tạo nghề, đào tạo kiến thức về khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp,
phát triển doanh nghiệp; tiếp cận vốn tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
xây dựng thương hiệu/sở hữu trí tuệ ...
+ Tổ chức các lớp giáo dục tài chính; hướng dẫn quản
lý, sử dụng vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phụ nữ có ý tưởng khởi
nghiệp.
+ Giới thiệu, tư vấn, kết nối cho phụ nữ có ý tưởng
kinh doanh, khởi nghiệp tham gia các lớp đào tạo nghề, đào tạo kiến thức khởi sự
kinh doanh do các Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các chương
trình hỗ trợ khởi nghiệp khác.
+ Bổ sung tài liệu về kiến thức khởi sự kinh doanh,
phát triển doanh nghiệp có lồng ghép giới trên cơ sở các tài liệu hiện hành.
- Hỗ trợ pháp lý, xây dựng thương hiệu, sở hữu trí
tuệ cho phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp có sự đổi mới sáng tạo:
+ Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp
tác, tổ liên kết, hộ kinh doanh cá thể của phụ nữ đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu,
bảo hộ thương hiệu sản phẩm; đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sáng chế, các sản
phẩm sản xuất/sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương. Giới thiệu các sản phẩm
đặc sắc về Hội LHPN tỉnh để kết nối với các ngành chức năng (Sở Công Thương, Sở
Kế hoạch và Đầu tư ...) để tư vấn pháp lý và hỗ trợ trong tiêu thụ đầu ra của
các sản phẩm trong khả năng của các đơn vị liên quan.
+ Phát hiện, giới thiệu các cá nhân, nhóm cá nhân
là nữ có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng
nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới...
để được hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc
gia đến năm 2025”.
+ Tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm.
- Hỗ trợ tiếp cận tín dụng:
+ Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nữ mới thành lập
có nhu cầu tiếp cận tín dụng từ các Tổ chức tín dụng, các Quỹ tín dụng trong
chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của quốc gia, Quỹ quốc gia giải quyết
việc làm (120) và các nguồn Quỹ tại địa phương.
+ Hỗ trợ vốn cho những phụ nữ có đăng ký kinh doanh
(doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể) phát triển kinh
doanh thông qua vốn chủ động từ Hội và các tổ chức tín dụng.
b2) Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các
doanh nghiệp nữ mới thành lập
- Phối hợp và chủ động tập huấn, đào tạo kiến thức,
đào tạo nghề; kết nối cung - cầu/xúc tiến thương mại, tổ chức đối thoại giữa
doanh nghiệp nữ với chính quyền...).
- Tư vấn, hỗ trợ các DN nữ tiếp cận các nguồn lực:
về vốn, pháp lý, khoa học công nghệ...
- Giới thiệu/kết nối các DN nữ để giới thiệu sản phẩm,
kết nối cung - cầu thông qua trang thông tin điện tử của Hội, các kênh thông
tin địa phương...
b3) Hoạt động liên kết: Hỗ trợ phát triển hợp
tác xã, tổ hợp tác/tổ liên kết
- Phối hợp và chủ động tổ chức các lớp đào tạo,
nâng cao năng lực quản lý điều hành cho Ban quản lý HTX/THT.
- Tư vấn, tập huấn cho Ban Quản lý các hợp tác xã,
tổ hợp tác/tổ liên kết liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp.
- Phối hợp tư vấn, đào tạo nghề phi nông nghiệp và
nông nghiệp cho thành viên hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết.
- Phối hợp hỗ trợ HTX/THT/TLK tiếp cận các nguồn vốn
của Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Quỹ hỗ trợ tín dụng của địa phương, các nguồn Quỹ của Hội nhằm đổi mới, ứng dụng
khoa học công nghệ và phát triển sản xuất của HTX/THT/TLK.
- Tổ chức các hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm nâng
cao kiến thức phát triển doanh nghiệp.
b4) Tăng cường năng lực cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ
khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp
- Hỗ trợ nâng cao năng lực của cán bộ Hội chịu
trách nhiệm đầu mối phụ trách hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển
doanh nghiệp về kỹ năng kinh doanh, kỹ năng quản lý, điều hành, kết nối các đơn
vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
- Tăng cường vận động hỗ trợ nguồn lực về cơ sở vật
chất, hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển
kinh doanh.
- Tham gia là thành viên các tổ chức hỗ trợ phụ nữ
sáng tạo, đổi mới khởi nghiệp và phát triển kinh doanh.
3. Nghiên cứu chính sách, kiểm tra giám sát việc
thực hiện chính sách luật pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh
a) Chỉ tiêu:
Giai đoạn 1 (2018 - 2020):
- Phối hợp nghiên cứu ít nhất từ 01 đến 02 chính
sách để đề ra giải pháp liên quan hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh
doanh;
- Phối hợp, tham gia ít nhất 02 cuộc kiểm tra, giám
sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp,
khởi nghiệp cho phụ nữ.
Giai đoạn 2 (2021 - 2025):
- Phối hợp nghiên cứu, ít nhất 01 chính sách, để đề
ra giải pháp liên quan hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh;
- Phối hợp, tham gia ít nhất từ 04 đến 05 cuộc kiểm
tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển
doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ.
b) Nội dung, giải pháp:
b1) Phối hợp nghiên cứu đánh giá về hoạt động hỗ trợ
phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh
- Phối hợp, tham gia nghiên cứu chính sách để đề ra
giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp theo đối tượng, khu
vực.
- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do nữ
làm chủ (tập trung cho doanh nghiệp siêu nhỏ) để đề xuất các giải pháp hỗ trợ
thực hiện.
- Phối hợp đề xuất giải pháp tổ chức tư vấn, đối
thoại chính sách về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp có hiệu
quả.
b2) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách,
pháp luật liên quan đến phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ
- Giám sát việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến
pháp luật và thực thi chính sách về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ
nữ theo Quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên.
- Phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách,
luật pháp về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ.
- Tham gia góp ý xây dựng văn bản đề xuất chính sách
về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp cho phụ nữ.
b3) Giám sát, đánh giá thực hiện
- Phối hợp tham gia tổ chức các đoàn kiểm tra, giám
sát thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch. Định kỳ hằng năm báo cáo đánh giá kết
quả thực hiện và báo cáo đột xuất theo yêu cầu.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham gia các
đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá việc thực hiện Kế hoạch.
4. Tổ chức sơ kết, tổng kết
V. KINH PHÍ
1. Kinh phí thực hiện
- Hàng năm, Hội LHPN tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch
hoạt động và dự toán kinh phí, lồng ghép từ chương trình/dự án với các sở,
ngành liên quan để thực hiện.
- Dự kiến kinh phí thực hiện:
+ Năm 2018:
|
729.100.000 đồng
|
+ Năm 2019:
|
1.511.400.000 đồng
|
+ Năm 2020:
|
1.443.500.000 đồng
|
+ Năm 2021:
|
1.431.100.000 đồng
|
+ Năm 2022:
|
1.369.700.000 đồng
|
Tổng:
|
6.484.800.000 đồng
|
Trong đó:
|
Ngân sách tỉnh hỗ trợ:
|
4.511.300.000 đồng
|
Kinh phí xã hội hóa:
|
1.973.500.000 đồng
|
- Từ năm 2023 trở đi - thời kỳ ổn định ngân sách mới,
Hội LHPN tỉnh lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh
xem xét, phê duyệt triển khai trong những năm tiếp theo.
2. Cơ chế tài chính
- Kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện Kế
hoạch thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện
hành và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh,
các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Ngân
sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan theo nguyên tắc như
sau:
+ Ngân sách tỉnh bảo đảm kinh phí đối với các nội
dung công việc do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các sở, ngành thực hiện như: xây
dựng triển khai mô hình điểm, sơ/ tổng kết...;
+ Đối với một số hoạt động được lồng ghép vào hoạt
động của một số chương trình, đề án hiện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
(Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG xây dựng nông
thôn mới; Chương trình Đào tạo, nâng cao năng lực cho DNNVV; Chương trình
120....): căn cứ vào kế hoạch hoạt động đề xuất của Hội LHPN tỉnh, các sở/ngành
liên quan chủ trì các chương trình, đề án được lồng ghép, xem xét bố trí kinh
phí phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức thực hiện đảm bảo mục tiêu đặt ra.
+ UBND các huyện, thành phố bố trí kinh phí đối với
các nội dung công việc do Hội LHPN huyện thuộc địa phương quản lý và các nội
dung công việc do các cơ quan tại địa phương thực hiện.
- Căn cứ vào hướng dẫn của Hội LHPN tỉnh về các nội
dung công việc cần triển khai để thực hiện Đề án, Hội LHPN các huyện, thành phố
xây dựng Kế hoạch giai đoạn hoặc hàng năm xây dựng Kế hoạch hoạt động và lập dự
toán ngân sách trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt làm cơ sở thực hiện;
báo cáo kết quả thực hiện về Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh.
- Hàng năm, Hội LHPN tỉnh xây dựng Kế hoạch hoạt động
và dự toán kinh phí đề xuất lồng ghép từ chương trình/dự án với các sở, ngành
liên quan... để thực hiện.
- Tăng cường việc xã hội hóa để thực hiện một cách
hiệu quả, thiết thực. Huy động nguồn kinh phí của các tổ chức, các doanh nghiệp,
cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Kế hoạch. Việc quản lý và sử
dụng kinh phí được thực hiện theo các quy định hiện hành.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hội LHPN tỉnh
- Là cơ quan chủ trì triển khai thực hiện các hoạt
động của Kế hoạch.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động đã được phê duyệt,
phối hợp đồng bộ với các sở, ngành trong quá trình thực hiện, phân công các
ban, đơn vị trực thuộc của tỉnh Hội làm đầu mối tham mưu, triển khai thực hiện
các hoạt động.
- Tổ chức triển khai, đánh giá; hướng dẫn sơ kết, tổng
kết; xây dựng Kế hoạch thực hiện hàng năm, giai đoạn; hướng dẫn triển khai; kiểm
tra giám sát.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện; bổ sung, điều
chỉnh hoạt động của Kế hoạch đảm bảo phù hợp thực tế, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, quyết định.
2. Sở Tài chính
Cùng với thời điểm lập dự toán hàng năm, trên cơ sở
dự toán do các đơn vị dự toán cấp 1 tỉnh lập và căn cứ khả năng ngân sách, Sở
Tài chính có trách nhiệm tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối, đề xuất, phân
bổ ngân sách thực hiện Kế hoạch.
- Phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai lồng ghép
hoạt động của Kế hoạch với các chương trình/dự án về hỗ trợ phát triển doanh
nghiệp vừa và nhỏ, khởi nghiệp do Sở chủ trì trên cơ sở kế hoạch hàng năm/giai
đoạn của Hội LHPN tỉnh.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Nghiên cứu, đề xuất, phân bổ kinh phí cho các hoạt
động của Kế hoạch trong lĩnh vực hoạt động do Sở chủ trì; lồng ghép vào các hoạt
động liên quan khác trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN tỉnh.
- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong việc
thực hiện chương trình MTQG giải quyết việc làm (120).
- Phối hợp với Hội và các sở, ngành liên quan tham
gia giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hàng năm và các giai đoạn.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp thực hiện, đề xuất, phân bổ kinh phí cho
các hoạt động Kế hoạch trong lĩnh vực hoạt động do Sở chủ trì: đào tạo nghề
nông nghiệp và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ HTX trong lĩnh vực
nông nghiệp nông thôn trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN tỉnh.
- Phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong việc
thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo nội dung Đề án.
6. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Hội LHPN tỉnh thực hiện các hoạt động
của Đề án lồng ghép trong Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc
gia đến năm 2025”.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển
khai thực hiện Kế hoạch phù hợp với điều kiện địa phương.
- Bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất hàng
năm để triển khai, thực hiện các hoạt động.
- Theo dõi, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Kế hoạch tại địa phương.
- Phối hợp báo cáo việc thực hiện Kế hoạch gửi về Hội
LHPN tỉnh để tổng hợp, báo cáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND tỉnh trước
ngày 14/12 hàng năm.
8. Các sở, ngành
Trên cơ sở Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của
Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai
đoạn 2017-2025”: các sở, ngành, cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ
được phân công, có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch, lồng ghép các hoạt
động Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các Chương trình, Đề án liên quan.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh và các ngành liên quan trong phạm vi, chức
năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch;
lồng ghép các hoạt động Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các Chương trình, Đề án
liên quan.
Trên đây là Kế hoạch Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trên
địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018-2025. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình
triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa
phương phản ánh về Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để được hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Hội LHPN Việt Nam;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Liên đoàn Lao động tỉnh;
- Tỉnh Đoàn Quảng Ngãi;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PCVP(VX), CBTH;
- Lưu: VT, KGVXlmc226.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Ngọc Dũng
|