ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 147/KH-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 13
tháng 7 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
TĂNG
CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ, ĐIỀU PHỐI HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN CHO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐOÀN
THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH, HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM, HỘI SINH
VIÊN VIỆT NAM CÁC CẤP GIAI ĐOẠN 2023 - 2030 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Thực hiện Quyết định số 1481/QĐ-TTg ngày 29/11/2022
của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch “Tăng cường năng lực quản lý,
điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam các cấp
giai đoạn 2022 - 2030”; UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Kế hoạch Tăng cường
năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt
Nam các cấp giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn thành phố (sau đây gọi tắt là Kế
hoạch) với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Nâng cao năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình
nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp
Thanh niên Việt Nam Hội Sinh viên trên địa bàn thành phố để triển khai phong
trào thanh niên tình nguyện hiệu quả, bền vững, phát huy mạnh mẽ sức trẻ, tinh
thần cống hiến, xung kích tình nguyện, sáng tạo và nâng cao trách nhiệm của
thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2025, 60% cấp bộ Đoàn, Hội áp dụng công
nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều phối hoạt động của
thanh niên tình nguyện; phấn đấu đến năm 2030 đạt tỷ lệ 80%.
b) Đến năm 2025, có ít nhất 60% và phấn đấu đến năm
2030 đạt 80% các hoạt động thanh niên tình nguyện được ghi nhận, cập nhật trên
Cổng thông tin điện tử về quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện.
c) Đến năm 2025, có 80% và phấn đấu đến năm 2030 đạt
100% chiến dịch hoạt động thanh niên tình nguyện do Đoàn, Hội khởi xướng và triển
khai được áp dụng theo các mô hình quản lý, điều phối đã được đào tạo, tập huấn.
d) Đến năm 2025, có 80% và phấn đấu đến năm 2030,
100% cán bộ chuyên trách phụ trách hoạt động tình nguyện của Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên trên địa bàn thành phố
được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ về
quản lý điều phối hoạt động tình nguyện.
đ) Đến năm 2030, kết nối, điều phối và phát triển mạng
lưới thanh niên tình nguyện với các tổ chức, câu lạc bộ, hội, đội, nhóm tình
nguyện trên địa bàn thành phố.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG CỦA KẾ HOẠCH
1. Phạm vi
Kế hoạch được thực hiện trên phạm vi toàn thành phố,
thời gian đến năm 2030.
2. Đối tượng
a) Cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Cán
bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Cán bộ Hội Sinh viên Việt Nam các cấp trực
tiếp thực hiện công tác quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện của thanh niên.
b) Cán bộ phụ trách công tác thanh niên, sinh viên
trong Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại nước ngoài phụ trách triển khai
các hoạt động thanh niên tình nguyện tại Đà Nẵng.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tuyên truyền, nâng cao nhận
thức về vai trò của hoạt động thanh niên tình nguyện và công tác quản lý, điều
phối hoạt động thanh niên tình nguyện
a) Tăng cường phổ biến, quán triệt chủ trương, đường
lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động thanh niên tình
nguyện.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các hoạt động
thanh niên tình nguyện ý nghĩa, vai trò của công tác quản lý, điều phối hoạt động
thanh niên tình nguyện trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng
của mạng xã hội.
c) Tăng cường công tác tuyên truyền thúc đẩy thực
hiện chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức Đoàn, Hội các cấp
trên địa bàn thành phố.
d) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn
đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu quả các phong trào thanh niên
tình nguyện và công tác quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện.
đ) Xây dựng các sản phẩm, ấn phẩm chuyên đề về các
hoạt động thanh niên tình nguyện, các tấm gương cán bộ Đoàn, Hội tiêu biểu
trong quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện, các mô hình thanh
niên tình nguyện tiêu biểu; xây dựng các ấn phẩm truyền thông số trên cổng
thông tin thanh niên tình nguyện.
e) Tổ chức các hoạt động tôn vinh, biểu dương, khen
thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, mô hình tiêu biểu trong công
tác quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện; hằng năm tham gia Giải
thưởng Tình nguyện Quốc gia.
2. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng
cao năng lực quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện cho đội ngũ cán bộ Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh
viên Việt Nam các cấp
a) Xây dựng nội dung kế hoạch, tài liệu đào tạo, bồi
dưỡng kỹ năng quản lý điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện dành cho cán bộ
Đoàn, Hội phù hợp với từng nhóm đối tượng.
b) Xây dựng, phát triển các cẩm nang quản lý điều
phối, hoạt động tình nguyện và số hóa, cung cấp trên các phương tiện thông tin
đại chúng, các nền tảng truyền thông đa phương tiện, cổng thông tin, trang mạng
xã hội của các cấp bộ Đoàn, Hội, tổ chức liên quan đến tình nguyện.
c) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về
chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội. Phát
huy vai trò của cán bộ Đoàn trong công tác Tổ công nghệ số cộng đồng; xung kích
trong công tác tuyên truyền hướng dẫn người dân nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến,
sử dụng các nền tảng ứng dụng dùng chung của thành phố.
d) Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tập huấn viên các cấp
về quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện theo mô hình ToT
(Training of Trainers). Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao
năng lực quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện cho đội ngũ cán bộ
Đoàn, Hội từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, chú trọng kỹ năng ứng dụng công nghệ
thông tin, chuyển đổi số, năng lực vận động thanh niên tham gia hoạt động tình
nguyện.
đ) Phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ phụ trách
công tác thanh niên tình nguyện tại các nước trong việc đẩy mạnh các hoạt động
thanh niên tình nguyện hướng về đất nước, đẩy mạnh các hình thức đào tạo trực
tuyến dành cho cán bộ phụ trách công tác thanh niên tình nguyện trong và ngoài
nước.
e) Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn
kỹ năng cho cán bộ phụ trách công tác thanh niên tình nguyện vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi biên giới, hải đảo.
g) Hướng dẫn đánh giá về năng lực quản lý, điều phối
hoạt động thanh niên tình nguyện cho các cấp bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam phù hợp với từng
cấp.
k) Địnhkỳ kiểm tra, đánh giá thực trạng năng lực quản
lý, điều phối hoạt động thanh niên, tình nguyện của các cấp bộ Đoàn, Hội và đội
ngũ cán bộ Đoàn, Hội các cấp.
3. Tạo môi trường thuận lợi để
phát huy năng lực quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện cho cán bộ
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội
Sinh viên Việt Nam các cấp
a) Các cấp bộ đoàn tạo điều kiện để cán bộ Đoàn, Hội
áp dụng kiến thức kỹ năng đã được đào tạo, tập huấn vào công tác quản lý, điều
phối hoạt động thanh niên tình nguyện.
b) Các ban, ngành thành phố, cấp ủy chính quyền địa
phương tạo điều kiện cho tổ chức Đoàn, Hội chủ trì hoặc tham gia thực hiện các
kế hoạch dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thông qua đó nâng cao
năng lực thực tiễn của cán bộ Đoàn, Hội trong quản lý, điều phối các hoạt động
thanh niên tình nguyện vì lợi ích cộng đồng, xã hội.
c) Nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả
trong quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện; chú trọng các hoạt động
thanh niên tình nguyện gắn với chuyên môn và các lĩnh vực phát triển kinh tế -
xã hội của đất nước.
d) Đa dạng hoá phương thức triển khai các hoạt động
thanh niên tình nguyện phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
đ) Tổ chức các diễn đàn đối thoại chuyên sâu để cán
bộ Đoàn, Hội phụ trách công tác quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình
nguyện chủ động đề xuất giải pháp, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng phong
trào thanh niên tình nguyện.
4. Củng cố hệ thống quản lý,
điều phối hoạt động tình nguyện ở thành phố, địa phương và phát triển mạng lưới
tình nguyện trên toàn quốc
a) Phát triển và thường xuyên định hướng, đồng
hành, hỗ trợ các thành viên là các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện
thành phố; các câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên tình nguyện thuộc mạng lưới
tình nguyện quốc gia; khuyến khích tổ chức, cá nhân hỗ trợ thanh niên tham gia
hoạt động thanh niên tình nguyện vì lợi ích của cộng đồng, xã hội.
b) Kết nối mạng lưới thanh niên tình nguyện của các
tổ chức Đoàn, Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài để đẩy mạnh các
hoạt động thanh niên tình nguyện hướng về đất nước.
5. Tăng cường kết nối, thúc đẩy
hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế, nâng cao kỹ năng hội nhập quốc tế cho
cán bộ Đoàn, Hội các cấp trong hoạt động thanh niên tình nguyện
a) Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trong
nước và quốc tế theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao kiến thức, chia sẻ
kinh nghiệm về quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện dành cho cán bộ Đoàn, Hội
các cấp.
b) Đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức
quản lý, điều phối, hoạt động tình nguyện từ kinh nghiệm thành công trong công
tác quản lý, điều phối của các tổ chức tình nguyện trong nước và quốc tế.
c) Tổ chức cho cán bộ Đoàn, Hội trực tiếp quản lý,
điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện được học tập, trao đổi kinh nghiệm về
quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện trong nước và nước ngoài; bổ sung, lồng
ghép chuyên đề học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, điều phối hoạt động
thanh, niên tình nguyện trong các kế hoạch giao lưu, trao đổi tại nước ngoài do
Đoàn, Hội tổ chức.
d) Mở rộng và phát triển các chương trình, hoạt động
tình nguyện quốc tế tại Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi để Hội thanh niên,
sinh viên Việt Nam, thanh niên, kiều bào trẻ tại nước ngoài tham gia đóng góp
nguồn lực, kỹ thuật, chuyên môn cho các hoạt động tình nguyện vì lợi ích cộng đồng,
xã hội tại thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.
đ) Vận động người Việt Nam, các trí thức và doanh
nhân ở nước ngoài tham gia đóng góp nguồn lực, kỹ thuật, chuyên môn cho các hoạt
động tình nguyện vì lợi ích cộng đồng, xã hội tại thành phố Đà Nẵng nói riêng
và Việt Nam nói chung.
IV. KINH PHÍ
1. Nguồn kinh phí
a) Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán
ngân sách hằng năm của Thành Đoàn, các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng và địa
phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; lồng ghép trong các chương trình, đề
án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Huy động từ xã hội, cộng đồng và các nguồn kinh
phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ tại Kế hoạch,
Thành Đoàn, các sở, ban, ngành cơ quan chức năng và địa phương xây dựng kế hoạch
và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hằng năm của
Thành Đoàn, các sở, ban, ngành cơ quan chức năng và địa phương gửi Sở Tài chính
tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
thành phố
a) Là cơ quan chủ trì, thường trực giúp UBND thành
phố chỉ đạo thống nhất việc thực hiện Kế hoạch.
b) Xây dựng kế hoạch triển khai hằng năm; chủ trì
thực hiện nhiệm vụ, giải pháp số 1,2,4 của kế hoạch; phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan điều phối và hướng dẫn tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp của kế hoạch.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn thành phố xây
dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động của kế hoạch ở địa phương,
đơn vị.
d) Chủ trì kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình
thực hiện kế hoạch; định kỳ hằng năm tổng hợp, báo cáo UBND thành phố về tình
hình thực hiện kế hoạch.
đ) Chủ trì đánh giá, sơ kết Kế hoạch vào năm 2025,
tổng kết vào năm 2030.
2. Sở Nội vụ
Phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng trong việc tổ chức,
theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch, tổ chức sơ kết vào năm
2025, tổng kết và xây dựng kế hoạch giai đoạn tiếp theo vào năm 2030.
3. Sở Ngoại vụ
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để Hội thanh
niên, sinh viên Việt Nam tại các nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các trí thức
và doanh nhân trẻ tham gia đóng góp nguồn lực, kỹ thuật, chuyên môn cho các hoạt
động thanh niên tình nguyện vì cộng đồng tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói
chung. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm về
quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng rà soát xây dựng nội
dung về quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện và bồi dưỡng nâng cao năng lực
tham gia hoạt động tình nguyện cho cán bộ Đoàn, Hội trong trường học.
5. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng rà soát xây dựng nội
dung về quản lý, điều phối hoạt động tình nguyện và bồi dưỡng nâng cao năng lực
tham gia hoạt động tình nguyện cho cán bộ Đoàn, Hội trong các cơ sở giáo dục
nghề nghiệp.
6. Sở Thông tin và Truyền
thông
Phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng xây dựng Cổng
thông tin về tình nguyện, tham gia cổng thông tin tình nguyện quốc gia; hệ thống
công nghệ, quản lý, điều phối hoạt động thanh niên tình nguyện ở quy mô thành
phố.
7. Sở Tài chính
Phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng và các sở, ban,
ngành, cơ quan có liên quan cân đối kinh phí chi thường xuyên để thực hiện kế
hoạch, trình UBND thành phố xem xét, quyết định theo quy định của Luật ngân
sách nhà nước.
8. Các sở, ban, ngành, cơ
quan trực thuộc UBND thành phố
Phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng và các cơ quan có
liên quan trong triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch theo chức năng,
nhiệm vụ.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố
Phối hợp cùng Thành Đoàn Đà Nẵng trong triển khai
các nội dung của Kế hoạch; rà soát và hướng dẫn quản lý các hoạt động của các đội,
nhóm thanh niên tình nguyện đảm bảo hoạt động tình nguyện được triển khai đúng
quy định của pháp luật.
10. Ủy ban nhân dân các quận,
huyện
a) Hỗ trợ các hoạt động quản lý, điều phối hoạt động
thanh niên tình nguyện tại địa phương, tạo điều kiện để các cấp bộ Đoàn, Hội thực
hiện kế hoạch, lồng ghép với các đề án, kế hoạch khác đang triển khai trên địa
bàn.
b) Bố trí ngân sách địa phương để thực hiện kế hoạch.
Nhận được Kế hoạch này, các Sở, ban, ngành, địa
phương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ,
hiệu quả, gửi kế hoạch triển khai của các cơ quan, địa phương, đơn vị về Thành
Đoàn Đà Nẵng để tổng hợp báo cáo UBND thành phố trước ngày 30 tháng 7 năm 2023.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị chủ động báo cáo Thành
Đoàn Đà Nẵng để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố./.
Nơi nhận:
- Ban tổ chức TW Đoàn (b/cáo);
- Ban ĐKTHTN TW Đoàn (b/cáo);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP (b/cáo);
- UBMTTQVN TP;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Ban Dân vận TU;
- CT và các PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành, Hội đoàn thể;
- UBND các quận, huyện;
- Đài PTTHĐN, Báo ĐN, Cổng TTĐT TP;
- Lưu: VT, VP UBND TP, Thành Đoàn.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Thị Kim Yến
|