ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 293/KH-UBND
|
Thừa
Thiên Huế, ngày 11 tháng 8 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI BỘ TIÊU CHÍ ỨNG XỬ TRONG GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA
THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2025
Thực hiện Quyết định số
224/QĐ-BVHTTDL ngày 28/01/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban
hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Quyết định số 979/QĐ-BVHTTDL ngày
26/4/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đến năm 2025, Ủy ban nhân dân
tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử
trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Tập trung tuyên truyền, giáo dục về
giá trị văn hóa truyền thống; phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong
gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; xây dựng nếp sống văn
hóa lành mạnh, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống và tệ nạn xã hội xâm
nhập vào gia đình.
b) Góp phần thực hiện Chiến lược phát
triển gia đình Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.
2. Yêu cầu
a) Đảm bảo sự thống nhất, phối hợp chặt
chẽ, thường xuyên, hiệu quả; nội dung phong phú, thiết thực, phù hợp với tình
hình thực tiễn, tạo sự lan tỏa, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của
đông đảo gia đình, cộng đồng, xã hội.
b) Thường xuyên kiểm tra, giám sát,
đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá
trình thực hiện.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ
PHẠM VI ÁP DỤNG
1. Đối tượng
Bộ tiêu chí áp dụng cho các thành viên
gia đình bao gồm: vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ,
cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể;
anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ
khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha
khác mẹ, cùng mẹ khác cha, anh, chị, em nuôi; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội,
cháu ngoại, cháu nuôi; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; những người gắn
bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng.
2. Phạm vi áp dụng
Bộ tiêu chí này được phổ biến và áp dụng
với mọi gia đình và các thành viên gia đình tỉnh Thừa Thiên Huế.
III. NỘI DUNG BỘ
TIÊU CHÍ
1. Nội dung Bộ tiêu chí ứng xử
trong gia đình
a) Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng,
bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
- Nguyên tắc “Tôn trọng”: Đánh giá
đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá, quan điểm, sự lựa chọn và lợi ích của
nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
- Nguyên tắc “Bình đẳng”: Có nghĩa vụ
và quyền ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình
cho sự phát triển của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát
triển đó.
- Nguyên tắc “Yêu thương”: Có tình cảm
gắn bó, quan tâm chăm sóc nhau.
- Nguyên tắc “Chia sẻ”: Cùng nhau vun
đắp tình cảm, chia sẻ vui buồn, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
b) Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng:
Chung thủy, nghĩa tình.
- Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn
nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
- Yêu thương, quan tâm, chăm sóc,
giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm
nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.
- Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn
nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh
tế, văn hóa, xã hội.
- Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống
nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.
c) Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với
con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho
con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con
cháu.
- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy
bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống,
chăm sóc bản thân.
- Trao truyền các giá trị truyền thống
tốt đẹp, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện
lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.
d) Tiêu chí ứng xử của con, cháu với
cha mẹ, với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.
- Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với
ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ
và các thành viên trong gia đình.
- Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp
gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp
với độ tuổi, giới tính.
- Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi
dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc
sống.
đ) Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em:
Hòa thuận, chia sẻ.
- Anh, chị, em tôn trọng, bảo nhau điều
hay, lẽ phải.
- Anh chị bao dung đối với em, em
kính trọng anh chị.
- Cùng chia sẻ với nhau công việc
chung trong gia đình, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn.
2. Các khẩu hiệu tuyên truyền
- Ứng xử trong gia đình: Tôn trọng,
bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
- Vợ, chồng chung thủy, nghĩa tình.
- Cha mẹ, ông bà gương mẫu, yêu
thương con cháu.
- Con, cháu hiếu thảo, lễ phép với
cha mẹ, ông bà.
- Anh, chị, em trong gia đình hòa thuận,
chia sẻ.
- Hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ,
hạnh phúc, văn minh.
- Gia đình - nơi của yêu thương và
chia sẻ.
- Ông bà, cha mẹ mẫu mực - con, cháu
thảo hiền.
- Giữ gìn và phát huy truyền thống
văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình.
- Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ
giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN
1. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận
thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng, người dân về sự cần thiết
của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đối với việc xây dựng lối sống lành mạnh,
gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tập trung các đợt tuyên truyền cao điểm vào các dịp:
Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động
quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tháng 6), Tháng hành động vì bình đẳng
giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11).
2. Đa dạng hóa các hoạt động tuyên
truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, cổ động
trực quan, không gian mạng, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Tổ chức các
cuộc thi, hội diễn, triển lãm,... sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ và
các hình thức khác thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân, các gia
đình, thành viên trong gia đình.
3. Tổ chức phát động đăng ký và đánh
giá việc thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.
4. Lồng ghép việc đăng ký, đưa kết quả
thực hiện Bộ tiêu chí vào các tiêu chuẩn xét tặng gia đình văn hóa trong phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
5. Tăng cường sự phối hợp giữa gia
đình, nhà trường, xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống,
văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền Bộ tiêu chí đối
với đối tượng học sinh để nâng cao nhận thức trong việc ứng xử đúng mực với ông
bà, cha mẹ, anh, chị, em.
6. Bố trí, huy động và sử dụng có hiệu
quả các nguồn kinh phí cho hoạt động triển khai thực hiện Bộ tiêu chí, đặc biệt
là ở vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.
7. Tổ chức khen thưởng các tập thể,
cá nhân có thành tích trong quá trình triển khai thực hiện Bộ tiêu chí; khen
thưởng, biểu dương gương gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực,
con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
8. Kiểm tra, giám sát tình hình triển
khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình theo chuyên đề hoặc lồng ghép
trong hoạt động kiểm tra, giám sát về công tác gia đình.
9. Tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình hằng năm và giai đoạn 2022 - 2025.
V. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố
trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các đơn vị, địa phương theo phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp
theo Kế hoạch, các đơn vị, địa phương chủ động vận động sự tài trợ của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Văn hóa và Thể thao
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban,
ngành, đoàn thể liên quan tổ chức triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Bộ
tiêu chí báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
b) Chủ trì xây dựng, cung cấp tài liệu
hướng dẫn triển khai thực hiện Bộ tiêu chí trên địa bàn tỉnh; tập trung tuyên
truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt
Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Quốc
tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) với nội dung thiết thực, phù hợp với
điều kiện thực tiễn nhằm tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội mạnh mẽ tôn vinh giá
trị gia đình; soạn thảo, in ấn, cung cấp tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền Bộ tiêu
chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh.
c) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực
thực hiện triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho đội ngũ cán bộ thực
hiện công tác gia đình các cấp.
d) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa
và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố Huế tổ chức triển khai việc đăng ký,
đánh giá thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
đ) Hướng dẫn nghiệp vụ về xây dựng,
thực hiện hương ước, quy ước tại các địa phương theo hướng dẫn của Vụ Pháp chế -
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Coi đây là tiêu chí quan trọng để bình xét
danh hiệu gia đình văn hóa, tiêu biểu hằng năm.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan tổ chức truyền truyền nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào
các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề cho học sinh trên địa bàn tỉnh; lồng
ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào các chương trình, đề án phù
hợp của ngành.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng
trên địa bàn tỉnh đa dạng hóa các hình thức truyền thông, phổ biến, tuyên truyền
các nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở
tăng cường tuyên truyền nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
4. Sở Tư pháp
Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật
và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hôn nhân và gia đình theo đúng quy
định của pháp luật.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và
Thể thao và các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động về bình đẳng giới,
thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình; hướng dẫn, kiểm tra, tuyên truyền nội
dung về thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong gia
đình. Hướng dẫn lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào chương
trình học tập của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
6. Sở Tài chính
Thẩm định dự toán kinh phí, xây dựng
kế hoạch phân bổ ngân sách cho các sở, ban, ngành và địa phương để thực hiện
nhiệm vụ của Kế hoạch.
7. Ban Dân tộc tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao lồng
ghép hoạt động triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhân Ngày Văn hóa
các dân tộc Việt Nam hằng năm.
8. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh
Tổ chức các hình thức truyền thông đa
dạng, phong phú về nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; lồng ghép nội
dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào các buổi sinh hoạt, sinh hoạt chuyên
đề về giáo dục đời sống gia đình tại đơn vị cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng
vũ trang.
9. Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát
thanh - Truyền hình tỉnh
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục;
tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng về nội dung Bộ Tiêu chí ứng xử trong
gia đình bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo hiệu quả truyền thông tích cực đến mọi
tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh,
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người
cao tuổi tỉnh
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
và các tổ chức thành viên: Lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,
tập trung tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình cho các hội viên, đoàn
viên, các tầng lớp nhân dân.
b) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tham
gia thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong phạm vi hoạt động của các
cấp hội; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống
trong gia đình, giữ gìn, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cho
hội viên phụ nữ; lồng ghép nội dung Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vào sinh
hoạt Câu lạc bộ về gia đình ở địa phương, cơ sở...
c) Tỉnh đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh
tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động
tích cực thực hiện tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến
bộ, hạnh phúc, văn minh.
d) Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh,
Hội Người cao tuổi lồng ghép công tác tuyên truyền về tiêu chí ứng xử trong gia
đình cho các tổ viên, hội viên trong các buổi sinh hoạt.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố Huế
a) Xây dựng Kế hoạch thực hiện của địa
phương và chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đã được đề ra
trong Kế hoạch này.
b) Xây dựng, triển khai thực hiện Bộ
tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với thực hiện chính sách, pháp luật về công
tác gia đình tại địa phương; chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã triển khai thực hiện
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; xoá bỏ các hủ tục về hôn nhân gia đình; thực
hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình;
thực hiện tốt công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Tạo điều kiện để phát triển
và duy trì hoạt động của các mô hình gia đình tại cơ sở: Câu lạc bộ Gia đình
phát triển bền vững, Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, Địa chỉ tin cậy tại cộng
đồng. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và báo cáo viên cấp huyện, xã
về triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.
c) Hằng năm, hướng dẫn triển khai hoạt
động đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình gắn với quy hình đăng
ký thi đua xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa và bình xét, khen thưởng danh hiệu
gia đình văn hóa tiêu biểu tại cơ sở.
d) Chỉ đạo tập trung lồng ghép tuyên
truyền vào các dịp kỷ niệm: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt
Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6);
Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) phù hợp với điều kiện thực tế
tại địa phương.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực
hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm
2025, yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai, định kỳ hàng
năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa và Thể thao) trước
ngày 05 tháng 12 để tổng hợp. Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm tổng hợp
báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện Kế hoạch, định kỳ trước ngày 10/12 hằng
năm. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo UBND tỉnh
để kịp thời xem xét giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL(b/cáo);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị nêu tại mục VI;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, VH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|