BỘ CÔNG AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 98/2024/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2024
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH QUY TRÌNH KHÁM NGHIỆM
HIỆN TRƯỜNG TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm
2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật
Tố tụng hình sự ngày 12 tháng 11 năm 2021;
Căn cứ Nghị định
số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của
Viện trưởng Viện Khoa học hình sự;
Bộ trưởng Bộ
Công an ban hành Thông tư quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng
hình sự của lực lượng Công an nhân dân.
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy
định những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường; nội dung, trình tự
khám nghiệm hiện trường; thu mẫu so sánh; dựng lại hiện trường; biên bản, tài
liệu khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân
dân.
Điều 2. Nguyên tắc khám nghiệm hiện trường
1. Khám nghiệm
hiện trường phải tuân thủ quy định của Bộ luật
Tố tụng hình sự, quy định của Thông tư này và các văn bản pháp luật khác có
liên quan đến công tác khám nghiệm hiện trường.
2. Nhanh chóng,
kịp thời, thận trọng, tỷ mỷ, khách quan, toàn diện, khoa học và chính
xác.
3. Người chủ
trì khám nghiệm hiện trường phải phối hợp chặt chẽ với lực lượng
khám nghiệm hiện trường và các thành phần tham gia khám nghiệm hiện trường
khác, đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và phải chịu trách nhiệm
chung về kết quả khám nghiệm hiện trường.
4. Quá trình khám
nghiệm hiện trường phải đảm bảo an toàn cho lực lượng khám nghiệm hiện trường
và các thành phần tham gia khám nghiệm.
5. Việc cung cấp
thông tin, chuyển giao tài liệu, kết quả công tác khám nghiệm hiện trường phải
tuân thủ các quy định của pháp luật và ngành Công an.
Chương II
NHỮNG
VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG
Điều 3. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện khám nghiệm hiện trường
1. Đối với Cơ
quan chủ trì khám nghiệm:
a) Phân công người
chủ trì khám nghiệm;
b) Thông báo cho
Viện Kiểm sát cùng cấp để cử kiểm sát viên tham gia kiểm sát hoạt động khám
nghiệm hiện trường;
c) Thông báo và yêu cầu lực lượng Kỹ thuật hình sự tham gia khám nghiệm
hiện trường;
d) Thông báo và yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tham gia phối hợp trong quá
trình khám nghiệm hiện trường (nếu cần thiết);
đ)
Trường hợp cần thiết có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng
tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm;
e)
Chuẩn bị các phương tiện đi lại, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện,
thiết bị chuyên dùng (nếu có); các loại biểu mẫu, giấy tờ có liên quan.
2. Đối với lực lượng Kỹ thuật hình sự:
Khi nhận được yêu cầu tham gia khám nghiệm hiện trường, lực
lượng Kỹ thuật hình sự cần:
a) Phân công cán bộ khám nghiệm hiện trường chuyên trách tham gia
khám nghiệm. Phân công giám định viên có chuyên môn phù hợp để tham gia
phối hợp khám nghiệm (nếu cần thiết);
b) Chuẩn bị
các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng như: Vali khám nghiệm hiện trường;
máy ảnh, máy ghi hình; nguồn sáng các loại, phương tiện, thiết bị, hóa
chất phát hiện và thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu
điện tử; thước dây, thước tỷ lệ, túi thu mẫu, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật
chuyên dùng khác (nếu có), các biểu mẫu, biên bản có liên quan.
3. Đối với các
lực lượng phối hợp khác:
Khi nhận được thông báo và yêu cầu tham gia khám nghiệm hiện trường,
Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ,
Công an cấp xã, lực lượng huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và các
lực lượng khác có liên quan trong phạm vi, trách nhiệm của mình phải cử
cán bộ đến hiện trường để phối hợp với cơ quan chủ trì tiến hành
các hoạt động khám nghiệm hiện trường.
Điều 4. Giải quyết ban đầu khi đến hiện trường
Khi đến hiện trường,
trước khi khám nghiệm, người chủ trì khám nghiệm hiện trường cần thực hiện một
số nội dung sau:
1. Yêu cầu người
chỉ huy công tác bảo vệ hiện trường báo cáo tình hình và kết quả bảo vệ hiện
trường. Trao đổi với cơ quan chủ quản, với nạn nhận, thân nhân nạn nhân (nếu
có), với chính quyền địa phương, với những người phát hiện vụ việc đầu tiên để
nắm diễn biến tình hình vụ việc, về tình hình an ninh trật tự ở khu vực hiện
trường.
2. Trực tiếp quan
sát, xác định phạm vi hiện trường; sơ bộ xác định cấu trúc, kết cấu hiện trường;
xác định các vị trí có camera tại hiện trường. Kiểm tra công tác bảo vệ hiện
trường để quyết định bổ sung thêm lực lượng bảo vệ hiện trường hoặc điều chỉnh
phạm vi hiện trường cần bảo vệ (nếu cần thiết).
3. Lựa chọn và mời
người chứng kiến khám nghiệm. Người chứng kiến có thể là người đại diện chính
quyền địa phương, đại diện cơ quan, tổ chức, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Đề
nghị chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị nơi xảy ra vụ việc phối hợp và hỗ
trợ trong quá trình khám nghiệm (nếu thấy cần thiết).
4. Xem xét,
quyết định biện pháp xử lý đối với các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ
vật, dữ liệu điện tử có nguy cơ bị thay đổi, phá hủy; xem xét thiết lập lối đi
riêng phục vụ việc đi lại, quan sát ở hiện trường.
5. Tiến hành hội
ý lực lượng khám nghiệm hiện trường để lựa chọn phương pháp, chiến thuật khám
nghiệm phù hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng khám nghiệm: Người chụp
ảnh; người ghi hình; (nếu cần thiết); người vẽ sơ đồ; người phát hiện, thu thập
dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; người ghi chép, thống kê
phục vụ lập biên bản khám nghiệm hiện trường.
Chương III
NỘI
DUNG, TRÌNH TỰ KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG
Điều 5. Quan sát hiện trường
1. Lựa chọn vị
trí phù hợp để quan sát bao quát được toàn bộ khu vực hiện trường; tiến hành
quan sát từ xa đến gần, từ tổng thể đến bộ phận, từ chung đến riêng, có trọng
tâm, trọng điểm. Quá trình quan sát có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ
trợ.
Nội dung quan sát
bao gồm: Vị trí, địa hình, địa vật, tình trạng, kết cấu, chủng loại vật liệu của
từng phần hiện trường; những thiệt hại và hậu quả của vụ việc; phát hiện dấu vết,
vật chứng, tài liệu, đồ vật, tử thi (nếu có) nhìn rõ được có liên quan đến vụ
việc.
2. Xác định điểm
mốc (vật chuẩn) để định vị hiện trường chung, định vị vị trí nạn nhân (nếu có),
phương tiện, dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật ở hiện trường. Trường hợp tại
hiện trường không có điểm mốc cố định phải xác định bằng tọa độ địa lý.
3. Đặt số thứ tự
cho dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, tử thi (nếu có) đã thấy rõ ở hiện trường.
Số thứ tự được đặt theo số tự nhiên từ số nhỏ đến số lớn theo thứ tự phát hiện.
4. Tiến hành các
hoạt động ghi nhận chung về hiện trường, dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật,
dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) tại hiện trường bằng các phương pháp: Chụp ảnh;
ghi hình hiện trường (nếu cần thiết); vẽ sơ đồ hiện trường; mô tả vào biên bản
khám nghiệm hiện trường.
5. Quyết định
phương pháp, chiến thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất sử dụng trong giai đoạn
khám nghiệm chi tiết hiện trường.
Điều 6. Khám nghiệm chi tiết hiện trường
Người chủ trì
khám nghiệm hiện trường phân công lực lượng khám nghiệm hiện trường sử dụng các
phương tiện kỹ thuật chuyên dùng, áp dụng phương pháp, chiến thuật khám nghiệm
phù hợp để thực hiện các nội dung:
1. Phát hiện, làm
rõ dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có);
2. Ghi nhận, mô tả
dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có);
3. Thu lượm, bảo
quản dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có);
4. Thu mẫu so
sánh (nếu có);
5. Mô tả hiện trường
vào biên bản khám nghiệm hiện trường;
6. Vẽ sơ đồ hiện
trường;
7. Chụp ảnh; ghi
hình hiện trường (nếu cần thiết).
Điều 7. Kết thúc khám nghiệm hiện trường
1. Tiến hành đánh
giá dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) đã
phát hiện, thu thập được để khai thác các thông tin phục vụ công tác điều tra:
a) Đánh giá từng
dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) và mối
liên hệ giữa các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và với tử
thi (nếu có), với các đồ vật khác tại hiện trường. Đưa ra nhận định về nguyên
nhân, cơ chế hình thành, thời gian xuất hiện và tồn tại của dấu vết, vật chứng,
tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; đặc điểm của vật gây vết;
b) Đánh giá giá
trị chứng minh của từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử;
xác định những dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử cần trưng
cầu giám định;
c) Đánh giá số lượng,
đặc điểm về đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội; nạn nhân hoặc những
người liên quan khác (nếu có) đã có mặt tại hiện trường;
d) Đánh giá hậu
quả tác hại do vụ việc gây ra.
2. Đánh giá kết
quả khám nghiệm hiện trường:
a) Xác định những
kết quả đã đạt được;
b) Xác định những
vấn đề còn thiếu, sót cần bổ sung, những nội dung cần xem xét lại tại hiện trường.
3. Đóng gói, niêm
phong dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử đã phát hiện, thu
thập được và mẫu so sánh (nếu có) theo đúng quy định.
4. Hoàn thành
biên bản khám nghiệm hiện trường; thống kê số lượng, các loại sơ đồ hiện trường
đã vẽ; số lượng, các loại ảnh hiện trường đã chụp vào biên bản khám nghiệm hiện
trường.
5. Người chủ trì
khám nghiệm tuyên bố kết thúc khám nghiệm, giải phóng hiện trường hoặc tuyên bố
kết thúc buổi khám nghiệm và tiếp tục công tác bảo vệ hiện trường để khám nghiệm
lại hoặc khám nghiệm lần sau (nếu cần thiết).
Chương IV
THU MẪU
SO SÁNH; DỰNG LẠI HIỆN TRƯỜNG; BIÊN BẢN, TÀI LIỆU KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG
Điều 8. Thu mẫu so sánh
1. Người chủ trì
khám nghiệm phân công lực lượng khám nghiệm hiện trường thực hiện thu mẫu so
sánh ngay tại hiện trường (nếu có).
Căn cứ các dấu vết,
vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử đã phát hiện, thu thập tại hiện
trường để lựa chọn chủng loại, số lượng mẫu so sánh bảo đảm yêu cầu giám định.
Tùy từng loại mẫu so sánh mà chọn phương pháp thu, bảo quản phù hợp.
2. Mẫu so sánh phải
được đóng gói, niêm phong, bảo quản theo đúng quy định pháp luật. Việc thu mẫu
so sánh tại hiện trường phải được ghi nhận vào biên bản khám nghiệm hiện trường.
Điều 9. Dựng lại hiện trường
Trường hợp hiện
trường bị xáo trộn, sau khi khám nghiệm chi tiết, nếu thấy cần thiết có thể dựng
lại hiện trường theo sự trình bày của người làm chứng, người bị hại, người phạm
tội hoặc người khác có liên quan đến vụ việc, vụ án nhằm kết hợp kết quả phát hiện,
thu lượm, đánh giá các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử
thi (nếu có) đã phát hiện với tình trạng hiện trường được dựng lại để nhận định
về diễn biến của vụ việc, hành động của đối tượng ở hiện trường.
Việc dựng lại hiện
trường phải được ghi nhận, mô tả đầy đủ trong biên bản khám nghiệm hiện trường.
Điều 10. Biên bản, tài liệu khám nghiệm hiện trường
1. Biên bản khám
nghiệm hiện trường
a) Biên bản khám
nghiệm hiện trường phải được lập theo mẫu và theo quy định pháp luật; có thể viết
tay hoặc đánh máy để hoàn thiện biên bản; không ghi tắt; sử dụng Tiếng Việt, từ
ngữ phổ thông, lời văn rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu; phải mô tả đầy đủ, chính xác
theo trình tự đúng thực tế diễn biến khám nghiệm hiện trường.
b) Hoàn thành
biên bản khám nghiệm hiện trường ngay sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường;
phải đọc cho những thành phần tham gia nghe, xác nhận đúng, ký và ghi rõ họ
tên.
c) Nếu biên bản
khám nghiệm hiện trường nhiều trang phải ký phía dưới mỗi trang văn bản hoặc
đóng dấu giáp lai; nếu thêm bớt, gạch xóa, sửa chữa trong biên bản khám nghiệm
hiện trường phải ghi chú rõ ràng, có sự xác nhận của mọi thành viên khám nghiệm.
2. Sơ đồ hiện trường
a) Sơ đồ hiện trường
gồm các loại: Sơ đồ chung, sơ đồ trung tâm, sơ đồ từng phần, sơ đồ chi tiết hoặc
có thể vẽ sơ đồ chung kết hợp sơ đồ trung tâm, sơ đồ từng phần, sơ đồ chi tiết.
Tùy theo tính chất vụ việc, đặc điểm hiện trường, khả năng, điều kiện thực tế,
người chủ trì khám nghiệm quyết định lựa chọn vẽ loại sơ đồ hiện trường. Sơ đồ
hiện trường có thể vẽ bằng một trong các phương pháp vẽ mặt bằng, vẽ khai triển
hoặc vẽ phối cảnh và có thể vẽ thủ công hoặc sử dụng các phần mềm đồ họa phù hợp
để vẽ sơ đồ hiện trường.
b) Xác định
phương hướng của hiện trường trên bản vẽ sơ đồ theo quy ước quốc tế, có mũi tên
chỉ hướng Bắc (N: Bắc, NE: Đông Bắc, E: Đông, NW: Tây Bắc, S: Nam, SE: Đông
Nam, W: Tây, SW: Tây Nam).
c) Sử dụng thống
nhất đơn vị đo trong toàn bản vẽ là mét (m), centimet (cm); nếu vẽ theo tỷ lệ
phải chú thích cụ thể. Trường hợp vẽ không theo tỷ lệ phải đảm bảo mối tương
quan giữa các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật ở hiện trường.
3. Bản ảnh hiện
trường
a) Khi khám nghiệm
hiện trường phải chụp ảnh hiện trường chung, hiện trường trung tâm, hiện trường
từng phần, hiện trường chi tiết. Đối với ảnh chụp chi tiết dấu vết, vật chứng,
đồ vật, khi chụp phải tuân thủ đúng nguyên tắc chụp ảnh dấu vết, vật chứng.
b) Bản ảnh hiện
trường được trình bày theo mẫu quy định và được sắp xếp hợp lý theo trình tự
khám nghiệm hiện trường. Bản ảnh hiện trường đóng thành quyển; dưới mỗi bức ảnh
có chú thích rõ ràng, đầy đủ nội dung bức ảnh; không được chỉnh sửa ảnh hiện
trường.
4. Bản ghi hình
hiện trường (nếu có): Tùy tính chất vụ việc, tình hình thực tế tại hiện trường
để xác định có cần thiết ghi hình hiện trường, ghi toàn bộ quá trình khám nghiệm
hay từng giai đoạn khám nghiệm hiện trường; việc ghi hình hiện trường được ghi
nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường và không được chỉnh sửa, cắt ghép bản
ghi hình hiện trường. Bản ghi hình hiện trường được lưu trữ trong phương tiện
lưu trữ phù hợp, niêm phong theo đúng quy định pháp luật.
5. Báo cáo khám
nghiệm hiện trường
a) Báo cáo khám
nghiệm hiện trường là tài liệu nghiệp vụ được sử dụng trong nội bộ lực lượng
Công an nhân dân. Sau khi kết thúc khám nghiệm hiện trường, người chủ trì khám
nghiệm phân công lực lượng khám nghiệm hiện trường hoàn thiện báo cáo khám nghiệm
hiện trường để báo cáo Thủ trưởng cơ quan chủ trì khám nghiệm.
b) Nội dung báo
cáo khám nghiệm hiện trường gồm: Tên cơ quan làm báo cáo; nơi nhận hoặc người
nhận báo cáo; tên loại vụ việc báo cáo và thời gian, địa điểm xảy ra hoặc phát
hiện; thời gian tiến hành khám nghiệm; thành phần khám nghiệm; tóm tắt tình
hình vụ việc; công tác bảo vệ hiện trường; quá trình và kết quả khám nghiệm hiện
trường; phân tích, đánh giá những dấu vết, vật chứng đã phát hiện, thu thập
trong quá trình khám nghiệm; nhận định về tính chất vụ việc đã khám nghiệm hiện
trường, về đối tượng phạm tội (nếu có); các đề xuất và biện pháp kỹ thuật cần
thực hiện tiếp theo; đề xuất phối hợp giữa các lực lượng. Kết thúc báo cáo phải
có họ tên, chữ ký của người làm báo cáo; xác nhận, đóng dấu của cơ quan làm báo
cáo.
Chương V
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2025.
Điều 12. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ Công an, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan đến hoạt động
khám nghiệm hiện trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách
nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Chánh Văn
phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Viện trưởng
Viện Khoa học hình sự có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc triển
khai thực hiện nghiêm túc Thông tư này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
3. Trong quá
trình thực hiện Thông tư nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo
cáo về Bộ Công an (qua Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục An ninh điều
tra hoặc Viện Khoa học hình sự) để kịp thời hướng dẫn./.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Lương Tam Quang
|