ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2193/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày
29 tháng 6 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC HỘI THI CỒNG CHIÊNG, XOANG CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TỈNH
KON TUM
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của
Thường trực Tỉnh ủy tại Văn bản số 985- CV/VPTU ngày 28 tháng 4 năm 2021 về việc
tổ chức Hội thi cồng chiêng các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế
hoạch tổ chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum (gọi
tắt là Hội thi), cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đẩy mạnh công tác bảo tồn và
phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Kon Tum. Nâng cao lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức bảo tồn và
phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng,
xoang (múa) nói riêng, nhất là thế hệ trẻ đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tạo môi trường giao lưu, phát triển văn hóa, giới thiệu, quảng bá giá trị di sản
văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đến với bạn bè
trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.
- Nâng cao trách nhiệm của các
cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã
hội trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc
thiểu số, trong đó, có di sản văn hóa cồng chiêng; đồng thời, tạo sự chuyển biến
sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của
văn hóa truyền thống trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
2. Yêu cầu
- Công tác tổ chức Hội thi ở
các cấp phải thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức; Nội dung các hoạt
động phải được chuẩn bị chu đáo, đặc sắc, đề cao vai trò chủ thể văn hoá, phát
huy giá trị văn hoá truyền thống và phát huy tối đa mọi nguồn lực và sự hưởng ứng
tích cực của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Hội thi được tổ chức từ cấp
xã, huyện đến cấp tỉnh; tạo được dấu ấn và trở thành ngày hội văn hóa của đồng bào
các dân tộc thiểu số; chỉ tiến hành tổ chức Hội thi cấp huyện sau khi hoàn
thành việc tổ chức Hội thi cấp xã và tiến hành tổ chức Hội thi cấp tỉnh sau khi
hoàn thành việc tổ chức Hội thi cấp huyện.
- Công tác tổ chức Hội thi phải
chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh, an toàn cho người
tham gia.
II. QUY MÔ,
THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN
1. Quy mô tổ chức: Hội
thi được tổ chức ở 03 cấp (cấp xã; cấp huyện, thành phố; cấp tỉnh) trên
địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể:
- Hội thi cấp xã, phường, thị
trấn (cấp xã): Tham gia của các thôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn
(mỗi thôn lập thành 01 đội). Tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương, lựa
chọn, thống nhất nội dung tổ chức Hội thi. Tuyển chọn hai đội cồng chiêng,
xoang tiêu biểu nhất để tham gia Hội thi cấp huyện.
- Hội thi cấp huyện, thành
phố (cấp huyện): Tham gia của các đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang tiêu biểu
ở cấp xã. Công tác tổ chức đảm bảo nội dung của Kế hoạch đề ra. Tuyển chọn hai
đội cồng chiêng, xoang tiêu biểu xuất sắc để tham gia Hội thi cấp tỉnh.
- Hội thi cấp tỉnh: Tham
gia của các đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang tiêu biểu xuất sắc ở cấp huyện.
Công tác tổ chức đảm bảo chất lượng, hiệu quả, nội dung của Kế hoạch đề ra.
2. Thời gian thực hiện: Hội
thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ I, được tổ chức
vào năm 2022. Những năm tiếp theo, định kỳ 02 năm tổ chức một lần.
3. Địa điểm tổ chức
- Hội thi cấp xã: Tổ chức
tại các xã, phường, thị trấn.
- Hội thi cấp huyện: Tổ
chức tại các huyện, thành phố.
- Hội thi cấp tỉnh: Hội
thi lần thứ I được tổ chức tại thành phố Kon Tum, Hội thi tiếp theo có thể luân
phiên cho các huyện đăng cai tổ chức.
III. NỘI
DUNG THỰC HIỆN
1. Nội dung
Hội thi
- Diễn tấu các bài cồng chiêng
truyền thống với bộ cồng chiêng bằng đồng (hoặc bằng các chất liệu khác
nhau) gắn liền với xoang (múa) của các dân tộc thiểu số.
- Diễn tấu các nhạc cụ truyền
thống kết hợp cùng cồng chiêng của các dân tộc thiểu số.
- Trình diễn các làn điệu dân
ca truyền thống.
- Tái hiện một đoạn nghi lễ, lễ
hội truyền thống tiêu biểu, trong đó, cồng chiêng giữ vai trò quan trọng.
- Thể hiện kỹ thuật, kỹ năng chỉnh
âm cồng chiêng.
2. Hình thức
thể hiện
2.1. Trình diễn cồng
chiêng, xoang
- Trình diễn các bài cồng
chiêng bằng đồng (ưu tiên sử dụng các bộ cồng chiêng đặc trưng của từng dân
tộc) gắn liền với xoang (múa) truyền thống.
- Trình diễn nhạc cụ truyền thống
kết hợp cùng cồng chiêng.
- Trình diễn các bài dân ca mà
phần đệm phải sử dụng bằng cồng chiêng.
2.2. Tái hiện đoạn nghi lễ,
lễ hội tiêu biểu
Các địa phương chọn và tái hiện
một đoạn nghi lễ, lễ hội tiêu biểu, nội dung rút gọn, thể hiện được bản sắc văn
hóa đặc trưng trong các bài cồng chiêng, điệu múa, nghi lễ...
2.3. Chỉnh âm công chiêng
Các địa phương lựa chọn các nghệ
nhân am hiểu về kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng tham gia trình diễn những kỹ thuật,
kỹ năng chỉnh âm cồng chiêng của dân tộc tại Hội thi cấp tỉnh.
* Lưu ý: Các đội, các địa
phương tham gia nội dung này chuẩn bị đầy đủ các đạo cụ (dùi gõ, búa, cồng chiêng
đã bị lệch âm...). Số lượng nghệ nhân tham gia chỉnh âm cồng chiêng không giới
hạn.
3. Đối tượng:
- Đội nghệ nhân cồng chiêng,
xoang tại thôn, làng đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Các tổ chức, cá nhân, cơ
quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
- Khuyến khích các đội cồng
chiêng được lập từ nhiều lứa tuổi khác nhau.
IV. TIẾN
TRÌNH THỰC HIỆN
1. Hội
thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ I - năm 2022
1.1. Quý IV năm 2021 và
quý I, II, III năm 2022
- Thành lập Ban chỉ đạo Hội thi
cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ I - năm 2022.
- Họp Ban chỉ đạo, thành lập
Ban tổ chức và các tiểu ban chuyên môn phục vụ Hội thi cồng chiêng, xoang các
dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ I - năm 2022.
- Ban hành thể lệ Hội thi cồng
chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ I- năm 2022.
- Ban hành văn ban hướng dẫn tổ
chức Hội thi cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ I -
năm 2022.
- Tiến hành tổ chức Hội thi cấp
xã và huyện.
1.2. Quý I, II năm 2022
Tiến hành Hội thi ở cấp xã.
Trong đó, tổ chức Hội thi điểm ở 01 xã/huyện, thành phố.
1.3. Quý III năm 2022
- Tiến hành Hội thi ở cấp huyện.
Trong đó, tổ chức Hội thi điểm ở 01 huyện.
- Họp Ban Tổ chức Hội thi thông
qua nội dung, kế hoạch, chương trình, kịch bản lễ Khai mạc và Bế mạc Hội thi.
1.4. Quý IV năm 2022
- Tổ chức Hội thi cấp tỉnh (Dự
kiến từ ngày 19 - 20/11/2022).
- Khai mạc Hội thi cấp tỉnh (Dự
kiến tổ chức lúc 19h30, ngày 19/11/2022).
- Bế mạc và tổng kết Hội thi (Dự
kiến tổ chức lúc 20h00, ngày 20/11/2022).
2. Hội
thi được tổ chức ở những lần tiếp theo thì tiến trình thực hiện như tổ chức ở lần
thứ I - năm 2022
V. KHEN THƯỞNG
1. Đối với Hội thi tổ chức cấp
xã, huyện: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện tặng giấy khen cho các tập
thể đạt giải trong Hội thi của cấp mình quản lý.
2. Hội thi cấp tỉnh
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
tặng Bằng khen cho các tập thể đạt giải nhất, giải nhì, giải ba hoặc tương
đương trong Hội thi.
- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch tặng Giấy khen: cho các tập thể đạt giải còn lại (nếu có trong cơ
cấu giải thưởng) và cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tổ chức
Hội thi.
VI. KINH PHÍ
THỰC HIỆN
- Kinh phí tổ chức Hội thi các cấp,
gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn huy động, các khoản thu hợp pháp
khác, nguồn lực do nhân dân đóng góp.
- Hội thi cấp xã: Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí tổ chức
Hội thi; hỗ trợ kinh phí cho các xã, phường, thị trấn tham gia Hội thi cấp huyện.
- Hội thi cấp huyện: Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố bố trí kinh phí tổ chức Hội thi cấp huyện và kinh
phí tham gia Hội thi cấp tỉnh.
- Hội thi cấp tỉnh: Từ nguồn
ngân sách tỉnh phân bổ cho các nhiệm vụ theo kế hoạch định kỳ tổ chức.
VII. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch. Tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh kế hoạch, các văn bản liên quan đến công tác tổ chức Hội thi cấp
tỉnh theo định kỳ, đảm bảo tổ chức các nội dung của Kế hoạch đề ra.
- Hướng dẫn, hỗ trợ về nội
dung, chuyên môn liên quan công tác tổ chức Hội thi cấp xã, huyện, nhằm đảm bảo
chất lượng, hiệu quả của Hội thi.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung của
Kế hoạch được tổ chức định kỳ theo quy định.
- Phối hợp với các sở, ngành,
đơn vị, địa phương tuyên truyền cho nhân dân về Kế hoạch tổ chức Hội thi nhằm tạo
sự lan tỏa, hưởng ứng tham gia và nâng cao nhận thức bảo tồn di sản văn hóa cồng
chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho các các tập thể đạt thành tích cao trong Hội
thi cấp tỉnh theo quy định hiện hành; thực hiện việc công bố quyết định khen
thưởng và trao tặng bằng khen tại Lễ trao giải.
- Báo cáo kết quả thực hiện Kế
hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền.
2. Sở Tài
chính: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch
và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo
định kỳ phù hợp với khả năng ngân sách địa phương và đúng qui định hiện hành.
3. Sở Nội
vụ: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị
liên quan tham mưu việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thi; kịp thời đề
xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng cho các tập thể đạt thành tích
cao trong Hội thi cấp tỉnh theo quy định.
4. Sở Y tế:
Xây dựng kế hoạch và triển khai công tác đảm bảo y tế tại Hội thi ở các cấp
được tổ chức theo định kỳ.
5. Công an
tỉnh: Chỉ đạo đảm bảo công tác an ninh, trật tự, an toan cho
công tác tổ chức Hội thi ở các cấp được tổ chức theo định kỳ.
6. Sở Thông
tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông
tăng cường đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp
Nhân dân về Kế hoạch tổ chức Hội thi lần thứ I. Phối hợp với các sở, ban ngành,
đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan,
quảng bá và giới thiệu giá trị di sản văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số
nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự hào của cộng đồng các dân tộc góp phần phát
triển bền vững văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
7. Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động
đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng
chiêng trong cộng đồng; hưởng ứng tham gia Hội thi do các cấp tổ chức... nhằm đẩy
mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ các dân tộc, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa
cho người dân nơi vùng biên.
8. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện
các nhiệm vụ của Kế hoạch.
- Chỉ đạo, hướng dẫn chính quyền
cơ sở tổ chức Hội thi theo định kỳ 02 năm 01 lần; hỗ trợ kinh phí cho chính quyền
cơ sở tham gia Hội thi cấp huyện.
- Xây dựng kế hoạch, chủ động bố
trí kinh phí tổ chức Hội thi cấp huyện theo định kỳ 02 năm 01 lần phù hợp với
điều kiện thực tế của địa phương.
- Báo cáo đánh giá kết quả tổ
chức Hội thi theo định kỳ ngay sau khi kết thúc Hội thi; đồng thời, lựa chọn đội
cồng chiêng, xoang tiêu biểu xuất sắc của đơn vị tham gia Hội thi cấp tỉnh.
9. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh:
Tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc, đoàn viên, hội viên
hưởng ứng tham gia Hội thi cũng như công tác bảo tồn di sản văn hóa cồng chiêng
trong cộng đồng.
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ theo
Kế hoạch các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có
phát sinh, vướng mắc thông tin kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để
được hướng dẫn và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (p/h);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các tổ chức đoàn thể CT-XH tỉnh (p/h);
- Các sở, ban, ngành liên quan (p/h);
- CVP UBND tỉnh, PCVP phụ trách;
- Lưu VT, KGVX.AT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Ngọc
|