CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI VÀ THỰC HIỆN
LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được Quốc
hội thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng
01 năm 2010. Nhằm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03
tháng 3 năm 2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách
nhiệm bồi thường của Nhà nước. Đây là những cơ sở pháp lý quan
trọng để tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu bồi thường
thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức gây ra trong khi thi hành công vụ;
qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Trong năm 2010, Uỷ ban nhân dân
tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai các văn bản của Trung ương quy định về trách
nhiệm bồi thường của Nhà nước cho lãnh đạo và cán bộ pháp chế của sở, ngành
tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và
chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố quán triệt và về triển khai trong cơ
quan, đơn vị mình. Tuy nhiên, việc triển khai của các cơ quan, đơn vị nhìn chung
chưa đạt yêu cầu; chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu lồng ghép với những nội dung
khác; chưa tạo được nhận thức tốt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và
nhân dân trong tỉnh về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; các cơ quan, đơn vị
chưa thống nhất được đầu mối quản lý và theo dõi công tác bồi thường của cơ
quan, đơn vị mình.
Nhằm đảm bảo triển khai và thực
hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh có hiệu quả,
nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm công vụ của người thi hành công vụ,
thống nhất được đầu mối quản lý nhà nước về công tác bồi thường, bảo đảm cơ quan
có trách nhiệm bồi thường thực hiện tốt nhiệm vụ giải quyết bồi thường theo
đúng quy định của pháp luật; kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá
nhân, tổ chức, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh:
a) Tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan cho
cán bộ, công chức, viên chức
thuộc quyền quản lý quán triệt và thực hiện nghiêm. Qua đó nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý thức trách nhiệm trong công vụ và những hành vi trái pháp luật khi thi hành công vụ có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước;
b) Quy định cán bộ pháp chế làm
đầu mối trong việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ và tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc giải
quyết yêu cầu bồi thường cho người bị thiệt hại theo
quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
c) Trong phạm vi chức năng, nhiệm
vụ được giao, phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh thực
hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường;
d) Hàng năm, phối hợp với Sở Tài
chính trong việc dự trù kinh phí chi trả bồi thường của Nhà nước và kinh phí
giải quyết bồi thường;
đ) Định kỳ 6 tháng và hàng năm,
tiến hành thống kê, báo cáo kết quả việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý, gửi báo cáo Uỷ ban
nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
các huyện, thành phố:
a) Tổ chức triển khai quán triệt
và thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản
pháp luật có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức của cấp mình quán triệt;
chỉ đạo Đài Truyền thanh chủ trì hoặc phối hợp với các ngành chức năng cùng cấp
tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các
văn bản pháp luật có liên quan đến mọi tầng lớp nhân dân;
b) Quy định Phòng Tư pháp làm đầu
mối thực hiện nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác bồi
thường; tham mưu cho Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân huyện, thành phố trong việc giải quyết bồi thường của Nhà nước theo
quy định của pháp luật;
c) Dự trù kinh phí cho công tác
bồi thường của Nhà nước tại địa phương; phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thực
hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước và bồi dưỡng
nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho cán bộ, công chức thực hiện công tác giải
quyết bồi thường của Nhà nước tại địa phương;
d) Định kỳ 6 tháng và hàng năm,
tiến hành thống kê báo cáo kết quả việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước trong phạm vi địa phương mình quản lý, gửi Sở Tư pháp tổng hợp để
báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo quy định.
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
các xã, phường, thị trấn:
a) Chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ
biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên
quan sâu, rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân ở địa phương;
b) Quy định công chức tư pháp -
hộ tịch làm đầu mối thực hiện việc tiếp nhận, thụ lý hồ sơ
và tham mưu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị
trấn giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước;
c) Dự trù kinh phí phục vụ công
tác quản lý nhà nước về bồi thường, kinh phí chi trả bồi thường của Nhà nước và
kinh phí giải quyết bồi thường; phối hợp với Phòng Tư pháp thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà nước tại địa phương;
d) Định kỳ 6 tháng và hàng năm,
tiến hành thống kê, báo cáo kết quả thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của
Nhà nước trong phạm vi địa phương do mình quản lý về Phòng Tư pháp, để tổng hợp
và báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố.
4. Sở Tư pháp:
a) Làm đầu mối giúp Uỷ ban nhân
dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường của Nhà
nước theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03
tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
b) Chủ trì tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn kỹ năng, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường của Nhà
nước cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, nhằm
đảm bảo việc thực hiện giải quyết bồi thường của Nhà nước công bằng, khách
quan, thống nhất và đúng pháp luật;
c) Xây dựng kế hoạch biên soạn,
in ấn tài liệu và chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện tốt
công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước sâu, rộng trong cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh;
d) Phối hợp với Sở Tài chính dự
trù kinh phí phục vụ cho việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác
bồi thường của Nhà nước, kinh phí giải quyết bồi thường và kinh phí chi trả bồi
thường trên địa bàn tỉnh;
đ) Chịu trách nhiệm theo dõi và
kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ tổng hợp, thống kê và báo cáo tình
hình thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh về Uỷ
ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.
5. Sở Tài chính:
a) Chủ trì phối hợp với các cơ
quan, đơn vị lập dự toán kinh phí hàng năm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước
về công tác bồi thường, giải quyết bồi thường và chi trả bồi thường của Nhà
nước, tổng hợp vào dự toán ngân sách của tỉnh theo quy định của pháp luật;
b) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị
lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí phục vụ cho việc thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn
tỉnh.
6. Sở Nội vụ:
a) Nghiên cứu và đề xuất các giải
pháp nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức để hạn chế hành vi trái
pháp luật, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có thể dẫn đến trách nhiệm bồi
thường của Nhà nước;
b) Hướng dẫn việc xử lý trách nhiệm
đối với cán bộ, công chức có hành vi trái pháp luật, gây ra thiệt hại trong khi
thi hành công vụ;
c) Tham mưu trong việc bố trí biên
chế chuyên trách cho các cơ quan làm đầu mối giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp
huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường của
Nhà nước.
7. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Chỉ đạo việc đưa tin, tuyên truyền,
phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản pháp luật có
liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ
trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và
các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong
quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh ngay về Sở Tư pháp để
tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành
sau mười ngày kể từ ngày ký ban hành./.