ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 29/KH-UBND
|
Gia
Lai, ngày 06 tháng 01 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH GIA LAI NĂM 2022
I. CĂN CỨ XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng
bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Chương trình 43-CTr/TU ngày
26/6/2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về
phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (viết tắt: Chương trình
43-CTr/TU);
- Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh
tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 525/QĐ-UBND ngày
04/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát
triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
- Quyết định số 504/QĐ-UBND ngày
11/8/2021 của UBND tỉnh về việc giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn
2021-2025;
- Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày
29/6/2021 của UBND tỉnh Ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Gia Lai giai
đoạn 2021-2025.
II. BỐI CẢNH XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH
1. Bối cảnh trong nước
Hơn một năm qua, do tác động rộng lớn
từ dịch Covid-19 mà du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa
từng có. Hầu hết các công ty lữ hành phải tạm ngừng hoạt động, hướng dẫn viên không
có việc làm, cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí phải đóng cửa để
cùng cả nước chung tay chống dịch. Tuy vậy, toàn ngành du lịch Việt Nam vẫn
luôn nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để phục hồi trở lại ngay khi
dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chiến
dịch tiêm chủng tạo miễn dịch cộng đồng.
2. Thực trạng du lịch Gia Lai
Hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh
năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Bắt đầu
từ tháng 02/2021, khi dịch Covid-19 bùng phát các công viên, khu vui chơi giải
trí đóng cửa và các cơ sở lưu trú đóng cửa trong dịp tết Nguyên đán. Hoạt động
du lịch tháng 3,4/2021 có bước khởi sắc, đã thu hút khách du lịch tham quan đến
tỉnh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và sự thành công của Giải Vô địch Quốc
gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon 2021). Tuy nhiên,
từ cuối tháng 4/2021 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp
trên cả nước, mọi hoạt động bị ngưng trệ, khách du lịch hủy tour, các sự kiện
văn hóa, thể thao, du lịch... tạm ngưng tổ chức đã tác động
mạnh đến hoạt động du lịch của tỉnh. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Gia
Lai năm 2021 đạt 330.000 lượt, đạt 47,14% kế hoạch, bằng 41,25% so với năm 2020;
trong đó khách quốc tế 600 lượt, đạt 25,00% kế hoạch, bằng 17,65 % so với năm
2020 (Chủ yếu là chuyên gia điện gió, điện năng lượng mặt trời), khách nội địa
329.400 lượt, đạt 47,22% kế hoạch, bằng 41,35% so với năm
2020; tổng thu du lịch đạt 200 tỷ đồng, đạt 47,62% kế hoạch, bằng 52,63% so với
năm 2020.
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Triển khai các biện pháp kiểm soát dịch
Covid-19 trong tình hình mới theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và hướng dẫn
ngành Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tập trung các giải pháp thu hút
khách du lịch nội địa, góp phần từng bước phục hồi ngành Du lịch thích ứng an
toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng nhu cầu tham quan,
du lịch, nghỉ dưỡng của người dân; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư du lịch,
thu hút nhà đầu tư vào các dự án khu, điểm du lịch; chỉnh trang các điểm du lịch
đang khai thác, hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch; nâng cao chất lượng tổ chức các
sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch của địa phương; đẩy mạnh
công tác quảng bá và nâng cao nhận thức về công tác du lịch; nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực du lịch,
2. Mục tiêu cụ thể
- Phấn đấu năm 2022 tổng lượt khách
tham quan du lịch đến tỉnh đạt 850.000 lượt, tăng 2,5 lần so với năm 2021;
trong đó: khách quốc tế là 3.000 lượt, khách nội địa 847.000 lượt; tổng thu du
lịch phấn đấu 500 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2021.
- Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch;
thu hút đầu tư vào các dự án khu, điểm du lịch tạo điểm nhấn, hoàn thiện kết cấu
hạ tầng, cơ sở vật chất tại các điểm tham quan; khai thác hiệu quả du lịch sinh
thái, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng của tỉnh...
- Xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện
văn hóa, thể thao, du lịch của địa phương, đảm bảo các hoạt động phong phú, chú
trọng chất lượng các dịch vụ tạo sự hấp dẫn của sự kiện đối với du khách.
- Triển khai chiến dịch truyền thông
kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch
Việt Nam an toàn hấp dẫn”. Đẩy mạnh công tác xúc tiến,
liên kết các địa phương lân cận để xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng, chú trọng
sản phẩm “Biển-Rừng” để thu hút khách đến với Gia Lai.
- Tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng
bá du lịch, tham gia các chương trình quảng bá tại các hội nghị, hội thảo du lịch
cấp quốc gia, các hội chợ du lịch... nhằm xây dựng và củng cố sản phẩm và
thương hiệu của du lịch Gia Lai để thu hút khách trong nước và quốc tế. Trước mắt
tập trung khai thác thu hút khách từ thị trường du lịch nội địa và một số quốc
gia đã kiểm soát được dịch bệnh.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
làm công tác quản lý du lịch cấp huyện, thị xã, thành phố; đào tạo, bồi dưỡng kỹ
năng nghề du lịch cho lao động trực tiếp của lĩnh vực du lịch.
IV. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Tập trung đầu
tư, xây dựng sản phẩm du lịch
1.1. Đôn đốc các nhà đầu tư, các đơn vị
triển khai các hạng mục dự án đã đăng ký, tập trung một số dự án như:
- Dự án Khu phức hợp sân golf, resort
và khách sạn (xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đak Đoa); Tổ hợp khách sạn, nhà phố
thương mại (Đường Nguyễn Văn Cừ, thành phố Pleiku) do Công ty Cổ phần Tập đoàn
FLC là nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án.
- Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường:
Công ty Cổ phần Phú Hưng Thịnh (Gia Lai) có trách nhiệm đầu tư các hạng mục đã
đăng ký trong dự án đầu tư, đảm bảo hoàn thiện Khu du lịch thác Phú Cường theo
đúng tiến độ đã cam kết, nhanh chóng đưa vào khai thác, tạo điểm tham quan hấp
dẫn của tỉnh.
- Dự án Khu đô thị sinh thái khu vực
miệng núi lửa âm làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku:
Hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.
- Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya:
Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC hoàn thành quy hoạch phân khu và triển khai kêu gọi
các nhà đầu tư.
1.2. Phát triển đa dạng sản phẩm đáp ứng
xu hướng mới của thị trường
- Định hướng phát triển sản phẩm du lịch
an toàn, du lịch gắn với bảo vệ sức khỏe, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch
sinh thái, du lịch ẩm thực.
- Các địa phương có thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng
hoàn thiện các sản phẩm du lịch khám phá, thể thao, du lịch văn hóa, du lịch
nông nghiệp nông thôn để đảm bảo các điều kiện, dịch vụ đón khách.
- Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch
nông nghiệp nông thôn, du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác lợi thế tiềm năng
về văn hóa bản địa, ngành nghề thủ công truyền thống kết hợp các chương trình về
sản xuất rau, hoa và cây ăn quả, chương trình MTQG nông thôn mới, chương trình
mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trước mắt triển khai xây dựng mô hình tại xã An Phú
(Pleiku) và một số xã tại các huyện Kbang, Phú Thiện, Mang Yang và thị xã Ayun
Pa.
- Khích lệ doanh nghiệp khảo sát các điểm
du lịch mới, xây dựng các sản phẩm du lịch có tính bổ trợ cho nhau, làm mới sản
phẩm du lịch để tăng khả năng cạnh tranh, cụ thể: Khảo sát suối đá cổ tại huyện
Chư Păh, quần thể đá cổ tại huyện Mang Yang; nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch
thể thao mạo hiểm (nhảy dù, leo núi) tại núi lửa Chư Đang
Ya, trekking xuyên rừng, thác trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng... Xây
dựng kế hoạch khai thác các hoạt động du lịch của Khu dự trữ sinh quyển thế giới
Cao nguyên Kon Hà Nừng vừa được UNESCO công nhận.
2. Kêu gọi đầu tư
vào các điểm có định hướng phát triển du lịch:
- Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đang Ya
(Huyện Chư Păh và thành phố Pleiku).
- Dự án Du lịch sinh thái tại Vườn quốc
gia Kon Ka Kinh (Huyện Kbang, huyện Mang Yang, huyện Đak Đoa).
- Dự án Du lịch sinh thái tại Khu Bảo
tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang).
- Dự án Khu du lịch văn hóa Cao
Nguyên Đồi thông kết hợp đô thị sinh thái (Huyện Ia Grai và thành phố Pleiku).
- Dự án Du lịch sinh thái lòng hồ Sê
San và thác Mơ (huyện Ia Grai).
- Dự án Du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ
(Xã Chư A Thai, huyện Phú thiện) và xã Hbông (huyện Chư Sê).
- Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng đồi
thông Đak Pơ (huyện Đak Pơ).
- Dự án Công viên Diên Hồng thành phố
Pleiku.
- Các dự án khác theo danh mục kêu gọi
đầu tư của tỉnh.
* Đơn vị thực hiện: Sở kế hoạch và Đầu
tư phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương, đơn vị liên
quan xây dựng chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các
nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận các dự án trên.
3. Duy trì các sự
kiện văn hóa, du lịch, thể thao thường xuyên nhằm thu hút khách đến tham quan.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp
tục duy trì các sự kiện của địa phương, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức
tổ chức để tạo sự phong phú, hấp dẫn thu hút được khách đến tham quan, cụ thể:
- Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi Đống
Đa và Hội cầu huê vào ngày Mồng 4 tháng Giêng âm lịch (thị xã An Khê);
- Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo sau khi có Quyết định
và Bằng xếp hạng của Thủ tướng Chính phủ (thị xã An Khê).
- Lễ đón nhận và
công bố Bằng công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng (dự
kiến ngày 17/3/2022).
- Hoàn thành hồ sơ nâng hạng di tích
quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá thành di tích quốc gia đặc biệt, tiến tới đề xuất
UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa thế giới.
- Lễ kỷ niệm 90 năm, ngày thành lập tỉnh
Gia Lai (24/5/1932 - 24/5/2022).
- Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu
số tỉnh Gia Lai lần thứ Nhất; Hội diễn nghệ thuật quần chúng vùng biên giới tỉnh
Gia Lai lần thứ Nhất(mở rộng).
- Tổ chức Tuần lễ văn hóa - du lịch
thành phố Pleiku.
- Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Vua
lửa) tại huyện Phú Thiện.
- Ngày hội văn hóa-du lịch huyện
Kbang.
- Lễ hội Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang
Ya (huyện Chư Păh).
- Đua thuyền độc mộc trên sông Sê San
(huyện Ia Grai).
- Phiên chợ cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh
(huyện Đức Cơ).
- Phục dựng một số lễ hội của đồng
bào Jrai, Bahnar và tổ chức một số giải thể thao mở rộng tại các huyện, thị xã,
thành phố.
* Đơn vị thực hiện:
- UBND các huyện, thị xã, thành phố
xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, Hiệp hội Du lịch của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sự
kiện trên. Hiệp hội Du lịch của tỉnh chủ động xây dựng sản phẩm mới, tour mới,
kết nối các điểm tham quan phong phú, đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền sản phẩm,
hỗ trợ các địa phương trong khai thác du lịch.
- Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông
thôn chủ trì và phối hợp với các Sở, ban ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh
ban hành kế hoạch tổ chức Lễ đón nhận và công bố Bằng công nhận Khu Dự trữ sinh
quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn
bị các bước đề nghị nâng hạng di tích quốc gia Rộc Tưng - Gò Đá thành di tích
quốc gia đặc biệt, tiến tới đề xuất UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa
thế giới.
4. Đầu tư phát
triển hạ tầng du lịch
- Đưa vào khai thác các dự án hạ tầng
du lịch đã được duyệt kinh phí trong năm 2021 cụ thể:
+ Cơ sở dữ liệu, cổng thông tin điện
tử và ứng dụng du lịch thông minh, kết nối cơ sở dữ liệu ngành du lịch.
+ Hạ tầng di tích Tây Sơn Thượng Đạo
(Huyện Kbang, Kông Chro, thị xã An Khê).
- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự
án:
+ Đường hành lang kinh tế phía Đông (Đường
tránh quốc lộ 19, gồm các huyện Chư Păh, Đăk Đoa, thành phố Pleiku).
+ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư
Răng.
- Tập trung rà soát hạ tầng phục vụ
du lịch tại các địa phương để thẩm định đề xuất đưa vào kế hoạch năm 2023.
* Đơn vị thực hiện: Các địa phương,
đơn vị được cấp vốn đầu tư hạ tầng trên có trách nhiệm triển khai đúng tiến độ,
đảm bảo chất lượng công trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính,
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, bố trí nguồn vốn
ưu tiên đầu tư các dự án, điểm du lịch trên; đồng thời có kế hoạch kiểm tra,
giám sát chặt chẽ đảm bảo đầu tư đúng mục đích, hỗ trợ cho du lịch phát triển.
5. Đẩy mạnh hoạt
động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và trong khu vực
- Triển khai các chương trình ký kết
với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, chương trình liên kết 04 tỉnh: Gia Lai-Đắk Lắk-Bình
Định-Phú Yên. Tập trung đẩy mạnh liên kết trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
- Tổ chức mời và đón các đoàn Famtrip
(khảo sát du lịch của các hãng lữ hành và báo chí) đến khảo sát các điểm du lịch
tỉnh Gia Lai nhằm giới thiệu, quảng bá và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng tour
du lịch.
* Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch của tỉnh chủ động kết nối các
doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh xây dựng sản phẩm mới, phong phú nhằm thu
hút khách du lịch đến Gia Lai.
6. Đẩy mạnh công
tác xúc tiến, quảng bá du lịch
- Xây dựng chuyên mục du lịch trên
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai; tăng cường nâng cao chất lượng và thời
lượng tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên các phương tiện thông tin đại
chúng của các cơ quan báo chí địa phương, Trung ương, ngành và các tỉnh thành
khác đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú tại tỉnh; tuyên truyền
trên sóng truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh
Gia Lai.
- Khai thác hiệu quả các phương tiện
internet: mạng xã hội, báo điện tử... phục vụ cho công tác quảng bá du lịch.
- Tham gia quảng bá du lịch tại các sự
kiện du lịch trong nước như: Ngày hội Du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng
4), Hội chợ du lịch VITM - Hà Nội (tháng 5), Hội chợ du lịch quốc tế ITE - Hồ
Chí Minh (tháng 9).
- Triển khai vận hành cổng thông tin
điện tử và ứng dụng du lịch thông minh để hỗ trợ hoạt động quảng bá du lịch.
* Đơn vị thực hiện:
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các cơ
quan báo chí địa phương, Trung ương, ngành và các tỉnh thành khác hoạt động báo
chí trên địa bàn tỉnh và trên sóng truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã,
thành phố triển khai công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tỉnh Gia Lai.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ
trì, phối hợp với Hiệp hội du lịch của tỉnh và các địa phương có tiềm năng du lịch
triển khai công tác quảng bá du lịch; tham gia các chương trình xúc tiến, quảng
bá trong nước tại các hội chợ, hội thảo về du lịch, phát huy công tác xã hội
hóa trong quảng bá, xúc tiến du lịch của địa phương.
7. Công tác đào tạo,
bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về du lịch đối với các cấp, ngành,
địa phương
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản
lý nhà nước về lĩnh vực du lịch trong thời kỳ 4.0 cho công chức, viên chức làm
việc trong lĩnh vực du lịch các huyện, thị xã, thành phố và nhân viên quản lý
điểm đến cho doanh nghiệp du lịch.
- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng
nghề du lịch nhằm thực hiện chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS) đối với
các doanh nghiệp du lịch; tổ chức hội thi chuyên ngành để nâng cao kiến thức
chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ lao động ngành du lịch.
- Tổ chức các khóa bồi dưỡng du lịch
cộng đồng tại các địa phương có điểm du lịch cộng đồng, hướng dẫn phục vụ lưu
trú tại hộ gia đình (Homestay), những kỹ năng cần thiết để ứng xử, phục vụ
khách du lịch...
* Đơn vị thực hiện:
- UBND các huyện, thị xã, thành phố
phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch trong nước
triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho lao động trực tiếp
trong lĩnh vực du lịch; chú trọng bồi dưỡng cho đối tượng hoạt động về du lịch
cộng đồng tại các địa phương có tiềm năng phát triển loại hình du lịch này.
- Hiệp hội Du lịch tỉnh phát động
chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cao trình độ chuyên môn,
kỹ năng nghề, ngoại ngữ... cho lao động của các doanh nghiệp du lịch trên địa
bàn.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Là đầu mối chủ trì thực hiện kế hoạch,
có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các địa phương, đơn
vị thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ đề ra của Kế hoạch, đồng thời đảm bảo các điều
kiện và tuân thủ theo ý kiến của Thường trực BCĐ PCD Covid-19 khi tổ chức các sự kiện, hoạt động.
- Đôn đốc, theo dõi các đơn vị liên
quan chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể của Kế hoạch,
đảm bảo hoàn thành khối lượng và tiến độ đề ra.
- Lập dự toán chi tiết kinh phí, gửi
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, báo cáo cấp có thẩm quyền xem
xét, quyết định để triển khai thực hiện. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên
quan đẩy mạnh việc giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các
nhà tài trợ đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng; vận động, thu hút các nguồn lực,
tập trung ở khu vực tư nhân để đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch
định kỳ hàng quý, năm; tổ chức sơ kết, tổng kết nhiệm vụ.
2. Sở Tài chính: Trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, Sở Tài
chính kiểm tra, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố
trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch theo quy định của Luật ngân
sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu cấp thẩm quyền bố trí các nguồn vốn cho
phát triển du lịch theo lộ trình, kế hoạch của UBND tỉnh; giới thiệu các dự án
du lịch cho doanh nghiệp.
4. Sở Nông Nghiệp và Phát triển
nông thôn: Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổ chức Lễ đón
nhận và công bố Bằng công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà
Nừng; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các hoạt động du
lịch nông thôn gắn với du lịch cộng đồng theo kế hoạch của UBND tỉnh.
5. Công an tỉnh
- Xây dựng kế hoạch phối hợp với các
sở ngành liên quan và UBND các huyện thị xã thành phố trong công tác đảm bảo về
an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch
- Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ
chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch và khách du lịch thực hiện đúng quy
định về thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại trên địa bàn tỉnh
và các quy định khác liên quan an ninh, trật tự.
- Phối hợp các ngành, cơ quan chức
năng thẩm định các dự án đầu tư liên quan đến liên doanh đầu tư nước ngoài trên
địa bàn.
- Chủ động xây dựng kế hoạch và triển
khai các biện pháp nghiệp vụ tại các địa bàn, tuyến, điểm du lịch để đảm bảo an
ninh, an toàn cho các hoạt động của doanh nghiệp và khách du lịch trên địa bàn.
6. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với các ngành, địa phương xác định quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật
trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường
giao thông đường bộ, hạ tầng đường thủy phục vụ du lịch kết hợp phục vụ dân
sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
7. Sở Xây dựng: Phối hợp với các ngành, địa phương quản lý, kiểm tra thực hiện các quy
hoạch chi tiết, trật tự xây dựng tại các dự án đầu tư phát triển du lịch.
8. Sở Công thương: Phối hợp với các ngành, địa phương đầu tư khôi phục các làng nghề,
ngành nghề truyền thống kết hợp khai thác phục vụ du lịch. Tổ chức các hội chợ,
chịu trách nhiệm về xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh tạo sự kiện hỗ trợ
cho hoạt động du lịch. Có kế hoạch quảng bá các thương hiệu đã được chứng nhận
như Phở khô Gia Lai, Mật ong... và xây dựng một số thương hiệu mới mà Gia Lai
có tiềm năng.
9. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tăng cường công tác kiểm tra và quản lý việc
sử dụng đất theo các quy hoạch được duyệt, sử dụng tài nguyên và công tác bảo vệ
môi trường của các dự án. Tham mưu cho UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất các chủ
đầu tư để triển khai đầu tư dự án.
10. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan, hỗ trợ, hướng dẫn
các doanh nghiệp Viễn thông xây dựng, mở rộng hạ tầng thông tin liên lạc tại
các khu du lịch; chỉ đạo, hướng dẫn thông tin, tuyên truyền quảng bá, phát triển
du lịch tỉnh Gia Lai trên các phương tiện thông tấn, báo chí, hệ thống truyền
thanh cơ sở, mạng Internet, tin nhắn SMS; các cổng/trang thông tin điện tử của
các cơ quan, địa phương trong năm 2022.
11. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các ngành liên quan hỗ trợ
phát triển một số thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh;
xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; ưu tiên các nghiên cứu khoa học,
ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho hoạt động du lịch phát triển.
12. Sở Ngoại Vụ: Trên cơ sở thông tin, hình ảnh về thế mạnh du lịch của tỉnh do Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch và địa phương cung cấp, Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với
các đơn vị của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các
cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức nước ngoài để giới thiệu,
quảng bá hình ảnh du lịch Gia Lai tới cộng đồng quốc tế.
13. Hiệp hội Du lịch tỉnh
- Tham gia thực hiện các nội dung,
nhiệm vụ trong kế hoạch để đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích, vận động các doanh
nghiệp đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch như các điểm tham quan, khách sạn,
nhà hàng, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí. Tích cực tham gia các hội chợ,
triển lãm, hội thảo về du lịch để giới thiệu, quảng bá về du lịch Gia Lai.
14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố
- Triển khai công tác bảo tồn văn hóa
các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của
địa phương góp phần cho hoạt động du lịch của tỉnh phát triển. Chuẩn bị các điều
kiện và kinh phí tham gia các hoạt động theo kế hoạch phát triển du lịch.
- Cập nhật các dự án kêu gọi đầu tư
vào điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2025, Kế hoạch sử dụng đất năm
2022 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Yêu cầu các sở, ngành, địa phương,
đơn vị, các hiệp hội, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm triển
khai hiệu quả các nội dung trong Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, nếu phát
sinh vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng
hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh./.
Nơi nhận:
- T/T Tỉnh ủy (để
b/c);
- T/T HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo;
- Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy;
- Các sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Hiệp hội Du lịch tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thanh Lịch
|