ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 201/KH-UBND
|
Kiên
Giang, ngày 21 tháng 10 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
PHỤC HỒI VÀ THU HÚT KHÁCH DU LỊCH NỘI ĐỊA ĐẾN KIÊN GIANG
Thực hiện công văn số 259-CV/TU
ngày 07/10/2021 của Tỉnh ủy về việc chỉ đạo thực hiện các biện
pháp phục hồi kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch nội địa đến Kiên Giang như
sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục
đích
Xác định lộ trình, giải pháp từng bước
phục hồi thị trường khách du lịch nội địa đến tỉnh Kiên Giang đảm bảo mục tiêu
kép vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19, góp phần tạo được nguồn
thu cho ngành du lịch và các ngành liên quan khác;
Xây dựng và khẳng định hình ảnh,
thương hiệu du lịch Kiên Giang là điểm đến an toàn, thân thiện để phục vụ khách
du lịch. Nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của du lịch Kiên Giang, chuẩn bị sẵn sàng cho việc mở cửa, thu hút khách du lịch quay
trở lại Kiên Giang.
Tích cực triển khai các chương trình
thu hút khách du lịch nội địa đi du lịch vào các ngày nghỉ cuối tuần, các ngày
nghỉ lễ và các sự kiện của ngành du lịch;... trong điều kiện du khách đã được
tiêm vắc xin, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt;
Giải quyết được những khó khăn cho
doanh nghiệp, người lao động trong ngành trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn
ra.
2. Yêu cầu
Các cấp, các ngành, địa phương, doanh
nghiệp du lịch và cộng đồng cùng tích cực đồng hành để
từng bước phục hồi và phát triển các hoạt động du lịch trong điều
kiện và trạng thái bình thường mới; nỗ lực giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh
gây ra cho các doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch;
Huy động các nguồn lực, hoàn thành việc
tiêm đủ liều vắc-xin cho toàn bộ cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, người
lao động và toàn thể người dân thành phố (TP) Phú Quốc, TP. Rạch Giá, TP. Hà
Tiên, huyện Kiên Hải và các huyện trong tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho du khách
và cư dân địa phương trong việc đón và phục vụ khách du lịch;
Các đơn vị cung ứng dịch vụ, các đơn
vị khai thác, sử dụng dịch vụ phối hợp, chia sẻ, đoàn kết, chung tay giúp đỡ, hỗ
trợ lẫn nhau trên cơ sở bình đẳng trong kinh doanh, nhằm tạo lòng tin thu hút
du khách đến tham quan, mua sắm và sử dụng các loại hình dịch
vụ du lịch.
II. LỘ TRÌNH KHÔI
PHỤC HOẠT ĐỘNG DU LỊCH NỘI ĐỊA
1. Giai đoạn 1
(giai đoạn thí điểm) từ ngày 01/11/2021 đến ngày 30/11/2021
- Về thị trường khách: căn cứ tình
hình thực tế trong việc kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố để lựa chọn
các thị trường khách đảm bảo tiêu chí “an toàn”. Trước mắt
sẽ triển khai thí điểm đón khách nội tỉnh, khách ngoài tỉnh từ các địa phương
có mức độ dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp đến
nguy cơ trung bình). Chú trọng thị trường khách du lịch nội
tỉnh và một số tỉnh lân cận “vùng xanh”. Khuyến khích
khách đi du lịch theo chương trình tour trọn gói của các đơn vị kinh doanh du lịch
lữ hành.
- Về địa điểm đón khách du lịch của tỉnh:
lựa chọn các địa điểm vui chơi giải trí, các khu, điểm du lịch thuộc các địa
bàn vùng xanh để thực hiện việc mở cửa đón khách du lịch nội địa: Rạch Giá, Phú
Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải.
2. Giai đoạn 2: từ
ngày 01/12/2021 đến ngày 31/12/2022
- Về thị trường khách trên cơ sở kết
quả triển khai của giai đoạn 1 và tình hình thực tế tại các địa phương, sẽ mở rộng
các thị trường khách phù hợp với tình hình mới, đặc biệt
là các thị trường khách truyền thống có kết nối đường bay trực tiếp đến Phú Quốc
như Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hải
Phòng chú trọng phân khúc khách du lịch là người Việt Nam,
người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam với các chương trình
nghỉ dưỡng tham quan du lịch dịp giáng sinh và tết dương lịch, du lịch hè....
- Về địa điểm đón khách du lịch của tỉnh:
mở rộng phạm vi đón khách tại các khu, điểm tham quan, du lịch, vui chơi giải
trí thuộc các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh:
Rạch Giá, Hòn Đất, Hà Tiên, Kiên Lương, Phú Quốc, Kiên Hải, U Minh Thượng.
- Khách du lịch có thể đi theo đoàn,
theo chương trình tour của các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành hoặc tự tổ chức
chuyến tham quan du lịch đảm bảo các tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch
theo quy định.
3. Phương án đón
khách
- Xây dựng tiêu chí đánh giá an toàn
trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh du lịch (có tiêu chí kèm theo).
- Vận động các đơn vị kinh doanh lưu
trú, lữ hành, ăn uống, mua sắm, vận chuyển, khu, điểm du lịch và các dịch vụ có
liên quan khác trên địa bàn tỉnh rà soát củng cố, làm mới
lại sản phẩm, dịch vụ; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm dịch vụ mới; đẩy mạnh
các hình thức quảng bá trực tuyến kết hợp với các cơ quan báo chí lớn, thông
tin mạng xã hội, tổ chức các chương trình xúc tiến, quảng bá với các chương
trình khuyến mãi, giảm giá thông qua các ngày hội, hội chợ
khuyến mãi, ngày bán hàng giảm giá, tháng khuyến mãi, chương trình bốc thăm
trúng thưởng, chiết khấu thương mại, tặng thẻ ưu đãi mua sắm, phát hành thẻ du
lịch;....nhằm thu hút khách du lịch trong nước;
- Khuyến khích các khu, điểm du lịch,
khu vui chơi giải trí cơ cấu lại giá vé vào cổng, giá, phí dịch vụ cho khách du
lịch nội địa; có chính sách miễn, giảm giá vé cho từng đối tượng (người cao tuổi,
trẻ em...), khách đi theo đoàn, khách cư trú trong tỉnh, khu vực ĐBSCL...; Tổ
chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng lao động chuẩn bị sẵn sàng cho công tác đón
và phục vụ du khách trở lại;
- Tổ chức các chương trình giới thiệu
và kết nối điểm đến du lịch Kiên Giang đến các tỉnh, thành phố như Tp. Hồ Chí
Minh, Hà Nội, Tp. Hải Phòng, Tp. Đà Nẵng, khu vực Tây
Nguyên, khu vực Tây Bắc và ĐBSCL bằng các hình thức phù hợp, để thu hút khách
du lịch nội địa;
III. GIẢI PHÁP
1. Truyền
thông, xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch
Sản xuất các ấn phẩm điện tử, các bản
tin, thông điệp điểm đến an toàn để quảng bá hình ảnh điểm đến thông qua các
website, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, internet, báo chí,
truyền hình trong và ngoài nước... đến du khách;
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông
tin vào công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch. Cung cấp các thông
tin về thông điệp “Kiên Giang điểm đến an toàn”, thông tin về sản phẩm dịch vụ
du lịch thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng;
Vận động và tạo điều kiện cho các
doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tích cực tham gia các chương trình
xúc tiến du lịch, chào bán sản phẩm, dịch vụ tại các Hội chợ Du lịch, các sự kiện
văn hóa, du lịch; lễ hội truyền thống, làng nghề tại Phú Quốc và các địa phương
trong tỉnh; các chương trình giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các thị
trường trọng điểm như khu vực Hà Nội, TP.HCM, miền Trung,
Tây Nguyên và Tây Bắc...;
Phát động chiến dịch quảng bá tại chỗ
đối với du khách đến Kiên Giang; tổ chức chương trình khảo
sát dành cho các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa và báo chí đến khảo
sát, xây dựng, kết nối các tour/tuyến, quảng bá các sản phẩm du lịch mới tại
Kiên Giang; tham gia các đoàn khảo sát các thị trường du lịch trọng điểm trong
nước.
2. Liên kết hợp
tác phát triển du lịch
Xây dựng kế hoạch cụ thể hóa Chương
trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch với Hà Nội, TP.HCM, Cụm phía Tây
ĐBSCL; tăng cường liên kết, hợp tác với một số địa phương trọng điểm du lịch
trong cả nước, tiến tới liên kết hợp tác với nước ngoài. Trong đó, tập trung
vào nội dung xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm dịch vụ, kết nối
doanh nghiệp, đối lưu trao đổi nguồn khách với nhau; hỗ trợ kêu gọi đầu tư phát
triển du lịch...; Phát huy vai trò then chốt của Hiệp hội du lịch Kiên Giang và
các doanh nghiệp du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm, chương trình liên kết
thực sự hấp dẫn, độc đáo.
Vận động các hãng hàng không phối hợp
với các đơn vị lữ hành nghiên cứu mở các đường bay trong nước, khôi phục lại
các đường bay sau khi dịch bệnh được kiểm soát; các đơn vị vận chuyển hành
khách đường biển nghiên cứu khôi phục lại tuyến đường biển Phú Quốc đến Cà Mau,
hình thành các tuyến mới kết nối từ Kiên Hải với vùng U
Minh Thượng ...phù hợp trong tình hình mới.
3. Xây dựng sản
phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Tập trung hoàn thiện nâng chất các điểm
đến theo lộ trình mở cửa du lịch; trong đó kêu gọi các thành phần kinh tế tham
gia đầu tư xây dựng sản phẩm, dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế đêm, ưu tiên
các sản phẩm ẩm thực, vui chơi giải trí về đêm, sản phẩm du lịch khám phá, du lịch
mạo hiểm, du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, sản phẩm dịch vụ mới, lạ, độc
đáo...; vận động các doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm theo hướng tour khép
kín và mở dần theo lộ trình; Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương
hiệu du lịch biển, kết hợp với các tuyến du lịch trong nước để Kiên Giang trở
thành điểm đến hấp dẫn.
Tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích
các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ
thông qua thái độ phục vụ niềm nở, thân thiện, mến khách, chuyên nghiệp của đội
ngũ nhân viên trực tiếp phục vụ khách du lịch.
4. Đào tạo nguồn
nhân lực du lịch
Xây dựng và triển khai Kế hoạch đào tạo,
tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ lao động trực tiếp phục vụ khách du lịch và cán
bộ công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ
sở;
Triển khai Kế hoạch đào tạo nghề cho
lao động nông thôn; lao động có tay nghề làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và
khu du lịch; lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa
bàn tỉnh Kiên Giang;
Khuyến khích các doanh nghiệp kinh
doanh du lịch, dịch vụ chủ động, tự tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn, bồi
dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động tại đơn vị nhằm nâng cao chất lượng
phục vụ.
5. Quy hoạch và đầu
tư hạ tầng du lịch:
Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn
thành các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các đề án, dự án đang triển
khai do các sở, ngành và các địa phương làm chủ đầu tư, chủ trì thực hiện.
Trong đó ưu tiên nâng cấp hạ tầng giao thông thuận tiện kết nối các vùng du lịch,
các khu, điểm du lịch.
Hoàn thiện công tác quy hoạch phát
triển du lịch tỉnh Kiên Giang tích hợp vào Quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Kiên Giang theo đúng tiến độ;
Rà soát tất cả các khu, điểm du lịch
trên địa bàn tỉnh để có phương hướng lập quy hoạch chi tiết phù hợp nhằm thực
hiện công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.
6. Công tác quản
lý nhà nước
Nâng cao hiệu quả công tác cải cách
hành chính về thủ tục thuộc lĩnh vực du lịch; bên cạnh tạo điều kiện thuận lợi
nhất cho các tổ chức, cá nhân ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Triển khai kịp thời các chính sách hỗ
trợ như đất đai, thuế, tín dụng, giảm giá điện.. .kịp thời hỗ trợ cho các doanh
nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch nhằm giảm bớt khó khăn;
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về hoạt động du lịch; thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn
du lịch trọng điểm, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn hoạt động lưu trú du lịch, lữ
hành, hướng dẫn viên, các khu/điểm du lịch...đi vào nề nếp;
IV. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách
của tỉnh, ngân sách đã cấp cho các sở, ban ngành cấp tỉnh, các địa phương; nguồn
kinh phí xúc tiến du lịch, nguồn kinh phí xã hội hóa và các nguồn huy động hợp
pháp khác.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Du lịch
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa
phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tốt
Kế hoạch này;
Chủ trì, phối hợp với các Hội, Hiệp hội
về du lịch trên địa bàn tỉnh tổ chức họp báo, công bố chính thức về chương
trình phục hồi, thu hút khách du lịch nội địa đến Kiên Giang.
Phối hợp với các Sở, ngành có liên
quan tham mưu triển khai thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực; triển khai
thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch
bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;
Phối hợp Hiệp hội Du lịch Kiên Giang
phổ biến, quán triệt đến các doanh nghiệp du lịch trên địa
bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây
nhiễm Covid-19 trong hoạt động du lịch. Xây dựng ban hành các tiêu chí, tiêu
chuẩn quy định về đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động
kinh doanh du lịch, chuẩn bị sẵn sàng phương án xử lý trong tình huống có du
khách nhiễm bệnh;
Chỉ đạo, vận động các đơn vị kinh
doanh dịch vụ - du lịch chủ động, tích cực tham gia triển khai thực hiện các nội
dung của Kế hoạch; đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới; tăng cường xúc tiến,
quảng bá sản phẩm dịch vụ; đào tạo nguồn nhân lực.
2. Sở Y tế
Tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân
toàn tỉnh Kiên Giang, trong đó ưu tiên cho địa bàn thành phố Phú Quốc, TP. Rạch
Giá, TP. Hà Tiên, huyện Kiên Hải để tạo miễn dịch cộng đồng chuẩn bị cho việc
đón khách du lịch;
Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, doanh
nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch
trong việc tổ chức đón và phục vụ khách du lịch;
Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan xây dựng phương án tổ chức tiếp nhận,
cách ly y tế, theo dõi, giám sát y tế, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 (nếu
có) theo các quy định hiện hành cho khách du lịch, đảm bảo an toàn, kiểm soát
phòng chống dịch Covid-19 đối với khách du lịch; kịp thời có biện pháp xử lý
các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19
3. Sở Giao
thông vận tải
Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải
hành khách, nhất là hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách từ bờ ra các đảo
thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn giao thông, an toàn
cho hành khách;
Tham mưu đề xuất khôi phục, mở mới
các tuyến vận tải hành khách đường bộ nội tỉnh, liên tỉnh; tuyến đường thủy nội
địa, tuyến đường từ bờ ra các đảo, tuyến kết nối đến Cà
Mau;
Phối hợp với Cảng vụ hàng không miền
nam tại Phú Quốc, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng hàng không Rạch Giá
theo dõi thông tin về tình hình và phương án nối lại hoạt động đường bay nội địa
theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
4. Sở Thông tin
và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo, đài, trang
thông tin điện tử tỉnh, huyện, thành phố, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền
thanh huyện, thành phố, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với Sở Du lịch và các
Sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về tiềm năng, thế
mạnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch đến người dân và khách du lịch
trên cả nước;
Chủ trì phối hợp với Sở Du lịch công
bố Kế hoạch phục hồi và thu hút khách du lịch nội địa đến Kiên Giang tại cuộc họp
giao ban báo chí gần nhất sau khi Kế hoạch ban hành.
5. Sở Văn hóa
và Thể thao
Tăng cường công tác bảo quản, tu bổ,
phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và
di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích; hoàn thiện, chuẩn hóa các bài thuyết
minh về các di tích; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thuyết minh
di tích cho thuyết minh viên phục vụ cho du khách.
Tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức và
đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh
với phương châm thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến với Kiên Giang phù hợp với
tình hình thực tế.
6. Trung tâm
Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị có liên quan thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch; tham
gia, tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo về du lịch ở trong và ngoài nước
phù hợp với tình hình thực tế;
Nghiên cứu các thị trường trong nước (thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng, thị trường đã
tiêm đủ vắc-xin cho người dân...) để có các chương trình, kế hoạch xúc tiến, quảng
bá phù hợp;
Tăng cường ứng dụng
công nghệ thông tin vào công tác xúc tiến, quảng bá, truyền thông du lịch. Cung
cấp các thông tin về thông điệp “Kiên Giang điểm đến an toàn”, thông tin về sản phẩm dịch vụ du lịch thông qua các
phương tiện truyền thông đại chúng;
Hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong
việc khảo sát, quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường tiềm năng, thị trường
du lịch mới, thị trường không bị ảnh hưởng dịch bệnh để phục vụ phát triển du lịch.
Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng,
tham gia các chương trình, kế hoạch, sự kiện du lịch...
7. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố
Chịu trách nhiệm
đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường cảnh quan trên địa
bàn; phối hợp với Sở Du lịch, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai các nội
dung chương trình theo Kế hoạch. Chủ trì phát động và vận động các đơn vị kinh
doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tham gia các chương trình, sự kiện du lịch;
Tăng cường công tác quản lý nhà nước
về du lịch; kiểm tra, giám sát điều kiện kinh doanh đúng quy định pháp luật của
các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ du lịch thuộc địa bàn quản lý gắn với
công tác phòng, chống dịch bệnh.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, địa phương liên quan chủ động thực hiện các nội
dung được phân công tại Kế hoạch này đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đạt mục tiêu
đề ra; đồng thời đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Báo
cáo kết quả thực hiện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Du lịch) trước ngày
31/12/2021. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo, đề xuất về Sở Du lịch, để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TP;
- Hiệp hội Du lịch KG;
- LĐVP, CVNC;
- Lưu: VT, lttram (01b).
|
CHỦ
TỊCH
Lâm Minh Thành
|
BỘ TIÊU CHÍ
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ AN TOÀN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH
COVID-19 ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số:
201/KH-UBND ngày 21 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân
tỉnh Kiên Giang)
I. TIÊU CHÍ ĐỐI
VỚI KHÁCH DU LỊCH NỘI ĐỊA
Đối với khách sử dụng phương tiện đường
bộ: Có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19; Hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng
tính đến thời điểm đến Kiên Giang tham quan du lịch (có giấy ra viện hoặc giấy
xác nhận khỏi bệnh Covid-19);
Đối với khách sử
dụng phương tiện vận chuyển từ bờ ra đảo, phương tiện hàng không: đáp ứng điều
kiện như khách sử dụng phương tiện đường bộ đồng thời phải có kết quả xét nghiệm
SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính
trong vòng 72 giờ trước khi đến Kiên Giang tham quan du lịch;
Đối với khách đi từ vùng dịch ở cấp độ
4, hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với
SARS-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ khi nhận kết quả;
Người nước ngoài đang sinh sống, làm
việc tại Việt Nam đến tham quan du lịch tại Kiên Giang thực hiện đầy đủ các
tiêu chí như đối với Khách du lịch trong nước;
Đối với trẻ em, học sinh đi cùng người
thân chưa được tiêm vắc-xin phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với
SARS-CoV-2 trong thời gian 72 giờ kể từ khi nhận kết quả;
Tất cả du khách phải có cam kết và chấp
hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch khi đến tham quan du lịch tại
Kiên Giang. Thực hiện tốt thông điệp “5K”, khai báo y tế
theo quy định hoặc quét mã QR và thực hiện theo hướng dẫn phòng, chống dịch tại
địa phương theo từng thời điểm;
Trong thời gian tham quan du lịch tại
Kiên Giang, du khách phải tuân thủ yêu cầu về xét nghiệm, tầm soát, xét nghiệm
sàng lọc của cơ sở kinh doanh du lịch và Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch
Covid-19 tỉnh, của địa phương nơi du khách đến tham quan du lịch (nếu có);
II. TIÊU CHÍ ĐỐI
VỚI CÁC CƠ SỞ KINH DOANH DU LỊCH
1. Tiêu chí
chung
a) Đối với địa bàn có dịch cấp độ 1 và 2:
- Hoạt động du lịch được tổ chức phục
vụ 100% công suất.
b) Đối với địa bàn có dịch cấp độ 3:
- Chỉ tổ chức hoạt động tham quan tại
khu, điểm du lịch, sự kiện tập trung trong nhà và các chương trình du lịch theo
nhóm dưới 25 người;
- Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống
trong cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động không quá 50% công suất tại cùng
một thời điểm; phương tiện đưa đón khách không sử dụng quá 50% số ghế; các dịch
vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar,
internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp và dịch vụ khác thực hiện theo quy
định của địa phương;
- Các cơ sở lưu trú du lịch tiếp nhận
khách cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ các
yêu cầu phòng, chống dịch của cơ quan y tế địa phương;
- Các cơ sở lưu
trú du lịch đang phục vụ khách có công suất trên 50% thì không đón khách mới.
c) Đối với địa bàn có dịch cấp độ
4:
- Dừng hoạt động tham quan tại khu,
điểm du lịch; dừng tổ chức sự kiện tập trung trong nhà trên 20 người; dừng các
chương trình du lịch trong địa bàn, đi và đến địa bàn này;
- Cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống
trong cơ sở kinh doanh du lịch được hoạt động không quá 30% công suất tại cùng
một thời điểm; phương tiện đưa đón khách không sử dụng quá 50% số ghế; các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như: vũ trường, karaoke, mát xa,
quán bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp và
dịch vụ khác thực hiện theo quy định của địa phương;
- Các cơ sở lưu trú du lịch tiếp nhận
khách cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đầy đủ các
yêu cầu phòng, chống dịch của cơ quan y tế địa phương;
- Các cơ sở lưu trú du lịch đang phục
vụ khách có công suất trên 30% thì không đón khách mới.
2. Tiêu chí cụ
thể
a) Xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch
COVID-19 và phương án xử lý khi có trường hợp mắc COVID-19
theo quy định. Bố trí lãnh đạo phụ trách, theo dõi phòng chống COVID-19. Lập sổ theo dõi y tế, đo thân nhiệt của cán bộ nhân viên trước
khi vào làm việc. Nhân viên có các biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở phải
xét nghiệm SARS-CoV-2 hoặc nghỉ làm và theo dõi sức khỏe y tế tại nhà.
b) Bố trí khu vực đón tiếp khách, cửa
ra vào và lối đi đúng khoảng cách theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Niêm yết mã QR và
bảng thông tin hướng dẫn đảm bảo an toàn, phòng chống dịch COVID-19 tại nơi đón
tiếp, trên phương tiện vận tải khách du lịch, nơi sử dụng dịch vụ và trong
phòng ngủ của cơ sở lưu trú du lịch.
c) Tổ chức đo thân nhiệt đối với
khách đến sử dụng dịch vụ và người đến liên hệ, làm việc, người cung ứng vật
tư, hàng hóa, dịch vụ tại địa bàn được đánh giá có cấp độ dịch cấp 3 và 4; cung
cấp khẩu trang cho khách khi có nhu cầu.
d) Bố trí bồn rửa tay bằng nước sạch,
xà phòng, giấy khô lau tay hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh rửa tay khô có chứa
cồn tại nơi đón tiếp, khu vực dịch vụ, thang máy, các khu vực phòng, ban, nơi
thay đồ của cán bộ, nhân viên theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
đ) Thường xuyên thực hiện quy trình vệ
sinh, khử trùng khu vực công cộng, nơi tổ chức dịch vụ đông người, phương tiện
vận chuyển, cơ sở lưu trú du lịch, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ khách du lịch
theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
e) Đồ giặt là trong cơ sở kinh doanh
du lịch và trang phục của khách được thu, chuyển tới khu vực giặt là theo hướng
dẫn, khuyến cáo của cơ quan y tế.
f) Lập và công bố đường dây nóng,
trao đổi thông tin, hỗ trợ khách. Thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương nếu
phát hiện người có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19.
g) Cơ sở kinh doanh du lịch phải đăng
ký và tự đánh giá an toàn COVID- 19 hàng ngày tại địa chỉ
http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.
h) Người lao động được hướng dẫn và
phổ biến quy định về phòng, chống dịch COVID-19; tuân thủ “Thông
điệp 5K” tại nơi làm việc; thực hiện xét nghiệm y tế theo quy định.
III. TIÊU CHÍ ĐỐI VỚI NGƯỜI
LAO ĐỘNG LÀM VIỆC TẠI CƠ SỞ KINH DOANH DU LỊCH
Tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động,
người quản lý phải được tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19, thời gian tiêm mũi
02 ít nhất 14 ngày; hoặc có chứng nhận của cơ sở y tế đã được điều trị khỏi bệnh
Covid-19; thời gian từ lúc xuất viện không quá 6 tháng tính đến ngày tham gia
làm việc tại cơ sở kinh doanh du lịch;
Người lao động chưa được tiêm vắc-xin
chỉ được làm việc trực tuyến;
Tất cả Người lao động làm việc tại cơ
sở kinh doanh du lịch phải chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch
Covid-19; thực hiện tốt thông điệp “5K”, đo thân nhiệt hàng ngày; thực hiện các
hướng dẫn phòng, chống dịch tại địa phương nơi cơ sở kinh doanh du lịch hoạt động
theo từng thời điểm;
Định kỳ tầm soát, xét nghiệm sàng lọc
bằng phương pháp RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên theo các quy định hiện
hành của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy
phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh.
* Ghi chú: tất cả các tiêu chí trên sẽ được điều chỉnh
phù hợp theo từng thời điểm để vừa đảm bảo an toàn
phòng, chống dịch vừa thuận lợi trong hoạt động
kinh doanh của các đơn vị cung ứng dịch vụ và hoạt động của du khách.