Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 300/CTr-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Trần Anh Thư
Ngày ban hành: 04/06/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 300/CTr-UBND

An Giang, ngày 04 tháng 6 năm 2021

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu:

Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, xác định khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch”.

Để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài tiềm năng, điều kiện sẵn có, cần phải xây dựng một hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch hoàn chỉnh bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và hạ tầng dịch vụ.....

Do đó, việc ban hành Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch với hệ thống giải pháp phát triển đồng bộ là hết sức cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay và cả giai đoạn tiếp theo.

II. THỰC TRẠNG HẠ TẦNG DU LỊCH AN GIANG

1. Tiềm năng:

An Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo cùng chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo; là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước.

2. Thành tựu:

Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 59 về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, du lịch An Giang đã đạt được một số thành tựu nhất định như sau:

Giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách đến An Giang ước đạt 38 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn ước đạt chuẩn, nhà nghỉ, nhà trọ trên 4,1 triệu lượt; khách quốc tế ước đạt 405 nghìn lượt; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 21.200 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn với gần 3.000 phòng. Có 02 công ty lữ hành nội địa; 12 công ty lữ hành quốc tế; 01 công ty vận chuyển đường bộ; 03 công ty vận chuyển đường thủy. Có 16 điểm tham quan, du lịch. Trong đó, có 02 khu du lịch (Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch quốc gia Núi Sam); 03 điểm du lịch (Điểm du lịch Đồi Tức Dụp, Điểm du lịch rừng tràm Trà Sư, Điểm du lịch Nông trại Phan Nam). Tính đến nay, tỉnh đã cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 04 cơ sở ăn uống, mua sắm.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, đã thu hút đầu tư 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.328 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như: Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh - cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Núi Cấm)….

Đối với hạ tầng giao thông: tổng vốn cân đối 3.108 tỷ đồng, để đầu tư các dự án lĩnh vực giao thông phục vụ phát triển du lịch (Đường tỉnh 941, 942, 943, 945, 948, 955A, 957 và 02 tuyến đường đầu tư trên địa bàn huyện Thoại Sơn (Nâng cấp mở rộng tuyến Thoại Giang - Xã Diễu đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Xã Diễu, Nâng cấp tuyến tránh thị trấn Núi Sập)....

Nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh là 210 tỷ đồng. Nguồn vốn được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Sập, Khu du lịch Soài So, cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Cấm, Tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, đường lên đỉnh Núi Sam.

Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của các doanh nghiệp. Trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng 3G, 4G đến 100% địa bàn dân cư, quang hóa 100% khóm, ấp toàn tỉnh và đang hướng đến hộ gia đình; internet phủ khắp địa bàn dân cư. Nhiều điểm du lịch, khu dịch vụ công cộng, siêu thị, bến xe cung cấp hệ thống wifi miễn phí, tạo điều kiện để người dân, khách du lịch tra cứu thông tin về điểm đến, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh. Các khách sạn, nhà nghỉ triển khai phần mềm quản lý khách lưu trú góp phần quản lý tốt về tình hình an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tạo niềm tin cho du khách đến với An Giang. Một số nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho du khách.

Triển khai Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 28/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch thuê thiết bị, đường truyền hệ thống camera giám sát an ninh và quảng bá du lịch An Giang giai đoạn 2020-2022; Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 11/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm Hệ thống Du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh An Giang.

3. Hạn chế và nguyên nhân:

- Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn khiêm tốn. Do đó, chưa tạo quỹ đất sạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ du lịch. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch mới được ban hành, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm do chưa đảm bảo về quy trình thủ tục.

- Các khu, điểm du lịch trọng điểm bước đầu đã xây dựng thương hiệu nhưng năng lực cạnh tranh còn chưa cao, chưa có tính bền vững. Công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch trọng điểm chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị chức năng ở địa phương. Tình trạng chèo kéo, mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,... tại các khu, điểm du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vào cao điểm lễ hội, tết vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng lấn chiếm trái phép đất đai tại các khu, điểm du lịch vẫn còn diễn ra, đặc biệt là tại khu du lịch núi Cấm.

- Chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nhân lực ngành, nghề du lịch ở vùng nông thôn (nơi có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch) còn hạn chế.....Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quan tâm đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động, trong đó có lao động lĩnh vực du lịch.

- Các sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch trên địa bàn có bước phát triển nhưng sự phối hợp giữa các ngành trong việc đầu tư khai thác sản phẩm du lịch còn chậm. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch, trong đó có lĩnh vực lữ hành, chưa quan tâm nhiều đến việc khai thác các sản phẩm du lịch của địa phương.

- Công tác xúc tiến quảng bá chưa đi vào chiều sâu, chưa đủ nguồn lực để tham gia các đợt xúc tiến ngoài nước, đặc biệt là các thị trường trọng điểm du lịch của tỉnh An Giang.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Dự báo:

Chính phủ xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Do đó, sắp tới ngành du lịch trong nước sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020.

Hình ảnh Việt Nam thân thiện, an ninh chính trị của Việt Nam ổn định, danh lam, thắng cảnh của Việt Nam dồi dào và còn mộc mạc, hoang sơ - là điểm đến hấp dẫn của du khách phương Tây và các nước phát triển; trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Du lịch tâm linh ngày càng phát triển, An Giang nổi tiếng với Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, vùng Thất Sơn huyền bí là một lợi thế nổi trội so với các tỉnh trong vùng và cả nước.

Hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ quan tâm đầu tư giai đoạn 2016-2020 và tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư trong những năm tiếp theo.

Tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới diễn biến phức tạp, tình hình dịch bệnh Sars-Covid-2 diễn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh du lịch của Việt Nam và thế giới.

2. Quan điểm phát triển:

Du lịch là động lực cho phát triển kinh tế. Đồng thời, xác định khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch.

Phát triển mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ và du lịch. Phát triển mạnh các loại hình hình dịch vụ du lịch. Phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghĩ dưỡng. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm….thu hút, giữ chân du khách.

Xây dựng hạ tầng du lịch phù hợp với quy hoạch tỉnh, có chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, di tích văn hóa, lịch sử để tạo sự khác biệt của ngành du lịch tỉnh; phát triển ngành du lịch của tỉnh An Giang theo hướng “du lịch văn hóa tâm linh” (spiritual and cultural tourism) trọng điểm của cả nước.

Phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch vừa đảm bảo khai thác lợi thế vùng giáp biên vừa đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng biên giới.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức kêu gọi đầu tư trong phát triển hạ tầng du lịch; trong đó chú trọng áp dụng hình thức xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng du lịch.

3. Mục tiêu:

Mục tiêu của giai đoạn này là "giữ chân du khách", với các chỉ tiêu cụ thể sau:

Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang phấn đấu đón 42 triệu lượt khách. Năm 2025, ước đạt 10 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú chiếm 30%.

Giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch An Giang dự kiến thu 27.800 tỷ đồng. Năm 2025, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Đến 2025, có thêm ít nhất 01 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.

IV NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ:

1.1. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ và đường thủy), đảm bảo các tuyến đường đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh được thông thoáng; đảm bảo các Khu du lịch đều đầu tư xây dựng bãi đổ xe theo quy định; ưu tiên đầu tư xây dựng cầu tàu, hệ thống thuyền du lịch phục vụ du khách tham quan các tour đường thủy, tuyến vùng cù lao;

1.2. Thu hút đầu tư nhanh vào lĩnh vực xây dựng nhà hàng, khách sạn (đạt chuẩn từ 4 sao trở lên), trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khu vui chơi, giải trí tại các trung tâm, thành phố lớn của tỉnh;

1.3. Đầu tư, nâng cấp chỉnh trang đô thị, tôn tạo cảnh quan, xây dựng hình ảnh môi trường Xanh - Sạch - Đẹp tại thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc; phát huy cảnh quan tự nhiên sông nước tại thành phố Long Xuyên, nâng cấp xây dựng công viên văn minh, hiện đại, sạch, đẹp thu hút du khách đến tham quan, chụp ảnh.

1.4. Nâng cấp, tu bổ, bảo tồn các công trình văn hóa tiêu biểu, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia như nhà thờ, tiểu thánh đường, chùa Khmer, các đình, chùa, trước hết phục vụ cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, sau là để phục vụ khai thác du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.

1.5. Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông hiện đại trong phát triển du lịch, hướng đến thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh An Giang.

Công nghệ thông tin và viễn thông được xem là công cụ, nền tảng hỗ trợ đắc lực trong phát triển du lịch thông qua ứng dụng công nghệ GIS trong xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch của tỉnh, các phần mềm quản lý, cung cấp các dịch vụ tài chính, thanh toán trực tuyến qua điện thoại; xây dựng, quảng quá hình ảnh du lịch qua website và các tiện ích khác... Đảm bảo mọi du khách đến An Giang đều có thể tiếp cận hệ thống thông tin chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể liên quan đến tất cả hoạt động du lịch của tỉnh.

1.6. Đẩy mạnh thu hút đầu tư tại các khu, điểm du lịch được quy hoạch của tỉnh, chủ yếu tập trung vào 4 khu trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh cao trong vùng: Khu Du lịch quốc gia Núi Sam - Miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc), Khu Du lịch Núi Cấm - rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên), Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba (TP. Long Xuyên) và Khu di tích Văn hóa Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn). Trong đó, xây dựng các loại hình du lịch, sản phẩm chủ lực của từng khu, chú trọng khai thác khu nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu bằng thảo dược tại Khu du lịch Núi cấm; mở rộng không gian, tổ chức lại kinh doanh và đa dạng hóa loại hình dịch vụ phục vụ du khách tại rừng tràm Trà Sư; tiếp tục triển khai công viên văn hóa Núi Sam, đồng thời kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, resort, chợ đặc sản, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại tại Châu Đốc để khai thác lượt khách đến cúng và trả lễ Bà Chúa Xứ hàng năm; xây dựng khu du lịch nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái vùng sông nước tại cù lao ông Hổ - cồn Phó Ba; tiếp tục triển khai quy hoạch Khu di tích Óc Eo - Ba Thê tại huyện Thoại Sơn.

1.7. Về xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch: An Giang với quy mô dân số 1,9 triệu dân, trong độ tuổi lao động chiếm 70%, đó là nguồn lao động dồi dào phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có du lịch. Do vậy, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề, đặc biệt có trình độ ngoại ngữ để đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch tỉnh An Giang là ngành kinh tế trọng điểm.

- Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch, đặc biệt là đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm am hiểu về di tích lịch sử văn hóa địa phương, cả về nội dung lịch sử và văn hóa lễ hội; đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý di tích tại xã, phường, thị trấn; tiếp tục đào tạo các loại hình văn hóa nghệ thuật có nguy cơ bị mai một, thất truyền để góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể phục vụ du lịch.

- Tổ chức các lớp tập huấn về du lịch và tuyên truyền Luật Di sản văn hóa cho mọi đối tượng, cụ thể: Hướng dẫn viên tại điểm, Ban quản lý di tích, cộng đồng địa phương và những doanh nghiệp kinh doanh du lịch để họ hiểu vai trò của mình trong việc bảo vệ, bảo tồn di tích, hiểu được sự hài hòa giữa việc khai thác di tích với phát triển du lịch.

- Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng du lịch cho công nhân viên, người lao động đang công tác tại các nhà hàng khách sạn trên địa bàn tỉnh; đào tạo phát triển loại hình du lịch cộng đồng; tập huấn về văn minh du lịch cho các đối tượng xe ôm, đối tượng kinh doanh mua bán.

1.8. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch An Giang, tập trung khai thác các sản phẩm du lịch An Giang có tiềm năng phát triển như: Du lịch gắn với hoạt động nông nghiệp, du lịch đường sông, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch thể thao giải trí, giải trí về đêm….để thu hút giữ chân du khách.

Khai thác đặc trưng riêng của từng địa phương, hình thành “Một địa phương một điểm đến”.

2. Giải pháp thực hiện:

2.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách:

a) Xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang:

Xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có định hướng phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch gắn với nông thôn mới.

Xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh An Giang phù hợp với lợi thế và thực tiễn địa phương theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020.

b) Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đối với doanh nghiệp, tổ chức đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng du lịch:

Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng du lịch của tỉnh theo các hình thức xã hội hóa; Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, tiền thuê đất.....theo quy định của Trung ương để thu hút đầu tư hạ tầng du lịch, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch trọng tâm của tỉnh.

Triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang (Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 và Nghị quyết số 19/2020/NQ-HĐND ngày 8/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh).

Xây dựng Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

c) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh:

Tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. Tập trung thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện nguyên tắc thời gian trả kết quả từng loại thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực phải giảm ít nhất 20% so với thời gian quy định của Trung ương, của tỉnh.

2.2. Giải pháp về đầu tư hạ tầng du lịch:

a) Nhóm giải pháp về hạ tầng giao thông:

Hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thu hút và nâng cao mức độ hài lòng của khách du lịch. Với hiện trạng cơ sở hạ tầng đường bộ yếu kém, nhỏ hẹp đang là một rào cản và thách thức rất lớn đối với phát triển du lịch của địa phương. Do vậy, cần đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp các tuyến đường bộ (tỉnh lộ) quan trọng, các tuyến giao thông nối liền khu, điểm du lịch; có kế hoạch khai thác các tuyến đường thủy để đón khách quốc tế từ Campuchia; đầu tư xây dựng cảng du lịch, trạm dừng chân để phục vụ trung chuyển khách; cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ vận chuyển hành khách trong tỉnh. Tiếp tục bố trí đầy đủ các biển báo, chỉ dẫn ở các khu vực (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh).

b) Nhóm giải pháp về hạ tầng dịch vụ du lịch (bao gồm các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, khu ăn uống, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, nâng cấp các điểm, khu du lịch)

Nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp tại các cơ sở lưu trú sẵn có của tỉnh; có chính sách ưu đãi đặc thù thu hút các nhà đầu tư quy mô lớn quan tâm đầu tư nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí đạt chuẩn 3 sao trở lên; đặc biệt ưu tiên đầu tư tại 4 khu du lịch trọng điểm của tỉnh; phát huy sản vật vùng thượng nguồn sông Mekong để tạo ra các món ẩm thực tươi, sạch, hấp dẫn, khác biệt để phục vụ trong cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống.

c) Nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông:

Xây dựng Cơ sở dữ liệu chính thống về quảng bá du lịch An Giang tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền, thuyết minh, quảng bá du lịch.

Khai thác công nghệ 4.0 vào du lịch, phát triển hệ thống du lịch thông minh: Trải nghiệm thực tế qua mạng xã hội Facebook, Zalo, QR codee, App du lịch An Giang, đặc biệt với sự phát triển của thiết bị di động của du khách là những PR tốt nhất góp phần quảng bá đưa hình ảnh, địa điểm, clip đẹp của An Giang đến với người dân trong và ngoài nước; phát triển các ứng dụng hỗ trợ tương tác giữa du khách với cơ quan quản lý; hệ thống trả lời tự động cho du khách (Chatbot); phản ánh hiện trường; đẩy mạnh ứng dụng thực tế ảo vào quảng bá di tích, danh lam thắng cảnh An Giang; Thiết bị chuyển đổi ngôn ngữ tại các điểm mua sắm, ăn uống…

Đẩy mạnh thanh toán điện tử vào các dịch vụ du lịch: nhà hàng, khách sạn, tour, mua sắm...và nhiều hình thức lựa chọn điểm tham quan, điểm ăn uống, giải trí... cho du khách đến An Giang.

Triển khai 5G ở các khu vực trọng điểm, phủ sóng Wifi công cộng tại các khu, điểm du lịch, bến xe, trung tâm mua sắm... của tỉnh thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Phát triển hạ tầng viễn thông: tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển hệ thống cáp và trạm phát sóng BTS, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch. Triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lưu trú, quản lý điểm lưu trú.

Tích hợp ứng dụng camera quảng bá du lịch trên các phương tiện tuyên truyền trên mạng Internet của tỉnh, đồng thời giám sát an ninh trật tự xã hội tại các khu du lịch, địa điểm tham quan góp phần quản lý tốt về tình hình an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tạo niềm tin cho du khách đến với An Giang. Triển khai mở rộng quy mô hệ thống camera công cộng miễn phí phục vụ nhu cầu kết nối của người dân, du khách tại các điểm du lịch, các khu dịch vụ công cộng.

2.3. Giải pháp về tài chính:

Xây dựng hệ thống hạ tầng du lịch hoàn chỉnh đòi hỏi nguồn vốn tổng hợp từ nhiều nguồn lực xã hội như: Vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, vốn kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo và đầu tư vào các hạ tầng thiết yếu.

Mời gọi đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước đầu tư các khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn.

Các công trình dịch vụ quy mô lớn, kỹ thuật cao đòi hỏi các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư. Nguồn vốn ODA có tác động tích cực giúp phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khi nguồn vốn của ngân sách còn hạn hẹp và thực lực của khu vực kinh tế tư nhân chưa đủ mạnh. Do vậy, cần xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư cụ thể, bố trí theo thứ tự ưu tiên để có chiến lược tiếp cận từng loại nguồn vốn, đồng thời khai thác và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

2.4. Giải pháp về xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho du lịch An Giang:

Để phát triển được ngành du lịch An Giang thành ngành kinh tế mũi nhọn, công tác xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch An Giang cần quan tâm đầu tư và đổi mới hơn thông qua ứng dụng công nghệ thông tin 4.0, xây dựng website du lịch An Giang, tuyên truyền quảng bá rộng rãi về các tiềm năng, điều kiện tự nhiên, sự khác biệt vùng miền, những địa danh, thắng cảnh, văn hóa ẩm thực miền sông nước nhằm thu hút du khách. Trong nước, tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch đến các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc; ngoài nước tập trung liên kết phát triển tour xuyên biên giới An Giang - Campuchia - Thái Lan - Lào, các nước châu Á (tập trung thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc) và thế giới.

Xây dựng hình ảnh và định vị du lịch An Giang là điểm đến “An toàn, Thân thiện, Hấp dẫn”.

Quảng bá bộ nhận dạng thương hiệu du lịch An Giang (logo, slogan…) đến với du khách trong nước và quốc tế tại các sự kiện, ngày hội lớn trong và ngoài nước.

Tăng cường liên kết vùng, các tỉnh và các địa phương trong tỉnh; Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình liên kết du lịch TP.HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh An Giang đã liên kết phát triển du lịch.

2.5. Giải pháp về môi trường và đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu-điểm du lịch:

Xây dựng môi trường du lịch đảm bảo an toàn, văn minh, thân thiện cho du khách.

Thành lập Trung tâm hỗ trợ du khách, hỗ trợ cộng đồng và kiện toàn bộ máy Ban quản lý các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; đồng thời xây dựng đường dây nóng để hỗ trợ du khách.

Phát động phong trào “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch” tại các khu, điểm du lịch của tỉnh, có thái độ ứng xử văn minh với khách du lịch, tuyên truyền vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự tại nơi công cộng, các điểm, khu di tích, khu du lịch.

Thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng bán hàng đeo bám, chèo kéo, gây phiền hà cho du khách; đồng thời cung cấp thông tin và khuyến cáo đối với người dân, du khách về những vấn đề cần lưu ý tại mỗi điểm đến.

2.6. Giải pháp về xây dựng nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao để đáp ứng sự hài lòng và thu hút du khách:

Thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

2.7. Giải pháp về tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại và xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch:

Tăng cường mời gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn tỉnh. Xây dựng Kế hoạch kết hợp phát triển thương mại gắn với phát triển dịch vụ du lịch.

2.8. Giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch:

Triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm lịch An Giang mà An Giang có nhiều tiềm năng hướng đến sản phẩm du lịch đặc thù An Giang.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để triển khai thực hiện Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch An Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang phân công các ngành, các cấp thực hiện các nhóm giải pháp sau:

1. Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh chịu trách nhiệm điều hành và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động Chương trình.

2. Nhóm giải pháp xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch tỉnh An Giang; sản phẩm du lịch An Giang:

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện lập Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch tỉnh An Giang trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch gắn với nông thôn mới, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh An Giang phù hợp với lợi thế và thực tiễn địa phương theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giao Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản phẩm du lịch.

3. Nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng giao thông, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch:

Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành có liên quan, căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các Sở, ban ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tham mưu danh mục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn, trình Ủy tỉnh phê duyệt.

4. Nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông:

Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành liên quan tham mưu danh mục ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng thông tin phục vụ phát triển du lịch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

5. Nhóm giải pháp kêu gọi đầu tư hạ tầng dịch vụ:

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng có liên quan xây dựng các giải pháp thu hút đầu tư tỉnh An Giang, trong đó chú trọng hợp tác công tư và danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng các giải pháp mời gọi đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn tỉnh. Xây dựng Kế hoạch kết hợp phát triển thương mại gắn với phát triển dịch vụ du lịch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

6. Nhóm giải pháp về tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch:

Giao Trung tâm Xúc tiến, Thương mại và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị có liên quan xây dựng giải pháp xúc tiến quảng bá, hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

7. Nhóm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch:

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 09-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2 (2021-2025), trong đó có đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

8. Nhóm giải pháp về môi trường và đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu, điểm du lịch:

Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành xây dựng Kế hoạch thực hiện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

9. Nhóm giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và tạo quỹ đất để phục vụ mời gọi đầu tư:

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư các dự án, công trình trọng điểm tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

10. Các đơn vị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách, bố trí kinh phí thực hiện Chương trình này.

Sở Tài chính tham mưu nguồn vốn để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và các Sở, ngành có liên quan tuyên truyền, vận động trong nhân dân thực chương trình này.

12. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, căn cứ Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch của tỉnh kết hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện trong cả nhiệm kỳ, cụ thể hóa nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm.

13. Thủ trưởng các sở ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; định kỳ 06 tháng, 01 năm có báo cáo đánh giá gửi về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ban ngành, địa phương phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ VHTTDL, TCDL;
- TT: TU, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh;
- MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Phòng: KGVX, TH, KTTH, KTN, NC;
- TT.Công báo - Tin học;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

PHỤ LỤC:

CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 – 2025

Nội dung

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

Giai đoạn 2021-2025

Tổng khách đến An Giang

7.000.000

7.700.000

8.300.000

9.000.000

10.000.000

42.000.000

Trong đó:

Tổng khách lưu trú

900.000

1.050.000

1.200.000

1.400.000

1.600.000

6.150.000

Trong đó, Khách quốc tế

55.000

65.000

80.000

100.000

120.000

420.000

Tổng doanh thu du lịch (tỷ đồng)

4.300

4.800

5.500

6.200

7.000

27.800

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Chương trình 300/CTr-UBND ngày 04/06/2021 hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


171

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.73.149
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!