CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO ĐẢM AN NINH, TRẬT TỰ NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TIỀN GIANG
Để bảo vệ vững chắc an
ninh, trật tự, xây dựng xã hội kỷ cương, an toàn, lành mạnh, góp phần thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đồng thời, tổ chức
thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TU ngày 27/12/2024 của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự năm
2025.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân
(UBND) tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các
huyện, thành phố, thị xã và đề nghị đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung ương đóng trên
địa bàn tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo
thực hiện một số nhiệm vụ công tác trọng tâm sau:
1. Tiếp tục triển khai
thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, Nhà nước về công
tác bảo đảm an ninh, trật tự, trọng tâm là: Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày
05/9/2019 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia”; Nghị quyết
số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ an ninh mạng
quốc gia”; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương
Đảng (khóa XII) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số
24-CT/TW ngày 13/7/2023 của Bộ Chính trị về “Đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia
trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng”; Kết luận số 13-KL/TW
ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW
của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác
phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 15-KL/TW ngày 30/9/2021
của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính
trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an
ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban
Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong
tình hình mới; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác đấu tranh, phòng
chống tội phạm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và các kế hoạch chuyên
đề về phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người
năm 2025.
Thủ trưởng cơ quan, đơn
vị, địa phương đưa nhiệm vụ và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện công tác
bảo đảm an ninh, trật tự vào chương trình, kế hoạch hoạt động năm 2025, xác
định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tiêu chí để đánh giá, nhận xét tập thể, cá
nhân; trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để tình hình an
ninh, trật tự phức tạp nhưng không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
2. Tổ chức thực hiện hiệu
quả các biện pháp bảo đảm an ninh ngay từ cơ sở; kịp thời phát hiện, ngăn chặn
hiệu quả hoạt động, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, chống
đối. Bảo vệ tuyệt đối an toàn hoạt động của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh
đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và làm việc tại Tiền Giang; các sự kiện chính trị,
kinh tế, văn hóa - xã hội, đối ngoại, các mục tiêu, công trình trọng điểm của
tỉnh. Thường xuyên rà soát, bổ sung và tổ chức diễn tập các phương án, kế hoạch
ứng phó với các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự; tăng cường sự phối hợp
giữa các ngành, các cấp, các lực lượng, không để bị động, bất ngờ.
Chủ động triển khai các
biện pháp bảo đảm an ninh đối ngoại, an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế,
an ninh mạng, an ninh tôn giáo, an ninh xã hội... góp phần thực hiện thắng lợi
chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, gắn với
thực hiện tốt công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác
các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Tăng cường công tác đấu
tranh, xử lý hiệu quả các vi phạm liên quan tôn giáo; ngăn chặn, xóa bỏ các tà
đạo, đạo lạ. Tiếp tục rà soát, đánh giá, tham mưu giải quyết dứt điểm các vụ việc
tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, kéo dài; không để hình thành vụ, việc khiếu
nại mới phức tạp, phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Kiểm tra, thẩm
định chặt chẽ các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, đầu tư vào địa
bàn tỉnh; bảo đảm an ninh, an toàn các công trình quan trọng liên quan an ninh
quốc gia, các dự án trọng điểm.
Thực hiện hiệu quả công
tác quản lý xuất, nhập cảnh; phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất,
nhập cảnh trái phép, cư trú bất hợp pháp. Kiểm tra, chấn chỉnh những tồn tại,
hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn
thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước.
3. Tập trung triển khai
thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống
tội phạm, vi phạm pháp luật; có biện pháp hạn chế tối đa các nguyên nhân, điều
kiện phát sinh tội phạm ngay từ đầu và tại cơ sở.
Đổi mới, nâng cao hiệu
quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhận thức về phương thức, thủ
đoạn mới của tội phạm; vận động Nhân dân tự phòng, tự quản, tự hòa giải, tích
cực tham gia phòng, chống tội phạm. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các
ngành, đoàn thể và địa phương trong rà soát, thống kê, quản lý, giáo dục đối
tượng tại cơ sở, nhất là các thanh thiếu niên hư, đối tượng nghiện - sử dụng
trái phép chất ma túy, bị loạn thần “ngáo đá” và đối tượng sau cai nghiện,
người bị mắc bệnh tâm thần, có tiền sử bệnh tâm thần.
Tăng cường các biện pháp
hành chính trong phòng ngừa tội phạm, nhất là công tác lập hồ sơ đưa đối tượng
vào diện quản lý tại xã, phường, thị trấn; đưa đi cai nghiện tự nguyện, cai
nghiện bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục. Tổ chức thực hiện tốt công
tác tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm tội.
Chủ động mở các đợt cao
điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh,
trật tự theo các tuyến, địa bàn trọng điểm; truy bắt, thanh loại và vận động
đối tượng truy nã ra đầu thú. Tập trung đấu tranh hiệu quả với các loại tội
phạm (tội phạm giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, xâm hại
tình dục trẻ em; tội phạm trộm cắp, cướp cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt
tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng; phạm liên quan tín
dụng đen, cờ bạc, tội phạm đường phố, tội phạm sử dụng công nghệ cao,...).
Nâng cao chất lượng, hiệu
quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị
khởi tố; công tác điều tra, xử lý tội phạm. Thực hiện tốt công tác kiểm tra,
giám sát và kiểm soát hoạt động điều tra, tố tụng đảm bảo theo đúng quy định
của pháp luật; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, không để xảy ra oan
sai, sót lọt tội phạm.
Phấn đấu kéo giảm ít nhất
05% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2024; tỷ lệ điều tra, khám phá
tội phạm về trật tự xã hội đạt trên 75% (trong đó, án rất nghiêm trọng và
đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%); 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến
nghị khởi tố được tiếp nhận, xử lý, trong đó tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.
4. Đổi mới công tác quản
lý Nhà nước về an ninh, trật tự theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công
nghệ. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển
ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số
quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Nâng cao chất lượng dịch
vụ công trực tuyến, đảm bảo liên thông, thông suốt đến cấp xã. Tiếp tục duy trì
bảo đảm dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Nâng cao hiệu quả
công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với ngành nghề đầu tư kinh
doanh có điều kiện và con dấu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và đốt pháo nổ.
Quan tâm đào tạo, đầu tư
nguồn lực, rà soát, trang bị, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực
hiện công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phấn đấu giảm 10% các
vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, không để xảy ra các vụ cháy
gây thiệt hại về người do nguyên nhân chủ quan.
Thực hiện quyết liệt, đồng
bộ các giải pháp về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tập trung xây dựng,
tổng kết, nhân rộng mô hình đảm bảo an toàn giao thông hoạt động hiệu quả. Tiếp
tục đầu tư, ứng dụng, khai thác hiệu quả các hệ thống giám sát, xử lý các hành
vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông qua hình ảnh; kiềm chế tai nạn giao
thông, phấn đấu giảm 05% cả 03 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị
thương) so với năm 2024.
5. Tiếp tục thực hiện
nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng đảng, xây dựng lực
lượng Công an, trọng tâm là: Chương trình số 21-CTr/TU ngày 15/6/2022 của Tỉnh
ủy, Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 23/9/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực
hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số
17-NQ/TU ngày 13/6/2023, Quyết định số 778-QĐ/TU ngày 13/6/2023 của Tỉnh ủy về
phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang thật sự
trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
trong tình hình mới; Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 18/01/2023 của Tỉnh ủy về xây
dựng thí điểm Công an phường kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị
trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 337/KH-UBND ngày 28/11/2022 của UBND tỉnh về
tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong
tình hình mới.
Tổ chức thiết thực, trang
trọng, hiệu quả các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công
an nhân dân Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2025) và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ
an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2025).
6. Đảm bảo tiến độ xây
dựng Công an phường kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị theo Quyết
định số 1017/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 của UBND tỉnh; xây dựng trụ sở làm việc
Công an xã, thị trấn giai đoạn 2023 - 2025 theo Quyết định số 2040/QĐ-UBND ngày
07/9/2023 của UBND tỉnh. Tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất của lực
lượng Công an; quan tâm đầu tư, trang bị các điều kiện cần thiết phục vụ công
tác của Công an cấp xã, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
7. Giao Công an tỉnh chủ
trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nội
dung Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng, năm báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Yêu cầu Thủ trưởng các
sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và đề nghị các
đoàn thể tỉnh, cơ quan Trung trong đóng trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa các nội
dung Chỉ thị này để tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả ở cơ
quan, đơn vị, địa phương quản lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn,
vướng mắc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (Công an tỉnh tổng hợp, đề xuất)
chỉ đạo giải quyết./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- TTTU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
cơ quan TW đóng địa bàn tỉnh;
- UBND các H, TP, TX;
- VPUB: CVP, các PCVP; các Phòng, Trung tâm;
- Lưu: VT, NC(Giang).
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Vĩnh
|