ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:09/CT-UBND
|
Sơn La, ngày 16 tháng 4 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN
NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
Trong thời gian qua, việc thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nhận được sự
quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các đoàn thể, sự ủng hộ tích cực
của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ
đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ban, ngành, đoàn thể của
Trung ương và địa phương về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang và lễ hội đã góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành
động của cán bộ, viên chức, đảng viên, công chức nhân dân trên địa bàn toàn
tỉnh. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã
đạt được những kết quả đáng ghi nhận:
Về việc cưới: Các đám cưới nhìn chung đã tổ chức theo
hướng gọn, nhẹ, giảm nhiều những chi phí không cần thiết; những hủ tục lạc hậu,
rườm rà đã từng bước được loại bỏ; đã hình thành ý thức thực hiện nếp sống văn
minh, tiết kiệm, thiết thực trong việc cưới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Việc mời, hút thuốc lá trong đám cưới giảm dần; Giảm tình trạng tảo hôn, cưỡng
ép kết hôn;
Về việc tang: Việc tổ chức tang lễ trên địa bàn tỉnh
đã có nhiều tiến bộ. Một số hủ tục lạc hậu trong việc tang đã và đang được loại
bỏ. Gia đình có người quá cố đã thực hiện việc khai tử với chính quyền địa
phương; hầu hết các địa phương, cơ quan, đơn vị, bản, tiểu khu, tổ dân phố đã
thành lập Ban lễ tang điều hành tổ chức lễ tang, việc quàn thi hài không quá 48
tiếng hoặc người bị bệnh nguy hiểm không quá 24 tiếng là phải chôn cất hoặc hỏa
táng. Việc phúng viếng, kèn trống được thực hiện theo quy định, không làm ảnh
hưởng đến khu dân cư; tang lễ được tổ chức chu đáo, trang nghiêm. Việc tổ chức
3 ngày, 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải cát đã giảm về chi phí.
Về lễ hội: Việc tổ chức lễ hội đã thực hiện theo đúng
quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước; phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc
của địa phương. Các lễ hội được quản lý chặt chẽ và tổ chức đảm bảo trang
trọng, tiết kiệm, đúng quy định, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân
dân.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, triển khai, thực
hiện bên cạnh những kết quả đã đạt được còn những tồn tại, đó là:
- Công tác chỉ đạo triển khai vận động nhân dân thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vẫn còn chậm, nhất là
ở vùng sâu vùng xa. Trình độ năng lực của một số cán bộ làm công tác tuyên
truyền, vận động còn hạn chế, chưa hiểu sâu về phong tục tập quán của các dân
tộc nên việc tổ chức thực hiện còn lúng túng.
- Một số cấp ủy chính quyền cơ sở thiếu kiên
quyết trong việc chỉ đạo, nhắc nhở việc cưới, việc tang theo đúng quy định của
Trung ương và địa phương. Các cơ quan báo chí còn ít đưa tin, phản ánh biểu
dương những nhân tố tích cực và phê phán những hiện tượng tiêu cực trong việc
cưới, việc tang, lễ hội.
Những
hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của phong tục, tập quán
lạc hậu còn nặng nề, tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường…, song, chủ
yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức sâu sắc, đầy đủ về ý nghĩa,
tầm quan trọng và vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo triển
khai thực hiện; việc thực hiện thiếu sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên; thiếu
chế tài xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp; chưa
tạo được dư luận mạnh mẽ, phê phán các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức việc
cưới, việc tang...
Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong thời gian
tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ
chức, đoàn thể tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn:
a) Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận
động bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các
tầng lớp nhân dân góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị
lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị
số 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện
nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Chỉ thị số
14/1998/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện
nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quyết định số
308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy
chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Kết luận số
51-KL/TW ngày 22 tháng 7 năm 2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục thực
hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về
thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Thông tư số
04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ
hội; Kết luận số 676-KL/TU ngày 2 tháng 5 năm 2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về
tăng cường lãnh đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ
hội trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 721-QĐ/TU ngày 26 tháng 2 năm 2014 của Ban
Thường vụ Tỉnh ủy về quy định tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức và
một số đối tượng chính sách và Chỉ thị này tới cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động và nhân dân; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 18 tháng 12 năm 2013 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nêu cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong của cán
bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
b) Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy
Đảng; hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của
Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp;
sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội các cấp; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của các tầng lớp
nhân dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo được dư luận mạnh mẽ, phê phán
các biểu hiện tiêu cực trong tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội để nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trở thành nét đẹp trong bản sắc
văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La.
c) Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc
cưới, việc tang, lễ hội. Đưa mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào kế hoạch hoạt động của chính quyền địa
phương hàng năm để thực hiện. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, tổ chức
các Hội nghị biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến
trong chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về việc cưới, việc tang và lễ hội. Tập
trung chỉ đạo xóa bỏ hủ tục trong việc tang của một số vùng đồng bào dân tộc
thiểu số. Đưa tiêu chí thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang và lễ hội vào việc bình xét, phân loại đánh giá, thi đua - khen thưởng
hàng năm.
d) UBND huyện, thành phố ban hành
hướng dẫn phù hợp với đặc thù của từng huyện; Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã,
phường, thị trấn, các bản, tổ dân phố bổ sung vào quy ước, hương ước những quy
định cụ thể về nếp sống văn minh được quy định tại các văn bản chỉ đạo của Bộ
Chính trị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; tuyên truyền, phổ biến nội
dung các quy định đến các cơ quan, đơn vị, cán bộ công chức, viên chức và nhân
dân trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các bản, tổ dân phố
nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
và lễ hội; tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn theo chức năng, quyền
hạn được giao.
đ) UBND các xã, phường, thị trấn
tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị đến quần chúng trên địa bàn quản lý; Tổ
chức họp bàn, trưng cầu ý kiến nhân dân; Hướng dẫn các bản, tiểu khu, tổ dân
phố …, bổ sung vào quy ước, hương ước những quy định cụ thể về nếp sống văn
minh được quy định trong các văn bản chỉ đạo, phù hợp với tính chất văn hóa đặc
thù của từng dân tộc. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện trên địa bàn quản lý.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, là đầu mối tham mưu, tổ
chức thực hiện Chỉ thị này.
Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan phổ biến tuyên truyền Chỉ thị này đến
cán bộ, công chức viên chức và nhân dân trong tỉnh.
Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn bổ sung quy định
thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước
hương ước của các bản, tiểu khu, tổ dân phố; tập trung tham mưu với Ban Chỉ đạo
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh chỉ đạo xây
dựng các mô hình điểm trong tổ chức thực hiện, rút kinh nghiệm từ những cơ sở
tốt, nhân ra diện rộng; gắn việc thực hiện quy ước, hương ước về việc cưới,
việc tang và lễ hội với xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa, cơ quan đơn vị,
trường học văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa”.
3. Sở Tư pháp
Phối hợp với Sở Văn hóa hướng dẫn bổ sung quy định thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước hương ước của các bản, tiểu khu, tổ dân phố; Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hương
ước, quy ước gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang và lễ hội.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với các cơ quan báo chí và
Đài Phát thanh Truyền hình: Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên
tuyên truyền tạo dư luận xã hội hỗ trợ tích cực việc thực hiện nếp sống văn
minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; biểu dương nhân tố mới, điển hình
tiên tiến, nêu gương người tốt việc tốt, phê phán những biểu hiện tiêu cực về
thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
5. Đề nghị Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
tỉnh
Tuyên truyền vận động đoàn viên
thanh niên nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và
lễ hội; tăng cường vai trò của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ thanh niên tổ
chức đám cưới văn minh tiết kiệm, trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với
phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Xây dựng và nhân rộng mô
hình điểm: “Đoàn viên thanh niên tổ chức lễ cưới văn minh, tiết kiệm”. Đưa tiêu
chí thực hiện tốt quy định vào việc bình xét, phân loại đánh giá, thi đua -
khen thưởng hàng năm.
6. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh, các tổ
chức đoàn thể: Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ
nữ tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và
vận động các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên thực hiện tốt nếp sống văn
minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tham mưu xây dựng và nhân rộng mô
hình điểm “Hội viên, đoàn viên thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới,
việc tang”. Tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện bản cam kết “ 5 có, 5
không” trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc Mông. Đưa tiêu chí thực
hiện tốt quy định vào việc bình xét, phân loại đánh giá, thi đua - khen thưởng
hàng năm.
7. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Ban
Dân vận Tỉnh ủy
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chỉ đạo công
tác tuyên truyền, gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang và lễ hội với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ban Dân vận Tỉnh ủy: Chỉ đạo đẩy
mạnh việc hướng dẫn, thực hiện cam kết 5 có, 5 không trong đồng bào dân tộc
Mông gắn với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ
hội.
8. Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn
dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa'' các cấp:
Có trách nhiệm tuyên truyền, lồng
ghép tổ chức triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang
và lễ hội vào các phong trào cụ thể của địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở,
ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường,
thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kỳ hàng năm báo cáo
kết quả thực hiện về UBND tỉnh thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.
Nơi nhận:
- TT
Tỉnh ủy; HĐND;UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- CVP UBND tỉnh;
- TTCB tỉnh;
- UBND huyện, TP;
- Lưu: VT.VX.50b.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Văn Thủy
|