CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG
NINH”
Tủ sách pháp luật là nơi
lưu giữ, khai thác và sử dụng sách, báo, tài liệu pháp luật nhằm giúp cán bộ,
công chức và nhân dân chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, sử dụng những
kiến thức pháp luật trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ sản xuất
kinh doanh và giải quyết các nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong đời sống hàng
ngày.
Tuy nhiên, trong thời gian
qua việc xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn
vị, doanh nghiệp, trường học còn hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm,
chưa ban hành quyết định thành lập, xây dựng Tủ sách pháp luật; có cơ quan, đơn
vị đã xây dựng, thành lập Tủ sách pháp luật nhưng việc bổ sung và khai thác
chưa kịp thời, kém hiệu quả; công tác nghiệp vụ quản lý, khai thác sử dụng Tủ
sách pháp luật chưa được hướng dẫn kịp thời; kinh phí trang bị cho việc xây
dựng, bổ sung Tủ sách pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu công việc của cán bộ và
các tầng lớp nhân dân; số lượng người tìm đến Tủ sách pháp luật còn hạn chế.
Ngày 25/01/2010, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg về việc xây dựng, quản lý,
khai thác Tủ sách pháp luật và có hiệu lực kể từ ngày 02/04/2010. Để triển khai
thực hiện có hiệu quả Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg, tăng cường công tác xây
dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa
phương trên địa bàn tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Uỷ ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:
a) Chỉ đạo các phòng, ban
chuyên môn; các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg,
trong đó cần chú trọng:
- Kiểm tra, rà soát việc
xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật ở cơ sở, có kế hoạch củng cố kiện toàn lại
Tủ sách pháp luật theo đúng tinh thần Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg. Đổi mới nâng
cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; đa dạng các loại
hình và hình thức khai thác Tủ sách pháp luật; phát huy hơn nữa vai trò của Tủ
sách pháp luật trong hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở và phục
vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ nhân dân; tăng cường ứng dụng công
nghệ thông tin và khai thác văn bản quy phạm pháp luật.
- Giao công chức tư pháp
- hộ tịch phụ trách, xây dựng nội quy hoạt động Tủ sách pháp luật. Hàng năm,
tiến hành dự toán kinh phí, bổ sung sách, báo, tài liệu cần thiết cho Tủ sách
pháp luật, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Sách, báo, tài liệu
pháp luật, Công báo phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định đối với tài sản
công và hàng năm có kiểm kê, báo cáo đầy đủ cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng
cấp hoặc theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp trên.
- Có biện pháp khuyến khích
thành lập Tủ sách pháp luật ở thôn, bản, khu phố để tập hợp, bảo quản và sử
dụng tốt nguồn sách, báo, tờ gấp, văn bản pháp luật, sổ tay pháp luật do cấp trên
cấp phát. Phấn đấu đến năm 2012, trên 50% thôn, khu phố có Tủ sách hoặc ngăn
sách pháp luật.
- Thực hiện trao đổi, luân
chuyển sách, báo tài liệu pháp luật giữa các loại hình Tủ sách pháp luật (Tủ
sách pháp luật cấp xã; Tủ sách pháp luật ở thôn, khu phố; Tủ sách pháp luật của
điểm bưu điện văn hoá xã, Tủ sách ở các đồn biên phòng) trên địa bàn xã, phường,
thị trấn.
b) Đảm bảo kinh phí hàng
năm từ ngân sách địa phương trong việc duy trì, kịp thời bổ sung sách, báo, tài
liệu pháp luật, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Tủ sách pháp luật tối thiểu
02 triệu đồng/năm/Tủ (không kể kinh phí đầu tư xây dựng Tủ sách lần đầu).
c) Chủ động phối hợp với
các cơ quan, ban, ngành tỉnh tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng,
quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật cho đội ngũ cán bộ phụ trách Tủ sách pháp
luật ở cơ sở.
d) Theo dõi, kiểm tra,
tổng kết và thực hiện chế độ khen thưởng hoặc đề xuất khen thưởng đối với tập thể,
cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và quản lý, khai thác Tủ
sách pháp luật; kỷ luật và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong hoạt động xây
dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình
xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật của địa phương về Sở Tư pháp
tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
2. Sở Tư pháp:
a) Giúp Uỷ ban nhân dân
tỉnh rà soát và hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân
dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành để cấp phát cho Tủ sách pháp luật.
b) Kiểm tra, hướng dẫn
chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng, quản lý, khai
thác Tủ sách pháp luật; đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng những tổ chức,
cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách
pháp luật. Định kỳ hàng năm báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp về hoạt
động xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo quy định.
c)
Biên soạn các tài liệu pháp luật, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, quản lý,
khai thác Tủ sách pháp luật. Thường xuyên phối hợp với các địa phương, ngành
liên quan tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ quản lý, khai thác Tủ sách pháp
luật cho đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý Tủ sách pháp luật.
d)
Làm tốt vai trò cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền phổ
biến giáo dục pháp luật để tổ chức tuyên truyền, giới thiệu về Tủ sách pháp luật
đến cán bộ, công chức và nhân dân bằng các hình thức phù hợp.
3. Sở Tài chính:
Tham mưu giúp Uỷ ban
nhân dân tỉnh về kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ
sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương; Hướng dẫn các cơ quan, đơn
vị, địa phương lập dự toán, thanh toán, quyết toán kinh phí xây dựng, quản lý
Tủ sách pháp luật theo đúng quy định hiện hành.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo:
Chỉ đạo, theo dõi và hướng
dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trong các trường học và
các cơ sở giáo dục khác thuộc thẩm quyền quản lý.
5. Sở Lao động, Thương
binh và Xã hội:
Chỉ đạo, theo dõi và
hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật tại các cơ sở dạy
nghề, cơ sở xã hội thuộc phạm vi ngành mình quản lý.
6. Liên đoàn Lao động tỉnh:
Chỉ đạo, quản lý và phối
hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp
luật ở cơ quan, doanh nghiệp.
7. Bộ Chỉ huy quân sự
tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh:
Chỉ đạo, quản lý và hướng
dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở các đơn vị thuộc quân
đội nhân dân và công an nhân dân.
8. Sở Văn hoá, Thể thao
và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh:
- Sở Văn hoá, Thể thao
và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, phối hợp với Sở Tư pháp hướng
dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị
trong ngành.
Hướng dẫn việc trao đổi,
luân chuyển sách, tài liệu pháp luật giữa Tủ sách pháp luật cấp xã với các loại
hình Tủ sách pháp luật khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Hướng dẫn ứng
dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật.
- Báo Quảng Ninh, Đài Phát
thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền về vị trí, vai trò của Tủ
sách pháp luật; vận động, giới thiệu cho cán bộ, nhân dân đến đọc, mượn sách,
báo, tài liệu pháp luật.
9. Các sở, ban, ngành
tỉnh, tổ chức kinh tế:
a) Quan tâm thành lập Tủ
sách pháp luật để lưu giữ sách, báo, tài liệu pháp luật phục vụ cho công tác quản
lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, tìm hiểu pháp luật, giảng dạy và học tập
của cơ quan, đơn vị.
b) Những cơ quan, đơn
vị đã xây dựng Tủ sách pháp luật thì thường xuyên rà soát, bổ sung đầu sách và
có biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách
pháp luật để đảm bảo công tác bảo quản và khai thác hiệu quả.
c) Việc xây dựng, quản
lý và khai thác Tủ sách pháp luật của cơ quan, đơn vị phải thực hiện đúng theo Quyết
định số 06/2010/QĐ-TTg.
10. Đề nghị Uỷ ban Mặt
trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên:
Vận động các tầng lớp nhân
dân, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng Tủ sách pháp luật; chỉ đạo, quản lý
và hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật do tổ chức
mình quản lý.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu
cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Các tổ chức kinh tế, lực lượng
vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh ngay về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Uỷ
ban nhân dân tỉnh chỉ đạo.
Giao
Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tổ chức triển khai và tổng kết việc thực
hiện Chỉ thị này và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chỉ thị này có hiệu lực
sau mười ngày, kể từ ngày ký./.