ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 94/KH-UBND
|
Ninh
Bình, ngày 19 tháng 11 năm 2018
|
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN KIẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN TƯ PHÁP CỦA QUỐC HỘI VỀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT PHÒNG,
CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI
Thực hiện Kiến nghị số 1526/KN-UBTP14
ngày 28/9/2018 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về thực hiện pháp luật phòng,
chống mua bán người, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch thực hiện
trên địa bàn tỉnh, nội dung cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các
ngành, tổ chức xã hội và nhân dân trong thực hiện pháp luật về phòng, chống mua
bán người.
2.
Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc phát hiện, xử
lý tội phạm mua bán người, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán để
nâng cao hiệu quả công tác này đảm bảo ANTT phục vụ tốt cho công tác phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh.
3.
Quá trình tổ chức thực hiện các nội dung kiến nghị phải đảm bảo nghiêm túc, có
trọng tâm, trọng điểm, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, thực hiện liên
tục, lâu dài.
II. Phân công nhiệm vụ
1. Công an tỉnh
- Tiếp tục tổ chức triển khai thực
hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên
đề công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người để kịp thời phát hiện, hướng
dẫn, đấu tranh có hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của loại
tội phạm này. Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng
trực tiếp làm công tác phòng, chống mua bán người; chỉ đạo làm tốt công tác nắm
tình hình, quản lý địa bàn dân cư, các cơ sở du lịch, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các đối tượng có biểu hiện nghi
vấn mua bán người, giải cứu, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập
cộng đồng. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm
mua bán người; tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh
tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mua
bán người theo đúng quy định của pháp luật.
- Chủ động tham mưu cho cấp, chính
quyền các cấp và phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, chương
trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công
an, các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức tuyên
truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống mua bán người nâng cao ý thức cảnh giác
cho nhân dân ở khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng và vùng nước cảng của
tỉnh; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện
pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn với tội phạm mua bán người và tổ chức giải
cứu, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán trở về trên khu
vực, địa bàn quản lý khi có yêu cầu.
3. Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội tỉnh
- Tăng cường công tác quản lý nhà
nước, thường xuyên thanh tra, kiểm tra đối với các trung tâm môi giới, công ty
chuyên về hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhằm tránh việc lợi dụng
hoạt động này để mua bán người với mục đích bóc lột sức lao động, hoạt động mại
dâm, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác.
- Tổ chức nghiên cứu, đề xuất các
ban, ngành Trung ương sửa đổi và hoàn thiện Thông tư liên tịch số
134/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/9/2013 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương
binh và Xã hội theo hướng tăng mức hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi cho
nạn nhân được tiếp cận với các dịch vụ vay vốn, học nghề, tạo việc làm... để
giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
- Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành
nhằm thống nhất quy trình phối hợp trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Thiết lập
cơ chế chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức, nhà
cung cấp dịch vụ và nạn nhân, người nhà nạn nhân.
- Chỉ đạo việc tổ chức tiếp nhận, tái
hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về
một cách hiệu quả hơn, tạo điều kiện giúp đỡ họ khắc phục
khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, đào tạo việc
làm để họ ổn định cuộc sống.
4. Sở Tài chính
Căn cứ vào nguồn ngân sách hằng năm,
tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện kế
hoạch này có hiệu quả, đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
5. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính căn cứ vào
nguồn ngân sách của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy,
HĐND tỉnh tăng cường ngân sách hỗ trợ cho công tác phòng, chống mua bán người,
hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương, đảm bảo thực hiện công tác này có
hiệu quả.
6. Tỉnh đoàn, Hội liên hiệp phụ
nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận
động cán bộ, hội viên, đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân tích cực
tham gia công tác phòng, chống mua bán người; trong đó cần tập trung tuyên
truyền cho phụ nữ, trẻ em tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân
tộc sinh sống. Đồng thời nhân rộng các mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế để
tạo việc làm, ổn định thu nhập đối với nạn nhân bị mua bán trở về.
7. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam
tỉnh
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo
dục nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống
mua bán người; trong quá trình tổ chức giám sát việc thực hiện pháp luật, kịp
thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót liên quan đến công tác phát hiện, điều
tra, xử lý tội phạm mua bán người để kiến nghị, đề xuất cơ chế, chính sách pháp
luật, quản lý nhà nước, đảm bảo phù hợp có hiệu quả.
8. UBND các huyện, thành phố
Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác
phòng, chống mua bán người gắn với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế -
xã hội tại địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống,
góp phần nâng cao khả năng tự phòng ngừa bị mua bán. Quan tâm, bố trí nguồn
ngân sách phù hợp dành riêng cho công tác phòng, chống mua bán người, tiếp
nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đảm bảo cho công này tác này thực hiện
có hiệu quả. Chỉ đạo làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự để
phòng, chống mua bán người; công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở
về để sớm tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra,
xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán
người.
III. Tổ chức
thực hiện
1.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và UBND các huyện, thành phố căn cứ
chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung kiến nghị tổ chức triển khai, xây
dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Kết quả thực hiện báo cáo về UBND tỉnh (qua
Công an tỉnh) theo quy định.
2.
Giao Công an tỉnh chủ trì, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này của
các đơn vị. Tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện của các đơn vị xây dựng báo
cáo UBND tỉnh và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội theo quy định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng chính phủ;
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
- BCA: C02;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VP5, VP7, VP6.
Tr03/138
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tống Quang Thìn
|