TỔNG
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
55/HD-TLĐ
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI, DÂN SỐ, GIA ĐÌNH, TRẺ EM NĂM 2022
Thực hiện chương trình công tác năm
2022 được Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn phê duyệt; căn cứ chương
trình công tác của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, định hướng
của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế về thực hiện truyền thông
giáo dục về công tác dân số; hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về
công tác gia đình năm 2022 và các chiến lược, chỉ thị, chương trình, kế hoạch
được Thủ tướng Chính phủ ban hành liên quan tới công tác bình đẳng giới, dân số,
gia đình, trẻ em, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn một số nội dung trọng
tâm về công tác bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em năm 2022 như sau:
1. Công tác bình
đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ
- Đẩy mạnh việc thực hiện các mục
tiêu, chỉ tiêu bình đẳng giới và giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch số
120/KH-TLĐ ngày 5/7/2021 của Tổng Liên đoàn về thực hiện “Chiến lược quốc gia về
bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030”, trong đó phấn đấu đến năm 2025 đạt 80%
trở lên công đoàn cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương có cán bộ chủ chốt
công đoàn là nữ.
- Đánh giá tình hình cán bộ nữ tham
gia lãnh đạo, quản lý trong hệ thống công đoàn để đề xuất xây dựng kế hoạch đào
tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ theo lộ trình phù hợp với nhiệm
kỳ Đại hội Công đoàn các cấp. Chú trọng công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành
công đoàn các cấp theo Kế hoạch số 179/KH-TLĐ ngày 3/3/2022 về tổ chức đại hội
công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028,
trong đó phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành đạt từ 30% trở lên.
- Tổ chức lồng ghép các lớp tập huấn
kỹ năng lồng ghép giới với các lớp tập huấn công tác nữ công công đoàn các cấp
trong đó tập trung tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng,
Nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng ngừa ứng phó với
bạo lực trên cơ sở giới, thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực
hiện bình đẳng giới; tích cực đấu tranh, phản bác những thông tin sai lệch về
bình đẳng giới ở Việt Nam; tăng cường đổi mới các hình thức tuyên truyền đặc biệt
là ứng dụng lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên
nền tảng số phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn; quan tâm các vấn đề
nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại đối với
phụ nữ và trẻ em; tiếp tục triển khai các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, hưởng
ứng các hoạt động nhân “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng
phó với bạo lực trên cơ sở giới” từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2022 theo chủ đề
của năm, hiệu quả, sáng tạo, thích ứng với điều kiện, tình hình cụ thể.
- Nghiên cứu, đề xuất và phối hợp triển
khai các hoạt động, giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch
COVID-19 để tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm, tăng thu nhập, phục hồi kinh tế, đảm
bảo an sinh xã hội cho người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng.
- Chủ động lồng ghép các nội dung kiểm
tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng
giới, vì sự tiến bộ phụ nữ trong các cuộc kiểm tra, giám sát của tổ chức công
đoàn, chú trọng tại các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ.
2. Công tác dân số,
gia đình, trẻ em
- Tuyên truyền về kết quả sau 5 năm
triển khai thực hiện Kế hoạch hành động số 13/KH-TLĐ ngày 16/3/2018 của TLĐ thực
hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới nhằm tạo sự đồng
thuận cao dẫn đến chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi góp phần thực hiện các
mục tiêu Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030.
- Tập trung tuyên truyền về tầm quan trọng
của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như khám, tư vấn sức
khỏe trước khi kết hôn, thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh dị tật trước
sinh, sơ sinh; cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục,
phòng tránh thai an toàn, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục; thực hiện
nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống;
tuyên truyền, vận động công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) sinh đủ 2 con,
không lựa chọn giới tính thai nhi.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông
tư vấn về hôn nhân, gia đình, trách nhiệm của nam giới chia sẻ công việc gia
đình và trong chăm sóc, nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình; phụng dưỡng
và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình; phòng chống suy dinh dưỡng
bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và chăm lo tốt hơn
cho con CNVCLĐ, đổi mới, đa dạng hóa hình thức truyền thông như: diễn đàn, hội
thảo, hội thi, câu lạc bộ, sân khấu hóa, trang mạng xã hội, mở chuyên trang,
chuyên mục...
- Chủ động phối hợp với người sử dụng
lao động tiếp tục triển khai thực hiện, nhân rộng các mô hình có hiệu quả như:
“Sức khỏe của bạn”, “Lễ cưới tập thể”, “Phòng vắt trữ sữa”, “Trại hè cho con
công nhân viên chức lao động”, đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình mới nhằm
hỗ trợ gia đình đoàn viên, công nhân viên chức lao động, nhất là công nhân lao
động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh
phúc. Đẩy mạnh truyền thông rộng rãi Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em
(số 111).
- Tăng cường công tác tham mưu giải
quyết vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNVCLĐ, nhất là tại các khu công nghiệp,
khu chế xuất. Tham gia thương lượng, đưa vào nội dung thỏa ước lao động tập thể
tại doanh nghiệp quy định về giám sát việc thực hiện chính sách trợ cấp cho con
công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp theo Nghị định số
105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo
dục mầm non.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức,
kỹ năng về nghiệp vụ công tác gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán
bộ làm công tác nữ công công đoàn các cấp nhằm tăng cường hiệu quả trong công
tác gia đình và mạng lưới bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền
trẻ em, bổn phận của trẻ em phù hợp với từng nhóm đối tượng, chú trọng truyền
thông trực tiếp nhằm đảm bảo các thông tin về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo
dục trẻ em đến từng gia đình CNVCLĐ.
3. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố
trí từ nguồn tài chính công đoàn trong dự toán hàng năm của công đoàn các cấp
và kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, đề án liên quan theo quy định của pháp
luật về ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác.
Đảm bảo việc thực hiện các nguồn kinh
phí theo quy định tại Thông tư số 191/2009/TT-BTC ngày 01/10/2009 của Bộ Tài
chính về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động bình đẳng giới và vì sự
tiến bộ của phụ nữ; Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ ngày 01/03/2022 về việc ban hành
quy định thu chi, quản lý tài chính, tài sản tại công đoàn cơ sở; Quyết định số
4291/QĐ-TLĐ ngày 01/03/2022 về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn, định mức
chế độ chi tiêu trong các cơ quan Công đoàn.
Trên đây là một số nội dung trọng tâm
trong công tác bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em năm 2022. Đề nghị các cấp
công đoàn căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị để cụ thể hóa cho
phù hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả; báo cáo kết quả thực hiện trong báo
cáo 6 tháng và báo cáo năm về công tác nữ công.
Nơi nhận:
- Các LĐLĐ tỉnh, thành
phố; (thực hiện)
- Các CĐ ngành TW và CĐTCT trực thuộc TLĐ (thực hiện)
- Thường trực ĐCT TLĐ (để báo cáo);
- Ủy ban Quốc gia VSTBPN ;
- TW Hội LHPN Việt Nam; (để phối hợp)
- Bộ VH TT và DL; (để phối hợp)
- Tổng cục Dân số-KHHGĐ; (để phối hợp)
- Cục trẻ em, Bộ LĐ TB & XH; (để phối hợp)
- Lưu: VT, NC.
|
TM.ĐOÀN
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Thái Thu Xương
|
CHỦ ĐỀ VÀ THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG DÂN SỐ, GIA ĐÌNH, TRẺ EM NĂM 2022
(Gửi
kèm theo Hướng dẫn số 55/HD-TLĐ ngày 30 tháng 3 năm 2022)
I. TRUYỀN THÔNG VỀ
DÂN SỐ:
1. Kỷ niệm
Ngày Dân số Thế giới (11/7) và các hoạt động hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm
2019.
Chủ đề: “Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ có
hướng dẫn chi tiết khi nhận được chủ đề từ Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc”.
2. Tổ chức
Chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh và hưởng ứng Ngày Quốc
tế trẻ em gái 11/10.
Chủ đề: “Nâng cao vai trò, vị thế của
trẻ em gái góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”
3. Hưởng ứng
Tháng hành động quốc gia về Dân số (tháng 12) và Ngày Dân số Việt Nam 26/12.
Chủ đề: “Nâng cao chất lượng Dân số
để phát triển đất nước nhanh và bền vững”.
4. Truyền thông Hưởng ứng Ngày
Thalassemia thế giới 8/5/2022.
Chủ đề: “Chung tay đẩy lùi bệnh
tan máu bẩm sinh vì tương lai giống nòi”.
5. Hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới
(26/9)
Chủ đề: “Thực hiện kế hoạch hóa
gia đình vì sức khỏe, hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của
đất nước ”.
II. TRUYỀN THÔNG VỀ
GIA ĐÌNH:
1. Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2022
Chủ đề: “Yêu thương và chia sẻ”
2. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022
Chủ đề: “Gia đình bình an - Xã hội
hạnh phúc”.
3. Tháng hành động quốc gia về phòng,
chống bạo lực gia đình (tháng 6) Chủ đề: “Phòng, chống bạo lực gia đình là
trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội”
4. Thông điệp:
- Quan tâm đến công tác gia đình cần
cụ thể hóa bằng hoạt động của công đoàn cơ sở.
- Xây dựng gia đình biến mọi phiền muộn
trở thành hạnh phúc, niềm vui giản dị mỗi ngày
III. TRUYỀN THÔNG
VỀ TRẺ EM
- Tháng hành động vì trẻ em 2022 (từ
01/6-30/6):
Chủ đề: “Chung tay bảo vệ trẻ em
hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”.
Thông điệp: “Bảo vệ trẻ em sống an
toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên trong gia
đình”.