CHỈ THỊ
VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG
CHIẾN DỊCH TĂNG CƯỜNG TRUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG LỒNG GHÉP DỊCH VỤ SỨC KHỎE SINH
SẢN/KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH NĂM 2007
Năm 2007 là năm thứ hai thực hiện các mục tiêu
kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2006 - 2010) của thành phố Cần Thơ và Quyết định số
09/2006/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 47/NQ-TW của
Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình” (sau đây viết tắt là DS/KHHGĐ). Để góp phần thực hiện mục tiêu quốc
gia trên lĩnh vực DS/KHHGĐ thành phố Cần Thơ
phấn đấu giảm tỷ lệ sinh là 0,3‰, quy mô dân
số thành phố khoảng 1.159 nghìn người, kiểm soát chặt chẽ cơ cấu dân số khi
sinh, đạt được tiến bộ trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Để đạt được mục tiêu trên và tạo tiền đề thực
hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2007 của thành phố, Ủy
ban nhân dân thành phố phát động Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động
lồng ghép dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (sau đây gọi tắt là
Chiến dịch) và chỉ thị:
1. Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và
Trẻ em thành phố phối hợp với các thành viên trong Ban Chỉ đạo, Giám đốc Sở Y
tế xây dựng kế hoạch tổ chức, triển khai thực hiện Chiến dịch năm 2007 trên địa
bàn thành phố. Chiến dịch thực hiện làm 2 đợt: Đợt I triển khai ở 100% xã,
phường, thị trấn trong thời gian từ ngày 01 tháng 3 năm 2007 đến ngày 01 tháng
5 năm 2007, nhằm phấn đấu đạt và vượt 80% chỉ tiêu vận động thực hiện kế hoạch
hóa gia đình (sau đây gọi tắt là KHHGĐ) năm 2007; đợt II dự kiến thực hiện từ
ngày 01 tháng 8 năm 2007 đến ngày 31 tháng 8 năm 2007, để phấn đấu 100% xã,
phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu thực hiện KHHGĐ năm 2007; củng cố, nâng
cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên ở cơ sở,
tăng cường truyền thông vận động thực hiện không có người sinh con thứ ba trở
lên.
2. Các giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan ban, ngành
có liên quan, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình Cần Thơ, Sở Văn hóa -
Thông tin đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác truyên truyền về
Chiến dịch, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân
dân về các nội dung:
a. Mục tiêu của Chiến dịch:
Huy động sự
tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động
và tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình
(sau đây viết tắt là SKSS/KHHGĐ), đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng trong độ
tuổi sinh đẻ, ưu tiên cho các vùng đông dân có mức sinh cao, tỷ lệ sinh con thứ
3 cao và vùng khó khăn về kinh tế, nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc
SKSS/KHHGĐ và thực hiện chỉ tiêu DS - KHHGĐ năm 2007.
b. Các hoạt động chủ yếu của Chiến dịch:
- Tăng cường truyên truyền vận động:
+ Mục tiêu: tạo môi trường thuận lợi cho việc
cung cấp các dịch vụ SKSS/KHHGĐ trong Chiến dịch, góp phần tạo nhu cầu và
chuyển đổi hành vi của các nhóm đối tượng trong thực hành chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
+ Nội dung tuyên truyền: khuyến khích chấp nhận
mô hình gia đình ít con, cung cấp kiến thức về SKSS/KHHGĐ, vận động đối tượng
chấp nhận và thực hiện các biện pháp KHHGĐ, ủng hộ và tham gia các hoạt động
của Chiến dịch.
+ Đối tượng tuyên truyền: tập trung tuyên truyền,
vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa thực hiện và chưa sẵn sàng
chấp nhận thực hiện các biện pháp KHHGĐ, đối tượng sinh con một bề, đối tượng
có khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ, quan tâm cung cấp kiến
thức cho vị thành niên và thanh niên (kể cả nam và nữ).
+ Hình thức tuyên truyền: sử dụng kênh truyền
thông, tài liệu tuyên truyền thích hợp với các nhóm đối tượng, kết hợp tuyên
truyền đại chúng với tuyên truyền trực tiếp thông qua sinh hoạt nhóm, tư vấn
tại nhà, cấp phát tài liệu; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, treo các băng
rôn tuyên truyền trong các ngày cao điểm, tổ chức sinh hoạt chuyên đề về các
biện pháp tránh thai hiện đại để đối tượng có nhu cầu chủ động lựa chọn và tích
cực thực hiện; các hoạt động tuyên truyền được tổ chức trước, trong và sau
Chiến dịch.
- Cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ trong Chiến
dịch:
+ Tư vấn chăm
sóc SKSS/KHHGĐ: triển khai thực hiện tư vấn giúp khách hàng có đầy đủ thông tin
cần thiết, phù hợp về các biện pháp tránh thai, chăm sóc thai phụ; phòng, chống
các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, để chủ động chấp nhận, thực hiện các biện
pháp KHHGĐ, tiếp cận và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS.
+ Kế hoạch hóa gia đình: cung cấp dịch vụ kỹ
thuật các biện pháp KHHGĐ bao gồm triệt sản, đặt dụng cụ tử cung, thuốc tiêm
tránh thai, thuốc cấy tránh thai, bao cao su, thuốc viên tránh thai và các biện
pháp tránh thai thông dụng khác.
+ Phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh
sản: tổ chức khám phụ khoa, xét nghiệm chẩn đoán một số bệnh thường gặp, điều
trị các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản thông thường, nhằm tạo điều kiện thuận
lợi cho đối tượng chấp nhận các biện pháp KHHGĐ.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
cần xem đây là công tác trọng tâm trong năm 2007 của địa phương; đồng thời, có
kế hoạch tổ chức thực hiện Chiến dịch, thành lập Ban Chỉ đạo và phân công thành
viên chỉ đạo cơ sở, tạo điều kiện tốt để thực hiện dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại địa
phương; tổ chức kiểm tra đôn đốc thực hiện, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu được
giao.
4. Giám đốc Sở Y tế chủ trì tổ chức thực
hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ theo chỉ tiêu được giao, chỉ đạo
hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo chất lượng dịch vụ SKSS/KHHGĐ cung
cấp trong Chiến dịch theo hướng dẫn chuẩn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc SKSS
của Bộ Y tế; đảm bảo cho các đối tượng có nhu cầu thực hiện dịch vụ được tư vấn
và cung cấp dịch vụ phù hợp; chỉ đạo và huy động các bệnh viện trên địa bàn,
các phòng y tế quận, huyện tham gia các hoạt động của Chiến dịch, huy động và
đảm bảo trang thiết bị, vật tư, dụng cụ, thuốc thiết yếu phục vụ việc cung cấp
dịch vụ SKSS/KHHGĐ theo kế hoạch Chiến dịch; chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát
chuyên môn kỹ thuật các dịch vụ SKSS/KHHGĐ cung cấp trong Chiến dịch; báo cáo
định kỳ, báo cáo nhanh kết quả cung cấp các dịch vụ cho Ban Chỉ đạo Chiến dịch
thành phố.
5. Giám đốc Sở Tài chính có trách nhiệm hỗ
trợ, cấp phát kinh phí cho các địa phương để thực hiện Chiến dịch. Ngoài kinh
phí của thành phố phân bổ, các Ủy ban nhân dân quận, huyện và xã, phường, thị
trấn cần hỗ trợ thêm kinh phí, vận động nguồn lực để triển khai các hoạt động phục
vụ cho chương trình dân số nói chung và Chiến dịch tại địa phương nói riêng,
thực hiện chính sách hỗ trợ và điều trị cho đối tượng triệt sản có hoàn cảnh
khó khăn, đối tượng triệt sản cơ hội trong Chiến dịch.
6. Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ
em thành phố bảo đảm nguồn lực, quản lý việc sử dụng kinh phí Chiến dịch, chủ
trì quản lý, điều phối hoạt động giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo, các thành
viên Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố; phối hợp với các cơ quan
thông tin đại chúng, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện tốt công
tác tuyên truyền và đưa tin; vận động và hỗ trợ các đối tượng thực hiện KHHGĐ,
tổ chức hoạt động kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện, chỉ đạo và
tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về hoạt động của Chiến dịch và tổ chức sơ
kết, tổng kết việc thực hiện Chiến dịch.
Ban Chỉ đạo Chiến dịch truyền thông, vận động
lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ và Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em thành phố có
trách nhiệm tổ chức, triển khai, kiểm tra theo dõi việc thực hiện của các sở,
ban, ngành và địa phương có liên quan, thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân dân
thành phố để chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị có hiệu lực sau mười ngày và đăng trên
Báo Cần Thơ chậm nhất là năm ngày kể từ ngày ký./.