ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/CT-UBND
|
Quảng Trị, ngày 13 tháng 6 năm 2019
|
CHỈ THỊ
NGHIÊM
CẤM SỬ DỤNG CHẤT NỔ, CHẤT ĐỘC, XUNG ĐIỆN VÀ NGƯ CỤ CẤM ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN
Sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện
để khai thác thủy sản là hành động hủy diệt nguồn lợi, phá hủy sinh cảnh, làm ô
nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản, gây nguy hiểm
đến tính mạng con người và thiệt hại tài sản của nhân dân. Trong những năm qua, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai
thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản: Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998, Quyết định
số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày
30/7/2014, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về việc cấm sử dụng chất nổ,
chất độc, xung điện để khai thác thủy sản nên tình trạng
vi phạm quy định về các hành vi cấm trong hoạt động khai thác thủy sản đã hạn
chế và giảm thiểu đáng kể.
Hiện nay, hệ thống các quy định của
pháp luật, các văn bản chỉ đạo liên quan đến hoạt động quản lý khai thác và bảo
vệ nguồn lợi thủy sản khá đồng bộ; công tác quản lý các hoạt
động khai thác thủy sản bất hợp pháp, hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện trong khai thác
thủy sản được chính quyền địa phương các cấp quan tâm triển khai thực hiện,
nhưng tình trạng vi phạm các quy định trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy
sản vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ở trên biển, cửa sông (nước mặn, lợ),
tình trạng người dân sử dụng chất nổ, xung điện, tàu làm nghề lưới kéo để hoạt
động khai thác thủy sản đang có chiều hướng gia tăng, các hành vi vi phạm ngày
càng tinh vi, với hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; ở trên hồ, đập,
sông ngòi, vùng kênh mương nội đồng (nước ngọt) người dân
sử dụng xung điện, chất nổ, ngư cụ bị
cấm để đánh bắt thủy sản vẫn còn xảy ra. Tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã
phát hiện, tịch thu và xử lý 7 vụ vi phạm về bảo vệ nguồn
lợi thủy sản, trong đó 2 trường hợp sử dụng xung điện để
khai thác thủy sản mang tính hủy diệt gây bức xúc trong nhân
dân, bị các cơ quan chức năng xử phạt hàng chục triệu đồng.
Để kịp thời chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn
hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh
yêu cầu các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục triển khai, quán triệt
Luật Thủy sản năm 2017, Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng
Chính phủ đến tận người dân; chấn chỉnh và ngăn chặn có
hiệu quả, tiến đến chấm dứt tệ nạn sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung
điện để khai thác thủy sản, cấm các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh sản
xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng các loại chất nổ,
chất độc, bộ kích điện để khai thác thủy sản tại các vùng nước (trừ việc sử
dụng bộ kích điện để thu hoạch
toàn bộ thủy sản trong các ao nuôi), đối với các trường hợp
vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Công Thương
và các đơn vị được phép sử dụng vật liệu nổ, hóa chất, chất độc có trách nhiệm quản lý nghiêm ngặt, không để thất thoát
ra ngoài thị trường các nguồn chất nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, chất độc dưới mọi
hình thức.
3. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các lực lượng tăng cường phối hợp với lực
lượng Thanh tra Thủy sản thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và
chính quyền địa phương các cấp tiến hành kiểm tra, kiểm soát, truy quét định kỳ
hoặc mở các đợt cao điểm kiểm tra để kịp
thời ngăn chặn, kiên quyết xử lý các đối tượng sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loại chất nổ, chất độc, xung điện theo quy
định của pháp luật.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị,
địa phương liên quan triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các quy
định về cấm sử dụng chất nổ, chất độc và xung điện để khai thác thủy sản;
- Chỉ đạo Chi cục Thủy sản đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ và phát triển nguồn
lợi thủy sản; chủ động phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an,
chính quyền địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển; quản
lý, giám sát chặt chẽ hoạt động tàu cá trước khi rời bến
đi sản xuất. Truy quét, bắt giữ, xử lý nghiêm theo quy
định của pháp luật các trường hợp sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố:
- Lập kế hoạch triển khai, phân công
nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn, các lực lượng chức năng, đoàn
thể ở địa phương và chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường,
thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật,
đấu tranh, tố giác các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái
phép và sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai
thác thủy sản; tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ
khí, vật liệu nổ;
- Chỉ đạo lực lượng chức năng có kế
hoạch tuần tra kiểm soát, chủ động phối hợp với lực lượng Thanh tra Thủy sản và
các lực lượng liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn có hiệu quả, xử lý kịp thời các vụ vi phạm về sản xuất,
buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng các
loại chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản;
- Chủ động nắm tình hình, phân loại
đối tượng, thành phần thường xuyên hoạt động khai thác thủy sản trái phép bằng chất nổ, chất độc, xung điện để chỉ đạo các phòng, ban chức năng,
chính quyền xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với Mặt trận và Đoàn thể cơ
sở động viên, tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp hợp pháp nhằm ổn định cuộc sống lâu dài;
- Chỉ đạo UBND các xã, phường thị
trấn thường xuyên triển khai nhiệm vụ quản lý, kiểm tra,
kiểm soát xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán, tàng trữ vận chuyển trái phép và sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện để
khai thác thủy sản. Chú trọng ngăn chặn
triệt để việc sử dụng xung điện để khai thác thủy sản ở các vùng nước nội đồng; đồng thời xây dựng và nhân rộng các Tổ nhân dân tự quản để triển khai hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản có
hiệu quả.
6. Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để
Chi cục Thủy sản tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện trong khai thác thủy sản đảm bảo đúng quy định.
7. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh,
Báo Quảng Trị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và nội dung Chỉ thị này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động xây dựng bản tin, đăng tải các phóng sự về tác hại của việc sử
dụng chất nổ, chất độc, xung điện để
khai thác thủy sản nhằm nâng cao trách nhiệm, cũng như nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh chỉ đạo tổ chức chính trị xã hội các cấp
tăng cường phối hợp, vận động, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nêu cao tinh
thần đấu tranh ngăn chặn các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển
trái phép và sử dụng các loại chất nổ, chất độc, xung điện
để khai thác thủy sản.
9. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc triển khai
thực hiện Chỉ thị này theo định kỳ (ngày 25 hàng tháng) và đột xuất theo yêu
cầu để tổng hợp, báo cáo kết quả về UBND tỉnh và Bộ Nông
nghiệp và PTNT.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị
liên quan nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, NN.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chính
|