ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/CT-UBND
|
Nghệ
An, ngày 08 tháng 4 năm 2020
|
CHỈ THỊ
ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIA ĐÌNH VÀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NGHỆ AN
Trong những năm qua, công tác gia
đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt nhiều kết
quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế như: tình trạng bạo
lực gia đình còn diễn ra ở nhiều nơi; số vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia
đình ngày càng tăng; các vụ trọng án từ những mâu thuẫn trong gia đình để lại
nhiều hậu quả xấu đối với gia đình và xã hội...Nguyên nhân của tình trạng trên
là do các cơ quan, chính quyền, đoàn thể chưa xác định rõ được trách nhiệm của
tổ chức, cá nhân trong thực thi các chính sách, pháp luật về công tác gia đình
và phòng, chống bạo lực gia đình; việc nhận diện, phát hiện, xử lý các hành vi
bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật thực hiện chưa nghiêm; công tác
tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên, chưa đa dạng và hiệu quả. Cán bộ làm
công tác gia đình còn thiếu và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có cộng tác
viên về gia đình ở cơ sở.
Để đẩy mạnh công tác gia đình và
phòng, chống bạo lực gia đình trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
yêu cầu:
1. Sở Văn hóa và
Thể thao
a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban,
ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tham mưu xây dựng
kế hoạch, chương trình thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật về công
tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử
trong gia đình Việt Nam; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp phòng,
chống, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về gia đình.
b) Chủ động phối hợp với các cơ quan
truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác
gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; lên án và phê phán các hành vi vi phạm
pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; biểu dương nêu gương người tốt, việc
tốt có đóng góp tích cực cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia
đình.
c) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao nghiệp
vụ và kỹ năng cho cán bộ làm công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
các cấp; hướng dẫn việc thu thập báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống
bạo lực gia đình; theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thi hành Luật
Phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Giáo dục và
Đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa
bàn tỉnh thực hiện giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia
đình; giáo dục đạo đức, lối sống và tiêu chí ứng xử trong gia đình phù hợp với
từng cấp học, bậc học.
3. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể
thao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND các huyện, thành, thị tham
mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ
em tại cơ sở.
4. Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và
Thể thao hướng dẫn tiếp nhận thông tin và tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia
đình là trẻ em thông qua Tổng đài 111; thực hiện trợ giúp nạn nhân bạo lực gia
đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội; lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia
đình vào chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới; chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
5. Sở Tư pháp
Tham mưu xây dựng kế hoạch lồng ghép
công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong hoạt động tuyên truyền
phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm; tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở gắn với
công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tổ chức tập huấn, hướng dẫn
nghiệp vụ việc xử lý hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống
bạo lực gia đình, pháp luật về hôn nhân và gia đình.
6. Sở Thông tin
và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền
thông, báo chí, hệ thống truyền thanh cơ sở tăng thời lượng, tần suất truyền
thông về chính sách, pháp luật và các hoạt động về công tác gia đình và phòng,
chống bạo lực gia đình; phát huy vai trò báo chí trong phát hiện, đấu tranh
phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là các điểm nóng về bạo lực gia đình; nêu
gương người tốt, việc tốt, cách làm hay trong công tác gia đình và phòng, chống
bạo lực gia đình.
7. Công an tỉnh
Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa
phương làm tốt công tác nắm bắt tình hình, rà soát, lên danh sách các đối tượng
có nguy cơ, khả năng bạo lực với người thân trong gia đình. Chủ động phát hiện,
ngăn chặn, điều tra, bắt giữ, xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi phạm tội
liên quan đến bạo lực gia đình. Phối hợp cơ quan chức năng triển khai các biện
pháp hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bạo lực gia đình. Phối hợp với Viện kiểm sát
nhân dân, Tòa án nhân dân chọn các vụ án trọng điểm liên quan đến bạo lực gia
đình để đưa ra xét xử công khai, lưu động nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa
chung.
8. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để
thực hiện tốt công tác gia đình trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Nội vụ
Phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao và
các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan hướng dẫn bố trí cán bộ làm công tác
quản lý nhà nước về gia đình các cấp; tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ đội
ngũ cộng tác viên về dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở; chỉ đạo, hướng dẫn thực
hiện công tác thi đua khen thưởng liên quan đến công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
10. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện
tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia
đình và phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu
quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”;
thực hiện giám sát và phản biện xã hội các nội dung liên quan đến công tác gia
đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh.
11. Hội Liên hiệp
Phụ nữ tỉnh
Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao
và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến Luật Hôn nhân gia đình, Luật
Bình đẳng giới, Luật Phòng, Chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em; triển khai thực
hiện có hiệu quả Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình
và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”; xây dựng các mô hình, đẩy mạnh
các hoạt động hỗ trợ, tư vấn và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.
12. Các Sở, ban,
ngành, đoàn thể cấp tỉnh
Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ và
quyền hạn của mình chủ động tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác gia đình
và phòng, chống bạo lực gia đình trong toàn ngành, đơn vị thuộc quyền quản lý.
13. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố, thị xã
a) Chỉ đạo các ngành, đơn vị cấp huyện,
Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính
sách, pháp luật của nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia
đình; nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng tình hình, xử lý nhanh, hiệu quả các điểm
nóng về bạo lực gia đình ở địa phương.
b) Bố trí cán bộ làm công tác gia
đình và triển khai xây dựng đội ngũ cộng tác viên phụ trách công tác dân số,
gia đình và trẻ em tại cơ sở.
c) Người đứng đầu chính quyền địa phương
cấp huyện, cấp xã trực tiếp chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để
xảy ra tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn.
d) Hàng năm bố trí kinh phí đáp ứng
yêu cầu thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cấp huyện,
cấp xã. Đưa nội dung công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào kế
hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo thực hiện.
e) Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia
đình; tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và các
mô hình khác về gia đình; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện,
ngăn chặn kịp thời các hành vi bạo lực và xử lý nghiêm nhũng tổ chức, cá nhân
vi phạm pháp luật về lĩnh vực gia đình, bạo hành gia đình. Kịp thời biểu dương,
khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình có đóng góp tích cực trong công
tác phòng, chống bạo lực gia đình.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng
các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố,
thị xã tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này; hàng năm báo cáo kết quả thực hiện
Chỉ thị trước ngày 30 tháng 11 về Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh./.
Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (để b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, PCT VX UBND tỉnh;
- Chủ tịch UBMTTQ tỉnh;
- CVP, PCVP VX UBND tỉnh;
- Ban Văn hóa XH-HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VX (Tr).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Bùi Đình Long
|