VĂN PHÒNG QUỐC
HỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/VBHN-VPQH
|
Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2021
|
BỘ LUẬT
TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27
tháng 11 năm 2015 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, được
sửa đổi, bổ sung bởi:
Luật số 02/2021/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2021 của
Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực
kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2021.
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự[1],
Phần thứ nhất
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Chương I
PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH,
NHIỆM VỤ, HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bộ luật Tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục
tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử
và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa
các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của
người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng
hình sự.
Điều 2. Nhiệm vụ của
Bộ luật Tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiệm vụ bảo đảm phát
hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa,
ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần
bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế
độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của
tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh
phòng ngừa và chống tội phạm.
Điều 3. Hiệu lực của Bộ luật
Tố tụng hình sự
1. Bộ luật Tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi
hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam.
2. Hoạt động tố tụng hình sự đối với người nước
ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến
hành theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.
Trường hợp người nước ngoài thuộc đối tượng được
hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, điều ước
quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc tập quán quốc
tế thì được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế
đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế
thì được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Điều 4. Giải thích từ ngữ
1. Trong Bộ luật này, các từ ngữ dưới đây được
hiểu như sau:
a) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
gồm cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra.
b) Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra.
c) Người tham gia tố tụng là cá nhân, cơ
quan, tổ chức tham gia hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
d) Nguồn tin về tội phạm gồm tố giác, tin
báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân, lời khai của
người phạm tội tự thú và thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng trực tiếp phát hiện.
đ) Người bị buộc tội gồm người bị bắt,
người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
e) Người thân thích của người tham gia tố tụng,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham
gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ,
bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội,
bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác
ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
g) Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn
dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
h) Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện
khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm
hoặc người phạm tội bị phát hiện.
i) Đầu thú là việc người phạm tội sau khi
bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về
hành vi phạm tội của mình.
k) Áp giải là việc cơ quan có thẩm quyền
cưỡng chế người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị
cáo đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử.
l) Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền
cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm
tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.
m) Danh bản là bản ghi thông tin tóm tắt
về lý lịch, nhân dạng, ảnh chụp ba tư thế, in dấu vân hai ngón tay trỏ của bị
can do cơ quan có thẩm quyền lập và lưu giữ.
n) Chỉ bản là bản ghi thông tin tóm tắt về
lý lịch và in dấu vân tất cả các ngón tay của bị can do cơ quan có thẩm quyền lập
và lưu giữ.
o) Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố,
điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy
đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến
quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc
xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
2. Trong Bộ luật này, những từ ngữ dưới đây được
gọi như sau:
a) Cơ quan điều tra Công an huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
sau đây gọi là Cơ quan điều tra cấp huyện.
b) Cơ quan điều tra Công an tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương sau đây gọi là Cơ quan điều tra cấp tỉnh.
c) Cơ quan điều tra quân sự quân khu và tương
đương sau đây gọi là Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu.
d) Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã,
thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
đ) Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
e) Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương
sau đây gọi là Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.
g) Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sau đây gọi
là Tòa án nhân dân cấp huyện.
h) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
i) Tòa án quân sự quân khu và tương đương sau
đây gọi là Tòa án quân sự cấp quân khu.
Điều 5. Trách nhiệm của cơ
quan nhà nước, tổ chức và cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm
1. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan
nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm, phối hợp với cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra,
thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; phát hiện kịp thời hành
vi vi phạm pháp luật để xử lý và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát mọi hành vi phạm tội xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của
mình; kiến nghị và gửi tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát xem xét, khởi tố đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Thủ trưởng cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm
về việc không thông báo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về hành vi phạm tội
xảy ra trong cơ quan và trong lĩnh vực quản lý của mình cho Cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát.
2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ phát hiện,
tố giác, báo tin về tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
3. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có
trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân tham gia đấu
tranh phòng, chống tội phạm.
4. Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách
nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
5. Cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước có
trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc
phát hiện và xử lý tội phạm. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải
chuyển ngay các tài liệu, đồ vật có liên quan và kiến nghị Cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát xem xét, khởi tố vụ án hình sự.
6. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của
cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
Điều 6. Phát hiện và khắc phục
nguyên nhân, điều kiện phạm tội
1. Trong quá trình tiến hành tố tụng hình sự, cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phát hiện nguyên nhân và điều
kiện phạm tội, yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện
pháp khắc phục và phòng ngừa.
2. Cơ quan, tổ chức hữu quan phải thực hiện yêu
cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, kiến nghị, cơ quan, tổ chức hữu quan phải trả
lời bằng văn bản về việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng.
Chương II
NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN
Điều 7. Bảo đảm pháp
chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự
Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện
theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi
tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật
này quy định.
Điều 8. Tôn trọng và
bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân
Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ,
quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng
và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân; thường xuyên
kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời
hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc
không còn cần thiết.
Điều 9. Bảo đảm quyền bình đẳng
trước pháp luật
Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi
người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín
ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị
xử lý theo pháp luật.
Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật,
không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Điều 10. Bảo đảm quyền
bất khả xâm phạm về thân thể
Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của
Viện kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt,
tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này. Nghiêm cấm tra tấn,
bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân
thể, tính mạng, sức khỏe của con người.
Điều 11. Bảo hộ tính
mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; danh dự, uy tín, tài sản
của pháp nhân
Mọi người có quyền được pháp luật bảo hộ về tính
mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản.
Mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân; xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản
của pháp nhân đều bị xử lý theo pháp luật.
Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao
nộp cho nhà nước khác.
Điều 12. Bảo đảm quyền
bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia
đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân
Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời
sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện
thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân.
Việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ
thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông
tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Điều 13. Suy đoán vô
tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến
khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án
kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để
buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có
tội.
Điều 14. Không ai bị kết án
hai lần vì một tội phạm
Không được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối
với người mà hành vi của họ đã có bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật,
trừ trường hợp họ thực hiện hành vi nguy hiểm khác cho xã hội mà Bộ luật Hình sự
quy định là tội phạm.
Điều 15. Xác định sự thật của
vụ án
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc
phải chứng minh là mình vô tội.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để
xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng
cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết
giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Điều 16. Bảo đảm quyền bào
chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương
sự
Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật
sư hoặc người khác bào chữa.
Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại,
đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ
theo quy định của Bộ luật này.
Điều 17. Trách nhiệm của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan, người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp
luật và phải chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình.
Người vi phạm pháp luật trong việc giữ người
trong trường hợp khẩn cấp, bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử,
thi hành án thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy
cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Điều 18. Trách nhiệm khởi tố
và xử lý vụ án hình sự
Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm,
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định
để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.
Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và
trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.
Điều 19. Tuân thủ pháp luật
trong hoạt động điều tra
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều
tra theo quy định của Bộ luật này.
Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật,
tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi
hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội,
tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều
kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Điều 20. Trách nhiệm thực
hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm
sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội,
phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội,
pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời,
nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người,
đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm
tội, không làm oan người vô tội.
Điều 21. Bảo đảm sự vô tư của
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người
phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng
kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư
trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Điều 22. Thực hiện chế độ
xét xử có Hội thẩm tham gia
Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham
gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn do Bộ luật này quy định.
Điều 23. Thẩm phán, Hội thẩm
xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật
Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân
theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử
của Thẩm phán, Hội thẩm.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét
xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào thì tùy tính chất, mức độ
vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách
nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Điều 24. Tòa án xét xử tập
thể
Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số,
trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn do Bộ luật này quy định.
Điều 25. Tòa án xét xử kịp
thời, công bằng, công khai
Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định,
bảo đảm công bằng.
Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền
tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt
cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18
tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án
có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.
Điều 26. Tranh tụng trong
xét xử được bảo đảm
Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét
xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành
tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều
có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu
để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm
sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án
hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp
vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường
hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho
Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực
hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước
Tòa án.
Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định
vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm,
khoản, điều của Bộ luật Hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức
bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có
ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên
tòa.
Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết
quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.
Điều 27. Chế độ xét xử sơ
thẩm, phúc thẩm được bảo đảm
1. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có thể bị
kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật này. Bản án, quyết định sơ thẩm
không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do Bộ luật này quy định thì có hiệu
lực pháp luật.
Bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng
nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa
án có hiệu lực pháp luật.
2. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới
theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm
hoặc tái thẩm.
Điều 28. Bảo đảm hiệu lực của
bản án, quyết định của Tòa án
1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá
nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của
mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực
hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định
của Tòa án.
Điều 29. Tiếng nói và chữ
viết dùng trong tố tụng hình sự
Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự
là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của
dân tộc mình, trường hợp này phải có phiên dịch.
Điều 30. Giải quyết vấn đề
dân sự trong vụ án hình sự
Việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự
được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự
phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng
minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự có
thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Điều 31. Bảo đảm quyền được
bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người
bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần
và phục hồi danh dự.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và
phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị
bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan,
trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
2. Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có
thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Điều 32. Bảo đảm quyền khiếu
nại, tố cáo trong tố tụng hình sự
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại, cá
nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự
của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc của bất cứ cá nhân nào
thuộc các cơ quan đó.
Cơ quan, người có thẩm quyền phải tiếp nhận, xem
xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật; gửi văn bản kết
quả giải quyết cho người khiếu nại, tố cáo, cơ quan, tổ chức khiếu nại và có
biện pháp khắc phục.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại,
tố cáo do Bộ luật này quy định.
Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo
hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống người khác.
Điều 33. Kiểm tra, giám sát
trong tố tụng hình sự
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
phải thường xuyên kiểm tra việc tiến hành các hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền;
thực hiện kiểm soát giữa các cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin
về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
2. Cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại biểu dân cử có quyền giám sát
hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám sát việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Nếu phát hiện hành vi trái pháp luật của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cơ quan nhà nước, đại biểu dân
cử có quyền yêu cầu, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên
của Mặt trận có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem
xét, giải quyết theo quy định của Bộ luật này. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng phải xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị, yêu cầu đó theo quy định
của pháp luật.
Chương III
CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TIẾN
HÀNH TỐ TỤNG, NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG
Điều 34. Cơ quan tiến hành
tố tụng và người tiến hành tố tụng
1. Cơ quan tiến hành tố tụng gồm:
a) Cơ quan điều tra;
b) Viện kiểm sát;
c) Tòa án.
2. Người tiến hành tố tụng gồm:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng
Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;
c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án,
Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.
Điều 35.
Cơ quan và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
1. Cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:
a) Các cơ quan của Bộ đội
biên phòng;
b) Các cơ quan của Hải quan;
c) Các cơ quan của Kiểm lâm;
d) Các cơ quan của lực
lượng Cảnh sát biển;
đ) Các cơ quan của Kiểm ngư;
e) Các cơ quan của Công an
nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
g) Các cơ quan khác trong Quân
đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Các cơ quan cụ thể được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại
khoản này được quy định tại Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
2. Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra gồm:
a) Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng gồm Cục trưởng, Phó Cục
trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma
túy và tội phạm; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma
túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ
huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng;
b) Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra của Hải quan gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục
điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan;
Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu;
c) Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra của Kiểm lâm gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục
Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm;
d) Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển gồm Tư lệnh, Phó Tư
lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng,
Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc
nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội
trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát
biển;
đ) Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục
Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
e) Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân gồm
Giám đốc, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cục trưởng, Phó Cục trưởng,
Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra của Công an nhân dân, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam theo
quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự;
g) Người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân gồm
Giám thị, Phó Giám thị Trại giam; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và
tương đương.
h) Cán bộ điều tra thuộc các cơ
quan quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 36.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều
tra
1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra
có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo
việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra của Cơ
quan điều tra;
b) Quyết định phân công hoặc
thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội
phạm, kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều
tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái
pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra.
c) Quyết định phân công hoặc
thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải
quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên,
Cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ
và trái pháp luật của Điều tra viên.
d) Giải quyết khiếu nại, tố cáo
thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.
Khi vắng mặt, Thủ trưởng Cơ
quan điều tra ủy quyền cho một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm
vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm
trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền.
2. Khi tiến hành tố tụng hình sự,
Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Quyết định tạm đình chỉ việc
giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố,
không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi
tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập hoặc tách
vụ án; quyết định ủy thác điều tra;
b) Quyết định áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc
biệt theo quy định của Bộ luật này;
c) Quyết định truy nã, đình nã
bị can, khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng;
d) Quyết định trưng cầu giám định,
giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra,
thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại
tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản.
đ) Trực tiếp kiểm tra, xác minh
nguồn tin về tội phạm và tiến hành các biện pháp điều tra;
e) Kết luận điều tra vụ án;
g) Quyết định tạm đình chỉ điều
tra, đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra vụ án, bị can;
h) Ra các lệnh, quyết định và
tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra.
3. Khi được phân công tiến hành
việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những
nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm
b khoản 1 Điều này. Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được giải
quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình.
4. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng
Cơ quan điều tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của
mình. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra không được ủy quyền cho Điều
tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 37.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Điều tra viên
1. Điều tra viên được phân công
tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp kiểm tra, xác minh
và lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;
b) Lập hồ sơ vụ án hình sự;
c) Yêu cầu hoặc đề nghị cử,
thay đổi người bào chữa; yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
d) Triệu tập và hỏi cung bị
can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố
giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời
khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt,
người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương
sự;
đ) Quyết định áp giải người
bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, bị
can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị
kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ
quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người
giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
e) Thi hành lệnh giữ người
trong trường hợp khẩn cấp, lệnh hoặc quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam, khám xét,
thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, xử lý vật chứng;
g) Tiến hành khám nghiệm hiện
trường, khai quật tử thi, khám nghiệm tử thi, xem xét dấu vết trên thân thể, đối
chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra theo sự phân công của
Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật này.
2. Điều tra viên phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
về hành vi, quyết định của mình.
Điều 38.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra
1. Cán bộ điều tra thực hiện những
nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Điều tra viên:
a) Ghi biên bản lấy lời khai,
ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác khi Điều tra viên tiến hành kiểm
tra, xác minh nguồn tin về tội phạm và điều tra vụ án hình sự;
b) Giao, chuyển, gửi các lệnh,
quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
c) Giúp Điều tra viên trong
việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, hồ sơ vụ án và thực
hiện hoạt động tố tụng khác.
2. Cán bộ điều tra phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều
tra, Điều tra viên về hành vi của mình.
Điều 39.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của
các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát
biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
1. Cấp trưởng các cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những
nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp chỉ đạo hoạt động
thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo
thẩm quyền;
b) Quyết định phân công hoặc
thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội
phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự;
c) Kiểm tra hoạt động thụ lý,
giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của cấp phó
và cán bộ điều tra;
d) Quyết định thay đổi hoặc hủy
bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, cán bộ điều tra;
đ) Quyết định giao người
bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện
của họ giám sát.
Khi vắng mặt, cấp trưởng ủy quyền
cho một cấp phó được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng. Cấp phó chịu
trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền. Cấp trưởng, cấp phó
không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
2. Khi tiến hành tố tụng hình sự
đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ
và lý lịch người phạm tội rõ ràng, những người quy định tại các điểm
a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Thu thập chứng cứ, tài liệu,
đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;
b) Quyết định tạm đình chỉ việc
giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố,
không khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi
tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can;
c) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo
việc khám nghiệm hiện trường;
d) Quyết định trưng cầu giám định,
yêu cầu định giá tài sản; quyết định khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật
chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;
đ) Triệu tập và hỏi cung bị
can; triệu tập và lấy lời khai bị hại, đương sự; triệu tập và lấy lời khai người
tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố; triệu tập và
lấy lời khai người làm chứng; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
e) Quyết định áp dụng biện pháp
ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này;
g) Kết luận điều tra, đề nghị
truy tố hoặc kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra; quyết định tạm
đình chỉ điều tra; quyết định phục hồi điều tra.
3. Khi tiến hành tố tụng hình sự
đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội
phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp, những người được quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những
nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Thu thập chứng cứ, tài liệu,
đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;
b) Quyết định tạm đình chỉ việc
giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố,
không khởi tố, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án;
c) Quyết định khám xét, thu giữ,
tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;
d) Triệu tập và lấy lời khai
người làm chứng, bị hại, đương sự.
4. Cán bộ điều tra có những nhiệm
vụ, quyền hạn:
a) Lập hồ sơ giải quyết nguồn
tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác
minh nguồn tin về tội phạm;
b) Lập hồ sơ vụ án hình sự;
c) Hỏi cung bị can; lấy lời
khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị
khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ,
người làm chứng, bị hại, đương sự;
d) Tiến hành khám nghiệm hiện
trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu
liên quan trực tiếp đến vụ án.
5. Trong phạm vi trách nhiệm của
mình, cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên
phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Cấp trưởng, cấp phó không được ủy
quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 40.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của
các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra
1. Cấp trưởng các cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quy định tại điểm
e và điểm g khoản 2 Điều 35 của Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp chỉ đạo hoạt động
khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo thẩm quyền;
b) Quyết định phân công hoặc
thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự;
c) Kiểm tra hoạt động thụ lý,
giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của cấp phó
và cán bộ điều tra;
d) Quyết định thay đổi hoặc hủy
bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, cán bộ điều tra.
Khi cấp trưởng vắng mặt, một cấp
phó được ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng và chịu trách
nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền.
2. Khi tiến hành tố tụng hình sự,
những người được quy định tại điểm e và điểm g khoản 2 Điều 35 của
Bộ luật này có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Thu thập chứng cứ, tài liệu,
đồ vật từ những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm;
b) Quyết định tạm đình chỉ việc
giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi
hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án;
c) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo
việc khám nghiệm hiện trường;
d) Quyết định khám xét, thu giữ,
tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án;
đ) Triệu tập và lấy lời khai
người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi
tố, người làm chứng, bị hại, đương sự.
3. Cán bộ điều tra có những nhiệm
vụ, quyền hạn:
a) Lập hồ sơ giải quyết nguồn
tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác
minh nguồn tin về tội phạm;
b) Lập hồ sơ vụ án hình sự;
c) Lấy lời khai người tố giác,
báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người làm
chứng, bị hại, đương sự;
d) Tiến hành khám nghiệm hiện
trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu
liên quan trực tiếp đến vụ án;
đ) Giao, gửi các lệnh, quyết định
và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
4. Trong phạm vi trách nhiệm của
mình, cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Công an nhân
dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Cấp trưởng,
cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của
mình.
Điều 41.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm
sát
1. Viện trưởng Viện kiểm sát có
những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp tổ chức và chỉ đạo
hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố
tụng hình sự;
b) Quyết định phân công hoặc
thay đổi Phó Viện trưởng Viện kiểm sát; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công
tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và
trái pháp luật của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát;
c) Quyết định phân công hoặc
thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; kiểm tra hoạt động thực hành quyền công
tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của Kiểm sát
viên, Kiểm tra viên; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ
và trái pháp luật của Kiểm sát viên;
d) Quyết định rút, đình chỉ hoặc
hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo
thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
Khi vắng mặt, Viện trưởng Viện
kiểm sát ủy quyền cho một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn của Viện trưởng và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát về nhiệm
vụ được ủy quyền.
2. Khi thực hành quyền công tố
và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự, Viện trưởng
Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiếp nhận, giải quyết
nguồn tin về tội phạm, khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án
hình sự, khởi tố bị can; quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi, bổ sung
quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này;
b) Quyết định tạm đình chỉ việc
giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc
thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi
quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập, tách vụ án;
c) Quyết định áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc
biệt; quyết định việc gia hạn kiểm tra và xác minh nguồn tin về tội phạm, gia hạn
tạm giữ, gia hạn điều tra, gia hạn tạm giam, gia hạn truy tố;
d) Quyết định khám xét, thu giữ,
tạm giữ, xử lý vật chứng;
đ) Quyết định trưng cầu giám định,
giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu
thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay
đổi người định giá tài sản;
e) Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều
tra, cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra;
g) Phê chuẩn hoặc không phê chuẩn
quyết định, lệnh của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một
số hoạt động điều tra;
h) Quyết định hủy bỏ các quyết
định, lệnh không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
i) Giải quyết tranh chấp về thẩm
quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra; quyết định chuyển vụ
án;
k) Quyết định áp dụng, đình chỉ
biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
l) Quyết định áp dụng thủ tục
rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;
m) Quyết định truy tố bị can,
trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại;
n) Yêu cầu phục hồi điều tra; quyết
định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với
bị can; quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về
tội phạm; quyết định phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với bị
can, phục hồi vụ án, phục hồi vụ án đối với bị can;
o) Kháng nghị theo thủ tục phúc
thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Bộ
luật này;
p) Thực hiện quyền kiến nghị
theo quy định của pháp luật;
q) Ban hành quyết định, lệnh và
tiến hành các hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
3. Khi được phân công thực hành
quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó
Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này. Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi,
quyết định của mình.
4. Viện trưởng, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của
mình. Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát không được ủy quyền cho Kiểm
sát viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều 42.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên
1. Kiểm sát viên được phân công
thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình
sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Kiểm sát việc tiếp nhận, giải
quyết nguồn tin về tội phạm của cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Trực tiếp giải quyết và lập
hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm;
c) Kiểm sát việc thụ lý, giải
quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng
chế; kiểm sát việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc lập hồ sơ
vụ án của cơ quan, người có thẩm quyền điều tra; kiểm sát hoạt động khởi tố, điều
tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra;
d) Trực tiếp kiểm sát việc khám
nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng
nói, thực nghiệm điều tra, khám xét;
đ) Kiểm sát việc tạm đình chỉ,
phục hồi việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; việc tạm đình chỉ điều tra,
đình chỉ điều tra, phục hồi điều tra, kết thúc điều tra;
e) Đề ra yêu cầu điều tra; yêu
cầu Cơ quan điều tra truy nã, đình nã bị can;
g) Triệu tập và hỏi cung bị
can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố
giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân,
người làm chứng, bị hại, đương sự; lấy lời khai người bị
giữ trong trường hợp khẩn cấp;
h) Quyết định áp giải người bị
bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác,
người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18
tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay
đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
i) Trực tiếp tiến hành một số
hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này;
k) Yêu cầu thay đổi người có
thẩm quyền tiến hành tố tụng; yêu cầu hoặc đề nghị cử, thay đổi người bào chữa;
yêu cầu cử, đề nghị thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
l) Tiến hành tố tụng tại phiên
tòa; công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, các quyết
định khác của Viện kiểm sát về việc buộc tội đối với bị cáo; xét hỏi, đưa ra chứng
cứ, tài liệu, đồ vật, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải
quyết vụ án tại phiên tòa, phiên họp;
m) Kiểm sát việc tuân theo pháp
luật trong giai đoạn xét xử của Tòa án và những người tham gia tố tụng; kiểm
sát bản án, quyết định và các văn bản tố tụng khác của Tòa án;
n) Kiểm sát việc thi hành bản
án, quyết định của Tòa án;
o) Thực hiện quyền yêu cầu, kiến
nghị theo quy định của pháp luật;
p) Thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát theo sự phân
công của Viện trưởng Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật này.
2. Kiểm sát viên phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Viện trưởng
Viện kiểm sát về hành vi, quyết định của mình.
Điều 43.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm tra viên
1. Kiểm tra viên thực hiện những
nhiệm vụ, quyền hạn sau đây theo sự phân công của Kiểm sát viên:
a) Ghi biên bản lấy lời khai,
ghi biên bản hỏi cung và ghi các biên bản khác trong tố tụng hình sự;
b) Giao, chuyển, gửi các lệnh,
quyết định và các văn bản tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
c) Giúp Kiểm sát viên trong việc
lập hồ sơ kiểm sát, hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm và tiến hành
hoạt động tố tụng khác.
2. Kiểm tra viên phải chịu
trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát
và Kiểm sát viên về hành vi của mình.
Điều 44.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án Tòa án
1. Chánh án Tòa án có những nhiệm
vụ, quyền hạn:
a) Trực tiếp tổ chức việc xét xử
vụ án hình sự; quyết định giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử;
b) Quyết định phân công Phó
Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm giải quyết, xét xử vụ án hình sự; quyết định
phân công Thư ký Tòa án tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự; quyết định
phân công Thẩm tra viên thẩm tra hồ sơ vụ án hình sự;
c) Quyết định thay đổi Thẩm
phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án trước khi mở phiên tòa;
d) Ra quyết định thi hành án
hình sự;
đ) Quyết định hoãn chấp hành án
phạt tù;
e) Quyết định tạm đình chỉ chấp
hành án phạt tù;
g) Quyết định xóa án tích;
h) Giải quyết khiếu nại, tố cáo
thuộc thẩm quyền của Tòa án.
Khi vắng mặt, Chánh án Tòa án ủy
quyền cho một Phó Chánh án Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án.
Phó Chánh án Tòa án phải chịu trách nhiệm trước Chánh án Tòa án về nhiệm vụ được
ủy quyền.
2. Khi tiến hành việc giải quyết
vụ án hình sự, Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Quyết định áp dụng, thay đổi
hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam, xử lý vật chứng;
b) Quyết định áp dụng, đình chỉ
biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
c) Quyết định áp dụng thủ tục
rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;
d) Kiến nghị, kháng nghị theo
thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
đ) Quyết định và tiến hành hoạt
động tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án;
e) Tiến hành hoạt động tố
tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
3. Khi được phân công giải quyết,
xét xử vụ án hình sự, Phó Chánh án Tòa án có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định
tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
Phó Chánh án Tòa án không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về
hành vi, quyết định của mình.
4. Chánh án, Phó Chánh án Tòa
án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình. Chánh
án, Phó Chánh án Tòa án không được ủy quyền cho Thẩm phán thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn của mình.
Điều 45.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán
1. Thẩm phán được phân công giải
quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước
khi mở phiên tòa;
b) Tiến hành xét xử vụ án;
c) Tiến hành hoạt động tố tụng
và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử;
d) Tiến hành hoạt động tố tụng
khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có
những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này và những nhiệm vụ, quyền
hạn:
a) Quyết định áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ biện pháp tạm giam;
b) Quyết định trả hồ sơ để điều
tra bổ sung;
c) Quyết định đưa vụ án ra xét
xử; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;
d) Điều hành việc xét xử vụ án,
tranh tụng tại phiên tòa;
đ) Quyết định trưng cầu giám định,
giám định bổ sung hoặc giám định lại, thực nghiệm điều tra; thay đổi hoặc yêu cầu
thay đổi người giám định; yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu thay đổi người định
giá tài sản;
e) Yêu cầu hoặc đề nghị cử,
thay đổi người bào chữa; thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội;
yêu cầu cử, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Quyết định triệu tập những
người cần xét hỏi đến phiên tòa;
h) Thực hiện nhiệm vụ,
quyền hạn tố tụng khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo sự phân công của
Chánh án Tòa án theo quy định của Bộ luật này.
3. Thẩm phán phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
Điều 46.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm
1. Hội thẩm được phân công xét
xử sơ thẩm vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước
khi mở phiên tòa;
b) Tiến hành xét xử vụ án;
c) Tiến hành hoạt động tố tụng
và biểu quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử.
2. Hội thẩm phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
Điều 47.
Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thư ký Tòa án
1. Thư ký Tòa án được phân công
tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Kiểm tra sự có mặt của
những người được Tòa án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;
b) Phổ biến nội quy phiên tòa;
c) Báo cáo Hội đồng xét xử danh
sách những người được triệu tập đến phiên tòa và những người vắng mặt;
d) Ghi biên bản phiên tòa;
đ) Tiến hành hoạt động tố tụng khác thuộc thẩm
quyền của Tòa án theo sự phân công của Chánh án Tòa án.
2. Thư ký Tòa án phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật và trước Chánh án Tòa án về hành vi của mình.
Điều 48. Nhiệm vụ, quyền hạn
và trách nhiệm của Thẩm tra viên
1. Thẩm tra viên được phân công tiến hành tố tụng
đối với vụ án hình sự có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Thẩm tra hồ sơ vụ án mà bản án, quyết định của
Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo sự phân công của Chánh án hoặc Phó Chánh
án Tòa án;
b) Kết luận việc thẩm tra và báo cáo kết quả thẩm
tra với Chánh án Tòa án hoặc Phó Chánh án Tòa án;
c) Thẩm tra viên giúp Chánh án Tòa
án thực hiện nhiệm vụ về công tác thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa
án và nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án hoặc
Phó Chánh án Tòa án.
2. Thẩm tra viên phải chịu trách nhiệm trước
pháp luật và trước Chánh án, Phó Chánh án Tòa án về hành vi của mình.
Điều 49. Các trường hợp phải
từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối
tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại
diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa,
người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người
dịch thuật trong vụ án đó;
3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể
không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Điều 50. Người có quyền đề
nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
1. Kiểm sát viên.
2. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị hại,
nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện của họ.
3. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.
Điều 51. Thay đổi Điều tra
viên, Cán bộ điều tra
1. Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải từ chối
tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều
49 của Bộ luật này;
b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư
cách là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc
Thư ký Tòa án.
2. Việc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra
do Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định.
Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ
quan điều tra thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì
việc điều tra vụ án do Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp tiến hành.
Điều 52. Thay đổi Kiểm sát
viên, Kiểm tra viên
1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến
hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều
49 của Bộ luật này;
b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư
cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc
Thư ký Tòa án.
2. Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở
phiên tòa do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được phân
công giải quyết vụ án quyết định.
Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm
sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.
Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên
tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.
Điều 53. Thay đổi Thẩm phán,
Hội thẩm
1. Thẩm phán, Hội thẩm phải từ chối tham gia xét
xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều
49 của Bộ luật này;
b) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người
thân thích với nhau;
c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc
tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm
sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
2. Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm trước khi mở
phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án
quyết định.
Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Tòa án thì do
Chánh án Tòa án trên một cấp quyết định.
Việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại phiên tòa
do Hội đồng xét xử quyết định trước khi bắt đầu xét hỏi bằng cách biểu quyết tại
phòng nghị án. Khi xem xét thay đổi thành viên nào thì thành viên đó được trình
bày ý kiến của mình, Hội đồng quyết định theo đa số.
Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm tại
phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.
Điều 54. Thay đổi Thư ký
Tòa án
1. Thư ký Tòa án phải từ chối tiến hành tố tụng
hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại Điều
49 của Bộ luật này;
b) Đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm,
Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
2. Việc thay đổi Thư ký Tòa án trước khi mở
phiên tòa do Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án được phân công giải quyết vụ án
quyết định.
Việc thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên tòa do Hội
đồng xét xử quyết định.
Trường hợp phải thay đổi Thư ký Tòa án tại phiên
tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm ngừng phiên tòa.
Chương IV
NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG
Điều 55. Người tham gia tố
tụng
1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị
khởi tố.
2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
3. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
4. Người bị bắt.
5. Người bị tạm giữ.
6. Bị can.
7. Bị cáo.
8. Bị hại.
9. Nguyên đơn dân sự.
10. Bị đơn dân sự.
11. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ
án.
12. Người làm chứng.
13. Người chứng kiến.
14. Người giám định.
15. Người định giá tài sản.
16. Người phiên dịch, người dịch thuật.
17. Người bào chữa.
18. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự.
19. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.
20. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.
Điều 56. Người tố giác, báo
tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ
quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc
tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khỏe,
danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ,
người thân thích của họ khi bị đe dọa;
b) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản
1 Điều này phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn
tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.
Điều 57. Người bị tố giác,
người bị kiến nghị khởi tố
1. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
có quyền:
a) Được thông báo về hành vi bị tố giác, bị kiến
nghị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa
vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến;
d) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
đ) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
e) Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp cho mình;
g) Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, kiến
nghị khởi tố;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị
khởi tố.
Điều 58. Người bị giữ trong
trường hợp khẩn cấp, người bị bắt
1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người
bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy
nã có quyền:
a) Được nghe, nhận lệnh giữ người trong trường hợp
khẩn cấp, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định phê chuẩn
lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định truy nã;
b) Được biết lý do mình bị giữ, bị bắt;
c) Được thông báo, giải thích về quyền và
nghĩa vụ quy định tại Điều này;
d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không
buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giữ người, bắt
người.
2. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người
bị bắt có nghĩa vụ chấp hành lệnh giữ người, lệnh bắt người và yêu cầu của cơ
quan, người có thẩm quyền giữ người, bắt người theo quy định của Bộ luật
này.
Điều 59. Người bị tạm giữ
1. Người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường
hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định
truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm
giữ.
2. Người bị tạm giữ có quyền:
a) Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định
tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm
giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa
vụ quy định tại Điều này;
c) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không
buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
d) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
3. Người bị tạm giữ có nghĩa vụ chấp hành các
quy định của Bộ luật này và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Điều 60. Bị can
1. Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về
hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này.
2. Bị can có quyền:
a) Được biết lý do mình bị khởi tố;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa
vụ quy định tại Điều này;
c) Nhận quyết định khởi tố bị can; quyết định
thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định khởi
tố bị can, quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố
bị can; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng
chế; bản kết luận điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định
đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản cáo trạng, quyết định truy tố và các quyết định
tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không
buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị
thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá
tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu
được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên
quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;
k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
3. Bị can có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không
do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị
can đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc
buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi bị
can có yêu cầu quy định tại điểm i khoản 2 Điều này.
Điều 61. Bị cáo
1. Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án
quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực
hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ
luật này.
2. Bị cáo có quyền:
a) Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định
áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định
đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác
theo quy định của Bộ luật này;
b) Tham gia phiên tòa;
c) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa
vụ quy định tại Điều này;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị
thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá
tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng,
bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người
định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;
đ) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không
buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi
người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
k) Nói lời sau cùng trước khi nghị án;
l) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa
đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Bị cáo có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường
hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì
có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.
Điều 62. Bị hại
1. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về
thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản,
uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
2. Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ
quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy
định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ
án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người
dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt
hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị
chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại
phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định
của Bộ luật này;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp
pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của
bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên
tòa.
4. Bị hại có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng
hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
5. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc
bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa
vụ của người bị hại quy định tại Điều này.
Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách,
sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế
thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo
quy định tại Điều này.
Điều 63. Nguyên đơn dân sự
1. Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức
bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện của họ
có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ
quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ
án;
đ) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy
định của pháp luật;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người
dịch thuật;
g) Đề nghị mức bồi thường thiệt hại, biện pháp
bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị
chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp cho mình;
k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
l) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần
bồi thường thiệt hại;
m) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Nguyên đơn dân sự có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng;
b) Trình bày trung thực những tình tiết liên
quan đến việc bồi thường thiệt hại;
c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 64. Bị đơn dân sự
1. Bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà
pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2. Bị đơn dân sự hoặc người đại diện của họ có
quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ
quy định tại Điều này;
b) Chấp nhận hoặc bác bỏ một phần hoặc toàn bộ
yêu cầu của nguyên đơn dân sự;
c) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
d) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên
quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
đ) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy
định của pháp luật;
e) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ
án có liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại;
g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người
dịch thuật;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị
chủ tọa phiên tòa hỏi người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp cho mình;
k) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
l) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về phần
bồi thường thiệt hại;
m) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Bị đơn dân sự có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng;
b) Trình bày trung thực những tình tiết liên
quan đến việc bồi thường thiệt hại;
c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 65. Người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan đến vụ án
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ
án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình
sự.
2. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ
án hoặc người đại diện của họ có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ
quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy
định của pháp luật;
d) Tham gia phiên tòa; phát biểu ý kiến, đề nghị
chủ tọa phiên tòa hỏi những người tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa
để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
đ) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp cho mình;
e) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật
liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
g) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án về những
vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình;
h) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
i) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ
án có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng;
b) Trình bày trung thực những tình tiết liên
quan đến quyền và nghĩa vụ của mình;
c) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 66. Người làm chứng
1. Người làm chứng là người biết được những tình
tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng.
2. Những người sau đây không được làm chứng:
a) Người bào chữa của người bị buộc tội;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất
mà không có khả năng nhận thức được những tình tiết liên quan nguồn tin về tội
phạm, về vụ án hoặc không có khả năng khai báo đúng đắn.
3. Người làm chứng có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ
quy định tại Điều này;
b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người
thân thích của mình khi bị đe dọa;
c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia
làm chứng;
d) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi
lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
4. Người làm chứng có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả
kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại
cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử
thì có thể bị dẫn giải;
b) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình
biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những
tình tiết đó.
5. Người làm chứng khai báo gian dối hoặc từ chối
khai báo, trốn tránh việc khai báo mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không
do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ
luật Hình sự.
6. Cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc
hoặc học tập có trách nhiệm tạo điều kiện để họ tham gia tố tụng.
Điều 67. Người chứng kiến
1. Người chứng kiến là người được cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng yêu cầu chứng kiến việc tiến hành hoạt động tố tụng
theo quy định của Bộ luật này.
2. Những người sau đây không được làm người chứng
kiến:
a) Người thân thích của người bị buộc tội, người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
b) Người do nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất
mà không có khả năng nhận thức đúng sự việc;
c) Người dưới 18 tuổi;
d) Có lý do khác cho thấy người đó không khách
quan.
3. Người chứng kiến có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ
quy định tại Điều này;
b) Yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
tuân thủ quy định của pháp luật, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm,
tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình
khi bị đe dọa;
c) Xem biên bản tố tụng, đưa ra nhận xét về hoạt
động tố tụng mà mình chứng kiến;
d) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia chứng
kiến;
đ) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí
theo quy định của pháp luật.
4. Người chứng kiến có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng;
b) Chứng kiến đầy đủ hoạt động tố tụng được yêu
cầu;
c) Ký biên bản về hoạt động mà mình chứng kiến;
d) Giữ bí mật về hoạt động điều tra mà mình chứng
kiến;
đ) Trình bày trung thực những tình tiết mà mình
chứng kiến theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 68. Người giám định
1. Người giám định là người có kiến thức chuyên
môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.
2. Người giám định có quyền:
a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến
đối tượng phải giám định;
b) Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố
tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận;
c) Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt
câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;
d) Từ chối thực hiện giám định trong trường hợp
thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc
không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu
biết chuyên môn của mình;
đ) Ghi riêng ý kiến của mình vào bản
kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định
do tập thể giám định tiến hành;
e) Các quyền khác theo quy định của Luật giám
định tư pháp.
3. Người giám định có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng;
b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực
hiện giám định;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Giám
định tư pháp.
4. Người giám định kết luận gian dối hoặc từ chối
kết luận giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách
quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
5. Người giám định phải từ chối tham gia tố tụng
hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại
diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa,
người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản
trong vụ án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
6. Việc thay đổi người giám định do cơ quan
trưng cầu giám định quyết định.
Điều 69. Người định giá tài
sản
1. Người định giá tài sản là người có kiến thức
chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người
tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
2. Người định giá tài sản có quyền:
a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối
tượng phải định giá;
b) Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người
tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định
giá;
c) Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp
thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc
không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu
biết chuyên môn của mình;
d) Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận
chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
3. Người định giá tài sản có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng;
b) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực
hiện định giá tài sản;
c) Các nghĩa vụ khác theo quy định của luật.
4. Người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc
từ chối tham gia định giá mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại
khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
5. Người định giá tài sản phải từ chối tham gia
tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại
diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa,
người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ
án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
6. Việc thay đổi người định giá tài sản do cơ
quan yêu cầu định giá tài sản quyết định.
Điều 70. Người phiên dịch,
người dịch thuật
1. Người phiên dịch, người dịch thuật là người
có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt
hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.
2. Người phiên dịch, người dịch thuật có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ
quy định tại Điều này;
b) Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức
khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của
mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
c) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch
thuật;
d) Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch,
dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
3. Người phiên dịch, người dịch thuật có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng;
b) Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên
dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu
trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
c) Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi
phiên dịch, dịch thuật;
d) Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc
thực hiện nghĩa vụ của mình.
4. Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối
tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại
diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
b) Đã tham gia với tư cách là người bào chữa,
người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;
c) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
5. Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch
thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.
6. Những quy định tại Điều này cũng áp dụng đối
với người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người
mù.
Điều 71. Trách nhiệm thông
báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của
người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp người bị buộc tội, người bị hại thuộc
diện được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý thì cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm giải thích cho họ quyền được
trợ giúp pháp lý; nếu họ đề nghị được trợ giúp pháp lý thì cơ quan, người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
2. Việc thông báo, giải thích phải ghi vào biên
bản.
Chương V
BÀO CHỮA, BẢO VỆ
QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA BỊ HẠI, ĐƯƠNG SỰ
Điều 72. Người
bào chữa
1. Người bào chữa là người được
người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ
định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng
ký bào chữa.
2. Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc
tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường
hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
3. Bào chữa viên nhân dân là công
dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức
tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao,
được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử
tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
4. Những người sau đây không được
bào chữa:
a) Người đã tiến hành tố tụng vụ
án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
b) Người tham gia vụ án đó với tư
cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch,
người dịch thuật;
c) Người đang bị truy cứu trách
nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt
buộc.
5. Một người bào chữa có thể bào
chữa cho nhiều người bị buộc tội trong cùng vụ án nếu quyền và lợi ích của họ
không đối lập nhau.
Nhiều người bào chữa có thể bào chữa
cho một người bị buộc tội.
Điều 73. Quyền
và nghĩa vụ của người bào chữa
1. Người bào chữa có quyền:
a) Gặp, hỏi người bị buộc tội;
b) Có mặt khi lấy lời khai của người
bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy
lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người
bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
c) Có mặt trong hoạt động đối
chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo
quy định của Bộ luật này;
d) Được cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời
gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này;
đ) Xem biên bản về hoạt động tố tụng
có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
e) Đề nghị thay đổi người có
thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người
phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện
pháp cưỡng chế;
g) Đề nghị tiến hành hoạt động tố
tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người
tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
h) Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài
liệu, đồ vật, yêu cầu;
i) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến
về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
k) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá
lại tài sản;
l) Đọc, ghi chép và sao chụp những
tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều
tra;
m) Tham gia hỏi, tranh luận tại
phiên tòa;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố
tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Kháng cáo bản án, quyết định của
Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc
thể chất theo quy định của Bộ luật này.
2. Người bào chữa có nghĩa vụ:
a) Sử dụng mọi biện pháp do pháp luật
quy định để làm sáng tỏ những tình tiết xác định người bị buộc tội vô tội, những
tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo;
b) Giúp người bị buộc tội về mặt
pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
c) Không được từ chối bào chữa cho
người bị buộc tội mà mình đã đảm nhận bào chữa nếu không vì lý do bất khả kháng
hoặc không phải do trở ngại khách quan;
d) Tôn trọng sự thật; không được
mua chuộc, cưỡng ép hoặc xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu
sai sự thật;
đ) Có mặt theo giấy triệu tập của
Tòa án; trường hợp chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản
1 Điều 76 của Bộ luật này thì phải có mặt theo yêu cầu của Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát;
e) Không được tiết lộ bí mật điều
tra mà mình biết khi thực hiện bào chữa; không được sử dụng tài liệu đã ghi
chép, sao chụp trong hồ sơ vụ án vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi
ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
g) Không được tiết lộ thông tin về
vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người
này đồng ý bằng văn bản và không được sử dụng thông tin đó vào mục đích xâm
phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ
quan, tổ chức, cá nhân.
3. Người bào chữa vi phạm pháp luật
thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị hủy bỏ việc đăng ký bào chữa, bị xử
lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu
gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của luật.
Điều 74. Thời
điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Người bào chữa tham gia tố tụng từ
khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì
người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ
quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra
đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm
quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Điều 75. Lựa
chọn người bào chữa
1. Người bào chữa do người bị buộc
tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
2. Trong thời hạn 12 giờ kể từ
khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ
thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách
nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của
họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa
thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn
này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người
bào chữa.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ
quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này
cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người
bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang
quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người
thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.
3. Trường hợp người đại diện hoặc
người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn
yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo
ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc
nhờ người bào chữa.
4. Người bị buộc tội, người đại diện
hoặc người thân thích của họ đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ
chức thành viên của Mặt trận từ huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trở lên cử bào chữa
viên nhân dân để bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Điều 76. Chỉ
định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu
người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người
bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa
cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật
Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân,
tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm
về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là
người dưới 18 tuổi.
2. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử người bào chữa cho các
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này:
a) Đoàn luật sư phân công tổ chức
hành nghề luật sư cử người bào chữa;
b) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà
nước cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư bào chữa cho người thuộc diện được trợ
giúp pháp lý;
c) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa
cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
Điều 77. Thay
đổi hoặc từ chối người bào chữa
1. Những người sau đây có quyền từ
chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa:
a) Người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc
tội;
c) Người thân thích của người bị
buộc tội.
Mọi trường hợp thay đổi hoặc từ chối
người bào chữa đều phải có sự đồng ý của người bị buộc tội và được lập biên bản
đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1
Điều 76 của Bộ luật này.
2. Trường hợp người bị bắt, người
bị tạm giữ, người bị tạm giam trong giai đoạn điều tra có đề nghị từ chối người
bào chữa do người thân thích của họ nhờ thì Điều tra viên phải cùng người bào
chữa đó trực tiếp gặp người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác
nhận việc từ chối.
3. Trường hợp chỉ định người
bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này, người
bị buộc tội và người đại diện hoặc người thân thích của họ vẫn có quyền yêu cầu
thay đổi hoặc từ chối người bào chữa.
Trường hợp thay đổi người bào chữa
thì việc chỉ định người bào chữa khác được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Bộ luật này.
Trường hợp từ chối người bào chữa
thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người
bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của
người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật
này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
Điều 78. Thủ
tục đăng ký bào chữa
1. Trong mọi trường hợp tham gia tố
tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.
2. Khi đăng ký bào chữa, người bào
chữa phải xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư
kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc
của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
b) Người đại diện của người bị buộc
tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao
có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của
họ với người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân xuất
trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng
thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
d) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư
thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp
pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý
hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
3. Trường hợp chỉ định người bào
chữa quy định tại Điều 76 của Bộ luật này thì người bào chữa
xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư
kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật
sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật
sư hành nghề là cá nhân;
b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình
Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực
và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và
các tổ chức thành viên của Mặt trận;
c) Trợ giúp viên pháp lý, luật sư
thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ
luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp
pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối
việc đăng ký bào chữa quy định tại khoản 5 Điều này thì vào sổ đăng ký bào chữa,
gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở
giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu
xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý
do bằng văn bản.
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;
b) Người bị buộc tội thuộc trường
hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa.
6. Văn bản thông báo người bào chữa
có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:
a) Người bị buộc tội từ chối hoặc
đề nghị thay đổi người bào chữa;
b) Người đại diện hoặc người
thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản
1 Điều 76 của Bộ luật này từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.
7. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ
sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi phát hiện người bào chữa
thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;
b) Vi phạm pháp luật khi tiến hành
bào chữa.
Điều 79.
Trách nhiệm thông báo cho người bào chữa
1. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa
điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật
này.
2. Trường hợp người bào chữa đã được
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt thì hoạt động
tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều
291 của Bộ luật này.
Điều 80. Gặp
người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam
1. Để gặp người bị bắt, người bị tạm
giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam, người bào chữa phải xuất trình văn
bản thông báo người bào chữa, Thẻ luật sư hoặc Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc
Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.
2. Cơ quan quản lý người bị bắt,
người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam phải phổ biến nội quy,
quy chế của cơ sở giam giữ và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh.
Trường hợp phát hiện người bào chữa vi phạm quy định về việc gặp thì phải dừng
ngay việc gặp và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định
của pháp luật.
Điều 81. Thu
thập, giao chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa
1. Người bào chữa thu thập chứng cứ,
tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa theo quy định tại khoản 2 Điều 88 của Bộ luật này.
2. Tùy từng giai đoạn tố tụng,
khi thu thập được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa, người
bào chữa phải kịp thời giao cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để
đưa vào hồ sơ vụ án. Việc giao, nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được lập
biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
3. Trường hợp không thể thu thập
được chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa thì người bào chữa
có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập.
Điều 82. Đọc,
ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án
1. Sau khi kết thúc điều tra, nếu
có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc
bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời
gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ
án.
2. Sau khi đọc, ghi chép, sao chụp
tài liệu, người bào chữa phải bàn giao nguyên trạng hồ sơ vụ án cho cơ quan đã
cung cấp hồ sơ. Nếu để mất, thất lạc, hư hỏng tài liệu, hồ sơ vụ án thì tùy
tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 83. Người
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi
tố
1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố
giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có thể là:
a) Luật sư;
b) Bào chữa viên nhân dân;
c) Người đại diện;
d) Trợ giúp viên pháp lý.
3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền:
a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật,
yêu cầu;
b) Kiểm tra, đánh
giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác,
người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý
thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời
khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố
giác, người bị kiến nghị khởi tố;
d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng
nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của
người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có nghĩa vụ:
a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để
góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;
b) Giúp người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi
tố về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Điều 84. Người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự
1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp.
2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý.
3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự có quyền:
a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
b) Kiểm tra, đánh giá và trình
bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền
tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
c) Yêu cầu giám định, định giá tài sản;
d) Có mặt khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng lấy lời khai, đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói của người mà
mình bảo vệ; đọc, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan
đến việc bảo vệ quyền lợi của bị hại và đương sự sau khi kết thúc điều tra;
đ) Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa; xem
biên bản phiên tòa;
e) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người
dịch thuật;
h) Kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án
có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18
tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự có nghĩa vụ:
a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để
góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án;
b) Giúp bị hại, đương sự về pháp lý nhằm bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Chương VI
CHỨNG MINH VÀ CHỨNG CỨ
Điều 85. Những vấn đề phải
chứng minh trong vụ án hình sự
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự,
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời
gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay
không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục
đích, động cơ phạm tội;
3. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm
hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;
4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội
gây ra;
5. Nguyên nhân và điều kiện phạm tội;
6. Những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ
trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt.
Điều 86. Chứng cứ
Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập
theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định
có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những
tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Điều 87. Nguồn chứng cứ
1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác
quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
2. Những gì có thật nhưng không được thu thập
theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và
không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.
Điều 88. Thu thập chứng cứ
1. Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định
của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu,
đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
2. Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền
gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về
vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ
quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến
việc bào chữa.
3. Những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức
hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu
điện tử và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.
4. Khi tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ
liệu điện tử liên quan đến vụ án do những người quy định tại khoản 2 và khoản 3
Điều này cung cấp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản
giao nhận và kiểm tra, đánh giá theo quy định của Bộ luật này.
5. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản
về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm
sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách
nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ
sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể
kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm
sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn
giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài
liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ
luật này.
Điều 89. Vật chứng
Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương
tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền
hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa
trong việc giải quyết vụ án.
Điều 90. Bảo quản vật chứng
1. Vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn,
không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Việc bảo quản vật chứng được thực hiện như
sau:
a) Vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm
phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong được lập biên bản
và đưa vào hồ sơ vụ án. Việc niêm phong, mở niêm phong vật chứng được
thực hiện theo quy định của Chính phủ;
b) Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá
quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải
được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc
Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim
khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo
quy định tại điểm a khoản này; vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể
người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại
cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật;
c) Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm
quyền tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc
người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật
chứng bảo quản;
d) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản
thì cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo
quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm
quyền tại Kho bạc Nhà nước để quản lý;
đ) Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách
nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành
án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi
hành án.
2. Người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để
mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng,
đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì tuỳ tính chất, mức độ vi
phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của
luật.
Trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy,
làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu
trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của luật.
Điều 91. Lời khai của người
làm chứng
1. Người làm chứng trình bày những gì mà họ biết
nguồn tin về tội phạm, về vụ án, nhân thân của người bị buộc tội, bị hại, quan
hệ giữa họ với người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng khác và trả lời những
câu hỏi đặt ra.
2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết
do người làm chứng trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết
đó.
Điều 92. Lời khai của bị hại
1. Bị hại trình bày những tình tiết về nguồn tin
về tội phạm, vụ án, quan hệ giữa họ với người bị buộc tội và trả lời những câu
hỏi đặt ra.
2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết
do bị hại trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Điều 93. Lời khai của
nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự
1. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày những
tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do tội phạm gây ra.
2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết
do nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trình bày nếu họ không thể nói rõ vì sao biết
được tình tiết đó.
Điều 94. Lời khai của người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án
1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ
án trình bày những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
2. Không được dùng làm chứng cứ những tình tiết
do người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trình bày nếu họ không thể
nói rõ vì sao biết được tình tiết đó.
Điều 95. Lời khai của người
bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố,
người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ
Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị
tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị
bắt, bị tạm giữ trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện
tội phạm.
Điều 96. Lời khai của người
tố giác, báo tin về tội phạm
Người tố giác, báo tin về tội phạm trình bày những
tình tiết liên quan đến việc họ tố giác, báo tin về tội phạm.
Điều 97. Lời khai của người
chứng kiến
Người chứng kiến trình bày những tình tiết mà họ
đã chứng kiến trong hoạt động tố tụng.
Điều 98. Lời khai của bị
can, bị cáo
1. Bị can, bị cáo trình bày những tình tiết của
vụ án.
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được
coi là chứng cứ nếu phù hợp với những chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo
làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội.
Điều 99. Dữ liệu điện tử
1. Dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số,
hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận
được bởi phương tiện điện tử.
2. Dữ liệu điện tử được thu thập từ phương tiện
điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử
khác.
3. Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác
định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử;
cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định
người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Điều 100. Kết luận giám định
1. Kết luận giám định là văn bản do cá nhân hoặc
cơ quan, tổ chức giám định lập để kết luận chuyên môn về những vấn đề được
trưng cầu, yêu cầu giám định.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân kết luận về vấn đề
được trưng cầu, yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó.
Nếu việc giám định do tập thể giám định tiến
hành thì tất cả thành viên đều ký vào bản kết luận. Trường hợp có ý kiến khác
nhau thì mỗi người ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng không đồng ý với kết luận giám định thì phải nêu rõ lý do, nếu kết luận
chưa rõ hoặc chưa đầy đủ thì quyết định giám định bổ sung hoặc giám định lại
theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
4. Kết luận giám định của người được trưng cầu
giám định thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thì không có giá trị pháp
lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Điều 101. Kết luận định
giá tài sản
1. Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định
giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu.
Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và
phải chịu trách nhiệm về kết luận đó.
2. Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả
thành viên Hội đồng định giá tài sản. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản
do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận của mình
vào bản kết luận.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố
tụng không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do; nếu kết
luận chưa rõ thì quyết định định giá lại theo thủ tục chung quy định
tại Bộ luật này.
4. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản
vi phạm quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì
không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Điều 102. Biên bản về hoạt
động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét
xử
Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt
động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét
xử được lập theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ.
Điều 103. Kết quả thực hiện
ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác
Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc
tế khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp có thể được coi là
chứng cứ nếu phù hợp với chứng cứ khác của vụ án.
Điều 104. Các tài liệu,
đồ vật khác trong vụ án
Những tình tiết liên quan đến vụ án ghi trong
tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng
cứ. Trường hợp tài liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều
89 của Bộ luật này thì được coi là vật chứng.
Điều 105. Thu thập vật chứng
Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả
đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án. Trường hợp vật chứng không
thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ
án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Điều 106. Xử lý vật chứng
1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được
đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình
chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở
giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra
xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm
tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà
có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được
thì bị tịch thu và tiêu hủy.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan,
người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng
không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản
lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì
có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu
hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại
lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên
ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật
chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Điều 107. Thu thập phương tiện
điện tử, dữ liệu điện tử
1. Phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy
đủ, mô tả đúng thực trạng và niêm phong ngay sau khi thu giữ. Việc niêm phong,
mở niêm phong được tiến hành theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ dữ liệu
điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó
vào phương tiện điện tử và bảo quản như đối với vật chứng, đồng thời yêu cầu cơ
quan, tổ chức, cá nhân liên quan lưu trữ, bảo toàn nguyên vẹn dữ liệu điện tử
mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã sao lưu và cơ quan, tổ chức, cá
nhân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Khi thu thập, chặn thu, sao lưu dữ liệu điện
tử từ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền,
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành phải lập biên bản và đưa vào
hồ sơ vụ án.
3. Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định
của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì cá nhân, tổ chức có trách nhiệm
thực hiện phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện tử.
4. Việc phục hồi, tìm kiếm, giám định dữ liệu điện
tử chỉ được thực hiện trên bản sao; kết quả phục hồi, tìm kiếm, giám định phải
chuyển sang dạng có thể đọc, nghe hoặc nhìn được.
5. Phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được bảo quản
như vật chứng theo quy định của Bộ luật này. Khi xuất trình chứng cứ là dữ liệu
điện tử phải kèm theo phương tiện lưu trữ dữ liệu hoặc bản sao dữ liệu điện tử.
Điều 108. Kiểm tra, đánh giá chứng
cứ
1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh
giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định
những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn
diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
Chương VII
BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, BIỆN
PHÁP CƯỠNG CHẾ
Mục I. BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN
Điều 109. Các biện pháp
ngăn chặn
1. Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có
căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố,
xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng
biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo
lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ
trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy
nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Điều 110. Giữ người trong
trường hợp khẩn cấp
1. Khi thuộc một trong các trường hợp khẩn cấp
sau đây thì được giữ người:
a) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn
bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc
người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là
người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở
hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và
xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
2. Những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người
trong trường hợp khẩn cấp:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
các cấp;
b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và
tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng,
Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc Trung ương, Cục
trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống
ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống
ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục
trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn
đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng
Chi cục Kiểm ngư vùng;
c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay,
tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
3. Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải
ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định tại khoản
1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ
luật này. Việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp
phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người
trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp
thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản
2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do
ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi
ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài
liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, những
người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này phải giải ngay người bị giữ kèm theo
tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều
tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể
từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những
người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh
bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người
đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm
sát cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.
Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn
cấp phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị giữ, lý do, căn cứ giữ người quy định
tại khoản 1 Điều này và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều
132 của Bộ luật này.
5. Hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt
người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp gồm:
a) Văn bản đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn lệnh
bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp;
b) Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh
bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định tạm giữ;
c) Biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp;
d) Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong
trường hợp khẩn cấp;
đ) Chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc
giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
6. Viện kiểm sát phải kiểm sát chặt chẽ căn cứ
giữ người quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải
trực tiếp gặp, hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi xem xét,
quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ
trong trường hợp khẩn cấp. Biên bản ghi lời khai của người bị giữ trong trường
hợp khẩn cấp do Kiểm sát viên lập phải đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án.
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ
đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Viện kiểm
sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Trường hợp
Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp
khẩn cấp thì người đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều
tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người
bị giữ.
Điều 111. Bắt người phạm tội
quả tang
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc
ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ
người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện
kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản
tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm
quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang thì người nào
cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn
Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm
giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản
bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp
luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Điều 112. Bắt người đang bị
truy nã
1. Đối với người đang bị truy nã thì bất kỳ người
nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, Viện kiểm
sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp
nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người đang bị truy nã thì người nào
cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
3. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn
Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ
vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt
giữ người, lấy lời khai ban đầu; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ
quan điều tra có thẩm quyền.
Điều 113. Bắt bị can, bị
cáo để tạm giam
1. Những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định
bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn
trước khi thi hành;
b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;
c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và
Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
2. Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định
bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung quy
định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh,
quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và
phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.
Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú
phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi
tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ
quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người
tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn
nơi tiến hành bắt người.
3. Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường
hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã.
Điều 114. Những việc cần
làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận
người bị giữ, bị bắt
1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp,
bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và
trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
2. Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết
định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ
quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt,
cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.
Trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã
không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra
nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan
đã ra quyết định truy nã biết; nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết
định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm
giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện
kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.
Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt
thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay
lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho
Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều
tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất.
3. Trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định
truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt chuyển giao người bị bắt cho cơ
quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất.
Điều 115. Biên bản về việc
giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người
1. Người thi hành lệnh giữ người trong trường hợp
khẩn cấp, thi hành lệnh hoặc quyết định bắt trong mọi trường hợp đều phải lập
biên bản.
Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa
điểm giữ, bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong
khi thi hành lệnh giữ, lệnh hoặc quyết định bắt, tài liệu, đồ vật bị tạm giữ,
tình trạng sức khỏe và ý kiến, khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt và các
nội dung quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Biên bản được đọc cho người bị giữ, người bị bắt
và người chứng kiến nghe. Người bị giữ, người bị bắt, người thi hành lệnh giữ,
lệnh hoặc quyết định bắt và người chứng kiến cùng ký tên vào biên bản, nếu ai
có ý kiến khác hoặc không đồng ý với nội dung biên bản thì có quyền ghi vào
biên bản và ký tên.
Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật của người bị giữ,
người bị bắt phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.
2. Khi giao, nhận người bị giữ, người bị bắt phải
lập biên bản.
Ngoài nội dung quy định tại khoản 1 Điều này,
biên bản giao nhận còn phải ghi rõ việc bàn giao biên bản lấy lời khai, tài
liệu, đồ vật đã thu thập được, tình trạng sức khỏe của người bị giữ, người bị
bắt và những tình tiết xảy ra khi giao nhận.
Điều 116. Thông báo về việc
giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người
Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh
giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình
người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc
cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ,
bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình
người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc
cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết; trường hợp người bị giữ,
người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của
Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ,
bị bắt.
Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng
khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ
người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người
bị bắt phải thông báo ngay.
Điều 117. Tạm giữ
1. Tạm giữ có thể áp dụng đối với người bị giữ
trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả
tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định
truy nã.
2. Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người
quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra
quyết định tạm giữ.
Quyết định tạm giữ phải ghi rõ họ tên, địa
chỉ của người bị tạm giữ, lý do tạm giữ, giờ, ngày bắt đầu và giờ,
ngày hết thời hạn tạm giữ và các nội dung quy định tại khoản
2 Điều 132 của Bộ luật này. Quyết định tạm giữ phải giao cho người bị tạm
giữ.
3. Người thi hành quyết định tạm giữ phải thông
báo, giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ quy định tại Điều 59 của Bộ luật này.
4. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định
tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các
tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm
quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện
kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ
phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
Điều 118. Thời hạn tạm giữ
1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về
trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm
tội tự thú, đầu thú.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm
giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người
ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03
ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện
kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12
giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết
định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố
bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ
thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm
giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.
Điều 119. Tạm giam
1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị
cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị
cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình
phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường
hợp:
a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng
vi phạm;
b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định
được lý lịch của bị can;
c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc
có dấu hiệu bỏ trốn;
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục
phạm tội;
đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người
khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng
cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống
chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân
thích của những người này.
3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị
cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm
nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc
đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có
nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn
khác, trừ các trường hợp:
a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
b) Tiếp tục phạm tội;
c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người
khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng
cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống
chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân
thích của những người này;
d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc
gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại
đến an ninh quốc gia.
5. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định
tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm
a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê
chuẩn trước khi thi hành. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm
giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát
phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải
hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
6. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của
người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền
xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người
bị tạm giam làm việc, học tập biết.
Điều 120. Việc chăm nom
người thân thích và bảo quản tài sản của người bị tạm giữ, tạm giam
1. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có người
thân thích là người tàn tật, già yếu, có nhược điểm về tâm thần mà không có người
chăm sóc thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao
người đó cho người thân thích khác chăm nom; trường hợp không có người thân
thích thì cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết định tạm giam giao những
người đó cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú chăm nom. Việc chăm
sóc, nuôi dưỡng trẻ em là con của người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện theo quy
định của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
2. Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam có nhà ở
hoặc tài sản khác mà không có người bảo quản thì cơ quan ra quyết định tạm giữ,
lệnh hoặc quyết định tạm giam phải áp dụng những biện pháp bảo quản.
3. Cơ quan ra quyết định tạm giữ, lệnh hoặc quyết
định tạm giam thông báo cho người bị tạm giữ, tạm giam biết việc chăm nom, chăm
sóc người thân thích và bảo quản tài sản của họ. Việc thông báo được lập văn bản
và đưa vào hồ sơ vụ án.
Điều 121. Bảo lĩnh
1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm
giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân
thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định
cho họ được bảo lĩnh.
2. Cơ quan, tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị
can, bị cáo là người của cơ quan, tổ chức mình. Cơ quan, tổ chức nhận bảo lĩnh
phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Cá nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, nhân
thân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện
quản lý người được bảo lĩnh thì có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo là người
thân thích của họ và trong trường hợp này thì ít nhất phải có 02 người. Cá
nhân nhận bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan có xác nhận của chính quyền xã, phường,
thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
Trong giấy cam đoan, cơ quan, tổ chức, cá nhân
nhận bảo lĩnh phải cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy
định tại khoản 3 Điều này. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh được thông
báo về những tình tiết của vụ án liên quan đến việc nhận bảo lĩnh.
3. Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy
cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì
lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người
khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo
chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án;
không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm
và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam
đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.
4. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
có quyền ra quyết định bảo lĩnh. Quyết định của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm
sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
5. Thời hạn bảo lĩnh không được quá thời hạn điều
tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn bảo lĩnh đối với
người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm
người đó đi chấp hành án phạt tù.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận bảo lĩnh để bị
can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ đã cam đoan thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị
phạt tiền theo quy định của pháp luật.
Điều 122. Đặt tiền để bảo
đảm
1. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn
thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi,
nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo
đảm.
2. Bị can, bị cáo được đặt tiền phải làm giấy
cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì
lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người
khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo
chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án;
không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm
và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam
đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam và số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp
ngân sách nhà nước.
3. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
có quyền ra quyết định về việc đặt tiền để bảo đảm. Quyết định của những người
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải
được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
4. Thời hạn đặt tiền không quá thời hạn điều
tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định tại Bộ luật này. Thời hạn đặt tiền đối với
người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm
người đó đi chấp hành án phạt tù. Bị can, bị cáo chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ
đã cam đoan thì Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm trả lại cho họ số tiền đã
đặt.
5. Người thân thích của bị can, bị cáo được Cơ
quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận cho đặt tiền để bảo đảm phải làm
giấy cam đoan không để bị can, bị cáo vi phạm các nghĩa vụ quy định tại khoản 2
Điều này, nếu vi phạm thì số tiền đã đặt bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
Khi làm giấy cam đoan, người này được thông báo về những tình tiết của vụ án có
liên quan đến bị can, bị cáo.
6. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ
trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm
giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm.
Điều 123. Cấm đi khỏi nơi
cư trú
1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn
có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng nhằm bảo
đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,
Tòa án.
2. Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải
làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:
a) Không đi khỏi nơi cư trú nếu không được cơ
quan đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cho phép;
b) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì
lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;
c) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;
d) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người
khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo
chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án;
không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm
và người thân thích của những người này.
Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam
đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.
3. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa,
Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
4. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời
hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn cấm
đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi
tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
5. Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải
thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn
nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao
bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để
quản lý, theo dõi họ.
Trường hợp bị can, bị cáo vì lý do bất khả kháng
hoặc do trở ngại khách quan phải tạm thời đi khỏi nơi cư trú thì phải được sự đồng
ý của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc đơn vị quân đội
quản lý họ và phải có giấy cho phép của người đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư
trú.
6. Nếu bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan
thì chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội
đang quản lý bị can, bị cáo phải báo ngay cho cơ quan đã ra lệnh cấm đi khỏi
nơi cư trú biết để xử lý theo thẩm quyền.
Điều 124. Tạm hoãn xuất cảnh
1. Có thể tạm hoãn xuất cảnh đối với những người
sau đây khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của họ có dấu hiệu bỏ trốn:
a) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố
mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội
phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ;
b) Bị can, bị cáo.
2. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
có quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Quyết định tạm hoãn xuất cảnh của những
người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này
phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
3. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời
hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo
quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án
phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp
hành án phạt tù.
Điều 125. Hủy bỏ hoặc thay
thế biện pháp ngăn chặn
1. Mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được
hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;
c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ
án đối với bị can;
d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn
trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng
án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hủy bỏ
biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện
pháp ngăn chặn khác.
Đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm
sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc hủy bỏ hoặc thay thế bằng biện
pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định; trong thời hạn 10 ngày
trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn, trừ biện pháp tạm giữ do Viện
kiểm sát phê chuẩn, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp ngặn chặn này phải
thông báo cho Viện kiểm sát để quyết định hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn
chặn khác.
Mục II. BIỆN
PHÁP CƯỠNG CHẾ
Điều 126.
Các biện pháp cưỡng chế
Để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều
tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải,
kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản.
Điều 127. Áp
giải, dẫn giải
1. Áp giải có thể áp dụng đối với
người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.
2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
a) Người làm chứng trong trường hợp
họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không
do trở ngại khách quan;
b) Người bị hại trong trường hợp họ
từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
c) Người bị tố giác, người bị kiến
nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan
đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt
không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
3. Điều tra viên, cấp trưởng của
cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên,
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn
giải.
4. Quyết định áp giải, quyết định
dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp
giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và
các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
5. Người thi hành quyết định áp giải,
dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn
giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội
nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn
giải.
6. Không được bắt đầu việc áp giải,
dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người
bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.
Điều 128. Kê
biên tài sản
1. Kê biên tài sản chỉ áp dụng đối
với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể
bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
2. Những người có thẩm quyền quy định
tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa có quyền ra lệnh kê biên tài sản. Lệnh kê biên của những người được
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải
được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
3. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng
với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Tài
sản bị kê biên được giao cho chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp hoặc người
thân thích của họ bảo quản. Người được giao bảo quản mà có hành vi tiêu dùng,
chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài sản bị kê biên thì phải chịu
trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
4. Khi tiến hành kê biên tài sản
phải có mặt những người:
a) Bị can, bị cáo hoặc người đủ
18 tuổi trở lên trong gia đình hoặc người đại diện của bị can, bị cáo;
b) Đại diện chính quyền xã, phường,
thị trấn nơi có tài sản bị kê biên;
c) Người chứng kiến.
Người tiến hành kê biên phải lập
biên bản, ghi rõ tên và tình trạng từng tài sản bị kê biên. Biên bản được lập
theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này, đọc cho những
người có mặt nghe và cùng ký tên. Ý kiến, khiếu nại của những người quy định tại
điểm a khoản này liên quan đến việc kê biên được ghi vào biên bản, có chữ ký
xác nhận của họ và của người tiến hành kê biên.
Biên bản kê biên được lập thành bốn
bản, trong đó một bản được giao ngay cho người được quy định tại điểm a khoản này
sau khi kê biên xong, một bản giao ngay cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi
có tài sản bị kê biên, một bản gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản đưa
vào hồ sơ vụ án.
Điều 129.
Phong tỏa tài khoản
1. Phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng
đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị
tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định
người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước. Phong tỏa tài
khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng
số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
2. Những người có thẩm quyền quy định
tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này, Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa có quyền ra lệnh phong tỏa tài khoản. Lệnh phong tỏa tài khoản của những
người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này
phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp trước khi thi hành.
3. Chỉ phong tỏa số tiền trong tài
khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường
thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong
tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo
quy định của Bộ luật Hình sự.
4. Khi tiến hành phong tỏa tài khoản,
cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phải giao quyết định phong tỏa tài khoản
cho tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị
buộc tội hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội
của người bị buộc tội. Việc giao, nhận lệnh phong tỏa tài khoản phải được lập
thành biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Ngay sau khi nhận được lệnh phong
tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của
người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên
quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải
thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.
Biên bản về việc phong tỏa tài khoản
được lập thành năm bản, trong đó một bản được giao ngay cho người bị buộc tội,
một bản giao cho người khác có liên quan đến người bị buộc tội, một bản gửi cho
Viện kiểm sát cùng cấp, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản lưu tại tổ chức
tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Điều 130. Hủy
bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản
1. Biện pháp kê biên tài sản,
phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong
các trường hợp:
a) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ
án;
b) Đình chỉ điều tra đối với bị
can, đình chỉ vụ án đối với bị can;
c) Bị cáo được Tòa án tuyên không
có tội;
d) Bị cáo không bị phạt tiền, tịch
thu tài sản và bồi thường thiệt hại.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát, Tòa án hủy bỏ biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi thấy
không còn cần thiết.
Đối với biện pháp kê biên tài sản,
phong tỏa tài khoản trong giai đoạn điều tra, truy tố thì việc hủy bỏ hoặc thay
thế phải thông báo cho Viện kiểm sát trước khi quyết định.
Chương VIII
HỒ SƠ VỤ ÁN,
VĂN BẢN TỐ TỤNG, THỜI HẠN VÀ CHI PHÍ TỐ TỤNG
Điều 131. Hồ
sơ vụ án
1. Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố,
điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án.
2. Hồ sơ vụ án gồm:
a) Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát;
b) Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát lập;
c) Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.
3. Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa
án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử phải đưa vào hồ sơ vụ án.
4. Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm
theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu
(nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê
tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định
của pháp luật.
Điều 132. Văn bản tố tụng
1. Văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu,
kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án và các văn bản tố tụng khác trong hoạt
động tố tụng được lập theo mẫu thống nhất.
2. Văn bản tố tụng ghi rõ:
a) Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản
tố tụng;
b) Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;
c) Nội dung của văn bản tố tụng;
d) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành
văn bản tố tụng và đóng dấu.
Điều 133. Biên bản
1. Khi tiến hành hoạt động tố tụng phải lập biên
bản theo mẫu thống nhất.
Biên bản ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm
tiến hành tố tụng, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc, nội dung của hoạt động
tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng
hoặc người liên quan đến hoạt động tố tụng, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của
họ.
2. Biên bản phải có chữ ký của những người mà Bộ
luật này quy định. Những điểm sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa trong biên bản phải
được xác nhận bằng chữ ký của họ.
Trường hợp người tham gia tố tụng không ký vào
biên bản thì người lập biên bản ghi rõ lý do và mời người chứng kiến ký vào
biên bản.
Trường hợp người tham gia tố tụng không biết chữ
thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt của người chứng
kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia tố tụng và chữ ký của người
chứng kiến.
Trường hợp người tham gia tố tụng có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc vì lý do khác mà không thể ký
vào biên bản thì người lập biên bản đọc biên bản cho họ nghe với sự có mặt
của người chứng kiến và những người tham gia tố tụng khác. Biên bản phải có chữ
ký của người chứng kiến.
Điều 134. Tính thời hạn
1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính
theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm
sau.
Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết
vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết
vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết
vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc
đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn
hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn
được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.
2. Trường hợp có đơn hoặc giấy tờ gửi qua dịch
vụ bưu chính thì thời hạn được tính theo dấu bưu chính nơi gửi. Nếu có đơn
hoặc giấy tờ gửi qua cơ sở giam giữ thì thời hạn được tính từ ngày Trưởng
Nhà tạm giữ, Trưởng Buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, Giám thị Trại
tạm giam, Giám thị Trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.
Điều 135. Chi phí tố tụng
1. Chi phí trong tố tụng hình sự gồm án phí, lệ
phí và các chi phí tố tụng.
2. Án phí gồm án phí sơ thẩm, phúc thẩm hình sự,
án phí sơ thẩm, phúc thẩm dân sự trong vụ án hình sự.
3. Lệ phí gồm lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định,
các giấy tờ khác của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các khoản lệ
phí khác mà pháp luật quy định.
4. Chi phí tố tụng gồm:
a) Chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch,
người dịch thuật, người bào chữa trong trường hợp chỉ định người bào chữa;
b) Chi phí giám định, định giá tài sản;
c) Các khoản chi phí khác theo quy định của pháp
luật.
Điều 136. Trách nhiệm chi
trả chi phí tố tụng, lệ phí
1. Chi phí quy định tại khoản 4 Điều
135 của Bộ luật này do các cơ quan, người đã trưng cầu, yêu cầu, chỉ định
chi trả; trường hợp Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử người bào
chữa thì do Trung tâm này chi trả.
2. Án phí do người bị kết án hoặc Nhà nước chịu
theo quy định của pháp luật. Người bị kết án phải trả án phí theo quyết định của
Tòa án. Mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án, quyết định của
Tòa án.
3. Trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại,
nếu Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội hoặc vụ án bị đình chỉ khi có căn cứ
quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật này thì bị hại phải
trả án phí.
4. Đối với các hoạt động tố tụng do người tham
gia tố tụng yêu cầu thì việc chi trả lệ phí, chi phí theo quy định của pháp luật.
Điều 137. Việc cấp, giao,
chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng
1. Việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc
thông báo văn bản tố tụng được thực hiện thông qua các phương thức:
a) Cấp, giao, chuyển trực tiếp;
b) Gửi qua dịch vụ bưu chính;
c) Niêm yết công khai;
d) Thông báo qua phương tiện thông tin đại
chúng.
2. Việc cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc
thông báo văn bản tố tụng phải thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Điều 138. Thủ tục cấp,
giao, chuyển trực tiếp văn bản tố tụng
1. Người thực hiện việc cấp, giao, chuyển văn bản
tố tụng phải trực tiếp chuyển giao cho người được nhận. Người nhận phải ký nhận
vào biên bản hoặc sổ giao nhận. Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ
ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận.
2. Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng
mặt thì văn bản tố tụng có thể được giao cho người thân thích của họ có đủ năng
lực hành vi dân sự ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại ngay cho người
được nhận. Ngày ký nhận của người thân thích là ngày được cấp, giao văn bản tố
tụng.
Trường hợp không thể giao cho người được nhận
văn bản tố tụng quy định tại khoản này thì có thể chuyển giao văn bản đó cho
chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi
người đó làm việc, học tập để giao lại cho người được nhận. Cơ quan, tổ chức phải
thông báo ngay kết quả việc cấp, giao, gửi văn bản tố tụng cho các cơ quan có
thẩm quyền tiến hành tố tụng đã yêu cầu. Ngày ký nhận của cơ quan, tổ
chức là ngày được cấp, giao văn bản tố tụng.
3. Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng vắng
mặt hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, giao phải lập biên bản
về việc không thực hiện được việc cấp, giao, có xác nhận của đại diện cơ quan,
tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc, học tập.
Trường hợp người được nhận văn bản tố tụng từ chối
nhận văn bản tố tụng thì người thực hiện việc cấp, giao phải lập biên bản về việc
từ chối và có xác nhận của chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú
hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.
4. Trường hợp người được cấp, giao văn bản
tố tụng là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng được giao trực tiếp cho người đại
diện của cơ quan, tổ chức đó và phải được người này ký nhận. Thời điểm để tính
thời hạn tố tụng là ngày họ ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận.
Điều 139. Thủ tục gửi văn
bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính
Việc gửi văn bản tố tụng qua dịch vụ bưu chính
phải bằng thư bảo đảm và có xác nhận của người nhận văn bản tố tụng. Văn bản có
xác nhận phải được chuyển lại cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Thời
điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày họ xác nhận đã nhận được văn bản tố tụng.
Điều 140. Thủ tục niêm yết
công khai văn bản tố tụng
1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được
thực hiện khi không rõ địa chỉ hoặc không rõ người được cấp, giao đang ở đâu.
2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được
thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cuối cùng người
được cấp, giao văn bản tố tụng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi cuối
cùng người đó làm việc, học tập.
Văn bản tố tụng phải được niêm yết công khai ít
nhất là 15 ngày kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết công khai được lập biên bản
ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.
Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày kết
thúc việc niêm yết.
Điều 141. Thủ tục thông
báo văn bản tố tụng trên phương tiện thông tin đại chúng
1. Việc thông báo văn bản tố tụng trên phương tiện
thông tin đại chúng được thực hiện khi việc niêm yết công khai không có kết quả
hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2. Thông báo trên phương tiện thông tin đại
chúng được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong 03 số liên tiếp và phát
sóng trên Đài Phát thanh hoặc Đài Truyền hình của trung ương ba lần trong 03
ngày liên tiếp.
Thời điểm để tính thời hạn tố tụng là ngày kết
thúc việc thông báo.
Điều 142. Trách nhiệm cấp,
giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng
1. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
phải cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng cho người
tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Bộ luật
này.
2. Người được giao trách nhiệm cấp, giao, chuyển,
gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng nhưng không thực hiện, thực hiện không
đầy đủ theo quy định của Bộ luật này thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử
lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Phần thứ hai
KHỞI TỐ, ĐIỀU TRA VỤ
ÁN HÌNH SỰ
Chương IX
KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ
Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ
án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có
dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức,
cá nhân;
3. Tin báo trên phương tiện
thông tin đại chúng;
4. Kiến nghị khởi tố của cơ
quan nhà nước;
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
6. Người phạm tội tự thú.
Điều 144.
Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc
cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm
quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông
tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với
cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại
chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ
quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng
cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền
xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm
có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo
tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ
luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy
định của luật.
Điều 145.
Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến
nghị khởi tố
1. Mọi tố giác, tin báo về tội
phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ
quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách
nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp
nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết
tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm
pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội
phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã
yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông
báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội
phạm, kiến nghị khởi tố.
Điều 146.
Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Khi cơ quan, tổ chức, cá
nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật này phải
lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình
có âm thanh việc tiếp nhận.
Trường hợp tố giác, tin báo về
tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua
phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
2. Trường hợp phát hiện tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết
của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị
khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm
quyền.
Viện kiểm sát có trách
nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo
tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này thì trong thời hạn 05
ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có
liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
3.[2]
Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác,
tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ
và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên
quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
4. Các cơ quan, tổ chức khác
sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều
tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì
có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều
tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
5. Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách
nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp
hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Điều 147.
Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ
ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm
tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
a) Quyết định khởi tố vụ án
hình sự;
b) Quyết định không khởi tố vụ
án hình sự;
c) Quyết định tạm đình chỉ việc
giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Trường hợp vụ việc bị tố
giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc
phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin
báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp
chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này
thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có
thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
Chậm nhất là 05 ngày trước khi
hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề
nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời
hạn kiểm tra, xác minh.
3. Khi giải quyết tố giác, tin
báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành
các hoạt động:
a) Thu thập thông tin, tài
liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
b) Khám nghiệm hiện trường;
c) Khám nghiệm tử thi;
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
4. Trình tự, thủ tục, thời hạn Viện kiểm sát giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định
tại Điều này.
Điều 148. Tạm đình chỉ việc
giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Hết thời hạn quy định tại Điều
147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình
chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một
trong các trường hợp:
a) Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài
sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;
b) Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp
tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc
không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả;
c)[3] Không thể kết
thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án vì
lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ
trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng
các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định
tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố,
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra phải gửi quyết định tạm đình chỉ kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm
sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền để
kiểm sát và gửi quyết định tạm đình chỉ đó cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố
giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Trường hợp quyết định tạm đình chỉ không có căn
cứ thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ để tiếp tục
giải quyết. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm
đình chỉ, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã
tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày Cơ
quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
nhận được quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.
3. Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản
hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả.
Điều 149. Phục hồi giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục
hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể
từ ngày ra quyết định phục hồi.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định
phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố,
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra phải gửi quyết định phục hồi cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm
sát có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm,
kiến nghị khởi tố.
Điều 150. Giải quyết tranh
chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải
quyết. Tranh chấp thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị
khởi tố của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do
Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết.
2. Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra
cấp tỉnh, giữa các Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu do Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương giải quyết. Tranh chấp về
thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các
Cơ quan điều tra cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác
nhau, giữa các Cơ quan điều tra quân sự khu vực thuộc các
quân khu khác nhau do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện
kiểm sát quân sự cấp quân khu nơi đầu tiên tiếp nhận tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giải quyết.
3. Tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa các Cơ quan điều tra của Công an
nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm
sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giải quyết.
Điều 151. Giải quyết vụ việc
có dấu hiệu tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát
hiện
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp
phát hiện dấu hiệu tội phạm thì quyết định việc khởi tố vụ án theo thẩm quyền
hoặc chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.
Điều 152. Người phạm tội tự
thú, đầu thú
1. Khi người phạm tội đến tự thú, đầu thú, cơ
quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, chỗ
ở và lời khai của người tự thú, đầu thú. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận người phạm
tội tự thú, đầu thú có trách nhiệm thông báo ngay cho Cơ quan điều tra hoặc
Viện kiểm sát.
2. Trường hợp xác định tội phạm do người tự thú,
đầu thú thực hiện không thuộc thẩm quyền điều tra của mình thì Cơ quan điều
tra tiếp nhận người tự thú, đầu thú phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra
có thẩm quyền để tiếp nhận, giải quyết.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tiếp nhận người
phạm tội tự thú, đầu thú, Cơ quan điều tra có thẩm quyền phải thông báo bằng
văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 153. Thẩm quyền khởi
tố vụ án hình sự
1. Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án
hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do
cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm
sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các
khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định
tại Điều 164 của Bộ luật này.
3. Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án
hình sự trong trường hợp:
a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố
vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra;
b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác,
tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội
phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
4. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc
yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa
mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
Điều 154. Quyết định khởi
tố vụ án hình sự
1. Quyết định khởi tố vụ án hình sự phải ghi rõ
căn cứ khởi tố, điều, khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng và các nội dung
quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định
khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều
tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi
tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một
số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện
kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi
tố vụ án hình sự, Tòa án phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến
Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 155. Khởi tố vụ án
hình sự theo yêu cầu của bị hại
1.[4] Chỉ được
khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134,
135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của
bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm
về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu
thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu
rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người
đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp
tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút
yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị
ép buộc, cưỡng bức.
Điều 156. Thay đổi hoặc bổ
sung quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết
định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không
đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ
án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định
thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định
kèm theo các tài liệu liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi
tố vụ án hình sự cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm
quyền để kiểm sát việc khởi tố.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định
thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi
cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Điều 157. Căn cứ không khởi
tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một
trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội
chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án
hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội
đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8.[5] Tội phạm
quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của
Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
Điều 158. Quyết định không
khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này thì người có quyền khởi tố vụ án ra
quyết định không khởi tố vụ án hình sự; nếu đã khởi tố thì phải ra quyết định hủy
bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá
nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố biết rõ lý do; nếu xét
thấy cần xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền
giải quyết.
Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định
hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan phải gửi
cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 24
giờ kể từ khi ra quyết định.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo
tin về tội phạm có quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Thẩm
quyền và thủ tục giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương
XXXIII của Bộ luật này.
Điều 159.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong việc giải
quyết nguồn tin về tội phạm
1. Phê chuẩn, không phê chuẩn
việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ; phê chuẩn, không phê chuẩn các
biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết
nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật này.
2. Khi cần thiết, đề ra yêu
cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện.
3. Quyết định gia hạn thời hạn giải quyết tố
giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố vụ án hình sự.
4. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố vụ án hình sự.
5. Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội
phạm, kiến nghị khởi tố trong các trường hợp do Bộ luật này quy định.
6. Hủy bỏ quyết định tạm giữ, quyết định khởi tố
vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định tạm đình
chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm và các quyết định tố tụng khác trái pháp
luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra.
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong
việc thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật này nhằm chống bỏ lọt tội
phạm, chống làm oan người vô tội.
Điều 160. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Viện kiểm sát trong việc tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết nguồn
tin về tội phạm
1. Tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm,
kiến nghị khởi tố do cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến, tiếp nhận người phạm
tội tự thú, đầu thú và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải
quyết.
2. Kiểm sát việc tiếp nhận, trực tiếp kiểm sát,
kiểm sát việc kiểm tra, xác minh và việc lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội
phạm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra; kiểm sát việc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm
sát việc phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm.
3. Khi phát
hiện việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm không đầy đủ, vi phạm
pháp luật thì yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động:
a) Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định
giải quyết nguồn tin về tội phạm đầy đủ, đúng pháp luật;
b) Kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát;
c) Cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong
việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm;
d) Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm
người vi phạm;
đ) Yêu cầu thay đổi Điều tra viên,
Cán bộ điều tra.
4. Giải quyết tranh chấp về
thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm.
5. Yêu cầu Cơ
quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm.
6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền
hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội
phạm theo quy định của Bộ luật này.
Điều 161.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát
việc khởi tố vụ án hình sự
1. Khi thực hành quyền công tố
trong việc khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi,
bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết
định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không
khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ và trái pháp luật;
c) Trường hợp quyết định khởi tố vụ
án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì Viện kiểm sát kháng nghị lên
Tòa án trên một cấp;
d) Khởi tố, thay đổi, bổ
sung quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp do Bộ luật này quy định;
đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác
để thực hành quyền công tố trong việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định
của Bộ luật này.
2. Khi kiểm sát việc khởi tố vụ án
hình sự, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật
trong việc khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một
số hoạt động điều tra, bảo đảm mọi tội phạm được phát hiện đều phải được khởi tố,
việc khởi tố vụ án có căn cứ và đúng pháp luật;
b) Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu
liên quan để kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự;
c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
khác trong kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Điều 162.
Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát
trong việc khởi tố
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết
định của Viện kiểm sát trong việc khởi tố.
2. Đối với quyết định quy định tại
khoản 1 và khoản 6 Điều 159, điểm b khoản 1
Điều 161 của Bộ luật này, nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vẫn phải thực hiện nhưng có
quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 20 ngày kể
từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều tra hoặc trong thời hạn 05 ngày kể
từ ngày nhận được kiến nghị của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải xem xét, giải quyết và
thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị.
Chương X
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG VỀ ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ
Điều 163. Thẩm
quyền điều tra
1. Cơ quan điều tra của Công an
nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều
tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm
sát nhân dân tối cao.
2. Cơ quan điều tra trong Quân đội
nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
3. Cơ quan điều tra Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội
phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương
XXIII và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người
phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ
quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
4. Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều
tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội
phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy
ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện
tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
5. Việc phân cấp thẩm quyền điều
tra như sau:
a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ
quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm
quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;
b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều
tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân
cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp
huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành
phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu
tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
Cơ quan điều tra quân sự cấp quân
khu điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án
quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều
tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
c) Cơ quan điều tra Bộ Công an,
Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng điều tra vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại;
vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương, vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng,
phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều
tra.
Điều 164.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm
lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân,
Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra
1. Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu
tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của Bộ đội
biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao
nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng
trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng
thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và
chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể
từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng,
tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít
nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành
hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm
quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
2. Trong Công an nhân dân, Quân đội
nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 163 của Bộ
luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm
thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và
chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể
từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
3. Các cơ quan của Bộ đội biên
phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, cơ quan khác
trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 39 và Điều 40 của Bộ luật này và thực hiện đúng nguyên tắc,
trình tự, thủ tục tố tụng đối với hoạt động điều tra do Bộ luật này quy định.
Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo
pháp luật trong hoạt động điều tra của các cơ quan này.
4. Thẩm quyền điều tra cụ thể của
các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát
biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện theo quy định của
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Điều 165. Nhiệm
vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều
tra vụ án hình sự
1. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi,
bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can.
2. Phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định
khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can không có
căn cứ và trái pháp luật.
3. Khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố
vụ án hình sự, khởi tố bị can trong các trường
hợp do Bộ luật này quy định.
4. Phê chuẩn, không phê chuẩn
lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp
khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, việc tạm
giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, khám xét, thu giữ, tạm giữ
đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng
đặc biệt; phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định tố tụng khác không có căn cứ
và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một
số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này; hủy bỏ các quyết định tố tụng
không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trường hợp không phê chuẩn hoặc hủy bỏ
thì trong quyết định không phê chuẩn hoặc hủy bỏ phải nêu rõ lý do.
5. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy
bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.
6. Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra tiến hành điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội; yêu cầu Cơ quan điều
tra truy nã bị can, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
7. Trực tiếp tiến hành một
số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ
khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu
oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường
hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc
truy tố.
8. Khởi tố vụ án hình sự
khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết
tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều
tra có dấu hiệu tội phạm; yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố
vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc
khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm.
9. Quyết định việc gia hạn
thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam; quyết định chuyển vụ
án, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
hủy bỏ quyết định tách, nhập vụ án.
10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
khác trong việc thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật này.
Điều 166.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự
1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật
trong việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
2. Kiểm sát hoạt động tố tụng hình
sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
3. Giải quyết tranh chấp về thẩm
quyền điều tra.
4. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu
liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra khi
cần thiết.
5. Khi phát hiện việc điều tra
không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt
động:
a) Tiến hành hoạt động điều tra
đúng pháp luật;
b) Kiểm tra việc điều tra và thông
báo kết quả cho Viện kiểm sát;
c) Cung cấp tài liệu liên quan đến
hành vi, quyết định tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc điều tra.
6. Kiến nghị, yêu cầu Cơ
quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra.
7. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ
quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra, xử lý nghiêm minh
Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng.
8. Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu
quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
khác trong việc kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Điều 167.
Trách nhiệm của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát
trong giai đoạn điều tra
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết
định của Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra.
2. Đối với quyết định quy định tại
khoản 4 và khoản 5 Điều 165 của Bộ luật này nếu không nhất
trí, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực
tiếp. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Cơ quan điều
tra hoặc trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát cấp trên trực
tiếp phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến
nghị.
Điều 168.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quyết định, yêu
cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra, Viện kiểm sát
Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải
nghiêm chỉnh thực hiện quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn
điều tra vụ án hình sự; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả
kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 169.
Chuyển vụ án để điều tra
1. Viện kiểm sát cùng cấp quyết định
việc chuyển vụ án để điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Cơ quan điều tra cùng cấp xét
thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra và đề nghị chuyển vụ án;
b) Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ
án để điều tra;
c) Điều tra viên bị thay đổi là Thủ
trưởng Cơ quan điều tra;
d) Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển
vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện.
2. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm
vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm
sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
3. Thủ tục chuyển vụ án để điều
tra theo thẩm quyền:
a) Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải
ra quyết định chuyển vụ án;
b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều
tra đang điều tra vụ án, Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra vụ
án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại và Viện kiểm
sát có thẩm quyền.
4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định chuyển vụ án, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án
có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục
điều tra.
5. Thời hạn điều tra được tính tiếp
từ ngày Cơ quan điều tra nhận được hồ sơ vụ án cho đến hết thời hạn điều tra vụ
án theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp hết thời hạn điều tra mà không thể
kết thúc việc điều tra thì Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định gia
hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Điều 170. Nhập
hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
1. Cơ quan điều tra có thể nhập để
tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các
trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng
thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu
tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà
có.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách
vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối
với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự
thật khách quan, toàn diện của vụ án.
3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án
phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều
tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.
Điều 171. Ủy
thác điều tra
1. Khi cần thiết, Cơ quan điều tra
ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định
ủy thác điều tra phải ghi rõ yêu cầu và gửi cho Cơ quan điều tra được ủy thác,
Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác.
2. Cơ quan điều tra được ủy thác
phải thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác trong thời hạn mà Cơ quan điều
tra ủy thác yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ủy
thác điều tra. Trường hợp không thực hiện được việc ủy thác thì phải có ngay
văn bản nêu rõ lý do gửi Cơ quan điều tra đã ủy thác.
3. Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ
quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát
việc tiến hành hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra được ủy thác và phải
chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát việc ủy thác điều tra
cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Điều 172. Thời
hạn điều tra
1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự
không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với
tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và
tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều
tra.
2. Trường hợp cần gia hạn điều tra
do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn
điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều
tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định
như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng
có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng
có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ
hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng
có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
3. Đối với tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp
của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc
gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần
không quá 04 tháng.
4. Trường hợp thay đổi hoặc bổ
sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, nhập vụ án thì tổng thời hạn điều tra
không vượt quá thời hạn quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
5. Thẩm quyền gia hạn điều tra của
Viện kiểm sát:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng
thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều
tra. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân
khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân
sự cấp quân khu gia hạn điều tra;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng
thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều
tra lần thứ nhất và lần thứ hai. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh,
Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp
tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần
thứ hai;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng
thì Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực gia hạn điều
tra lần thứ nhất; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp
quân khu gia hạn điều tra lần thứ hai. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp
tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều tra thì Viện kiểm sát nhân
dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất
và lần thứ hai;
d) Đối với tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp
quân khu gia hạn điều tra lần thứ nhất và lần thứ hai; Viện kiểm sát nhân dân tối
cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương gia hạn điều tra lần thứ ba.
6. Trường hợp vụ án do Cơ quan
điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn điều tra
thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự
trung ương.
Điều 173. Thời
hạn tạm giam để điều tra
1. Thời hạn tạm giam bị can để điều
tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối
với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng
và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết
phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ
để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết
thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia
hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định
như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng
có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng
có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng
có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
3. Thẩm quyền gia hạn tạm giam của
Viện kiểm sát:
a) Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện,
Viện kiểm sát quân sự khu vực có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít
nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng. Trường hợp vụ
án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra cấp quân khu thụ lý điều
tra thì Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có
quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng,
tội phạm rất nghiêm trọng và gia hạn tạm giam lần thứ nhất đối với tội phạm đặc
biệt nghiêm trọng;
b) Trường hợp thời hạn gia hạn tạm
giam lần thứ nhất quy định tại điểm a khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc
điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện
kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có thể gia hạn tạm
giam lần thứ hai đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
4. Trường hợp vụ án do Cơ quan
điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thụ lý điều tra thì việc gia hạn tạm giam
thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự
trung ương.
5. Trường hợp cần thiết đối với tội
xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền
gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng. Trường hợp thời hạn gia hạn tạm giam
quy định tại khoản này đã hết mà chưa thể kết thúc việc điều tra và không có
căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 01 tháng đối với
tội phạm nghiêm trọng, không quá 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng,
không quá 04 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp đặc biệt
đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia mà
không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
6. Trường hợp cần thiết đối với tội
phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không
có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng;
trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc
điều tra.
7. Trong thời hạn tạm giam, nếu
xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp
thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm
giam hoặc xét thấy cần thiết thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Khi đã hết thời hạn tạm giam thì
người bị tạm giam phải được trả tự do. Trường hợp xét thấy cần thiết thì
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Điều 174. Thời
hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại
1. Trường hợp phục hồi điều tra
quy định tại Điều 235 của Bộ luật này thì thời hạn điều tra
tiếp không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng
và không quá 03 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng kể từ khi có quyết định phục hồi điều tra cho đến khi kết thúc điều
tra.
Trường hợp cần gia hạn điều tra do
tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều
tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra.
Việc gia hạn điều tra được quy định
như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng
có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 01 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng
và tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02
tháng;
c) Đối với tội phạm đặc biệt
nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 03 tháng.
Thẩm quyền gia hạn điều tra đối với
từng loại tội phạm theo quy định tại khoản 5 Điều 172 của Bộ luật
này.
2. Trường hợp vụ án do Viện kiểm
sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không
quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều
tra bổ sung không quá 01 tháng. Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều
tra bổ sung hai lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra
bổ sung một lần và Hội đồng xét xử chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung một lần.
Thời hạn điều tra bổ sung tính từ
ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.
3. Trường hợp vụ án được trả lại để
điều tra lại thì thời hạn điều tra và gia hạn điều tra thực hiện theo quy định
tại Điều 172 của Bộ luật này.
Thời hạn điều tra được tính từ khi
Cơ quan điều tra nhận hồ sơ và yêu cầu điều tra lại.
4. Khi phục hồi điều tra, điều tra
bổ sung, điều tra lại, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện
pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp có căn cứ theo quy định
của Bộ luật này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi điều tra, điều
tra bổ sung không được quá thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung quy định
tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Thời hạn tạm giam và gia hạn tạm
giam trong trường hợp vụ án được điều tra lại thực hiện theo quy định tại Điều 173 của Bộ luật này.
Điều 175. Giải
quyết yêu cầu, đề nghị của người tham gia tố tụng
1. Khi người tham gia tố tụng có
yêu cầu, đề nghị về những vấn đề liên quan đến vụ án thì Cơ quan điều tra, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát
trong phạm vi trách nhiệm của mình giải quyết yêu cầu, đề nghị đó và báo cho
họ biết kết quả. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị thì Cơ quan điều
tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện
kiểm sát phải trả lời và nêu rõ lý do.
2. Trường hợp không đồng ý với kết
quả giải quyết của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát thì người tham gia tố tụng có quyền khiếu
nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định tại Chương
XXXIII của Bộ luật này.
Điều 176. Sự
tham dự của người chứng kiến
Người chứng kiến được triệu tập để
chứng kiến hoạt động điều tra trong các trường hợp do Bộ luật này quy định.
Người chứng kiến có trách nhiệm
xác nhận nội dung, kết quả công việc mà người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng đã tiến hành trong khi mình có mặt và có thể nêu ý kiến cá nhân. Ý kiến này
được ghi vào biên bản.
Điều 177.
Không được tiết lộ bí mật điều tra
Trường hợp cần giữ bí mật điều
tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải yêu cầu
người tham gia tố tụng không được tiết lộ bí mật điều tra. Yêu cầu này được ghi
vào biên bản.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm
sát viên, Kiểm tra viên, người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra thì tùy
tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính
hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Điều
178. Biên bản điều tra
Khi tiến hành hoạt động điều tra,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra lập
biên bản phải đọc biên bản cho người tham gia tố tụng nghe, giải thích cho họ
quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản. Ý kiến bổ sung, nhận xét được ghi
vào biên bản; trường hợp không chấp nhận bổ sung thì ghi rõ lý do vào biên bản.
Người tham gia tố tụng, Điều tra viên, Cán bộ điều tra cùng ký tên vào biên bản.
Trường hợp Kiểm sát viên, Kiểm tra
viên lập biên bản thì biên bản được thực hiện theo quy định tại Điều này. Biên
bản phải được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
Việc lập biên bản trong giai đoạn
khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Chương XI
KHỞI TỐ BỊ CAN
VÀ HỎI CUNG BỊ CAN
Điều
179. Khởi tố bị can
1. Khi có đủ căn cứ để xác định một
người hoặc pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm
thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
2. Quyết định khởi tố bị can ghi
rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người ra quyết định; họ
tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới tính, chỗ ở, nghề
nghiệp của bị can; bị can bị khởi tố về tội gì, theo điều, khoản nào của Bộ luật
Hình sự; thời gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Trường hợp bị can bị khởi tố về
nhiều tội khác nhau thì quyết định khởi tố bị can phải ghi rõ từng tội danh và điều,
khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và
tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét
phê chuẩn. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị
can, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định
khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định
việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ
sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ,
tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy
bỏ quyết định khởi tố bị can.
4. Trường hợp phát hiện có người
đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm chưa bị khởi tố
thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can hoặc trực
tiếp ra quyết định khởi tố bị can nếu đã yêu cầu nhưng Cơ quan điều tra không
thực hiện. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện
kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều
tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi mà Bộ luật
Hình sự quy định là tội phạm trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra
quyết định khởi tố bị can và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ
sung.
5. Sau khi nhận được quyết định
phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm
sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can, quyết định phê
chuẩn quyết định khởi tố bị can và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can.
Sau khi nhận được quyết định phê
chuẩn quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập danh bản,
chỉ bản của người bị khởi tố và đưa vào hồ sơ vụ án.
Việc giao, nhận các quyết định nêu
trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật
này.
Điều
180. Thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can
1. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
thay đổi quyết định khởi tố bị can khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi tiến hành điều tra nếu có
căn cứ xác định hành vi của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố;
b) Quyết định khởi tố ghi không
đúng họ, tên, tuổi, nhân thân của bị can.
2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát
phải bổ sung quyết định khởi tố bị can nếu có căn cứ xác định bị can còn thực hiện
hành vi khác mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra
phải gửi quyết định này và tài liệu có liên quan đến việc thay đổi hoặc bổ sung
đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện
kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi
hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu
làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.
Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ
sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ,
tài liệu bổ sung, Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định
thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Viện
kiểm sát ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm
sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.
4. Sau khi nhận được quyết định
phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi
tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện
kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định này cho người đã bị khởi tố.
Việc giao, nhận các quyết định nêu
trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật
này.
Điều 181. Tạm
đình chỉ chức vụ bị can đang đảm nhiệm
Khi xét thấy việc bị can tiếp tục
giữ chức vụ gây khó khăn cho việc điều tra thì Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát có quyền kiến
nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý bị can tạm đình chỉ chức vụ của
bị can. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức
này phải trả lời bằng văn bản cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát đã kiến nghị biết.
Điều 182.
Triệu tập bị can
1. Khi triệu tập bị can, Điều tra
viên phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập bị can ghi rõ họ tên, chỗ ở của bị
can; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm có mặt, thời gian làm việc, gặp ai và
trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại
khách quan.
2. Giấy triệu tập bị can được gửi
cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can cư trú hoặc cơ quan, tổ chức
nơi bị can làm việc, học tập. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có
trách nhiệm chuyển ngay giấy triệu tập cho bị can.
Khi nhận giấy triệu tập, bị can phải
ký nhận và ghi rõ giờ, ngày nhận. Người chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần
giấy triệu tập có ký nhận của bị can cho cơ quan đã triệu tập bị can; nếu bị
can không ký nhận thì lập biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập bị
can; nếu bị can vắng mặt thì có thể giao giấy triệu tập cho người thân thích của
bị can có đủ năng lực hành vi dân sự để ký xác nhận và chuyển cho bị can.
3. Bị can phải có mặt theo giấy
triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại
khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định
áp giải.
4. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát
viên có thể triệu tập bị can. Việc triệu tập bị can được tiến hành theo quy định
tại Điều này.
Điều 183. Hỏi
cung bị can
1. Việc hỏi cung bị can do Điều
tra viên tiến hành ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can. Có thể hỏi cung bị
can tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Trước khi hỏi cung
bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa thời
gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên tham gia việc hỏi
cung bị can.
2. Trước khi tiến hành hỏi cung lần
đầu, Điều tra viên phải giải thích cho bị can biết rõ quyền và nghĩa vụ theo
quy định tại Điều 60 của Bộ luật này. Việc này phải ghi vào
biên bản.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can
thì hỏi riêng từng người và không để họ tiếp xúc với nhau. Có thể cho bị can viết
bản tự khai của mình.
3. Không hỏi cung bị can vào ban
đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
4. Kiểm sát viên hỏi cung bị can
trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ
xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy
cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều
này.
5. Điều tra viên, Cán bộ điều tra,
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can thì phải
chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
6. Việc hỏi cung bị can tại cơ sở
giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành
một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Việc hỏi cung bị can tại địa điểm
khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 184.
Biên bản hỏi cung bị can
1. Mỗi lần hỏi cung bị can đều phải
lập biên bản.
Biên bản hỏi cung bị can được lập
theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này; phải ghi đầy đủ
lời trình bày của bị can, các câu hỏi và câu trả lời. Nghiêm cấm Điều tra viên,
Cán bộ điều tra tự mình thêm, bớt hoặc sửa chữa lời khai của bị can.
2. Sau khi hỏi cung, Điều
tra viên, Cán bộ điều tra phải đọc biên bản cho bị can nghe hoặc để bị can tự đọc.
Trường hợp bổ sung, sửa chữa biên bản thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra và bị
can cùng ký xác nhận. Nếu biên bản có nhiều trang thì bị can ký vào từng trang
biên bản. Trường hợp bị can viết bản tự khai thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra
và bị can cùng ký xác nhận vào bản tự khai đó.
3. Trường hợp hỏi cung bị can có
người phiên dịch thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền và
nghĩa vụ của người phiên dịch, đồng thời giải thích cho bị can biết quyền yêu cầu
thay đổi người phiên dịch; người phiên dịch phải ký vào từng trang của biên bản
hỏi cung.
Trường hợp hỏi cung bị can có mặt
người bào chữa, người đại diện của bị can thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải
giải thích cho những người này biết quyền và nghĩa vụ của họ trong khi hỏi cung
bị can. Bị can, người bào chữa, người đại diện cùng ký vào biên bản hỏi cung.
Trường hợp người bào chữa được hỏi bị can thì biên bản phải ghi đầy đủ câu hỏi
của người bào chữa và trả lời của bị can.
4. Trường hợp Kiểm sát viên hỏi
cung bị can thì biên bản được thực hiện theo quy định của Điều này. Biên bản hỏi
cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.
Chương XII
LẤY LỜI KHAI
NGƯỜI LÀM CHỨNG, NGƯỜI BỊ HẠI, NGUYÊN ĐƠN DÂN SỰ, BỊ ĐƠN DÂN SỰ, NGƯỜI CÓ QUYỀN
LỢI, NGHĨA VỤ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ ÁN, ĐỐI CHẤT VÀ NHẬN DẠNG
Điều 185.
Triệu tập người làm chứng
1. Khi triệu tập người làm chứng đến
lấy lời khai, Điều tra viên phải gửi giấy triệu tập.
2. Giấy triệu tập người làm chứng
ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc nơi làm việc, học tập của người làm chứng; giờ,
ngày, tháng, năm và địa điểm có mặt; mục đích và nội dung làm việc, thời gian
làm việc; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng
hoặc không do trở ngại khách quan.
3. Việc giao giấy triệu tập được
thực hiện như sau:
a) Giấy triệu tập được giao trực
tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi
người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học
tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Chính quyền
xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người
làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực
hiện nghĩa vụ;
b) Giấy triệu tập người làm chứng
dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ;
c) Việc giao giấy triệu tập người
làm chứng theo ủy thác tư pháp của nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản
này và Luật Tương trợ tư pháp.
4. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát
viên có thể triệu tập người làm chứng để lấy lời khai. Việc triệu tập người
làm chứng được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Điều 186. Lấy
lời khai người làm chứng
1. Việc lấy lời khai người làm chứng
được tiến hành tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú, nơi làm việc hoặc nơi học
tập của người đó.
2. Nếu vụ án có nhiều người làm chứng
thì phải lấy lời khai riêng từng người và không để cho họ tiếp xúc, trao đổi với
nhau trong thời gian lấy lời khai.
3. Trước khi lấy lời khai, Điều tra
viên, Cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ
của họ theo quy định tại Điều 66 của Bộ luật này. Việc này
phải ghi vào biên bản.
4. Trước khi hỏi về nội dung vụ
án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại
và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên yêu cầu
người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những
gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.
5. Trường hợp xét thấy việc lấy lời
khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần
làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết
định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát
viên có thể lấy lời khai người làm chứng. Việc lấy lời khai người làm chứng được
tiến hành theo quy định tại Điều này.
Điều 187.
Biên bản ghi lời khai của người làm chứng
Biên bản ghi lời khai của người
làm chứng được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Việc lấy lời khai của người làm chứng
có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Điều 188.
Triệu tập, lấy lời khai của bị hại, đương sự
Việc triệu tập, lấy lời khai của bị
hại, đương sự được thực hiện theo quy định tại các điều 185,
186 và 187 của Bộ luật này.
Việc lấy lời khai của bị hại,
đương sự có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Điều 189. Đối
chất
1. Trường hợp có mâu thuẫn trong lời
khai giữa hai người hay nhiều người mà đã tiến hành các biện pháp điều tra
khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn thì Điều tra viên tiến hành đối chất.
Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát
cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt
để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào
biên bản đối chất.
2. Nếu có người làm chứng hoặc bị
hại tham gia thì trước khi đối chất Điều tra viên phải giải thích cho họ biết
trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối.
Việc này phải ghi vào biên bản.
3. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra
viên hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những
tình tiết cần làm sáng tỏ. Sau khi nghe đối chất, Điều tra viên có thể hỏi thêm
từng người.
Trong quá trình đối chất, Điều tra
viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan; có thể để cho những
người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau; câu hỏi và trả lời của những người này phải
ghi vào biên bản.
Chỉ sau khi những người tham gia đối
chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ.
4. Biên bản đối chất được lập
theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Việc đối chất
có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
5. Trường hợp cần thiết, Kiểm sát
viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều
này.
Điều 190. Nhận
dạng
1. Khi cần thiết, Điều tra viên có
thể đưa người, ảnh hoặc vật cho người làm chứng, bị hại hoặc bị can nhận dạng.
Số người, ảnh hoặc vật đưa ra để
nhận dạng ít nhất phải là ba và bề ngoài phải tương tự nhau, trừ trường hợp
nhận dạng tử thi.
Trước khi tiến hành nhận dạng,
Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm
sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận dạng. Nếu
Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng.
2. Những người sau đây phải tham
gia việc nhận dạng:
a) Người làm chứng, bị hại hoặc bị
can;
b) Người chứng kiến.
3. Nếu người làm chứng hoặc bị hại
là người nhận dạng thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ
biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối.
Việc này phải ghi vào biên bản.
4. Điều tra viên phải hỏi trước
người nhận dạng về những tình tiết, vết tích và đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận
dạng được.
Trong quá trình tiến hành nhận dạng,
Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người nhận dạng đã xác nhận
một người, một vật hay một ảnh trong số được đưa ra để nhận dạng thì Điều tra
viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào các vết tích hoặc đặc điểm gì mà
xác nhận được người, vật hay ảnh đó.
5. Biên bản nhận dạng được lập
theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ
nhân thân, tình trạng sức khỏe của người nhận dạng và của những người được đưa
ra để nhận dạng; đặc điểm của vật, ảnh được đưa ra để nhận dạng; các lời khai
báo, trình bày của người nhận dạng; điều kiện ánh sáng khi thực hiện nhận dạng.
Điều 191. Nhận
biết giọng nói
1. Khi cần thiết, Điều tra viên có
thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết
giọng nói.
Số giọng nói được đưa ra để nhận
biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau.
Trước khi tiến hành nhận biết giọng
nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên
kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc
nhận biết giọng nói. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên
bản nhận biết giọng nói.
2. Những người sau đây phải tham
gia việc nhận biết giọng nói:
a) Giám định viên về âm thanh;
b) Người được yêu cầu nhận biết giọng
nói;
c) Người được đưa ra để nhận biết
giọng nói, trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện
ghi âm;
d) Người chứng kiến.
3. Nếu người làm chứng, bị hại được
yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải
thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý
khai báo gian dối. Việc này phải ghi vào biên bản.
4. Điều tra viên phải hỏi trước
người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận
biết được giọng nói.
Trong quá trình tiến hành nhận biết
giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người được yêu cầu
nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra
thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác
nhận giọng nói đó.
5. Biên bản nhận biết giọng nói được
lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản
ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng
nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng
nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều
kiện về không gian khi thực hiện nhận biết giọng nói.
Chương XIII
KHÁM XÉT, THU
GIỮ, TẠM GIỮ TÀI LIỆU, ĐỒ VẬT
Điều 192.
Căn cứ khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu,
đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử
1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi
làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định
trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện
phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện
tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc,
địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy
nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.
2. Khi có căn cứ để nhận định
trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương
tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án thì có thể khám
xét thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử.
Điều 193. Thẩm
quyền ra lệnh khám xét
1. Những người có thẩm quyền
quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh
khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản
2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải
được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp khẩn cấp, những
người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật
này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét
xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng
cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều
tra vụ việc, vụ án.
3. Trước khi tiến hành khám xét, Điều
tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian và địa điểm tiến
hành khám xét để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám xét, trừ trường hợp
khám xét khẩn cấp. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám xét. Nếu
Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản khám xét.
4. Mọi trường hợp khám xét đều
được lập biên bản theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này
và đưa vào hồ sơ vụ án.
Điều 194.
Khám xét người
1. Khi bắt đầu khám xét người, người
thi hành lệnh khám xét phải đọc lệnh và đưa cho người bị khám xét đọc lệnh đó;
giải thích cho người bị khám xét và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của
họ.
Người tiến hành khám xét phải yêu
cầu người bị khám xét đưa ra các tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu họ
từ chối hoặc đưa ra không đầy đủ các tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì
tiến hành khám xét.
2. Việc khám xét người phải do người
cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến. Việc khám xét không
được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị
khám xét.
3. Có thể tiến hành khám xét người
mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định
người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người vũ khí, hung khí, chứng cứ, tài
liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
Điều 195.
Khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện
1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có
mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính
quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ
đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ
không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến
hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét
và hai người chứng kiến.
Không được bắt đầu việc khám xét
chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
2. Khi khám xét nơi làm việc của một
người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải
ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc khám xét nơi làm việc phải có
đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp
không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng
phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng
kiến.
3. Khi khám xét địa điểm phải có đại
diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
4. Việc khám xét phương tiện phải
có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp
chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do
khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét
vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.
Khi khám xét phương tiện có thể mời
người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.
5. Khi tiến hành khám xét chỗ ở,
nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi
nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người
khác cho đến khi khám xét xong.
Điều 196.
Thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử
1. Việc thu giữ phương tiện điện tử,
dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời
người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì
phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng.
2. Khi thu giữ các phương tiện điện
tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.
Điều 197.
Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính,
viễn thông
1. Khi cần thiết phải thu giữ thư
tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông
thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp
phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trường hợp không thể trì hoãn
việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính,
viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý
do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp
bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận
được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện
tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết
định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã
ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng
thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.
3. Người thi hành lệnh phải thông
báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước
khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu
quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.
Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu
kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng
kiến và ký xác nhận vào biên bản.
Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông
báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc
thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh
thu giữ phải thông báo ngay.
Điều 198. Tạm
giữ tài liệu, đồ vật khi khám xét
1. Khi khám xét, Điều tra viên được
tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án. Đối với
đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ
quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành
trước mặt chủ sở hữu đồ vật, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện
gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét.
2. Việc tạm giữ tài liệu, đồ
vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản theo quy định tại Điều
133 của Bộ luật này. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một
bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một
bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản
giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.
Điều 199.
Trách nhiệm bảo quản phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín,
điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong
1. Phương tiện, tài liệu, đồ vật,
dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc
bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn.
2. Người nào phá hủy niêm phong,
tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu,
đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì phải chịu
trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều 200.
Trách nhiệm của người ra lệnh, người thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ
Người ra lệnh, người thi hành lệnh
khám xét, thu giữ, tạm giữ trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà
bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Chương XIV
KHÁM NGHIỆM HIỆN
TRƯỜNG, KHÁM NGHIỆM TỬ THI, XEM XÉT DẤU VẾT TRÊN THÂN THỂ, THỰC NGHIỆM ĐIỀU TRA
Điều 201.
Khám nghiệm hiện trường
1. Điều tra viên chủ trì tiến hành
khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm,
thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng
tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
2. Trước khi tiến hành khám nghiệm
hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời
gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát khám
nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm
hiện trường.
Khi khám nghiệm hiện trường phải có
người chứng kiến; có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng
tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm.
3. Khi khám nghiệm hiện trường phải
tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét
tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ
án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm hiện trường
được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Trường hợp không thể xem xét ngay
được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc
niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Điều 202. Khám nghiệm tử
thi
1. Việc khám nghiệm tử thi do giám định viên
pháp y tiến hành dưới sự chủ trì của Điều tra viên và phải
có người chứng kiến.
Trước khi khám nghiệm tử thi, Điều
tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về
thời gian và địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát
việc khám nghiệm tử thi. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc
khám nghiệm tử thi.
2. Giám định viên kỹ thuật hình sự có thể được
mời tham gia khám nghiệm tử thi để phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ việc
giám định.
3. Khi khám nghiệm tử thi phải tiến hành chụp ảnh,
mô tả dấu vết để lại trên tử thi; chụp ảnh, thu thập, bảo quản mẫu vật phục vụ
công tác trưng cầu giám định; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản. Biên bản khám nghiệm tử thi được lập theo quy định tại Điều
178 của Bộ luật này.
4. Trường hợp cần khai quật tử thi thì phải có
quyết định của Cơ quan điều tra và thông báo cho người thân thích của người
chết biết trước khi tiến hành. Trường hợp người chết không có hoặc không xác định
được người thân thích của họ thì thông báo cho đại diện chính quyền xã, phường,
thị trấn nơi chôn cất tử thi biết.
Điều 203. Xem xét dấu vết
trên thân thể
1. Khi cần thiết, Điều tra viên tiến hành xem
xét dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết
vụ án trên thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt,
người bị tạm giữ, bị can, bị hại, người làm chứng. Trong trường hợp cần thiết
thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định.
2. Việc xem xét dấu vết trên thân thể phải do
người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trường hợp cần
thiết thì có thể mời bác sĩ tham gia.
Nghiêm cấm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm
của người bị xem xét dấu vết trên thân thể.
Khi xem xét dấu vết trên thân thể phải lập
biên bản mô tả dấu vết để lại trên thân thể; trường hợp cần thiết phải chụp ảnh,
trưng cầu giám định. Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể được lập theo
quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Điều 204. Thực nghiệm điều
tra
1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có
ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều
tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những
tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm
cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ,
ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.
Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến
tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm
điều tra và người khác.
2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều
tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm
tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực
nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì
phải ghi rõ vào biên bản.
3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều
tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.
Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều
tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm
giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.
4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành
thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại
Điều này.
Chương XV
GIÁM ĐỊNH VÀ ĐỊNH GIÁ
TÀI SẢN
Điều 205. Trưng cầu giám định
1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại
Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ
quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Quyết định trưng cầu giám định có các nội
dung:
a) Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người
có thẩm quyền trưng cầu giám định;
b) Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám
định;
c) Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;
d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi
kèm theo (nếu có);
đ) Nội dung yêu cầu giám định;
e) Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời
hạn trả kết luận giám định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định
trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định
trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân
thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm
quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Điều 206. Các trường hợp bắt
buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần
xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi
có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của
người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng
khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó
có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính
xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe
hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma túy, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ,
chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ
cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.
Điều 207. Yêu cầu giám định
1. Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền
đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn
đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định
liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn
bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu
giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị
giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày
nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
2. Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa
vụ theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Điều 208. Thời hạn giám định
1. Thời hạn giám định đối với trường hợp bắt buộc
phải trưng cầu giám định:
a) Không quá 03 tháng đối với trường hợp quy định
tại khoản 1 Điều 206 của Bộ luật này;
b) Không quá 01 tháng đối với trường hợp quy định
tại khoản 3 và khoản 6 Điều 206 của Bộ luật này;
c) Không quá 09 ngày đối với trường hợp quy định
tại các khoản 2, 4 và 5 Điều 206 của Bộ luật này.
2. Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác
thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định.
3. Trường hợp việc giám định không thể tiến hành
trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến
hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan
trưng cầu, người yêu cầu giám định.
4. Thời hạn giám định quy định tại Điều này cũng
áp dụng đối với trường hợp giám định bổ sung, giám định lại.
Điều 209. Tiến hành giám định
1. Việc giám định có thể tiến hành tại cơ quan
giám định hoặc tại nơi tiến hành điều tra vụ án ngay sau khi có quyết định
trưng cầu, yêu cầu giám định.
Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, người
yêu cầu giám định có thể tham dự giám định nhưng phải báo trước cho người giám
định biết.
2. Việc giám định do cá nhân hoặc do tập thể thực
hiện.
Điều 210. Giám định bổ
sung
1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong
trường hợp:
a) Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy
đủ;
b) Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định
liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.
2. Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá
nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện.
3. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được
thực hiện như giám định lần đầu.
Điều 211. Giám định lại
1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi
ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người
giám định khác thực hiện.
2. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo
đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường
hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải
thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám
định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc
giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định
lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật
Giám định tư pháp.
Điều 212. Giám định lại
trong trường hợp đặc biệt
Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại
sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Việc giám định lại trong trường
hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện, những người đã tham gia giám định
trước đó không được giám định lại. Kết luận giám định lại trong trường hợp này
được sử dụng để giải quyết vụ án.
Điều 213. Kết luận giám định
1. Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định
đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo
quy định của Luật Giám định tư pháp.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận
giám định, tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định phải gửi kết luận giám định
cho cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận
giám định, cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám
định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
3. Để làm sáng tỏ nội dung kết luận giám định,
cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đã
tiến hành giám định giải thích kết luận giám định; hỏi thêm người giám định về
những tình tiết cần thiết.
Điều 214. Quyền của bị
can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận giám định
1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề
nghị trưng cầu giám định của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng
khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng
cầu giám định.
2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
kết luận giám định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông
báo kết luận giám định cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng
khác có liên quan.
3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng
khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định
bổ sung hoặc giám định lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải lập biên bản.
4. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,
Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng
khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 215. Yêu cầu định giá
tài sản
1. Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết
vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định
giá tài sản.
2. Văn bản yêu cầu định giá tài sản có các nội
dung:
a) Tên cơ quan yêu cầu định giá; họ tên người có
thẩm quyền yêu cầu định giá;
b) Tên Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu;
c) Thông tin và đặc điểm của tài sản cần định
giá;
d) Tên tài liệu có liên quan (nếu có);
đ) Nội dung yêu cầu định giá tài sản;
e) Ngày, tháng, năm yêu cầu định giá tài sản, thời
hạn trả kết luận định giá tài sản.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản
yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản
yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng
định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm
sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
4. Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn
đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố
tụng dân sự.
Điều 216. Thời hạn định
giá tài sản
Việc định giá tài sản, trả kết luận định giá tài
sản thực hiện theo thời hạn nêu trong văn bản yêu cầu định giá tài sản. Trường
hợp việc định giá tài sản không thể tiến hành trong thời hạn yêu cầu, Hội đồng
định giá tài sản phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ
quan, người đã yêu cầu định giá biết.
Điều 217. Tiến hành định
giá tài sản
1. Việc định giá tài sản do Hội đồng định giá
tài sản tiến hành. Phiên họp định giá tài sản có thể thực hiện tại nơi có tài sản
được định giá hoặc nơi khác theo quyết định của Hội đồng định giá tài sản.
Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán có thể
tham dự phiên họp định giá tài sản nhưng phải báo trước cho Hội đồng định giá
tài sản biết; khi được sự đồng ý của Hội đồng định giá tài sản thì có quyền đưa
ra ý kiến.
2. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập
và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản.
Điều 218. Định giá lại tài
sản
1. Trường hợp có nghi ngờ kết luận định giá lần
đầu, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tự mình hoặc theo đề nghị của
người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác ra văn bản yêu cầu định giá lại
tài sản. Việc định giá lại tài sản do Hội đồng định giá tài sản cấp trên trực
tiếp thực hiện.
2. Trường hợp có mâu thuẫn giữa kết luận định
giá lần đầu và kết luận định giá lại về giá của tài sản cần định giá, cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá lại lần thứ hai.
Việc định giá lại lần thứ hai do Hội đồng định giá tài sản có thẩm quyền thực
hiện. Kết luận định giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ
án.
Điều 219. Định giá tài sản
trong trường hợp tài sản bị thất lạc hoặc không còn
Trường hợp tài sản cần định giá bị thất lạc hoặc
không còn thì việc định giá tài sản được thực hiện theo hồ sơ của tài sản trên
cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.
Điều 220. Định giá lại tài
sản trong trường hợp đặc biệt
Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc định giá lại
tài sản khi đã có kết luận định giá lại lần hai của Hội đồng định giá tài sản.
Việc định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực
hiện. Người đã tham gia định giá trước đó không được định giá lại. Kết luận định
giá lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án.
Điều 221. Kết luận định
giá tài sản
1. Kết luận định giá tài sản phải ghi rõ kết luận
về giá của tài sản theo nội dung yêu cầu định giá và các nội dung khác theo quy
định của pháp luật.
2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận định
giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản phải gửi kết luận cho cơ quan yêu cầu định
giá tài sản, người yêu cầu định giá tài sản.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận
định giá tài sản, cơ quan đã yêu cầu, người yêu cầu định giá tài sản phải gửi kết
luận định giá tài sản cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều
tra.
3. Để làm sáng tỏ nội dung kết luận định giá tài
sản, cơ quan yêu cầu định giá tài sản có quyền yêu cầu Hội đồng định giá tài sản
giải thích kết luận định giá; hỏi thêm Hội đồng định giá tài sản về những tình tiết
cần thiết.
Điều 222. Quyền của bị
can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài
sản
1. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề
nghị định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác,
cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra văn bản yêu cầu định
giá tài sản.
2. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
kết luận định giá tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải
thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người
tham gia tố tụng khác có liên quan.
3. Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng
khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá
lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa
án phải lập biên bản.
4. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,
Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng
khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chương XVI
BIỆN PHÁP ĐIỀU TRA TỐ TỤNG
ĐẶC BIỆT
Điều 223. Các biện pháp điều
tra tố tụng đặc biệt
Sau khi khởi tố vụ án, trong quá trình điều tra,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng các biện pháp điều
tra tố tụng đặc biệt:
1. Ghi âm, ghi hình bí mật;
2. Nghe điện thoại bí mật;
3. Thu thập bí mật dữ liệu điện tử.
Điều 224. Trường hợp áp dụng
biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Có thể áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
đối với các trường hợp:
1. Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma
túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền;
2. Tội phạm khác có tổ chức thuộc loại tội phạm
đặc biệt nghiêm trọng.
Điều 225. Thẩm quyền,
trách nhiệm quyết định và thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều tra
tố tụng đặc biệt
1. Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Thủ trưởng
Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu trở lên tự mình hoặc theo yêu cầu của Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp
quân khu có quyền ra quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu
vực thụ lý, điều tra thì Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp huyện, Thủ trưởng
Cơ quan điều tra quân sự khu vực đề nghị Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh,
Thủ trưởng Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu xem xét, quyết định áp dụng.
2. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng
đặc biệt ghi rõ thông tin cần thiết về đối tượng bị áp dụng, tên biện pháp được
áp dụng, thời hạn, địa điểm áp dụng, cơ quan tiến hành biện pháp điều tra tố tụng
đặc biệt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật
này.
3. Quyết định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng
đặc biệt phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi
hành. Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có trách nhiệm kiểm
tra chặt chẽ việc áp dụng biện pháp này, kịp thời đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ
nếu xét thấy không còn cần thiết.
Cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân,
Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thi hành quyết định
áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
4. Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện
kiểm sát có thẩm quyền và người thi hành quyết định áp dụng biện pháp điều
tra tố tụng đặc biệt phải giữ bí mật.
Điều 226. Thời hạn áp dụng
biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
1. Thời hạn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc
biệt không quá 02 tháng kể từ ngày Viện trưởng Viện kiểm sát phê chuẩn. Trường
hợp phức tạp có thể gia hạn nhưng không quá thời hạn điều tra theo quy định của
Bộ luật này.
2. Chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn
áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt, nếu xét thấy cần gia hạn thì Thủ
trưởng Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng phải có văn bản đề nghị Viện
trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn xem xét, quyết định việc gia hạn.
Điều 227. Sử dụng thông
tin, tài liệu thu thập được bằng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
1. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng biện
pháp điều tra tố tụng đặc biệt chỉ được sử dụng vào việc khởi tố, điều tra,
truy tố, xét xử vụ án hình sự; thông tin, tài liệu không liên quan đến vụ án phải
tiêu hủy kịp thời.
Nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ
thu thập được vào mục đích khác.
2. Thông tin, tài liệu thu thập được bằng việc
áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt có thể dùng làm chứng cứ để giải
quyết vụ án.
3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo
ngay kết quả việc áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt cho Viện trưởng
Viện kiểm sát đã phê chuẩn.
Điều 228. Hủy bỏ việc áp dụng
biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
Viện trưởng Viện kiểm sát đã phê chuẩn quyết
định áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt phải kịp thời hủy
bỏ quyết định đó khi thuộc một trong các trường hợp:
1. Có đề nghị bằng văn bản của Thủ trưởng Cơ
quan điều tra có thẩm quyền;
2. Có vi phạm trong quá trình áp dụng biện pháp điều
tra tố tụng đặc biệt;
3. Không cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp điều
tra tố tụng đặc biệt.
Chương XVII
TẠM ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA
VÀ KẾT THÚC ĐIỀU TRA
Điều 229. Tạm đình chỉ điều
tra
1. Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều
tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi chưa xác định được bị can hoặc không biết
rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn điều tra vụ án. Trường hợp không biết
rõ bị can đang ở đâu, Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã trước khi tạm
đình chỉ điều tra;
b) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị
can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ điều tra trước
khi hết thời hạn điều tra;
c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài
sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn
điều tra. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư
pháp vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả;
d)[6] Khi không thể
kết thúc điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết
thời hạn điều tra.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ
trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng
các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.
2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà lý do tạm
đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể tạm đình chỉ điều
tra đối với từng bị can.
3. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định
tạm đình chỉ điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm
sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông
báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền lợi của họ.
Điều 230. Đình chỉ điều
tra
1. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều
tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật
này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2
Điều 91 của Bộ luật Hình sự;
b) Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng
minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
2. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời
gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện
pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu
có), việc xử lý vật chứng và những vấn đề khác có liên quan.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để
đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều
tra đối với từng bị can.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được
quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, nếu thấy
quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ
án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình
chỉ điều tra không có căn cứ thì hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu
Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì hủy bỏ
quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự,
thủ tục quy định tại Bộ luật này.
Điều 231. Truy nã bị can
1. Khi bị can trốn hoặc không biết rõ bị can
đang ở đâu thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định truy nã bị can.
2. Quyết định truy nã ghi rõ họ tên, ngày,
tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, đặc điểm để nhận dạng bị can, tội phạm
mà bị can đã bị khởi tố và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều
132 của Bộ luật này; kèm theo ảnh bị can (nếu có).
Quyết định truy nã bị can được gửi cho Viện kiểm
sát cùng cấp và thông báo công khai để mọi người phát hiện, bắt người bị truy
nã.
3. Sau khi bắt được bị can theo quyết định truy
nã thì Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã phải ra quyết định đình nã.
Quyết định đình nã được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và thông báo công khai.
Điều 232. Kết thúc điều
tra
1. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải
ra bản kết luận điều tra.
2. Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra
ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết
định đình chỉ điều tra.
3. Bản kết luận điều tra ghi rõ ngày, tháng,
năm; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.
4. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết
luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố
hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ
án cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc
quyết định đình chỉ điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can; gửi bản
kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho người
bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của họ.
Điều 233. Kết luận điều
tra trong trường hợp đề nghị truy tố
Trong trường hợp đề nghị truy tố thì bản kết luận
điều tra ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội; chứng cứ xác định hành vi phạm tội
của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại
do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn,
biện pháp cưỡng chế; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm
nhân thân của bị can; việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật
chứng; nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý
nghĩa đối với vụ án; lý do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điều, khoản, điểm
của Bộ luật Hình sự được áp dụng; những ý kiến đề xuất giải quyết vụ án.
Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng,
năm ra kết luận; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận điều tra.
Điều 234. Kết luận điều
tra trong trường hợp đình chỉ điều tra
Trong trường hợp đình chỉ điều tra thì bản kết
luận điều tra ghi rõ diễn biến sự việc, quá trình điều tra, lý do và căn cứ
đình chỉ điều tra.
Bản kết luận điều tra phải ghi rõ ngày, tháng,
năm ra kết luận; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận điều tra.
Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa
điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp
ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trả lại tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có),
việc xử lý vật chứng và các vấn đề khác có liên quan.
Điều 235. Phục hồi điều
tra
1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều
tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục
hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của Bộ luật này mà bị can không đồng
ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra
quyết định phục hồi điều tra.
2. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định
phục hồi điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát
cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo
cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Phần thứ ba
TRUY TỐ
Chương XVIII
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 236. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố
1. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện
pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; yêu cầu Cơ quan điều tra
truy nã bị can.
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp
tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết.
3. Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra
nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi
Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho
Cơ quan điều tra.
4. Quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, quyết
định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can trong trường hợp phát hiện còn có
hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra.
5. Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để
yêu cầu điều tra bổ sung.
6. Quyết định tách, nhập vụ án; chuyển vụ án để
truy tố theo thẩm quyền, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa
bệnh.
7. Quyết định gia hạn, không gia hạn thời hạn
truy tố, thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.
8. Quyết định truy tố.
9. Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; quyết
định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; quyết định phục hồi vụ án,
quyết định phục hồi vụ án đối với bị can.
10. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để quyết
định việc truy tố theo quy định của Bộ luật này.
Điều 237. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố
1. Khi kiểm sát trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm
sát có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người
tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử
lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật;
b) Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện
pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật;
c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để kiểm
sát trong giai đoạn truy tố theo quy định của Bộ luật này.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được
yêu cầu, kiến nghị quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, cơ quan, tổ
chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo việc thực hiện yêu cầu,
kiến nghị cho Viện kiểm sát.
Điều 238. Giao, nhận hồ sơ
vụ án và bản kết luận điều tra
1. Khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giao hồ sơ vụ án kèm theo bản kết luận điều
tra đề nghị truy tố và vật chứng (nếu có) thì Viện kiểm sát phải kiểm tra và xử
lý như sau:
a) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng
kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản kết luận điều
tra đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ
án;
b) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng
kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản kết luận
điều tra chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận
hồ sơ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một
số hoạt động điều tra bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản kết luận điều
tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can.
2. Việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều
tra được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật
này và đưa vào hồ sơ vụ án.
Điều 239. Thẩm quyền truy
tố
1. Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố
và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền
truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với
vụ án.
Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố
của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm
quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh,
Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
Đối với vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực
hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên quyết định
việc truy tố. Chậm nhất là 02 tháng trước khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát
cấp trên phải thông báo cho Viện kiểm sát cấp dưới cùng cấp với Tòa án có thẩm
quyền xét xử sơ thẩm vụ án để cử Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Ngay sau khi quyết định truy tố, Viện kiểm sát cấp trên ra quyết định phân công
cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; sau khi
nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng, Viện kiểm sát cấp dưới có thẩm
quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo đúng quy định của Bộ luật
này.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định
chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đã kết thúc
điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại,
người tham gia tố tụng khác.
Việc giao, gửi hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng
được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 240 của Bộ luật
này. Trong trường hợp này, thời hạn truy tố được tính từ ngày Viện kiểm sát
có thẩm quyền truy tố nhận được hồ sơ vụ án.
Điều 240. Thời hạn quyết định
việc truy tố
1. Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít
nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng
và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều
tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:
a) Truy tố bị can trước Tòa án;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc
tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.
Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát
có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với
tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội
phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra một
trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Viện kiểm sát phải thông
báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết
việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị
can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình
chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với
bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại,
đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Việc giao, nhận các văn bản nêu trên được lập
biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ
án.
Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản
cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị
can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.
3. Các quyết định nêu tại khoản 1 Điều này phải
được gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có
quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định đó nếu thấy không có căn cứ hoặc
trái pháp luật và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định đúng pháp luật.
Điều 241. Áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều
tra, Viện kiểm sát có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn
chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.
Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai
đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều
240 của Bộ luật này.
Điều 242. Nhập hoặc tách
vụ án trong giai đoạn truy tố
1. Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc
một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc
cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội
phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
2. Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc
một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến
việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ
án đối với bị can:
a) Bị can bỏ trốn;
b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Chương XIX
QUYẾT ĐỊNH VIỆC TRUY TỐ
BỊ CAN
Điều 243. Quyết định truy
tố bị can
Viện kiểm sát quyết định truy tố bị can trước
Tòa án bằng bản cáo trạng.
Bản cáo trạng ghi rõ diễn biến hành vi phạm tội;
những chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị can, thủ đoạn, động cơ, mục
đích phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp
dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; những tình tiết
tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đặc điểm nhân thân của bị can; việc
thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; nguyên nhân và điều
kiện dẫn đến hành vi phạm tội và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Phần kết luận của bản cáo trạng ghi rõ tội danh
và điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự được áp dụng.
Bản cáo trạng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra
cáo trạng; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra bản cáo trạng.
Điều 244. Chuyển hồ sơ vụ
án và bản cáo trạng đến Tòa án
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng,
Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Trường hợp vụ
án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể
kéo dài nhưng không quá 10 ngày.
Trường hợp vụ án có bị can bị tạm giam thì
trước khi hết thời hạn tạm giam 07 ngày thì Viện kiểm sát thông báo cho
Tòa án biết để xem xét, quyết định việc tạm giam bị can khi nhận hồ sơ vụ
án.
Điều 245. Trả hồ sơ vụ án
để điều tra bổ sung
1. Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ vụ
án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường
hợp:
a) Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những
vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm
sát không thể tự mình bổ sung được;
b) Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội
phạm khác;
c) Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên
quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;
d) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
2. Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ
sung phải ghi rõ vấn đề cần điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 Điều này và
các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
3. Cơ quan điều tra có trách nhiệm thực hiện đầy
đủ yêu cầu nêu trong quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm
sát; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thực
hiện được thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Kết thúc điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra phải
có bản kết luận điều tra bổ sung. Bản kết luận điều tra bổ sung phải ghi rõ kết
quả điều tra bổ sung, quan điểm giải quyết vụ án. Nếu kết quả điều tra bổ sung
làm thay đổi cơ bản kết luận điều tra trước đó thì Cơ quan điều tra phải ra bản
kết luận điều tra mới thay thế.
Việc chuyển hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều
tra bổ sung cho Viện kiểm sát; việc giao, nhận, gửi thông báo kết quả điều tra
bổ sung được thực hiện theo quy định tại Điều 232 và Điều 238 của Bộ luật này.
Điều 246. Giải quyết yêu cầu
điều tra bổ sung của Tòa án
Trường hợp Tòa án quyết định trả hồ sơ vụ án yêu
cầu điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát phải xem xét căn cứ của việc yêu cầu điều
tra bổ sung và giải quyết như sau:
1. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ
sung có căn cứ mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra thì Viện
kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để bổ sung tài liệu, chứng
cứ; trường hợp Viện kiểm sát không thể tự điều tra bổ sung được thì Viện kiểm
sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung và chuyển ngay hồ sơ cho Cơ
quan điều tra để tiến hành điều tra.
Trường hợp kết quả điều tra bổ sung làm thay đổi
cơ bản nội dung bản cáo trạng trước đó thì Viện kiểm sát phải ra bản cáo trạng
mới thay thế và chuyển hồ sơ đến Tòa án. Trường hợp kết quả điều tra bổ sung dẫn
đến đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo
cho Tòa án biết;
2. Nếu quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ
sung không có căn cứ thì Viện kiểm sát có văn bản nêu rõ lý do, giữ nguyên quyết
định truy tố và chuyển lại hồ sơ cho Tòa án.
Điều 247. Tạm đình chỉ vụ
án
1. Viện kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án
trong các trường hợp:
a) Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị
can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo thì có thể tạm đình chỉ vụ án trước
khi hết thời hạn quyết định việc truy tố;
b) Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can
đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này
phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc
truy nã bị can được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ
luật này;
c) Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài
sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp mà chưa có kết quả nhưng đã hết thời
hạn quyết định việc truy tố. Trong trường hợp này, việc giám định, định giá tài
sản, tương trợ tư pháp tiếp tục tiến hành cho đến khi có kết quả;
d)[7] Khi không thể
tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố vì lý do bất khả
kháng do thiên tai, dịch bệnh nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ
trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng
các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết điểm này.
2. Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý
do, căn cứ tạm đình chỉ vụ án, các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy
định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để tạm
đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì tạm đình chỉ vụ án đối với
từng bị can.
Điều 248. Đình chỉ vụ án
1. Viện kiểm sát quyết định không truy tố và ra
quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của Bộ luật này
hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91
của Bộ luật Hình sự.
2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do
và căn cứ đình chỉ vụ án, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế,
xử lý vật chứng, tài liệu, đồ vật đã tạm giữ (nếu có), các vấn đề khác có liên
quan và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ
luật này.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ đình
chỉ vụ án không liên quan đến tất cả các bị can thì quyết định đình chỉ vụ án đối
với từng bị can.
Điều 249. Phục hồi vụ án
1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ
án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định phục hồi
vụ án nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vụ án bị đình chỉ
theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của Bộ luật này
mà bị can không đồng ý và yêu cầu phục hồi vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định
phục hồi vụ án. Có thể phục hồi đối với toàn bộ vụ án hoặc phục hồi vụ án đối với
từng bị can.
2. Quyết định phục hồi vụ án phải ghi rõ lý do
và căn cứ phục hồi vụ án, các vấn đề khác có liên quan và các nội dung quy định
tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.
3. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định,
Viện kiểm sát phải giao quyết định phục hồi vụ án hoặc quyết định phục hồi vụ
án đối với bị can cho bị can hoặc người đại diện của bị can; gửi cho cơ quan đã
kết thúc điều tra vụ án, người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự, người
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Việc giao, nhận quyết định phục hồi vụ án, quyết
định phục hồi vụ án đối với bị can được lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
4. Thời hạn quyết định việc truy tố khi phục hồi
vụ án được tính theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Viện kiểm
sát ra quyết định phục hồi vụ án.
5. Khi phục hồi vụ án, Viện kiểm sát có quyền áp
dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của
Bộ luật này.
Trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật
này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi vụ án không được quá thời
hạn quyết định việc truy tố.
Phần thứ tư
XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ
Chương XX
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 250. Xét xử trực tiếp, bằng
lời nói và liên tục
1. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói.
Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết
của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại
diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được
Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố
biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ;
nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của bị hại, đương sự.
2. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian
nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa.
Điều 251. Tạm ngừng phiên
tòa
1. Việc xét xử có thể tạm ngừng khi thuộc một
trong các trường hợp:
a) Cần phải xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ,
tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa và có thể thực hiện
được trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
b) Do tình trạng sức khỏe, sự kiện bất khả kháng
hoặc trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc người
tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa nhưng họ có thể tham gia
lại phiên tòa trong thời gian 05 ngày, kể từ ngày tạm ngừng phiên tòa;
c) Vắng mặt Thư ký Tòa án tại phiên tòa.
2. Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản
phiên tòa và thông báo cho những người tham gia tố tụng biết. Thời hạn tạm ngừng
phiên tòa không quá 05 ngày kể từ ngày quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời
hạn tạm ngừng phiên tòa, việc xét xử vụ án được tiếp tục. Trường hợp không thể
tiếp tục xét xử vụ án thì phải hoãn phiên tòa.
Điều
252. Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
Tòa án tiến hành việc xác
minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động:
1. Tiếp nhận chứng cứ, tài
liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;
2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức,
cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;
3. Xem xét tại chỗ vật chứng
không thể đưa đến phiên tòa;
4. Xem xét tại chỗ nơi đã xảy
ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;
5. Trưng cầu giám định, yêu
cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần
định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều
215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định
giá lại tài sản;
6. Trường hợp Tòa án đã yêu
cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì
Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ
án.
Điều
253. Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án
1. Khi cơ quan, tổ chức, cá
nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì Thẩm phán chủ
tọa phiên tòa phải tiếp nhận và có thể hỏi người đã cung cấp về những vấn đề có
liên quan đến chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó. Việc tiếp nhận được lập biên bản.
2. Ngay sau khi nhận được chứng
cứ, tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thì Tòa án phải chuyển
cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ,
tài liệu, đồ vật, Viện kiểm sát phải xem xét và chuyển lại cho Tòa án để đưa
vào hồ sơ vụ án.
Điều 254. Thành phần Hội đồng
xét xử
1. Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và
hai Hội thẩm. Trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì Hội đồng
xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
Đối với vụ án có bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự
quy định mức cao nhất của khung hình phạt là tù chung thân, tử hình thì Hội đồng
xét xử sơ thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm ba Thẩm phán.
Điều 255.
Quyết định đưa vụ án ra xét xử
1. Quyết định đưa vụ án ra
xét xử sơ thẩm ghi rõ:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết
định; tên Tòa án ra quyết định; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;
b) Xét xử công khai hay xét xử
kín;
c) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị cáo;
d) Tội danh và điểm, khoản, điều
của Bộ luật Hình sự mà Viện kiểm sát truy tố đối với bị cáo;
đ) Họ tên Thẩm phán, Hội
thẩm, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Hội thẩm dự khuyết, Thư ký Tòa
án dự khuyết (nếu có);
e) Họ tên Kiểm sát viên thực
hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; họ tên Kiểm sát viên dự khuyết
(nếu có);
g) Họ tên người bào chữa
(nếu có);
h) Họ tên người phiên dịch
(nếu có);
i) Họ tên những người khác
được triệu tập đến phiên tòa;
k) Vật chứng cần đưa ra xem xét
tại phiên tòa.
2. Quyết định đưa vụ án ra
xét xử phúc thẩm ghi rõ các nội dung quy định tại các điểm a, b, e, g, h, i và
k khoản 1 Điều này; tội danh và hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định;
họ tên người kháng cáo, người bị kháng cáo, người bị kháng nghị; Viện kiểm sát
kháng nghị; họ tên Thẩm phán, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Thư ký
Tòa án dự khuyết (nếu có).
Điều 256. Nội quy phiên
tòa
1. Mọi người vào phòng xử án phải mặc trang phục
nghiêm túc, chấp hành việc kiểm tra an ninh và thực hiện đúng hướng dẫn của Thư
ký Tòa án.
2. Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội
đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.
3. Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi
Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát
viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến
phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình
bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.
Những người vì lý do sức khỏe có thể được chủ tọa
phiên tòa cho phép ngồi.
4. Tại phiên tòa, bị cáo đang bị tạm giam chỉ được
tiếp xúc với người bào chữa cho mình. Việc tiếp xúc với những người khác phải
được chủ tọa phiên tòa cho phép.
5. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử
án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.
Điều 257. Phòng xử án
1. Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự
trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố
và luật sư, người bào chữa khác.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi
tiết Điều này.
Điều 258. Biên bản phiên
tòa
1. Biên bản phiên tòa phải ghi rõ giờ, ngày,
tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu
cho đến khi kết thúc phiên tòa. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm hoặc
ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa.
2. Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày và
quyết định tại phiên tòa đều được ghi vào biên bản.
3. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa
phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.
4. Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký
vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương
sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện
của những người đó được xem biên bản phiên tòa. Nếu có người yêu cầu ghi những
sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ
sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải
ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa
ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý
do và ghi vào biên bản phiên tòa.
Điều 259. Biên bản nghị
án
1. Khi nghị án phải lập biên bản.
Biên bản nghị án phải được tất cả thành viên Hội
đồng xét xử ký tại phòng nghị án trước khi tuyên án.
2. Biên bản nghị án của Hội đồng xét xử sơ thẩm
phải ghi rõ:
a) Giờ, ngày, tháng, năm
ra biên bản; tên Tòa án xét xử;
b) Họ tên Thẩm phán, Hội
thẩm;
c) Vụ án được đưa ra xét xử;
d) Kết quả biểu quyết của Hội đồng
xét xử về từng vấn đề đã thảo luận quy định tại khoản 3 Điều
326 của Bộ luật này, ý kiến khác (nếu có).
3. Biên bản nghị án của Hội đồng xét xử phúc thẩm
phải ghi rõ các điểm a, c và d khoản 2 Điều này và họ tên các Thẩm phán.
Điều 260. Bản án
1. Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam.
Bản án phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội
đồng xét xử.
2. Bản án sơ thẩm phải ghi rõ:
a) Tên Tòa án xét xử sơ thẩm; số và ngày thụ lý
vụ án; số của bản án và ngày tuyên án; họ tên của các thành viên Hội đồng xét xử,
Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư
trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, dân tộc, tiền án, tiền sự của bị cáo; ngày
bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi, nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của
người đại diện của bị cáo; họ tên của người bào chữa, người làm chứng, người
giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật và những
người khác được Tòa án triệu tập tham gia phiên tòa; họ tên, tuổi, nghề nghiệp,
nơi cư trú của bị hại, đương sự, người đại diện của họ; số, ngày, tháng, năm của
quyết định đưa vụ án ra xét xử; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời gian và
địa điểm xét xử;
b) Số, ngày, tháng, năm của bản cáo trạng hoặc quyết định truy tố; tên
Viện kiểm sát truy tố; hành vi của bị cáo theo tội danh mà Viện kiểm sát
truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự và mức hình phạt, hình
phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà Viện kiểm
sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo; xử lý vật chứng;
c) Ý kiến của người bào chữa, bị hại, đương sự, người khác tham gia
phiên tòa được Tòa án triệu tập;
d) Nhận định của Hội đồng xét xử phải phân tích
những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo
có tội hay không và nếu bị cáo có tội thì là tội gì, theo điểm, khoản, điều nào
của Bộ luật Hình sự và của văn bản quy phạm pháp luật khác được áp dụng, tình tiết
tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cần phải xử lý như thế
nào. Nếu bị cáo không có tội thì bản án phải ghi rõ những căn cứ xác định bị
cáo không có tội và việc giải quyết khôi phục danh dự, quyền và lợi ích hợp
pháp của họ theo quy định của pháp luật;
đ) Phân tích lý do mà Hội đồng xét xử không chấp
nhận những chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội, yêu cầu, đề nghị của Kiểm sát
viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự và người đại diện, người bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của họ đưa ra;
e) Phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết
định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều
tra, truy tố, xét xử;
g) Quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn
đề phải giải quyết trong vụ án, về án phí và quyền kháng cáo đối với bản án.
Trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì ghi rõ quyết định đó.
3. Bản án phúc thẩm phải ghi rõ:
a) Tên Tòa án xét xử phúc thẩm; số và ngày thụ
lý vụ án; số của bản án và ngày tuyên án; họ tên của các thành viên Hội đồng
xét xử, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa,
dân tộc, tiền án, tiền sự của bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo, bị kháng nghị
và những bị cáo không kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị nhưng
Tòa án cấp phúc thẩm có xem xét; ngày bị cáo bị tạm giữ, tạm giam; họ tên, tuổi,
nghề nghiệp, nơi sinh, nơi cư trú của người đại diện của bị cáo; họ tên của người
bào chữa, người giám định, người phiên dịch và những người khác được Tòa
án triệu tập tham gia phiên tòa; họ tên, tuổi,
nghề nghiệp, nơi cư trú, địa chỉ của bị hại, đương sự, người đại diện của họ;
tên của Viện kiểm sát có kháng nghị; xét xử công khai hoặc xét xử kín; thời
gian và địa điểm xét xử;
b) Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định trong bản
án sơ thẩm; nội dung kháng cáo, kháng nghị; nhận định của Hội đồng xét xử phúc
thẩm, những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; điểm,
khoản, điều của Bộ luật Hình sự và của văn bản quy phạm pháp luật khác mà Hội đồng
xét xử phúc thẩm căn cứ để giải quyết vụ án;
c) Quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm về từng
vấn đề phải giải quyết trong vụ án do có kháng cáo, kháng nghị, về án phí sơ thẩm,
phúc thẩm.
Điều
261. Sửa chữa, bổ sung bản án
1. Không được sửa chữa, bổ sung bản án trừ trường
hợp phát hiện có lỗi rõ ràng về chính tả, số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán
sai.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án không được làm
thay đổi bản chất vụ án hoặc bất lợi cho bị cáo và những người tham gia tố tụng
khác.
Việc sửa chữa, bổ sung bản án được thể hiện bằng
văn bản và giao ngay cho những người được quy định tại Điều
262 của Bộ luật này.
2. Việc sửa chữa, bổ sung bản án quy định tại khoản 1 Điều
này do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định thực hiện. Trường hợp
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì việc sửa chữa, bổ sung
bản án do Chánh án Tòa án đã xét xử vụ án đó thực hiện.
Điều 262. Giao, gửi bản án
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án,
Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp,
người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp, Cơ quan điều tra cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự có thẩm
quyền, Trại tạm giam, Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; thông báo bằng văn bản
cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú hoặc cơ quan, tổ chức
nơi bị cáo làm việc, học tập; cấp bản sao bản án hoặc trích lục bản án về những
phần có liên quan cho đương sự hoặc người đại diện của họ.
Trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo theo quy định
tại điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này
thì trong thời hạn nêu trên, bản án phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc,
học tập cuối cùng của bị cáo.
Tòa án cấp sơ thẩm gửi bản án cho cơ quan thi
hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án sơ thẩm có tuyên hình phạt
tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự theo quy định của Luật thi hành án
dân sự.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc
kể từ ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án hoặc quyết định
phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp; cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền;
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm; Trại tạm giam,
Trại giam nơi đang giam giữ bị cáo; người đã kháng cáo, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện của họ;
cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong trường hợp bản án phúc thẩm có
tuyên hình phạt tiền, tịch thu tài sản và quyết định dân sự; thông báo bằng văn
bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi
làm việc, học tập của bị cáo. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm
thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày.
Điều 263. Phiên dịch tại
phiên tòa
1. Trường hợp bị cáo, bị hại, đương sự, người
làm chứng không biết tiếng Việt, là người câm, người điếc thì người phiên dịch
phải dịch cho họ nghe, hiểu lời trình bày, các câu hỏi, câu trả lời tại phiên
tòa, nội dung quyết định của Hội đồng xét xử và các vấn đề khác có liên quan đến
họ.
2. Người phiên dịch phải dịch lời trình bày, câu
hỏi, câu trả lời của những người quy định tại khoản 1 Điều này ra tiếng Việt
cho Hội đồng xét xử và người khác tham gia phiên tòa cùng nghe.
Điều 264. Kiến nghị sửa chữa
thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý
1. Cùng với việc ra bản án, Tòa án ra kiến nghị
cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp cần thiết để khắc phục nguyên nhân
và điều kiện phát sinh tội phạm tại các cơ quan, tổ chức đó. Trong thời hạn 30
ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị của Tòa án, cơ quan, tổ chức nhận được kiến
nghị phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết về những biện pháp được áp dụng.
2. Kiến nghị của Tòa án có thể được đọc tại
phiên tòa cùng với bản án hoặc chỉ gửi riêng cho cơ quan, tổ chức hữu quan.
Điều 265. Kiến nghị cơ
quan có thẩm quyền xem xét, xử lý văn bản pháp luật
Trong quá trình xét xử vụ án hình sự, Tòa án
phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc
hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội,
pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích
hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Việc xem xét, trả lời Tòa án về kết quả xử lý
văn bản pháp luật bị kiến nghị được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 266. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử
1. Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn
xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Công bố cáo trạng, công bố quyết định truy tố
theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên
tòa;
b) Xét hỏi, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ;
c) Luận tội, tranh luận, rút một phần hoặc toàn
bộ quyết định truy tố; kết luận về tội khác bằng hoặc nhẹ hơn; phát biểu quan điểm
của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa;
d) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án
trong trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;
đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác khi thực
hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm theo quy định của Bộ luật
này.
2. Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn
xét xử phúc thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Trình bày ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng
nghị;
b) Bổ sung chứng cứ mới;
c) Bổ sung, thay đổi kháng nghị; rút một phần hoặc
toàn bộ kháng nghị;
d) Xét hỏi, xem xét vật chứng, xem xét tại chỗ;
đ) Phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc
giải quyết vụ án tại phiên tòa, phiên họp;
e) Tranh luận với bị cáo, người bào chữa, người
tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
g) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác khi thực
hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử phúc thẩm theo quy định của Bộ
luật này.
Điều 267. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử
1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc
xét xử vụ án hình sự của Tòa án.
2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người
tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý
nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.
3. Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng
khác của Tòa án.
4. Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ
sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị.
5. Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có
vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
6. Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức,
cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; kiến nghị
Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng.
7. Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng
biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý.
8. Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, nhiệm vụ,
quyền hạn khác khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Chương XXI
XÉT XỬ SƠ THẨM
Mục I. THẨM QUYỀN CỦA TÒA
ÁN CÁC CẤP
Điều 268. Thẩm quyền xét xử
của Tòa án
1. Tòa án nhân dân cấp huyện và
Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm
trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm:
a) Các tội xâm phạm an ninh quốc
gia;
b) Các tội phá hoại hòa bình,
chống loài người và tội phạm chiến tranh;
c) Các tội quy định tại các điều 123, 125, 126,
227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371,
399 và 400 của Bộ luật Hình sự;
d) Các tội phạm được thực hiện ở
ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh và
Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án:
a) Vụ án hình sự về các tội phạm
không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực;
b) Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, đương sự ở
nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
c) Vụ án hình sự thuộc thẩm
quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có
nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên
quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều
tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, người có
chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Điều 269. Thẩm quyền theo
lãnh thổ
1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là
Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều
nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm
quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
2. Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt
Nam thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước
xét xử. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo
thì tùy trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho Tòa
án nhân dân thành phố Hà Nội hoặc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hoặc
Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xét xử.
Bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu thuộc thẩm quyền
xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử theo quyết định
của Chánh án Tòa án quân sự trung ương.
Điều 270. Thẩm quyền xét xử
tội phạm xảy ra trên tàu bay, tàu biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải của Việt Nam
Tội phạm xảy ra trên tàu bay hoặc tàu biển của
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang hoạt động ngoài không phận hoặc
ngoài lãnh hải của Việt Nam thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam nơi
có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được
đăng ký.
Điều 271. Việc xét xử bị
cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của các Tòa án khác cấp
Khi bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm
thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên thì Tòa án cấp trên xét xử toàn bộ
vụ án.
Điều 272. Thẩm quyền xét xử
của Tòa án quân sự
1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử:
a) Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ,
công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập
trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ
trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân
trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp
đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân;
b) Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng
quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt
hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức,
công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn
luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản,
danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội
hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội
phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Điều 273. Việc xét xử bị
cáo phạm nhiều tội thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự
Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm
quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền
xét xử của Tòa án nhân dân thì thẩm quyền xét xử được thực hiện:
1. Trường hợp có thể tách vụ án thì Tòa án quân
sự xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự;
Tòa án nhân dân xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa
án nhân dân;
2. Trường hợp không thể tách vụ án thì Tòa án
quân sự xét xử toàn bộ vụ án.
Điều 274. Chuyển vụ án
trong giai đoạn xét xử
1. Khi vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của
mình thì Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện
kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ
vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện
kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án
ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc ngoài phạm vi quân
khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.
Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử
của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm
theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm
quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền
xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực
hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền.
2. Thời hạn truy tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn
được thực hiện theo quy định tại Điều 240 và Điều 241 của Bộ
luật này.
Điều 275. Giải quyết việc
tranh chấp về thẩm quyền xét xử
1. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét
xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, giữa các Tòa án quân sự khu vực trong cùng một quân khu do Chánh án
Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu quyết định.
2. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét
xử giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương khác nhau, giữa các Tòa án quân sự khu vực thuộc các quân khu khác
nhau do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu
nơi kết thúc việc điều tra quyết định.
3. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét
xử giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, giữa các Tòa án quân sự cấp quân khu do
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương quyết định.
4. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét
xử giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
quyết định.
Việc chuyển vụ án để xét xử theo thẩm quyền được
thực hiện theo quy định tại Điều 274 của Bộ luật này.
Mục II. CHUẨN BỊ XÉT XỬ
Điều 276.
Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lý vụ án
1. Khi Viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ
án và vật chứng kèm theo (nếu có), Tòa án phải kiểm tra và xử lý:
a) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng
kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng
đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án;
b) Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng
kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng
chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ
án và yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo
trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.
2. Việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng
được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này
và đưa vào hồ sơ vụ án.
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản
cáo trạng thì Tòa án phải thụ lý vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ
lý vụ án, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết
vụ án.
Điều
277. Thời hạn chuẩn bị xét xử
1. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm
ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm
rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ
lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.
Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể
quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội
phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm
rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn
bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều
tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ
tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục
hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định
tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì
lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa
trong thời hạn 30 ngày.
Điều
278. Áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
1. Sau khi thụ lý vụ án,
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp
ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, trừ việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm
giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định.
2. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử
không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều
277 của Bộ luật này.
3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở
phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn
thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc
phiên tòa.
Điều 279. Giải quyết yêu cầu,
đề nghị trước khi mở phiên tòa
1. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa phải giải quyết các yêu cầu, đề nghị:
a) Yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố
tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ; triệu tập người làm chứng, người có
thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa; về
việc thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án;
b) Đề nghị của bị cáo hoặc người đại diện của
bị cáo, người bào chữa về việc thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện
pháp cưỡng chế;
c) Đề nghị của Kiểm sát viên, người tham gia tố
tụng về việc xét xử theo thủ tục rút gọn, xét xử công khai hoặc xét xử kín;
d) Đề nghị của người tham gia tố tụng về việc vắng
mặt tại phiên tòa.
2. Nếu xét thấy yêu cầu, đề nghị có căn cứ thì
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông báo cho người
có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này và thông báo cho người
đã yêu cầu, đề nghị biết; nếu không chấp nhận thì thông báo cho họ bằng văn bản
nêu rõ lý do.
Điều 280. Trả hồ sơ để điều
tra bổ sung
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả
hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một
trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà
không thể bổ sung tại phiên tòa được;
b) Có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà Viện kiểm
sát đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà Bộ luật Hình sự quy định
là tội phạm;
c) Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc
có người khác thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm liên
quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can;
d) Việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm
nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.
2. Trường hợp Viện kiểm sát phát hiện có căn cứ
trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ
sơ.
3. Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung phải
ghi rõ những vấn đề cần điều tra bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát kèm theo hồ
sơ vụ án trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới việc đình
chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và thông báo cho Tòa
án biết trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới phải thay đổi
quyết định truy tố thì Viện kiểm sát ban hành bản cáo trạng mới thay thế bản cáo
trạng trước đó.
Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được những
vấn đề mà Tòa án yêu cầu và vẫn giữ nguyên quyết định truy tố thì Tòa án tiến
hành xét xử vụ án.
Điều 281. Tạm đình chỉ vụ
án
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định
tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có căn cứ quy định tại điểm
b và điểm c khoản 1 Điều 229 của Bộ luật này;
b) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã
hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra
quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị
can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật
này;
c) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án
kiến nghị.
2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà
căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm
đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
3. Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý
do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132
của Bộ luật này.
Điều 282. Đình chỉ vụ
án
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định
đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 hoặc các điểm 3,
4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này;
b) Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố
trước khi mở phiên tòa.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn
cứ để đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể
đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
2. Quyết định đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý
do đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ
luật này.
Điều 283. Phục hồi vụ án
1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ
vụ án hoặc có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án nếu chưa hết
thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình
chỉ, quyết định đình chỉ vụ án ra quyết định phục hồi vụ án.
Trường hợp Thẩm phán đã ra quyết định tạm đình
chỉ, quyết định đình chỉ vụ án không thể thực hiện được thì Chánh án ra
quyết định phục hồi.
2. Trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ đối với từng
bị can, bị cáo thì ra quyết định phục hồi vụ án đối với từng bị can, bị cáo.
3. Quyết định phục hồi vụ án phải ghi rõ lý do
phục hồi vụ án và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của
Bộ luật này.
4. Khi phục hồi vụ án, Tòa án có quyền áp dụng,
thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật
này.
Trường hợp có căn cứ theo quy định của Bộ luật
này cần phải tạm giam thì thời hạn tạm giam để phục hồi vụ án không được quá thời
hạn chuẩn bị xét xử.
Điều
284. Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ
1. Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ cần
thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung.
2. Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ phải bằng
văn bản, nêu rõ tài liệu, chứng cứ cần bổ sung và gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp
trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra văn bản yêu cầu.
3. Trong thời hạn 05 ngày kể
từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát gửi cho Tòa án tài liệu, chứng
cứ được yêu cầu bổ sung. Trường hợp Viện kiểm sát không bổ sung được tài liệu,
chứng cứ thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
Điều
285. Viện kiểm sát rút quyết định truy tố
Khi xét thấy có một trong
các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có
căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật
Hình sự thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề
nghị Tòa án đình chỉ vụ án.
Điều
286. Việc giao, gửi quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm
1. Quyết định đưa vụ án
ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người
bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa.
Trường hợp xét xử vắng mặt bị
cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho người bào chữa hoặc người
đại diện của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại
trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú cuối cùng hoặc
cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị cáo.
2. Quyết định tạm đình
chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án của Tòa án
được giao cho bị can, bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của họ và gửi
cho người tham gia tố tụng khác trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra
quyết định.
3. Quyết định phân công
Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định
đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ, quyết định phục hồi vụ án phải gửi cho Viện
kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định. Quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải gửi cho Viện kiểm
sát cấp trên trực tiếp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.
4. Quyết định áp dụng, thay
đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế được giao cho bị can, bị
cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ sở giam giữ nơi bị can, bị cáo đang bị tạm
giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Điều
287. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa
Căn cứ vào quyết định đưa vụ
án ra xét xử, yêu cầu của Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng
khác, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên
tòa.
Mục
III. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THỦ TỤC TỐ TỤNG TẠI PHIÊN TÒA
Điều
288. Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án
1. Phiên tòa chỉ được tiến
hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án. Các thành viên Hội
đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
2. Trường hợp có Thẩm phán,
Hội thẩm không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm dự
khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành
viên Hội đồng xét xử. Trường hợp Hội đồng xét xử có hai Thẩm phán mà Thẩm phán
chủ tọa phiên tòa không tiếp tục tham gia xét xử được thì Thẩm phán là thành
viên Hội đồng xét xử làm chủ tọa phiên tòa và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung
làm thành viên Hội đồng xét xử.
3. Trường hợp không có Thẩm
phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không
có Thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên
tòa.
4. Trường hợp Thư ký Tòa án
bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể
xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm
ngừng phiên tòa.
Điều 289. Sự có mặt của Kiểm
sát viên
1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có
mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; nếu Kiểm sát
viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng,
phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể
có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được
thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
2. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc
không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm
sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
Điều 290. Sự có mặt của bị
cáo tại phiên tòa
1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy
triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì
lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị
cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn
phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm
nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ
vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo
trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập
đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng
xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất
khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây
trở ngại cho việc xét xử.
Điều 291. Sự có mặt của
người bào chữa
1. Người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để
bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa. Người bào chữa có thể gửi trước bản
bào chữa cho Tòa án. Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất
khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường
hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt
không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu
tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.
2. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định
tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng
mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người
đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
Điều 292. Sự có mặt của bị
hại, đương sự hoặc người đại diện của họ
1. Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của
họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc
vẫn tiến hành xét xử.
2. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại,
đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng
xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp
luật.
Điều 293. Sự có mặt của
người làm chứng
1. Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm
sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó
đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai
đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì
tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành
xét xử.
2. Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu
tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách
quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử
có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này.
Điều 294. Sự có mặt của
người giám định, người định giá tài sản
1. Người giám định, người định giá tài sản tham
gia phiên tòa khi được Tòa án triệu tập.
2. Nếu người giám định, người định giá tài sản vắng
mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến
hành xét xử.
Điều 295. Sự có mặt của
người phiên dịch, người dịch thuật
1. Người phiên dịch, người dịch thuật tham gia
phiên tòa khi được Tòa án triệu tập.
2. Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật
vắng mặt mà không có người khác thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn
phiên tòa.
Điều 296. Sự có mặt của Điều
tra viên và những người khác
Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết,
Hội đồng xét xử có thể triệu tập Điều tra viên, người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên
tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án.
Điều 297. Hoãn phiên tòa
1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các
trường hợp:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các
điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294
và 295 của Bộ luật này;
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ,
tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được
xét xử lại từ đầu.
2. Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được
quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.
3. Quyết định hoãn phiên tòa có các nội dung
chính:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định;
b) Tên Tòa án và họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư
ký Tòa án;
c) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố,
kiểm sát xét xử tại phiên tòa;
d) Vụ án được đưa ra xét xử;
đ) Lý do của việc hoãn phiên tòa;
e) Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa
phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt
hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo
ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm
sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ
ngày ra quyết định.
Điều 298. Giới hạn của việc
xét xử
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi
theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án
ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với
khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác
bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội
danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm
sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị
cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa
án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Điều 299. Việc ra bản án,
quyết định của Tòa án
1. Bản án phải được Hội đồng xét xử thảo luận và
thông qua tại phòng nghị án.
2. Quyết định về việc thay đổi thành viên Hội
đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá tài
sản, người phiên dịch, người dịch thuật, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn
phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông
qua tại phòng nghị án và được lập văn bản.
3. Quyết định các vấn đề khác được Hội đồng xét xử
thảo luận và thông qua tại phòng xử án không phải lập văn bản nhưng phải được
ghi vào biên bản phiên tòa.
Mục IV. THỦ TỤC BẮT ĐẦU
PHIÊN TÒA
Điều 300. Chuẩn bị khai mạc
phiên tòa
Trước khi khai mạc phiên tòa, Thư ký Tòa án phải
tiến hành các công việc:
1. Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa
án triệu tập; nếu có người vắng mặt thì phải nêu lý do;
2. Phổ biến nội quy phiên tòa.
Điều 301. Khai mạc phiên
tòa
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên
tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Thư ký Tòa án báo cáo Hội đồng xét xử về sự
có mặt, vắng mặt của những người được Tòa án triệu tập và lý do vắng mặt.
3. Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của
những người có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án và kiểm tra lý
lịch, phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ.
Điều 302. Giải quyết việc
đề nghị thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám
định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật
Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những
người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem họ có đề nghị thay đổi Thẩm
phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án, người giám định, người định giá
tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật hay không, lý do của
việc đề nghị thay đổi. Nếu có người đề nghị thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết
định.
Điều 303. Cam đoan của người
phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản
Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người
phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản thì chủ tọa
phiên tòa yêu cầu những người này phải cam đoan làm tròn nhiệm vụ.
Điều 304. Cam đoan của người
làm chứng, cách ly người làm chứng
1. Sau khi giải thích quyền và nghĩa vụ cho người
làm chứng, chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam đoan khai trung
thực.
2. Trước khi người làm chứng được hỏi về vụ án,
chủ tọa phiên tòa quyết định biện pháp để cho những người làm chứng không nghe
được lời khai của nhau hoặc tiếp xúc với những người có liên quan. Trường hợp lời
khai của bị cáo và người làm chứng có ảnh hưởng lẫn nhau thì chủ tọa phiên tòa
phải quyết định cách ly bị cáo với người làm chứng trước khi hỏi người làm chứng.
Điều 305. Giải quyết yêu cầu
về xem xét chứng cứ và hoãn phiên tòa khi có người vắng mặt
Chủ tọa phiên tòa phải hỏi Kiểm sát viên và những
người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa xem có ai yêu cầu triệu tập
thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng,
tài liệu ra xem xét hay không. Nếu có người tham gia tố tụng vắng mặt hoặc tuy
có mặt tại phiên tòa nhưng vì lý do sức khỏe không thể tham gia tố tụng thì
chủ tọa phiên tòa phải hỏi xem có ai yêu cầu hoãn phiên tòa hay không; nếu có
người yêu cầu thì Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Mục V. THỦ TỤC TRANH TỤNG
TẠI PHIÊN TÒA
Điều 306. Công bố bản cáo
trạng
Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên công
bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được
làm xấu đi tình trạng của bị cáo.
Điều 307. Trình tự xét hỏi
1. Hội đồng xét xử phải xác định đầy đủ những
tình tiết về từng sự việc, từng tội trong vụ án và từng người. Chủ tọa phiên
tòa điều hành việc hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý.
2. Khi xét hỏi từng người, chủ tọa phiên tòa hỏi
trước sau đó quyết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa,
người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi.
Người tham gia tố tụng tại phiên tòa có quyền đề
nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ.
Người giám định, người định giá tài sản được hỏi
về những vấn đề có liên quan đến việc giám định, định giá tài sản.
3. Khi xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét vật chứng
có liên quan trong vụ án.
Điều 308. Công bố lời khai
trong giai đoạn điều tra, truy tố
1. Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa
thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong
giai đoạn điều tra, truy tố.
2. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn
điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa
mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;
b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa
hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;
c) Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của
họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;
d) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
3. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước,
giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh
doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham
gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu
có trong hồ sơ vụ án.
Điều 309. Hỏi bị cáo
1. Chủ tọa phiên tòa phải quyết định hỏi riêng
từng bị cáo. Nếu lời khai của bị cáo này có thể ảnh hưởng đến lời khai của bị
cáo khác thì chủ tọa phiên tòa phải cách ly họ. Bị cáo bị cách ly được thông
báo lại nội dung lời khai của bị cáo trước và có quyền đặt câu hỏi đối với bị
cáo đó.
2. Bị cáo trình bày ý kiến về bản cáo trạng và
những tình tiết của vụ án. Hội đồng xét xử hỏi thêm về những điểm mà bị cáo
trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn.
Kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng
cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội và những tình tiết khác của vụ án.
Người bào chữa hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến việc bào chữa và tình tiết
khác của vụ án.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại,
đương sự hỏi bị cáo về những tình tiết liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi
ích của đương sự.
Những người tham gia tố tụng tại phiên tòa có
quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết liên quan đến họ.
3. Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội
đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng,
tài liệu có liên quan đến vụ án.
Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo được
đặt câu hỏi với bị cáo khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.
Điều 310. Hỏi bị hại,
đương sự hoặc người đại diện của họ
Bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ
trình bày những tình tiết của vụ án có liên quan đến họ. Sau đó, Hội đồng xét xử,
Kiểm sát viên, người bào chữa và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự hỏi thêm về những điểm mà họ trình bày chưa đầy đủ hoặc có mâu
thuẫn.
Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể
hỏi bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ về các vấn đề có liên quan đến
bị cáo.
Điều 311. Hỏi người làm chứng
1. Việc hỏi phải được tiến hành riêng đối với từng
người làm chứng và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung
xét hỏi đó.
2. Khi hỏi người làm chứng, Hội đồng xét xử phải
hỏi rõ về quan hệ giữa họ với bị cáo và các đương sự trong vụ án. Chủ tọa phiên
tòa yêu cầu người làm chứng trình bày rõ những tình tiết của vụ án mà họ đã biết,
sau đó hỏi thêm về những điểm mà họ khai chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn. Kiểm
sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại,
đương sự có thể hỏi thêm người làm chứng.
Khi được chủ tọa phiên tòa đồng ý, bị cáo có thể
hỏi người làm chứng về các vấn đề có liên quan đến bị cáo.
3. Sau khi đã trình bày xong, người làm chứng ở
lại phòng xử án để có thể được hỏi thêm.
4. Trường hợp có căn cứ xác định người làm
chứng, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến
tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì Hội đồng xét xử
phải quyết định biện pháp bảo vệ họ theo quy định của Bộ luật này và pháp
luật khác có liên quan.
5. Trường hợp cần thiết, Tòa án quyết định hỏi
người làm chứng qua mạng máy tính, mạng viễn thông.
Điều 312. Xem xét vật chứng
1. Vật chứng, ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng
được đưa ra để xem xét tại phiên tòa.
Khi cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với
Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa đến xem xét tại chỗ
những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được. Việc xem xét vật chứng tại chỗ
được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.
2. Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác
tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét của mình về vật chứng. Hội đồng
xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể hỏi thêm người tham gia phiên
tòa về những vấn đề có liên quan đến vật chứng.
Điều 313. Nghe, xem nội
dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh
Trường hợp cần kiểm tra chứng cứ, tài liệu, đồ vật
liên quan đến vụ án hoặc khi bị cáo tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình, Hội đồng
xét xử quyết định việc cho nghe, xem nội dung được ghi âm hoặc ghi hình có âm
thanh liên quan tại phiên tòa.
Điều 314. Xem xét tại chỗ
Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể
cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa đến xem
xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Kiểm sát
viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét
của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Hội
đồng xét xử có thể hỏi thêm người tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên
quan đến nơi đó.
Việc xem xét tại chỗ được lập biên bản theo quy
định tại Điều 133 của Bộ luật này.
Điều 315. Trình bày, công
bố báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức
Báo cáo, tài liệu của cơ quan, tổ chức về những
tình tiết của vụ án do đại diện cơ quan, tổ chức đó trình bày; trường hợp không
có đại diện của cơ quan, tổ chức tham dự thì Hội đồng xét xử công bố báo cáo,
tài liệu tại phiên tòa.
Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người
khác tham gia phiên tòa có quyền nhận xét về báo cáo, tài liệu đó và hỏi thêm
người đại diện của cơ quan, tổ chức, người khác tham gia phiên tòa về những vấn
đề liên quan đến báo cáo, tài liệu đó.
Điều 316. Hỏi người giám định,
người định giá tài sản
1. Hội đồng xét xử tự mình hoặc theo đề nghị của
Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa yêu cầu người giám
định, người định giá tài sản trình bày kết luận của mình về vấn đề được giám định,
định giá tài sản. Khi trình bày, người giám định, người định giá tài sản có
quyền giải thích bổ sung về kết luận giám định, định giá tài sản, căn cứ để
đưa ra kết luận giám định, định giá tài sản.
2. Kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia
tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định, định
giá tài sản, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận
giám định, định giá tài sản hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ
án.
3. Trường hợp người giám định, người định giá
tài sản không có mặt tại phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám
định, định giá tài sản.
4. Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử quyết
định giám định bổ sung hoặc giám định lại, định giá lại tài sản.
Điều 317. Điều tra viên,
Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham
gia tố tụng trình bày ý kiến
Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử tự mình
hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát
viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng
trình bày ý kiến để làm rõ những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều
tra, truy tố, xét xử.
Điều 318. Kết thúc việc
xét hỏi
Khi xét thấy những tình tiết của vụ án đã được
xem xét đầy đủ thì chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa,
người khác tham gia phiên tòa xem họ có yêu cầu xét hỏi vấn đề gì nữa không.
Nếu không có yêu cầu xét hỏi thì kết thúc việc xét hỏi; nếu có người
yêu cầu và xét thấy yêu cầu đó là cần thiết thì chủ tọa phiên tòa quyết định tiếp
tục việc xét hỏi.
Điều 319. Kiểm sát viên
rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa
Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên
có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ
hơn.
Điều 320. Trình tự phát biểu
khi tranh luận
1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên
trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định
truy tố và đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội.
2. Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa
trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ
sung ý kiến bào chữa.
3. Bị hại, đương sự, người đại diện của họ
trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.
4. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của
bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi
Kiểm sát viên trình bày luận tội.
Điều 321. Luận tội của Kiểm
sát viên
1. Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những
chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo,
người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự,
người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
2. Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá
khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ
xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ
án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự, những
tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại,
xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những
tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
3. Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một
phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt
chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại,
xử lý vật chứng.
4. Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm
và vi phạm pháp luật.
Điều 322. Tranh luận tại
phiên tòa
1. Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng
khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình
để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ
xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ
án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, mức hình phạt;
trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện
phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.
Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng
khác có quyền đưa ra đề nghị của mình.
2. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu
và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người
tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến
của người khác.
3. Chủ toạ phiên tòa không được hạn chế thời
gian tranh luận, phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa,
bị hại, người tham gia tố tụng khác tranh luận, trình bày hết ý kiến nhưng có
quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án và ý kiến lặp lại.
Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp
lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến
đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.
4. Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy
đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận
tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án. Trường hợp
không chấp nhận ý kiến của những người tham gia phiên tòa thì Hội đồng xét xử
phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.
Điều 323. Trở lại việc xét
hỏi
Nếu qua tranh luận mà thấy còn có tình tiết vụ
án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở
lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận.
Điều 324. Bị cáo nói lời
sau cùng
1. Sau khi những người tham gia tranh luận không
trình bày gì thêm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận.
2. Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt
câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình
bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử
phải quyết định trở lại việc hỏi. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không
được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án nhưng không được hạn chế thời
gian đối với bị cáo.
Điều 325. Xem xét việc rút
quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa
1. Khi Kiểm sát viên rút một phần quyết định
truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn thì Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục xét xử vụ
án.
2. Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định
truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia
phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố đó.
Mục VI. NGHỊ ÁN VÀ TUYÊN
ÁN
Điều 326. Nghị án
1. Chỉ Thẩm phán và Hội thẩm mới có quyền nghị
án. Việc nghị án phải được tiến hành tại phòng nghị án.
Chủ tọa phiên tòa chủ trì việc nghị án có trách
nhiệm đưa ra từng vấn đề của vụ án phải được giải quyết để Hội đồng xét xử thảo
luận, quyết định. Chủ tọa phiên tòa tự mình hoặc phân công một thành viên Hội đồng
xét xử ghi biên bản nghị án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải giải quyết tất
cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm
biểu quyết trước, Thẩm phán biểu quyết sau cùng. Nếu không có ý kiến nào chiếm
đa số thì phải thảo luận và biểu quyết lại từng ý kiến của các thành viên Hội
đồng xét xử đã đưa ra để xác định ý kiến chiếm đa số. Người có ý kiến thiểu số
có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.
2. Việc nghị án chỉ được căn cứ vào những chứng
cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện
chứng cứ của vụ án, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người
tham gia tố tụng khác.
3. Các vấn đề của vụ án phải được giải quyết khi
nghị án gồm:
a) Vụ án có thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc
thuộc trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không;
b) Tính hợp pháp của những chứng cứ, tài liệu
do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do
luật sư, bị can, bị cáo, người tham gia tố tụng khác cung cấp;
c) Có hay không có căn cứ kết tội bị cáo. Trường
hợp đủ căn cứ kết tội thì phải xác định rõ điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự
được áp dụng;
d) Hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với
bị cáo; trách nhiệm bồi thường thiệt hại; vấn đề dân sự trong vụ án hình sự;
đ) Bị cáo có thuộc trường hợp miễn trách nhiệm
hình sự, miễn hình phạt hay không;
e) Án phí hình sự, án phí dân sự; xử lý vật chứng;
tài sản bị kê biên, tài khoản bị phong tỏa;
g) Tính hợp pháp của hành vi, quyết định tố tụng
của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy
tố, xét xử;
h) Kiến nghị phòng ngừa tội phạm, khắc phục vi
phạm.
4. Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định
truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự
quy định tại khoản 1 Điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội
đồng xét xử tuyên bị cáo không có tội; nếu thấy việc rút quyết định truy tố
không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị Viện trưởng Viện
kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
5. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp
thì Hội đồng xét xử có thể quyết định kéo dài thời gian nghị án nhưng không quá
07 ngày kể từ ngày kết thúc tranh luận tại phiên tòa. Hội đồng xét xử phải
thông báo cho những người có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt
tại phiên tòa biết giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm tuyên án.
6. Kết thúc việc nghị án, Hội đồng xét xử phải
quyết định một trong các vấn đề:
a) Ra bản án và tuyên án;
b) Trở lại việc xét hỏi và tranh luận nếu có
tình tiết vụ án chưa được xét hỏi, chưa được làm sáng tỏ;
c) Trả hồ sơ vụ án để Viện kiểm sát điều tra bổ
sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ;
d) Tạm đình chỉ vụ án.
Hội đồng xét xử phải thông báo cho những người
có mặt tại phiên tòa và người tham gia tố tụng vắng mặt tại phiên tòa về các
quyết định tại điểm c và điểm d khoản này.
7. Trường hợp phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm
thì Hội đồng xét xử quyết định việc khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 18 và Điều 153 của Bộ luật này.
Điều 327. Tuyên án
Chủ tọa phiên tòa hoặc một thành viên khác của Hội
đồng xét xử đọc bản án.
Trường hợp xét xử kín thì chỉ đọc phần quyết định trong bản án. Sau
khi đọc xong có thể giải thích thêm về việc chấp hành bản án và quyền kháng
cáo.
Điều 328. Trả tự do cho bị
cáo
Trong các trường hợp sau đây, Hội đồng xét xử phải
tuyên bố trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo đang bị tạm giam, nếu họ không
bị tạm giam về một tội phạm khác:
1. Bị cáo không có tội;
2. Bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được
miễn hình phạt;
3. Bị cáo bị xử phạt bằng hình phạt không phải
là hình phạt tù;
4. Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án
treo;
5. Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian
bị cáo đã bị tạm giam.
Điều 329. Bắt tạm giam bị
cáo sau khi tuyên án
1. Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị
xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội
đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.
2. Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị
xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có
hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo
ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm
tội.
3. Thời hạn tạm giam bị cáo quy định tại khoản 1
và khoản 2 Điều này là 45 ngày kể từ ngày tuyên án.
4. Trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì Hội
đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm
thi hành án.
Chương XXII
XÉT XỬ PHÚC THẨM
Mục I. TÍNH CHẤT CỦA XÉT
XỬ PHÚC THẨM VÀ QUYỀN KHÁNG CÁO, KHÁNG NGHỊ
Điều 330. Tính chất của
xét xử phúc thẩm
1. Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực
tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ
thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.
2. Quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị
là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ
vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị
cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của Bộ luật này.
Điều 331. Người có quyền kháng cáo
1. Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có
quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
2. Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi
ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà
mình bào chữa.
3. Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại
diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc
bồi thường thiệt hại.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ
án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có
liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
5. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc
thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền
lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
6. Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền
kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Điều 332. Thủ tục kháng cáo
1. Người kháng cáo phải gửi đơn kháng cáo đến
Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam, Giám thị Trại
tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải bảo đảm cho bị cáo thực hiện quyền kháng
cáo, nhận đơn kháng cáo và chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định
bị kháng cáo.
Người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp với
Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo. Tòa án phải
lập biên bản về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 133 của Bộ
luật này.
Tòa án cấp phúc thẩm đã lập biên bản về việc
kháng cáo hoặc nhận được đơn kháng cáo thì phải gửi biên bản hoặc đơn kháng cáo
cho Tòa án cấp sơ thẩm để thực hiện theo quy định chung.
2. Đơn kháng cáo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
b) Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
c) Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
3. Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc
trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng
minh tính có căn cứ của kháng cáo.
Điều 333. Thời hạn kháng cáo
1. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là
15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa
thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được
niêm yết theo quy định của pháp luật.
2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm
là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
3. Ngày kháng cáo được xác định như sau:
a) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ
bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi;
b) Trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại
tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm
giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng
Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn;
c) Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo
tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng
cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản
về việc kháng cáo.
Điều 334. Thủ tục tiếp nhận và xử
lý kháng cáo
1. Sau khi nhận được đơn kháng cáo hoặc biên
bản về việc kháng cáo, Tòa án cấp sơ thẩm phải vào sổ tiếp nhận và kiểm tra
tính hợp lệ của đơn kháng cáo theo quy định của Bộ luật này.
2. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án cấp sơ thẩm
thông báo về việc kháng cáo theo quy định tại Điều 338 của Bộ luật
này.
3. Trường hợp đơn kháng cáo hợp lệ nhưng nội dung kháng
cáo chưa rõ thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo ngay cho người kháng cáo để
làm rõ.
4. Trường hợp nội dung đơn kháng cáo đúng
quy định của Bộ luật này nhưng quá thời hạn kháng cáo thì Tòa án
cấp sơ thẩm yêu cầu người kháng cáo trình bày lý do và xuất trình chứng cứ, tài
liệu, đồ vật (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính
đáng.
5. Trường hợp người làm đơn kháng cáo không có quyền
kháng cáo thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận đơn, Tòa án trả lại đơn và
thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát cùng cấp. Văn bản thông
báo phải ghi rõ lý do của việc trả lại đơn.
Việc trả lại đơn có thể bị khiếu nại trong thời hạn 07
ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Việc giải quyết khiếu nại được thực hiện
theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật này.
Điều 335. Kháng cáo quá hạn
1. Việc kháng cáo quá hạn được chấp nhận nếu có
lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà người kháng cáo không thể thực
hiện được việc kháng cáo trong thời hạn do Bộ luật này quy định.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng
cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người
kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu
có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
3. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được
đơn kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp
phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Hội
đồng xét kháng cáo quá hạn có quyền ra quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận
kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận
trong quyết định.
4. Phiên họp xét kháng cáo quá hạn phải có sự
tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày trước
ngày xét đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp phúc thẩm gửi bản sao đơn kháng cáo
quá hạn và chứng cứ, tài liệu kèm theo (nếu có) cho Viện kiểm sát cùng cấp. Kiểm
sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc xét kháng cáo quá hạn.
5. Quyết định của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn
được gửi cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng
cấp với Tòa án cấp phúc thẩm.
Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng
cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này
quy định và gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Điều 336. Kháng nghị của Viện kiểm sát
1. Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
2. Quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát có
các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm ra quyết định kháng nghị và
số của quyết định kháng nghị;
b) Tên của Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị;
c) Kháng nghị đối với toàn bộ hay một phần bản
án, quyết định sơ thẩm;
d) Lý do, căn cứ kháng nghị và yêu cầu của Viện
kiểm sát;
đ) Họ tên, chức vụ của người ký quyết định kháng
nghị.
Điều 337. Thời hạn kháng nghị
1. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp
đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực
tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa án tuyên án.
2. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp
đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định.
Điều 338. Thông báo về việc kháng cáo,
gửi quyết định kháng nghị
1. Việc kháng cáo phải được Tòa án cấp sơ thẩm
thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người liên quan đến
kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo. Thông báo
phải nêu rõ yêu cầu của người kháng cáo.
2. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định
kháng nghị, Viện kiểm sát phải gửi quyết định kháng nghị kèm theo chứng cứ, tài
liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, gửi quyết định
kháng nghị cho bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị. Viện kiểm sát
đã kháng nghị phải gửi quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát
khác có thẩm quyền kháng nghị.
3. Người tham gia tố tụng nhận được thông báo về
việc kháng cáo, kháng nghị có quyền gửi văn bản nêu ý kiến của mình về nội dung
kháng cáo, kháng nghị cho Tòa án cấp phúc thẩm. Ý kiến của họ được đưa vào hồ
sơ vụ án.
Điều 339. Hậu quả của việc
kháng cáo, kháng nghị
Những phần của bản án, quyết định của Tòa án bị
kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định tại
Điều 363 của Bộ luật này. Khi có kháng cáo, kháng nghị đối
với toàn bộ bản án, quyết định thì toàn bộ bản án, quyết định chưa được đưa ra
thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 363 của Bộ luật này.
Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án, kháng
cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có) cho Tòa án cấp
phúc thẩm trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Điều 340. Thụ lý vụ án
1. Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án có kháng
cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có), Tòa án cấp
phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.
2. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lý vụ
án, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm phân công Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa,
phiên họp.
Điều 341. Chuyển hồ sơ vụ
án cho Viện kiểm sát
1. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm phải
chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 15 ngày đối với
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 20
ngày đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung
ương kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án
cho Tòa án. Trường hợp vụ án thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp
thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 25 ngày đối với Viện kiểm sát
nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, 30 ngày đối với Viện
kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương.
2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm nhận được chứng
cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung trước khi xét xử thì phải chuyển chứng cứ, tài liệu,
đồ vật này cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận
được chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung thì Viện kiểm sát phải trả lại cho Tòa
án.
Điều 342. Thay đổi, bổ
sung, rút kháng cáo, kháng nghị
1. Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên
tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm
sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không
được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn
bộ kháng cáo; Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.
2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng
nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm.
Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện kiểm sát, bị cáo và những người có
liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng
cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên
tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.
3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng
cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên
quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về
việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần
kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.
Điều 343. Hiệu lực của bản
án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị
Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết
định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật
kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Mục II. THỦ TỤC XÉT XỬ
PHÚC THẨM
Điều 344. Tòa án có thẩm
quyền xét xử phúc thẩm
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử
phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng
nghị.
2. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử
phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm
quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
3. Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét
xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng
nghị.
4. Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử
phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo,
kháng nghị.
Điều 345. Phạm vi xét xử phúc thẩm
Tòa án cấp phúc thẩm xem xét phần nội dung của bản
án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết, có thể xem xét
các phần khác của bản án, quyết định không bị kháng cáo, kháng nghị.
Điều 346. Thời hạn chuẩn bị
xét xử phúc thẩm
1. Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp
quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp
cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90
ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
2. Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân
dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân
dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
a) Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
b) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định
đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.
4. Chậm nhất là 10 ngày
trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra
xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Điều 347. Áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
1. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm có
quyền quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp
cưỡng chế.
Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm
giam do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định. Việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ
các biện pháp ngăn chặn khác, biện pháp cưỡng chế do Thẩm phán chủ tọa phiên
tòa quyết định.
2. Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được
quá thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm quy định tại Điều 346 của
Bộ luật này.
Trường hợp còn thời hạn tạm
giam bị cáo mà xét thấy cần phải tiếp tục tạm giam bị cáo thì Tòa án cấp phúc
thẩm sử dụng thời hạn tạm giam theo quyết định tạm giam của Tòa án cấp sơ thẩm.
Trường hợp đã hết thời hạn tạm giam bị cáo theo quyết định tạm giam của Tòa án
cấp sơ thẩm thì Chánh án, Phó Chánh án Tòa án ra quyết định tạm giam mới.
Đối với bị cáo đang bị tạm giam, nếu xét thấy cần
tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm
giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.
3. Đối với bị cáo đang bị tạm giam bị xử phạt tù
mà đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra
quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp quy định
tại khoản 4 và khoản 5 Điều 328 của Bộ luật này.
Đối với bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt
tù thì Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay sau khi
tuyên án.
Thời hạn tạm giam là 45 ngày kể từ ngày tuyên
án.
Điều 348. Đình chỉ xét xử
phúc thẩm
1. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ việc xét xử
phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm
sát đã rút toàn bộ kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở
phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng
xét xử quyết định. Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án cấp
phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.
2. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng
cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy
không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa
phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị
đã rút.
3. Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm ghi rõ
lý do đình chỉ và các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều
132 của Bộ luật này.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày ra quyết định, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đình chỉ xét
xử phúc thẩm cho Viện kiểm sát cùng cấp, Tòa án đã xét xử sơ thẩm, người bào chữa,
bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương
sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo,
kháng nghị.
Điều 349. Sự có mặt của
thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký Tòa án
1. Phiên tòa chỉ được tiến
hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án. Các thành viên Hội
đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa.
2. Trường hợp có Thẩm phán
không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán dự khuyết tham gia
phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành viên Hội đồng xét
xử. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tiếp tục tham gia xét xử được
thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ tọa phiên tòa và Thẩm phán
dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử.
3. Trường hợp không có Thẩm
phán dự khuyết hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để
thay thế thì phải hoãn phiên tòa.
4. Trường hợp Thư ký Tòa án
bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể
xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm
ngừng phiên tòa.
Điều 350. Sự có mặt của Kiểm
sát viên
1. Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có
mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nếu Kiểm sát
viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng,
phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể
có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được
thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
2. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi hoặc
không thể tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử mà không có Kiểm
sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa.
Điều 351. Sự có mặt của người bào chữa,
người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo,
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị
1. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ
liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt
tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử giải quyết:
a) Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất
vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ
trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Trường hợp người bào
chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc
được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét
xử.
Trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo
quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào
chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện
của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa;
b) Trường hợp người kháng cáo, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị là bị hại, đương sự và người đại
diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự vắng
mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì Hội đồng
xét xử vẫn tiến hành xét xử. Trường hợp những người này vắng mặt vì lý do bất
khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Hội đồng xét xử có thể tiến hành xét
xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho bị hại, đương
sự;
c) Bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, bị
kháng nghị nếu vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì
Hội đồng xét xử có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án, quyết định
không có lợi cho bị cáo. Nếu sự vắng mặt của bị cáo vì lý do bất khả kháng hoặc
do trở ngại khách quan và sự vắng mặt đó không gây trở ngại cho việc xét xử thì
Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử.
2. Khi xét thấy cần thiết, Tòa án cấp phúc thẩm
quyết định triệu tập những người khác tham gia phiên tòa.
Điều 352. Hoãn phiên tòa
phúc thẩm
1. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa
khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 349, 350 và 351 của Bộ luật này;
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ,
tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được
xét xử lại từ đầu.
2. Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn
phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 297
của Bộ luật này.
Điều 353. Bổ sung, xem xét
chứng cứ, tài liệu, đồ vật
1. Trước khi xét xử hoặc tại phiên tòa phúc thẩm,
Viện kiểm sát có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của Tòa án bổ sung chứng cứ mới;
người đã kháng cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo,
kháng nghị, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị
hại, đương sự cũng có quyền bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật.
2. Chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới
bổ sung đều phải được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm. Bản án phúc thẩm phải
căn cứ vào cả chứng cứ cũ và chứng cứ mới.
Điều 354. Thủ tục phiên
tòa phúc thẩm
1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phúc
thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành
viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản
án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
2. Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay
đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm
sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi,
bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo
và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ
sung, rút kháng nghị.
3. Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan
đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị;
Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Điều 355. Thẩm quyền của Hội
đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền:
a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ
nguyên bản án sơ thẩm;
b) Sửa bản án sơ thẩm;
c) Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều
tra lại hoặc xét xử lại;
d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án;
đ) Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.
2. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ
ngày tuyên án.
Điều 356. Không chấp nhận
kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm
Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo,
kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của bản án
sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật.
Điều 357. Sửa bản án sơ thẩm
1. Khi có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã
tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân
thân bị cáo hoặc có tình tiết mới thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền sửa bản
án sơ thẩm như sau:
a) Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt
cho bị cáo; không áp dụng hình phạt bổ sung; không áp dụng biện pháp tư pháp;
b) Áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về
tội nhẹ hơn;
c) Giảm hình phạt cho bị cáo;
d) Giảm mức bồi thường thiệt hại và sửa quyết định
xử lý vật chứng;
đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ
hơn;
e) Giữ nguyên hoặc giảm mức hình phạt tù và cho
hưởng án treo.
2. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc bị hại
kháng cáo yêu cầu thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể:
a) Tăng hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ
luật Hình sự về tội nặng hơn; áp dụng hình phạt bổ sung; áp dụng biện pháp tư
pháp;
b) Tăng mức bồi thường thiệt hại;
c) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng
hơn;
d) Không cho bị cáo hưởng án treo.
Nếu có căn cứ thì Hội đồng xét xử vẫn có thể giảm
hình phạt, áp dụng điều, khoản của Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang
hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án
treo, giảm mức bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm
có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo
không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
Điều 358. Hủy bản án sơ thẩm
để điều tra lại hoặc xét xử lại
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm
để điều tra lại trong các trường hợp:
a) Có căn cứ cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm,
người phạm tội hoặc để khởi tố, điều tra về tội nặng hơn tội đã tuyên trong bản
án sơ thẩm;
b) Việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp
phúc thẩm không thể bổ sung được;
c) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong
giai đoạn điều tra, truy tố.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm
để xét xử lại ở cấp sơ thẩm với thành phần Hội đồng xét xử mới trong các trường
hợp:
a) Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng thành phần
mà Bộ luật này quy định;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong
giai đoạn xét xử sơ thẩm;
c) Người được Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không có
tội nhưng có căn cứ cho rằng người đó đã phạm tội;
d) Miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc
áp dụng biện pháp tư pháp đối với bị cáo không có căn cứ;
đ) Bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong
việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa
bản án theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật này.
3. Khi hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc
xét xử lại, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải ghi rõ lý do của việc hủy bản án sơ
thẩm.
4. Khi hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, Hội đồng
xét xử phúc thẩm không quyết định trước những chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm cần
phải chấp nhận hoặc cần phải bác bỏ, cũng như không quyết định trước về điểm, khoản,
điều của Bộ luật Hình sự cần áp dụng và hình phạt đối với bị cáo.
5. Trường hợp hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại
hoặc xét xử lại mà thời hạn tạm giam đối với bị cáo đã hết và xét thấy cần phải
tiếp tục tạm giam bị cáo thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định tiếp tục tạm
giam bị cáo cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý lại vụ án.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên hủy bản
án sơ thẩm, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án cấp sơ
thẩm để giải quyết theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Điều 359. Hủy bản án sơ thẩm
và đình chỉ vụ án
1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét
xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
2. Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng
xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.
Điều 360. Điều tra lại hoặc
xét xử lại vụ án hình sự
1. Sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án
sơ thẩm để điều tra lại thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm
có thẩm quyền tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung
quy định tại Bộ luật này.
2. Sau khi Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án
sơ thẩm để xét xử lại thì Tòa án cấp sơ thẩm có thẩm quyền tiến hành xét xử lại
vụ án theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Điều 361. Thẩm quyền của Hội
đồng phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm
1. Hội đồng phúc thẩm có quyền:
a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ
nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm khi xét thấy các quyết định của Tòa án
cấp sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật;
b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển
hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án.
2. Quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể
từ ngày ra quyết định.
Điều 362. Thủ tục phúc thẩm
đối với quyết định sơ thẩm
1. Khi phúc thẩm đối với quyết định sơ thẩm bị
kháng cáo, kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải triệu tập người
kháng cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự,
người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị tham gia phiên
họp. Trường hợp họ vắng mặt thì Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành phiên
họp.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý hồ
sơ vụ án, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét quyết định sơ thẩm bị kháng cáo,
kháng nghị.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định
mở phiên họp, Hội đồng xét xử phúc thẩm phải mở phiên họp. Trong thời hạn 02
ngày kể từ ngày ra quyết định thì Tòa án phải chuyển hồ sơ vụ án kèm theo quyết
định mở phiên họp cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày
nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
3. Tại phiên họp, một thành viên của Hội đồng
xét xử phúc thẩm trình bày tóm tắt nội dung quyết định sơ thẩm, nội dung kháng
cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có).
Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt
tại phiên họp và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết kháng
cáo, kháng nghị trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định.
Phần thứ năm
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ THI
HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Chương XXIII
BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH ĐƯỢC
THI HÀNH NGAY VÀ THẨM QUYỀN RA QUYẾT ĐỊNH THI HÀNH ÁN
Điều 363. Bản án, quyết định
của Tòa án được thi hành ngay
Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà Tòa án cấp
sơ thẩm quyết định đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo không có tội, miễn trách nhiệm
hình sự, miễn hình phạt cho bị cáo, hình phạt không phải là hình phạt tù hoặc
phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc khi thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời
hạn đã tạm giam thì bản án hoặc quyết định của Tòa án được thi hành ngay, mặc
dù vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị.
Hình phạt cảnh cáo được thi hành ngay tại phiên
tòa.
Điều 364. Thẩm quyền và
thủ tục ra quyết định thi hành án
1. Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có thẩm quyền
ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác cho Chánh án Tòa án khác cùng cấp ra
quyết định thi hành án.
2. Thời hạn ra quyết định thi hành án là 07 ngày
kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận
được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết
định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa
án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
3. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại
ngoại thì quyết định thi hành án phạt tù phải ghi rõ trong thời hạn 07 ngày kể
từ ngày nhận được quyết định, người đó phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình
sự Công an cấp huyện để thi hành án.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại
mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi
hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra
quyết định truy nã.
Điều 365. Giải thích, sửa chữa bản
án, quyết định của Tòa án
1. Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án
dân sự, Viện kiểm sát, người bị kết án, bị hại, đương sự liên quan đến việc
thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích, sửa chữa
những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành.
2. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định
có trách nhiệm giải thích, sửa chữa những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định
của Tòa án. Trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không thể thực hiện được thì
việc giải thích, sửa chữa do Chánh án Tòa án đã ra bản án, quyết định đó thực
hiện.
Điều 366. Giải quyết kiến nghị đối
với bản án, quyết định của Tòa án
Trường hợp cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi
hành án dân sự kiến nghị về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo
thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời
trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị. Trường hợp vụ án
phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 120 ngày kể từ
ngày nhận được văn bản kiến nghị.
Chương XXIV
MỘT SỐ THỦ TỤC VỀ THI
HÀNH ÁN TỬ HÌNH, XÉT THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN, XÓA ÁN TÍCH
Điều 367. Thủ tục xem xét
bản án tử hình trước khi thi hành
1. Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi
hành được thực hiện:
a) Sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật,
hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và bản án
phải được gửi ngay cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định
kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Tòa án
nhân dân tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát nhân
dân tối cao phải trả lại hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tối cao;
c) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nhận được
hồ sơ vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc
thẩm hoặc tái thẩm;
d) Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có
hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước;
đ) Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án Tòa
án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không kháng
nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn
xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ
tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm
Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản
án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án
biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình;
e) Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm
hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác
đơn xin ân giảm.
2. Khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 của
Bộ luật Hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi
hành án tử hình và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển
hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.
Điều 368. Thủ tục xét
tha tù trước thời hạn có điều kiện
1. Trại giam; Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Trại
tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ
quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tha tù
trước thời hạn và chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát
quân sự cấp quân khu, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi
phạm nhân đang chấp hành án phạt tù.
Hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn gồm:
a) Đơn xin tha tù trước thời hạn của phạm nhân
kèm theo cam kết không vi phạm pháp luật, các nghĩa vụ phải chấp hành khi được
tha tù trước thời hạn;
b) Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật; quyết
định thi hành án;
c) Bản sao quyết định giảm thời hạn chấp hành án
phạt tù đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng trở lên;
d) Văn bản, tài liệu thể hiện việc chấp hành
xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, các nghĩa vụ dân sự;
đ) Tài liệu về cá nhân, hoàn cảnh gia đình
của phạm nhân;
e) Kết quả xếp loại chấp hành án phạt
tù quý, 06 tháng, năm; quyết định khen thưởng hoặc giấy xác nhận của
cơ quan có thẩm quyền về việc phạm nhân lập công (nếu có);
g) Văn bản đề nghị tha tù trước thời hạn của cơ
quan lập hồ sơ.
2. Văn bản đề nghị tha tù trước thời hạn của
cơ quan lập hồ sơ gồm các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm của văn bản;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người có
thẩm quyền đề nghị;
c) Họ tên, giới tính, năm sinh, nơi cư trú
của phạm nhân; nơi phạm nhân chấp hành thời gian thử thách;
d) Thời gian đã chấp hành án phạt tù;
thời gian chấp hành án phạt tù còn lại;
đ) Nhận xét và đề nghị của cơ quan lập
hồ sơ.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ
sơ đề nghị tha tù trước thời hạn, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh,
Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu phải ra văn bản thể hiện quan điểm về
việc đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan đề nghị.
Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu cơ quan
lập hồ sơ bổ sung tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày
nhận được yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung tài liệu và gửi cho
Viện kiểm sát, Tòa án.
4. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ của cơ quan đề nghị, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh
án Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn
có điều kiện; đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp để
cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp Tòa án yêu cầu cơ quan lập
hồ sơ bổ sung tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận
được yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung tài liệu và gửi cho Tòa
án, Viện kiểm sát.
5. Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có
điều kiện gồm Chánh án và 02 Thẩm phán, do Chánh án làm Chủ tịch
Hội đồng.
6. Tại phiên họp, một thành viên của Hội
đồng trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị. Kiểm sát viên trình bày quan điểm
của Viện kiểm sát về việc đề nghị xét tha tù trước thời hạn có điều
kiện của cơ quan đề nghị và việc tuân thủ pháp luật trong việc xét,
quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đại diện cơ quan đã
lập hồ sơ đề nghị có thể trình bày bổ sung để làm rõ việc đề
nghị tha tù trước thời hạn.
7. Phiên họp xét tha tù trước thời hạn có
điều kiện được lập biên bản. Biên bản ghi rõ ngày, tháng, năm, địa
điểm mở phiên họp; thành phần tham gia phiên họp; nội dung, diễn biến
phiên họp và quyết định của Hội đồng về việc chấp nhận hoặc không chấp
nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với từng phạm nhân.
Sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên
xem biên bản phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung (nếu có)
vào biên bản phiên họp; Chủ tịch Hội đồng phải kiểm tra biên bản,
cùng với thư ký phiên họp ký vào biên bản.
8. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định
tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án phải gửi quyết định cho phạm
nhân, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan đã
lập hồ sơ đề nghị, Tòa án đã ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án
hình sự Công an cấp huyện, cấp quân khu, chính quyền xã, phường, thị trấn
nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân đội được
giao quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có
trụ sở.
9. Ngay sau khi nhận được quyết định tha tù
trước thời hạn có điều kiện, cơ sở giam giữ phải tổ chức công bố
quyết định này và thực hiện các thủ tục thi hành quyết định tha tù trước
thời hạn có điều kiện. Trong thời gian thử thách mà người được tha
tù trước thời hạn có điều kiện không vi phạm các quy định tại khoản
4 Điều 66 của Bộ luật hình sự thì khi hết thời gian thử thách, cơ
quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình
sự cấp quân khu nơi đã quản lý họ có trách nhiệm cấp giấy chứng
nhận chấp hành xong án phạt tù.
10. Trường hợp người được tha tù trước
thời hạn vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của Bộ luật hình sự
thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tha
tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý
người đó phải lập hồ sơ chuyển đến Viện kiểm sát và Tòa án đã ra quyết
định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét, hủy quyết định
đã ban hành và buộc người đó phải chấp hành phần hình phạt tù còn
lại chưa chấp hành.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận
được hồ sơ đề nghị, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra
quyết định hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện,
Tòa án phải gửi quyết định cho cơ quan, cá nhân quy định tại khoản 8
Điều này.
11. Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, phạm nhân
có quyền khiếu nại đối với quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề
nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước
thời hạn có điều kiện.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng
nghị, khiếu nại các quyết định quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định
tại Chương XXII và Chương XXXIII của Bộ luật này.
Điều 369. Thủ tục xóa án
tích
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu
của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại
Điều 70 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp
phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích.
2. Những trường hợp quy định tại Điều 71 và Điều 72 của
Bộ luật Hình sự thì việc xóa án tích do Tòa án quyết định. Người bị kết án phải
có đơn gửi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án có nhận xét của chính quyền xã, phường,
thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc, học tập.
Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đơn của
người bị kết án, Tòa án đã xét xử sơ thẩm chuyển tài liệu về việc xin xóa án
tích cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận tài liệu
do Tòa án chuyển đến, Viện kiểm sát cùng cấp có ý kiến bằng văn bản và chuyển
lại tài liệu cho Tòa án.
Nếu xét thấy đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày kể
từ ngày nhận tài liệu do Viện kiểm sát chuyển đến, Chánh án Tòa án đã xét
xử sơ thẩm phải ra quyết định xóa án tích; trường hợp chưa đủ điều kiện thì
quyết định bác đơn xin xóa án tích.
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày ra quyết định xóa án
tích hoặc quyết định bác đơn xin xóa án tích, Tòa án đã ra quyết định phải
gửi quyết định này cho người bị kết án, Viện kiểm sát cùng cấp, chính
quyền xã, phường, thị trấn nơi họ cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi họ làm việc,
học tập.
Phần thứ sáu
XÉT LẠI BẢN ÁN VÀ QUYẾT
ĐỊNH ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
Chương XXV
THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM
Điều 370. Tính chất của giám đốc
thẩm
Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của
Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm
pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Điều 371. Căn cứ để kháng
nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án
không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong
điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ
án;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng
pháp luật.
Điều 372. Phát hiện bản án, quyết
định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá
nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án
đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị.
2. Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm
tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện để
phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao,
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét kháng nghị.
Tòa án quân sự cấp quân khu thực hiện việc kiểm
tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực để
phát hiện vi phạm pháp luật và kiến nghị Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem
xét kháng nghị.
3. Khi thực hiện công tác giám đốc việc xét xử,
kiểm sát việc xét xử hoặc qua các nguồn thông tin khác mà Tòa án, Viện kiểm sát
phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật thì thông báo ngay bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Điều 373. Những người có
quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ
quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Viện trưởng
Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu,
Tòa án quân sự khu vực.
3. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án
nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Điều 374. Thủ tục thông
báo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ
tục giám đốc thẩm
1. Khi phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án,
quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị kết án, cơ quan, tổ
chức, cá nhân thông báo bằng văn bản hoặc trình bày trực tiếp với người có thẩm
quyền kháng nghị hoặc với Tòa án, Viện kiểm sát nơi gần nhất kèm theo chứng cứ,
tài liệu, đồ vật (nếu có).
2. Văn bản thông báo có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân
thông báo;
c) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật;
d) Nội dung vi phạm pháp luật được phát hiện;
đ) Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng
nghị.
3. Người thông báo là cá nhân phải ký tên hoặc điểm
chỉ; trường hợp cơ quan, tổ chức thông báo thì người đại diện theo pháp luật của
cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu.
Điều 375. Thủ tục
tiếp nhận thông báo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần
xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Khi nhận được thông báo bằng văn bản thì Tòa
án, Viện kiểm sát phải vào sổ nhận thông báo.
2. Khi người bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá
nhân trình bày trực tiếp về vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án, Viện kiểm sát phải lập biên bản; nếu
người thông báo cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật thì Tòa án, Viện kiểm sát
phải lập biên bản thu giữ. Biên bản được lập theo quy định tại Điều 133
của Bộ luật này.
3. Tòa án, Viện kiểm sát đã nhận thông báo, lập
biên bản phải gửi ngay thông báo, biên bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật
(nếu có) cho người có thẩm quyền kháng nghị và thông báo bằng văn bản cho người
bị kết án, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, đề nghị biết.
Điều 376. Chuyển hồ sơ vụ
án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Trường hợp cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ
án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì Tòa án, Viện kiểm sát
có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản để Tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ
án.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn
bản yêu cầu, Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa
án, Viện kiểm sát đã yêu cầu.
2. Trường hợp Tòa án và Viện kiểm sát cùng có
văn bản yêu cầu thì Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án chuyển hồ sơ cho cơ quan
yêu cầu trước và thông báo cho cơ quan yêu cầu sau biết.
Điều 377. Tạm đình chỉ thi hành
bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm
Người ra quyết định kháng nghị giám đốc
thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì có quyền quyết
định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó.
Quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định
bị kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi cho Tòa án, Viện kiểm sát nơi đã xét xử sơ
thẩm, phúc thẩm và cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
Điều 378. Quyết định kháng nghị
giám đốc thẩm
Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm có các nội dung
chính:
1. Số, ngày, tháng, năm của quyết định;
2. Người có thẩm quyền ra quyết định;
3. Số, ngày, tháng, năm của bản án, quyết định bị
kháng nghị;
4. Nhận xét, phân tích những vi phạm pháp luật,
sai lầm của bản án, quyết định bị kháng nghị;
5. Căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị;
6. Quyết định kháng nghị toàn bộ hay một phần bản
án, quyết định;
7. Tên của Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ
án;
8. Yêu cầu của người kháng nghị.
Điều 379. Thời hạn kháng nghị
theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho
người bị kết án chỉ được tiến hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết
định có hiệu lực pháp luật.
2. Việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị
kết án có thể được tiến hành bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết
án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự
đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân
sự.
4. Nếu không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm thì người có quyền kháng nghị phải trả lời bằng văn bản cho cơ
quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị biết rõ lý do của việc không kháng nghị.
Điều 380. Gửi quyết định kháng
nghị giám đốc thẩm
1. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phải gửi
ngay cho Tòa án đã ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị,
người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm
quyền và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng
nghị.
2. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải gửi ngay cho Tòa
án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao,
Chánh án Tòa án quân sự trung ương kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm
theo hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải gửi quyết
định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát phải gửi lại hồ sơ vụ
án cho Tòa án.
3. Trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát
quân sự trung ương kháng nghị thì quyết định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án phải
gửi ngay cho Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm.
Điều 381. Thay đổi, bổ sung, rút
kháng nghị
1. Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa giám đốc
thẩm, người kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi kháng nghị nếu chưa hết thời
hạn kháng nghị. Việc bổ sung, thay đổi kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải bằng
quyết định và được gửi theo quy định tại khoản 1 Điều 380 của Bộ
luật này. Việc bổ sung, thay đổi kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên
bản phiên tòa.
2. Trước khi bắt đầu hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm,
người kháng nghị có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Việc rút kháng
nghị trước khi mở phiên tòa phải bằng quyết định; việc rút kháng nghị tại phiên
tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.
3. Trường hợp rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở
phiên tòa thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm ra quyết định đình chỉ
xét xử giám đốc thẩm. Trường hợp rút toàn bộ kháng nghị tại phiên tòa thì Hội đồng
xét xử ra quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định,
Tòa án gửi quyết định đình chỉ xét xử giám đốc thẩm cho những người quy định tại
khoản 1 Điều 380 của Bộ luật này và Viện kiểm sát cùng cấp.
Điều 382. Thẩm quyền giám đốc thẩm
1. Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân
dân cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán đối với bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân
dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị.
2. Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm
phán Tòa án nhân dân cấp cao giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu
lực pháp luật của Tòa án nhân dân quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có tính
chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân
cấp cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm ba Thẩm phán nhưng không thống
nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc giải quyết vụ án.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Ủy
ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số
thành viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao làm chủ tọa phiên tòa.
Quyết định của Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số
thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Hội đồng
toàn thể Ủy ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30
ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm
phán phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
3. Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương
giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án
quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực bị kháng nghị. Khi xét xử giám đốc
thẩm thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên của Ủy ban Thẩm phán
Tòa án quân sự trung ương tham gia, do Chánh án Tòa án quân sự trung ương làm
chủ tọa phiên tòa. Quyết định của Ủy ban Thẩm phán phải được quá nửa tổng số
thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của Ủy
ban Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Ủy ban Thẩm phán phải mở phiên tòa xét xử
lại vụ án.
4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm năm Thẩm phán đối với bản án, quyết định
đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương
bị kháng nghị.
5. Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao giám đốc thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật quy định
tại khoản 4 Điều này nhưng có tính chất phức tạp hoặc bản án, quyết định đã được
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm
năm Thẩm phán nhưng không thống nhất khi biểu quyết thông qua quyết định về việc
giải quyết vụ án.
Khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành
viên tham gia, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm chủ tọa phiên tòa. Quyết
định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được quá nửa
tổng số thành viên biểu quyết tán thành; nếu không được quá nửa số thành viên của
Hội đồng toàn thể Thẩm phán tán thành thì phải hoãn phiên tòa. Trong thời hạn
30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa thì Hội đồng toàn thể Thẩm phán
phải mở phiên tòa xét xử lại vụ án.
6. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị
kháng nghị thuộc thẩm quyền giám đốc thẩm của các cấp khác nhau thì Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm toàn bộ vụ án.
Điều 383. Những người tham gia
phiên tòa giám đốc thẩm
1. Phiên tòa giám đốc thẩm phải có sự tham gia của
Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Trường hợp xét thấy cần thiết hoặc có căn cứ
sửa một phần bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải triệu tập
người bị kết án, người bào chữa và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; nếu họ vắng mặt thì phiên
tòa giám đốc thẩm vẫn được tiến hành.
Điều 384. Chuẩn bị phiên tòa
giám đốc thẩm
Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán là thành viên
Hội đồng giám đốc thẩm làm bản thuyết trình về vụ án. Bản thuyết trình tóm tắt
nội dung vụ án và các bản án, quyết định của các cấp Tòa án, nội dung của kháng
nghị.
Bản thuyết trình và các tài liệu có liên quan phải
gửi cho các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm chậm nhất là 07 ngày trước ngày mở
phiên tòa giám đốc thẩm.
Điều 385. Thời hạn mở phiên tòa
giám đốc thẩm
Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được quyết
định kháng nghị kèm theo hồ sơ vụ án, Tòa án có thẩm quyền giám đốc thẩm phải mở
phiên tòa.
Điều 386. Thủ tục phiên tòa giám
đốc thẩm
1. Sau khi chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa, một
thành viên Hội đồng giám đốc thẩm trình bày bản thuyết trình về vụ án. Các
thành viên khác của Hội đồng giám đốc thẩm hỏi thêm Thẩm phán thuyết trình về
những điểm chưa rõ trước khi thảo luận và phát biểu ý kiến của mình về việc giải
quyết vụ án. Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì Kiểm sát viên trình bày nội
dung kháng nghị.
2. Trường hợp người bị kết án, người bào chữa, người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị có mặt tại phiên tòa thì những
người này được trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm yêu cầu.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về
quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng tại phiên tòa
giám đốc thẩm tranh tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Chủ tọa phiên tòa phải tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng
trình bày hết ý kiến, tranh luận dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.
3. Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý
kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết
vụ án và công bố quyết định về việc giải quyết vụ án.
Điều 387. Phạm vi giám đốc thẩm
Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét toàn bộ vụ án mà
không chỉ hạn chế trong nội dung của kháng nghị.
Điều 388. Thẩm quyền của Hội đồng
giám đốc thẩm
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và
giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án
cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều
tra lại hoặc xét xử lại.
4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
và đình chỉ vụ án.
5. Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
6. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Điều 389. Không chấp nhận kháng
nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị
Hội đồng giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị và
giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị khi xét thấy
bản án, quyết định đó có căn cứ và đúng pháp luật.
Điều 390. Hủy bản án, quyết định
đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của
Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật
Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án,
quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp
luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm nhưng bị hủy, sửa không
đúng pháp luật.
Điều 391. Hủy bản án, quyết
định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại
Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ
bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu
có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật này.
Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định
xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm.
Trường hợp xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị cáo
thì Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc
Tòa án thụ lý lại vụ án.
Điều 392. Hủy bản án, quyết định
đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án
Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu
lực pháp luật và đình chỉ vụ án nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này.
Điều 393. Sửa bản án, quyết định
đã có hiệu lực pháp luật
Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án, quyết định đã có hiệu
lực pháp luật khi có đủ các điều kiện:
1. Các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ
ràng, đầy đủ;
2. Việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản
chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất
lợi cho bị hại, đương sự.
Điều 394. Quyết định giám đốc thẩm
1. Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định giám đốc
thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Quyết định giám đốc thẩm có các nội dung:
a) Ngày, tháng, năm và địa điểm mở phiên tòa;
b) Họ tên các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm;
c) Họ tên Kiểm sát viên thực hành quyền công tố,
kiểm sát xét xử phiên tòa;
d) Tên vụ án mà Hội đồng đưa ra xét xử giám đốc
thẩm;
đ) Tên, tuổi, địa chỉ của người bị kết án và những
người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quyết định giám đốc thẩm;
e) Tóm tắt nội dung vụ án, phần quyết định của bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị;
g) Quyết định kháng nghị, căn cứ kháng nghị;
h) Nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm, trong
đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị;
i) Điểm, khoản, điều của Bộ luật tố tụng hình sự,
Bộ luật Hình sự mà Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ để ra quyết định;
k) Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm.
Điều 395. Hiệu lực của quyết định
giám đốc thẩm và việc gửi quyết định giám đốc thẩm
1. Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu
lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định,
Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án,
người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử
sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có
thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người
đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường,
thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án
làm việc, học tập.
Điều 396. Thời hạn chuyển hồ sơ
vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại
Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại thì trong thời hạn 15
ngày kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho Viện kiểm sát
cùng cấp để điều tra lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Nếu Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại vụ án ở cấp sơ thẩm hoặc ở
cấp phúc thẩm thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án
phải được chuyển cho Tòa án có thẩm quyền để xét xử lại theo thủ tục chung quy
định tại Bộ luật này.
Chương XXVI
THỦ TỤC TÁI THẨM
Điều 397. Tính chất của tái thẩm
Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu
lực pháp luật của Tòa án nhưng bị kháng nghị vì có tình tiết mới được phát hiện
có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết
được khi ra bản án, quyết định đó.
Điều 398. Căn cứ để kháng nghị
theo thủ tục tái thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực
pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:
1. Có căn cứ chứng minh lời khai của người làm
chứng, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, lời dịch của người phiên
dịch, bản dịch thuật có những điểm quan trọng không đúng sự thật;
2. Có tình tiết mà Điều tra viên, Kiểm sát viên,
Thẩm phán, Hội thẩm do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án,
quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của
vụ án;
3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra,
truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu,
đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
4. Những tình tiết khác làm
cho bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật
khách quan của vụ án.
Điều 399. Thông báo và xác minh
những tình tiết mới được phát hiện
1. Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá
nhân có quyền phát hiện tình tiết mới của vụ án và thông báo kèm theo các tài
liệu liên quan cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Trường hợp Tòa án nhận được thông
báo hoặc tự mình phát hiện tình tiết mới của vụ án thì phải thông báo ngay bằng
văn bản kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm
quyền kháng nghị tái thẩm. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị
tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.
2. Viện kiểm sát phải xác minh những tình tiết mới;
khi xét thấy cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái
thẩm yêu cầu Cơ quan điều tra có thẩm quyền xác minh tình tiết mới của vụ án và
chuyển kết quả xác minh cho Viện kiểm sát.
3. Khi tiến hành xác minh tình tiết mới của vụ án, Viện
kiểm sát, Cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng
theo quy định của Bộ luật này.
Điều 400. Những người có quyền
kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có
quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực
pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương
có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu
lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có
quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực
pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi
thẩm quyền theo lãnh thổ.
Điều 401. Thời hạn kháng nghị
theo thủ tục tái thẩm
1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị
kết án chỉ được thực hiện trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy
định tại Điều 27 của Bộ luật Hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá 01
năm kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết
án thì không hạn chế về thời gian và được thực hiện cả trong trường hợp người
bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự
đối với đương sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Điều 402. Thẩm quyền của Hội đồng
tái thẩm
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản
án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
2. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu
lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
3. Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu
lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
4. Đình chỉ việc xét xử tái thẩm.
Điều 403. Các thủ tục khác về
tái thẩm
Các thủ tục khác về tái thẩm được thực
hiện theo các quy định về thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Bộ luật này.
Chương XXVII
THỦ TỤC XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Điều 404. Yêu cầu, kiến
nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao
1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát
hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định
mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định
đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem
xét lại quyết định đó.
2. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu
thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao.
3. Trường hợp Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó.
Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề
nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem
xét đề nghị đó.
Điều 405. Thành phần tham
dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến nghị,
đề nghị
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải
tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến
nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao hoặc đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
2. Đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội được mời
tham dự phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét kiến
nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
3. Trường hợp xét thấy cần thiết, Tòa án nhân
dân tối cao có thể mời cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự phiên họp.
Điều 406. Chuẩn bị mở
phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị
1. Sau khi nhận được kiến nghị của Ủy ban Tư
pháp của Quốc hội, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc sau khi
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có văn bản đề nghị xem xét lại quyết định của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện
kiểm sát nhân dân tối cao bản sao văn bản kiến nghị hoặc đề nghị đó kèm theo hồ
sơ vụ án để Viện kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị ý kiến phát biểu tại phiên
họp xem xét kiến nghị, đề nghị.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tổ chức thẩm định
hồ sơ để báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định
tại phiên họp.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ
ngày nhận được kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao có văn bản đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải
mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị đó và thông báo bằng văn bản cho Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thời gian, địa điểm mở phiên họp xem
xét kiến nghị, đề nghị.
Điều 407. Thủ
tục mở phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị
1. Chánh án Tòa án nhân dân
tối cao tự mình hoặc phân công một thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao trình bày tóm tắt nội dung vụ án và quá trình giải quyết vụ án.
2. Đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kiến
nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao trình bày về các vấn đề sau:
a) Nội dung kiến nghị, đề nghị;
b) Căn cứ kiến nghị, đề nghị;
c) Phân tích chứng cứ cũ và chứng cứ mới bổ sung
(nếu có) để làm rõ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quyết định của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc những tình tiết quan trọng mới có
thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao.
3. Trường hợp xem xét kiến nghị của Ủy ban Tư
pháp của Quốc hội hoặc xem xét đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu ý kiến về tính có căn cứ
và hợp pháp của kiến nghị, đề nghị; nêu rõ quan điểm và lý do nhất trí hoặc
không nhất trí với kiến nghị, đề nghị đó.
4. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thảo
luận và biểu quyết theo đa số về việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị,
đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
5. Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Ủy ban
Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc đề nghị của
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
quyết định về việc mở phiên họp để xem xét lại quyết định của mình.
6. Mọi diễn biến tại phiên họp xem xét kiến nghị,
đề nghị và các quyết định được thông qua tại phiên họp được ghi vào biên bản
phiên họp và lưu hồ sơ xem xét kiến nghị, đề nghị.
Điều 408. Thông báo kết quả
phiên họp xem xét kiến nghị, đề nghị
Sau khi kết thúc phiên họp, Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao gửi văn bản thông báo kết quả phiên họp về việc
nhất trí hoặc không nhất trí kiến nghị, đề nghị cho Ủy ban Tư pháp của Quốc hội,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Văn bản thông báo phải nêu rõ lý do
của việc nhất trí hoặc không nhất trí với kiến nghị, đề nghị đó.
Trường hợp không nhất trí kết quả xem xét kiến
nghị, đề nghị của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì Ủy ban Tư pháp
của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án
nhân dân tối cao có quyền báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 409. Thẩm định hồ sơ
vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật
1. Trường hợp có yêu cầu của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội hoặc có quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao nhất trí xem xét lại quyết định của mình thì Chánh án Tòa án nhân
dân tối cao tổ chức việc thẩm định hồ sơ vụ án và tổ chức việc xác minh, thu thập
chứng cứ, tài liệu, đồ vật trong trường hợp cần thiết.
2. Việc thẩm định hồ sơ vụ
án, xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải làm rõ có hay không có
vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết
quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán
Tòa án nhân dân tối cao.
Điều 410. Thời hạn mở
phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
1. Trong thời hạn 04 tháng kể từ ngày nhận được
yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc kể từ ngày có quyết định của Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nhất trí xem xét lại quyết định của mình, Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp.
2. Tòa án nhân dân tối cao gửi cho Viện kiểm sát
nhân dân tối cao văn bản thông báo về thời gian, địa điểm mở phiên họp xem xét
lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao kèm theo hồ sơ vụ
án trong trường hợp có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Điều 411. Thủ tục và thẩm
quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải
tham dự phiên họp xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao và phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm
trọng hoặc có hay không có tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội
dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quan điểm về
việc giải quyết vụ án.
2. Sau khi nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự (nếu có), Hội đồng Thẩm phán Tòa
án nhân dân tối cao quyết định:
a) Không chấp nhận yêu cầu của Ủy ban Thường vụ
Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và giữ nguyên
quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;
b) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm
pháp luật và quyết định về nội dung vụ án;
c) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và xác định
trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
d) Hủy quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án
nhân dân tối cao, hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm
pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
3. Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm
phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tán thành.
Điều 412. Gửi quyết định của
Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xem xét lại quyết định của Hội
đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Sau khi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao ra một trong các quyết định quy định tại Điều 411 của Bộ luật
này, Tòa án nhân dân tối cao gửi quyết định cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy
ban Tư pháp của Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát và Tòa án đã giải quyết vụ án và những người có liên quan.
Phần thứ bảy
THỦ TỤC ĐẶC BIỆT
Chương XXVIII
THỦ TỤC TỐ TỤNG ĐỐI VỚI
NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI
Điều 413. Phạm vi áp dụng
Thủ tục tố tụng đối với người bị buộc tội, người
bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương
này, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định
của Chương này.
Điều 414. Nguyên tắc tiến
hành tố tụng
1. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp
với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới
18 tuổi; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; bảo đảm lợi
ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.
2. Bảo đảm giữ bí mật cá nhân của người dưới 18
tuổi.
3. Bảo đảm quyền tham gia tố tụng của người đại
diện của người dưới 18 tuổi, nhà trường, Đoàn thanh niên, người có kinh
nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học
tập, lao động và sinh hoạt.
4. Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý
kiến của người dưới 18 tuổi.
5. Bảo đảm quyền bào chữa, quyền được trợ
giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi.
6. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật
Hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
7. Bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các
vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi.
Điều 415. Người tiến hành
tố tụng
Người tiến hành tố tụng đối với vụ án có người
dưới 18 tuổi phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm điều tra, truy
tố, xét xử vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi, có hiểu biết cần thiết về
tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
Điều 416. Những vấn đề
cần xác định khi tiến hành tố tụng đối với người bị buộc tội là người dưới
18 tuổi
1. Tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh
thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi.
2. Điều kiện sinh sống và giáo dục.
3. Có hay không có người đủ 18 tuổi trở lên xúi
giục.
4. Nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội.
Điều 417. Xác định tuổi của
người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi
1. Việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người
bị hại là người dưới 18 tuổi do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực
hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp đã áp dụng các biện pháp hợp pháp
mà vẫn không xác định được chính xác thì ngày, tháng, năm sinh của họ được xác
định:
a) Trường hợp xác định được tháng nhưng không
xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
b) Trường hợp xác định được quý nhưng không xác
định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó
làm ngày, tháng sinh.
c) Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng
không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng
trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
d) Trường hợp xác định được năm nhưng không xác
định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong năm đó
làm ngày, tháng sinh.
3. Trường hợp không xác định được năm sinh thì
phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Điều 418. Giám sát đối với
người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể ra quyết định
giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám
sát để bảo đảm sự có mặt của họ khi có giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng.
2. Người được giao nhiệm vụ giám sát có nghĩa vụ
giám sát chặt chẽ người dưới 18 tuổi, theo dõi tư cách, đạo đức và giáo dục
người đó.
Trường hợp người dưới 18 tuổi có dấu hiệu bỏ
trốn hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối,
cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của
vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người
làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người
này hoặc tiếp tục phạm tội thì người được giao nhiệm vụ giám sát phải kịp
thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có
biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Điều 419. Áp dụng biện
pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
1. Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp
giải đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi trong trường hợp thật cần
thiết.
Chỉ áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam đối với
người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi khi có căn cứ cho rằng việc áp dụng
biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Thời hạn tạm
giam đối với người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi bằng hai phần ba thời hạn
tạm giam đối với người đủ 18 tuổi trở lên quy định tại Bộ luật này. Khi không
còn căn cứ để tạm giữ, tạm giam thì cơ quan, người có thẩm quyền phải kịp thời
hủy bỏ, thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị
giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại
khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và
đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.
3. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị
giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội nghiêm trọng do
cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại
các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b,
c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này.
4. Đối với bị can, bị cáo từ đủ 16 tuổi đến dưới
18 tuổi bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội nghiêm trọng do vô ý, tội
ít nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm thì có thể
bị bắt, tạm giữ, tạm giam nếu họ tiếp tục phạm tội, bỏ trốn và bị bắt theo
quyết định truy nã.
5. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giữ người
trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, người ra lệnh giữ, lệnh hoặc
quyết định bắt, tạm giữ, tạm giam người dưới 18 tuổi phải thông báo cho người
đại diện của họ biết.
Điều 420. Việc tham gia tố
tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức
1. Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy
giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Đoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người
dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố
tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi được
tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài
liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu
liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết
thúc điều tra.
3. Những người quy định tại khoản 1 Điều này khi
tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề
nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại
các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết
định của Tòa án.
Điều 421. Lấy lời khai người
bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại,
người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất
1. Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp
khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi
cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào
chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp
khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa
hoặc người đại diện của họ.
Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng
phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham
dự.
3. Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người
bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra
viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm
quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong
trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
4. Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi
không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ
án có nhiều tình tiết phức tạp.
5. Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18
tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Để truy bắt người phạm tội
khác đang bỏ trốn;
c) Ngăn chặn người khác phạm tội;
d) Để truy tìm công cụ, phương
tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;
đ) Vụ án có nhiều tình tiết phức
tạp.
6. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến
hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm
sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể
giải quyết được vụ án.
Điều 422. Bào chữa
1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có
quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc
tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18
tuổi bị buộc tội.
3. Trường hợp người bị buộc tội là người dưới
18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người
bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào
chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Điều 423. Xét xử
1. Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án phải
có một Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn thanh niên hoặc người có kinh
nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.
2. Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại
là người dưới 18 tuổi thì Tòa án có thể quyết định xét xử kín.
3. Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18
tuổi phải có mặt người đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức
nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, trừ trường hợp những người này vắng mặt mà không
vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
4. Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại,
người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với
lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp
với người dưới 18 tuổi.
5. Đối với vụ án có bị hại, người làm chứng là
người dưới 18 tuổi, Hội đồng xét xử phải hạn chế việc tiếp xúc giữa bị hại,
người làm chứng với bị cáo khi bị hại, người làm chứng trình bày lời khai tại
phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể yêu cầu người đại diện, người bảo
vệ quyền và lợi ích hợp pháp hỏi bị hại, người làm chứng.
6. Khi xét xử, nếu thấy không cần thiết phải quyết
định hình phạt đối với bị cáo thì Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp giáo dục tại
trường giáo dưỡng.
7. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định chi
tiết việc xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi của Tòa gia đình và người chưa
thành niên.
Điều 424. Chấm dứt việc chấp
hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp giáo dục tại trường
giáo dưỡng, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt
Người dưới 18 tuổi bị kết án có thể được chấm
dứt việc chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, biện pháp giáo
dục tại trường giáo dưỡng, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt khi có đủ điều kiện
quy định tại Điều 95 hoặc Điều 96 hoặc Điều 105 của Bộ luật Hình sự.
Điều 425. Xóa án tích
Việc xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi phạm
tội khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 107 của Bộ luật Hình sự được thực
hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Điều 426. Thẩm quyền áp dụng
các biện pháp giám sát, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được
miễn trách nhiệm hình sự
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm
quyền quyết định áp dụng một trong các biện pháp giám sát, giáo dục sau đây
đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự:
1. Khiển trách;
2. Hòa giải tại cộng đồng;
3. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Điều 427. Trình tự, thủ tục
áp dụng biện pháp khiển trách
1. Khi miễn trách nhiệm hình sự cho người dưới
18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp khiển trách
theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều
tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp
dụng biện pháp khiển trách đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do
cơ quan mình thụ lý, giải quyết.
2. Quyết định áp dụng biện pháp khiển trách
có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của người có thẩm
quyền ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
đ) Tội danh, điểm, khoản, điều
của Bộ luật Hình sự đã áp dụng;
e) Thời gian thực hiện nghĩa vụ
của người bị khiển trách.
3. Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát, Tòa án phải giao ngay quyết định áp dụng biện pháp khiển trách cho người
bị khiển trách, cha mẹ hoặc người đại diện của họ.
Điều 428.
Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng
1. Khi xét thấy có đủ điều kiện
áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Thủ
trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng,
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng
biện pháp hòa giải tại cộng đồng.
2. Quyết định áp dụng biện
pháp hòa giải tại cộng đồng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm
ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của
người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Tội danh, điểm, khoản, điều
của Bộ luật Hình sự đã áp dụng;
đ) Họ tên Điều tra viên hoặc
Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
e) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
g) Họ tên người bị hại;
h) Họ tên những người khác
tham gia hòa giải;
i) Thời gian, địa điểm, tiến
hành hòa giải.
3. Quyết định áp dụng biện
pháp hòa giải tại cộng đồng phải giao cho người dưới 18 tuổi phạm tội, cha
mẹ hoặc người đại diện của họ; người bị hại, người đại diện của người bị hại
và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải tại cộng
đồng chậm nhất là 03 ngày trước ngày tiến hành hòa giải.
4. Khi tiến hành hòa giải, Điều
tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải
phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải
và phải lập biên bản hòa giải.
5. Biên bản hòa giải có các nội
dung chính:
a) Địa điểm, giờ, ngày, tháng,
năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc;
b) Họ tên Điều tra viên, Kiểm
sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
c) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi cư trú của người bị hại;
đ) Họ tên, ngày, tháng,
năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải;
e) Các câu hỏi, câu trả lời, lời
trình bày của những người tham gia hòa giải;
g) Kết quả hòa giải; người
dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người đại diện của người dưới 18 tuổi xin lỗi
người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người đại diện
của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu
có);
h) Chữ ký của Điều tra viên, Kiểm
sát viên, Thẩm phán hòa giải.
6. Ngay sau khi kết thúc hòa giải,
Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán tiến hành hòa giải phải đọc lại biên bản
cho những người tham gia hòa giải nghe. Nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi,
bổ sung thì Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã lập biên bản phải ghi những
sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản và ký xác nhận. Trường hợp không chấp nhận yêu
cầu thì phải ghi rõ lý do vào biên bản. Biên bản hòa giải được giao ngay cho những
người tham gia hòa giải.
Điều
429. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
1. Khi miễn trách nhiệm hình sự
cho người dưới 18 tuổi phạm tội mà xét thấy có đủ điều kiện áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định của Bộ luật Hình sự thì Thủ trưởng,
Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Hội
đồng xét xử quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối
với người dưới 18 tuổi phạm tội trong vụ án do cơ quan mình thụ lý, giải quyết.
2. Quyết định áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm
ra quyết định;
b) Họ tên, chức vụ, chữ ký của
người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
đ) Tội danh, điểm, khoản, điều
của Bộ luật Hình sự đã áp dụng;
e) Thời hạn áp dụng biện pháp
giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
g) Trách nhiệm của chính quyền
xã, phường, thị trấn nơi người bị áp dụng biện pháp này cư trú.
3. Trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, Cơ quan
điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải giao quyết định cho người bị áp dụng
biện pháp này, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và chính quyền xã, phường,
thị trấn nơi họ cư trú.
Điều
430. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng
1. Khi xét thấy không cần thiết
phải áp dụng hình phạt thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc áp dụng
biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
2. Quyết định áp dụng biện pháp
giáo dục tại trường giáo dưỡng có các nội dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm
ra quyết định;
b) Họ tên, chữ ký các thành
viên Hội đồng xét xử đã ra quyết định;
c) Lý do, căn cứ ra quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm
sinh, nơi cư trú của bị cáo;
đ) Tội danh, điểm, khoản, điều
của Bộ luật Hình sự đã áp dụng;
e) Thời hạn áp dụng biện pháp
giáo dục tại trường giáo dưỡng;
g) Trách nhiệm của trường giáo
dưỡng nơi giáo dục người bị áp dụng biện pháp này.
3. Quyết định áp dụng biện pháp
giáo dục tại trường giáo dưỡng được giao ngay cho người dưới 18 tuổi phạm
tội, cha mẹ hoặc người đại diện của họ và trường giáo dưỡng nơi giáo dục
họ.
Chương
XXIX
THỦ TỤC TỐ TỤNG
TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ PHÁP NHÂN
Điều 431.
Phạm vi áp dụng
Thủ tục tố tụng đối với pháp
nhân bị tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bị điều tra, truy
tố, xét xử, thi hành án được tiến hành theo quy định của Chương này, đồng thời
theo những quy định khác của Bộ luật này không trái với quy định của Chương này.
Điều 432.
Khởi tố vụ án, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự
1. Khi xác định có dấu hiệu tội
phạm do pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ
án hình sự theo quy định tại các điều 143, 153 và 154 của Bộ luật này.
2. Căn cứ, trình tự, thủ tục
thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự được thực hiện theo quy định
tại Điều 156 của Bộ luật này.
Điều 433.
Khởi tố bị can, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân
1. Khi có đủ căn cứ xác định
pháp nhân đã thực hiện hành vi mà Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm thì cơ
quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân.
2. Quyết định khởi tố bị can đối
với pháp nhân ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ tên, chức vụ người
ra quyết định; tên và địa chỉ của pháp nhân theo quyết định thành lập của cơ
quan có thẩm quyền; tội danh, điều khoản của Bộ luật Hình sự đã áp dụng; thời
gian, địa điểm phạm tội và những tình tiết khác của tội phạm.
Nếu pháp nhân bị khởi tố về nhiều
tội khác nhau thì trong quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân phải ghi rõ
từng tội danh và điều, khoản của Bộ luật Hình sự đã áp dụng.
3. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục
khởi tố bị can, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân
được thực hiện theo quy định tại Điều 179 và 180 của Bộ luật
này.
Điều 434.
Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân tham gia tố tụng
1. Mọi hoạt động tố tụng của
pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự được thông qua người đại diện theo
pháp luật của pháp nhân. Pháp nhân phải cử và bảo đảm cho người đại diện theo
pháp luật của mình tham gia đầy đủ các hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố,
xét xử, thi hành án theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.
Trường hợp người đại diện theo
pháp luật của pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc không thể
tham gia tố tụng được thì pháp nhân phải cử người khác làm người đại diện theo
pháp luật của mình tham gia tố tụng. Trường hợp pháp nhân thay đổi người đại diện
thì pháp nhân phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Tại thời điểm khởi tố, điều
tra, truy tố, xét xử mà pháp nhân không có người đại diện theo pháp luật hoặc có
nhiều người cùng là đại diện theo pháp luật thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành
tố tụng chỉ định một người đại diện cho pháp nhân tham gia tố tụng.
2. Người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân tham gia tố tụng phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, giới
tính, nghề nghiệp, chức vụ của mình. Nếu có sự thay đổi những thông tin này thì
người đại diện theo pháp luật phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng.
Điều 435.
Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân có quyền:
a) Được thông báo kết quả giải
quyết nguồn tin về tội phạm;
b) Được biết lý do pháp nhân mà
mình đại diện bị khởi tố;
c) Được thông báo, được giải
thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
d) Được nhận quyết định
khởi tố bị can đối với pháp nhân; quyết định thay đổi,
bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với pháp nhân;
quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với pháp
nhân; quyết định phê chuẩn quyết định thay đổi, bổ sung quyết định khởi
tố bị can đối với pháp nhân; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế; bản kết luận điều tra; quyết định
đình chỉ, tạm đình chỉ điều tra; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; bản
cáo trạng; quyết định đưa vụ án ra xét xử; bản án, quyết định
của Tòa án và quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
đ) Trình bày lời khai,
trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại pháp
nhân mà mình đại diện hoặc buộc phải thừa nhận pháp nhân mà mình đại diện có tội;
e) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
g) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người
dịch thuật theo quy định của Bộ luật này;
h) Tự bào chữa, nhờ người bào chữa cho pháp
nhân;
i) Được đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài
liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu
khác liên quan đến việc bào chữa cho pháp nhân kể từ khi kết thúc điều tra khi
có yêu cầu;
k) Tham gia phiên tòa, đề nghị chủ tọa phiên tòa
hỏi hoặc tự mình hỏi những người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý;
tranh luận tại phiên tòa;
l) Phát biểu ý kiến sau cùng trước khi nghị án;
m) Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa
đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
n) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
o) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ
quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc
do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan,
người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 436. Biện pháp cưỡng
chế đối với pháp nhân
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể áp dụng các
biện pháp cưỡng chế sau đây đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố,
xét xử:
a) Kê biên tài sản liên quan đến hành vi phạm
tội của pháp nhân;
b) Phong tỏa tài khoản của pháp nhân liên quan đến
hành vi phạm tội của pháp nhân;
c) Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp
nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân;
d) Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành
án.
2. Thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng
chế quy định tại khoản 1 Điều này không được quá thời hạn điều tra,
truy tố, xét xử.
Điều 437. Kê biên tài sản
1. Kê biên tài sản áp dụng đối với pháp nhân bị
khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt
tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
2. Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có
thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại. Tài sản bị kê biên được
giao cho người đứng đầu pháp nhân có trách nhiệm bảo quản; nếu để xảy ra việc
tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại tài
sản bị kê biên thì người này phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Khi kê biên tài sản của pháp nhân phải có mặt
những người sau:
a) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
b) Đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi
pháp nhân có tài sản bị kê biên;
c) Người chứng kiến.
4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục kê biên tài sản
được thực hiện theo quy định tại Điều 128 của Bộ luật này.
Điều 438. Phong tỏa tài khoản
1. Phong tỏa tài khoản áp dụng đối với pháp nhân
bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình
phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại và có căn cứ xác định pháp nhân
đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
2. Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với
tài khoản của cá nhân, tổ chức khác nếu có căn cứ xác định số tiền trong tài khoản
đó liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.
3. Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng
với mức có thể phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.
4. Cơ quan có thẩm quyền phong tỏa tài khoản phải
giao quyết định phong tỏa tài khoản cho đại diện tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc
Nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân hoặc tài khoản của cá nhân, tổ chức
khác liên quan đến hành vi phạm tội của pháp nhân.
5. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục phong tỏa tài khoản
được thực hiện theo quy định tại Điều 129 của Bộ luật này.
Điều 439. Tạm đình chỉ có
thời hạn hoạt động của pháp nhân liên quan đến hành vi phạm tội của pháp
nhân; buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án
1. Tạm đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp
nhân chỉ áp dụng khi có căn cứ xác định hành vi phạm tội của pháp nhân gây thiệt
hại hoặc có khả năng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người, môi
trường hoặc trật tự, an toàn xã hội.
Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm
đình chỉ có thời hạn hoạt động của pháp nhân. Quyết định tạm đình chỉ hoạt động
của pháp nhân của những người quy định tại điểm a khoản 1 Điều
113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi
thi hành.
Thời hạn tạm đình chỉ hoạt động của pháp nhân
không được quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này.
Thời hạn tạm đình chỉ đối với pháp nhân bị kết án không quá thời hạn kể từ khi
tuyên án cho đến thời điểm pháp nhân chấp hành án.
2. Buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành
án áp dụng đối với pháp nhân bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội mà Bộ
luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.
Chỉ buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành
án tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc để bồi thường thiệt hại.
Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra quyết định buộc
pháp nhân phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án. Quyết định buộc pháp
nhân phải nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án của những người quy định tại
điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm
sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức
tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà
nước số tiền đã nộp.
Điều 440. Triệu tập người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Khi triệu tập người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân, người có thẩm quyền tiến hành
tố tụng phải gửi giấy triệu tập. Giấy triệu tập ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc làm
việc của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; giờ, ngày, tháng, năm, địa
điểm có mặt, gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả
kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
2. Giấy triệu tập được gửi cho người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc pháp nhân nơi người đó làm việc hoặc
chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đại diện theo pháp luật của pháp
nhân cư trú. Cơ quan, tổ chức nhận được giấy triệu tập có trách nhiệm chuyển
ngay giấy triệu tập cho người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
Khi nhận giấy triệu tập, người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân phải ký nhận và ghi rõ ngày, giờ nhận. Người
chuyển giấy triệu tập phải chuyển phần giấy triệu tập có ký nhận của người đại
diện cho cơ quan đã triệu tập; nếu người đại diện không ký nhận thì phải lập
biên bản về việc đó và gửi cho cơ quan triệu tập; nếu người đại diện vắng mặt
thì có thể giao giấy triệu tập cho một người đủ 18 tuổi trở lên trong gia
đình để ký xác nhận và chuyển cho người đại diện.
3. Người đại diện theo pháp luật của
pháp nhân phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất
khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng có thể ra quyết định dẫn giải.
Điều 441.
Những vấn đề cần phải chứng minh khi tiến hành tố tụng đối với pháp nhân
bị buộc tội
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay
không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội thuộc
trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Hình sự.
2. Lỗi của pháp nhân, lỗi của cá
nhân là thành viên của pháp nhân.
3. Tính chất và mức độ thiệt hại
do hành vi phạm tội của pháp nhân gây ra.
4. Những tình tiết giảm nhẹ, tăng
nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết khác liên quan đến miễn hình phạt.
5. Nguyên nhân và điều kiện phạm
tội.
Điều 442. Lấy
lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
1. Việc lấy lời khai người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân phải do Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện tại nơi tiến
hành điều tra, tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc tại trụ sở của pháp nhân. Trước
khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải thông báo cho Kiểm sát
viên và người bào chữa thời gian, địa điểm lấy lời khai. Khi xét thấy cần thiết,
Kiểm sát viên tham gia việc lấy lời khai.
2. Trước khi tiến hành lấy lời
khai lần đầu, Điều tra viên, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra phải giải thích cho người đại diện theo pháp luật
của pháp nhân biết rõ quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 435
của Bộ luật này và phải ghi vào biên bản. Có thể cho người đại diện theo
pháp luật của pháp nhân tự viết lời khai của mình.
3. Không được lấy lời khai người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân vào ban đêm.
4. Kiểm sát viên lấy lời khai người
đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong trường hợp người này không thừa nhận
hành vi phạm tội của pháp nhân, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác
định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần
thiết.
Việc Kiểm sát viên lấy lời khai
người đại diện theo pháp luật của pháp nhân cũng được tiến hành theo quy định tại
Điều này.
5. Việc lấy lời khai của người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi
hình có âm thanh.
Việc lấy lời khai của người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có
âm thanh theo yêu cầu của người đại diện, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng.
6. Biên bản lấy lời khai người đại
diện theo pháp luật của pháp nhân được lập theo quy định tại Điều
178 của Bộ luật này.
Điều 443. Tạm
đình chỉ điều tra, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị cáo
1. Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều
tra khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương
trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả mà đã hết thời hạn điều tra. Trường hợp này
việc giám định, định giá tài sản, tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được tiến hành
cho đến khi có kết quả.
2. Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định đình chỉ điều
tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, bị
cáo là pháp nhân khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Không có sự việc phạm tội;
b) Hành vi của pháp nhân không cấu
thành tội phạm;
c) Hành vi phạm tội của pháp nhân
đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
d) Hết thời hạn điều tra mà không
chứng minh được pháp nhân thực hiện tội phạm;
đ) Hết thời hiệu truy cứu trách
nhiệm hình sự.
Điều 444. Thẩm
quyền và thủ tục xét xử đối với pháp nhân
1. Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ
án hình sự về các tội phạm do pháp nhân thực hiện là Tòa án nơi pháp nhân thực
hiện tội phạm. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau thì
Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi pháp nhân đó có trụ sở chính hoặc nơi
có chi nhánh của pháp nhân đó thực hiện tội phạm.
2. Việc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm,
giám đốc thẩm, tái thẩm đối với pháp nhân phạm tội được thực hiện theo thủ tục
chung quy định tại Phần thứ tư và Phần thứ sáu của Bộ luật này. Phiên
tòa xét xử đối với pháp nhân phải có mặt người đại diện theo pháp luật của pháp
nhân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp; có mặt bị hại hoặc người đại diện
của bị hại.
Điều 445. Thẩm
quyền, thủ tục thi hành án đối với pháp nhân
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án
dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành hình phạt tiền đối với pháp nhân.
Trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tiền được thực hiện theo quy định của Luật
thi hành án dân sự.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền
thi hành các hình phạt khác và các biện pháp tư pháp quy định tại Bộ luật Hình
sự đối với pháp nhân theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp pháp nhân bị kết án
thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì pháp nhân kế thừa các quyền và
nghĩa vụ của pháp nhân bị kết án có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thi hành án
phạt tiền, bồi thường thiệt hại.
Điều 446.
Thủ tục đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân
Trong thời hạn 05 ngày kể từ
ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và
xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của Bộ luật hình sự
thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận
pháp nhân đã được xóa án tích.
Chương XXX
THỦ TỤC ÁP DỤNG
BIỆN PHÁP BẮT BUỘC CHỮA BỆNH
Điều 447. Điều kiện và thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Khi có căn
cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực
trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự thì tuỳ từng
giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám
định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ kết luận giám định pháp
y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong
giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa
bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
Điều 448. Điều tra đối với người bị nghi về năng lực trách
nhiệm hình sự
1. Đối với vụ
án mà có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có
năng lực trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra phải làm sáng tỏ:
a) Hành vi
nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra;
b) Tình trạng
tâm thần và bệnh tâm thần của người có hành vi nguy hiểm cho xã hội;
c) Người có
hành vi nguy hiểm cho xã hội có mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển
hành vi của mình hay không.
2. Khi tiến
hành tố tụng, Cơ quan điều tra phải bảo đảm có người bào chữa tham gia tố tụng
từ khi xác định được người có hành vi nguy hiểm cho xã hội mắc bệnh tâm thần hoặc
bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Người đại
diện của người đó có thể tham gia tố tụng trong trường hợp cần thiết.
Điều 449. Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều
tra
1. Khi Cơ quan
điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần mà kết quả giám định xác định bị
can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều
khiển hành vi thì Cơ quan điều tra gửi văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc
chữa bệnh cùng kết luận giám định cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem xét, quyết
định.
Trong thời hạn
03 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Cơ quan điều tra cùng kết luận
giám định, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp chữa bệnh đối với bị can
hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại nếu thấy
chưa đủ căn cứ để quyết định.
2. Trường hợp
Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều
tra phải ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra đối với bị can.
Điều 450. Quyết định của Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố
1. Sau khi nhận
được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, nếu có căn cứ cho rằng bị can không
có năng lực trách nhiệm hình sự thì Viện kiểm sát trưng cầu giám định pháp y
tâm thần.
2. Căn cứ vào
kết luận giám định, Viện kiểm sát có thể ra một trong các quyết định:
a) Tạm đình chỉ
vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Đình chỉ vụ
án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
c) Trả hồ sơ để
điều tra bổ sung;
d) Truy tố
bị can trước Tòa án.
3. Ngoài quyết định áp dụng biện
pháp bắt buộc chữa bệnh, Viện kiểm sát có thể giải quyết vấn đề khác liên quan
đến vụ án.
Điều 451. Quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử
1. Sau khi
thụ lý vụ án, nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực
trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ vào kết luận giám
định, Tòa án có thể ra một trong những quyết định:
a) Quyết định
tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
b) Trả hồ
sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung;
c) Miễn
trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh;
d) Đưa
vụ án ra xét xử.
3. Ngoài quyết định áp dụng biện
pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án có thể giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại
hoặc vấn đề khác liên quan đến vụ án.
Điều 452.
Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người đang chấp hành án phạt tù
1. Trường hợp có căn cứ cho rằng
người đang chấp hành án phạt tù mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả
năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì Trại giam, Trại tạm giam,
cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án chấp hành án phạt tù trưng cầu
giám định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ kết luận giám định
pháp y tâm thần, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Chánh án Tòa án quân sự
cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành án phạt tù ra quyết định tạm
đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Sau khi khỏi bệnh, người đó phải
tiếp tục chấp hành án phạt tù nếu không có lý do để miễn chấp hành hình phạt
tù.
Điều 453. Khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị
1. Việc khiếu
nại và giải quyết khiếu nại quyết định của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện
pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật
này.
2. Việc
kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc
chữa bệnh được thực hiện như đối với quyết định sơ thẩm quy định tại Bộ
luật này.
3. Quyết định
áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết
định khác thay thế hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Điều 454. Đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh
1. Biện
pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện ở cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần do
Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định theo quy định của pháp luật.
2. Khi có thông
báo của thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần về việc người bị bắt buộc
chữa bệnh đã khỏi bệnh thì cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
hoặc Viện kiểm sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
trưng cầu giám định pháp y tâm thần về tình trạng bệnh của người bị bắt buộc chữa
bệnh.
Căn cứ kết luận giám định về
việc người bị bắt buộc chữa bệnh đã khỏi bệnh, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định
đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
3. Quyết định đình chỉ thi
hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh phải được cơ quan đã đề nghị áp dụng biện
pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án gửi ngay cho cơ sở bắt buộc
chữa bệnh và người đại diện của người bị bắt buộc chữa bệnh.
4. Các hoạt động tố tụng, việc
chấp hành hình phạt đã bị tạm đình chỉ có thể được phục hồi theo quy định của Bộ
luật này.
Chương
XXXI
THỦ TỤC RÚT
GỌN
Điều 455. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn
Thủ tục rút
gọn đối với việc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm được thực
hiện theo quy định của Chương này và những quy định khác của Bộ luật này không
trái với quy định của Chương này.
Điều 456. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
1. Thủ tục
rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ
các điều kiện:
a) Người thực
hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
b) Sự việc
phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
c) Tội phạm
đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
d) Người phạm
tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
2. Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong
các điều kiện:
a) Vụ án đã được áp dụng thủ
tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình
phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;
b) Vụ án chưa được áp dụng
thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản
1 Điều này và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo
được hưởng án treo.
Điều 457. Quyết định áp dụng
thủ tục rút gọn
1. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi vụ án có đủ điều
kiện quy định tại Điều 456 của Bộ luật này, Cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết
định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo
quy định tại Điều 458 của Bộ luật này.
2. Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn được giao
cho bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ, gửi cho người bào chữa trong thời
hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.
Quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều
tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định.
3. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục
rút gọn của Cơ quan điều tra không đúng pháp luật thì trong thời hạn 24 giờ kể
từ khi nhận được quyết định, Viện kiểm sát phải ra quyết định hủy bỏ quyết định
áp dụng thủ tục rút gọn và gửi cho Cơ quan điều tra.
4. Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục
rút gọn của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh
án Tòa án đã ra quyết định. Chánh án Tòa án phải xem xét, trả lời trong thời hạn
24 giờ kể từ khi nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát.
5. Quyết định áp dụng thủ tục rút
gọn có thể bị khiếu nại. Bị can, bị cáo hoặc người đại diện của họ có quyền khiếu
nại quyết định áp dụng thủ tục rút gọn; thời hiệu khiếu nại là 05 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định. Khiếu nại được gửi đến Cơ quan điều tra, Viện kiểm
sát, Tòa án đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và phải được giải quyết
trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.
Điều 458. Hủy
bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn
Trong quá trình áp dụng thủ tục rút
gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c
và d khoản 1 Điều 456 của Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp
tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung
theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra
quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo
thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.
Thời hạn tố tụng của vụ án được
tính tiếp theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ khi có quyết định
hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Điều 459. Tạm
giữ, tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử
1. Căn cứ, thẩm quyền và thủ tục tạm
giữ, tạm giam được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
2. Thời hạn tạm giữ không được quá
03 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
3. Thời hạn tạm giam trong giai đoạn
điều tra không quá 20 ngày, trong giai đoạn truy tố không quá 05 ngày, trong
giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm
không quá 22 ngày.
Điều 460. Điều
tra
1. Thời hạn điều tra theo thủ tục
rút gọn là 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
2. Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều
tra ra quyết định đề nghị truy tố.
Quyết định đề nghị truy tố ghi
tóm tắt hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính
chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng,
thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu
giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật và xử lý vật chứng; đặc điểm nhân
thân của bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; lý
do và căn cứ đề nghị truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ
luật hình sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của
người ra quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định đề nghị truy tố, Cơ quan điều tra phải giao quyết định đề nghị
truy tố cho bị can hoặc người đại diện của bị can, gửi cho người bào chữa,
bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định đề nghị
truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.
Điều 461.
Quyết định truy tố
1. Trong thời hạn 05 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát ra một
trong các quyết định:
a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng
quyết định truy tố;
b) Không truy tố bị can và ra quyết
định đình chỉ vụ án;
c) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
d) Tạm đình chỉ vụ án;
đ) Đình chỉ vụ án.
2. Quyết định truy tố ghi tóm tắt
hành vi phạm tội, thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội, tính chất,
mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; việc áp dụng, thay đổi,
hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc thu giữ, tạm
giữ tài liệu, đồ vật và việc xử lý vật chứng; đặc điểm nhân thân của
bị can, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nêu rõ lý
do và căn cứ truy tố; tội danh, điểm, khoản, điều của Bộ luật hình
sự được áp dụng; ghi rõ thời gian, địa điểm, họ tên và chữ ký của người ra
quyết định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao quyết định cho bị can hoặc người
đại diện của họ; gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa, bị hại, đương sự
hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định truy tố cùng hồ sơ vụ án
cho Tòa án.
Điều 462.
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ
ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Tạm đình chỉ vụ án;
d) Đình chỉ vụ án.
2. Trường hợp quyết định đưa vụ án
ra xét xử thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở
phiên tòa xét xử vụ án.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định đó
cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo;
gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Điều 463.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm
1. Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo
thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Sau phần thủ tục bắt đầu
phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố.
3. Các trình tự, thủ tục
khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy
định tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Điều 464.
Chuẩn bị xét xử phúc thẩm
1. Việc nhận và thụ lý hồ sơ vụ
án được Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật
này.
Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải
chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày Viện
kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
a) Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm;
b) Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ
án.
3. Trường hợp quyết định đưa vụ án
ra xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án
phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
4. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi
ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó
cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện
của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Điều 465.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm
1. Việc xét xử phúc thẩm theo thủ
tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
2. Các trình tự, thủ tục
khác tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định
tại Bộ luật này nhưng không tiến hành nghị án.
Chương
XXXII
XỬ LÝ CÁC HÀNH VI CẢN TRỞ
HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 466. Xử lý người có
hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác
có một trong các hành vi sau đây thì tùy mức độ vi phạm có thể bị cơ quan
có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt
tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm
hình sự theo quy định của luật:
1. Làm giả, hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho
việc giải quyết vụ việc, vụ án;
2. Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai
sự thật;
3. Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu,
đồ vật;
4. Người giám định, người định giá tài sản kết
luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do
bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
5. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm
ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
6. Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm
ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối;
7. Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm
ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc
người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan;
8. Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm
ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người
phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;
9. Lừa dối, đe dọa, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm
ngăn cản đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng;
10. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người
có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác cản
trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
11. Đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do
bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở
ngại cho hoạt động tố tụng;
12. Ngăn cản việc cấp, giao, nhận hoặc thông báo
văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Điều 467. Xử lý người vi
phạm nội quy phiên tòa
1. Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính
chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt
hành chính theo quy định của pháp luật.
2. Chủ tọa phiên tòa có quyền ra quyết định buộc
người vi phạm rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính. Cơ quan công an có
nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa hoặc người có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên
tòa thi hành quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về việc buộc rời khỏi phòng
xử án hoặc tạm giữ hành chính người gây rối trật tự phiên tòa.
3. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy
phiên tòa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì Hội đồng xét xử có quyền
khởi tố vụ án hình sự.
4. Quy định tại Điều này cũng được áp dụng đối với
người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án.
Điều 468. Hình thức xử phạt,
thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt
Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục
xử phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự được thực hiện
theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật khác có liên quan.
Chương XXXIII
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG
TỐ TỤNG HÌNH SỰ
Điều 469. Người có quyền
khiếu nại
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại
quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng
khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền,
lợi ích hợp pháp của mình.
2. Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu
lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng
hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, quyết định của Hội
đồng xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng
tái thẩm, Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước
thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết
theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này.
Điều 470. Các quyết định,
hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại
1. Quyết định tố tụng có thể bị khiếu nại là các
quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện
trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án
Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra được
ban hành theo quy định của Bộ luật này.
2. Hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại là hành
vi được thực hiện trong hoạt động tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ
quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện
kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm
phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều
tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.
Điều 471. Thời hiệu khiếu
nại
1. Thời hiệu khiếu nại là 15 ngày kể từ ngày người
khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà người đó cho
rằng có vi phạm pháp luật.
2. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở
ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo
đúng thời hiệu thì thời gian có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó
không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Điều 472. Quyền và nghĩa vụ
của người khiếu nại
1. Người khiếu nại có quyền:
a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người bào chữa,
người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện để khiếu
nại;
b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá
trình giải quyết vụ án hình sự;
c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của
quá trình giải quyết khiếu nại;
d) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị
xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Người khiếu nại có nghĩa vụ:
a) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông
tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật
về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó;
b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã
có hiệu lực pháp luật.
Điều 473. Quyền và nghĩa vụ
của người bị khiếu nại
1. Người bị khiếu nại có quyền:
a) Được thông báo về nội dung khiếu nại;
b) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết
định, hành vi tố tụng bị khiếu nại;
c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về
quyết định, hành vi tố tụng của mình.
2. Người bị khiếu nại có nghĩa vụ:
a) Giải trình về quyết định, hành vi tố tụng bị
khiếu nại; cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền yêu cầu;
b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại;
c) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn, khắc phục hậu
quả do quyết định, hành vi tố tụng trái pháp luật của mình gây ra theo quy định
của pháp luật.
Điều
474. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong
việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam
1. Khiếu nại đối với lệnh
giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt, quyết định tạm giữ, lệnh tạm
giam, quyết định tạm giam, quyết định phê chuẩn việc bắt, quyết định gia hạn tạm
giữ, quyết định gia hạn tạm giam và khiếu nại các hành vi thực hiện các lệnh và
quyết định đó phải được giải quyết ngay trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được
khiếu nại. Trường hợp cần phải có thời gian để xác minh thêm thì thời hạn giải
quyết không được quá 03 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại.
2. Viện trưởng Viện kiểm
sát có trách nhiệm giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc
giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều
tra, truy tố. Cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp
khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát thực hành
quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ,
người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ
khi nhận được khiếu nại.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên,
Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp,
bắt, tạm giữ, tạm giam do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm
giam do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.
Nếu không đồng ý với quyết
định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát thì trong thời hạn 03
ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có
quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ
ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải
quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam
do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết hoặc Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết nếu quyết định, hành
vi tố tụng bị khiếu nại là của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm
sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem
xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực
pháp luật.
3. Tòa án có trách nhiệm
giải quyết khiếu nại quyết định bắt, tạm giam trong giai đoạn xét xử.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Phó Chánh án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án Tòa án
xem xét, giải quyết. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của
Chánh án thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết
khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án trên một cấp.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án trên một
cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một
cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định,
hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án trong việc bắt, tạm giam do Chánh án Tòa án
trên một cấp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
khiếu nại, Chánh án Tòa án trên một cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải
quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Điều
475. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều
tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng Cơ quan điều tra, người được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra
1. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại
về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng
Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Thủ trưởng Cơ quan điều
tra thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu
nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm
sát cùng cấp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện
kiểm sát cùng cấp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của
Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã
được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết
trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết
định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp thì trong thời hạn 03
ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có
quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải
quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt
động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ do cấp
trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xem xét,
giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng
ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì trong thời hạn 03 ngày kể từ
ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu
nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Trong thời
hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát phải xem
xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát là quyết định
có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của
cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện
trưởng Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra xem xét, giải
quyết. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện
kiểm sát phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện
kiểm sát là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Điều 476. Thẩm quyền và thời
hạn giải quyết khiếu nại đối với Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng
và Viện trưởng Viện kiểm sát
1. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng
Viện kiểm sát xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được
khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm
sát thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu
nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện kiểm sát cấp trên
trực tiếp phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện
kiểm sát cấp trên trực tiếp là quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải
quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải
quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là quyết định có hiệu lực
pháp luật.
3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản
2 Điều này, nếu là khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh thì được giải quyết:
a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố,
kiểm sát điều tra, truy tố do Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, giải quyết
trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của
Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật;
b) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố,
kiểm sát xét xử do Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét, giải quyết trong thời
hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện kiểm
sát nhân dân cấp cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.
4. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên và Kiểm tra
viên công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên và Kiểm tra
viên công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm
sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể
từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là quyết định
có hiệu lực pháp luật.
Điều 477. Thẩm quyền và thời
hạn giải quyết khiếu nại đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án và
Chánh án Tòa án
1. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án
quân sự khu vực trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện,
Chánh án Tòa án quân sự khu vực giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận
được khiếu nại.
Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của
Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực thì trong
thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người
khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án
Tòa án quân sự cấp quân khu. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại,
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu phải
xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của
Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực trước khi mở
phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp
quân khu xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu
nại. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa
án quân sự cấp quân khu là quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án
Tòa án quân sự cấp quân khu trước khi mở phiên tòa do Chánh án Tòa án nhân dân
cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu xem xét, giải quyết trong thời hạn
07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải
quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân
khu thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu
nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao,
Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày.
Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án
quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của
Thẩm phán, Thẩm tra viên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao trước khi mở
phiên tòa do Chánh án Tòa án cấp cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 07 ngày
kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được
quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày. Quyết định
giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp
luật.
Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu do
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương xem xét,
giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải
quyết của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương
là quyết định có hiệu lực pháp luật.
3. Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng
của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm
tra viên công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao, Thẩm phán và Thẩm tra viên công tác tại Tòa án quân sự trung ương, Phó
Chánh án Tòa án quân sự trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh
án Tòa án quân sự trung ương xem xét, giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ
ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương là quyết định có hiệu lực pháp luật.
Điều 478. Người có quyền tố
cáo
Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm
quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố
tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi
ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Điều 479.
Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
1. Người tố cáo có quyền:
a) Gửi đơn hoặc trực tiếp tố
cáo với cơ quan, người có thẩm quyền;
b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa
chỉ, bút tích của mình;
c) Được nhận quyết định giải
quyết tố cáo;
d) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền
tiến hành tố tụng bảo vệ khi bị đe doạ, trù dập, trả thù.
2. Người tố cáo có nghĩa vụ:
a) Trình bày trung thực về nội
dung tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc tố cáo;
b) Nêu rõ họ tên, địa chỉ của
mình;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp
luật nếu cố ý tố cáo sai sự thật.
Điều 480.
Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo
1. Người bị tố cáo có quyền:
a) Được thông báo về nội dung tố
cáo;
b) Đưa ra bằng chứng để chứng
minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;
c) Được nhận quyết định giải
quyết tố cáo;
d) Được khôi phục quyền, lợi
ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do
việc tố cáo không đúng gây ra;
đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá
nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.
2. Người bị tố cáo có nghĩa vụ:
a) Giải trình về hành vi bị tố
cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, người có thẩm quyền
yêu cầu;
b) Chấp hành quyết định giải
quyết tố cáo;
c) Bồi thường thiệt hại, bồi
hoàn, khắc phục hậu quả do hành vi tố tụng trái pháp luật của mình gây ra.
Điều 481.
Thẩm quyền và thời hạn giải quyết tố cáo
1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp
luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thuộc cơ quan có thẩm quyền tiến
hành tố tụng nào thì người đứng đầu cơ quan đó có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là
Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát thì Thủ trưởng Cơ quan điều
tra, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là
Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án quân sự khu vực thì Chánh
án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền
giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu thì
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương có thẩm
quyền giải quyết.
Trường hợp người bị tố cáo là
Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương thì Chánh
án Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết.
Tố cáo hành vi tố tụng của người
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra do Viện kiểm sát thực
hành quyền công tố, kiểm sát điều tra có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp
luật có dấu hiệu tội phạm thì được giải quyết theo quy định tại Điều
145 của Bộ luật này.
3. Thời hạn giải quyết tố cáo
không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời
hạn giải quyết tố cáo có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
4. Tố cáo liên quan đến hành vi
giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều
tra, truy tố phải được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện
kiểm sát có thẩm quyền xem xét, giải quyết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận
được tố cáo. Trường hợp phải xác minh thêm thì thời hạn không quá 03 ngày kể từ
ngày nhận được tố cáo.
Điều 482. Trách nhiệm của
cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Cơ quan, người có thẩm quyền
giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo và
gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người đã khiếu nại, tố cáo; xử lý
nghiêm minh người vi phạm pháp luật; áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo khi
có yêu cầu, ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; bảo đảm kết quả giải quyết khiếu
nại, tố cáo được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật
về việc giải quyết của mình.
2. Người có thẩm quyền giải quyết
khiếu nại, tố cáo mà không giải quyết, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết,
giải quyết trái pháp luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật
hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt
hại, bồi hoàn theo quy định của luật.
3. Cơ quan điều tra, cơ quan được
giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án có trách nhiệm thông
báo việc tiếp nhận và gửi văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm
sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Điều 483. Nhiệm vụ, quyền
hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Viện kiểm sát kiểm sát việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ
tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới.
2. Khi kiểm sát việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo, Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Yêu cầu Cơ quan điều tra,
Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết
định giải quyết khiếu nại, ra văn bản giải quyết tố cáo theo quy định tại Chương
này;
b) Yêu cầu Cơ quan điều tra,
Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tự kiểm
tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình và cấp dưới; thông báo kết
quả kiểm tra cho Viện kiểm sát;
c) Yêu cầu Cơ quan điều tra,
Tòa án, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp
hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm
sát;
d) Trực tiếp kiểm sát việc giải
quyết khiếu nại, tố cáo tại Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến
hành một số hoạt động điều tra, Tòa án cùng cấp và cấp dưới;
đ) Ban hành kết luận kiểm sát;
thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án, cơ
quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm
trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3. Viện kiểm sát cấp trên có
trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm
sát cấp dưới. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thanh tra, kiểm tra việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát các cấp.
Chương XXXIV
BẢO VỆ NGƯỜI TỐ GIÁC TỘI
PHẠM, NGƯỜI LÀM CHỨNG, BỊ HẠI VÀ NGƯỜI THAM GIA TỐ TỤNG KHÁC
Điều 484. Người được bảo vệ
1. Những người được bảo vệ gồm:
a) Người tố giác tội phạm;
b) Người làm chứng;
c) Bị hại;
d) Người thân thích của người tố giác tội phạm,
người làm chứng, bị hại.
2. Người được bảo vệ có quyền:
a) Đề nghị được bảo vệ;
b) Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa
vụ;
c) Được biết về việc áp dụng biện pháp bảo vệ; đề
nghị thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp bảo vệ;
d) Được bồi thường thiệt hại, khôi phục danh dự,
bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp trong thời gian bảo vệ.
3. Người được bảo vệ có nghĩa vụ:
a) Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ
quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ;
b) Giữ bí mật thông tin bảo vệ;
c) Thông báo kịp thời đến cơ quan có trách nhiệm
bảo vệ về những vấn đề nghi vấn trong thời gian được bảo vệ.
Điều 485. Cơ quan, người
có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
1. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo
vệ gồm:
a) Cơ quan điều tra của Công an nhân dân;
b) Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân.
2. Người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện
pháp bảo vệ gồm:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra của
Công an nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối với
người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý, giải
quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân
cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra
trong Quân đội nhân dân có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ đối
với người được bảo vệ trong các vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan mình thụ lý,
giải quyết, điều tra hoặc theo đề nghị của Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự
cùng cấp; đề nghị của Viện kiểm sát quân sự trung ương.
3. Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp
nếu xét thấy cần áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ thì đề nghị
Cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án hình sự ra quyết định áp dụng biện pháp
bảo vệ đối với người được bảo vệ. Đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương nếu xét thấy cần áp dụng biện
pháp bảo vệ đối với người được bảo vệ trong vụ việc, vụ án hình sự do cơ quan
mình thụ lý, giải quyết, điều tra thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có văn bản đề nghị với
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều
tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng ra quyết định áp dụng biện
pháp bảo vệ.
Điều 486. Các biện pháp bảo
vệ
1. Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe,
tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm
hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì
cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp dụng những biện
pháp sau đây để bảo vệ họ:
a) Bố trí lực lượng, tiến hành các biện pháp
nghiệp vụ, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và các phương tiện khác để canh gác,
bảo vệ;
b) Hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của người được
bảo vệ để bảo đảm an toàn cho họ;
c) Giữ bí mật và yêu cầu người khác giữ bí mật
các thông tin liên quan đến người được bảo vệ;
d) Di chuyển, giữ bí mật chỗ ở, nơi làm việc, học
tập; thay đổi tung tích, lý lịch, đặc điểm nhân dạng của người được bảo vệ, nếu
được họ đồng ý;
đ) Răn đe, cảnh cáo, vô hiệu hóa các hành vi xâm
hại người được bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại theo quy định
của pháp luật;
e) Các biện pháp bảo vệ khác theo quy định của
pháp luật.
2. Việc áp dụng, thay đổi các biện pháp bảo vệ
quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến quyền và lợi
ích hợp pháp của người được bảo vệ.
Điều 487. Đề nghị, yêu cầu
áp dụng các biện pháp bảo vệ
1. Người được bảo vệ có quyền làm văn bản đề nghị,
yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Văn bản đề nghị, yêu cầu
có các nội dung chính:
a) Ngày, tháng, năm;
b) Tên, địa chỉ của người đề nghị;
c) Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo
vệ;
d) Chữ ký hoặc điểm chỉ của người đề nghị. Trường
hợp đề nghị của cơ quan, tổ chức thì người đại diện theo pháp luật của cơ quan,
tổ chức đó ký tên và đóng dấu.
2. Trường hợp khẩn cấp, người được bảo vệ trực
tiếp đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thông
qua phương tiện thông tin liên lạc nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản đề
nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền nhận được đề nghị, yêu cầu phải lập biên bản
và đưa vào hồ sơ bảo vệ.
3. Khi tiến hành tố tụng đối với vụ án, cơ quan
được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhận
được đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ có trách nhiệm xem xét, đề nghị
Cơ quan điều tra cùng cấp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường
hợp Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp cao nhận được đề nghị,
yêu cầu bảo vệ thì đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét, quyết định áp dụng
biện pháp bảo vệ.
4. Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cứ, tính
xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ. Trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng
biện pháp bảo vệ thì phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết.
Điều 488. Quyết định áp dụng
biện pháp bảo vệ
1. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ gồm các nội
dung chính:
a) Số, ngày, tháng, năm; địa điểm ra quyết định;
b) Chức vụ của người ra quyết định;
c) Căn cứ ra quyết định;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của
người được bảo vệ;
đ) Biện pháp bảo vệ và thời gian bắt đầu thực hiện
biện pháp bảo vệ.
2. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi
cho người yêu cầu bảo vệ, người được bảo vệ, Viện kiểm sát, Tòa án đã đề
nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc
bảo vệ.
3. Sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ,
Cơ quan điều tra có thẩm quyền áp dụng phải tổ chức thực hiện ngay biện pháp bảo
vệ. Trường hợp cần thiết có thể phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Công an
nhân dân, Quân đội nhân dân để thực hiện việc bảo vệ.
4. Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng có
thể thay đổi, bổ sung biện pháp bảo vệ trong quá trình bảo vệ nếu xét thấy cần
thiết.
5. Thời gian bảo vệ được tính từ khi áp dụng biện
pháp bảo vệ cho đến khi có quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.
Điều 489. Chấm dứt việc bảo
vệ
1. Khi xét thấy căn cứ xâm hại hoặc đe dọa xâm hại
tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ không
còn, Thủ trưởng Cơ quan điều tra đã quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải ra
quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ.
2. Quyết định chấm dứt áp dụng các biện pháp bảo
vệ phải được gửi cho người được bảo vệ, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bảo
vệ và cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan đến việc bảo vệ.
Điều 490. Hồ sơ bảo vệ
1. Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng biện
pháp bảo vệ phải lập hồ sơ bảo vệ.
2. Hồ sơ bảo vệ gồm:
a) Văn bản đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo
vệ; biên bản về việc đề nghị, yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ;
b) Kết quả xác minh về hành vi xâm hại hoặc đe dọa
xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ;
c) Tài liệu về hậu quả thiệt hại đã xảy ra (nếu
có) và việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền;
d) Văn bản yêu cầu, đề nghị thay đổi, bổ sung, hủy
bỏ biện pháp bảo vệ;
đ) Quyết định áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ
biện pháp bảo vệ;
e) Tài liệu phản ánh diễn biến quá trình áp
dụng biện pháp bảo vệ;
g) Văn bản yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá
nhân phối hợp bảo vệ;
h) Báo cáo kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ;
i) Quyết định chấm dứt biện pháp bảo vệ;
k) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan đến
việc bảo vệ.
Phần thứ tám
HỢP TÁC QUỐC TẾ
Chương XXXV
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 491. Phạm vi hợp tác
quốc tế trong tố tụng hình sự
1. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự là việc
các cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các
cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài phối hợp, hỗ trợ nhau để thực hiện hoạt động
phục vụ yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
2. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự gồm
tương trợ tư pháp về hình sự; dẫn độ; tiếp nhận, chuyển giao người đang chấp
hành án phạt tù và các hoạt động hợp tác quốc tế khác được quy định tại Bộ luật
này, pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự trên
lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định của
điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo
nguyên tắc có đi có lại, theo quy định của Bộ luật này, pháp luật về tương trợ
tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Điều 492. Nguyên tắc hợp
tác quốc tế trong tố tụng hình sự
1. Hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự được thực
hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia,
không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp
với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia
nhập điều ước quốc tế có liên quan thì việc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình
sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt
Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.
Điều 493. Cơ quan trung
ương trong hợp tác quốc tế về tố tụng hình sự
1. Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ và chuyển giao người đang
chấp hành án phạt tù.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao là Cơ quan
trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động tương trợ
tư pháp về hình sự và những hoạt động hợp tác quốc tế khác theo quy định của
pháp luật.
Điều 494. Giá trị pháp lý
của tài liệu, đồ vật thu thập được qua hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự
Tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài thu thập theo ủy thác tư pháp của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc
tài liệu, đồ vật do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài gửi đến Việt Nam để ủy
thác truy cứu trách nhiệm hình sự có thể được coi là chứng cứ. Trường hợp tài
liệu, đồ vật này có đặc điểm quy định tại Điều 89 của Bộ luật
này thì có thể được coi là vật chứng.
Điều 495. Việc tiến hành tố
tụng của người có thẩm quyền của Việt Nam ở nước ngoài và người có thẩm quyền của
nước ngoài ở Việt Nam
Việc tiến hành tố tụng của người có thẩm quyền của
Việt Nam ở nước ngoài và người có thẩm quyền của nước ngoài ở Việt Nam được thực
hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên hoặc thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại.
Điều 496. Sự có mặt của
người làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam ở
nước ngoài; người làm chứng, người giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại
nước ngoài ở Việt Nam
1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể đề
nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho người làm chứng, người giám định,
người đang chấp hành án phạt tù tại nước được đề nghị có mặt ở Việt Nam để phục
vụ việc giải quyết vụ án hình sự.
2. Theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền nước
ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể cho phép người làm chứng, người
giám định, người đang chấp hành án phạt tù tại Việt Nam có mặt ở nước đã đề nghị
để phục vụ việc giải quyết vụ án hình sự.
Chương XXXVI
MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG HỢP
TÁC QUỐC TẾ
Điều 497. Việc tiếp nhận,
chuyển giao tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án
Việc tiếp nhận, chuyển giao tài liệu, đồ vật
liên quan đến vụ án được thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của Bộ luật này, pháp luật
về tương trợ tư pháp và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Điều 498. Xử lý trường hợp
từ chối dẫn độ công dân Việt Nam
Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm xem xét để truy cứu
trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước
ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ.
Điều 499. Trình tự, thủ tục
xem xét, xử lý yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với công dân Việt Nam bị
từ chối dẫn độ
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định
từ chối dẫn độ công dân Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước
ngoài, Tòa án đã ra quyết định từ chối dẫn độ chuyển hồ sơ và các tài liệu kèm
theo của nước ngoài đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét việc truy cứu
trách nhiệm hình sự.
2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, xử lý
yêu cầu của nước ngoài về truy cứu trách nhiệm hình sự công dân Việt Nam bị từ
chối dẫn độ theo quy định của luật.
3. Việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối
với người bị yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự được tiến hành theo quy định
của Bộ luật này.
4. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu
cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp, bổ sung chứng cứ, tài liệu,
đồ vật để bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử có căn cứ, đúng pháp luật.
Điều 500. Điều kiện cho
thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt
Nam bị từ chối dẫn độ
Bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài
đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ có thể được thi hành tại Việt Nam
khi có đủ các điều kiện:
1. Có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
của nước ngoài về việc thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước
ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ;
2. Hành vi phạm tội mà công dân Việt Nam bị kết
án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
3. Bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước
ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố
tụng nào đối với người đó.
Điều 501. Trình tự, thủ tục
xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với
công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ
1. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được
yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thi hành bản án, quyết
định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ,
Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định từ chối dẫn độ xem xét yêu cầu của nước
ngoài.
2. Tòa án có thẩm quyền mở phiên họp bằng Hội đồng
gồm ba Thẩm phán để xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa
án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ. Phiên họp phải có mặt
của Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp, người bị yêu cầu thi hành bản án, quyết
định hình sự của Tòa án nước ngoài, luật sư hoặc người đại diện của họ (nếu
có).
3. Sau khi khai mạc phiên họp, một thành viên của
Hội đồng trình bày những vấn đề liên quan đến yêu cầu thi hành bản án, quyết định
hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam và nêu ý kiến về cơ sở
pháp lý của việc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài
đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam.
Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm
sát về việc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với
công dân Việt Nam tại Việt Nam.
Người bị yêu cầu thi hành bản án, quyết định
hình sự của Tòa án nước ngoài, luật sư, người đại diện của người này trình bày
ý kiến (nếu có).
Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số việc
cho thi hành hoặc không cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước
ngoài đối với người bị yêu cầu.
4. Quyết định cho thi hành bản án, quyết định
hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam phải ghi
rõ thời hạn mà người đó phải thi hành án phạt tù tại Việt Nam trên cơ sở xem
xét, quyết định:
a) Trường hợp thời hạn của hình phạt do nước
ngoài đã tuyên phù hợp với pháp luật Việt Nam thì thời hạn phải thi hành án tại
Việt Nam được quyết định tương ứng với thời hạn đó;
b) Trường hợp tính chất hoặc thời hạn của hình
phạt do Tòa án nước ngoài đã tuyên không phù hợp pháp luật Việt Nam thì quyết định
chuyển đổi hình phạt cho phù hợp với pháp luật Việt Nam nhưng không được dài
hơn hình phạt đã tuyên của Tòa án nước ngoài.
5. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định
cho thi hành hoặc không cho thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước
ngoài, Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi quyết định cho người bị yêu cầu thi hành,
Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Bộ Công an để thực hiện.
Người bị yêu cầu thi hành bản án, quyết định
hình sự của Tòa án nước ngoài có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp
có quyền kháng nghị trong thời hạn 15 ngày, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có
quyền kháng nghị trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp tỉnh ra
quyết định.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải gửi hồ sơ và kháng
cáo, kháng nghị cho Tòa án nhân dân cấp cao trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết
thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
6. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ
sơ xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài
có kháng cáo, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp cao mở phiên họp xem xét quyết định
của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.
Thủ tục xem xét kháng cáo, kháng nghị đối với
quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh được thực hiện theo quy định tại Điều này.
7. Quyết định thi hành bản án, quyết định hình sự
của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt Nam có hiệu lực pháp
luật gồm:
a) Quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh không
bị kháng cáo, kháng nghị;
b) Quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao.
8. Trình tự, thủ tục thi hành quyết định thi
hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam tại Việt
Nam được thực hiện theo quy định Bộ luật này và Luật Thi hành án hình sự.
9. Khi nhận được thông báo về quyết định đặc xá,
đại xá hoặc miễn, giảm hình phạt của nước ngoài đối với công dân Việt Nam
phạm tội ở nước ngoài bị Việt Nam từ chối dẫn độ và người đó đang
thi hành án tại Việt Nam thì Bộ Công an gửi ngay thông báo đó cho Tòa án,
Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 502. Các biện pháp
ngăn chặn, căn cứ và thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn
1. Các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm cho việc
xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ gồm bắt, tạm giam, cấm
đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh.
2. Biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng đối với
người bị xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc bị dẫn độ khi có đủ các điều kiện:
a) Tòa án đã có quyết định xem xét yêu cầu dẫn độ
đối với người đó hoặc quyết định dẫn độ đối với người đó đã có hiệu lực pháp luật;
b) Có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ bỏ
trốn hoặc gây khó khăn, cản trở việc xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết
định dẫn độ.
3. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao quyết định việc áp dụng các biện
pháp ngăn chặn quy định tại khoản 1 Điều này. Thẩm phán chủ tọa phiên họp xem
xét yêu cầu dẫn độ có quyền quyết định việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi
cư trú, biện pháp đặt tiền để bảo đảm sự có mặt của người bị yêu cầu dẫn độ tại
phiên họp.
Điều 503. Bắt tạm giam người
bị yêu cầu dẫn độ
1. Việc bắt người bị yêu cầu dẫn độ để tạm giam
hoặc thi hành quyết định dẫn độ được thực hiện theo quy định tại Điều 113 của Bộ luật này.
2. Thời hạn tạm giam để xem xét yêu cầu dẫn độ
không quá thời hạn trong lệnh bắt giam của cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu
dẫn độ hoặc thời hạn phải thi hành hoặc còn phải thi hành hình phạt tù trong bản
án, quyết định hình sự của Tòa án nước yêu cầu dẫn độ.
Trường hợp cần thiết, Tòa án nhân dân cấp tỉnh,
Tòa án nhân dân cấp cao có thể gửi văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của
nước yêu cầu dẫn độ ra lệnh, quyết định tạm giam hoặc gia hạn tạm giam người
bị yêu cầu dẫn độ để bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ; văn bản yêu cầu được
gửi thông qua Bộ Công an.
Điều 504. Cấm đi khỏi nơi
cư trú, tạm hoãn xuất cảnh
1. Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn
có thể áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ có nơi cư trú rõ ràng nhằm bảo đảm
sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Tòa án.
Việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú
được thực hiện theo quy định tại Điều 123 của Bộ luật này.
Thời hạn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư
trú không được quá thời hạn bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ và thời hạn xem
xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn
độ theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
2. Tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp
ngăn chặn có thể áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ nhằm bảo đảm sự có mặt
của họ theo giấy triệu tập của Tòa án.
Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh được
thực hiện theo quy định tại Điều 124 của Bộ luật này.
Thời hạn áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh
không được quá thời hạn bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ và thời hạn xem xét
kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ
theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Điều 505. Đặt tiền để bảo
đảm
1. Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn có
thể áp dụng đối với người bị yêu cầu dẫn độ căn cứ vào tình trạng tài sản của
người đó nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Tòa án.
2. Việc áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm
thực hiện theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật này.
3. Thời hạn áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm
không được quá thời hạn bảo đảm việc xem xét yêu cầu dẫn độ và thời hạn xem xét
kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định dẫn độ hoặc quyết định từ chối dẫn độ
theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Điều 506. Hủy bỏ hoặc thay
thế biện pháp ngăn chặn
1. Khi Tòa án có thẩm quyền quyết định từ chối dẫn
độ hoặc hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định thi hành quyết định dẫn độ
có hiệu lực mà nước yêu cầu dẫn độ không tiếp nhận người bị dẫn độ thì mọi biện
pháp ngăn chặn đã áp dụng đều phải được hủy bỏ.
2. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn
quy định tại Điều 502 của Bộ luật này phải kịp thời hủy bỏ
hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn do mình quyết định nếu xét thấy có vi phạm
pháp luật hoặc không còn cần thiết.
Điều 507. Xử lý tài sản do
phạm tội mà có
1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với
cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc truy tìm, tạm giữ, kê biên,
phong tỏa, tịch thu, xử lý tài sản do phạm tội mà có để phục vụ yêu cầu điều
tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
2. Việc truy tìm, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, tịch
thu tài sản do phạm tội mà có tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Bộ luật
này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
3. Việc xử lý tài sản do phạm tội mà có tại Việt
Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là thành viên hoặc theo thoả thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ
quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên
quan.
Điều 508. Phối hợp điều
tra, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt
1. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể hợp
tác với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong việc phối hợp điều tra hoặc
áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Việc hợp tác phối hợp điều tra
hoặc áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được thực hiện trên cơ sở điều
ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa
thuận trong từng vụ việc cụ thể giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ
quan có thẩm quyền của nước ngoài có liên quan.
2. Các hoạt động phối hợp điều tra thực hiện
trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thực hiện theo quy định
của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.
Phần thứ chín
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH[8]
Điều 509. Hiệu lực thi
hành
1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 7 năm 2016.
2. Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 hết
hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.
3. Bãi bỏ quy định về việc cấp giấy
chứng nhận người bào chữa tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 của Luật
Luật sư số 65/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
20/2012/QH13.
Điều 510. Quy định chi
tiết
Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa
án nhân dân tối cao quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Bộ luật
này./.
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
CHỦ NHIỆM
Bùi Văn Cường
|
[1] Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật
Tố tụng hình sự có căn cứ ban hành như sau:
“Căn cứ Hiến pháp
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13”.
[2] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 02/2021/QH15
sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 12 năm 2021.
[3] Điểm này được
bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng
12 năm 2021.
[4] Khoản này
được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 của Luật số 02/2021/QH15
sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 12 năm 2021.
[5] Khoản này được
sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của Luật số 02/2021/QH15 sửa
đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ ngày 01
tháng 12 năm 2021.
[6] Điểm này được
bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 của Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng
12 năm 2021.
[7] Điểm này được
bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 của Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ
sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng
12 năm 2021.
[8] Khoản 2 Điều 2 của Luật số 02/2021/QH15 sửa đổi, bổ sung một
số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ
ngày 01 tháng 12 năm 2021 quy định như sau:
“2. Luật này có hiệu lực thi
hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2021.”.