ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 52/KH-UBND
|
Bắc Giang, ngày
10 tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TRUYỀN THÔNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN
VỮNG TỈNH BẮC GIANG NĂM 2023
Thực hiện Quyết định số
650/QĐ-LĐTBXH ngày 21/7/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt
Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 4186/KH-UBND ngày 27/8/2022 của UBND tỉnh truyền
thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang giai
đoạn 2021 – 2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch truyền thông về Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm 2023 như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Truyền thông, tuyên truyền kịp
thời những quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về Chương
trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm 2023 (sau đây gọi
tắt là Chương trình giảm nghèo), nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn
xã hội và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, góp phần huy động nguồn lực
thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo bền vững;
- Truyền thông cho các đối tượng
thụ hưởng của Chương trình giảm nghèo và toàn xã hội về các tấm gương điển
hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong
toàn xã hội, khơi dậy khát vọng, tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên
thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
2. Yêu cầu
- Công tác truyền thông phải
làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội thấy được công tác giảm
nghèo bền vững vừa là nhiệm vụ phát triển kinh tế, vừa là nhiệm vụ chính trị
quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; góp
phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và mang tính nhân
văn sâu sắc của dân tộc.
- Nội dung truyền thông về công
tác giảm nghèo phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật;
nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều
kiện thực tế của địa phương; phát huy được sự sáng tạo của các tầng lớp Nhân
dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
- Truyền thông về công tác giảm
nghèo phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, từng ngành, nắm vững,
hiểu rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
nội dung của Chương trình giảm nghèo để mọi người dân biết, hưởng ứng và thực
hiện đúng, kịp thời, hiệu quả.
II. ĐỐI TƯỢNG,
PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Đối tượng truyền thông
Người dân, cán bộ, đảng viên,
công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội. Trong đó, chú trọng truyền
thông cho nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo như người thuộc hộ
nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người khuyết tật có khó khăn về kinh tế,
người dân sinh sống trên các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, cán bộ làm công tác
giảm nghèo các cấp…
2. Phạm vi và thời gian thực
hiện
- Phạm vi thực hiện: Trên phạm
vi toàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Năm
2023.
III. NỘI
DUNG, HÌNH THỨC, GIẢI PHÁP
1. Nội dung
1.1. Tập trung tuyên truyền nhiệm
vụ, mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo của tỉnh năm 2023; chiến lược giảm nghèo chuyển
từ đầu tư giảm nghèo theo diện rộng sang đầu tư giảm nghèo theo chiều sâu; tập
trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó
khăn; đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực
phát triển của người dân, nhất là người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc
thiểu số; đổi mới dạy nghề, tạo việc làm, sinh kế, giảm nghèo bền vững và khuyến
khích làm giàu chính đáng.
1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất
là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Làm cho mọi người nắm vững và hiểu
đúng về các chính sách giảm nghèo, quy trình, cách thực thực hiện và tham gia
các dự án, tiểu dự án cụ thể để phát huy hiệu quả cao nhất có thể.
1.3. Đổi mới, thúc đẩy hiệu quả,
chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại
phía sau”, khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên
thoát nghèo bền vững của địa phương nghèo và người nghèo.
1.4. Truyền thông về các tấm
gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa
trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Phê phán những hạn chế, tiêu cực, những hành vi trục lợi, kìm hãm sự phát triển
trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo.
2. Hình thức
2.1. Truyền thông trên các
phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh tới cơ sở nhằm thông tin, hướng dẫn,
tạo sự đồng thuận trong thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm
nghèo; chú trọng truyền thông qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở.
2.2. Tổ chức cuộc thi các tác
phẩm báo chí viết về công tác giảm nghèo của phong trào thi đua “Vì người
nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
2.3. Tổ chức sơ kết và khen thưởng
tập thể, hộ gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện
Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
2.4. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp
vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ làm công tác giảm
nghèo.
2.5. In ấn, phát hành tài liệu
và các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo
và chính sách giảm nghèo.
2.6. Truyền thông trên mạng
Internet: Khuyến khích công dân thực hiện truyền thông trên các nền tảng số
theo chiến dịch, đăng tải tin, bài, phóng sự, video…
3. Giải pháp
3.1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ
đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng
đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông về giảm nghèo.
3.2. Đẩy mạnh hiệu quả công tác
tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của
toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực
hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo bền vững.
3.3. Đẩy mạnh việc ứng dụng
công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu
quả truyền thông. Xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương
tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng
xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh nhằm nâng cao sự tương tác
và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, đảm bảo mục
tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước và tiếp nhận thông tin, phản ánh
của người dân về việc thực hiện Chương trình giảm nghèo.
3.4. Các cơ quan thực hiện dự
án và các cơ quan truyền thông, báo chí phối hợp xây dựng chuyên trang, chuyên
mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông; tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động
xã hội, hội thảo, hội nghị; sản xuất các tác phẩm truyền hình, phát thanh, báo
viết, báo điện tử về kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả và
gương điển hình vươn lên thoát nghèo.
3.5. Phát triển, tăng cường hoạt
động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo nhằm phục vụ có hiệu quả công tác chỉ
đạo, điều hành; cung cấp thông tin tổng hợp về kết quả tổ chức triển khai thực
hiện Chương trình giảm nghèo; tuyên truyền các chính sách, pháp luật, chủ
trương của Đảng và Nhà nước ta về giảm nghèo đến Nhân dân.
IV. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
1. Ngân sách nhà nước bố trí
nguồn kinh phí từ Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 6 - Truyền thông và giảm nghèo về
thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 cho
các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về giảm nghèo. Các cơ quan, đơn vị chủ
động bố trí kinh phí năm 2023 từ nguồn ngân sách được giao để tổ chức thực hiện.
2. Huy động hiệu quả các nguồn
lực hợp pháp, thực hiện kết hợp các nguồn kinh phí, các chương trình truyền
thông để thực hiện các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững.
3. Khuyến khích các doanh nghiệp,
đơn vị sự nghiệp công lập, báo chí, đài phát thanh, truyền hình tham gia các hoạt
động truyền thông, tuyên truyền về giảm nghèo bền vững.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
- Chủ trì tham mưu và đôn đốc
triển khai Kế hoạch truyền thông về Chương trình giảm nghèo.
- Cung cấp các thông tin cơ bản
về Chương trình giảm nghèo cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo quy định.
- Phối hợp với Sở Thông tin và
Truyền thông, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh
và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tuyên
truyền về nội dung Chương trình giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
- Tổ chức triển khai, theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Thông
tin và Truyền thông
- Chỉ đạo, hướng dẫn Báo Bắc
Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đơn vị có chức năng tuyên truyền…
đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo bằng nhiều hình
thức, nội dung phong phú, phù hợp; chú trọng truyền thông các cá nhân, tập thể,
mô hình giảm nghèo điển hình, tiêu biểu trong công tác giảm nghèo.
- Lồng ghép hoạt động truyền
thông với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình
mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và
miền núi.
- Triển khai các giải pháp về
chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả công tác
truyền thông.
3. Các Sở,
ban, ngành
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được
giao, xây dựng kế hoạch cụ thể và đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt
động truyền thông về Chương trình giảm nghèo; tuyên truyền sâu rộng về Chương
trình giảm nghèo tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân.
- Thường xuyên tổ chức tuyên
truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác giảm
nghèo và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
- Cung cấp văn bản chỉ đạo, kết
quả triển khai thực hiện về công tác giảm nghèo của ngành, đơn vị mình cho các
cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân biết.
4. UBND huyện,
thành phố
- Tổ chức triển khai thực hiện
hiệu quả các hoạt động truyền thông về Chương trình giảm nghèo; chỉ đạo cơ sở
tuyên truyền sâu rộng về Chương trình giảm nghèo, mô hình giảm nghèo tới cán bộ,
đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
- Phối hợp với các đơn vị liên
quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông về
Chương trình giảm nghèo, lồng ghép với nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện
Chương trình giảm nghèo theo quy định.
- Bố trí nguồn kinh phí của địa
phương để thực hiện tuyên truyền, thông tin về công tác giảm nghèo.
- Tổng hợp, báo cáo tình hình
thực hiện kế hoạch truyền thông về Chương trình giảm nghèo, gửi đến Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội.
5. Báo Bắc
Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
- Chủ động xây dựng các tin,
bài, phóng sự, phỏng vấn, video clip; tổ chức các chương trình đối thoại, tọa
đàm trực tuyến liên quan đến các nội dung về công tác giảm nghèo đăng tải trên
các kênh, sóng của đơn vị. Phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan để lựa chọn
nội dung tuyên truyền trọng tâm ở các thời điểm cụ thể.
- Nâng cao chất lượng các
chương trình, chuyên mục, chuyên đề về công tác giảm nghèo trên các loại hình
báo chí để thực hiện nội dung tuyên truyền.
6. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
- Hướng dẫn, chỉ đạo MTTQ các cấp
và Ban công tác Mặt trận khu dân cư, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân tích cực
tham gia thực hiện Chương trình giảm nghèo.
- Tiếp tục tổ chức tốt các cuộc
vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là vận động xây dựng hiệu
quả Quỹ Vì người nghèo, Quỹ cứu trợ các cấp; thực hiện giám sát, phản biện xã hội
gắn với phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía
sau".
Trên đây là Kế hoạch Truyền
thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Bắc Giang năm
2023; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được
giao xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Trước ngày 15/11/2023, báo cáo
kết quả thực hiện đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo
UBND tỉnh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh đến Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Bộ Lao động-TB&XH (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Báo BG; Đài PTTH tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh:
+ LĐVP; TH;
+ Lưu: VT; KGVX.Thảo.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Mai Sơn
|