ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 119/KH-UBND
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 05 năm 2019
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH VỚI CÁC HÀNH VI ĐEO BÁM, CHÈO KÉO KHÁCH, XÂM PHẠM
SỞ HỮU TÀI SẢN CỦA DU KHÁCH TẠI CÁC ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Thực hiện Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày
08/3/2019 của UBND Thành phố về “tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc
phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm theo tinh thần
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII)”, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch phòng ngừa,
đấu tranh với các hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của
du khách tại các địa điểm du lịch trên địa bàn thành phố
Hà Nội, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Đẩy mạnh
công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi đeo bám, chèo kéo, xâm phạm sở hữu
của du khách, tập trung ngăn chặn không để các ổ nhóm đối tượng hình sự hoạt động
phạm tội công khai, lộng hành, gây bức xúc trong dư luận
quần chúng nhân dân, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho du khách, đặc biệt là du
khách nước ngoài đến tham quan, du lịch trên địa bàn Thủ
đô.
2. Tăng
cường công tác phối hợp giữa các Sở,
ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, phổ biến giáo
dục pháp luật, cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm
tội và các hành vi vi phạm pháp luật... để người dân, du khách chủ động phòng
ngừa, tạo ý thức tự bảo vệ, giữ gìn tài sản của mình. Đồng
thời phát động phong trào toàn dân tham gia đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn, tố
giác hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách tại
các điểm du lịch.
3. Nâng
cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi đeo bám, chèo kéo khách,
xâm phạm tài sản sở hữu của du khách, không để tái diễn tại các địa bàn công cộng,
các điểm du lịch... nhằm tạo môi trường du lịch an toàn, lịch sự và hài lòng của
du khách đến Thành phố tham quan, du lịch.
4. Nâng
cao ý thức của cán bộ, nhân viên phục vụ tại các cơ sở, địa điểm du lịch trên địa
bàn Thành phố trong công tác hướng dẫn, tuyên truyền cho du khách chủ động
phòng ngừa.
5. Việc thực hiện Kế hoạch gắn liền với
việc thực hiện các chuyên đề, kế hoạch phòng, chống tội phạm khác trên địa bàn
Thành phố.
II. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA
BÀN
1. Đối tượng tuyên truyền phòng ngừa
- Du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch trên địa bàn Thủ đô.
- Công ty du lịch, chủ cơ sở lưu trú,
kinh doanh vận tải, dịch vụ, ăn uống tại các địa điểm du lịch trên địa bàn
Thành phố.
2. Đối tượng đấu tranh
- Các đối tượng có hành vi đeo bám,
chèo kéo khách, gồm: ăn xin biến tướng; bán hàng rong; đánh giầy; lái xe ôm,
lái xe taxi dù, đạp xích lô...
- Đối tượng có biểu hiện lôi kéo, bảo
kê, dẫn dắt người ăn xin, người ăn xin biến tướng, người bán hàng rong.
- Các ổ nhóm, đối tượng hình sự hoạt
động phạm tội xâm phạm sở hữu tài sản của du khách tại các điểm du lịch, như:
trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
3. Địa bàn: Tập trung vào các điểm du lịch: danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử,
đình, đền, chùa, phủ, viện bảo tàng, công trình kiến trúc mang tính biểu tượng...
III. CÔNG TÁC TRỌNG
TÂM
1. Các Sở,
ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức điều tra cơ bản theo chức
năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách
xác định, đánh giá toàn diện các điểm du lịch hiện có trên địa bàn Thành phố; tập
trung vào các điểm du lịch lớn, điểm du lịch có tình trạng
đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách.
2. Tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục trong toàn xã hội, mọi tầng lớp nhân dân thực hiện
nghiêm túc các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước, nhất
là các công ty du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại
các điểm du lịch. Tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức
thiết thực, phong phú, hiệu quả đối với tất cả du khách đến tham quan, du lịch trên địa bàn Thủ đô nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác,
tự phòng ngừa.
3. Tổ chức,
rà soát, xác định, thống kê lên danh sách các đối tượng
chuyên nghiệp, thường xuyên có mặt tại các điểm du lịch thực hiện hành vi đeo
bám, chèo kéo, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách để có
biện pháp, đối sách phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
4. Thành
lập các đường dây nóng, nơi tiếp nhận các tin báo về hành
vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du
khách tại các điểm du lịch để kịp thời bắt giữ, xử lý các đối tượng. Tổ chức tuần
tra, kiểm soát, phát hiện bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đeo
bám, chèo kéo và xâm phạm sở hữu của du khách. Thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về quản lý
người bán hàng rong trên địa bàn Thành phố.
5. Thành
lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra công tác bố trí lực lượng đảm
bảo ANTT tại các điểm du lịch trên địa bàn nhằm phát hiện các hành vi đeo bám,
chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách diễn ra công khai, thường
xuyên trên địa bàn mà không được ngăn chặn, xử lý, có biểu hiện bao che, làm
ngơ cho đối tượng hoạt động; xem xét xử lý trách nhiệm cá
nhân, tập thể phụ trách địa bàn.
6. Tăng
cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra
xác minh, khám phá các vụ án, bắt giữ các đối tượng hoạt động lưu động, liên tỉnh.
7. Định kỳ
tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện
Kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi đeo bám,
chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu của du khách tại các địa điểm du lịch trên địa
bàn Thành phố.
IV. PHÂN CÔNG NHIỆM
VỤ
1. Công an Thành phố
- Là cơ quan chủ trì, phối hợp các
đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch; có trách nhiệm tham mưu UBND Thành
phố triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung, biện pháp
đã đề ra; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ để nhân dân tích cực, tự
giác tham gia đấu tranh, phòng, chống các hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm
phạm sở hữu tài sản của du khách tại các địa điểm du lịch.
- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu
quả Kế hoạch số 79/KH-CAHN-PV11 ngày 03/4/2014 của Công an Thành phố về tập
trung đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội tại các địa bàn công cộng.
- Thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ
bản, chủ động nắm tình hình, xác định địa bàn, tuyến trọng điểm thường xảy ra hiện tượng đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu của du khách (trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…)
- Lập danh sách số đối tượng có biểu
hiện hoạt động phạm tội xâm phạm sở hữu tài sản của du khách và
có biểu hiện lôi kéo, bảo kê, dẫn dắt người ăn xin, người ăn xin biến tướng,
người bán hàng rong... mở hồ sơ quản lý, theo dõi theo quy định. Đấu tranh, triệt
phá các ổ nhóm, đối tượng hình sự hoạt động chuyên nghiệp,
lưu động tại các địa bàn công cộng, các địa điểm du lịch.
- Phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án
nhân dân các cấp đưa một số vụ án điển hình về xâm phạm sở hữu tài sản của khách
du lịch xét xử công khai và xử phạt hành chính theo quy định pháp
luật đối với các đối tượng có hành vi đeo bám, chèo kéo, ép buộc khách du lịch
tại các điểm du lịch để phục vụ công tác răn đe, phòng ngừa tội phạm.
2. Sở Du lịch
- Phối hợp với các ngành có liên quan
điều tra cơ bản các điểm du lịch trên địa bàn Thành phố. Chủ động nắm thông tin, phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực du lịch liên quan đến các
ngành, kịp thời thông tin cho các ngành, các cấp, các địa phương để phối hợp
thanh tra, kiểm tra xử lý theo thẩm quyền.
- Phối hợp với các ngành, các địa
phương đẩy mạnh hướng dẫn, giúp đỡ, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng
người làm du lịch làm tốt công tác giữ gìn môi trường du lịch của Thủ đô.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn, đề nghị cơ quan báo chí Hà
Nội, các cơ quan báo chí Trung ương ký Chương trình phối hợp công tác với Thành
phố, hệ thống thông tin cơ sở, cụ thể:
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền,
phổ biến, giáo dục người dân chấp hành pháp luật và thực thi pháp luật nhằm
phòng ngừa ngăn chặn tội phạm, vi phạm pháp luật.
- Thực hiện các tin, bài, phóng sự về
những hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách tại các điểm du lịch để cơ quan chức năng, chủ các cơ sở lưu trú,
kinh doanh vận tải, dịch vụ ăn uống, du khách, người dân biết phòng ngừa ngăn
chặn, không vi phạm.
4. Sở Văn hóa và Thể thao
- Tham mưu UBND Thành phố quản
lý, hướng dẫn tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di
sản văn hóa, lễ Hội truyền thống, các tín ngưỡng gắn với di tích lịch sử, quản
lý hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố, hướng dẫn tổ chức các lễ hội, thực
hiện nếp sống văn minh.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành,
đoàn thể thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa”; tuyên truyền, giáo dục giá trị đạo đức,
lối sống, cách ứng xử trong gia đình, xã hội. Từ đó phát
huy bản sắc văn hóa người Việt và phát triển mô hình du lịch
trên địa bàn Thành phố.
5. Sở Tư pháp
Chủ động phối hợp với các Sở, ngành
liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung những vướng mắc, bất cập
của pháp luật, nhất là các quy định về cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra các hoạt động kinh doanh có điều kiện, các văn bản quy phạm pháp luật
về xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hình sự... bảo đảm chế tài đầy đủ,
nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với các hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm
sở hữu của du khách tại các điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố.
6. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Thực hiện tốt công tác tham mưu UBND
Thành phố trong quản lý Nhà nước về lao động, việc làm, dạy nghề, bảo trợ xã hội,
bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội, cụ
thể:
- Hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị
xã và các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ
trợ việc làm, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trên địa bàn Thành phố.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát tình
hình thực hiện các chính sách dành cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc
biệt nói riêng và các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy định.
- Thực hiện tốt công tác tập trung
người lang thang trên địa bàn Thành phố đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, không để các đối tượng có biểu hiện lôi kéo, bảo kê, dẫn dắt lợi dụng người
lang thang đi ăn xin hoặc ăn xin biến tướng, bán hàng rong tại các điểm du lịch.
7. Sở Nội vụ
Phối hợp các đơn vị chức năng, cơ
quan thông tấn, báo đài thực hiện tốt công tác tuyên truyền về những thành tích,
kết quả đạt được trong quá trình triển khai nhiệm vụ; những gương người tốt, việc
tốt, các tập thể, cá nhân có thành tích…; kịp thời đề xuất
khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
8. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân
Tòa án nhân dân Thành phố
- Tăng cường phối hợp với Công an Thành phố thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố,
xét xử vụ án. Tiến hành xét xử công khai một số vụ án điển hình nhằm tuyên truyền,
giáo dục, răn đe tội phạm.
- Thống nhất đường lối xử lý và hướng dẫn Cơ quan Cảnh sát điều tra trong hoạt động điều tra, truy tố,
xét xử các vụ án xâm phạm sở hữu tài sản của khách du lịch
nước ngoài có khó khăn, vướng mắc.
9. Các Sở,
ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham gia thực hiện
các nội dung của Kế hoạch này.
10. UBND các quận, huyện, thị xã
- Chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể tổ
chức tuyên truyền, nâng cao tinh thần cảnh giác cho du khách biết phương thức,
thủ đoạn của các đối tượng có hành vi đeo bám, chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu
tài sản của du khách; các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật có liên quan về quản lý người bán hàng rong trên địa bàn.
- Chỉ đạo lực lượng cấp cơ sở thường
xuyên tuần tra, kiểm soát phát hiện xử lý các đối tượng có hành vi đeo bám,
chèo kéo khách, xâm phạm sở hữu tài sản của du khách.
- Phối hợp các ngành chức năng thực
hiện hiệu quả công tác tập trung người lang thang trên địa bàn Thành phố đưa
vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, không để các đối tượng có biểu hiện lôi kéo, bảo
kê, dẫn dắt lợi dụng người lang thang đi ăn xin hoặc ăn xin biến tướng, bán hàng rong tại các điểm du lịch.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở,
ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ
được phân công:
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện gửi về Công an Thành phố (qua Phòng Cảnh sát Hình sự - số 7, Thiền
Quang, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước ngày 30/5/2019
để tổng hợp theo dõi.
- Kết quả điều tra cơ bản theo từng
ngành, từng lĩnh vực gửi về Công an Thành phố (qua
Phòng Cảnh sát Hình sự - số 7, Thiền Quang, Hoàn Kiếm, Hà Nội) trước ngày 15/6/2019
để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông
tin, báo cáo: định kỳ 6 tháng (trước 25/5) và 01 năm (trước 25/12), gửi Công an
Thành phố (qua Phòng Cảnh sát Hình sự - số
7, Thiền Quang, Hoàn Kiếm, Ha Nội) để tổng hợp chung.
2. Giao
Công an Thành phố chủ trì, phối hợp với
các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quán triệt triển khai thực hiện tốt các mục
tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong kế hoạch; Định kỳ tổng hợp báo cáo UBND Thành phố theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bí thư Thành ủy;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- V01, C02 - Bộ Công an;
- Các Sở, ngành, đoàn thể Thành phố;
- Công an Thành phố;
- Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố;
- Tòa án nhân dân Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Báo: HNM, KTĐT, ANTĐ,
Phân xã HN, Đài PT&TH HN;
- VPUB: CVP, các PCVP; phòng: NC, KGVX TKBT;
- CATP (PV01-Đ3, PC02-Đ1);
- Lưu: VT, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Sơn
|