UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 205/KH-UBND
|
Đồng Tháp,
ngày 11 tháng 9 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW NGÀY 16/01/2017 CỦA BỘ
CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017
của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị
quyết 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện
Nghị quyết 08-NQ/TW và Quyết định số 4215/QĐ-BVHTTDL ngày 09/11/2017 của Bộ Văn
hoá, Thể thao và Du lịch về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số
103/NQ-CP và Nghị quyết số 08-NQ/TW, Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch thực
hiện với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên - nhân
văn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh trong phát triển
du lịch gắn với xây dựng hình ảnh địa phương, tạo mọi điều kiện thuận lợi đẩy mạnh
xã hội hóa và huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch; tạo bước
đột phá, thay đổi mạnh mẽ diện mạo, hình ảnh du lịch Đồng Tháp nói riêng và địa
phương nói chung, làm tiền đề và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
của Tỉnh.
- Tăng cường đầu tư phát triển du lịch ở các địa
phương có tài nguyên hấp dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nâng cao năng lực cạnh
tranh của doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, khu điểm du lịch và thái độ
ứng xử văn minh để thu hút khách du lịch và xây dựng hình ảnh địa phương.
- Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng
và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đóng góp
tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
II. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Đến năm 2020: Định hình mô hình phát triển của Du lịch
Đồng Tháp với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các tuyến, điểm du lịch trọng
điểm với từng định vị rõ ràng. Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp
hoàn thiện và khác biệt, không trùng lặp với các địa phương khác. Vươn lên tốp
đầu khu vực ĐBSCL về lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và tổng doanh
thu từ dịch vụ du lịch. Phát triển du lịch Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến
hấp dẫn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là ưu tiên lựa chọn hàng
đầu của du khách trong và ngoài nước.
- Đến năm 2030: phấn đấu đưa
Du lịch Đồng Tháp phát triển bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng
của Tỉnh, khẳng định được thương hiệu du lịch, hình ảnh địa phương, đóng góp
quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực dịch vụ và tăng trưởng của
Tỉnh; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có chiều sâu, đảm
bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc
làm và nâng cao đời sống cho người dân.
2. Mục tiêu cụ thể
* Đến năm 2020: (thực
hiện theo Đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020)
- Thu hút 3,5 triệu lượt
khách, tăng gấp đôi so với năm 2014.
- Doanh thu đạt 900 - 1.000
tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2014
- Nâng thời gian lưu trú bình quân từ 1,1 ngày (năm
2014) lên 1,5 ngày vào năm 2020.
* Đến năm 2030, du lịch Đồng
Tháp phấn đấu:
- Thu hút 5,650 triệu
lượt khách tham quan, du lịch; trong đó 160.000 khách du lịch quốc tế, tăng trưởng
bình quân 4,5%/năm/tổng lượt khách.
- Tổng thu du lịch đạt 2.000 tỷ đồng, gấp đôi
năm 2020, tăng trưởng bình quân 7%/năm.
- Số ngày lưu trú bình quân:
phấn đấu đạt 2 ngày
- Tạo việc làm cho người dân địa phương từ 10.000 –
12.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp 2.000 người, lao động gián tiếp là
8.000 – 10.000 người. Số lượng lao động qua đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng
nghiệp vụ du lịch đạt 80%/lao động trực tiếp.
- Số lượng doanh nghiệp du lịch,
lữ hành, khách sạn:
+ Cơ sở lưu trú du lịch: Có từ 4 - 5 khách sạn
đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao – 5 sao, 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao, 100
khách sạn đạt tiêu chuẩn hạng từ 1 sao – 2 sao, 50 cơ sở lưu trú du lịch đạt
tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổng số phòng lưu trú: 3.000 - 3.500 phòng.
+ Doanh nghiệp du lịch, lữ
hành: Có từ 40 – 50 doanh nghiệp.
+ Hướng dẫn viên tại điểm, hướng dẫn viên du lịch nội
địa, hướng dẫn viên du lịch quốc tế: 250 – 300 hướng dẫn viên du lịch được
cấp thẻ.
III. NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM
1. Đổi mới nhận thức, tư duy
về phát triển du lịch.
2. Cơ cấu lại hoạt động du lịch bảo đảm tính chuyên
nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và
hội nhập quốc tế.
3. Xây dựng và hoàn thiện cơ
chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch.
4. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ
thuật phục vụ du lịch và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
5. Tăng cường liên kết, xúc
tiến quảng bá du lịch.
6. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng
tham gia phát triển du lịch.
7. Đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực phục vụ du lịch.
8. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, bảo
đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch.
IV. CÁC
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
Tiếp tục thực hiện các giải pháp theo Đề án phát triển
du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015 – 2020 và bổ sung các giải pháp theo NQ
08-NQ-TW để thực hiện đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững.
1. Đổi mới nhận thức, tư
duy về phát triển du lịch:
- Phối hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức,
viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy
đủ về du lịch.
- Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển du lịch theo quy
luật kinh tế thị trường, lấy lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội, lợi ích của người
dân trong tỉnh là mục tiêu tiên quyết; khai thác thật hiệu quả tiềm năng và lợi
thế so sánh của địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù có sức hấp dẫn và
tính cạnh tranh cao, gắn với thương hiệu, hình ảnh địa phương, tạo môi trường
du lịch thân thiện, phát triển bền vững nhằm nâng cao thương hiệu du lịch Đồng
Tháp cả trong và ngoài nước.
- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội
và các mô hình câu lạc bộ, mô hình tự quản… trong việc xây dựng du lịch Đồng
Tháp thực sự là “Điểm đến du lịch hấp dẫn – an toàn – thân thiện – chất lượng"
gắn với hình ảnh “Đồng Tháp Thuần khiết như hồn sen”.
- Phát triển du lịch được lồng ghép vào nội dung các
cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, gia đình, khóm ấp văn hoá, đô thị văn
minh, các phong trào thi đua yêu nước... để tuyên truyền nâng cao nhận thức,
quy tắc ứng xử trong cộng đồng nói chung và với khánh du lịch nói riêng.
2. Cơ cấu lại hoạt động du lịch bảo đảm tính chuyên
nghiệp, hiện đại, phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội
nhập kinh tế quốc tế:
- Thực hiện cơ cấu lại hoạt động du lịch, đảm bảo phát
triển đồng bộ, chuyên nghiệp, theo quy luật của kinh tế thị trường, hội nhập
kinh tế quốc tế và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của
tỉnh. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, du lịch văn hóa
lịch sử - lễ hội - tâm linh, du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch công nghệ cao
- làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay),
du lịch ẩm thực kết hợp mua sắm đặc sản địa phương, du lịch hội nghị - hội thảo
(MICE), có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.
- Phát triển không gian du lịch
phân theo Cụm:
+ Cụm 1: gồm TP. Cao Lãnh và
các huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười và Thanh Bình.
Với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch tham
quan sinh thái rừng tràm ngập nước nội địa gắn với các trò chơi thể thao cảm
giác mạnh; du lịch về nguồn tìm hiểu lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền
thống lịch sử văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng ven sông Tiền gắn với các dịch vụ bổ
trợ; du lịch ẩm thực gắn với mua sắm đặc sản địa phương - quà lưu niệm; du lịch
lễ hội – văn hóa tâm linh; du lịch trải nghiệm nông nghiệp xanh – công nghệ cao
gắn với làng nghề thủ công tiêu biểu của địa phương.
+ Cụm 2: gồm TP. Sa Đéc và các huyện: Châu Thành, Lai
Vung và Lấp Vò. Với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa – lễ hội
hoa gắn với tham quan đường hoa, công viên hoa, kiến trúc cổ và mua sắm; du
lịch cộng đồng lưu trú tại nhà dân (homestay) gắn với trải nghiệm làng
nghề truyền thống và
thưởng thức ẩm thực bánh dân gian; du lịch nghỉ dưỡng
tại các Cồn gắn với ngắm cảnh quan ven sông Tiền – sông Hậu.
+ Cụm 3: gồm thị xã Hồng Ngự
và các huyện: Hồng Ngự, Tam Nông và Tân Hồng.
Với các loại hình sản phẩm du lịch như du lịch tham quan
sinh cảnh đất ngập nước nội địa gắn với tìm hiểu đa dạng sinh học vùng Đồng
Tháp Mười; du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân mùa nước nổi gắn với tham quan
bãi chim sinh sản tại Vườn quốc gia Tràm chim; du lịch khám phá vùng biên - cột
mốc biên giới gắn với thương mại dịch vụ,…
3. Xây dựng hoàn thiện cơ
chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch:
- Đơn giản hóa các thủ tục hành chính và phát triển dịch
vụ hỗ trợ đầu tư, tạo môi trường thông thoáng về thủ tục đầu tư để mời gọi vốn
đầu tư từ các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào các
dự án du lịch và phát triển hạ tầng, dịch vụ vui chơi giải trí,...
- Nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách đối với các
loại hình dịch vụ du lịch mới, các dịch vụ du lịch đặc trưng của địa phương, sản
phẩm quà lưu niệm, quà tặng du lịch Đồng Tháp, các phương tiện vận chuyển khách
du lịch thân thiện với môi trường.
- Xây dựng đề án khuyến khích, hỗ trợ phát triển tuyến
xe buýt chất lượng cao, giá rẻ, đi đến các khu điểm tham quan du lịch trong Tỉnh.
Thực hiện thí điểm tiến tới sử dụng rộng rãi xe điện phục vụ khách tham quan
theo tuyến cố định.
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu
tư phát triển du lịch của tỉnh (Nghị quyết số 79 và Nghị quyết số 118 của HĐND
Tỉnh) phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, để phát triển du lịch thành
ngành kinh tế quan trọng, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của
tỉnh trong thời gian tới.
- Khuyến khích và có chính sách thu hút, phát triển
các khu nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái
nông nghiệp, hấp dẫn, thu hút du khách.
4. Đầu tư phát triển kết
cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và phát triển sản phẩm du
lịch đặc thù:
- Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch: Theo
nhu cầu thực tế và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, các nguồn vốn huy động
hợp pháp để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Trong đó, ưu tiên phát triển
hệ thống giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; các
bãi đỗ xe, bến tàu khách du lịch, trạm dừng nghỉ và khu vệ sinh công cộng,...
- Về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch: Phát
triển hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch chất lượng cao, hiện đại,
tiện nghi đồng bộ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch; trong đó tập trung mời gọi
đầu tư phát triển các dự án về du lịch, kết hợp với du lịch, từng bước hình
thành hệ thống các khách sạn – nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; tổ hợp khách sạn
kết hợp trung tâm thương mại - hội nghị - hội thảo; phát triển các cơ sở lưu
trú du lịch gần gũi với thiên nhiên phục vụ loại hình du lịch sinh thái; đầu tư
các công trình dịch vụ phụ trợ để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp sạch
và công nghệ cao; du lịch trải nghiệm làng nghề truyền thống.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm
vụ Đề án phát triển du lịch tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 gắn với Đề án tạo dựng
hình ảnh địa phương: rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội dung, nguồn ngân sách
phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng hệ thống dịch vụ thương mại, nhà hàng đặc
sản, khu sản phẩm làng nghề truyền thống - quà lưu niệm, nhà vệ sinh công cộng
đạt chuẩn tại các điểm dừng nghỉ, điểm tham quan du lịch cộng đồng, quầy thông
tin du lịch,…
- Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Đồng
Tháp, đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ; phát triển tuyến
du lịch đường sông kết nối các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp sạch, công
nghệ cao, trải nghiệm làng nghề, văn hóa địa phương,... Đặc biệt, quan tâm các
dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với chuỗi giá trị sản phẩm từ cây Sen,
đưa hình ảnh hoa Sen và các sản phẩm từ Sen thực sự trở thành sản phẩm du lịch
đặc thù của vùng đất Sen hồng.
- Tiếp tục hỗ trợ các huyện, thị, thành xây dựng sản
phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, tổ chức các hoạt động điểm nhấn gắn với
hoạt động văn hoá – lễ hội của địa phương; tôn tạo các di tích văn hóa lịch sử,
làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp sạch, công nghệ cao; bổ sung và
nâng chất các dịch vụ bổ trợ để phát triển du lịch MICE kết hợp với dịch vụ vui
chơi, giải trí về đêm đầy đủ tiện ích, khu phố ẩm thực - Chợ đêm tại TP Cao
Lãnh và TP Sa Đéc nhằm thu hút du khách lưu lại dài ngày, tăng nguồn thu từ hoạt
động du lịch.
- Nâng cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có tại
các khu điểm du lịch trọng điểm: Tràm chim, Gáo Giồng, Xẻo Quít, làng Hòa An
thuộc Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc và Gò Tháp, khai thác giá trị văn hóa nghệ
thuật - ẩm thực truyền thống, làng nghề thủ công, nông nghiệp xanh, Nhà cổ, di
tích lịch sử văn hóa gắn với câu chuyện mang tính nhân văn, nhân vật lịch sử để
thu hút và giữ chân khách du lịch.
- Phối hợp với các cơ sở thủ
công mỹ nghệ, cơ sở sản xuất hàng đặc sản địa phương và hàng quà lưu niệm, quà
tặng du lịch, để giới thiệu, quảng bá, kết nối vào hệ thống các cửa hàng đặc sản,
trung tâm thương mại, khu mua sắm phục vụ khách du lịch tại các khu di tích, điểm
tham quan du lịch; tiếp tục phát huy thế mạnh ẩm thực bánh dân gian Nam bộ chế
biến từ bột Sa Đéc để đưa vào thực đơn phục vụ du khách.
5. Tăng cường liên kết,
xúc tiến quảng bá du lịch:
- Tổ chức hợp tác, liên kết chặt chẽ với các tỉnh,
thành trong cả nước, trước hết là TPHCM, các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam, tạo sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù, hấp dẫn khách quốc tế, có
tính cạnh tranh cao và mở rộng thị phần khách nội địa.
- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quan hệ hợp
tác trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch
trong nước. Chú trọng hợp tác phát triển các tour tuyến liên kết với các đơn vị
có nhiều lợi thế và kinh nghiệm phát triển và là các trung tâm du lịch lớn của
quốc gia như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên giang – Phú Quốc, các tuyến
du lịch đường thủy trên sông Mê Kong, hợp tác với hãng lữ hành, các cảng quốc tế
thuộc các nước Đông Nam Á đưa khách về tham quan du lịch Đồng Tháp.
- Đẩy mạnh tiến độ triển khai các chương trình liên kết
phát triển du lịch giữa Đồng Tháp với các tỉnh Long An – Tiền Giang và TP. HCM;
các tỉnh trong Cụm liên kết phía Đông ĐBSCL; xây dựng, đưa vào khai thác sản phẩm
du lịch tiểu vùng Đồng Tháp Mười và hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù vùng
ĐBSCL.
- Đổi mới cách thức, nội dung xúc tiến quảng bá du lịch,
tăng cường ứng dụng công nghệ thông minh, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu
quả xúc tiến quảng bá du lịch tại các kỳ hội chợ, liên hoan du lịch, lễ hội,...
Biên tập lại tài liệu, bổ sung các thông tin về du lịch và có liên quan đến du
lịch; xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương
để quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Phát huy vai trò của các cơ
quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường
trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của du lịch.
- Kết hợp sử dụng nguồn lực của Nhà nước và huy động sự
tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch. Đẩy mạnh
liên kết với các tỉnh, thành phố để kết nối tuyến điểm du lịch gắn với phát triển
dịch vụ lữ hành.
- Các địa phương chủ động tuyên truyền, xúc tiến quảng
bá, mời gọi đầu tư; phổ biến sâu rộng, vận động người dân tự giác và tích cực
tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; tăng cường thực hiện nếp
sống văn minh, tôn trọng pháp luật; xây dựng phong trào ứng xử văn minh, có
thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch.
6. Đào tạo phát triển nguồn
nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch:
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
du lịch hàng năm, đồng thời điều tra khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ
cho phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, để có chiến lược
đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo theo mục tiêu đề
ra.
- Tăng cường xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn
nhân lực, đảm bảo yêu cầu cả về số lượng, chất lượng nhân lực hoạt động trong
lĩnh vực du lịch; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, chú trọng đào tạo cả về
chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng nghề và đạo đức nghề nghiệp như: phong
cách phục vụ, ứng xử, văn hóa giao tiếp trong lực lượng lao động du lịch, đội
ngũ hướng dẫn viên du lịch và cộng đồng; xây dựng con người Đồng Tháp: “Thân
thiện - năng động – sáng tạo – hiếu khách – nhân ái – nghĩa tình”.
7. Tạo môi trường thuận lợi
cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia phát triển du lịch:
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường
cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người
dân kinh doanh du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng
hoá các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng phát triển du lịch của
tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt ở những
địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
- Xây dựng thương hiệu các khu, điểm du lịch gắn với
hình thành các sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương, ẩm thực truyền thống; có
chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, làng nghề, nghệ nhân sáng tạo ra các sản phẩm
lưu niệm có chất lượng cao hơn. Quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp lữ
hành trong và ngoài tỉnh mở các tour tuyến du lịch đến Đồng Tháp.
- Tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham
gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ đầu
tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng
cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch; phát huy
vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan đến du lịch.
- Phát triển thương mại dịch
vụ gắn liền với du lịch, hình thành các khu mua sắm cho khách du lịch tại các
chợ trung tâm, địa bàn trọng điểm du lịch.
8. Tăng cường công tác quản
lý nhà nước về du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch:
- Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính
quyền địa phương các cấp trong tổ chức triển khai, quản lý hoạt động du lịch, bảo
đảm an toàn, an ninh cho du khách, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng môi trường
du lịch văn minh, thân thiện, phát triển bền vững.
- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch cho
cán bộ quản lý cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp quản lý
hoạt động du lịch giữa cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện, thị, thành.
- Nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
trong thống kê, theo dõi, quản lý khách du lịch đến Đồng Tháp cũng như trong
công tác quản lý nhà nước và xúc tiến quảng bá du lịch.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành
trong phát triển du lịch. Thành lập đường dây nóng xử lý các ý kiến phản ánh,
thắc mắc của du khách. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và
liên ngành, kiểm soát chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ
hành, hướng dẫn viên du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch khác, đưa hoạt động du lịch
vào nề nếp, chất lượng, an toàn, hiệu quả.
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, di tích
lịch sử, văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương; bảo vệ cảnh quan môi trường
xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho du khách trong hoạt động
du lịch.
- Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chương
trình phát triển du lịch theo từng giai đoạn, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của
mình, thường xuyên theo dõi, tổng hợp, đánh giá, sơ kết tình hình thực hiện, đề
xuất các giải pháp thiết thực nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được và
nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức
thực hiện. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý của các cấp chính quyền
đối với hoạt động du lịch.
- Phát huy vai trò của các thành viên Ban chỉ đạo Phát
triển du lịch tỉnh theo hướng hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phối hợp quản
lý liên ngành của hoạt động du lịch; Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh định kỳ
kiểm tra tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển du lịch địa phương, các cơ
chế chính sách về hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; báo cáo kết quả thực hiện
và đề xuất giải pháp phát triển.
- Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch
gắn với việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, chuyên nghiệp, các
doanh nghiệp có thương hiệu trong nước và quốc tế. Qua đó, đầu tư, nâng cấp, mở
rộng các khu điểm du lịch hiện có và đầu tư mới các dự án du lịch và có liên
quan đến du lịch nhầm nâng cao chất lượng và hiệu quả của ngành du lịch Đồng
Tháp trong thời gian tới.
V. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
- Kinh phí thực hiện cho các hoạt động nêu trên của
các đơn vị, cơ quan, địa phương thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó đảm
bảo và được tổng hợp vào dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị. Việc lập
dự toán, phân bổ kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn
bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.
- Nguồn vốn xã hội hóa: Đẩy mạnh việc huy động vốn của
doanh nghiệp, xã hội, nhà đầu tư cho các dự án phát triển du lịch, công trình hạ
tầng, hoạt động du lịch.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Văn hoá, Thể thao
và Du lịch:
- Với nhiệm vụ là Thường trực Ban Chỉ đạo Phát triển
du lịch tỉnh, phối hợp với các Sở, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã,
thành phố, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát
việc triển khai thực hiện Kế hoạch ở các địa phương, đơn vị. Kịp thời tổng hợp,
báo cáo Ban Chỉ đạo, UBND Tỉnh xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong
quá trình thực hiện.
2. Trung tâm Phát triển
Du lịch Tỉnh:
- Nâng cấp các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có tại
các khu, điểm du lịch thuộc đơn vị quản lý và bổ sung dịch vụ mới để thu hút
khách.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ
các địa phương, cơ sở du lịch cộng đồng, làng nghề thủ công, xây dựng phát triển
sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh và kết nối
được với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh đưa vào chương trình du lịch
để chào bán với khách trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đường
thủy, liên kết với các hãng tàu khách quốc tế trên tuyến sông Mê kong để đưa
khách dừng tham quan, mua sắm, trải nghiệm dịch vụ tại các điểm du lịch của tỉnh.
- Thành lập đường dây nóng để hỗ trợ du khách, tiếp nhận
thông tin và xử lý các ý kiến phản ánh, thắc mắc của du khách.
3. Đề nghị Ban Tuyên giáo
Tỉnh ủy:
Định hướng các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh
tuyên truyền và chỉ đạo tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân
dân nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong triển khai thực hiện kế hoạch.
4. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam Tỉnh và các tổ chức thành viên:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, hàng năm xây dựng kế hoạch,
chương trình phối hợp triển khai kế hoạch, gắn với nội dung cuộc vận động “Toàn
dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam
ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia mô hình cộng
đồng quản lý, xây dựng nông thôn mới, với việc phát triển nhiều tuyến đường, khu
dân cư kiểu mẫu “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”, góp phần thu hút du khách về
Đồng Tháp.
5. Uỷ ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố:
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ,
chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm thực hiện
đạt kết quả cao nhất mục tiêu kế hoạch đề ra.
6. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, khu
điểm du lịch trên địa bàn tỉnh: Tích cực phối hợp trong công tác tuyên truyền,
quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ động tham gia, giới thiệu hình ảnh doanh nghiệp,
khu điểm du lịch, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm dịch
vụ đến các thị trường, du khách trong và ngoài nước; thường xuyên đào tạo, tập
huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, đảm bảo những kiến thức,
kỹ năng cơ bản về du lịch để phục vụ du khách.
7. Chế độ thông tin, báo
cáo:
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề
vướng mắc các ngành, các địa phương huyện, thị, thành kịp thời báo cáo về Ban
chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, Uỷ ban nhân dân Tỉnh để xem xét, giải quyết.
Các Sở, ngành tỉnh; huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết
quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
trước ngày 15 của tháng cuối quý (bằng văn bản và gửi qua hộp thư điện tử theo
địa chỉ: svhttdl@dongthap.gov.vn; ĐT: 02773 851869 – 02773 921049; Fax:
3851887) để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch./.
Nơi nhận:
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
- TT/TU, TT/HĐND, UBMTTQVN Tỉnh;
- CT, các PCT/UBND Tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ;
- Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐ VP/UBND Tỉnh;
- Lưu: VT, NC/KGVX.VD.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Dương
|