ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------
|
Số:
43/CT-UB-KT
|
TP.
Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 12 năm 1996
|
CHỈ THỊ
TỔ
CHỨC TẾT NGUYÊN ĐÁN ĐINH SỬU (06-10/02/1997).
Thành phố đón Tết Đinh Sửu trong
không khí phấn khởi chào mừng những thành tựu to lớn của kế hoạch 5 năm
1991-1995 của cả nước và thành phố. Trong năm qua, thành phố liên tục vượt qua
các khó khăn, vươn lên thực hiện sự nghiệp đổi mới toàn diện, liên tục phát
triển sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an tàon xã hội, cải thiện
đời sốnh nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiều chương trình xã hội mang ý nghĩa
sâu sắc ; xóa đói giảm nghèo, nhà tình nghĩa, hướng về cội nguồn, chăm lo các
đối tượng chính sách, xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn dân cư…
Với các thành tựu đó. Tết Đinh
Sửu cần được tổ chức trong không khí thật sự “vui tươi - lành mạnh - an toàn -
tiết kiệm - mọi nhà đều có Tết”.
Để sớm chuẩn bị phục vụ đồng bào
vui Tết theo tinh thần trên, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo như sau :
1- Lãnh đạo, tuyên truyền, vận
động vui đón Xuân mới, hăng hái đẩy mạnh sản xuất, công tác, thực hành tiết
kiệm :
- Động viên đồng bào, cán bộ,
nhân viên, công nhân, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang chuẩn bị
những điều kiện cần thiết để phấn đấu hoàn thành thắng lợi ngay từ quý I của kế
hoạch năm 1997, lập thành tích chào mừng ngày thành lập Đảng (3/2).
- Bằng nhiều hình thức phong
phú, tổ chức vui Xuân phù hợp trên từng địa bàn dân cư, đặc biệt vùng ngoại
thành, nơi còn nhiều khó khăn về đời sống. Từ đó tạo ra không khí phấn khởi, tự
hào về thành tựu đạt được trong các năm tháng đã qua, hướng tới tương lai tươi
sáng, phấn đấu hết mình để ổn định và cải thiện đời sống cho gia đình và cho sự
nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
- Tổ chức cho nhân dân ăn Tết
vui tươi, lành mạnh, nhưng phải thật an toàn, tiết kiệm, bảo đảm cho mọi nhà
đều có Tết, vận động đồng bào thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ những người nghèo
khó có điều kiện ăn Tết và dành phần giúp đỡ đồng bào ở các vùng bị thiên tai
lũ lụt.
2- Chăm lo chu đáo các mặt vật
chất cho đồng bào ăn Tết, đi đôi với tăng cường quản lý thị trường, nắm chắc
nhu cầu hàng Tết, đáp ứng kịp thời chủng loại và chất lượng hàng hóa với giá cả
phù hợp :
- Sở Thương mại chủ động phối
hợp với các Tổng Công ty ngành hàng Trung ương, chỉ đạo các doanh nghiệp thương
mại, Liên hệp Hợp tác xã mua bán phối hợp, tính toán cung cầu hàng tết, bảo đảm
chất lượng, giá cả phù hợp, đáp ứng kịp thời cho đồng bào thành phố và khu vực.
Chú ý cung cấp đủ các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, gạo, rau xanh, cá, dưa
hấu, trái cây, bánh mứt, kẹo ; tổ chức tốt việc cung cấp, không để biến động
giá, nhất là vào những ngày cận Tết và sau Tết.
- Quản lý chặt chẽ thị trường,
chống đầu cơ, nâng giá, làm và bán hàng giả, tiêu thụ hàng gian, hàng kém chất
lượng, hàng quá thời gian sử dụng, hàng không ghi xuất xứ nhãn hiệu. Tăng cường
kiểm soát giết mổ gia súc, chấm dứt việc tiêu thụ heo bệnh, ướp hàn the, bơm
nước,… kiểm tra vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Truy tố trước pháp luật
đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng.
- Sắp xếp tốt việc buôn bán hàng
Tết ở các chợ và các khu vực buôn bán dưa hấu, hoa kiểng phục vụ Tết, tiếp tục
thực hiện tốt Nghị định 36/CP, tôn trọng quy định lòng lề đường, không cho phép
bày bán tràn lan ngoài hè phố, lòng đường, gây trở ngại giao thông.
- Ủy quyền cho Sở Thương mại chủ
trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận-huyện xác định vị trí ở các công
viên, vỉa hè rộng được sử dụng tạm thời để bán dưa hấu, hoa kiểng phục vụ Tết
theo giấy phép của Sở Thương mại. Ủy ban nhân dân quận-huyện có kế hoạch kiểm
tra các bãi giữ xe theo đúng giá quy định, xử lý nghiêm và kịp thời các bãi giữ
xe thu quá giá, không niêm yết giá công khai.
- Các ngành chức năng cần phối
hợp tốt, để vừa đáp ứng tốt nhu cầu hàng Tết, vừa chuẩn bị hàng hóa dự phòng
vào thời điểm cận Tết và đủ phục vụ sau Tết.
3- Hết sức chú ý chăm lo cho các
đối tượng chính sách, dân nghèo :
- Sở Lao động-Thương binh xã hội
phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, các ngành, đoàn thể ở cơ sở thực hiện
việc chăm lo đối tượng chính sách chu đáo, đều khắp, không để sót.
- Mức trợ cấp cho các đối tượng
chính sách như năm 1996.
- Việc tổ chức họp mặt cuối năm
cần thiết thực, với các đại biểu thật sự tiêu biểu như cán bộ lão thành Cách
mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động,…
họp mặt cần tổ chức trang trọng, thiết thực, không phô trương hình thức, ăn
uống linh đình, tốn kém.
- Từng tổ dân phố, ban nhân dân
ấp nắm chắc số hộ nghèo, vận động, tạo quỹ tương trợ một phần cho bà con ăn
Tết, không được để sót người nghèo, hộ nghèo mà Tết không đến với bà con.
- Quan tâm chăm lo tổ chức tốt
Tết cho lực lượng lao động và đồng bào thành phố đang lao động và định cư ở các
tỉnh ; tổ chức thăm và tặng quà Tết cho một số đơn vị vũ trang biên phòng, hải
đảo.
- Có kế hoạch tổ chức cho các
đoàn đại biểu lãnh đạo thành phố, (nòng cốt là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các
đoàn thể quần chúng, Sở Lao động - Thương binh và xã hội …) đi thăm và tặng quà
các gia đình chính sách tiêu biểu, các gia đình quá “neo đơn”.
- Tham gia và phục vụ tốt cho
các đồng chí lãnh đạo Thành ủy trước đây và hiện nay về thăm đồng bào ở các căn
cứ cũ.
4- Tổ chức tốt các hoạt động văn
hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí :
- Từ bài học kinh nghiệm Tết
Bính Tý, Tết Đinh Sửu năm nay, các ngành văn hóa-xã hội mở rộng các điểm và
hình thức vui chơi, giải trí phong phú mang đậm nét màu sắc dân tộc.
- Phát huy kết quả 2 đợt thực
hiện Nghị định 87 - 88/CP và Chỉ thị 814/TTg cần tăng cường công tác quản lý,
kiểm tra trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi
phạm. Vận động đồng bào chống tệ cờ bạc, tệ say rượu, mê tín dị đoan, v.v… đồng
thời ra sức đấu tranh ngăn ngừa các hình thức vui chơi mang tính cờ bạc, đỏ
đen. Đưa các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ Tết đến các huyện ngoại thành,
vùng sâu vùng xa.
- Tăng cường chương trình truyền
hình vào các ngày Tết với nội dung phong phú, sâu sắc.
5- Phát động mạnh mẽ phong trào
toàn dân giữ gìn thành phố sạch đẹp, vui đón Xuân mới trong an toàn, trật tự :
- Tiếp tục phát động phong trào “Xanh
và Sạch”, tổ chức tốt hệ thống thu gom, xử lý rác trong và sau Tết, nhất là
ở các chợ, các khu vui chơi giải trí, bán hoa kiểng, dưa hấu, hàng Tết. Ngành
dịch vụ công cộng phấn đấu thu dọn sạch rác vào chiều 29 Tết.
- Bảo đảm khâu vận chuyển khách
kịp thời, an toàn, thuận tiện trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng,
không được để ứ đọng khách tại các bến xe, tàu, chống đầu cơ, nâng giá vé.
- Có phương án xử lý ách tắc
giao thông trước và trong các ngày Tết.
- Ngành điện và cấp nước có kế
hoạch bảo đảm cung ứng đủ trong tháng Tết, có phương án thay thế phòng khi sự
cố, phân công phân nhiệm cụ thể tổ chức và cá nhân trực và xử lý kịp thời sự
cố.
- Ngành Công an phối hợp với các
ngành chức năng thành phố, trung ương và các quận, huyện mở các cuộc tấn công
truy quét các loại tội phạm hình sự, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn cho nhân
dân ăn Tết. Bảo vệ tốt các trọng điểm tập trung đông dân cư vui Tết, các khu
vui chơi giải trí. Phát động quần chúng đề cao cảnh giác, tổ chức bảo vệ an
ninh trật tự tại khu phố, tổ dân phố, dựa vào nòng cốt là lực lượng thanh niên,
lực lượng cựu chiến binh.
Tiếp tục theo dõi, kiểm tra bảo
đảm thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 406/TTg của Thủ tướng Chính phủ về cấm sản
xuất, buôn bán và đốt pháo nổ, pháo bông, pháo kiểng (giả), Chỉ thị 36/CP của
Chính phủ về quản lý an toàn giao thông và trật tự đô thị.
- Ngành giao thông công chánh,
Cảnh sát giao thông tích cực kiểm tra, thực hiện các biện pháp cần thiết bảo
đảm an toàn giao thông, giảm đến mức thấp nhất nạn kẹt xe và tai nạn giao
thông, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ đua xe trái phép.
- Tăng cường phòng chống cháy
nổ, kiểm tra việc tổ chức phòng chữa cháy tại các cơ sở quan trọng - đặc biệt
là các chợ, kho tàng, cơ sở kinh tế, an ninh quốc phòng, các khu dân cư đông
đúc, nhà cao tầng.
6- Chỉ đạo tổ chức thực hiện :
a) Thành lập Ban chỉ đạo Tết cấp
thành phố, các quận-huyện, phường-xã. Ban chỉ đạo cấp dưới phải xây dựng kế
hoạch cụ thể báo cáo cho cấp trên trực tiếp. Riêng ở cấp thành phố các Sở được
phân công phục vụ Tết và các quận-huyện phải có kế hoạch gởi về Ủy ban nhân dân
thành phố trước ngày 10/01/1997.
b) Các cơ quan, đơn vị tổ chức
tốt công tác bảo vệ, phân công trực cơ quan 24/24 và báo cáo danh sách trực về
Ủy ban nhân dân thành phố.
Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ
nghỉ Tết. Không để tình trạng nghỉ trước và sau Tết trái quy định.
c) Các cơ quan Nhà nước, các đơn
vị sản xuất - kinh doanh bảo đảm chi trả lương, thưởng trước Tết (ít nhất là
trước 1 tuần) theo đúng quy định hiện hành.
d) Triệt để thực hành tiết kiệm.
Cụ thể là :
- Không tổ chức liên hoan ăn
uống vào cuối năm và đầu năm. Các cuộc họp mặt phải tổ chức giản dị, thiết thực
với tiệc trà, văn nghệ nhẹ nhàng. Các cuộc chiêu đãi đối ngoại dịp Tết (nếu
cần) cũng phải hết sức tiết kiệm.
- Không dùng kinh phí Nhà nước,
kinh phí các doanh nghiệp Nhà nước để mua quà tặng nhau hoặc tặng tiền dưới
dạng phong thư, in lịch, in sổ tay (Agenda), in báo xuân, mua hoa kiểng … làm
quà tặng. Việc in thiệp chúc Tết theo nhu cầu giao dịch đối ngoại xét thấy thật
cần thiết thì Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các ngành, đoàn thể thành phố cần
tính toán kỹ số lượng in, không để dư thừa, lãng phí.
d) Các ngành điện, nước, công
trình công cộng, y tế bảo đảm cung cấp điện, nước, chiếu sáng, trực cấp cứu tai
nạn trong dịp Tết, không để xảy ra sự cố hoặc sơ sót đáng tiếc.
đ) Các lực lượng làm nhiệm vụ
trực Tết phải được bảo đảm đầy đủ phương tiện, chăm lo bồi dưỡng chu đáo.
Thủ trưởng các sở, ngành, cơ
quan, đơn vị thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực
hiện tốt Chỉ thị này ; đôn đốc, kiểm tra và thường xuyên báo cáo về Ủy ban nhân
dân thành phố.
Chỉ thị này phổ biến đến Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các phường, xã để quán triệt ở cơ sở.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Chí
|