ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 01 năm 2025
|
KẾ HOẠCH
VỀ
VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP TRONG QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH
PHỐ NĂM 2025
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày
11/12/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025;
Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và
tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về
việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui
tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Văn bản số 5672/BVHTTDL-VP ngày 25/12/2024
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng cường biện pháp bảo đảm đón
Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Kế hoạch
số 276-KH/TU ngày 09/12/2024 của Thành ủy Hà Nội về tổ chức các hoạt động trong
dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Ủy ban nhân dân thành phố
Hà Nội ban hành Kế hoạch tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức Lễ
hội trên địa bàn Thành phố năm 2025, với các nội dung cụ thể:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Đảm bảo công tác quản lý và tổ
chức lễ hội truyền thống tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP
ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn
bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên
địa bàn Thủ đô.
- Tổ chức lễ hội truyền thống nhằm
tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc Tiên đế, các bậc tiền nhân có
công với dân, với nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; khơi dậy truyền
thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân
tộc; tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy
giá trị các di sản văn hóa; Đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương,
vùng đất và con người địa phương, đặc biệt tiếp tục là cơ hội để quảng bá, giới
thiệu sâu sắc hơn về di tích lịch sử văn hóa, các nhân vật được thờ phụng tại
di tích đến với Nhân dân và du khách. Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ
động viên các tầng lớp Nhân dân trong thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực
hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch năm
2025, chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ
Thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030.
- Lễ hội là ngày hội văn hóa truyền
thống, là cầu nối giao lưu, trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý và tổ chức lễ
hội giữa các địa phương trên địa bàn Thành phố vùng Thủ đô, vùng châu thổ sông
Hồng, làm sâu sắc hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô nghìn
năm văn hiến
2. Yêu cầu
- Xác định việc tổ chức lễ hội là
một sự kiện văn hóa của Thủ đô và của từng đại phương, đảm bảo việc tổ chức lễ
hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Không để xảy ra
các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an
ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều
kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
cốt lõi của địa phương, của dân tộc.
- Việc tổ chức cần được chuẩn bị
chu đáo, kỹ lưỡng với những nội dung thiết thực, hấp dẫn, có trọng tâm, trọng
điểm, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong hoạt động
văn hóa đối ngoại và bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở địa
phương, các hoạt động tại Lễ hội phải có kịch bản chi tiết, cụ thể, nội dung
chương trình phong phú, hấp dẫn.
- Lễ hội được tổ chức trang nghiêm,
trọng thể về phần Lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, tạo ra được các sản
phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá
trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại. Đảm bảo an
ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy, nổ trong quá trình tổ
chức Lễ hội, xây dựng môi trường cảnh quan của di tích “sáng, xanh, sạch, đẹp,
an toàn”.
- Đối với các lễ hội cấp quận,
huyện, thị xã tổ chức cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị
đặc biệt quan tâm đầu tư kịch bản nghệ thuật trong phần hội để Lễ hội trở thành
các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ phát triển văn hóa, xã hội của địa phương.
- 100% các di tích và các lễ hội
được tổ chức trong năm 2025 đảm bảo tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn
minh - An toàn - Tiết kiệm”.
- Công bố dường dây nóng tiếp nhận
và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội.
+ Cấp Thành phố: Số điện thoại đường
dây nóng: 0965404557.
+ Cấp quận, huyện, thị xã: UBND
các quận, huyện, thị xã công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị mình gửi
về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp, theo dõi.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền
- Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy đảng,
chính quyền địa phương quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định tại
Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và
tổ chức lễ hội; Chỉ thị số 40- CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư Trung ương
Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên
đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Văn bản số
5672/BVHTTDL-VP ngày 25/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tăng
cường biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 và Kế hoạch số 276-KH/TU
ngày 09/12/2024 của Thành ủy Hà Nội về tổ chức các hoạt động trong dịp Tết
Dương lịch và Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
- Tập trung thực hiện tốt công tác
tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức,
trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc thực hiện các quy
định về tổ chức lễ hội: Tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích và lễ hội
truyền thống, quảng bá giới thiệu về văn hóa, con người, về tiềm năng, thế mạnh
của địa phương. Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, việc giữ
gìn và thực hiện vệ sinh môi trường tại lễ hội “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.
Tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn
thực phẩm, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ
hội.
- Triển khai các hình thức tuyên
truyền, cổ động trực quan, chiếu sáng, mỹ thuật về thành tựu của Thủ đô, đất
nước, các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an
toàn giao thông, vệ sinh môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan
trong tổ chức lễ hội truyền thống.
- Kịp thời thông tin công khai các
địa phương tổ chức tốt và chưa tốt, để xảy ra các vi phạm trong công tác quản
lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025 trên ứng dụng iHanoi;
- Công bố đường dây nóng tiếp nhận
và xử lý các thông tin phản ánh về hoạt động lễ hội trên các hệ thống thông
tin: Cấp Thành phố: Số điện thoại đường dây nóng: 0965404557; Cấp quận,
huyện, thị xã: UBND các quận, huyện, thị xã công bố số điện thoại đường dây
nóng của đơn vị mình gửi về Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền
thông để tổng hợp, theo dõi.
- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin
và Truyền thông.
- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành
Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã.
2. Công tác quản lý và tổ chức
lễ hội
2.1. Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị thuộc Thành phố:
- Tăng cường công tác quản lý Nhà
nước trong lĩnh vực theo dõi, quản lý về công tác tổ chức lễ hội truyền thống.
Xây dựng kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng
chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội; phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo vệ các di tích, cơ sở tín
ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội. Đảm bảo cho nhân dân được tham gia
Lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, phát huy được giá trị văn hóa
truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
- Có trách nhiệm thực hiện nghiêm
túc các quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý và tổ chức lễ hội; yêu cầu cán
bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước,
thời gian làm việc, phương tiện xe công đi lễ hội, trừ trường hợp được phân
công thực thi nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên vi
phạm.
2.2. Chủ tịch UBND các quận,
huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan:
- Nghiêm túc thực hiện Nghị định
số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức
lễ hội; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố. Tuyên truyền, vận động
nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, Nhân dân và du khách thực
hiện các quy định về tổ chức lễ hội, không để việc tổ chức lễ hội biến tướng
thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống
của dân tộc. Tuyên truyền vận động Nhân dân hạn chế đốt vàng mã, bảo đảm an
toàn; thực hiện phòng chống cháy nổ, tiết kiệm không phô trương, lãng phí, hình
thức.
- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch
Ủy ban nhân dân Thành phố nếu để đơn vị do mình phụ trách, quản lý vi phạm quy
định quản lý tổ chức lễ hội; để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng trong lễ hội.
- Chỉ đạo các cơ quan được giao
nhiệm vụ tổ chức lễ hội, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện:
+ Đăng ký hoặc thông báo tổ chức
lễ hội theo quy định tại Nghị định 110/NĐ-CP và thực hiện theo nội dung đã được
cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
+ Chủ động xây dựng kế hoạch quản
lý, tổ chức lễ hội đảm bảo trang nghiêm, thành kính, tiết kiệm, hiệu quả, tránh
phô trương, hình thức; phù hợp với thuần phong mỹ tục và các giá trị văn hóa
truyền thống của dân tộc.
+ Thành lập, phê duyệt quy chế làm
việc của Ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban tổ chức lễ
hội.
+ Ban hành, phổ biến quy chế làm
việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội; nội quy
thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
- Xây dựng chương trình, kịch bản
tổ chức lễ hội. Thực hiện phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Đảm bảo vệ sinh
an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; phòng chống cháy, nổ; giữ gìn và bảo
vệ các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực tổ chức lễ hội.
+ Thực hiện và công bố công khai
quy hoạch các điểm vui chơi, giải trí trong khu vực lễ hội, thực hiện việc quản
lý, đốt vàng mã đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai,
minh bạch, đúng mục đích; nghiêm cấm hoạt động mê tín, dị đoan, đổi tiền có
chênh lệch giá trong khu vực lễ hội.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng,
các cấp chính quyền cơ sở xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã
hội, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, an
toàn sông nước nhất là việc đảm bảo vệ sinh môi trường “Sáng - Xanh - Sạch -
Đẹp” đối với công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương. Đảm bảo các lễ
hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; loại bỏ hoặc thay thế
những tập tục không còn phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển. Không để xảy
ra các hình ảnh phản cảm trong lễ hội, đặc biệt là việc phát lộc, tranh cướp
lộc, trang phục không phù hợp tại các lễ hội.
- Triển khai, thực hiện Thông tư
04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính về hướng dẫn, quản lý, thu chi
cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động
lễ hội.
- Chủ động phối hợp với các sở:
Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch để
triển khai các hoạt động: biểu diễn nghệ thuật, giải thi đấu thể thao, xúc tiến
thương mại, quảng bá du lịch văn hóa địa phương trong thời gian diễn ra lễ hội.
- Thực hiện trang trí, khánh tiết
tại di tích, lễ hội đảm bảo đúng quy định (thay thế cờ Tổ quốc không đúng quy
định, bị hỏng hoặc bạc màu). Tổ chức trang trí tiểu cảnh hoa, cây xanh, chiếu
sáng, mỹ thuật tạo các điểm checkin hấp dẫn du khách.
- Chấp hành chế độ thông tin báo
cáo trước, trong và sau lễ hội kết thúc theo quy định; đánh giá, tổng kết công
tác tổ chức lễ hội, kịp thời khen thưởng đối với những đơn vị, cá nhân thực
hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại địa phương năm 2025.
3. Công tác kiểm tra
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý
nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di
tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín, cờ bạc, dị đoan; vi
phạm về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ
trong hoạt động tổ chức lễ hội.
3.1. Công tác kiểm tra của
Thành phố
- Thành lập các Đoàn kiểm tra liên
ngành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2025 trên địa bàn Thành
phố để xử lý kịp thời những sai phạm tiêu cực trong hoạt động tổ chức lễ hội,
vi phạm Luật Di sản văn hoá, xâm hại di tích và ảnh hưởng đến các cơ sở tôn
giáo, tín ngưỡng để lễ hội phát triển lành mạnh, đúng hướng.
- Nguyên tắc kiểm tra: kiểm tra
trước, trong và sau lễ hội; kiểm tra theo lịch cụ thể và kiểm tra đột xuất, kết
quả kiểm tra được thông tin ngay trên ứng dụng iHanoi và các phương tiện thông
tin đại chúng.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan
chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Văn hóa cơ sở, Thanh tra
Bộ) trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn, tập trung vào
các lễ hội đông người, diễn ra nhiều ngày.
3.2. Cấp quận, huyện, thị
xã
- Thành lập đoàn liên ngành kiểm
tra, giám sát việc tổ chức lễ hội trước, trong và sau lễ hội theo chức năng,
thẩm quyền.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan
chức năng Thành phố để xây dựng các phương án đảm bảo cho việc tổ chức lễ hội
an toàn, hiệu quả, văn minh.
- Kịp thời thông tin báo chí về
vụ việc phát sinh vi phạm tại lễ hội (nếu có)
4. Xây dựng và nhân rộng mô hình
tiêu biểu thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”
theo Quyết định số 2068/QĐ- BVHTTDL ngày 03 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ
Văn hóa, Thể thao và Du lịch
4.1. UBND các quận, huyện,
thị xã:
- Ban hành Kế hoạch thực hiện Bộ
tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống của địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn
Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đến cán bộ, Ban
quản lý lễ hội, đến lực lượng tham gia phục vụ lễ hội và các cơ quan liên quan;
Tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội.
- Tổ chức ký cam kết thi đua thực
hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống đối với các di
tích, lễ hội trên địa bàn.
- Tổ chức đánh giá, nhận xét mức
độ đạt các tiêu chí trong Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền
thống đối với các di tích, lễ hội trên địa bàn.
- Báo cáo kết quả thực hiện về Sở
Văn hóa và Thể thao ngay sau khi kết thúc lễ hội.
4.2. Cấp Thành phố
- Giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ
trì, phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, đánh giá việc triển khai Bộ tiêu chí
xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống tại các quận, huyện, thị
xã; tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND Thành phố các giải pháp trong việc thực hiện
Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống; đề xuất khen
thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Bộ tiêu chí
xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống.
- Tổ chức các Hội nghị tọa đàm nhân
rộng các môn hình tiêu biểu thực hiện tốt Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn
hóa trong lễ hội truyền thống.
- Báo cáo kết quả triển khai, thực
hiện Bộ tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống về Bộ
Văn hóa và Thể thao, UBND Thành phố theo quy định.
II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa và Thể thao
- Chủ trì xây dựng kế hoạch quản
lý và tổ chức lễ hội năm 2025; hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai,
thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn
vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống.
- Tổ chức thực hiện các biện pháp
quản lý hoạt động lễ hội theo thẩm quyền, thường xuyên theo dõi, cập nhật tình
hình, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố các biện pháp chỉ đạo về quản
lý và tổ chức lễ hội.
- Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử
lý các sai phạm trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa
trong tổ chức lễ hội theo quy định của pháp luật. Kịp thời ngăn chặn và xử lý
nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục
lợi, kích động gây chia rẽ, mất đoàn kết, bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa
phẩm trái phép, các hành vi mê tín, dị đoan.
- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn
các địa phương tiếp tục đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo
của Trung ương và Thành phố trong công tác tổ chức lễ hội truyền thống.
- Phối hợp với Ban Thi đua - Khen
thưởng, Sở Nội vụ tổng hợp, đề xuất trình UBND Thành phố khen thưởng đối với
các tập thể, cá nhân có thành tích trong tổ chức thực hiện phong trào “Cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động thi đua, thực hiện văn hóa công sở và nơi
công cộng”.
2. Sở Thông tin và Truyền
thông
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo
chí thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thành ủy, Ủy ban
nhân dân Thành phố về bảo tồn và phát huy giá trị di tích, tổ chức lễ hội.
Tuyên truyền, giới thiệu giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội; tuyên truyền
thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi
trường trong hoạt động lễ hội. Phản ảnh, biểu dương những cá nhân, tập thể thực
hiện tốt, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, lên án những hành vi vi
phạm trong hoạt động lễ hội.
Chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính,
viễn thông trên địa bàn Thành phố xây dựng phương án bảo đảm thông tin liên
lạc, an toàn mạng lưới phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc tại nơi diễn ra Lễ
hội. Thường xuyên rà soát các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát hiện,
xử lý kịp thời các thông tin không đúng quy định trên mạng internet.
3. Sở Du lịch
Hướng dẫn các quận, huyện, thị xã
có di tích là điểm đến du lịch nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử, văn minh du
lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế tham dự lễ hội năm 2025; tuyên truyền
về giá trị di tích, lễ hội; về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động dịch
vụ tại các khu, điểm du lịch, đảm bảo các điều kiện về công tác lưu trú, nâng cao
chất lượng dịch vụ, không tăng giá dịch vụ trong thời gian diễn ra hoạt động
tại một số lễ hội lớn, tiêu biểu của Thành phố.
4. Công an thành phố Hà Nội
Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên
quan hướng dẫn chính quyền địa phương, các Ban quản lý di tích, lễ hội xây dựng
phương án đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng phương
án phòng chống cháy, nổ, cứu hộ cứu nạn; giải pháp phòng chống thảm họa và các
tình huống phát sinh xảy ra tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và khu vực
tổ chức lễ hội. Có phương án thu gom, kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người ăn
xin đeo bám gây bức xúc cho du khách.
5. Sở Giao thông vận tải
Tăng cường công tác quản lý nhà
nước về giao thông vận tải nhằm đảm bảo giao thông an toàn trong mùa Lễ hội. Phối
hợp với chính quyền địa phương rà soát, đánh giá các điểm, vị trí, điểm nút
giao thông gây mất an toàn, có biện khắc phục; bố trí người trực tại các tuyến
đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Tăng cường quản lý an
toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm du lịch, lễ hội; kiên quyết
đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an
toàn, chở quá số người quy định, du khách không mặc áo phao theo quy định.
6. Sở Y tế
Thực hiện các biện pháp đảm bảo
phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tổ
chức kiểm tra, kiểm soát công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại đầu
nguồn, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại
các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích, lễ hội; xử lý hoặc kiến nghị
cơ quan chức năng xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường,
Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban,
ngành, đơn vị liên quan, hướng dẫn về công tác bảo vệ môi trường đối với tổ
chức, cá nhân hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý di tích; tổ chức rà
soát, thống kê, đánh giá thực trạng môi trường, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất
về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, quản lý
di tích trên địa bàn Thành phố; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có
thẩm quyền xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật và Thành phố.
8. Sở Lao động, Thương binh và
Xã hội
Chủ trì, phối hợp với UBND các quận,
huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và tổ chức vận động, bố trí các điều kiện thu
dung, đảm bảo tại các khu vực diễn ra Lễ hội không có các đối tượng xin ăn, xin
tiền, lang thang cơ nhỡ đeo bám du khách.
9. Các Sở: Tài chính, Công
Thương
Chủ trì, phối hợp các Sở, ban,
ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí ngân sách thực
hiện Kế hoạch; tổ chức hướng dẫn việc niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra,
ngăn chặn các hành vi gian lận về giá, phí dịch vụ, đổi tiền lẻ hưởng chênh
lệch; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi
phạm.
10. Sở Nội vụ
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở
tôn giáo trên địa bàn thành phố quán triệt tổ chức thực hiện tốt quy định của
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở
theo đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh các hoạt động biến tướng
lợi dụng tâm linh, tôn giáo để trục lợi.
11. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành
ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị
- xã hội
11.1. Ban Tuyên giáo Thành
ủy
Chỉ đạo, định hướng các cơ quan
thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của người dân và du khách khi tham gia lễ hội, phát hiện những hạn chế,
biểu hiện không đúng, giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội
trên địa bàn; kịp thời cổ vũ, biểu dương các địa phương, cơ sở, cá nhân thực
hiện tốt, nhắc nhở những nơi thực hiện chưa tốt, vi phạm các quy định pháp luật
và chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
11.2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội
Phối hợp, chỉ đạo tổ chức thành
viên các cấp tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân chấp
hành và thực hiện tốt các quy định về quản lý lễ hội; tiếp tục đẩy mạnh, đổi
mới, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa”; tăng cường vai trò của cơ quan, tổ chức giám sát, phản biện xã hội trong
công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố.
12. UBND các quận, huyện, thị
xã
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị
liên quan tham mưu xây dựng kế hoạch của địa phương chỉ đạo tổ chức và quản lý
lễ hội, có phương án triển khai công tác kiểm soát, ứng phó khi có các tình
huống và dịch bệnh xảy ra, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban liên quan của
Sở Văn hóa và Thể thao trong công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo
cáo với cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa theo phân cấp và chịu trách nhiệm
nội dung chương trình, công tác tổ chức, quy mô cấp độ của lễ hội. Đối với các
lễ hội lớn, dài ngày như: Chùa Hương, Đền Sóc, Đền Hai Bà Trưng, Đền Hát Môn,
Đền Phù Đổng, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, lễ hội Cổ Loa, lễ hội chiến thắng
Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ Hội Giằng Bông Hoài Đức... đề nghị các đơn vị có kế
hoạch chi tiết các hoạt động diễn ra tại lễ hội; kế hoạch đảm bảo an ninh trật
tự, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, giữ gìn vệ sinh
môi trường, phương án phòng, chống dịch bệnh cho người dân khi tham gia lễ hội
gửi về Sở Văn hóa và Thể thao trước khi tổ chức 30 ngày.
- Đối với các đơn vị có hoạt động
lễ hội diễn ra trên sông nước phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho nhân
dân và du khách tham gia lễ hội; chấp hành nghiêm các quy định của Pháp luật và
an toàn đường thủy nội địa.
- Phối hợp với đoàn kiểm tra của
Thành phố khi tiến hành kiểm tra tổ chức lễ hội tại địa phương.
- Tổng hợp, báo cáo công tác
quản lý và tổ chức lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 gửi Sở
Văn hoá và Thể thao Hà Nội để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được
bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách hiện hành.
2. Ngân sách bố trí dự toán chi
thường xuyên cho Sở Văn hóa và Thể thao; các Sở, ban, ngành sử dụng dự toán
được giao hàng năm để triển khai thực hiện. Đối với UBND các quận, huyện, thị
xã thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Trên đây là Kế hoạch của UBND thành
phố Hà Nội về tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức Lễ hội trên địa
bàn Thành phố năm 2025. Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các quận,
huyện, thị xã nghiêm túc phối hợp, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các đơn vị có tên trong KH;
- VPUB: CVP, các PCVP; các phòng: KGVX, TH, TT TTĐT TP;
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Thu Hà
|