UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
02/2013/CT-UBND
|
Sơn La, ngày
15 tháng 4 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC
ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY
DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” GIAI ĐOẠN 2013 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH SƠN LA
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa” là một trong bốn nhóm giải pháp lớn được đề ra trong Nghị quyết Trung
ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 15 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể tập
trung chỉ đạo, triển khai thực hiện, được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng
ứng mạnh mẽ. Phong trào đã góp phần cải thiện đời sống văn hóa cho nhân dân,
từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội tạo ý thức tự lực tự cường, tinh thần thi
đua yêu nước, lao động cần cù sáng tạo, đạo lý uống nước nhớ nguồn được hoà
quyện trong mỗi con người, từng gia đình và toàn xã hội. Phong trào đã góp phần
quan trọng để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với
sự phát triển của toàn xã hội. Vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng
đời sống văn hóa thông qua các phong trào cụ thể được phát huy, có tác động
tích cực đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội một cách bền vững.
Ban Chỉ đạo các cấp đã duy trì tốt một số mô
hình cấp tỉnh như: Liên hoan bản, tổ dân phố văn hoá tiêu biểu; Liên hoan Gia
đình văn hóa tiêu biểu; Hội nghị biểu dương Gia đình văn hoá tiêu biểu; Hội
nghị biểu dương cơ quan, đơn vị văn hóa tiêu biểu… tính đến hết năm 2012, toàn
tỉnh có 138.734 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt 57,5%; có 940/3.289 bản,
tổ dân phố đạt danh hiệu bản, tổ dân phố văn hóa, đạt 28,58%; có 1.765/2.060
đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, trạm y tế đạt chuẩn văn hóa, đạt
85,65%; có 2.223 đội văn nghệ; 04 nhà văn hoá cấp huyện; có 193 nhà văn hóa cấp
xã, 1.600 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa; số người tham gia tập luyện TDTT
thường xuyên đạt 22%; số gia đình thể thao chiếm 17%; có 460 CLB câu lạc bộ
TDTT; 90% số trường học thực hiện giáo dục thể chất nề nếp.
Tuy nhiên, trong giai
đoạn hiện nay việc triển khai, thực hiện phong trào còn nhiều khó khăn, thách
thức đó là: Một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ và chưa
thấy được tác dụng to lớn của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hoá”. Ban Chỉ đạo các cấp đã được thành lập, nhưng hiệu quả hoạt động chưa
cao, bộ máy hoạt động chưa đồng đều. Cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá, thể
dục thể thao và du lịch, cán bộ nghiệp vụ phong trào còn thiếu. Kinh phí chưa
đáp ứng được các hoạt động của phong trào, đặc biệt là kinh phí biểu dương khen
thưởng còn hạn chế. Việc xây dựng các mô hình điểm về phong trào để nhân rộng
chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng
cao biên giới.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong thời gian tới và
thực hiện tốt Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt chương trình thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hoá giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, UBND tỉnh Sơn La
yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, đoàn thể
tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ
tịch UBND các huyện, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn
a) Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo
dục, vận động bằng nhiều hình thức, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên
và các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); Nghị quyết Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ
XIII.
b) Tiếp tục nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các
cấp ủy Đảng; hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền; vai trò chỉ đạo, hướng
dẫn của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
các cấp; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các
tổ chức đoàn thể các cấp; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của các tầng lớp
nhân dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo cơ chế quản lý đồng bộ để phong
trào phát triển bền vững.
c) Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển phong trào
vào kế hoạch hoạt động của chính quyền địa phương hàng năm để thực hiện. Đẩy
mạnh công tác thi đua khen thưởng, tổ chức các Hội nghị biểu dương khen thưởng
các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hoá”. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ xây
dựng đời sống văn hóa cơ sở cho cán bộ cấp xã, phường, thị trấn và thành viên
Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ”. Tạo điều
kiện cho cán bộ được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về văn hóa - xã hội
do cấp trên tổ chức.
d) Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với phát triển văn hóa nông thôn;
xây dựng nông thôn mới và các phong trào của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức
xã hội; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; Tăng cường thực hiện có hiệu quả các
chính sách xã hội hóa văn hóa, nhằm động viên sức người, sức của trong các tầng
lớp nhân dân, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp, để nâng cao đời sống văn
hóa, tinh thần của nhân dân.
đ) Đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong
việc cưới, việc tang, lễ hội. Chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm về việc cưới
theo nếp sống mới. Tập trung chỉ đạo xóa bỏ hủ tục trong việc tang của một số
vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
2. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa” các cấp
a) Tiếp tục kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp. Duy trì hoạt động
hiệu quả theo quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo. Có sự phân công
trách nhiệm phụ trách, giúp đỡ cơ sở cho các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức
chính trị, xã hội, cơ quan đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo. Xây dựng kế hoạch,
chương trình, hướng dẫn triển khai phong trào phù hợp với điều kiện thực tế của
cơ sở, sát với sự chỉ đạo của cấp trên về chỉ tiêu phấn đấu của từng năm và
từng giai đoạn. Triển khai nhanh chóng, kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện
phong trào của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo tỉnh tới cơ sở.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc triển
khai tổ chức xây dựng phong trào đến tận cơ sở. Đặc biệt kiểm tra việc tổ chức
đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”, “Tổ
dân phố văn hóa”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa”
ở cơ sở, đảm bảo theo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, trình tự,
thủ tục. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân điển hình, tập thể tiên
tiến.
c) Xây dựng, nhân rộng các mô hình điểm như: Mô
hình Bản văn hóa các dân tộc, mô hình điểm sáng văn hóa trên tuyến biên giới,
mô hình xã điểm văn hóa nông thôn mới, mô hình điểm về xóa bỏ hủ tục trong việc
tang ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tổ chức rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng
kết đánh giá và nhân rộng các mô hình điểm. Duy trì các hoạt động liên hoan,
hội thi, hội diễn, hội nghị biểu dương... từ cơ sở đến cấp tỉnh. Tổ chức tốt
Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hàng năm để tuyên dương những điển
hình tiên tiến và đăng ký các danh hiệu văn hóa cho năm sau. Đồng thời tạo
không khí phấn khởi, thi đua trong nhân dân.
d) Thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh căn cứ chức
năng, nhiệm vụ và thẩm quyền, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và triển
khai thực hiện phong trào theo ngành dọc. Tăng cường công tác phối hợp trong
chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, giám sát phong trào trong toàn tỉnh. Coi đây là
công tác trọng tâm trong giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo.
3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Thực hiện nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh,
có trách nhiệm giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi kết quả
thực hiện phong trào trong toàn tỉnh, Tổng hợp báo cáo và tổ chức sơ, tổng kết
phong trào. Kịp thời tham mưu đề xuất với UBND tỉnh những biện pháp nhằm thúc
đẩy phong trào phát triển; Chủ trì thực hiện phong trào xây dựng Gia đình văn
hoá; Bản văn hoá; Tổ dân phố văn hoá, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể
theo gương Bác Hồ vĩ đại.
4. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh
Chịu trách nhiệm tuyên tuyền, vận động, huy động
các thành viên trong tổ chức MTTQ thực hiện các nội dung xây dựng đời sống văn
hóa. Chủ trì, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn
kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Chủ trì thực hiện Cuộc vận động
“Ngày vì người nghèo” và các phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, xây dựng “Quỹ vì
người nghèo”, “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” và các phong trào thi đua yêu nước khác ở
khu dân cư.
5. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
Chịu trách nhiệm định hướng các nội dung tuyên
truyền cho các phương tiện thông tin đại chúng. Chỉ đạo Đài Phát thanh Truyền
hình tỉnh, Báo Sơn La, các cơ quan thông tấn báo chí chủ động xây dựng các kế
hoạch tuyên truyền về phong trào; Chủ trì chỉ đạo triển khai thực hiện phong
trào “Người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến”.
6. Liên đoàn Lao động tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các thành viên Ban Chỉ
đạo, các ngành liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện phong trào xây
dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá và phong trào “Lao động
giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào học tập nâng cao trình độ trong công nhân,
viên chức lao động.
7. Hội Nông dân tỉnh
Phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo
tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các cấp hội thực hiện phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện chương trình
mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua “lao động,
sản xuất giỏi”, phong trào xây dựng “gia đình nông dân văn hóa”.
8. Hội Cựu chiến binh tỉnh
Phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo
tỉnh chỉ đạo các cấp hội triển khai phong trào gắn với thực hiện các nhiệm vụ
chính trị, kinh tế, xã hội của các cấp hội và các phong trào như “Cựu chiến
binh gương mẫu”. Chủ trì triển khai vận động thực hiện nếp sống mới trong việc
tang trên địa bàn tỉnh.
9. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh
Phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh
thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các cấp bộ đoàn thực hiện phong trào
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với các phong trào “ Tuổi trẻ
Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Chủ
trì triển khai vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trong đoàn
viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Sơn La.
10. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
Phối hợp với các ngành thành viên Ban Chỉ đạo
tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cán bộ các cấp hội tổ chức triển
khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với
các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng
gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
11. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chương trình phối hợp hành động “Đẩy
mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trên tuyến
biên giới 2011-2020”. Trong đó trọng tâm là xây dựng điểm sáng văn hoá vùng
biên giới.
12. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với các ngành, UBND các cấp
thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng chống tội phạm và tệ nạn
xã hội; Giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội. Phát huy hiệu quả phong trào
toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Chủ trì phong trào xây dựng Gia đình văn hóa,
đơn vị văn hóa trong lực lượng Công an tỉnh.
13. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
Chủ trì tổ chức thực hiện phong trào xây dựng
"Đơn vị có môi trường văn hóa tốt" trong các cơ quan đơn vị trực
thuộc; tích cực góp phần xây dựng phong trào quân dân đoàn kết xây dựng đời
sống văn hóa nơi đóng quân của đơn vị và nơi cư trú của quân nhân. Chủ trì
phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, đơn vị văn hóa trong lực lượng vũ trang
tỉnh.
14. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp thực hiện có hiệu quả cuộc vận
động “Vì người nghèo”, chăm lo gia đình chính sách, người cao tuổi, người già
neo đơn, đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn. Phối hợp với các ngành liên quan chỉ
đạo triển khai thực hiện phong trào phòng, chống tệ nạn xã hội.
15. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan chỉ
đạo, triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; xây dựng bản văn hoá
sức khoẻ trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và
xây dựng cơ quan văn hóa trong ngành y tế.
16. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng
đời sống văn hoá " trong các trường học, xây dựng gia đình nhà giáo văn
hóa, trường học văn hóa.
17. Sở Tài chính
Hướng dẫn, kiểm tra việc cấp, huy động, quản lý
và sử dụng các nguồn kinh phí cho Ban Chỉ đạo các cấp theo Thông tư liên tịch
số 31/2006/BTC-BVHTT ngày 07/4/2006 của Bộ tài chính và Bộ Văn hoá - Thông tin (Nay
là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
18. Ban Dân tộc tỉnh
Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các
tổ chức chính trị, xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nội dung
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và nếp sống văn minh -
mỹ quan đô thị phù hợp với chức năng nhiệm vụ của mình.
19. Sở Tài nguyên và Môi trường
Có chương trình hành động cụ thể thực hiện phong
trào trong hệ thống tổ chức bộ máy của ngành, đơn vị mình đến tận cơ sở theo
chức năng, nhiệm vụ của ngành và kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh.
20. Sở Nội vụ
Nắm chắc tình hình, kết quả phong trào, hướng
dẫn công tác thi đua - khen thưởng trong phong trào " Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hoá " tỉnh Sơn La.
21. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể, các tổ
chức chính trị, xã hội kết hợp triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới
với triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa” trên địa bàn toàn tỉnh.
22. Văn phòng UBND tỉnh
Thẩm định các văn bản chỉ đạo triển khai thực
hiện phong trào do Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh trình và tham mưu trình Trưởng
Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành văn bản, đảm bảo công tác chỉ đạo, triển khai phong
trào được kịp thời, nhanh chóng. Tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo
tỉnh, Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố cụ thể hóa Chương trình thực hiện phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2011 - 2015, định
hướng đến năm 2020 sát với yên cầu và thực tiễn ở địa phương.
UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành;
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hoá” các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này./.
Nơi nhận:
- TT BCĐ TW;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND và UBND tỉnh;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Các ngành thành viên BCĐ tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Tổ thư ký BCĐ tỉnh;
- Lưu:VT.VX.HA.80b.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Ngọc Toa
|