BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
4390/BC-BNN-CB
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010
|
BÁO CÁO
KẾT QUẢ HỘI THẢO QUỐC TẾ “MỖI LÀNG MỘT SẢN PHẨM” LẦN THỨ 7
(OVOP)
Kính
gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại công văn số
8266/VPCP-QHQT ngày 20/11/2009 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức hội thảo
quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo “Mỗi làng một
sản phẩm” lần thứ 7 (sau đây gọi tắt là Hội thảo) và xin báo cáo Thủ tướng
Chính phủ kết quả như sau:
I.
CÔNG TÁC CHUẨN BỊ TỔ CHỨC HỘI THẢO
Trên cơ sở ý kiến
đồng ý của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng về việc tổ chức
Hội thảo quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm” lần thứ 7” (OVOP) trong năm 2010 tại
văn bản số 8266/VPCP-QHQT ngày 20/11/2009 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn thành lập Ban Tổ chức, các Tiểu ban giúp việc tổ chức Hội
thảo (Quyết định số 730/QĐ-BNN-CB ngày 25/3/2010; số 2124/QĐ-BNN-CB ngày
06/8/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Để triển khai
công tác chuẩn bị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với
các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế có liên quan, nhất là Cơ quan hợp
tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội xúc tiến trao đổi mỗi làng một sản phẩm
Oita (Nhật Bản) và phối hợp với các tổ chức, cá nhân mời viết tham luận chia sẻ
kinh nghiệm phát triển “Mỗi làng một sản phẩm”, tham gia trưng bày, giới thiệu
sản phẩm tại Hội thảo; đồng thời, xây dựng trang web phục vụ cho hội thảo tại địa
chỉ http://www.ovop.vn.
II.
TỔ CHỨC HỘI THẢO
1. Chương
trình Hội thảo (Xin gửi kèm theo)
- Hội thảo diễn
ra trong ngày 14 và 15 tháng 12 năm 2010 với sự tham gia của hơn 450 đại biểu từ
49 đoàn trong và ngoài nước. Tham gia Hội thảo có 16 nước với 217 đại biểu quốc
tế; cơ quan thông tấn, báo chí truyền hình trong và ngoài nước; tình nguyện
viên Nhật Bản tại Việt Nam. Hội thảo cũng đã nhận được 16 tham luận của các nước
châu Á, châu Phi; 17 tham luận của các tổ chức và cá nhân trong nước. Theo
chương trình Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức
Phát đã phát biểu khai mạc; tiếp theo là trình bày của Ngài Morihiko Hiramatsu
– Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến trao đổi phát triển mỗi làng một sản phẩm Nhật Bản;
phát biểu của Ngài Motorinori Tsuno, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật
Bản (JICA) tại Hà Nội; trưng bày sản phẩm OVOP và sản phẩm thủ công của Việt
Nam và các nước. Trong chương trình Hội thảo, đã có nhiều tham luận, ý kiến
trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, ngành nghề
nông thôn, làng nghề của các đoàn đại biểu đến từ các nước Nhật Bản, Trung Quốc,
Thái Lan, Malayxia, Kenya, Malawi, Uganda…, Trong đó đáng chú ý là trao đổi,
chia sẻ kinh nghiệm của các học giả, giáo sư đến từ các Trường đại học lớn như
Đại học Ritsumeikan Asia Pacific (Nhật Bản), Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học
Thammasat (Thái Lan); những người có trách nhiệm trong việc phát triển mỗi làng
một sản phẩm (OVOP) của Chính phủ các nước như: Ngài John K. Munguti, trợ lý Bộ
trưởng Bộ Nông nghiệp, phụ trách Chương trình Mỗi làng một sản phẩm tại Kenya;
bà Kamia Kaluma-Sulumba, Điều phối viên Ban thư ký quốc gia chương trình mỗi
làng một sản phẩm (OVOP), Bộ Công nghiệp và Thương mại Malawi; Ngài Joshua
Mutambi, Điều phối viên quốc gia Ban Thư ký OVOP tại Uganda…
Hội thảo cũng đã
trao 05 giải Hiramatsu cho 05 đại biểu có nhiều đóng góp cho sự phát triển của
OVOP đến 05 quốc gia khác nhau, trong đó có 01 đại biểu của Việt Nam.
Tối 14/12/2010,
Ban tổ chức Hội thảo đã có tiệc chiêu đãi chào mừng các đoàn tham dự Hội thảo. Theo
chương trình, các đại biểu có dịp tìm hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt
Nam qua những làn điệu dân ca, các món ăn dân tộc mang đậm truyền thống văn hóa
dân tộc của Việt Nam và được sự hưởng ứng, đánh giá cao từ các đại biểu tham dự.
Ngày 15/12/2010
tham quan tại 02 làng nghề truyền thống của Việt Nam là Làng nghề gốm sứ Bát
Tràng và làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội). Các đại biểu đã được tham
quan, tìm hiểu quá trình phát triển làng nghề, tham quan các gian trưng bày sản
phẩm truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế, tiêu thụ các sản phẩm thủ
công truyền thống, các mô hình sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống của làng
nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng (Gia lâm, Hà Nội) và làng nghề truyền thống
mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội).
2. Một số nội
dung chính của Hội thảo
Trong bài phát
biểu của Ngài Morihiko Hiramatsu, Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến trao đổi mỗi làng
một sản phẩm Oita (Nhật Bản) đã nhấn mạnh đến 3 nguyên tắc của Phong trào OVOP,
đó là (i) hành động tại địa phương nhưng dựa trên suy nghĩ toàn cầu, (ii) độc lập,
sáng tạo, và (iii) đào tạo nguồn nhân lực. Thành công của OVOP tại Oita (Nhật Bản)
sau đó lan rộng trên toàn thế giới. Phong trào được sự hưởng ứng của nhiều quốc
gia, vùng lãnh thổ, phát huy được tính tự chủ của địa phương, làm cho mọi người
hiểu và hành động trong thực tế để các sản phẩm của địa phương nhưng được tiêu
thụ trên toàn cầu, gắn với văn hóa địa phương; chú trọng đào tạo nhân lực tại địa
phương để phát triển sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng xuất khẩu đến
các nước khác. Ngài Morihiko Hiramatsu cũng cho rằng các nguyên tắc của OVOP
hoàn toàn phù hợp trong việc xây dựng nông thôn mới theo Chương trình mục tiêu
quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là tạo việc
làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho lao động và người dân ở nông thôn.
- Ông Motorinori
Tsuno, Trưởng đại diện JICA tại Hà Nội đã phát biểu đánh giá OVOP là chìa khóa
các nước đang phát triển phát triển khu vực nông thôn và JICA đang có những cố
gắng, nỗ lực để triển khai các dự án, phát triển ý tưởng OVOP tại Việt Nam cũng
như các nước khác.
- Các học giả đến
từ Trường đại học RitsumeikanAsia Pacific (Nhật Bản) đã phân tích sâu sắc về
OVOP nguyên bản do Ngài Hiramatsu đề xướng từ những năm 70 của thế kỷ trước và
sự thích ứng của Phong trào này trong điều kiện hiện tại ở các quốc gia và vùng
lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Đặc biệt là những phân tích về cách tiếp cận,
vai trò của cư dân địa phương, của doanh nhân, của nhà nước… trong phát triển
OVOP.
- Học giả đến từ
Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Thammasat (Thái Lan) chú trọng đến những khía cạnh
văn hóa trong chuyển giao công nghệ để thực hiện thành công chương trình OTO của
Thái Lan. Những nét khác biệt về văn hóa trong mỗi quốc gia, khu vực, vùng, miền
tạo ra nét độc đáo và khả năng phát triển của các sản phẩm OVOP nhưng cũng là
những thách thức cần vượt qua để đi đến thành công trong quá trình thực hiện
OVOP ở khu vực này.
- Các quốc gia
Châu Phi trong quá trình tìm kiếm phương án thực hiện OVOP tại đất nước mình đều
chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong cách tiếp cận, cách tạo ra những nguồn
lực để thực hiện OVOP, đặc biệt là các kinh nghiệm trong đào tạo nguồn nhân lực
và tiêu thụ sản phẩm OVOP.
- Qua tham quan
các gian hàng trưng bày tại hội thảo, cũng như qua tìm hiểu tại các làng nghề
truyền thống Bát Tràng và Phú Vinh, các đại biểu có cơ hội tìm hiểu những nét
văn hóa đặc trưng của Việt Nam và các nước thông qua các sản phẩm truyền thống,
bề dày lịch sử của một số nghề truyền thống của Việt Nam, cũng như các mô hình
sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam hiện nay. Nhiều đại biểu
đã tỏ ra rất khâm phục nét đẹp của các sản phẩm thủ công Việt Nam và thu nhập của
những người làm nghề thông qua trao đổi trực tiếp với người sản xuất.
III.
MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM VỀ PHÁT TRIỂN OVOP
1. Phát triển
OVOP cần hiểu và thực hiện đúng 3 nguyên tắc của Phong trào (i) địa phương hướng
tới toàn cầu, (ii) độc lập và sáng tạo và (iii) phát triển nguồn nhân lực.
2. Nâng cao được
tính tự tin, tự chủ của cộng đồng cư dân địa phương trong việc tìm ra và xây dựng
các phương án phát triển dựa trên những nét đẹp, thế mạnh của địa phương mình.
Sự đồng thuận trong cư dân địa phương và giữa cư dân địa phương với các cấp,
ngành, các tổ chức tài trợ có ý nghĩa cực kỳ to lớn trong triển khai OVOP ở mọi
quốc gia, khu vực và địa phương.
3. Có sự hỗ trợ
của Nhà nước và các nguồn lực từ bên ngoài. Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ của
mọi hoạt động” nên không chỉ hỗ trợ các địa phương và cộng đồng cư dân về chính
sách mà còn cần hỗ trợ họ cả về những nguồn lực tài chính, vật chất như là những
“chất mồi”, “cú hích” đầu tiên cho các dự án địa phương phát triển. Các tổ chức
quốc tế cũng có vai trò to lớn trong phát triển OVOP ở địa phương thông qua các
chương trình đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao những bài học kinh nghiệm của
những mô hình OVOP đã thành công, giúp cho người dân hiểu và làm theo.
4. Vai trò của
các doanh nghiệp trong quá trình phát triển OVOP là rất to lớn không chỉ đối với
các khu vực có mức phát triển khá mà còn ở cả những quốc gia nghèo ở châu Phi.
Chính các doanh nghiệp sẽ giúp người dân tìm hiểu thị trường, đổi mới mẫu mã sản
phẩm và tổ chức cho họ tiêu thụ sản phẩm làm ra. Kinh nghiệm phát triển cụm
doanh nghiệp vừa và nhỏ trong phát triển OVOP ở Uganda cũng đã cho thấy điều
đó.
IV.
KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Hội thảo quốc tế
“Mỗi làng một sản phẩm” lần thứ 7 đã được tổ chức thành công với sự tham gia của
nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Kết thúc Hội thảo, nhiều thỏa thuận hợp tác, phối
hợp trong việc phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn và mỗi làng một sản
phẩm. Một số Bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đã có chỉ đạo xây dựng chính
sách phù hợp để khuyến khích phát triển các lĩnh vực có liên quan đến phát triển
mỗi làng một sản phẩm cũng như triển khai thực hiện các chương trình phát triển
ngành nghề nông thôn, công nghiệp nông thôn theo hướng bảo tồn và phát triển
làng nghề, phát triển mỗi làng một sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế,
truyền thống văn hóa của mỗi địa phương, phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc
gia về xây dựng nông thôn mới, thiết thực triển khai có hiệu quả Nghị quyết TƯ
26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua Hội thảo, không chỉ cán bộ quản
lý, các nhà nghiên cứu các cấp, các ngành có liên quan ở Việt Nam có cơ hội
chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm thủ công của bạn bè quốc tế mà còn giúp
bạn bè quốc tế biết thêm về sản phẩm làng nghề, nghề thủ công truyền thống của
nước ta, góp phần tăng cường hợp tác và quảng bá, giới thiệu, hàng thủ công Việt
Nam đến các nước trên thế giới. Để triển khai thực hiện chủ trương phát triển
ngành nghề nông thôn, làng nghề trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xin kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ:
1. Chỉ đạo các Bộ,
ngành có liên quan tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi giữa các nước, vùng
lãnh thổ về phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề theo hướng mỗi làng một
sản phẩm, phát huy tiềm năng của từng địa phương để tạo việc làm, tăng thu nhập,
nâng cao mức sống nhân dân ở nông thôn và mở rộng thị trường.
2. Giao Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện
Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề
nông thôn trong năm 2011.
3. Các Bộ, ngành
theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo thực hiện phát triển ngành nghề nông
thôn, làng nghề, công nghiệp nông thôn theo hướng bảo tồn và phát triển làng
nghề với phương châm mỗi làng một sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của
từng địa phương, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội và xây dựng
nông thôn mới.
4. Tiếp tục hoàn
chỉnh, bổ sung, xây dựng chính sách phát triển các lĩnh vực có liên quan (đất
đai, đào tạo nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, tín dụng…)
để thúc đẩy phát triển mỗi làng một sản phẩm. Bố trí kinh phí từ kế hoạch hàng
năm của các Chương trình, Dự án: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, việc làm,
đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, nước sạch và vệ sinh… để triển khai thực hiện
các dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề từ nguồn kinh phí của các
Bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội thảo quốc tế
“Mỗi làng một sản phẩm” lần thứ 7 và một số kiến nghị, đề xuất để đẩy mạnh phát
triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trong thời gian tới.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng (để báo cáo);
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để báo cáo);
- Các Bộ, ngành có liên quan (để p/h);
- Các đồng chí thành viên Ban tổ chức;
- Các Vụ: HTQT, TC, KH;
- Lưu: VT, CB.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hồ Xuân Hùng
|