ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1118/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 03
tháng 4 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI XÂY DỰNG MÔ HÌNH “XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN SẠCH MA
TÚY” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Triển khai thực hiện Chỉ thị
19-CT/TU ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Ủy ban
nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch
ma túy” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Huy động sự tham gia vào cuộc
quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị -
xã hội các cấp và toàn dân từng bước xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn
sạch ma túy” gắn với triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đấu tranh
với tội phạm, triệt xóa điểm, tụ điểm phức tạp, điểm bán lẻ ma túy, tăng cường
công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, công tác tái hòa nhập cộng đồng,
không để phát sinh tình hình phức tạp liên quan đến tội phạm và tệ nạn ma túy tại
các địa bàn được lựa chọn.
- Quyết tâm phấn đấu xây dựng
ít nhất 30% số xã, phường, thị trấn sạch về ma túy trong năm đầu tiên triển
khai thực hiện; giữ vững những địa bàn đã đạt tiêu chí “sạch ma túy” và nghiên
cứu nhân rộng tại các địa bàn khác trong các năm tiếp theo.
2. Yêu cầu:
Việc triển khai thực hiện xây dựng
mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy” theo đúng lộ trình, bằng các
phương pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình từng khu vực, địa bàn; huy động
tối đa sự tham gia, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị
xã hội và toàn dân đảm bảo quyết liệt, đồng bộ; tập trung nguồn lực triển khai
thực hiện“làm sạch” ma túy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp; các địa
bàn ít phức tạp hoặc không phức tạp thực hiện sau, chú trọng giữ vững những địa
bàn đã được “làm sạch” ma túy.
II. PHẠM VI,
THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi: Mỗi huyện,
thành phố lựa chọn ít nhất 30% địa bàn xã, phường, thị trấn để triển khai xây dựng
mô hình điểm trong năm đầu tiên, trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm
sẽ triển khai nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Thời gian thực hiện:
- Giai đoạn 01: Triển khai xây
dựng mô hình điểm đến ngày 14 tháng 12 năm 2024.
- Giai đoạn 02: Duy trì kết quả
làm sạch ma túy tại các địa bàn điểm và nhân rộng tại các địa bàn khác trên
toàn tỉnh (triển khai từ ngày 15 tháng 12 năm 2024).
3. Tiêu chí đánh giá,
công nhận “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy”:
a. Tại thời điểm xét công nhận “Xã,
phường, thị trấn sạch ma túy”, địa bàn phải đảm bảo các tiêu chí sau:
- Không có tụ điểm, điểm phức tạp
về ma túy, không có đối tượng bán lẻ trái phép chất ma túy, không có điểm tổ chức
sử dụng trái phép về ma túy trên địa bàn.
- Không có đối tượng, ổ nhóm,
đường dây có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động phạm tội về ma túy trên
địa bàn.
- 100% người nghiện ma túy trên
địa bàn có hồ sơ quản lý; 100% người nghiện ma túy có mặt tại địa bàn được lập
hồ sơ áp dụng các hình thức cai nghiện và 100% người sau cai nghiện được lập hồ
sơ quản lý theo quy định.
- 100% người sử dụng trái phép
chất ma túy có mặt tại địa bàn được lập hồ sơ quản lý, theo dõi, giám sát chặt
chẽ theo quy định pháp luật.
- 100% đại diện các hộ gia đình
trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không vi phạm
pháp luật, không tham gia tệ nạn ma túy và tự nguyện hợp tác với các lực lượng
chức năng trong công tác phòng, chống ma túy.
- 100% thôn, làng, tổ dân phố
có hòm thư tố giác tội phạm, có bảng niêm yết công khai số điện thoại đường dây
nóng của lực lượng chức năng trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm
ma túy.
- Xây dựng và duy trì hiệu quả
ít nhất 01 mô hình về toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy
trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
b. Công an tỉnh hướng dẫn cụ thể
các tiêu chí và quy trình công nhận xã, phường, thị trấn sạch ma túy để các đơn
vị, địa phương biết, triển khai thực hiện đảm bảo quy định.
II. NHIỆM
VỤ TRỌNG TÂM VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Công an tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các lực
lượng chức năng liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp
phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy; trong đó, ưu tiên lực lượng, phương
tiện nhằm triển khai kế hoạch xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma
túy” trên địa bàn hoàn thành mục tiêu đề ra.
- Tăng cường công tác quản lý
nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh gắn với việc triển khai thực hiện
hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn
góp phần xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy” đảm bảo thiết
thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Chủ trì xây dựng dự toán kinh
phí thực hiện kế hoạch này, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình cấp có thẩm quyền
xem xét; đồng thời chủ động việc kêu gọi, huy động các nguồn lực hợp pháp để hỗ
trợ công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn.
2. Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội:
- Triển khai thực hiện hiệu quả
công tác cai nghiện trên địa bàn, nhất là đối với các xã, phường, thị trấn được
lựa chọn để xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy”; phối hợp
với lực lượng Công an các cấp tổ chức tiếp nhận các đối tượng cai nghiện bắt buộc
đối với các địa bàn được lựa chọn xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch
ma túy”.
- Chủ trì phối hợp với Công an
tỉnh, Sở Y tế và các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong
quá trình triển khai công tác cai nghiện theo thẩm quyền và đảm bảo quy định của
Luật phòng, chống ma túy năm 2021 và các văn bản hướng dẫn có liên quan; nhất
là hướng dẫn việc triển khai thực hiện các quy trình đối với công tác cai nghiện
tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
- Chỉ đạo các đơn vị chức năng
có liên quan triển khai các giải pháp tăng cường công tác giáo dục, dạy nghề
cho người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện; công tác tái hòa nhập cộng đồng,
quản lý sau cai nghiện và tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy nhằm hạn
chế tối đa khả năng tái nghiện.
3. Sở Y tế chủ trì, phối
hợp với các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến
hành rà soát, nắm tình hình; bổ sung, hỗ trợ cho lực lượng y tế làm công tác
cai nghiện ma túy tại địa bàn, trong đó ưu tiên hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị
y tế, dụng cụ xét nghiệm, test thử ma túy... cho các cơ sở có chức năng, nhiệm
vụ xác định tình trạng nghiện ma túy tại địa bàn lựa chọn xây dựng mô hình “Xã,
phường, thị trấn sạch ma túy”.
4. Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh:
- Tăng cường công tác thông
tin, tuyên truyền về phòng, chống ma túy tại địa bàn các xã biên giới để toàn
thể người dân biết, thực hiện. Huy động lực lượng, phương tiện tổ chức kiểm
tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại các xã biên giới và
kiên quyết đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm trên tuyến biên giới.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an, Hải quan trong quá trình triển khai,
thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm “làm sạch” ma túy tại địa bàn các
xã biên giới.
- Tăng cường triển khai các hoạt
động hợp tác với các lực lượng chức năng của Lào, Campuchia trong quá trình kiểm
tra, kiểm soát và phối hợp đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm tội phạm ma túy
qua khu vực biên giới.
5. Đề nghị Cục Hải quan
Gia Lai - Kon Tum chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Bờ Y tăng cường
công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ tội
phạm liên quan đến ma túy; tăng cường phối hợp với lực lượng Công an, Bộ đội
Biên phòng trong quá trình triển khai các phương án nghiệp vụ nhằm phát hiện, bắt
giữ tội phạm ma túy tại khu vực cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
6. Viện Kiểm sát nhân
dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công
tác phối hợp với Cơ quan điều tra các cấp trong công tác điều tra, truy tố, xét
xử, thi hành án các vụ án liên quan về ma túy và trong việc lập hồ sơ cai nghiện,
xét xử bảo đảm kịp thời, đúng quy định pháp luật. Phối hợp với Công an tỉnh lựa
chọn các vụ án được dư luận quan tâm để tổ chức phiên tòa lưu động, công khai
nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe chung để toàn thể người dân biết, tự
giác chấp hành các quy định của pháp luật.
7. Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chỉ đạo các phòng, ban liên quan và đơn vị trực thuộc rà
soát, đánh giá việc triển khai các chính sách hỗ trợ, phát triển nông, lâm nghiệp
trên địa bàn, nhất là các địa bàn biên giới làm cơ sở triển khai các chính sách
hỗ trợ liên quan đến phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, hỗ trợ con giống, cây
trồng... để người dân phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống, loại bỏ
nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm về ma túy.
8. Ban Dân tộc tỉnh tiếp
tục triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội,
nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng
xa, khu vực biên giới nhằm ổn định cuộc sống, xóa đói giảm nghèo… hạn chế tối
đa việc tiếp tay, vi phạm pháp luật và tệ nạn ma túy.
9. Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Cổng Thông tin điện tử tỉnh tăng thời lượng phát
sóng, đăng tải các tin, bài viết tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy
nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống ma túy; nêu gương
“người tốt, việc tốt”, người có uy tín, có đóng góp tích cực và phổ biến
các mô hình hay trong trong công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn.
10. Sở Tài chính phối hợp
với Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền
xem xét, bố trí kinh phí (vốn sự nghiệp) hỗ trợ việc triển khai xây dựng
“Xã, phường, thị trấn sạch ma túy” theo quy định của Luật Ngân sách Nhà
nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hằng năm theo phân cấp
quản lý ngân sách Nhà nước hiện hành.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện,
thành phố phối hợp với lực lượng Công an các cấp trong công tác tuyên truyền, vận
động về phòng, chống ma túy trên địa bàn; quản lý, giáo dục người nghiện, người
sử dụng trái phép chất ma túy; tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong
án phạt tù về ma túy, người nghiện sau cai nghiện. Hướng dẫn người dân triển
khai thực hiện các mô hình sản xuất, nâng cao đời sống tại các địa bàn lựa chọn
xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy”; tăng cường công tác
giám sát các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các quy định
của pháp luật phòng, chống ma túy nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp,
hiệu quả.
12. Đề nghị Ban Chấp
hành Tỉnh đoàn Kon Tum chỉ đạo các huyện đoàn, thành đoàn và đoàn trực thuộc lựa
chọn và xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy”; tổ chức các
hoạt động tuyên truyền, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng, chống
ma túy nhằm bảo đảm mỗi địa bàn lựa chọn xây dựng 01 mô hình “Xã, phường, thị
trấn sạch ma túy”, công trình, phần việc thanh niên trong phòng, chống ma
túy phù hợp tình hình thực tế và đảm bảo hiệu quả. Triển khai các giải pháp
khuyến khích, hỗ trợ thanh niên (nhất là số thanh niên sau khi hoàn thành
chương trình cai nghiện, chấp hành xong án phạt tù, đối tượng có nguy cơ cao
liên quan đến ma túy...) tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế…; xây dựng
điển hình thanh niên tiến bộ, vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, tích cực trong
công tác phòng, chống ma túy.
13. Hội Liên hiệp phụ nữ
tỉnh chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với lực lượng Công an trong việc thực hiện
công tác tuyên truyền, đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma túy và giúp đỡ, quản
lý người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Triển khai xây dựng mô hình,
công trình, phần việc của phụ nữ tại các địa bàn lựa chọn xây dựng mô hình “Xã,
phường, thị trấn sạch ma túy”; triển khai các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ đối
với những trường hợp phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người thân phạm
tội ma túy hoặc nghiện ma túy.
14. Hội Cựu chiến binh tỉnh,
Hội Người cao tuổi tỉnh, Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận
động hội viên và Nhân dân tham gia công tác phòng, chống ma túy, tố giác tội phạm
về ma túy; xây dựng, củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình, điển hình
tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy; chỉ đạo các cấp Hội phối hợp lực
lượng Công an các cấp làm tốt công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người
nghiện ma túy sau cai.
15. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố:
- Chỉ đạo các lực lượng chức
năng triển khai các biện pháp phòng, chống tội phạm ma túy và quản lý người
nghiện ma túy trên địa bàn; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo,
chỉ đạo của người đứng đầu các các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chính quyền địa
phương trong việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy
và xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy” trên địa bàn.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch
thực hiện công tác “làm sạch” ma túy, chỉ đạo các lực lượng chức năng (Công
an, Quân sự), các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn huy động cả hệ thống chính trị và toàn thể người dân phối hợp thực hiện
các giải pháp “làm sạch” ma túy trên địa bàn.
- Tiếp tục triển khai thực hiện
các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn, nhất
là địa bàn các xã biên giới; ưu tiên triển khai các chính sách xóa đói, giảm
nghèo, tạo điều kiện để phát triển sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn, con giống... cho
các đối tượng yếu thế, đối tượng có nguy cơ phạm tội, đối tượng chấp hành xong
án phạt tù, đối tượng sau cai nghiện...; việc triển khai thực hiện các chính
sách phải gắn với công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện và
phù hợp với đặc điểm tình hình, nguyện vọng của người dân trong khu vực.
- Quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho
công tác “làm sạch” ma túy nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội, cải
thiện đời sống Nhân dân tại các địa bàn được lựa chọn xây dựng mô hình “Xã,
phường, thị trấn sạch ma túy”.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Căn cứ các nhiệm vụ
được giao tại Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện và gửi kế
hoạch về Công an tỉnh để tổng hợp, theo dõi. Trong quá trình triển khai thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc; các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương phối hợp
với Công an tỉnh để được hướng dẫn, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có
thẩm quyền xem xét, chỉ đạo. Định kỳ 06 tháng (trước ngày 15 tháng 6),
01 năm (trước ngày 15 tháng 12); tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về
Công an tỉnh.
2. Công an tỉnh chủ trì,
phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các
cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này;
kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xử lý các khó khăn, vướng
mắc theo thẩm quyền. Tham mưu sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng và báo
cáo kết quả thực hiện theo đúng quy định.
Trên đây là Kế hoạch Triển khai
xây dựng mô hình “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy” trên địa bàn tỉnh; Ủy
ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c)
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh (biết);
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Tỉnh Đoàn Kon Tum;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Người cao tuổi tỉnh,
Hội Nông dân tỉnh;
- Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum;
- Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Kon Tum, Cổng Thông tin điện tử tỉnh
(đ/tin);
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, NCLTD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|