ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2244/KH-UBND
|
Quảng Bình, ngày
25 tháng 11 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI RƯỢU, BIA ĐẾN NĂM 2030
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
Thực hiện Quyết định số 1169/QĐ-TTg ngày 11/10/2024
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của
rượu, bia đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch triển
khai thực hiện Đề án truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến năm
2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2030
1. 95% người dân trưởng thành được truyền thông về
tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. 100% người điều khiển phương tiện giao thông được
truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi
điều khiển phương tiện giao thông.
3. 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông
phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh
viên.
4. 95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình,
cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của
pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác
có liên quan.
5. 90% báo in, báo điện tử của các sở, ban, ngành;
90% đài phát thanh, truyền hình ở địa phương và hệ thống đài truyền thanh cấp
xã đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hàng
tháng; 90% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn,
cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG TRUYỀN
THÔNG
1. Đối tượng truyền thông: Người dân; các cơ quan,
tổ chức có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. Nội dung truyền thông: chính sách, pháp luật về
phòng, chống tác hại của rượu, bia; tác hại của rượu, bia và các biện pháp
phòng, chống tác hại của rượu, bia.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng,
chính quyền về công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia. Cấp ủy,
chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí, huy động
nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án.
2. Xây dựng, phổ biến tài liệu truyền thông về
phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp theo ngành, lĩnh vực và địa phương;
cung cấp, phổ biến tài liệu truyền thông kịp thời, đa dạng về hình thức cho hệ
thống truyền thông từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
3. Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực,
kỹ năng truyền thông cho người tham gia công tác truyền thông phòng, chống tác
hại của rượu, bia từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
4. Triển khai các hình thức truyền thông hiệu quả,
phù hợp
a) Thường xuyên tổ chức các chương trình, chiến dịch
truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới nhiều hình thức, trong
đó có hình thức thông qua đội tuyên truyền lưu động; truyền thông gắn với các
cuộc thi; các hoạt động, sự kiện y tế, văn hóa, thể thao và du lịch.
b) Thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống
tác hại của rượu, bia trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,
internet, điện thoại di động, tư vấn trực tuyến.
c) Triển khai các hình thức truyền thông về phòng,
chống tác hại của rượu, bia đến từng người dân; chú trọng truyền thông tại các
địa điểm công cộng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí; tổ chức hội nghị tuyên
truyền, phổ biến chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho
các cơ quan, tổ chức và người có liên quan;
Lồng ghép nội dung truyền thông về phòng, chống tác
hại của rượu, bia vào trong hương ước, quy ước, thiết chế văn hóa của địa
phương, khu dân cư; tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của
rượu, bia trong cơ sở giáo dục phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên;
triển khai, nhân rộng các sáng kiến, mô hình truyền thông phòng, chống tác hại
của rượu, bia.
5. Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát,
đánh giá hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia từ tỉnh đến
xã, phường; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi làm lan
truyền các thông tin sai sự thật, không đúng quy định của pháp luật về phòng,
chống tác hại của rượu, bia.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Đề án bao gồm: Nguồn ngân sách
nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
2. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà
nước được bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các sở, ban, ngành, địa
phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, bảo đảm đúng quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ
chức triển khai thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực và địa bàn
được phân công quản lý.
1. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên
quan hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
b) Xây dựng nội dung tài liệu truyền thông mẫu về
phòng, chống tác hại của rượu, bia; phối hợp, hướng dẫn các cơ quan truyền
thông trong việc xây dựng tin bài, chuyên trang chuyên mục về ảnh hưởng của rượu,
bia đến sức khỏe con người.
c) Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án; tổng hợp
báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Đề án của các sở, ban, ngành,
địa phương, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan
truyền thông, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện các hoạt động truyền
thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, triển khai các
hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia đến cán bộ, giáo
viên, nhân viên và học sinh.
4. Sở Công Thương chỉ đạo, triển khai các hoạt động
truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia trong lĩnh vực quản lý kinh
doanh rượu, bia; tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng sản xuất, kinh doanh rượu,
bia thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu,
bia.
5. Công an tỉnh chỉ đạo, triển khai các hoạt động
tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của
rượu, bia; quy định về xử phạt vi phạm hành chính về nồng độ cồn đối với người
điều khiển phương tiện giao thông.
6. Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch chỉ đạo, hướng
dẫn và triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia
trong các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, triển
khai các hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với
đối tượng người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và truyền thông cho
người lao động tại nơi làm việc.
8. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức
thành viên thực hiện truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật
về phòng, chống tác hại của rượu, bia cho đoàn viên, hội viên và Nhân dân; giám
sát việc thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia
của các cơ quan, tổ chức cùng cấp và cá nhân trên địa bàn.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, tổ chức triển
khai Đề án tại địa phương; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã
trên địa bàn tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại
của rượu, bia; hướng dẫn, tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về
phòng, chống tác hại của rượu, bia.
b) Kiểm tra, giám sát, báo cáo tiến độ và kết quả
việc thực hiện Đề án.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án
Truyền thông phòng, chống tác hại rượu, bia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng
Bình, yêu cầu các Sở, ban, ngành, Đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TH, NCVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Xuân Tân
|