ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/CT-UBND
|
Bắc Giang,
ngày 12 tháng 9 năm 2014
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP QUẢN LÝ DI TÍCH VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG
BẢO QUẢN, TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH
Di tích lịch sử-văn hóa,
kiến trúc-nghệ thuật và danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) là
nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo chung của cộng đồng. Trong những
năm qua, công tác quản lý di tích, hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di
tích trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, tổ chức
thực hiện đạt nhiều kết quả, góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc, thúc
đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua còn có tình trạng tùy tiện trong tu bổ, tôn tạo di tích, đưa
hiện vật, đồ thờ không phù hợp với tính chất của di tích vào di tích…làm ảnh
hưởng đến việc giữ gìn yếu tố gốc cấu thành di tích; tình trạng mất cắp di vật,
cổ vật, tranh chấp đất đai di tích vẫn còn xảy ra; việc cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất di tích còn chậm, chưa kịp thời ở một số địa phương…
Để tiếp tục thực hiện có
hiệu quả Luật Di sản văn hóa, các văn bản pháp luật có liên quan, tăng cường
công tác quản lý di tích và nâng cao chất lượng các hoạt động bảo quản, tu bổ
và phục hồi di tích, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các
cơ quan, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức thực
hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tuyên truyền
nâng cao nhận thức để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), Luật Di
sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan
1.1. Các cơ quan,
ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở và chính quyền các địa phương tổ chức tuyên truyền
sâu rộng Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn
hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, trong đó
có nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa, phục vụ giáo dục
truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
với phát triển du lịch.
1.2. Tăng cường tuyên
truyền Luật Di sản văn hóa, các văn bản của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch, các bộ, ngành Trung ương về công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi
di tích. Tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy
giá trị di tích; kịp thời phê phán các hoạt động tùy tiện trong tu bổ, tôn tạo
di tích, đưa các hiện vật, đồ thờ không phù hợp vào di tích; xử lý nghiêm minh
các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích…
2. Tăng cường
quản lý Nhà nước trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích
2.1. Kiện toàn, củng cố và phát
huy hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước về di tích, các Ban
Quản lý di tích từ tỉnh đến cơ sở. Đối với các di tích đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh ra quyết
định xếp hạng, các địa phương phải thành lập Ban Quản lý di tích cơ sở, do đại diện lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn làm Trưởng
ban, các ngành văn hóa- xã hội, công an, hội người cao tuổi, địa chính, mặt
trận Tổ quốc, trưởng thôn, cụm dân cư nơi có di tích và người phụ trách di tích
(người trụ trì đền, chùa, nhà thờ…) làm ủy viên.
2.2. Tăng cường
kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; thanh tra, kiểm tra nhằm
phát hiện, xử lý
dứt điểm, kịp thời các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc
bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc
thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục; hướng dẫn
những người hảo tâm cung tiến những đồ thờ phù hợp với di tích; không đưa ảnh,
tượng Bác Hồ vào thờ trong di tích (trừ đền thờ Bác Hồ).
2.3. Các huyện, thành phố tổ chức thực hiện tốt việc cấp giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất cho các di tích, nhất là các di tích đã được xếp hạng. Đối với các
di tích bị lấn chiếm đất đai, UBND cấp huyện cần có biện pháp kịp thời, kiên
quyết trong việc thu hồi đất trả về cho di tích; thực hiện tốt việc quản lý, sử
dụng có hiệu quả đất đai di tích.
2.4. Chính quyền cấp xã và Ban Quản
lý di tích cơ sở phải có các biện pháp tích cực, hiệu quả trong việc bảo vệ di
tích, bố trí người có trách nhiệm trông coi di tích, không để xảy ra tình trạng
mất cắp di vật, cổ vật tại các di tích. Lễ hội được tổ chức ở địa điểm gắn với
di tích thì Ban tổ chức lễ hội phải kết hợp chặt chẽ với Ban Quản lý di tích cơ
sở để bảo vệ di tích, phòng chống cháy nổ, các hoạt động xâm hại khác làm ảnh
hưởng đến di tích, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho di tích.
2.5. Di tích đã có trong danh mục kiểm kê, chưa được Nhà nước
xếp hạng cần có biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị. Tổ chức thực hiện tốt Thông
tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa, Thể
thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về “Hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các
cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo”; trong đó Ban quản lý di tích cơ sở, người
phụ trách di tích (người trụ trì đền, chùa, nhà thờ…) phải có phương thức thu
nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, công khai, có
sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch, phục vụ tốt cho việc quản lý, bảo vệ, tu
bổ, tôn tạo di tích.
2.6. Các ngành chức năng và UBND cấp huyện, cấp xã thường xuyên kiểm tra việc
chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các
điểm di tích, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp
luật các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích
vào kỷ cương nền nếp.
3. Tổ chức thực hiện
3.1. Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch
tham mưu
giúp UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về di tích trên địa bàn;
tăng cường chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ, thanh tra, kiểm tra công tác quản
lý, bảo vệ, các
hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; hướng dẫn việc thành lập và hoạt
động của các Ban Quản lý di tích ở các địa phương, cơ sở; tổ chức lễ hội ở các
di tích theo quy định của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND
tỉnh; phối hợp các
ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá
trị di tích, gắn với phát triển du lịch của tỉnh.
3.2. Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh quy định phân cấp, tổ chức
bộ máy, chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của Ban quản lý di tích các cấp thuộc
tỉnh Bắc Giang; phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố quản
lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng tại các di tích đã được Nhà nước xếp hạng và chưa
được xếp hạng.
3.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính
có trách nhiệm cân đối ngân sách hàng năm để đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo
chống xuống cấp di tích đã được Nhà nước xếp hạng, ưu tiên cho các di tích tiêu
biểu, các di tích đang có nguy cơ xuống cấp cần tu sửa cấp thiết.
3.4. Sở Tài nguyên và Môi
trường
phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố rà
soát, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích theo quy định của
Nhà nước.
3.5. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các ban,
ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện hiệu quả phong trào "Xây dựng trường học
thân thiện, học sinh tích cực", góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích,
giáo dục truyền thống cho học sinh; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ
chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào "Xây dựng trường học
thân thiện, học sinh tích cực".
3.6. Công an tỉnh phối hợp với chính quyền các
địa phương, cơ sở tăng cường các biện pháp bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự,
chống mất cắp di vật, cổ vật tại các di tích; điều tra, truy tìm các di vật, cổ
vật bị mất cắp; kiên quyết xử lý các đối tượng trộm cắp di vật, cổ vật tại các
di tích theo quy định của pháp luật.
3.7. Đài phát thanh và Truyền hình
tỉnh, Báo Bắc Giang có trách nhiệm tuyên truyền việc triển khai tổ chức thực
hiện Chỉ thị này trong toàn tỉnh; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục tuyên
truyền, giới thiệu và quảng bá các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh; biểu
dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích;
phê phán các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt.
3.8. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố
- Chỉ đạo rà soát, kiện toàn và nâng
cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý di tích cơ sở, người phụ
trách, trông coi di tích trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích;
thực hiện tốt công tác bảo vệ di tích, nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi
trường, đảm bảo an toàn và phòng, chống cháy nổ cho di tích. Đẩy mạnh công tác
lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo
và phát huy giá trị di tích; hàng năm bố trí ngân sách hỗ trợ công tác chống
xuống cấp di tích tại địa phương.
- Phối hợp với cơ quan chức năng cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích, nhất là các di tích đã được
Nhà nước xếp hạng.
- Rà soát, sắp xếp và quy hoạch lại
hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích theo đúng luật pháp và quy
định các hoạt động tại các điểm di tích; chấm dứt tình trạng dựng quán bán hàng
trái phép, bán hàng rong…gây mất trật tự tại các điểm di tích.
- Tăng cường kiểm tra công tác quản
lý, bảo vệ,
các hoạt động
bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; trách nhiệm của chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở địa
phương trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích.
3.9. Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn: Chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:
- Củng cố, kiện toàn Ban
Quản lý di tích cơ sở, xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm của từng
thành viên, sử dụng kinh phí và tiền công đức công khai, minh bạch, đúng mục
đích; chú trọng công tác xã hội hóa trong việc bảo vệ di tích, có thể ký hợp
đồng, bố trí người có năng lực, trách nhiệm trông coi di tích.
- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt
văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo tại di tích đảm bảo văn minh, phù hợp với thuần
phong, mỹ tục, truyền thống của dân tộc; hướng dẫn để những người hảo tâm cung
tiến những đồ thờ phù hợp vào di tích. Đảm bảo tốt phòng chống cháy nổ, an ninh
trật tự, vệ sinh môi trường và cảnh quan di tích.
- Hàng năm, Ban Quản lý di tích cơ
sở có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị di
tích về Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố.
3.10. Đề nghị Ủy ban MTTQ,
các tổ chức đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tích cực phối hợp với
các cấp chính quyền tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên, hội viên và nhân dân
quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị này.
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố tổ chức
thực hiện nghiêm túc Chỉ thị. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề
mới phát sinh, các ngành, các địa phương báo cáo về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để trình Chủ tịch UBND
tỉnh xem xét, giải quyết./.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Linh
|