THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh
phúc
********
|
Số: 477-TTg
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 12 năm 1976
|
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI
ĐUA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NHẰM THỰC HIỆN THẮNG LỢI CỦA NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV
CỦA ĐẢNG, THỰC HIỆN THẮNG LỢI KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC 5 NĂM (1976-1980) VÀ KẾ HOẠCH
NĂM 1977
I. NHẬN ĐỊNH VỀ PHONG TRÀO THI ĐUA TRONG NHỮNG
NĂM QUA
Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, phong trào thi đua của toàn
dân và toàn quân ta đã không ngừng phát triển, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân.
Đây thực sự là cao trào thi đua chống Mỹ, cứu nước. Có được cao trào như thế là
do sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và Chính phủ, sự động viên của các đoàn thể,
do đồng bào và chiến sĩ ta trong cả nước hăng hái lao động và chiến đấu, hy
sinh phấn đấu vì sự nghiệp độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
Trên mặt trận sản xuất ở các tỉnh phía Bắc trong những năm
qua, cũng như ở các tỉnh phía Nam từ sau ngày giải phóng đến nay, phong trào
thi đua lao động sản xuất, tuy có tiến bộ, nhưng nhìn chung, chưa phát triển đồng
đều và liên tục, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về tăng năng suất lao động,
đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành của sản phẩm, triệt để
thực hành tiết kiệm.
Có tình hình yếu kém đó là do những nguyên nhân chủ yếu sau
đây:
a) Quản lý kinh tế bị buông lỏng trong những năm chiến tranh,
khó khăn kéo dài về vật tư, về lưu thông và phân phối, về tổ chức đời sống.
v.v…làm cho phong trào thi đua ở từng nơi, từng lúc không được phát triển mạnh
mẽ và liên tục. Bệnh quan liêu, cửa quyền, không tôn trọng quyền làm chủ tập thể
của nhân dân lao động, tệ tham ô, lãng phí đã có ảnh hưởng đến tính tích cực của
quần chúng và cán bộ.
b) Công tác chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua của các
ngành, các cấp chưa được tăng cường cho đúng với yêu cầu, lại thiếu sát sao;
chưa nhận thức sâu sắc tính chất cách mạng và tác dụng rất to lớn của phong
trào thi đua, đó là một biện pháp cơ bản nhằm phát huy đến mức cao nhất sức lực
và tài năng của đông đảo quần chúng nhân dân. Phong trào tổ và đội lao động xã
hội chủ nghĩa, phong trào 3 điểm cao, phong trào phát huy sáng kiến hợp lý hóa
sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý, phong trào người tốt, việc tốt,
học tập và thi đua với điển hình tiên tiến, v.v …ít được thường xuyên bồi dưỡng
và chỉ đạo. Nhiều cấp ủy Đảng còn coi nhẹ công tác lãnh đạo thi đua, mặc dù đã
có chỉ thị uốn nắn của Ban bí thư trung ương Đảng, Sự phối hợp giữa các cơ quan
chính quyền với các đoàn thể chưa được chặt chẽ và có nền nếp.
Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, miền Nam
được hoàn toàn giải phóng, cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới: tiến
hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước. Vì
vậy cần phải tăng cường lãnh đạo và tổ chức tốt phong trào thi đua trong thời kỳ
mới hiện nay để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới.
II. TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA TRONG THỜI KỲ
MỚI
Để góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ IV
của Đảng, thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980), và kế hoạch
năm 1977, phong trào thi đua trong cả nước phải có sự đổi mới mạnh mẽ cả về tổ
chức, chỉ đạo và nội dung, hình thức.
1. Mục tiêu và yêu cầu thi đua
Mục tiêu của phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa là động viên
đến mức cao nhất lực lượng to lớn của toàn dân, toàn quân thực hiện khẩu hiệu
“Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc
giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”, ra sức đẩy mạnh ba cuộc cách mạng, tận dụng
và phát huy mọi tiềm lực trong sản xuất, nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức
kế hoạch Nhà nước với năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều, hiệu quả
lớn. Ra sức tăng nhanh năng suất lao động xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội
chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa với cơ cấu công – nông
nghiệp hiện đại; nâng cao cảnh giác cách mạng, củng cố an ninh và quốc phòng,
tích cực bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Kế hoạch Nhà nước 5 năm và kế hoạch hàng năm thể hiện nhiệm vụ
cách mạng của Đảng và Nhà nước trong từng thời gian, đó là cương lĩnh thứ hai của
Đảng, là pháp lệnh của Nhà nước. Do đó, kế hoạch Nhà nước là mục tiêu thi đua
chủ yếu, trực tiếp nhất của mỗi cơ sở, của mỗi người lao động. Các phong trào
riêng của từng ngàng, từng địa phương, từng đơn vị cơ sở và từng đoàn thể phải
tập trung thể hiện bám sát và động viên thực hiện mục tiêu đó.
Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ
nghĩa của nhân dân lao động. Quần chúng có thực sự làm chủ tập thể trong việc
xây dựng kế hoạch sản xuất và công tác, bàn bạc các biện pháp nhằm khắc phục
khó khăn, khai thác mọi khả năng tiềm tàng, cải tiến quản lý, thì kế hoạch sản
xuất và công tác mới có tính tích cực và hiện thực, trở thành mục tiêu phấn đấu
tự giác của quần chúng.
Yêu cầu của phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa trong thời
kỳ kế hoạch 5 năm hiện nay là :
a) Động viên cao độ nhiệt tình cách mạng trong lao động, sản
xuất và công tác: lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, đạt 3 điểm cao (năng suất
cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều); chống lười biếng, làm ẩu; chống tệ quan
liêu, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân; chống lãng phí, tham ô.
b) Động viên tinh thần sáng tạo: phát huy sáng kiến hợp lý hóa
sản xuất, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý; khắc phục các khó khăn nhất là về
vật tư và tổ chức đời sống; ra sức tận dụng và nâng cao công suất của thiết bị,
máy móc, phương tiện, tận dụng khả năng của ruộng đất và các tài nguyên khác,
triệt để thực hành tiết kiệm. Chống bão thủ, tiêu cực, trì trệ.
c) Thông qua phong trào thi đua mà rèn luyện và xây dựng con
người mới, con người lao động làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa; đồng thời củng
cố và phát triển tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.
2. Nội dung của phong trào thi đua
Trên cơ sở quán triệt nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng
và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, cần hướng phong trào quần chúng tiến quân mạnh mẽ
vào ba cuộc cách mạng trong đó cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt. Phải
động viên và tổ chức quần chúng thực hiện tốt các nghị quyết trung ương Đảng và
Chính phủ về việc tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển lâm
nghiệp, ngư nghiệp và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh
phát triển ngành cơ khí và các ngành công nghiệp nặng khác; xúc tiến việc tổ chức
lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý trong nông nghiệp, công nghiệp, thủ
công nghiệp và xây dựng cơ bản (số 61-CP ngày 5-4-1976; số 19-CP ngày
21-1-1976; số 134-CP ngày 3-8-1976; số 136-CP ngày 5-8-1976; điều lệ tạm thời về
quản lý xí nghiệp và các chế độ cải tiến quản lý kèm theo). Phải tổ chức và động
viên phong trào thi đua cải tiến quản lý kinh tế, sửa đổi tác phong và lề lối
làm việc, chống quan liêu giấy tờ, cửa quyền, gây phiền hà cho nhân dân.
Ở các tỉnh phía Nam, căn cứ vào nghị quyết của Bộ chính trị
trung ương Đảng (số 254-NQ/TW ngày 15-7-1976), phải tổ chức phong trào quần
chúng thi đua lao động sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và làm thủy lợi,
phong trào quần chúng tiến hành việc hợp tác hóa nông nghiệp và thủ công nghiệp,
xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản và tàn dư của giai cấp địa chủ phong kiến, cải tạo
xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh và người buôn bán
nhỏ.
Nội dung thi đua cụ thể như sau:
Trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp
a) Nông nghiệp:
- Thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích khai hoang,
xây dựng vùng kinh tế mới, phát triển mạnh mẽ trồng trọt và chăn nuôi;
- Làm thủy lợi, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất trồng trọt
và chăn nuôi.
- Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, cải
tiến quản lý, tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.
- Phân bố hợp lý lao động giữa các ngành trồng trọt và chăn
nuôi, giữa nông nghiệp và lâm nghiệp, giữa các vùng trong cả nước.
Chú trọng áp dụng thành tựu kỹ thuật mới và không ngừng cải tiến
kỹ thuật, làm thủy lợi, cơ giới hóa, bón phân, cải tạo đất, cải tạo giống,
phòng trừ sâu bệnh, trên cơ sở phân vùng quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, tổ chức
một bước quản lý nông nghiệp, lâm nghiệp từ cơ sở; từng bước xây dựng huyện
thành đơn vị kinh tế nông-công nghiệp.
b) Lâm nghiệp:
- Bảo vệ, tu bổ và trồng rừng với quy mô lớn (kiên quyết ngăn
chặn nạn phá rừng và cháy rừng);
- Khai thác hợp lý lâm sản.
Ở các tỉnh phía Nam, chú trọng xóa bỏ tàn dư của giai cấp địa
chủ phong kiến, đẩy tới cao trào sản xuất nông nghiệp và thủy lợi, phát triển
các tổ đổi công, vần công, tập đoàn sản xuất và hợp tác xã mua bán; xây dựng tốt
các vùng kinh tế mới, các nông trường và lâm trường quốc doanh; tiến hành một
cách tích cực và vững chắc việc hợp tác hóa nông nghiệp, quản lý tốt các cơ sở
nông nghiệp và lâm nghiệp quốc doanh.
c) Ngư nghiệp
- Phát triển mạnh nghề khơi, kết hợp nghề khơi và nghề lộng.
- Cải tiến kỹ thuật đánh bắt và nuôi
- Tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý
Ở các tỉnh phía Nam,
xóa bỏ triệt để tàn dư bóc lột phong kiến (đầu nậu), cải tạo xã hội chủ nghĩa
trong ngư nghiệp, tăng cường lực lượng quốc doanh
Trong các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng:
- Hợp lý hóa sản xuất;
- Cải tiến kỹ thuật
- Cải tiến quản lý
Phải cùng với các ngành khác ra sức phục vụ cho nông nghiệp,
lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ.
Chú trọng chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động; áp dụng
đúng đắn và sáng tạo các quy trình, quy tắc kỹ thuật ; hết sức tiết kiệm điện
và vật tư và tìm vật tư thay thế loại hiếm, quý và phải nhập từ nước ngoài; chấn
chỉnh và cải tiến tổ chức lao động, bảo đảm cho mọi người trong xí nghiệp, công
trường có việc làm và làm việc gì cũng có định mức; nâng cao chất lượng và hạ
giá thành của sản phẩm; cải thiện đời sống và điều kiện lao động; giữ gìn an
toàn lao động.
Ở các tỉnh phía Nam,
cần phải chú trọng tham gia vào việc xóa bỏ giai cấp tư sản mại bản, cải tạo xã
hội chủ nghĩa đối với công nghiệp tư bản tư doanh.
Ngành tiểu công nghiệp và thủ côngnghiệp
Cũng theo nội dung trên, nhưng từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa,
tận dụng nguyên liệu tại chỗ; tận dụng phế liệu, thứ liệu, phế phẩm, v.v…; thu
hút nhiều lao động mới; làm ra nhiều mặt hàng mới; bảo đảm chất lượng của sản
phẩm; củng cố quan hệ sản xuất mới, tăng cường và cải tiến quản lý.
Ở các tỉnh phía Nam,
cần phải hướng dẫn tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp đi vào sản xuất các mặt
hàng phục vụ thiết thực đời sống nhân dân và xuất khẩu, tiến hành việc hợp tác
hóa tiểu công nghiệp và thương nghiệp;
Trong các ngành lưu thông và phân phối
- Cải tiến phương thức thu mua, phân phối, bảo đảm công bằng hợp
lý, thuận tiện, giảm bớt khâu trung gian,. nhanh chóng đưa hàng đến tận tay người
tiêu dùng;
- Cải tiến quản lý, tăng nguồn hàng, đẩy mạnh lưu thông hàng
hóa, phục vụ tốt sản xuất, đời sống và xuất khẩu.
- Cải tiến lề lối làm việc, chống tệ quan liêu giấy tờ, cửa
quyền, gây phiền hà cho nhân dân.
Ở các tỉnh phía Nam, phải chú trọng phát triển lực lượng
thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán, cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với
thương nghiệp tư bản tư doanh và người buôn bán nhỏ.
Trong các ngành giáo dục, đại học và trung học chuyên
nghiệp, trong các cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật
- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “2 tốt” (dạy tốt, học tốt);
- Cải tiến phương pháp giảng dạy và nghiên cứu, kết hợp học tập
với lao động sản xuất, kết hợp công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật với giảng
dạy, học tập và phục vụ sản xuất
- Cải tiến quản lý, tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật
- Cải tiến tổ chức, chuẩn bị tốt để thực hiện cải cách giáo dục.
Trong các ngành y tế, văn hóa, thông tin, thể dục thể
thao, trong các cơ quan sự nghiệp và cơ quan hành chính
- Cải tiến kỹ thuật hoặc nghiệp vụ.
- Cải tiến lề lối làm việc
- Cải tiến tổ chức, tinh giản biên chế.
Đối với các cơ quan trực tiếp có quan hệ với nhân dân, trực tiếp
phục vụ cơ sở, cần ra sức cải tiến lề lối làm việc, cải tiến nghiệp vụ, cải tiến
tổ chức, thực hiện sự chuyển biến đồng bộ trong cả một địa phương.
Từ nội dung trên đây, các ngành, các địa phương, các đơn vị cơ
sở cần cụ thể hóa cho từng thời gian, từng mặt công tác, lập ra chương trình hợp
lý hóa và cải tiến của ngành mình, hướng phong trào thi đua của quần chúng vào
việc giải quyết dứt điểm từng vấn đề nhằm đem lại hiệu quả cao và thiết thực,
thúc đẩy khí thế thi đua của quần chúng.
Riêng đối với quân đội và công an, trong nội dung thi đua đang
thực hiện, cần chú trọng thêm: tích cực tham gia xây dựng và phát triển kinh tế,
triệt để thực hành tiết kiệm, bảo quản và sử dụng tốt tất cả các phương tiện
thiết bị, các kho tàng và cơ sở vật chất kỹ thuật.
3. Những biện pháp và hình thức tổ chức
thi đua
a) Tăng cường việc tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi
cho phong trào thi đua, kết hợp chặt chẽ giữa chỉ đạo sản xuất và chỉ đạo thi
đua.
Phải xúc tiến giải quyết các vấn đề chính sách và chế độ quản
lý kinh tế để phục và thúc đẩy phong trào thi đua: Phải làm tốt việc xây dựng kế
hoạch sản xuất và công tác trên cơ sở thật sự tôn trọng quyền làm chủ tập thể
xã hội chủ nghĩa của quần chúng và tạo điều kiện để quần chúng thực hiện tốt tốt
quyền làm chủ tập thể. Phải giao sớm, giao rõ kế hoạch cho đơn vị cơ sở, cho tổ,
cho từng người sản xuất và công tác, ký kết hợp đồng kinh tế và hợp đồng tập thể
đúng quy định của Nhà nước. Phải mở đại hội xã viên, mở hội nghị công nhân viên
chức, đúng thời hạn và có nội dung thiết thực: Giải quyết các kiến nghị của quần
chúng một cách khẩn trương; trường hợp nào không thể giải quyết được thì phải
thông báo rõ lý do cho quần chúng. Phải giải quyết các yêu cầu về vật tư
(nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phụ tùng…) từ mọi phía, nắm vững hàng tồn
kho và nguồn nhập hàng để điều hòa kịp thời, tổ chức vận chuyển vật tư đến tận
cơ sở, tận người sản xuất; các cơ quan khoa học kỹ thuật tích cực phối hợp
trong việc tìm vật tư thay thế. Hết sức chú trọng việc cung cấp nguyên liệu cho
các cơ sở sữa chữa, phục hồi phụ tùng của xe máy. Thực hiện chặt chẽ việc cấp phát
và sử dụng vật tư theo định mức, từ đó mà phát triển phong trào tiết kiệm vật
tư thật sôi nổi, liên tục và khen thưởng xứng đáng thành tích này về tinh thần
và vật chất. Ra sức cải tiến tổ chức lao động, sử dụng hợp lý sức lao động,
tăng cường kỷ luật lao động, làm việc gì cũng phải có định mức và hưởng thụ
theo lao động. Các cấp chính quyền phải cùng các đoàn thể chăm lo chu đáo đời sống
của quần chúng, nhất là đối với công nhân viên chức ở vùng công nghiệp tập
trung, ở vùng miền núi, vùng khai hoang, trước hết là tổ chức bữa ăn chính và
phụ; sữa chữa nhà ở, bảo hộ lao động; giải quyết tình trạng ứ đọng hành khách ở
bến xe và bến tàu; chữa bệnh và khám bệnh, giữ trẻ, đi lại trong giờ cao
điểm , v.v..Phải phát động quần chúng tự tổ chức đời sống của mình kết hợp với
sự chăm lo giải quyết của tập thể, của các ngành phục vụ.
b) Kết hợp chặt chẽ việc động viên tinh thần và khuyến
khích vật chất
Điều kiện căn bản của phong trào thi đua là quần chúng giác ngộ
về vai trò làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Do đó phải hết sức coi trọng công
tác chính trị và tư tưởng nhằm biến chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cao trào
chống Mỹ, cứu nước thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phong trào thi đua
xây dựng chủ nghĩa xã hội,. phát huy tính năng động của từng cấp, từng đơn vị,
từng người lao động tự lực giải quyết các khó khăn của mình; phát huy tinh thần
cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ỷ lại, thụ
động bó tay; phát huy tinh thần cầu tiến bộ, ham học hỏi; phát huy tinh thần
đoàn kết, hợp tác xã hội chủ nghĩa trong sản xuất, công tác và đời sống. Việc
biểu dương và khen thưởng có tác dụng lớn, phải làm thường xuyên bằng mọi hình
thức. Điều quan trọng là phải công bằng, kịp thời, phải khuyến khích những người
tốt, việc tốt và những thành tích phù hợp và những thành tích phù hợp với nhiệm
vụ cách mạng; phải nắm vững chính sách, chế độ khen thưởng và đi đường lối quần
chúng. Phải cải tiến việc khen thưởng, bảo đảm giá trị của giấy khen, bằng
khen, các loại danh hiệu, cờ thưởng và huân chương, huy chương
Mặt khác, phải rất coi trọng việc khuyến khích vật chất, sử dụng
đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, gắn liền với việc thúc đẩy thực hiện kế hoạch Nhà
nước. Coi trọng những hình thức thường có quan hệ trực tiếp đến người lao động.
Tiền lương phải thể hiện đúng đắn quy luật phân phối theo lao động, gắn liền với
tăng năng suất theo từng người lao động và hiệu quả hoạt động của đơn vị, cơ sở.
Tiền thưởng là đòn bẩy quan trọng, bổ sung cho tiền lương. Chế độ tiền lương,
tiền thưởng do Nhà nước quy định phải được vận dụng rộng rãi, nhất là trả lương
theo sản phẩm, thưởng về tăng năng suất, thưởng về chất lượng, thưởng về sáng
kiến, thưởng về tiết kiệm, v.v…Cần nghiên cứu sửa đổi những cái không hợp lý hiện
nay trong chế độ tiền lương, tiền thưởng để khuyến khích sản xuất.
c) Các hình thức tổ chức, động viên thi đua
Phải gây dựng lại và phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua học
tập, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến từ đơn vị cơ sở cho đến toàn ngành,
toàn địa phương và trong cả nước. Sử dụng các loại điển hình cá nhân và tập thể,
một mặt và nhiều mặt. Phải tổng kết về điển hình, phổ biến kinh nghiệm của điển
hình, chống tư tưởng bảo thủ, tự kiêu, tự mãn. Phải bỏ công sức để phát hiện và
bồi dưỡng những nhân tố mới, phải bám sát điển hình để có thực tiễn lãnh đạo
phong trào chung. Tổ chức đại hội các anh hùng, chiến sĩ thi đua và các tổ, đội
lao động xã hội chủ nghĩa trong cả nước năm 1977 để cổ vũ và đẩy mạnh phong
trào.
Đặc biệt coi trọng việc củng cố và phát triển phong trào thi
đua tập thể, phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa, cố gắng bồi
dưỡng để trong một vài năm tới, phong trào này sẽ thu hút đông đảo các tổ, đội
sản xuất và công tác tạo nên lực lượng xung kích mạnh mẽ trong 3 cuộc cách mạng,
đạt được năng suất lao động xã hội ngày càng cao. Từ đó xây dựng những tập thể
lao động xã hội chủ nghĩa ở quy mô phân xưởng và tương đương cho tới xí
nghiệp và hợp tác xã…Ở các tỉnh phía Nam, xây dựng phong trào phấn đấu trở
thành tổ và đội lao động tiên tiến, tiến lên phong trào tổ và đội lao động xã hội
chủ nghĩa.
Ra sức động viên, tổ chức thi đua phát huy sáng kiến với yêu cầu:
mỗi người phát huy và áp dụng 1 sáng kiến (gọi tắt là mỗi người 1 sáng kiến).
Đây là hình thức sinh động nhằm động viên phong trào quần chúng làm cách mạng
khoa học kỹ thuật. Cần chấn chỉnh công tác quản lý sáng kiến ở các ngành, các cấp
và đơn vị cơ sở, bảo đảm cho mọi sáng kiến đều được tổng kết và phổ biến, áp dụng
rộng rãi, được khen thưởng kịp thời và đúng chính sách.
Phải từ thực tiễn của phong trào quần chúng mà rút kinh
nghiệm, áp dụng những hình thức tổ chức và động viên thi đua mới cho thích hợp
với tình hình thực tế của đơn vị mình, địa phương mình, nhằm lôi cuốn đông đảo
quần chúng tham gia phong trào, gây không khí thi đua sôi nổi và liên tục,
nhưng phải coi trọng nội dung, chống bệnh phô trương, hình thức, dập khuôn, máy
móc. Báo cáo về kết quả và thành tích thi đua phải chính xác và thật thà.
Các cấp Ủy Đảng và chính quyền, thủ trưởng các ngành, các cấp,
các đơn vị cơ sở cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với phong trào thi
đua, có kế hoạch cụ thể để tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua, kếp hợp chặt chẽ
chỉ đạo sản xuất và chỉ đạo thi đua, phối hợp chặt chẽ với các Ban của Đảng và
các đoàn thể, tạo điều kiện để các đoàn thể làm tốt công tác vận động, tổ chức
và chỉ đạo thi đua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng , sự phối hợp hoạt động của các
cơ quan chính quyền và các đoàn thể là một trong những yếu tố có tính chất quyết
định đối với thắng lợi của phong trào thi đua.
Các ngành tổng hợp trung ương như Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy
ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Lao động, Bộ Vật tư và các cơ quan khác,
Ban thi đua trung ương và Viện huy chương cần phối hợp với nhau trong công tác
phục vụ và thúc đẩy phong trào thi đua.
Đối với phong trào thanh niên lao động tình nguyện vượt mức kế
hoạch của Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh và cuộc vận động phụ nữ giỏi việc
nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng do Hội phụ nữ phát động,
cũng như đối với phong trào thi đua chung của toàn dân và toàn quân, các đoàn
thể cần tăng cường sự phối hợp với cơ quan Nhà nước về các chính sách chế độ có
liên quan đến việc tổ chức thi đua và bàn bạc nhất trí về việc biểu dương, khen
thưởng.
Hội đồng Chính phủ yêu cầu các ngành, các cấp, hơn lúc nào hết,
nhận rõ tình hình mới, nhiệm vụ mới quán triệt đường lối của Đảng, nắm vững mục
tiêu kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1980) và kế hoạch năm 1977, thực sự dựa vào
quần chúng, cùng các đoàn thể tổ chức thật tốt trong phong trào thi đua xã hội
chủ nghĩa trong cả nước, bảo đảm cho phong trào thi đua, bắt đầu từ năm 1977,
có bước phát triển mới, mạnh cả về khí thế và hiệu quả để hoàn thành thắng lợi
kế hoạch Nhà nước năm 1977, đồng thời tích cực chuẩn bị về mọi mặt (tư tưởng, tổ
chức, điều kiện vật chất và kỹ thuật, v.v…) để cho phong trào thi đua tiếp tục
phát triển tốt, với khí thế sôi nổi, liên tục và đều khắp, tiến tới cao trào
thi đua nhằm hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch 5 năm (1976-1980), thực
hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng.
|
K. T. THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị
|