Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 35/BC-UBND Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Vũ Hồng Khanh
Ngày ban hành: 15/03/2010 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 35/BC-UBND

Hà Nội, ngày 15 tháng 03 năm 2010

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT 9 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội được Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa X thông qua ngày 28/12/2000. Ngày 11/01/2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký lệnh số 01/2000/L/CTN về việc công bố Pháp lệnh; Pháp lệnh có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/02/2001.

Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội là văn bản pháp lý quan trọng nhằm xây dựng, phát triển Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.

Phần thứ nhất.

KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

I . VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

1. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh

Ngay sau khi Pháp lệnh có hiệu lực (ngày 03/2/2001) dưới sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội và ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã tích cực phối hợp, tham gia với các cơ quan hữu quan trình Chính phủ ban hành các văn bản như: Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội và Nghị định số 92/2005/NĐ-CP ngày 12/7/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội.

Những quy định mang tính nguyên tắc về sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô Hà Nội của Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh đã được Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XIV đưa vào trong Nghị quyết và trong các Chương trình công tác cụ thể của BCH Đảng bộ Thành phố, đồng thời, cũng đã được UBND Thành phố triển khai thực hiện bằng việc ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành, do đó, đã góp phần không nhỏ thúc đẩy cho sự phát triển Thủ đô Hà Nội.

2. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến thực hiện Pháp lệnh

Sau khi Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội được ban hành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phân công và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và của Thủ đô về một số nội dung chủ yếu trong Pháp lệnh. Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp biên soạn Đề cương tuyên truyền Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, tổ chức tập huấn cho các báo cáo viên; đồng thời, tổ chức hàng loạt các hội nghị từ cấp thành phố đến cơ sở để giới thiệu về những nội dung chủ yếu của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đến mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của Thủ đô mở các đợt tuyên truyền, mở chuyên mục để giới thiệu về nội dung cơ bản của Pháp lệnh.

II. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC SAU 9 NĂM THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội được ban hành đã xác định rõ vị thế, chức năng của Thủ đô, mục tiêu phát triển, các chủ trương, cơ chế, chính sách lớn, phân cấp quản lý nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội từ năm 2001 đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội luôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, sự giúp đỡ của Trung ương, sự phối hợp có hiệu quả của các tỉnh, thành trong cả nước; Thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, cụ thể là:

1. Về phát triển kinh tế

Thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 3 Pháp lệnh “phát triển kinh tế Thủ đô với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững, cơ cấu hợp lý; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế”, kinh tế Thủ đô liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao theo hướng ổn định và bền vững (Phụ lục số 1, 2 & 3); cơ cấu kinh tế Thủ đô từng bước chuyển dịch theo hướng CNH-HĐH, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao theo tinh thần của khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Thủ đô (Phụ lục số 4); sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở tất cả các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương, Hà Nội đã trở thành một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (Phụ lục số 5); Thành phố đã thực hiện đúng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 của Pháp lệnh: “phát triển đa dạng và nâng cao trình độ, chất lượng các ngành dịch vụ, tập trung đầu tư phát triển dịch vụ thông tin, du lịch, thương mại, tài chính, ngân hàng, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, bảo hiểm, hàng không, bưu chính, viễn thông”.

Nông nghiệp và kinh tế ngoại thành của Thủ đô bước đầu được quy hoạch, phát triển theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh: “theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái”, “ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, các làng nghề truyền thống, làng nông nghiệp du lịch sinh thái; đầu tư phát triển công nghệ mới”, “chú trọng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch”.

2. Về phát triển văn hóa - xã hội

Thực hiện khoản 1, Điều 8 Pháp lệnh: “Phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục và đào tạo ở Thủ đô với cơ sở vật chất hiện đại để Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực và có dân trí cao”, Thành phố đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục đào tạo với cơ sở vật chất từng bước hiện đại để Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước;

Triển khai thực hiện quy định tại Điều 9 của Pháp lệnh về phát triển khoa học và công nghệ, Thành phố đã quan tâm đầu tư và đã có những bước phát triển mới về sự nghiệp khoa học công nghệ. Chủ trương phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực như “công nghệ thông tin - điện tử, sinh học, cơ khí - tự động hóa, công nghệ sản xuất và sử dụng vật liệu mới” đã được Thành phố triển khai.

Thực hiện mục tiêu của Pháp lệnh về xây dựng Hà Nội thành “trung tâm văn hóa lớn của cả nước”, “bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “tạo lập môi trường văn hóa - xã hội văn minh, lành mạnh”, sự nghiệp văn hóa - xã hội Thủ đô tiếp tục được củng cố, phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao lưu văn hóa tiếp tục được mở rộng.

Thực hiện khoản 2 Điều 10 của Pháp lệnh về phát triển hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Hà Nội bước đầu đã đạt được một số kết quả cụ thể là: mạng lưới y tế của thành phố đó được củng cố, cơ sở vật chất được tăng cường, các hình thức dịch vụ y tế trong khám chữa bệnh, phòng bệnh và cung ứng thuốc được đa dạng hóa… từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng bệnh và các dịch vụ y tế khác trên phạm vi toàn thành phố. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước được thực hiện tốt, không để xảy ra các vụ ngộ độc lớn trên địa bàn.

Thực hiện điểm c khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh về phát triển thể dục thể thao. Hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn được Thành phố quan tâm đầu tư, vì vậy liên tục phát triển cả về quy mô và chất lượng.

3. Về quản lý, xây dựng và phát triển đô thị

Thực hiện quy định tại Chương III của Pháp lệnh về quản lý và xây dựng, phát triển đô thị, Chính quyền thành phố đã tăng cường chỉ đạo triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực; công tác quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan đô thị, quản lý xây dựng đô thị (Điều 11) và đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều khu đô thị mới với quy mô lớn, nhiều công trình lớn, quan trọng của quốc gia trên địa bàn thành phố, nhiều tuyến đường lớn, quan trọng đã được xây dựng và hoàn thành. Tổ chức rà soát quy hoạch và các dự án để xác định những dự án phù hợp với quy hoạch phát triển của Thủ đô mở rộng.

Công ty quản lý nhà nước về tài nguyên, đất đai, môi trường được tăng cường (Điều 12); công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị được chú trọng (Điều 14):

4. Về An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 24 Pháp lệnh, Thành phố đã thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội “bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn gắn với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hoạt động của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội.

5. Về quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế

Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Pháp lệnh, Thành phố đã tiếp tục tăng cường “mở rộng hoạt động đối ngoại, xây dựng các chương trình, kế hoạch chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới”. Các hoạt động đối ngoại được triển khai theo hướng hiệu quả hơn. Tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm và cả nước. Đến nay, Hà Nội đã có quan hệ hữu nghị với trên 70 Thủ đô và thành phố của 60 nước và vùng lãnh thổ.

Phần thứ hai.

NHỮNG HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ NGUYÊN NHÂN TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ

I. NHỮNG HẠN CHẾ TRONG VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LỆNH ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THỦ ĐÔ

Trong quá trình xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội đã được nhiều thành tựu quan trọng đáng ghi nhận, tuy nhiên, so với yêu cầu của Pháp lệnh và sự mong đợi của Trung ương, nhân dân cả nước thì Hà Nội phát triển chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh vốn có của Thủ đô; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế hạn chế; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng dần qua các năm nhưng chưa bảo đảm chất lượng, chưa phát triển theo hướng bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu nội ngành còn chậm; các ngành, lĩnh vực trình độ cao, chất lượng cao chưa thực sự phát huy hiệu quả. Khả năng và mức độ CNH-HĐH trong nông nghiệp và nông thôn còn thấp. Tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế của Thủ đô chưa thật sự là động lực thúc đẩy sự nghiệp xây dựng phát triển, thiếu tích cực và chủ động theo yêu cầu. So với các thủ đô và thành phố lớn trong khu vực Đông Nam Á, quy mô, trình độ phát triển và khả năng cạnh tranh của các ngành kinh tế của Hà Nội còn thấp. Mặc dù, kinh tế phát triển nhanh, đời sống vật chất của người dân Hà Nội ngày càng được nâng lên, tình hình an ninh chính trị luôn được đảm bảo, song Hà Nội đang có sự tụt hậu lớn về chất lượng cuộc sống so với Thủ đô và các Thành phố lớn trong khu vực.

Phát triển văn hóa - xã hội chưa tương xứng với quá trình phát triển kinh tế, vị thế của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Còn nhiều vấn đề bất cập về quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa được giải quyết hiệu quả, nhiều vấn đề an sinh xã hội chưa được giải quyết tốt.

Công tác quy hoạch đô thị, xây dựng cơ chế chính sách còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của Thành phố. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý đô thị còn nhiều yếu kém, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, giao thông đô thị, dân cư, môi trường.

Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị cơ sở ở một số xã, phường, đơn vị chưa thực sự phát huy được hiệu lực, hiệu quả. Cải cách hành chính còn chậm, công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở một số lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt.

Nhiều khó khăn thách thức đặt ra khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đòi hỏi phải được giải quyết: đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách phát triển trên toàn Thành phố; đầu tư phát triển khu vực nông thôn ngoại thành; nâng cao trình độ năng lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; công tác quy hoạch phát triển một cách hiệu quả bền vững các lĩnh vực, các khu vực trên địa bàn Thành phố.

II. NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH

1. Về phát triển kinh tế

Điều 7 Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội quy định: “Chiến lược phát triển kinh tế Thủ đô được hoạch định dài hạn và cho từng giai đoạn, bảo đảm nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững; phát huy thế mạnh của Thủ đô làm động lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước”, tuy nhiên, Pháp lệnh chưa có quy định cụ thể về việc lập, thẩm định và phê duyệt và quản lý chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Do vậy, công tác quy hoạch, kế hoạch hóa để triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô gặp nhiều khó khăn.

Các ngành kinh tế của Thủ đô được xác định phải phát triển phù hợp với các quy hoạch ngành của cả nước. Tuy nhiên, nhiều quy hoạch ngành được xây dựng và phê duyệt chậm hoặc thậm chí không có quy hoạch được phê duyệt, thẩm quyền phê duyệt các loại quy hoạch theo quy định của các luật chuyên ngành lại không đồng nhất. Thực trạng này làm cho việc triển khai lập, thẩm định các quy hoạch phát triển ngành của Thủ đô bị chậm trễ, nhiều quy hoạch ngành quan trọng vẫn chưa được phê duyệt, làm ảnh hưởng đến việc đầu tư và phát triển chung trên địa bàn Thủ đô.

Quy hoạch phát triển nông nghiệp, thủy lợi, đê điều vẫn chưa được phê duyệt, vì vậy, việc đầu tư dài hạn cho sản xuất nông nghiệp mang tính chiến lược là khó khăn, chắp vá, không hiệu quả.

Ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế ngoại thành của Thủ đô cần phải có cơ chế ưu đãi đặc biệt, tuy nhiên, Hà Nội chưa được chấp thuận chính sách ưu đãi và cơ chế khuyến khích đầu tư nào vượt khung chung của Nhà nước.

Điểm b, khoản 2, Điều 6, Nghị định 92/2005/NĐ-CP quy định HĐND, UBND thành phố có quyền: “Bố trí lại mạng lưới công nghiệp của Thủ đô một cách hợp lý, khai thác quỹ đất có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch ngành”. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế có rất nhiều vướng mắc. Cụ thể, theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ, phương án giải quyết phần kinh phí thu được từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp, khu công nghiệp phải di dời theo quy hoạch vẫn đang có sự khác biệt giữa các thành phần kinh tế làm cho việc di dời này khó thực hiện trong thực tiễn.

Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện do đất đai không ổn định, hàng năm nhiều diện tích đất nông nghiệp giảm đi để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Việc tích tụ ruộng đất để tập trung sản xuất nông sản hàng hóa theo hướng nông sản, thực phẩm sạch chưa thực hiện được nhiều, chưa tạo được vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Sản xuất nông nghiệp chưa được chuyên nghiệp hóa, manh mún, giá trị sản phẩm trong nông nghiệp cũng thấp, lệ thuộc chủ yếu vào mùa, vụ, thiên nhiên, hiệu quả thấp. Hệ thống quản lý chuyên ngành về nông nghiệp ở các cấp chưa thống nhất, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo và quản lý ngành từ thành phố tới cơ sở.

2. Về quản lý đầu tư, quản lý tài chính

a) Về tỷ lệ phân bổ ngân sách

Điều 17 Pháp lệnh Thủ đô quy định: bố trí nâng dần tỷ lệ phân bổ ngân sách trong từng giai đoạn ổn định. Tuy nhiên, điểm g, khoản 2, Điều 4 Luật Ngân sách quy định: “Trong thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu hàng năm mà ngân sách địa phương được hưởng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp trên hoặc tỷ lệ phần trăm (%) điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên”.

Như vậy là có sự không thống nhất giữa Luật Ngân sách Nhà nước với Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội, và về nguyên tắc là phải áp dụng quy định của văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; điều này đã gây khó khăn cho đầu tư, xây dựng phát triển, đặc biệt là khi Thủ đô đã được mở rộng địa giới hành chính.

b) Về mức huy động vốn của ngân sách cấp tỉnh

Luật Ngân sách Nhà nước quy định mức dư nợ từ huy động vốn không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh (riêng thành phố Hà Nội được quy định mức 100%). Việc quy định như vậy đã hạn chế tốc độ và quy mô đầu tư các công trình dự án của các thành phố lớn đặc biệt thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhu cầu đầu tư lớn, tập trung vốn cho nhiều công trình trọng điểm.

c) Về định mức ngân sách

Định mức phân bổ ngân sách Trung ương ban hành chưa tính tới yếu tố đặc thù đô thị; hiện nay chi ngân sách cho Thành phố hàng năm trong lĩnh vực duy trì vận hành giao thông (xe bus, xe điện ngầm và trên cao), điện chiếu sáng, xây dựng khu hành chính mới, công tác vệ sinh môi trường của Thành phố, nguồn ngân sách để đảm bảo những nhiệm vụ chi đặc thù là rất lớn. Vì vậy, Hà Nội đề nghị xác lập tỷ lệ điều tiết tối thiểu là 50% cho ngân sách Thành phố (bao gồm cả khoản thuế Thu nhập doanh nghiệp đơn vị hạch toán toàn ngành).

d) Về lĩnh vực đầu tư

Điều 18 của Pháp lệnh Thủ đô quy định: “Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các chương trình, dự án, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô trên cơ sở các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng.” Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện  các dự án ODA và NGO đều phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ. Tại khoản 2, Điều 4 của Nghị định 123/2004/NĐ-CP quy định đối với dự án, công trình do Bộ, cơ quan Trung ương là chủ dự án, công trình, việc bố trí vốn do ngân sách Trung ương bảo đảm, nhưng trong thực tế có một số dự án như xây dựng Cầu Nhật Tân do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư thì ngân sách thành phố vẫn phải bố trí vốn cho công tác GPMB và tái định cư.

Công tác quản lý đầu tư (cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài) trên địa bàn Hà Nội đều dựa vào các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư áp dụng chung trên toàn quốc (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành). Một số cơ chế đặc thù (về trình tự, thủ tục thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu, huy động nguồn vốn…) đối với một số công trình trọng điểm đã được triển khai đều phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ (như văn bản chấp thuận để Hà Nội triển khai một số dự án theo hình thức BT, chấp thuận để Hà Nội được phép chỉ định thầu đối với một số gói thầu của một số công trình thuộc danh mục công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long).

3. Về quản lý và xây dựng, phát triển đô thị của Thủ đô

- Điều 11 Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội quy định về trách nhiệm của UBND Thành phố trong việc lập quy hoạch chi tiết các quận, huyện, các khu dân cư và các khu vực phát triển mới; chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn, quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, công tác quy hoạch trên địa bàn Thành phố triển khai thiếu đồng bộ. Nguyên nhân của hạn chế trên là do nhiều luật quy định giao cho các ngành, lĩnh vực lập quy hoạch mang tính chất chuyên ngành (như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch đất quốc phòng, an ninh, quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch giao thông thủy lợi, điện, cấp thoát nước, sử dụng chất thải rắn, mạng lưới thương mại, dịch vụ, KCN trường học, cây xanh, vật liệu xây dựng, mạng lưới xăng dầu…). Việc lập nhiều loại quy hoạch chuyên ngành ở các cấp độ khác nhau gây trùng lặp, chồng chéo, lãng phí và không đồng nhất về nội dung và tính pháp lý. Quy hoạch chung về phát triển Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt năm 1998, hiện nay, nhiều nội dung đã lạc hậu và đang được điều chỉnh; nhiều quy hoạch ngành và lĩnh vực của cả nước chưa được xây dựng, hoặc xây dựng thiếu đồng bộ. Do vậy, các quy hoạch của Hà Nội còn thiếu những cơ sở pháp lý cần thiết.

- Điều 14 Pháp lệnh quy định: “Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị của Thủ đô được nhà nước xếp vào loại đặc biệt quan trọng và tập trung đầu tư xây dựng đi trước một bước so với yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô”. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện xây dựng, phát triển hạ tầng đô thị của Hà Nội còn gặp rất nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do công tác quy hoạch chậm, khó khăn về quản lý đất đai, quản lý xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng…

+ Lĩnh vực giao thông vận tải, thực tế, hiện nay Hà Nội đang đứng trước thực trạng mạng lưới giao thông đô thị chưa đồng bộ, đất sử dụng vào mục đích giao thông chiếm tỷ lệ thấp gây tình trạng ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, độ cao nền thoát nước mặt và hệ thống thoát nước chưa đồng bộ gây tình trạng úng lụt cục bộ, mạng lưới cung cấp năng lượng, thông tin liên lạc chằng chịt làm mất an toàn, mỹ quan đô thị; diện tích trồng cây xanh chiếm tỷ lệ thấp; tại các tuyến hè phố chủ yếu sử dụng vào mục đích đi lại, chưa có quy định về hành lang trồng cây xanh, loại cây xanh làm mất cảnh quan đô thị; kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải của Thủ đô còn thiếu về số lượng và phân bổ chưa hợp lý, mật độ đường giao thông có sự chênh lệch khá lớn giữa nội thành và ngoại thành, giữa khu vực Hà Nội cũ và vùng Hà Nội mở rộng. Hiện tại chưa hoàn chỉnh được tuyến đường vành đai theo quy hoạch, các nút giao thông lập thể quá ít, hiện có 37 nút giao thông thường xuyên bị ùn tắc. Về cơ bản, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội. Loại hình vận tải công cộng bằng xe buýt (hiện đáp ứng khoảng 14% nhu cầu đi lại) có dấu hiệu bão hòa và kém hiệu quả do tình trạng ùn tắc giao thông. Tình trạng vi phạm luật giao thông trở nên đáng báo động. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải chưa điều chỉnh phù hợp với điều kiện mở rộng địa giới hành chính. Song Pháp lệnh Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định để giải quyết tình trạng này cũng như chưa có chế tài đủ mạnh để đảm bảo răn đe, giáo dục nhằm giảm bớt tình trạng vi phạm Luật giao thông.

+ Lĩnh vực môi trường, Pháp lệnh Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định: Các Bộ, ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và thực hiện việc di chuyển các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp và bệnh viện gây ô nhiễm môi trường do Bộ, ngành quản lý ra khỏi khu vực nội đô vào trước năm 2010. Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn trên 400 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc 17 nhóm ngành nghề gây ô nhiễm môi trường cần phải di chuyển ra khỏi khu vực nội thành. Từ năm 2003 đến nay mới di dời được 20 cơ sở do Luật Đất đai quy định có sự bất cập trong việc hỗ trợ tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất khi di dời. Vì thế, quy định này không thực hiện trên thực tế.

Công tác quản lý và bảo vệ môi trường của Thủ đô chưa đáp ứng được theo đúng yêu cầu của Pháp lệnh và các văn bản pháp luật có liên quan. Nguyên nhân chủ yếu là tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh trong khi đó công tác quản lý về xây dựng và môi trường chưa theo kịp; Pháp lệnh Thủ đô cũng chưa có các quy định chặt chẽ riêng biệt về tiêu chuẩn môi trường, mức xử phạt về môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô để đảm bảo mục tiêu thành phố xanh, sạch, đẹp, bộ mặt đô thị của cả nước.

4. Về văn hóa - xã hội

a) Xây dựng môi trường văn hóa

Tại khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Thủ đô quy định: “Phát triển văn hóa - xã hội của Thủ đô nhằm tạo lập môi trường văn hóa - xã hội văn minh, lành mạnh”. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy còn có nhiều tồn tại, hạn chế trong việc giải quyết những vấn đề tệ nạn xã hội như ma túy (trên địa bàn Hà Nội hiện nay có trên 24.000 người nghiện), mại dâm, cờ bạc... Có nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân quan trọng là Hà Nội chưa đủ thẩm quyền để ban hành cơ chế chính sách đặc thù và chế tài đủ mạnh để quản lý.

b) Việc sử dụng, khai thác các công trình văn hóa quốc gia

Pháp lệnh Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định việc sử dụng, khai thác các công trình văn hóa quốc gia có trên địa bàn phục vụ cho các hoạt động chính trị, xã hội của Thủ đô. Hà Nội là trung tâm văn hóa đón tiếp nhiều các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam làm việc, du lịch… nhưng do chưa có văn bản nào quy định về việc phối hợp sử dụng, khai thác công trình văn hóa quốc gia trên địa bàn thành phố, nên gây nhiều khó khăn cho thành phố trong việc tổ chức kỷ niệm các sự kiện chính trị lớn, trọng đại, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa Thủ đô với các đoàn khách quốc tế.

c) Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Điểm b khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh quy định: “Phát triển hệ thống y tế, khám chữa bệnh đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân; đẩy mạnh công tác y học dự phòng chăm sóc sức khỏe cộng đồng; cải tạo, nâng cấp các trung tâm y tế; xây dựng một số bệnh viện đa khoa và chuyên khoa hiện đại, chất lượng cao”. Tuy nhiên, những nội dung trên mới chỉ mang tính định hướng về chính sách phát triển y tế, còn thiếu những chế định cụ thể nên hiệu quả thực hiện chưa cao. Một số nội dung quan trọng chưa được quy định trong Pháp lệnh như: chủ trương tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; kế hoạch giãn dần các cơ sở y tế của Trung ương đóng ở nội đô hoặc xây dựng các cơ sở 2 xa trung tâm; cơ chế phối hợp giữa Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương có liên quan trong công tác quy hoạch và xây dựng các bệnh viện lớn có chất lượng cao ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, ở một số vùng kinh tế trọng điểm nhằm giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện ở nội thành; các biện pháp thắt chặt quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, Hà Nội vẫn tồn tại thực trạng quá tải trầm trọng bệnh nhân khám chữa bệnh ở các bệnh viện của Trung ương. Cơ sở hạ tầng của một số đơn vị y tế Thành phố xuống cấp nghiêm trọng; nhiều trang thiết bị y tế đang sử dụng đã lạc hậu hoặc chỉ đáp ứng được ở mức tối thiểu nhu cầu điều trị thông thường của nhân dân. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ.

d) Du lịch

Điểm a, khoản 2, Điều 7 Pháp lệnh Thủ đô quy định: “Phát triển đa dạng và nâng cao trình độ, chất lượng các ngành ... du lịch”. Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch của Hà Nội còn tồn tại nhiều vấn đề, các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí còn nghèo nàn, thiếu những khu vui chơi hiện đại mang tầm cỡ quốc tế; cơ sở hạ tầng du lịch Thủ đô chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội; các loại hình du lịch trình độ cao, chất lượng cao chưa được phát triển đúng mức. Ngành du lịch chưa thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng đóng góp cho nền kinh tế Thủ đô.

đ) Giáo dục - đào tạo

Khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Thủ đô quy định: “phát triển đồng bộ hệ thống Giáo dục và Đào tạo ở Thủ đô với cơ sở vật chất hiện đại để Thủ đô trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo có uy tín ở khu vực và có dân trí cao”.

Qua 9 năm thực hiện, Pháp lệnh Thủ đô đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Đến nay, Hà Nội chưa có cơ chế chính sách đảm bảo cho các cơ sở giáo dục đào tạo theo mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Việc đa dạng hóa các loại hình đào tạo đã thực hiện nhưng chất lượng còn thấp.

Việc chuyển các trường đại học, cao đẳng ra ngoài khu vực nội đô chưa thực hiện được.

Việc liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân ngoài nước để mở rộng các cơ sở và loại hình giáo dục, đào tạo theo quy định của Nghị định 92/2005/NĐ-CP do Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Song, theo Luật giáo dục năm 2005 thì lại do Chính phủ quy định. Vì vậy, Hà Nội vẫn chưa thiết lập được một kênh riêng về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Khoa học - công nghệ: Điều 9 Pháp lệnh Thủ đô quy định “phát triển khoa học công nghệ thủ đô theo hướng ưu tiên phát triển công nghệ cao”, “phát triển và mở rộng thị trường công nghệ”; Tuy nhiên quá trình thực hiện quy định này gặp một số khó khăn như: chưa có cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô để xây dựng, khai thác hiệu quả các Khu công nghệ cao; chưa có chính sách thiết thực, đủ mạnh để khai thác tiềm lực khoa học công nghệ trên địa bàn; đầu tư cho khoa học công nghệ từ nguồn chi ngân sách chưa đáp ứng; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực khoa học công nghệ còn hạn chế.

Quản lý dân cư, lao động, việc làm: Điều 16 của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội quy định: “… dân cư trên địa bàn Hà Nội được quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung phù hợp với đặc điểm của Thủ đô; HĐND - UBND thành phố được ban hành các quy định về quản lý nhập cư; quy định các biện pháp hạn chế nhập cư tự phát”. Tuy nhiên, theo Điều 20 Luật cư trú  đã mở rộng quyền tự do cư trú của công dân, mở rộng điều kiện đăng ký thường trú, do đó hiện nay người tỉnh ngoài về Hà Nội làm ăn, sinh sống, lao động được đăng ký thường trú vào các loại nhà thuê, nhà mượn, ở nhờ nếu được chủ hộ đồng ý bằng văn bản đang gây sức ép rất lớn về gia tăng dân số cơ học vào Thủ đô Hà Nội.

Điểm c, Điều 16, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội quy định: “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các quy định về quản lý lao động”. Tuy nhiên theo quy định của Luật Lao động thì việc quản lý lao động thực hiện theo Luật Lao động. Vì vậy mà rất nhiều vấn đề phức tạp về lao động nhập cư, lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thành phố đã không được quản lý chặt chẽ, gây bức xúc trong xã hội. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội nhiều vi phạm pháp luật lao động (hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, không thành lập tổ chức công đoàn, không xây dựng và đăng ký nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, không xây dựng và đăng ký thang bảng lương, không áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn lao động …) diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, hiện tượng lừa đảo người lao động trong giới thiệu việc làm còn diễn ra nhiều nơi nhưng không ngăn chặn được kịp thời.

5. Về tổ chức bộ máy và xây dựng chính quyền:

Trong pháp lệnh chưa có cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy. Mô hình cơ cấu tổ chức bộ máy của Hà Nội vẫn áp dụng theo quy định chung của pháp luật hiện hành cho nên việc tổ chức vận hành của bộ máy chính quyền đô thị trong phạm vi của một Thành phố có diện tích, quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện khoản 2 Điều 16 Pháp lệnh Thủ đô, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút những nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao, thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các Trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội v.v… đã mâu thuẫn với quy định của Pháp lệnh cán bộ công chức năm 2003 và Luật cán bộ công chức năm 2008 (việc tuyển dụng công chức phải thông qua hình thức thi tuyển). Do vậy, chính sách khuyến khích nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi, người có trình độ cao, thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học chưa có quy định cụ thể.

III. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHÁP LỆNH

1. Nguyên nhân khách quan

a. Chính sách chung của Nhà nước xây dựng còn chậm, chưa đồng bộ, gây vướng mắc, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.

b. Xét về thứ bậc, Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội là văn bản do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành nên phải tuân thủ và bảo đảm tính thống nhất với các quy định của Hiến pháp và các luật hiện hành. Pháp lệnh bị ràng buộc về thứ bậc hiệu lực pháp lý của các luật liên quan. Pháp lệnh Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành có những cơ chế, chính sách đặc thù, phân công trách nhiệm và phân cấp quản lý nhà nước cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các Bộ, Ngành Trung ương, tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện lại mâu thuẫn với một số luật khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường… nên các cơ chế, chính sách đặc thù chưa được thống nhất triển khai thực hiện.

c. Pháp lệnh chỉ mới dừng lại ở việc đặt ra các mục tiêu, phương hướng, chính sách xây dựng và phát triển Thủ đô mà chưa tạo được căn cứ pháp lý cụ thể, chưa có tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đặc biệt khi Quốc hội thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội thì thực tiễn đó đòi hỏi một số mục tiêu, phương hướng cần phải được xác định lại cho phù hợp với vị trí và vai trò mới của Thủ đô.

d. Pháp lệnh chưa tạo được sự chủ động, phối hợp của các cơ quan quản lý của Trung ương với chính quyền các cấp của Thành phố giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

đ. Tốc độ đô thị hóa của Hà Nội diễn ra quá nhanh, mạnh, cơ sở hạ tầng của Thủ đô không theo kịp sự phát triển, dẫn tới nhiều chính sách và định hướng lớn trong Pháp lệnh Thủ đô không thực hiện được.

e. Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính có sự khác biệt về điều kiện, tốc độ phát triển giữa các địa bàn.

2. Nguyên nhân chủ quan

a. Sự chủ động, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương đối với chính quyền thành phố thực hiện nhiệm vụ quy định trong Pháp lệnh Thủ đô còn kém hiệu quả.

b. Đối với Chính quyền thành phố:

Sự phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành trong một số lĩnh vực còn hạn chế; phân công, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn chưa rõ ràng, cụ thể; công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cấp, ngành, đơn vị còn chưa sâu sát, quyết liệt.

Một số bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện Pháp lệnh Thủ đô; phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, ý thức trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Tính chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền thành phố còn thấp, hiệu lực của bộ máy chính quyền trong việc giải quyết các yêu cầu của tổ chức, công dân còn hạn chế.

Phần thứ ba.

ĐỀ XUẤT HƯỚNG XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ

I. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ 

A. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô

1. Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới và trên cơ sở Nghị quyết 15/NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 15/NQ-QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.

2. Luật Thủ đô được xây dựng bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và phải cùng với hệ thống các văn bản pháp luật khác phát huy mọi thế mạnh, tiềm năng sẵn có của cả nước nói chung, của Thủ đô nói riêng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.

3. Luật Thủ đô khi được ban hành phải đảm bảo tính khả thi, có nghĩa là những điều quy định trong Luật Thủ đô không chỉ đơn thuần là chính sách mà cần kèm theo cơ chế pháp lý đảm bảo thi hành, đặc biệt là cơ chế ưu tiên về nguồn lực và phân cấp hợp lý; Luật Thủ đô phải tạo được động lực mang tính đột phá, giải quyết được những vấn đề bức xúc trong quản lý, điều hành góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô như mong muốn.

B. Nguyên tắc xây dựng Luật Thủ đô

1. Luật Thủ đô quy định rõ các nội dung sau đây: vị trí, chức năng; mục tiêu xây dựng phát triển Thủ đô; nhiệm vụ xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô; trách nhiệm của các cơ quan Trung ương,  Hà Nội và các địa phương, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và nhân dân cả nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt tập trung vào những cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô, để Hà Nội có thể sử dụng và phát huy tối đa lợi thế của mình với tư cách là Thủ đô của cả nước.

2. Cùng với cơ chế, chính sách ưu tiên cho Thủ đô cần đưa ra những yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn đối với Thủ đô so với mặt bằng chung của cả nước, nhất là trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Đồng thời với việc phân cấp quản lý, tạo hành lang “thoáng” hơn cho Thủ đô, cần quy định “chặt” hơn trong một số lĩnh vực nhằm đảm bảo có sự quyết định và tham gia của chính quyền Trung ương vào việc xây dựng Thủ đô với tư cách là bộ mặt của đất nước, là nơi đóng trụ sở của các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, đại diện của các nước, tổ chức quốc tế.

3. Kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Thủ đô;

4. Nghiên cứu, học tập và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trong khu vực và quốc tế về bảo tồn, đầu tư, xây dựng và phát triển, bảo vệ Thủ đô, đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng; đặc biệt là học tập kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương tự như Việt Nam.

II. NHỮNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ CẦN LUẬT HÓA TRONG DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ

A. Về lĩnh vực kinh tế

1. Cần luật hóa mục tiêu, quan điểm, chiến lược tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Luật hóa các chính sách ưu tiên phát triển các ngành và lĩnh vực: Ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế tri thức, dịch vụ tạo cơ sở hạ tầng phát triển các ngành kinh tế khác. Xây dựng Thủ đô Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng hàng đầu, trung tâm thương mại - du lịch quan trọng của cả nước, có uy tín trong khu vực. Tập trung phát triển nhanh các ngành, sản phẩm công nghiệp có tính chất dẫn đường như: công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu; các ngành và sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao; công nghiệp điện tử, cơ khí chính xác, dụng cụ y tế, công nghiệp dược, hóa mỹ phẩm. Phát triển các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các làng nghề truyền thống, phù hợp với quy hoạch phát triển thành phố và toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Khuyến khích phát triển các công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ lực. Ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, các nghề, làng nghề tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái. Quy hoạch ổn định vùng sản xuất nông nghiệp, xác định vành đai xanh và các tuyến kinh tế nông nghiệp sinh thái, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và các khu nông nghiệp công nghệ cao. Gắn phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái với việc xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế trang trại hộ gia đình, ngành nghề nông.

2. Phân cấp quản lý kinh tế và mở rộng thẩm quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội

Giao cho Thành phố trực tiếp quản lý các công trình hạ tầng giao thông nằm trên địa bàn Thành phố, kèm theo các khoản kinh phí duy tu, bảo dưỡng, xây dựng phát triển trên địa bàn Thủ đô; các công trình văn hóa, thể thao, du lịch… hiện có trên địa bàn. Đồng thời, tập trung các nguồn kinh phí liên quan đến duy trì hoạt động và hỗ trợ nâng cấp bảo dưỡng các công trình này cho thành phố sử dụng (thông qua Bộ Tài chính). Không phân tán các cơ sở và các nguồn kinh phí này cho cán bộ, ban, ngành khác nhau quản lý như hiện nay, gây phức tạp, lãng phí, kém hiệu quả.

Cho phép Thủ đô thực hiện thí điểm áp dụng các chế tài về tài chính đủ mạnh (hình phạt nặng bằng tiền), tránh tình trạng bán phá giá, bán hàng kém chất lượng ra thị trường, chống gian lận thương mại và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, … Đồng thời, áp dụng cả biện pháp kinh tế lẫn biện pháp hành chính để ngăn chặn hành vi buôn lậu, hàng giả, kinh doanh trá hình…

3. Về một số cơ chế tài chính đặc thù đối với Thủ đô

Ưu tiên bố trí nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các Chương trình, dự án, nguồn tín dụng ưu đãi cho Thủ đô trên cơ sở các chương trình, dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng.

Chính quyền Thành phố quyết định việc áp dụng một số biện pháp tài chính cụ thể như: mức thu phí trong khu vực nội đô cao hơn so với mức thu theo quy định hiện hành trong các lĩnh vực xây dựng, môi trường, giao thông; Phụ thu đối với hoạt động cung cấp dịch vụ đô thị cao cấp và chất lượng cao…

Áp dụng tỷ lệ phân chia các khoản thu theo mức điều tiết tối thiểu 50% cho ngân sách Thủ đô, 50% cho ngân sách Trung ương (hiện tại tỷ lệ tương ứng là 45% và 55%). Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách vượt kế hoạch hàng năm theo quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng, phát triển (Phụ lục số 6).

B. Về văn hóa - xã hội

Luật hóa một số quy định đặc thù của thủ đô theo hướng chặt chẽ hơn, yêu cầu cao hơn so với các văn bản pháp lý quy định hiện hành áp dụng cho các tỉnh thành trong cả nước.

1. Về Văn hóa

Quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ VH-TT&DL, các bộ ngành và Chính quyền Thủ đô trong việc phát triển văn hóa của Thủ đô nhằm tạo lập môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống ngàn năm văn hiến; Xây dựng tiêu chí người Hà Nội văn minh, thanh lịch, hiện đại; Hoàn thiện thiết chế văn hóa; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu phố cổ; xây dựng quy chế sử dụng các công trình văn hóa quốc gia trên địa bàn.

2. Về Giáo dục và Đào tạo

Quy định trách nhiệm cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ ngành và Chính quyền Thủ đô trong việc xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo dẫn đầu của cả nước về đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm giáo dục và đào tạo có uy tín ở khu vực và thế giới.

3. Về Khoa học công nghệ.

Ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp với đặc thù Thủ đô, sử dụng hiệu quả tiềm năng khoa học công nghệ trên địa bàn, thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển Thủ đô thành trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.

4. Về lao động việc làm và quản lý dân cư

Quản lý dân cư trên địa bàn Thủ đô với quy mô, mật độ cơ cấu hợp lý theo quy hoạch chung, phù hợp với đặc thù của Thủ đô; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ưu tiên các nghề có trình độ và chất lượng cao phù hợp với định hướng phát triển các ngành chủ lực, các sản phẩm mũi nhọn của Thủ đô.

Đây là vấn đề nhạy cảm nên dự thảo Luật Thủ đô giao cho Chính phủ quy định điều kiện nhập cư vào khu vực nội đô; các biện pháp hạn chế việc xây dựng khu nhà ở cao tầng trong một số quận thuộc khu vực nội đô; hỗ trợ vốn, đất đai, công nghệ, trợ giá và thực hiện các biện pháp khác để khuyến khích dân cư sinh sống, làm việc ở khu vực ngoại đô.

C. Về quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị

Quy định về cơ chế và trách nhiệm phối hợp trong việc lập và thực hiện quy hoạch ngành giữa các Bộ, ngành Trung ương với Thành phố nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong việc lập và thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn Thành phố; Đồng thời tăng thẩm quyền cho chính quyền Thủ đô (sau khi có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ) như: Điều chỉnh cục bộ một số nội dung trong quy hoạch chung đã được phê duyệt; Ban hành, áp dụng một số tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng và quy hoạch đô thị phù hợp điều kiện thực tế của Thủ đô; Chỉ định thầu đối với việc lập các đồ án quy hoạch đòi hỏi tiến độ nhanh phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội đặc biệt.

Phân cấp cho chính quyền Thành phố quản lý nguồn vốn của Trung ương cấp cho việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường quốc gia đi qua địa bàn Thành phố. Chính quyền Thành phố có thẩm quyền quy định các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn Thành phố như: nâng mức xử phạt vi phạm hành chính, quy định về điều kiện lưu hành phương tiện giao thông; hạn chế việc sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông vận tải hành khách công cộng.

Cho phép Chính quyền Thành phố ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, kiến trúc phù hợp với vị trí của Thủ đô; quy định quản lý thực hiện quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn; quyết định cơ chế chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, bệnh viện gây ô nhiễm trong nội đô di dời ra khu vực ngoại thành.

D. Về tổ chức bộ máy, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội

Mặc dù trong Pháp lệnh Thủ đô chưa có nội dung quy định riêng về tổ chức bộ máy của chính quyền Hà Nội; xuất phát từ thực tiễn của hệ thống pháp luật hiện hành và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của Thủ đô, Dự thảo Luật Thủ đô cần xây dựng những quy định về tổ chức bộ máy chính quyền thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu; tinh gọn, năng động, hiệu quả và phù hợp đặc thù, tính chất quản lý nhà nước ở đô thị; chủ động, phát huy hết tiềm năng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Về lĩnh vực an ninh, quốc phòng: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan phối hợp chính quyền Thành phố xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các Cơ quan Trung ương và hoạt động của các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn thành phố; xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo gắn thực hiện nhiệm vụ an ninh - quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Về tổ chức, bộ máy

Cho phép Chính quyền Thành phố quyết định thành lập thêm; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức một số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước ở Thủ đô; quyết định chính sách thu hút nhân tài, chế độ đãi ngộ tương xứng đối với người có công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định tiêu chuẩn công chức, viên chức Thủ đô; tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức vào làm việc tại các cơ quan của Thành phố đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô.

Sau 9 năm thi hành Pháp lệnh Thủ đô, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội, vị thế của Thủ đô trong và ngoài nước tiếp tục được nâng cao. Tuy nhiên, thực tiễn đó cho thấy những hạn chế, bất cập, vướng mắc, khả năng thực thi của Pháp lệnh chưa cao, tầm pháp lý của Pháp lệnh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển Thủ đô. Việc xây dựng và ban hành Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho Hà Nội đủ cơ sở pháp lý để quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội; đồng thời sẽ tranh thủ sự quan tâm, chỉ đạo giúp đỡ sát sao hơn của Trung ương, phối hợp của các địa phương, sự hợp tác của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện cho Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là “trái tim của cả nước”, “đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước”.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- TTTU; TTHĐND TP;
- Đoàn ĐBQH TPHN;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c Thành viên BST Luật Thủ đô;
- Các PCT UBND TP;
- Các sở, ban, ngành TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUBTP: C-PVP, các phòng CV;
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Khanh

 

PHỤ LỤC SỐ 01

TỐC ĐỘ TĂNG GDP BÌNH QUÂN CỦA THỦ ĐÔ HÀNG NĂM QUA CÁC GIAI ĐOẠN
(Ban hành kèm theo Báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

Đơn vị: %

Giai đoạn

Tốc độ

2000-2005

2006-cuối năm 2008

2009

Tốc độ tăng GDP bình quân năm

11

12,1

6,7

Tốc độ tăng GTTT dịch vụ

10,7

10,5

7,4

Tốc độ tăng GTTT công nghiệp, xây dựng

13,4

16,1

6,9

Tốc độ tăng GTTT nông, lâm nghiệp

4,1

2,3

0,1

Nguồn: Niên giám thống kê Hà Nội năm 2005, 2006, 2007, 2008, 2009

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của UBND thành phố ngày 19/11/2009.

 

PHỤ LỤC SỐ 02

MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỦA HÀ NỘI VÀ THỦ ĐÔ CÁC NƯỚC
(Ban hành kèm theo Báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

STT

Chỉ tiêu

Diện tích (km2)

Dân số (triệu người)

Mật độ dân số (người/km2)

Tỷ lệ thất nghiệp

1

Hà Nội

3.348

6,35

1.897

5,4

2

Băngkok

1.568,7

5,6

3.592

2,1

3

Delhi

1.483

13,8

9.294

4,2

4

Jakarta

2.682,3

8,7

3.253

14,7

5

Kuala Lumpur

243

1,4

5.859

5,1

6

Manila

636

10,5

16,497

20,3

7

Seoul

605,5

10,3

17.009

4,8

8

Singapore

699

4,2

6.066

4,3

9

Taipei

271,8

2,6

9.626

3,9

10

Tokio

2.187,1

12,5

5.699

5,4

Nguồn Dự án HAIDEP

 

PHỤ LỤC SỐ 03

BIỂU THU CHI NGÂN SÁCH THỦ ĐÔ GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Chỉ tiêu

 

So sánh

 

 

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

2007/ 2006

2008/ 2007

2009/ 2008

2010/ 2009

I

Thu NSNN trên địa bàn

31.892

46.976

72.405

70.542

88.747

147%

154%

97%

126%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Thuế XNK và TTĐB hàng nhập khẩu

4.042

5.842

8.020

7.137

7.620

145%

137%

89%

107%

2

Thu nội địa

27.850

41.134

64.385

63.405

81.127

148%

157%

98%

128%

II

Tỷ lệ điều tiết

32%

31%

40%

45%

45%

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

III

Chi ngân sách địa phương

12.399

13.727

33.004

24.493

34.825

111%

240%

74%

142%

 

Trong đó

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Chi đầu tư phát triển

7.855

4.869

10.150

11.410

14.076

62%

208%

112%

123%

2

Chi thường xuyên

3.070

5.092

9.956

10.439

14.759

166%

196%

105%

141%

Ghi chú:

Năm 2008: Số liệu quyết toán của Hà Nội mở rộng.

Năm 2008 - 2009: Số liệu dự toán

Năm 2006 - 2007: Số liệu Hà Nội cũ.

 

PHỤ LỤC SỐ 04

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ GDP CỦA THỦ ĐÔ
(Ban hành kèm theo Báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

Đơn vị: %

Năm

Cơ cấu kinh tế

2000

2008

2009

Tổng số

100

100

100

Dịch vụ

58

52,17

52,3

Công nghiệp, xây dựng

38,5

41,28

41,4

Nông, lâm nghiệp

3,5

6,55

6,3

Nguồn: Niên giám thống kê Hà Nội 2000, 2008, 2009

Báo cáo: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 của UBND thành phố, ngày 19/11/2009

Báo cáo: Định hướng nhiệm vụ và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố từ nay đến hết nhiệm kỳ, ngày 06/11/2008 của Thành ủy Hà Nội

 

PHỤ LỤC SỐ 05

SO SÁNH MỘT SỐ CHỈ TIÊU CỦA HÀ NỘI VỚI CẢ NƯỚC VÀ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2008
(Ban hành kèm theo Báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

Chỉ tiêu

Đơn vị

Hà Nội

cả nước

Hà Nội so với cả nước (%)

TP. Hồ Chí Minh

Hà Nội so với TP. Hồ Chí Minh (%)

Dân số

Nghìn người

6.350

86.211

7,4

6.810

93,2

Diện tích

km2

3.348

331.150

1,0

2.095

159,8

GDP (Giá thực tế)

tỷ đồng

178.535

1.477.717

12,1

290.390

61,5

GDP/người (giá TT)

triệu đồng

28,1

17,1

164,0

42,6

65,9

GTSX công nghiệp (giá 1994)

tỷ đồng

81.748

647.232

12,6

169.233

48,3

Xuất khẩu

triệu USD

6.936

62.658

11,1

22.291

31,1

Thu ngân sách

tỷ đồng

67.430

399.000

16,9

120.531

55,9

Vốn đầu tư

tỷ đồng

99.013

610.870

16,2

120.847

81,9

Nguồn: niên giám thống kê cả nước, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh năm 2008

 

PHỤ LỤC SỐ 06

TỔNG HỢP SỐ LIỆU THỐNG KÊ GIÁO DỤC HÀ NỘI ĐẦU NĂM HỌC 2009 - 2010
(Ban hành kèm theo báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

Cấp học

Loại hình

Số trường

Số trường chuẩn QG

Số nhóm lớp

số học sinh

Tuyển mới đầu cấp

Số giáo viên

Ghi chú

Mầm non

Công lập

659

65

8,696

273,737

83,679

14,964

 

Hiệp quản

7

 

41

1,097

55

81

 

Dân lập

17

 

187

5,924

865

359

 

Tư thục

121

2

1,710

28,729

13,751

3,370

 

Cộng

804

67

10,634

309,487

98,350

18,774

 

Tiểu học

Công lập

655

265

13,112

433,187

107,890

19,144

 

Bán công

 

 

 

 

 

 

 

Dân lập

17

2

342

9,103

2,675

591

Có học sinh 7 trường PTCS

Tư thục

5

 

44

801

350

63

 

Cộng

677

267

13,498

443,091

110,915

19,798

 

THCS

Công lập

582

129

8,866

325,369

75,356

19,531

 

Bán công

 

 

39

1,720

431

82

 

Dân lập

5

1

260

7,441

2,275

819

Có học sinh 25 trường PTTH

Tư thục

1

 

17

353

83

34

 

Cộng

588

130

9,182

334,883

78,145

20,466

 

THPT

Công lập

105

13

3,788

169,722

60,449

8,120

Trong đó có 25 trường PTTH, 04 trường chuyên, 01 trường phổ thông DTNT

Bán công

5

1

99

4,159

1,368

352

Dân lập

54

2

801

31,653

8,857

2,530

Tư thục

22

 

251

10,842

2,680

913

Cộng

186

16

4,939

216,376

73,354

11,915

Trung tâm KTTH

 

15

 

2,983

93,944

93,944

158

Có hs HN của 6 TTGDTX

GDTX

Xóa mù tiểu học

 

 

27

340

148

 

Có 31 GDTX và 02 BTVH, 01 Trung tâm NG&TH, 05 Trường BTVH hiệp quản

Bổ túc THCS

 

 

72

1,477

108

 

Bổ túc THPT

 

 

374

15,947

4,040

 

Hệ THPT

 

 

109

4,436

2,666

 

Cộng

39

 

582

22,200

6,962

877

Có 306 trung tâm HTCĐ

TCCN

Công lập

6

 

 

10,534

5,446

858

 

Ngoài công lập

30

 

 

20,599

9,205

1,600

 

Cộng

36

 

 

31,133

14,651

2,458

 

Cao đẳng sư phạm

Hệ cao đẳng

 

 

 

2,177

830

 

 

Liên thông

 

 

 

400

400

 

 

TCCN

 

 

 

3,415

1,830

 

 

Cộng

1

 

 

5,992

3,060

172

 

Giáo dục có yếu tố nước ngoài

 

104

Có 20 cơ sở có vốn nước ngoài (10 trường Quốc tế, 9 TT NG, 01 TT BD văn hóa); Có 20 trường học có YTNN; Có 64 trung tâm NG có YTNN.

Tổng cộng

Công lập

2,056

472

35,044

1,240,741

342,842

63,666

 

Ngoài công lập

380

8

3,824

123,442

42,866

10,800

 

Cộng

2,436

480

38,868

1,364,183

385,708

74,466

 

 

PHỤ LỤC SỐ 07

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Tính đến tháng 10/2009)
(Ban hành kèm theo Báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

STT

Nội dung

Số lượng

Ghi chú

A

TỔ CHỨC

 

 

I

Cơ quan hành chính

659

Đơn vị

1

Sở, ngành và tương đương

53

 

2

Cấp huyện

29

 

3

Cấp xã

577

 

II

Đơn vị sự nghiệp

2643

 

1

Giáo dục đào tạo và dạy nghề

2035

 

2

Y tế

146

 

3

VH-TT, phát thanh truyền hình

81

 

4

Thể dục thể thao

34

 

5

Sự nghiệp khác

320

 

6

Sự nghiệp nghiên cứu khoa học

9

 

B

BIÊN CHẾ

 

 

I

Công chức hành chính

21356

Người

1

Cấp thành phố

4962

 

2

Cấp huyện

4980

 

3

Cấp xã

11414

 

II

Viên chức

100309

 

1

Giáo dục đào tạo và dạy nghề

71672

 

2

Y tế

17445

 

3

VH-TT, phát thanh truyền hình

2124

 

4

Thể dục, thể thao

600

 

5

Sự nghiệp khác

8119

 

6

Sự nghiệp nghiên cứu khoa học

349

 

(Nguồn: Báo cáo tổ chức biên chế của thành phố sau 01 năm hợp nhất theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29/05/2008 của Quốc hội)

 

PHỤ LỤC SỐ 08

DỰ TOÁN THU - CHI NGÂN SÁCH THEO PHƯƠNG ÁN ĐỀ XUẤT TĂNG ĐIỀU TIẾT LÊN 50% CHO THỦ ĐÔ BAO GỒM CẢ THUẾ TNDN
(Ban hành kèm theo Báo cáo số: 35/BC-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2010 của UBND thành phố Hà Nội)

 

Dự toán HĐND quyết định

Đề xuất tăng điều tiết lên 50% cho TP bao gồm cả thuế TNDN

Chênh lệch

2009

2010

2009

2010

2009

2010

 

 

 

 

 

 

 

1-Tổng thu NSNN

70,542

88,747

70,542

88,747

 

 

Trong đó: Thuế TNDN đơn vị hạch toán toàn ngành

15,118

17,800

15,118

17,800

 

 

2-Thu NSDP

22,921

32,314

31,618

43,244

 

 

- Các khoản thu NSĐP được hưởng 10

9,665

14,031

9,665

14,031

 

 

- Các khoản thu NSĐP được hưởng theo tỷ lệ % (45%)

12,955

18,282

21,953

29,213

8,998

10,931

+ 50% Thuế TNDN

 

 

 

 

7559

8900

+ 5% khoản thu phân chia

 

 

 

 

1,439

2,031

3-Chi NSĐP

24,493

34,825

33,491

45,756

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Tính toán của Tổ biên tập xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 35/BC-UBND ngày 15/03/2010 về tổng kết 9 năm thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.242

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.192.2
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!