HIỆP ĐỊNH
GIỮA
CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA CUBA VỀ TRAO
ĐỔI THƯƠNG MẠI VÀ CÁC HÌNH THỨC HỢP TÁC KINH TẾ KHÁC (1996).
Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ
Nghĩa Việt Nam và chính phủ Cộng hoà CuBa, dưới đây gọi riêng là
"Bên" gọi chung là "Các Bên", với lòng mong muốn củng cố và
phát triển quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước,tuân thủ các nguyên tắc
bình đẳng, cùng có lợi và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế,
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1
Hai Bên khuyến khích và tạo điều
kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước
phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành ở mỗi nước.
Điều 2
Hai Bên dành cho nhau quy chế
tối huệ quốc trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến:
- Thuế hải quan và các khoản thu
khác áp dụng đối với xuất khẩu và nhập khẩu, kể cả phương thức thu các khoản
thuế và khoản thu đó.
- Các quy định về thủ tục hải
quan, quá cảnh, lưu kho, vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá.
- Thuế thu trực tiếp hoặc gián
tiếp đối với hàng hoá nhập khẩu.
- Phương thức thanh toán và
phương thức chuyển các khoản thanh toán đối với hoạt động xuất nhập khẩu.
- Các quy định về mua , bán, vận
chuyển và phân phối.
- Những quy tắc và thủ tục liên
quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Điều 3
Những quy định của Điều 2 không
áp dụng đối với:
a. Những ưu đãi mà một trong hai
Bên ký kết đã hoặc sẽ dành cho các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện thuận lợi
cho mậu dịch biên giới.
b. Những ưu đãi mà một trong hai
Bên ký kết đã hoặc có thể dành cho nước cùng tham gia với mình trong các khu
mậu dịch tự do, liên minh thuế quan, các Hiệp định kinh tế khu vực hoặc các
Hiệp định khác do các Bên đã hoặc sẽ dành cho các nước khác theo thể thức đặc
biệt.
Điều 4
Các khoản của Hiệp định này
không hạn chế quyền của mỗi Bên áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế nhằm:
- Bảo vệ an ninh quốc gia.
- Bảo vệ môi trường, sức khoẻ
nhân dân, phòng ngừa các dịch bệnh đối với động vật và thực vật.
- Bảo vệ các giá trị văn hoá,
nghệ thuật, lịch sử và khảo cổ.
Tuy nhiên, việc cấm và những hạn
chế đó không được trở thành phương tiện phân biệt đối xử, cản trở không chính
đáng đối với việc buôn bán giữa hai nước.
Điều 5
Việc giao hàng và cung cấp dịch
vụ giữa các tổ chức hoạt động kinh tế đối ngoại (sau đây gọi tắt là chủ thể)
của hai nước sẽ được thực hiện trên cơ sở các hợp đông ký kết theo những quy
định của Hiệp định này, phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và tập
quán thương mại quốc tế, trên cơ sở giá thị trường thế giới.
Điều 6
Những vấn đề vận tải hàng hoá sẽ
do các tổ chức vận tải và chủ thể tương ứng thoả thuận.
Điều 7
Việc thanh toán giữa các chủ thể
sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, do hai Bên thoả thuận trừ
đồng đô-la Mỹ, phù hợp với tập quán buôn bán quốc tế, với luật pháp và các quy
định hiện hành ở mỗi nước.
Điều 8
Hai Bên hỗ trợ việc tổ chức các
hội chợ, triển lãm thương mại, hội thảo kinh tế-kỹ thuật, cũng như các chuyến
viếng thăm của các đoàn và các nhóm thương mại.
Điều 9
Các hàng hoá mà một trong hai
Bên mua của Bên kia sẽ được sử dụng hoàn toàn trong nước. Tuy nhiên, có thể
tiến hành mua bán đa phương và tái xuất với sự thoả thuận trước của hai nước.
Điều 10
Hai Bên cho phép đưa vào và đem
ra các vật dụng sau đây được miễn thuế quan, thuế và thuế hải quan và cách áp
dụng phù hợp với luật pháp hiện hành của hai nước:
- Vật sử dụng làm hàng mẫu, để
khuyến mại, bao gồm cả phim ảnh không có giá trị thương mại, ca-ta-lô, danh mục
giá cả và thông tin thương mại;
- Hàng hoá và vật dụng để triển
lãm và hội chợ;
- Hàng hoá, dụng cụ, vật tư và
dụng cụ được đưa vào để tiến hành công tác thí nghiệm, sửa chữa với điều kiện
phải đưa ra ngoài;
- Vật dụng, dụng cụ và đồ dùng
để tiến hành công tác lắp ráp, hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học – kỹ
thuật với điều kiện phải đưa ra ngoài;
- Container và bao bì đặc biệt
sử dụng trong thương mại quốc tế được nhập khẩu với mục đích đóng hàng và đưa
ra ngoài.
Thời hạn đưa ra ngoài có thể
được xác định tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng của hàng hoá và vật dụng đó.
Ðiều 11
Các Bên áp dụng những biện pháp
cần thiết phù hợp với luật pháp của mỗi nước và tôn trọng các hiệp định quốc tế
mà các Bên ký kết để ngăn chặn tại lãnh thổ của mỗi nước việc nhập khẩu các sản
phẩm tự nhiên hoặc qua chế biến, xuất xứ từ hai Bên, giả mạo nhãn hiệu , tên
gọi, nội dung,xuất xứ, chủng loại, chất lượng sản phẩm.
Điều 12
Các tranh chấp phát sinh hoặc có
liên quan đến hợp đồng thương mại ký kết giữa các chủ thể không thể giải quyết
thông qua thương lượng, sẽ được đưa ra Trọng tài do hai chủ thể xác định.
Điều 13
Trong trường hợp có xuất hiện
tình huống bán phá giá hoặc buôn bán không trung thực trong thương mại song
phương, Bên bị thiệt hại có thể yêu cầu Bên kia tiến hành tham khảo ý kiến càng
sớm càng tốt, nhằm làm sáng tỏ sự việc và đi đến giải pháp hai Bên đều chấp
nhận.
Điều 14
Hai Bên khuyến khích việc áp
dụng các biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho việc cung cấp dịch vụ của Bên này đối
với Bên kia. Nhằm mục đích đó, các cơ quan hữu quan hai Bên sẽ đưa ra những đề
nghị về vấn đề này, lưu ý đến những nguyên tắc và quy định của thương mại đa
phương.
Điều 15
Các Bên khuyến khích việc đầu tư
của các công dân và tổ chức của mình trên cơ sở Hiệp định khuyến khích và bảo
hộ đầu tư ký kết giữa hai nước và luật pháp hiện hành của mỗi nước.
Điều 16
Các Bên ủng hộ việc phát triển
những hình thức buôn bán khác như hàng đổi hàng; thành lập công ty liên doanh
giữa các chủ thể của Việt Nam và Cuba trên lãnh thổ hai nước và nước thứ ba,
các hình thức hợp tác kinh tế và thương mại khác phù hợp với luật lệ hiện hành
ở mỗi nước.
Điều 17
Hai Bên cam kết rằng các quy
định kỹ thuật và tiêu chuẩn bao gồm cả những yêu cầu về bao bì và đóng gói, ký
mã hiệu và nhãn hiệu, thủ tục đánh giá sự phù hợp với quy định và tiêu chuẩn kỹ
thuật được thiết lập hoặc ban hành trong khuôn khổ luật pháp mỗi nước, không
gây những cản trở không cần thiết cho thương mại song phương.
Đặc biệt, hai Bên sẽ tôn trọng
và thực hiện những nguyên tắc chủ đạo sau đây:
a. Phối hợp đồng bộ trong phạm
vi có thể giữa tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp trên cơ sở
kinh nghiệm và kết quả công việc của các tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hoá.
b. Dành cho hàng hoá nhập khẩu
từ lãnh thổ của phía Bên kia sự đãi ngộ quốc gia không kém thuận lợi hơn so với
sự đối xử dành cho hàng hoá tương tự được nhập vào từ bất cứ một nước nào khác.
c. Thông báo cho nhau hoặc trao
đổi thông tin kịp thời khi ban hành hoặc sửa đổi một biện pháp nào đó về tiêu
chuẩn hoá.
d. Từng bước thừa nhận song
phương các hệ thống chứng nhận sản phẩm, hệ thông công nhận phòng thử nghiệm và
hiệu chuẩn, hệ thông đánh giá sự phù hợp cũng như các tổ chức giám định, chứng
nhận và công nhận của hai Bên.
Để củng cố hơn nữa những thành
quả hợp tác đạt được trong lĩnh vực này, hai Bên cho rằng Tổng cục tiêu chuẩn,
đo lường nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Cục tiêu chuẩn hoá quốc gia
nước Cộng hoà Cuba xem xét khả năng ký kết thoả thuận về thừa nhận song phương
các hệ thống chứng nhận và công nhận nêu trên.
Điều 18
Mỗi Bên sẽ dành cho các công dân
và tổ chức của phía Bên kia, trên lãnh thổ của mình, sự bảo hộ và bảo vệ thích
hợp và có hiệu quả về quyền sở hữu trí tuệ với cùng điều kiện như đối với công
dân và tổ chức của mình và đảm bảo cho họ có quyền sử dụng các công cụ pháp lý
nhằm bảo vệ các quyền đó và khi áp dụng họ phải tuân thủ các điều kiện và thủ
tục quy định về vần đề này.
Mọi thuận lợi, ưu đãi, đặc quyền
miễn trừ mà một Bên dành cho công dân của nước mình đối với sự sở hữu, mua bán,
phạm vi giới hạn, việc duy trì, sử dụng và tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đã
nêu sẽ được dành ngay và không điều kiện cho các chủ sở hữu trí tuệ của phía
Bên kia.
Điều 19
Các Bên cam kết xem xét định kỳ
việc phát triển quan hệ song phương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhằm khuyến
khích sự bảo hộ và bảo vệ thích hợp, có hiệu quả về quyền sở hữu trí tuệ, cũng
như đảm bảo rằng những biện pháp đưa ra để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không
gây cản trở cho thương mại hợp pháp.
Các Bên sẽ tạo điều kiện thuận
lợi cho việc thiết lập chương trình hợp tác kỹ thuật và đào tạo nhân lực trong
lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Điều 20
Hai Bên thoả thuận thành lập Uỷ
ban hỗn hợp về thương mại là bộ phận của Uỷ ban liên Chính phủ hiện hành do Bộ
Thương mại Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại thương Cuba làm đại
diện nhằm mục đích xem xét việc thực hiện Hiệp định này và đưa ra các khuyến
nghị về những biện pháp nhằm phát triển sự hợp tác kinh tế – thương mại giữa
hai nước.
Uỷ ban hỗn hợp tiến hành họp
luân phiên ở mỗi nước khi cần thiết, tối thiểu mỗi năm một lần.
Điều 21
Hiệp định này phải được phê
duyệt phù hợp với luật pháp của mỗi nước và có hiệu lực kể từ ngày nhận được
bản công hàm cuối cùng mà các Bên gửi cho nhau, thông báo việc hoàn tất thủ tục
phê duyệt.
Hiệp định này có hiệu lực trong
thời hạn 5 năm và sẽ mặc nhiên được gia hạn từng năm một, trừ khi một trong hai
Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản có ý định chấm dứt hiệu lực Hiệp định ít
nhất sáu tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực.
Việc sửa đổi hoặc bổ sung Hiệp
định sẽ được hai Bên thoả thuận bằng văn bản và có hiệu lực kể từ ngày nhận
được bản công hàm cuối cùng mà các Bên thông báo việc hoàn tất thủ tục phê
duyệt phù hợp với luật pháp của mỗi nước.
Bất cứ Bên nào cũng có thể yêu
cầu chấm dứt Hiệp định. Việc chấm dứt Hiệp định sẽ có hiệu lực 180 ngày sau khi
thông báo cho phía Bên kia bằng văn bản hoặc có thể thoả thuận một thời hạn
khác.
Các điều khoản của Hiệp định này
sẽ được tiếp tục áp dụng đối với những hợp đồng đã ký trong thời hạn hiệu lực
của Hiệp định nhưng chưa thực hiện xong.
Làm tại thành phố Lahabana ngày 8
tháng 4 năm 1996 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Tây Ban
Nha, cả hai văn bản đều có giá trị ngang nhau./.
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
|
THAY
MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HOÀ CUBA
|