ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 72/KH-UBND
|
Cần Thơ, ngày
03 tháng 6 năm 2016
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG NGƯỜI CẦN THƠ “TRÍ TUỆ - NĂNG ĐỘNG - NHÂN ÁI - HÀO
HIỆP - THANH LỊCH” THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT SỐ 45-NQ/TW GIAI ĐOẠN 2016-2020
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 15 tháng 7
năm 2011 của Thành ủy về xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự kỷ cương đô thị
trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020;
Thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-HĐND ngày 11 tháng
7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân thành phố, về chất vấn và trả lời chất vấn tại
kỳ họp thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa VIII, nhiệm kỳ 2011 –
2016;
Trên cơ sở đề tài khoa học Xây dựng người Cần
Thơ “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch” theo tinh thần Nghị
quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), do Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ
trì, đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học thành phố nghiệm thu năm 2015;
Ủy ban nhân dân thành phố đề ra kế hoạch xây dựng
người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch” theo tinh
thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) (sau đây gọi tắt là người
Cần Thơ), cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tạo lập môi trường văn hóa – xã hội
lành mạnh, chăm lo phát triển con người một cách toàn diện; xây dựng người Cần
Thơ để phát huy nhân tố con người trong xây dựng và phát triển thành phố thời kỳ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị
(khóa IX). Góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng
yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khóa XI).
2. Xây dựng trong cộng đồng xã hội những
nhận thức, tình cảm, thái độ và sự tự giác, đồng thuận trong xây dựng người Cần
Thơ. Đề ra lộ trình, xác định rõ vai trò, trách nhiệm từng Sở, ban ngành, đoàn
thể, địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến và thực hiện có hiệu quả các
tiêu chuẩn người Cần Thơ. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những nhân tố tích cực;
phát huy, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; kịp thời chấn chỉnh những
hạn chế, thiếu sót trong triển khai xây dựng người Cần Thơ.
II. TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG NGƯỜI
CẦN THƠ
1. Tiêu chuẩn chung của người Cần Thơ:
a) Yêu quê hương, đất nước; góp sức cùng cộng đồng
xây dựng thành phố Cần Thơ văn minh, hiện đại;
b) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; tôn trọng, bảo
vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của người khác;
c) Chuyên cần học tập đạt chuẩn về chuyên môn,
nghề nghiệp; làm tốt chức trách, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp;
d) Lao động có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất, chất
lượng, giá trị gia tăng cao;
đ) Tự trọng, tự tin, khiêm tốn, vui vẻ, hòa nhã
trong giao tiếp, ứng xử với mọi người;
e) Có thái độ thành kính nơi tôn nghiêm, thờ tự,
di tích lịch sử, văn hóa – nghệ thuật;
g) Thờ kính Tổ tiên; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ;
xây dựng gia đình hạnh phúc;
h) Kính trọng thầy giáo, cô giáo; sống có nghĩa,
có tình, tương trợ giúp đỡ đồng bào, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, đồng
chí; thân thiện với du khách;
i) Sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng,
an toàn; bảo vệ môi trường;
k) Không có hành vi bạo lực trong gia đình;
trong trường học; không có hành vi bạo hành trong xã hội.
2. Tiêu chuẩn trí tuệ, năng động, nhân ái,
hào hiệp và thanh lịch của người Cần Thơ:
a) Tiêu chuẩn người Cần Thơ trí tuệ:
Người Cần Thơ trí tuệ là người có nhận thức sâu
sắc, suy xét thấu đáo các vấn đề về tự nhiên, xã hội có liên quan trực tiếp hoặc
gián tiếp đến lĩnh vực chuyên môn, nghề nghiệp và đời sống, cụ thể là:
- Có kiến thức, năng lực tiếp nhận, phân tích,
đánh giá, lựa chọn phương án khả thi để giải quyết những vấn đề liên quan đến
kinh tế, xã hội và đời sống;
- Có tinh thần say mê học tập, học suốt đời vì bản
thân, gia đình vì sự tiến bộ xã hội, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân;
- Có kỹ năng hoàn thành tốt hoạt động chuyên
môn, nghiệp vụ, nghề nghiệp mình đang làm;
- Lao động có kỹ thuật, kỷ luật, năng suất, chất
lượng, giá trị tăng cao;
- Mặt bằng học vấn chung đạt trình độ trung học
phổ thông; trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, lý luận chính trị đạt chuẩn chức
danh, vị trí công tác, nghề nghiệp đang làm.
b) Tiêu chuẩn người Cần Thơ năng động:
Người Cần Thơ năng động là người có tính linh hoạt,
sáng tạo và chủ động, có khả năng cùng cộng đồng góp phần xây dựng và phát triển
thành phố văn minh, hiện đại, cụ thể là:
- Đoàn kết, liên kết, góp sức cùng cộng đồng xây
dựng thành phố văn minh, hiện đại;
- Chủ động, nhiệt tình, sáng tạo để giải quyết
công việc được nhanh chóng, đạt hiệu quả cao;
- Biết tổng kết thực tiễn, đúc kết kinh nghiệm
hay; tìm ra các giải pháp khả thi, đạt hiệu quả cao về kinh tế - xã hội;
- Hăng hái đi đầu trong mọi hoạt động; không chủ
quan, cảm tính, bảo đảm tính khoa học và thực tiễn;
- Kiên định quan điểm, lập trường, hành vi phù hợp
với định hướng chuẩn mực xã hội Xã hội chủ nghĩa.
c) Tiêu chuẩn người Cần Thơ nhân ái:
Người Cần Thơ nhân ái là người biết yêu thương,
tôn trọng con người, có lòng vị tha, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn; biết
bảo vệ chân lý, cụ thể là:
- Tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng,
tài sản của người khác;
- Thờ kinh Tổ tiên; hiếu thảo với ông bà, cha mẹ;
xây dựng gia đình hạnh phúc;
- Kính trọng thầy, cô giáo; sống có nghĩa có
tình, tương trợ giúp đỡ đồng bào, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đồng đội, đồng
chí;
- Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; bồi dưỡng
thế hệ trẻ có phẩm chất tốt, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ
quốc;
- Giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi, gia đình
chính sách; tích cực tham gia phong trào đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo.
đ)Tiêu chuẩn người Cần Thơ hào hiệp:
Người Cần Thơ hào hiệp là người có tinh thần cao
thượng, vị tha, dũng cảm, quên mình vì việc nghĩa, hết lòng vì người khác,
không toan tính thiệt hơn, cụ thể là:
- Trọng danh dự, sống có nghĩa tình, làm việc tốt,
sống có ích, có trách nhiệm với cộng đồng; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật;
- Coi trọng chữ tín trong quan hệ hợp tác, trong
sản xuất, kinh doanh;
- Sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng,
an toàn cho người tiêu dùng; bảo vệ môi trường;
- Sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho cộng
đồng;
- Không có hành vi bạo lực trong gia đình, trong
trường học; không có hành vi bạo hành trong xã hội.
e) Tiêu chuẩn người Cần Thơ thanh lịch:
Người Cần Thơ thanh lịch là người có cuộc sống
trong sáng, lịch thiệp, ứng xử thân thiện, văn minh phù hợp với thuần phong, mỹ
tục, quy ước của cộng đồng, cụ thể là:
- Có thái độ thành kính nơi tôn nghiêm, thờ tự,
di tích lịch sử, văn hóa – nghệ thuật;
- Tôn trọng, lễ phép với người lớn tuổi hơn
mình, phụ nữ, người tàn tật, yêu thương trẻ em, thân thiện với du khách;
- Trang phục gọn gàng, sạch, đẹp phù hợp với thuần
phong mỹ tục, quy ước của cộng đồng;
- Tự trọng, tự tin, khiêm tốn, văn minh lịch sự
trong giao tiếp, ứng xử với mọi người xung quanh;
đ) Tuân thủ quy định về trật tự, kỷ cương đô thị;
giữ gìn và bảo vệ môi trường.
III. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Nội dung thực hiện:
a) Triển khai thực hiện các tiêu chuẩn người Cần
Thơ sâu rộng trong Nhân dân; phân công trách nhiệm cụ thể cho các Sở, Ban
ngành, đoàn thể, địa phương. Vận động tuyên truyền trong mọi tầng lớp dân cư và
du khách đến thành phố thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đưa nội
dung dạy tại các trường trên địa bàn thành phố, kết hợp giáo dục bằng hình thức
nêu gương.
b) Đưa tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ vào
tiêu chí đánh giá rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức
để làm gương cho các tầng lớp nhân dân theo đó mà tự giác thực hiện. Xây dựng,
phát hiện nhân tố điển hình trong cuộc sống thông qua các tình huống, thái độ,
cách cư xử hàng ngày tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Biểu dương, khen
thưởng, vinh danh danh hiệu “ Người Cần Thơ tiêu biểu” hoặc “Người Cần Thơ
danh dự”.
c) Tuyên truyền rộng rãi nội dung tiêu chuẩn xây
dựng người Cần Thơ trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa
truyền thanh, gắn với các cuộc hội, họp sinh hoạt tại cộng đồng dân
cư, để các tầng lớp nhân dân hiểu và tự giác thực hiện. Điều chỉnh, bổ
sung các nội dung tiêu chuẩn người Cần Thơ vào danh hiệu “Người tốt việc tốt”,
“Gia đình văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn văn hóa”, “Xã văn hóa nông thôn mới”,
“Phường, thị trấn văn minh đô thị”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn
văn hóa”.
d) Tổ chức các sự kiện để phát động hoặc lồng
ghép vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa để giới thiệu các tiêu chuẩn xây dựng
người Cần Thơ. Tuyên truyền, cổ động trực quan bằng hình ảnh, video clip, pano,
áp phích. Công bố tiêu chuẩn, đưa vào giáo dục trong các trường học; tổ chức
sinh hoạt ngoại khóa trong nhà trường. Gắn các tiêu chí vào các hoạt động giao
lưu, sinh hoạt văn hóa với các địa phương trong nước và tổ chức nước ngoài để
quảng bá. Hàng năm có tổng kết, đánh giá mức độ thực hiện ở từng cơ quan, đơn vị
để khen thưởng, biểu dương và điều chỉnh nhưng vấn đề chưa phù hợp.
2. Giải pháp thực hiện:
a) Xác định quan điểm, nhận thức dung hòa giữa
giá trị truyền thống và hiện đại trong xây dựng người Cần Thơ với việc phát huy
những chuẩn mực người Việt Nam trong thời kỳ mới. Gắn việc xây dựng người Cần
Thơ với tiêu chuẩn danh hiệu “Người tốt việc tốt”, “Gia đình văn hóa” trong
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
b) Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; tăng
cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống
chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc xây dựng
người Cần Thơ.
c) Tạo sự đồng thuận xã hội giữa các thành phần
dân cư sinh sống trên địa bàn thành phố, giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế,
văn hóa, xã hội… để tập hợp được các lực lượng xã hội trong xây dựng người Cần
Thơ. Gắn các tiêu chuẩn xây dựng người Cần Thơ vào các hoạt động giao lưu, sinh
hoạt văn hóa với các địa phương trong nước và các tổ chức nước ngoài để quảng
bá.
d) Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động
xây dựng người Cần Thơ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt
chuyên đề, ấn phẩm văn hóa, cổ động trực quan, họp dân; tuyên truyền thông qua
hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; tuyên truyền thông
qua các cuộc họp, hội nghị, tập huấn cán bộ chủ chốt…
đ) Đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn người
Cần Thơ. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng,
truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực
hành; vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo, tự học;
khuyến khích học tập suốt đời.
e) Tuyên tuyền, vận động xây dựng người Cần Thơ
theo các giai tầng xã hội có số lượng đông đảo; có vị trí, vai trò quan trọng
trong sự phát triển về chính trị, kinh tế và xã hội của thành phố như: Công nhân,
nông dân, đội ngũ trí thức; cán bộ, công chức, viên chức; doanh nhân, lực lượng
vũ trang; học sinh, sinh viên.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Lộ trình và thí điểm tổ chức
thực hiện:
a) Giai đoạn 2016 – 2017: Chuẩn bị
đầy đủ các nguồn lực, triển khai thí điểm xây dựng người Cần Thơ thuộc một số
giai tầng xã hội tại một số ngành, đơn vị, địa phương để đánh giá rút kinh nghiệm,
cụ thể như sau:
- Công nhân: Công ty Cổ phần đô thị
Cần Thơ;
- Nông dân: Huyện Phong Điền;
- Trí thức: Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Cán bộ, công chức, viên chức: Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Doanh nhân: Hội Doanh nhân trẻ
thành phố;
- Lực lượng vũ trang: Công an
thành phố;
- Sinh viên, học sinh: Trường Cao
đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm.
b) Giai đoạn 2018 – 2020: Triển
khai xây dựng người Cần Thơ trên toàn địa bàn thành phố. Đến cuối năm 2020, tổ
chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện trong thời gian
dài tiếp theo.
2. Trách nhiệm thực hiện:
a) Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị” (gọi tắt là Ban Chỉ đạo)
các cấp tham mưu xây dựng người Cần Thơ, gắn với xây dựng danh hiệu “Người tốt
việc tốt” và các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh
đô thị”. Tham mưu đề ra chỉ tiêu, số liệu cụ thể xây dựng “Người Cần Thơ tiêu
biểu” từng năm, thay cho danh hiệu “Người tốt việc tốt tiêu biểu” trước đây, để
phấn đấu thực hiện.
b) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
– Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố chủ trì, tham mưu đôn đốc, phối hợp với các
Sở, Ban ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch. Hàng năm, tham
mưu tổ chức hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả, phân tích nguyên nhân, rút ra
bài học kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng và triển khai kế hoạch công tác
năm sau. Thường xuyên tổng hợp báo cáo, đề xuất của các Sở, Ban ngành, đoàn thể
thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện về việc thực hiện kế hoạch, báo cáo
Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.
c) Các Sở, Ban ngành, đoàn thể
thành phố Cần Thơ; thành viên Ban Chỉ đạo thành phố lồng ghép nội dung xây dựng
người Cần Thơ vào kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa – văn minh đô thị”
theo từng ngành, lĩnh vực phụ trách; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị
có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch. Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo các cơ
quan, đơn vị thí điểm xây dựng người Cần Thơ thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh
vực; hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
d) Ủy ban nhân dân quận, huyện lập
kế hoạch xây dựng người Cần Thơ, trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành
phố; thí điểm chọn một số giai tầng xã hội thuộc các cơ quan, đơn vị trực thuộc,
để làm điểm chỉ đạo tuyên truyền, vận động xây dựng người Cần Thơ gắn với thực
hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng
nếp sống văn hóa – văn minh đô thị” trên địa bàn.
đ) Các cơ quan, đơn vị thí điểm
xây dựng người Cần Thơ nghiên cứu chi tiết, đầy đủ các nội dung, giải pháp xây
dựng người Cần Thơ theo từng giai tầng xã hội trong đề tài khoa học đã được
nghiệm thu; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch cụ
thể, tổ chức thực hiện; đảm bảo chế độ thông tin, báo cáo kết quả thực hiện và
kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố và Ủy
ban nhân dân thành phố theo đúng quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo.
3. Kinh phí thực hiện:
a) Các sở, Ban ngành, đoàn thể
thành phố lập dự trù kinh phí hàng năm, gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
vào cuối quý III để tổng hợp, thông qua Sở Tài chính, trình Ủy ban nhân dân
thành phố xem xét, phân bổ.
b) Ủy ban nhân dân quận, huyện tổng
hợp dự trù kinh phí hàng năm của các Phòng, Ban, đoàn thể và Ủy ban nhân dân
xã, phường, thị trấn thông qua Phòng Tài chính trình Ủy
ban nhân dân quận, huyện xem xét, phân bổ.
Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu
Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban ngành, đoàn thể thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân
quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- TT. TU;
- TT. HĐND TP;
- TT. UBND TP;
- Các Ban Đảng TU;
- Các Sở, Ban ngành TP;
- Thành viên Ban Chỉ đạo TP;
- UBMTTQVN và các đoàn thể TP,
- UBND các quận, huyện;
- VP UBND TP (3ABC);
- Lưu VT. Tâm
Van hoa/6134 KH xay dung nguoi CanTho
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Tâm
|