ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
09/CT-UBND
|
Đà
Nẵng, ngày 29 tháng 06 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI, LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2013
Trước diễn biến thiên tai ngày càng
bất thường, khó dự báo và để chủ động đối phó với các loại hình thiên tai, hạn
chế những thiệt hại do thiên tai gây ra; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà
Nẵng chỉ thị:
1. Giám đốc các sở, ban, ngành, chủ
tịch UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ:
a) Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút
kinh nghiệm về công tác phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2012; phát
huy những việc làm tốt, phân tích rõ những nguyên nhân, những mặt còn hạn chế,
yếu kém để có biện pháp, giải pháp khắc phục hoàn chỉnh phương án ứng phó với
bão, lũ năm 2013;
b) Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng
chống lụt bão; rà soát, hoàn thiện các phương án, kế hoạch phòng chống lụt, bão
và tìm kiếm cứu nạn sát với tình hình thực tế diễn biến của từng loại hình
thiên tai tại địa phương, đơn vị; đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ các sở, ban,
ngành, quận, huyện đến các phường, xã, các đơn vị cơ sở và có kế hoạch phối hợp
chặt chẽ với các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ, các đoàn thể trên
địa bàn nhằm đối phó kịp thời, khắc phục nhanh có hiệu quả với các tình huống
thiên tai;
c) Tiếp tục triển khai thực hiện
các Quyết định của UBND thành phố: số 3799/QĐ-UBND ngày 22 tháng 5 năm 2009 về
việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ
thiên tai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, số 1491/QĐ-UBND ngày 01
tháng 3 năm 2010 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao nhận
thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng"; chủ động
lồng ghép phòng, tránh thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và quy
hoạch, dự án của ngành, địa phương; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức
cộng đồng các loại hình thiên tai và biện pháp phòng, tránh;
d) Quán triệt và thực hiện phương
châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương
tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ), chủ động phòng chống và đối phó với
thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân
và nhà nước;
đ) Chuẩn bị tốt hệ thống thông tin
liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống,
thực hiện chế độ trực ban trong mùa lụt, bão, xây dựng phương án, kế hoạch cụ
thể, chi tiết về lực lượng và phương tiện để ứng cứu kịp thời cho nhân dân ở
vùng nguy hiểm do triều cường, sóng lớn và vùng ven sông thường xuyên bị xói
lở, bị ngập sâu, vùng bị lũ quét, bị trượt lở đất và vùng hạ lưu hồ chứa nước;
vận động nhân dân chủ động dự trữ lương thực, nước uống, các nhu yếu phẩm thiết
yếu và thuốc men để sử dụng trong thời gian ít nhất 7 ngày; khuyến cáo người
dân hạn chế ra đường khi có bão đổ bộ, đi lại ở những vùng, khu vực bị ngập lũ.
2. Ủy ban nhân dân các quận, huyện
a) Tổ chức kiểm tra và hoàn thiện
phương án phòng chống thiên tai, lụt bão năm 2013 của các xã, phường và đơn vị
trực thuộc, các cơ sở kinh tế thuộc mọi thành phần; tiến hành điều tra, thống
kê xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư có thể huy động
cho công tác phòng, chống lụt, bão; rà soát, cập nhật, xác định những khu vực
nguy hiểm khi xảy ra mưa, bão trên địa bàn (kể cả khu vực thoát lũ ở hạ lưu hồ
chứa), chủ động di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; trường hợp chưa tổ chức tái
định cư lâu dài, phải có phương án và sẵn sàng thực hiện sơ tán dân khi cần
thiết; bố trí lực lượng trực để cảnh giới khách qua đường ở những đọan đường bị
ngập khi có lũ.
b) Thực hiện tốt phương án phòng,
chống lụt, bão của Ban Chỉ huy Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn
thành phố; xây dựng và thực hịên tốt phương án xử lý tình huống khẩn cấp về
thiên tai lụt, bão trên địa bàn thành phố, nhất là các hồ chứa nước Hoà Trung
và Đồng Nghệ thuộc huyện Hòa Vang;
UBND quận, huyện có hồ chứa nước
thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão đủ năng lực để điều hành công tác
phòng chống lụt, bão cho các hồ chứa nước, xây dựng phương án phòng, chống lũ,
phương án sơ tán nhân dân vùng hạ lưu; kiểm tra các phương tiện, vật tư đảm bảo
đủ số lượng; tổ chức nghiêm túc trực phòng chống lụt, bão tại hồ chứa 24 giờ
trong ngày trong mùa mưa bão;
c) Chịu trách nhiệm toàn diện trước
Chủ tịch UBND thành phố về việc huy động các nguồn lực của địa phương, đơn vị
theo quy định để làm tốt công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và
khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn. Chủ động sử dụng ngân sách cấp
mình và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định để phòng, chống và khắc
phục hậu quả do thiên tai gây ra, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân;
đồng thời phải quan tâm, hỗ trợ không để người dân vùng thiên tai bị đói.
3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
thành phố chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo
sát thực tế để chủ động triển khai thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn; theo
dõi, cập nhật tình hình hoạt động của tàu thuyền đánh cá; phối hợp với Chi cục
Thủy sản, yêu cầu các chủ tàu, thuyền phải chấp hành nghiêm túc các văn bản quy
định của các bộ, ngành Trung ương về đảm bảo an toàn tàu cá; kiên quyết không
cho tàu, thuyền thiếu các trang thiết bị ra khơi.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chủ
động xây dựng kế hoạch, phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng
cứu nhân dân khi xảy ra lụt, bão, thiên tai, cứu hộ 2 hồ chứa nước Hoà Trung và
Đồng Nghệ và các hồ chứa nước khác, hiệp đồng với các đơn vị quân đội đóng quân
trên địa bàn thành phố để kịp thời xử lý ứng cứu các tình huống khẩn cấp về
lụt, bão, thiên tai.
5. Công an thành phố chủ động xây
dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện cho công tác phòng chống lụt bão
và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn
thành phố khi có thiên tai xảy ra; phối hợp với lực lượng quân đội, các địa
phương tham gia tổ chức sơ tán, cứu nạn, cứu hộ.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chỉ đạo
- Chi cục Thủy sản thực hiện chế độ
đăng kiểm tàu cá, phối hợp với Bộ đội Biên phòng thành phố và UBND các quận có
khai thác hải sản tổ chức thực hiện các quy định đảm bảo cho người và phương
tiện nghề cá hoạt động trên biển; phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Công an thành phố (Cảnh sát đường thủy) hướng
dẫn ngư dân nơi trú đậu tàu thuyền trong mùa mưa bão theo quy định của UBND
thành phố;
- Chi cục Thủy lợi và phòng chống
lụt bão thành phố phối hợp với các quận, huyện tổ chức kiểm tra đánh giá tất cả
các công trình hồ chứa nước trên địa bàn thành phố và đề nghị các địa phương có
phương án khắc phục, sửa chữa theo phân cấp quản lý hồ chứa nước; khẩn trương
hoàn thành đúng tiến độ đầu tư xây dựng các công trình đê, kè, hồ, đập trước
mùa mưa bão.
7. Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ
lợi Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc phương án xử lý tình huống khẩn cấp về thiên
tai, lụt, bão của 2 hồ chứa nước Hoà Trung và Đồng Nghệ; đảm bảo thông tin liên
lạc thông suốt với Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn thành
phố và UBND huyện Hoà Vang; lập phương án thông tin liên lạc với các địa phương
ở hạ lưu 2 hồ chứa nước, kịp thời thông báo cho nhân dân sơ tán khi xảy ra sự
cố.
8. Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị
lực lượng, phương tiện để tham gia kịp thời công tác phòng chống lụt, bão và
tìm kiếm cứu nạn, “giải phóng mặt đường” trên địa bàn thành phố khi có bão xảy
ra, hướng dẫn các phương tiện lưu thông trong vùng bão, lũ.
9. Sở Y tế: Lập phương án cấp cứu,
cứu nạn kịp thời (kể cả phương án lưu động) cho nhân dân vùng bị thiên tai, kể
cả việc tiếp nhận nạn nhân từ các tỉnh bạn; phối hợp với các Sở: Khoa học -
Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường xử lý môi trường, nước uống và phòng chống
các dịch bệnh phát sinh sau khi có lụt, bão, thiên tai xảy ra.
10. Sở Xây dựng kiểm tra các phương
án phòng, chống lụt, bão các công trình đang thi công dở dang, khu giải toả,
khu tái định cư trên địa bàn thành phố; yêu cầu các ban quản lý, các chủ đầu tư
phải có phương án phòng chống bão (đối với các công trình đang thi công bằng
tháp và cẩu phải hạ tháp và cẩu trước khi bão “đổ bộ”), đồng thời phải có các
phương án xử lý ngập úng và các sự cố có thể xảy ra cho các khu dân cư do công
trình đang thi công gây nên; chỉ đạo Công ty Công viên Cây xanh thực hiện tốt
công tác rong tỉa cây xanh đường phố trước mùa mưa bão. Sau bão phải khẩn
trương đề xuất UBND thành phố có phương án khắc phục hư hỏng các công sở,
trường học, bệnh viện,… để đảm bảo mọi hoạt động trên địa bàn thành phố trở lại
bình thường.
11. Sở Công thương
a) Xây dựng kế hoạch dự phòng về
lương thực và các mặt hàng thiết yếu trước mùa mưa lũ, nhất là vùng sâu, vùng
xa, vùng đi lại khó khăn thường bị chia cắt trong lụt, bão;
b) Làm việc với Công ty TNHH MTV
Điện lực Đà Nẵng lập phương án cắt điện hợp lý cho từng vùng, từng khu vực khi
có thiên tai xảy ra, tổ chức kiểm tra an toàn đối với toàn bộ hệ thống điện
trên địa bàn thành phố.
12. Sở Tài nguyên và Môi trường:
phối hợp với các địa phương kiên quyết ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái
phép trên các sông; kiểm tra, cảnh báo các vùng có khả năng xảy ra trượt lở đất
trong mùa mưa do khai thác đất đá.
13. Sở Lao động Thương binh và Xã
hội phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố thực hiện tốt
công tác phân phối hàng cứu trợ cho người dân vùng bão, lũ kịp thời, đúng đối
tượng.
14. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão
và Tìm kiếm cứu nạn thành phố
a) Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc
thực hiện công tác phòng, chống lụt bão của các ngành, địa phương, chỉ đạo,
điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai, lụt,
bão;
b) Chủ trì, phối hợp với Sở Lao
động Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, UBND các quận, huyện theo dõi diễn
biến của bão, lũ, thiên tai để tổng hợp đề xuất UBND thành phố quyết định các
biện pháp cứu trợ kịp thời.
15. Sở Thông tin và Truyền thông,
Đài phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng và đề nghị Trung tâm Truyền hình Việt Nam
tại Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành
phố tăng cường phát tin, thông báo kịp thời các thông tin, thông báo, dự báo về
thời tiết, thiên tai, các chủ trương, mệnh lệnh trong công tác phòng chống lụt bão,
tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành hướng dẫn nhân dân
những kiến thức cơ bản về phòng chống thiên tai.
16. Các cấp, các ngành theo chức
năng nhiệm vụ được giao, ngoài việc làm tốt công tác phòng chống lụt bão để bảo
vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và của ngành, địa phương mình phải chuẩn bị
sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để tham gia công tác phòng, chống lụt,
bão, tìm kiếm cứu nạn theo điều động của Chủ tịch UBND thành phố và của Trưởng
Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
17. Đề nghị Đài Khí tượng Thuỷ văn
khu vực Trung Trung bộ cung cấp kịp thời các tin dự báo thời tiết, dự báo bão,
áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, đồng thời dự báo, cảnh báo sớm khả năng xuất
hiện các trường hợp thời tiết nguy hiểm như lũ quét, lốc, nước dâng, áp thấp
nhiệt đới gần bờ để phòng tránh, chủ động giảm nhẹ thiên tai.
18. Đề nghị Đài Thông tin Duyên hải
Đà Nẵng tổ chức tốt công tác thông tin liên lạc về phòng chống lụt bão và tìm
kiếm cứu nạn; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm
cứu nạn thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và các cơ quan tìm
kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng cứu cho người và phương tiện hoạt động trên biển.
19. Đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 5,
Vùng 3 Hải quân, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II, Cảng vụ Đà
Nẵng có kế hoạch, bố trí lực lượng, phương tiện tham gia cùng với các lực lượng
địa phương ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn và tham
gia khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu giám
đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực
hiện./.