Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 115/BC-LĐTBXH Loại văn bản: Báo cáo
Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Người ký: Nguyễn Trọng Đàm
Ngày ban hành: 23/10/2009 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 115/BC-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2009

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2009 TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27/12/2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG ĐỐI VỚI 61 HUYỆN NGHÈO

Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 62 huyện) đã triển khai thực hiện được hơn 9 tháng. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, các địa phương và các Doanh nghiệp được phân công giúp đỡ huyện nghèo, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo đã đạt được kết quả như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CỦA CÁC BỘ, NGÀNH:

Để các cơ chế, chính sách của Nghị quyết 30a của Chính phủ sớm được thực hiện, sau khi Nghị quyết 30a được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định gồm:

- Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 Về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã thuộc 61 huyện nghèo và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a.

- Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 Phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, các Bộ cũng đã khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện đề án, cụ thể:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 802/BKH-KTĐP&LT ngày 11 tháng 2 năm 2009 về hướng dẫn xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững cấp huyện giai đoạn 2009 – 2020; công văn 1540/BKH-KTĐP&LT ngày 11 tháng 3 năm 2009 hướng dẫn một số nội dung cần tập trung xây dựng đề án giảm nghèo cấp huyện. Đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng thông tư hướng dẫn Lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn các huyện nghèo, hiện đang lấy ý kiến các Bộ liên quan để hoàn thiện và ban hành.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 06/2009/TT-BNN ngày 10/2/2009 hướng dẫn xây dựng quy hoạch sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, bố trí dân cư đối với 61 huyện nghèo và Thông tư 08/2009/TT-BNN ngày 26/2/2009 hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 06/2009/TT-NHNN ngày 9/4/2009 Quy định chi tiết về chính sách cho vay ưu đãi lãi suất theo Chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

- Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 30a (Công văn hướng dẫn số 5036/BCT-KH ngày 2/6/2009).

- Ủy ban Dân tộc đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung chương trình, chính sách dân tộc trong xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (Công văn số 405/UBDT-CSDT ngày 1/6/2009).

- Ngân hàng Chính sách xã hội đã có văn bản hướng dẫn thực hiện cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo tại 61 huyện nghèo (Công văn số 1520/NHCS-TDNN ngày 15/6/2009).

- Liên Bộ Xây dựng – Bộ Tài chính – Bộ Kế hoạch và Đầu tư – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 19 tháng 5 năm 2009 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

- Ngày 9/9/2009, liên Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020”.

- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ liên quan đã tổ chức 03 lớp tập huấn về Nghị quyết 30a cho cán bộ lãnh đạo các ngành cấp tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các phòng chuyên môn ở các huyện nghèo khu vực miền Trung và Tây Nguyên (tổ chức tại Đà Nẵng); khu vực các tỉnh phía Bắc (tổ chức tại Yên Bái); các tỉnh và huyện nghèo khu 4 cũ tại Thanh Hóa. Chương trình tập huấn tập trung vào những nội dung cơ bản của Nghị quyết 30a, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành trung ương; nội dung tập huấn về giám sát, đánh giá; phương pháp lập kế hoạch có sự tham gia và phát triển cộng đồng. Chương trình, nội dung tập huấn được cán bộ địa phương tham dự đánh giá tốt, thiết thực.

- Các Bộ, ngành còn lại theo sự phân công của Chính phủ đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, đảm bảo Nghị quyết 30a có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai trong thực tế:

+ Bộ Tài chính đã dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; dự thảo văn bản hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho vay ưu đãi đối với các huyện nghèo.

+ Liên bộ Tài chính – Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn 61 huyện nghèo, đang lấy ý kiến các Bộ, ngành.

II. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG.

1. Xây dựng và Phê duyệt Đề án giảm nghèo cấp huyện.

Đến ngày 15/9/2009, toàn bộ Đề án của 62 huyện nghèo hoàn thành việc xây dựng và đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt, Cao Bằng là tỉnh cuối cùng hoàn thành phê duyệt Đề án.

2. Kết quả bước đầu thực hiện một số chính sách.

Năm 2009 Chính phủ đã tạm ứng 1.550 tỷ đồng, mỗi huyện 25 tỷ đồng để triển khai thực hiện ngay các chính sách, dự án; 500 tỷ đồng đầu tư cho 121 cụm xã; 1.000 tỷ đồng thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg về nhà ở; 180 tỷ đồng trồng mới theo mức Nghị quyết 30a dự án 5 triệu ha rừng đối với 60 huyện nghèo; thông báo tạm ứng kinh phí sự nghiệp năm 2009 để thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động … cho các huyện nghèo với tổng số tiền 313,01 tỷ đồng.

Các địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện ngay các chính sách mới trong năm 2009, cụ thể:

a. Về Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo:

Tổng số lượng nhà ở cần hỗ trợ trên địa bàn 62 huyện nghèo là: 77.311 căn. Với sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước: 1.000 tỷ đồng, các Doanh nghiệp: 398 tỷ đồng, Quỹ vì người nghèo các địa phương và đóng góp của họ hàng, dòng tộc hộ nghèo, đến ngày 15 tháng 10 năm 2009, các huyện đã khởi công xây dựng 52.321/77.311 (đạt 67,67% kế hoạch), trong đó đã có 14.844 nhà hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo sử dụng (đạt 19,2% kế hoạch).

Qua kiểm tra ở một số địa phương, việc hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo được các huyện tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kế hoạch chi tiết và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo huyện, xã chỉ đạo trực tiếp; hộ nghèo đều biết được các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, vay tín dụng ưu đãi và hỗ trợ của doanh nghiệp, tự mình hoặc hình thành các nhóm tương trợ để làm nhà ở cho chính mình. Diện tích, kết cấu nhà ở thực hiện theo chỉ đạo 3 “cứng”, tùy từng nơi sử dụng vật liệu phù hợp với địa bàn, hạn chế việc khai thác gỗ để làm nhà. Diện tích bình quân từ 30 – 40 m2 trở lên, nhà đạt mức trung bình hoặc cao hơn nhà ở của cộng đồng dân cư sinh sống. Nhìn chung, các huyện đều tập trung chỉ đạo quyết liệt và phấn đấu đến trước Tết Canh Dần cơ bản hoàn thành mục tiêu hỗ trợ xong nhà ở cho người nghèo.

b. Về Chính sách hỗ trợ khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo:

Một số địa phương đã bước đầu triển khai việc giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng như huyện Đam Rông (Lâm Đồng): 44.200 ha, TuMơRông (Kon Tum): 800 ha, Mường Khương (Lào Cai): 12.983,8 ha, Bắc Hà (Lào Cai): 8.133,5 ha. Đến hết tháng 9/2009 đã có 66.176 ha rừng được giao khoán cho hộ nghèo.    

c. Về hỗ trợ Xuất khẩu lao động:

Đến nay đã có khoảng 2.400 lao động ở các huyện nghèo thuộc 9 tỉnh (Điện Biên, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi) đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 1.800 lao động trúng sơ tuyển. Sau khi sơ tuyển, các doanh nghiệp đã phối hợp với địa phương tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và đang làm thủ tục cho hơn 1.500 lao động đi lao động ngoài nước. Đã có 293 lao động xuất cảnh (Thanh Hóa: 134, Yên Bái: 49, Quảng Ngãi: 95).  

d. Về Chính sách luân chuyển cán bộ:

Một số huyện đã chủ động thực hiện việc luân chyển, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ về đảm nhận các vị trí bí thư hoặc chủ tịch xã như huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã luân chuyển 02 cán bộ cấp trưởng, phó phòng huyện về đảm nhận vị trí Bí thư đảng ủy xã; huyện Tương Dương (Nghệ An) đã luân chuyển 03 cán bộ; huyện ĐamRông (Lâm Đồng) đã luân chuyển 01 cán bộ, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã luân chuyển 03 cán bộ về làm chủ tịch UBND xã… Tuy vậy, công tác luân chuyển tăng cường cán bộ cho xã ở nhiều nơi cũng khó khăn do thiếu nguồn cán bộ.  

đ. Áp dụng cơ chế, chính sách của Nghị quyết 30a cho các xã, thôn, bản nghèo khác:

- Tỉnh Lâm Đồng: ngoài huyện Đam Rông thuộc 62 huyện nghèo, tỉnh đã vận dụng những chính sách theo Nghị quyết 30a đầu tư thêm cho 16 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, 87 thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% bằng nguồn ngân sách địa phương. Tỉnh đã phê duyệt Đề án của 15 xã với kinh phí 2.021 tỷ đồng (bình quân 20 tỷ đồng/năm/xã), 87 thôn với tổng kinh phí 746 tỷ đồng. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân công các sở ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, trường học đóng trên địa bàn tỉnh giúp các xã nghèo triển khai đề án, ban hành quy định một số chính sách đối với việc thực hiện đề án và tạm ứng 45 tỷ đồng cho 15 xã nghèo đã có đề án được UBND tỉnh phê duyệt (mỗi xã 3 tỷ đồng) để triển khai thực hiện.

- Tỉnh Bắc Giang: ngoài huyện Sơn Động thuộc 62 huyện nghèo, tỉnh đang chỉ đạo xây dựng Đề án hỗ trợ cho 13 xã tỷ lệ nghèo trên 50% của huyện Lục Ngạn theo cơ chế và chính sách của Nghị quyết 30a.

III. KẾT QUẢ HỖ TRỢ CỦA CÁC TẬP ĐOÀN KINH TẾ, CÁC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC VÀ CÁC DOANH NGHIỆP.

1. Về phân công và nhận giúp đỡ huyện nghèo.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết 30a, các huyện nghèo đã nhận được sự giúp đỡ với tinh thần trách nhiệm cao của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp khác. Đến nay đã có 41 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo (trong đó 50 huyện được 01 doanh nghiệp hỗ trợ, 10 huyện được 02 doanh nghiệp hỗ trợ, 02 huyện được 03 doanh nghiệp hỗ trợ). Một số doanh nghiệp đã tình nguyện nhận giúp đỡ nhiều huyện nghèo, tiêu biểu như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhận được đỡ 06 huyện, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận giúp đỡ 05 huyện, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam nhận giúp đỡ 04 huyện, Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhận giúp 3 huyện, các Doanh nghiệp còn lại nhận giúp đỡ từ 1 đến 2 huyện nghèo.

Để việc giúp đỡ huyện nghèo thiết thực, có hiệu quả, hầu hết các doanh nghiệp đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 30a của đơn vị, xây dựng kế hoạch, tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của địa phương và thỏa thuận với huyện nghèo về nội dung hỗ trợ. Đến nay, các doanh nghiệp như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Thuốc lá, Ngân hàng Liên Việt và một số doanh nghiệp khác đã tổ chức ký kết thỏa thuận hỗ trợ với các huyện nghèo và đã tích cực thực hiện các nội dung đã cam kết góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án giảm nghèo ở các huyện.

Đến hết tháng 9/2009 đã có 36/41 Doanh nghiệp triển khai các hoạt động hỗ trợ cụ thể cho 55 huyện với tổng số tiền đã cam kết giúp đỡ các huyện nghèo là 1.653 tỷ đồng.

2. Kết quả hỗ trợ.

Các doanh nghiệp đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ về nội dung hỗ trợ huyện nghèo, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu: hỗ trợ các địa phương xóa 54.065 nhà dột nát (chiếm 70% nhu cầu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn 62 huyện nghèo) với tổng số tiền 398 tỷ đồng (24,2% tổng số tiền hỗ trợ), mức hỗ trợ thấp nhất là 3 triệu đồng, cao nhất là 41 triệu đồng (Tổng công ty Lương thực miền Bắc), phổ biến ở mức 5-7 triệu đồng/nhà, giúp các địa phương phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà dột nát cho hộ nghèo xong trong năm 2009; xây dựng trường học, nhà bán trú dân nuôi, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên (70,5 tỷ đồng); đào tạo nghề (81,3 tỷ đồng); đầu tư cơ sở y tế (47,9 tỷ đồng), còn lại là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội…

Có 17 doanh nghiệp (Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than và Khoáng sản, Tổng công ty Thuốc lá, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Viettel, Tổng công ty Thép, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Rượu – Bia – NGK Sài Gòn, Ngân hàng Liên Việt) đã nhận hỗ trợ đào tạo nghề để lao động tự tìm việc làm hoặc cam kết đào tạo và nhận vào làm việc tại cơ sở của doanh nghiệp; hỗ trợ học bổng, học phí cho học sinh cử tuyển; hỗ trợ xây dựng trung tâm đào tạo nghề; xây dựng nhà máy tại huyện để tạo việc làm và thu hút lao động tại chỗ….

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã lựa chọn các hình thức hỗ trợ phù hợp khác như: Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông hướng dẫn 20 tỉnh có huyện nghèo nâng cao năng lực mạng lưới bưu chính, viễn thông nhằm phục vụ tốt các công việc khác trong Nghị quyết 30a; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ nông dân trồng, cung cấp nguyên liệu thuốc lá và tổ chức thu mua bao tiêu sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân; Tổng công ty Lương thực miền Bắc tặng báo Nông nghiệp cho tất cả các xã, thị trấn của các huyện nghèo. Tổng công ty Du lịch Sài Gòn nghiên cứu đầu tư, xây dựng tuyến du lịch vào huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) nhằm khơi dậy những tiềm năng sẵn có của địa phương. Tổng công ty Viễn thông Quân đội phủ sóng điện thoại cho 23 xã, thị trấn trong các huyện nhận giúp đỡ; trang bị máy điện thoại không dây cho cán bộ xã, thôn, trường học; phổ cập Internet cho tất cả các trường học; trang bị máy vi tính, ti vi, thiết bị thu sóng vệ tinh cho 23 xã và 83 trường học…

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được.

Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao việc triển khai Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo. Các hợp phần, nội dung của Nghị quyết 30a đã được triển khai tương đối đồng bộ. Các Bộ, ngành Trung ương đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, khẩn trương nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, thực hiện Nghị quyết 30a; tổ chức hướng dẫn, kiểm tra các địa phương xây dựng đề án giảm nghèo trên địa bàn điển hình như: Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Bộ LĐ-TBXH, Bộ KH-ĐT.

Các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã đã tích cực, chủ động quán triệt, chỉ đạo triển khai tổ chức xây dựng đề án giảm nghèo cấp huyện theo chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành trung ương; tổ chức thực hiện ngay các chính sách mới như: hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ xuất khẩu lao động, rà soát xác định đối tượng để trợ cấp lương thực, hỗ trợ tiền khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng; một số địa phương như Lâm Đồng, Bắc Giang đã chủ động vận dụng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a để hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho các xã, thôn, bản nghèo khác trên địa bàn.

Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty và Doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trước một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; mặc dù điều kiện sản xuất, kinh doanh của nhiều Doanh nghiệp còn khó khăn nhưng các Doanh nghiệp đã sẵn sàng nhận hỗ trợ, giúp đỡ huyện nghèo theo sự vận động của Chính phủ, đã thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ của đơn vị, khẩn trương triển khai việc khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của địa phương để xây dựng kế hoạch giúp đỡ.

2. Một số khó khăn, hạn chế.

- Một số huyện mới chỉ quan tâm nhiều đến đầu tư cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng để triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống người dân, giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực. Nhận thức và năng lực của cán bộ cơ sở hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhưng lại không chủ động đề xuất việc bố trí tăng cường, luân chuyển cán bộ cho cơ sở.

- Một số địa phương chưa chủ động liên hệ, đề xuất nhu cầu hỗ trợ với các Doanh nghiệp. Đến nay còn 06 huyện: Quỳnh Nhai (Sơn La); Hạ Lang, Bảo Lạc, Thông Nông (Cao Bằng); Mèo Vạc (Hà Giang); Mường Lát (Thanh Hóa) chưa nhận được sự giúp đỡ nào từ các Doanh nghiệp.

- Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với việc triển khai Nghị quyết 30a còn hạn chế, việc cập nhật thông tin chưa đáp ứng kịp thời theo yêu cầu Chính phủ đề ra.

- Công tác thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về cơ quan thường trực chương trình của một số Doanh nghiệp, tỉnh, huyện chưa thực hiện thường xuyên theo quy định gây khó khăn cho công tác tổng hợp, điều hành của Ban chỉ đạo Chương trình.

- Bên cạnh phần lớn các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện theo phân công của Chính phủ, vẫn còn một số doanh nghiệp chậm thực hiện các nội dung đã cam kết hỗ trợ huyện nghèo.

Một số Doanh nghiệp gần đây mới nhận được phân công giúp đỡ huyện nghèo của tỉnh Hà Giang và Cao Bằng nên cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.

- Do điều kiện, đặc thù, khả năng khác nhau nên mức hỗ trợ của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty và Doanh nghiệp cho các huyện nghèo cũng có sự chênh lệch lớn, huyện được hỗ trợ cao nhất đến 100 tỷ đồng, huyện thấp nhất khoảng 1 tỷ đồng.

Có 05 Doanh nghiệp có mức hỗ trợ cam kết trên 100 tỷ đồng: Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông (giúp đỡ 2 huyện, mỗi huyện 96,4 tỷ đồng), Tập đoàn Điện lực (giúp đỡ 3 huyện, mỗi huyện 93 tỷ đồng), Ngân hàng NN&PTNT (giúp đỡ 02 huyện, 1 huyện 60 tỷ đồng, 1 huyện 100 tỷ đồng), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (giúp đỡ 2 huyện, 1 huyện 115 tỷ đồng, 1 huyện 90 tỷ đồng), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (giúp đỡ 5 huyện, trong có 4 huyện được hỗ trợ 32 tỷ đồng, 1 huyện được hỗ trợ 30 tỷ đồng).

Các huyện nhận được mức hỗ trợ thấp của Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong huy động nguồn lực tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn.

3. Nguyên nhân tồn tại, hạn chế.

- Các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương chưa thật kịp thời làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Đề án giảm nghèo cấp huyện và việc thực hiện một số chính sách trong Nghị quyết 30a. Đến nay Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ Y tế chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách mới theo Nghị quyết 30a.     

- Nguồn kinh phí Trung ương bố trí cho các huyện nghèo còn thấp so với nhu cầu vốn thực tế của địa phương. Việc thông báo tạm ứng 25 tỷ đồng/huyện chỉ dành cho vốn đầu tư phát triển dẫn đến các địa phương không thể bố trí kinh phí để thực hiện ngay các công việc cần làm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo trồng rừng và hộ nghèo biên giới. Việc giải ngân khoản kinh phí 25 tỷ đồng và kinh phí sự nghiệp ứng trước của một số tỉnh chưa kịp thời, làm chậm tiến độ thực hiện các công trình, dự án của huyện.

- Một số huyện do chưa tổ chức quy hoạch sản xuất, quy hoạch dân cư; chưa thống kê được đầy đủ các dữ liệu kinh tế - xã hội làm cơ sở cho việc xây dựng các kế hoạch; chưa thực hiện việc giao đất khoán rừng cho hộ dân, nên còn lúng túng, không xác định được đối tượng để thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, khoán rừng, hỗ trợ gạo…

- Việc phân bổ nguồn vốn ứng trước để thực hiện quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, một số tỉnh chưa thực hiện nghiêm túc phân bổ ưu tiên trước cho các huyện nghèo (tỉnh Phú Thọ).

- Hậu quả thiên tai, bão lũ xảy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn tới các công trình phúc lợi, đường giao thông, nhà ở, hoa màu và đất canh tác … Đây là những thách thức rất lớn đặt ra đối với một số địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a.

V. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC 3 THÁNG CUỐI NĂM 2009.

1. Các cơ quan Trung ương.

- Đề nghị Chính phủ cho chủ trương vận động các Tập đoản kinh tế, Tổng công ty nhà nước có tiềm lực kinh tế nhận hỗ trợ thêm các huyện nghèo đang cũng khó khăn về nguồn lực huy động nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở trước Tết Canh Dần.

- Đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động phong trào ủng hộ Ngày vì người nghèo và các hoạt động hướng về 62 huyện nghèo nhằm huy động nguồn lực cùng Nhà nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết 30a của Chính phủ, ưu tiên phân bổ “Quỹ vì người nghèo” cho các huyện nghèo đang khó khăn về nguồn lực để thực hiện mục tiêu xóa nhà dột nát cho hộ nghèo.

- Các Bộ quản lý chuyên ngành vận động các Doanh nghiệp trực thuộc nhận hỗ trợ cho các huyện nghèo đang còn nhận được mức hỗ trợ thấp: Mường Nhé (Điện Biên), Hà Quảng (Cao Bằng); Pắc Nặm, Ba Bể (Bắc Kạn); Sơn Động (Bắc Giang), Như Xuân (Thanh Hóa); Nam Trà My (Quảng Nam); Vĩnh Thạnh (Bình Định); KonPlong, TuMơRông (Kon Tum).

- Các Bộ tiếp tục hoàn thiện văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo theo lĩnh vực được phân công:

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư Liên tịch hướng dẫn lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án trên địa bàn huyện nghèo; chủ trì với các bộ để xây dựng tiêu chí bố trí vốn cho các huyện nghèo năm 2010.

+ Bộ Tài chính: ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo; văn bản hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cho vay ưu đãi đối với các huyện nghèo; hướng dẫn các doanh nghiệp hạch toán khoản kinh phí hỗ trợ các huyện nghèo.

+ Bộ Nội vụ: ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 70/2009/QĐ-TTg ngày 27 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách luân chuyển và tăng cường cán bộ cho các huyện nghèo.

Hướng dẫn thực hiện bố trí cán bộ lãnh đạo cấp huyện đủ năng lực, trình độ; điều đồng, biệt phái (có thời hạn) cán bộ cấp tỉnh về huyện, xã để tổ chức thực hiện chương trình và đào tạo rèn luyện đội ngũ cán bộ.

+ Các Bộ Y tế, Giáo dục – Đào tạo khẩn trương nghiên cứu, xây dựng ban hành hoặc trình ban hành các chính sách ưu đãi về y tế, giáo dục – đào tạo cho các huyện nghèo.

- Tám Bộ được giao trách nhiệm làm trưởng đoàn: Lao động – Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Xây dựng, Giao thông – Vận tải, Ủy ban Dân tộc, Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn các huyện nghèo được phân công; tổ chức đoàn kiểm tra và báo cáo kết quả về Ban Chỉ đạo các chương trình giảm nghèo của Chính phủ (qua Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo năm 2009 ở các địa bàn được phân công.

- Xây dựng hệ thống chỉ tiêu theo dõi, giám sát kết quả thực hiện Chương trình.

2. Các địa phương:

- Ủy ban nhân dân các tỉnh:

+ Chỉ đạo các huyện nghèo tổ chức thực hiện ngay vốn bố trí để thực hiện các chương trình, dự án hiện hành và kinh phí tạm ứng để thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù. Triển khai thực hiện Đề án giảm nghèo phải gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương VII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tại các huyện nghèo phải dựa vào quy hoạch xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch dân cư.

+ Bố trí kinh phí để tổ chức xây dựng quy hoạch sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, bố trí dân cư đối với các huyện nghèo trên địa bàn.

+ Tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cán bộ cơ sở và người dân theo những nội dung đã được các Bộ, ngành trung ương tập huấn cho cán bộ tỉnh, huyện.

+ Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của địa phương, cơ sở, báo cáo tiến độ thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù theo quy định.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện:

+ Các địa phương phải sử dụng tổng hợp nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp; phối hợp với các đơn vị quân đội trên địa bàn để thực hiện, bảo đảm hoàn thành trước Tết Nguyên đán Canh Dần 2010. Nếu nguồn kinh phí thiếu, địa phương ứng trước ngân sách để thực hiện.

+ Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện trước các chính sách: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; quy hoạch sản xuất; quy hoạch dân cư; giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng, hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo trồng rừng sản xuất và hộ nghèo biên giới; chính sách tăng cường luân chuyển cán bộ chủ chốt, thu hút trí thức trẻ tình nguyện, cán bộ kỹ thuật phục vụ tại các xã nghèo; đẩy mạnh việc đào tạo, hỗ trợ xuất khẩu lao động…

+ Các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Dự án hạ tầng đó được bố trí ngân sách năm 2009 và chuẩn bị các dự án đầu tư năm 2010 và những năm tiếp theo.

+ Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện của các xã, báo cáo tiến độ thực hiện các chính sách giảm nghèo đặc thù theo quy định.

3. Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty:

- Thực hiện đầy đủ những nội dung đã cam kết với huyện nghèo, sớm giải ngân khoản kinh phí đã cam kết, hỗ trợ địa phương hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trong năm 2009.

- Các Doanh nghiệp cần tiếp tục bàn thống nhất với các huyện kế hoạch hỗ trợ năm 2010 và những năm tiếp theo; sau khi hoàn thành xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, các Doanh nghiệp cần ưu tiên hỗ trợ các huyện đẩy mạnh đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các huyện nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, các lĩnh vực y tế, giáo dục và hạ tầng cơ sở./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng CP (để báo cáo);
- Phó TTg Nguyễn Sinh Hùng (để báo cáo);
- Các Bộ, ngành TW;
- VPCP, VPTW Đảng, VPQH;
- Ban CĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên;
- UBTWMTTQ Việt Nam;
- Đảng ủy khối các doanh nghiệp TW;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng;
- UBND 20 tỉnh theo NQ 30a;
- 62 huyện nghèo theo NQ 30a;
- Các Tập đoàn KT, Tổng công ty;
- Lưu VT, Cục BTXH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG



Nguyễn Trọng Đàm

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Báo cáo 115/BC-LĐTBXH về kết quả 9 tháng đầu ngày 23/10/2009 triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.367

DMCA.com Protection Status
IP: 3.139.69.138
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!