VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 34/HD-VKSTC
|
Hà Nội, ngày 29
tháng 11 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
KỸ NĂNG PHÁT HIỆN VI PHẠM TRONG GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐỂ
KHÁNG NGHỊ, KIẾN NGHỊ
Thực hiện Chỉ thị số
01/CT-VKSTC ngày 27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về
công tác kiểm sát năm 2022; trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Vụ Thực
hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) ban hành hướng dẫn kỹ năng
phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị như
sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện
kiểm sát các cấp cần nhận thức và áp dụng đúng pháp luật trong công tác thực
hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, kể cả các quy định
của luật tố tụng và luật nội dung như luật hình sự, dân sự, các pháp luật
chuyên ngành khác, làm cơ sở cho việc phát hiện, xác định đúng vi phạm của các
cơ quan tố tụng.
2. Phải thực hiện tốt công tác
thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, bảo đảm đúng
người, đúng tội, đúng pháp luật, từ đó làm cơ sở để công tác thực hành quyền
công tố, kiểm sát xét xử được thực hiện chính xác, đầy đủ, toàn tiện, đúng
pháp luật, đạt hiệu quả cao.
3. Phải kiểm sát 100% số bản
án, quyết định của Tòa án, theo đúng Quyết định 139/QĐ-VKSTC ngày 29/04/2020 của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hệ thống chỉ tiêu công tác của
ngành, phát hiện kịp thời, đầy đủ các vi phạm để kháng nghị, kiến nghị, không
để bản án, quyết định nào có vi phạm mà không được xem xét xử lý.
4. Đảm bảo thực hiện chỉ tiêu của
Quốc hội, của ngành về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình
sự theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội và Quyết định
139 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đặc biệt là các chỉ tiêu về
số lượng, chất lượng kháng nghị, kiến nghị; tránh các trường hợp việc giải quyết
vụ án có vi phạm, bị hủy, sửa ở cấp trên nhưng Viện kiểm sát cấp dưới không
phát hiện để kháng nghị; hạn chế việc phải rút kháng nghị do không có căn cứ
hoặc Tòa án không chấp nhận do chất lượng kháng nghị chưa tốt.
II. NHẬN DIỆN
CÁC DẠNG VI PHẠM THƯỜNG GẶP
Trong quá trình theo dõi công
tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát các cấp nhận
thấy một số dạng vi phạm, chủ yếu như sau:
1. Vi phạm
về luật nội dung
Bao gồm tất cả những vi phạm của
cơ quan tố tụng trong việc áp dụng pháp luật về nội dung để giải quyết vụ án;
chủ yếu là Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác. Trong
thực tế thường gặp 10 dạng vi phạm về luật nội dung như sau:
1.1. Bỏ lọt tội phạm
Đây là trường hợp có hành vi
phạm tội nhưng Cơ quan điều tra không khởi tố điều tra tội phạm, Viện kiểm sát
không truy tố dẫn đến Tòa án không xét xử. Việc bỏ lọt tội phạm xảy ở một số dạng:
bỏ lọt người phạm tội, bỏ lọt tội danh hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội, không điều
tra, truy tố, xét xử về hành vi đó.
- Bỏ lọt người phạm tội thường
xảy ra trong vụ án đồng phạm, cơ quan tố tụng bỏ lọt không truy cứu đối với
người giúp sức, người thực hiện, người xúi giục, thậm chí cả người chủ mưu,
cầm đầu.
- Bỏ lọt tội danh khi một
người có nhiều hành vi phạm tội, phạm vào nhiều tội danh khác nhau song cơ
quan tố tụng không xem xét, truy cứu hết các tội danh đó mà chỉ truy cứu một số
và bỏ lại một số tội danh khác. Ví dụ như bị cáo có hành vi hiếp dâm sau đó giết
nạn nhân, phạm vào hai tội “hiếp dâm” và “giết người”, song cơ quan tố tụng chỉ
truy cứu tội “giết người” mà bỏ qua tội “hiếp dâm”.
- Bỏ lọt hành vi phạm tội khi
đối tượng thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cơ quan tố tụng chỉ điều tra,
truy tố, xét xử một số hành vi còn bỏ lại một số hành vi không xem xét. Ví dụ
như bị cáo trộm cắp tài sản năm lần, mỗi lần đều đủ yếu tố cấu thành tội “trộm
cắp tài sản”, cơ quan tố tụng chỉ kết luận bị cáo trộm cắp hai lần, dẫn đến việc
đánh giá tính chất mức độ phạm tội không chính xác, đưa ra hình phạt quá nhẹ,
không nghiêm đối với bị cáo.
1.2. Vi phạm về việc định
tội danh
Có 4 dạng vi phạm, là các
trường hợp kết án người không phạm tội, kết án về tội danh nặng hơn, nhẹ hơn
hoặc tội danh ngang bằng nhưng không đúng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Trường hợp kết án người không
phạm tội không chỉ có lỗi của Tòa án mà trước đó là lỗi của Viện kiểm sát và của
Cơ quan điều tra trong trường hợp cơ quan này đề nghị truy tố. Người đó có
thể không có hành vi phạm tội hoặc có hành vi phạm tội và bị kết án nhưng thực
tế không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm.
1.3. Vi phạm về áp dụng
khung hình phạt
Có 02 dạng vi phạm, Tòa án áp dụng
khung hình phạt nặng hơn hoặc nhẹ hơn tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị
cáo. Còn có tình trạng Tòa án xử dưới khung hình phạt không đủ căn cứ theo Điều 54 Bộ luật hình sự.
1.4. Vi phạm về áp dụng mức
hình phạt
Việc áp dụng sai khung hình phạt
như trên thường dẫn đến hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ.
Bên cạnh đó là trường hợp Tòa
án áp dụng đúng khung hình phạt, nhưng áp dụng mức phạt cụ thể không phù hợp.
Ví dụ như bị cáo phạm tội “giết người” với khung hình phạt là tù 12 năm, 20
năm, chung thân hoặc tử hình. Với tính chất mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng,
tập trung nhiều tình tiết tăng nặng, bị cáo phải bị phạt tử hình nhưng Tòa án lại
xử phạt bị cáo 20 năm tù; hoặc ngược lại bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, chỉ
cần phạt bị cáo 20 năm tù, nhưng Tòa án lại xử phạt bị cáo tử hình.
1.5. Vi phạm về phạt tù
cho hưởng án treo
Điều 65 Bộ luật
hình sự năm 2015 quy định về án treo và Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao có Nghị quyết số 02/2018/ NQ-HĐTP ngày 15/5/2018; Nghị quyết số
01/2022/ NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2018 quy định
rõ những trường hợp không cho hưởng án treo.
Trên thực tế có những bản án của
Tòa án cho bị cáo hưởng án treo khi không đủ các điều kiện quy định tại Bộ luật
hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán. Ví dụ như luật quy định bị cáo có
tiền án, tiền sự, phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và các lần phạm tội từ
nghiêm trọng trở lên, là đối tượng chủ mưu cầm đầu không được cho hưởng án
treo, nhưng Tòa án vẫn cho bị cáo hưởng án treo.
1.6. Vi phạm về áp dụng
loại hình phạt
Điều 32 Bộ luật
hình sự 2015 quy định về 14 loại hình phạt, trong đó có 7 hình phạt chính
và 7 hình phạt bổ sung. Mỗi loại hình phạt được áp dụng với một hoặc một số
trường hợp phạm tội nhất định, Tòa án có vi phạm khi áp dụng không đúng
trường hợp do luật định. Ví dụ như hình phạt cải tạo không giam giữ chỉ áp dụng
đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng nhưng Tòa án lại
áp dụng đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
1.7. Vi phạm về tổng hợp
hình phạt
Là các trường hợp không tổng hợp
hình phạt của nhiều bản án; không tổng hợp phần còn lại của bản án đang được
thi hành dở dang; không trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam của bị cáo; không xác
định thời điểm bắt đầu thi hành án; không tổng hợp với hình phạt tù nhưng cho
hưởng án treo của bản án đang chấp hành theo đúng quy định của Bộ luật hình sự
và trường hợp tổng hợp hình phạt không chính xác về thời gian chấp hành do nhầm
lẫn về số liệu.
1.8. Vi phạm về xác định
trách nhiệm dân sự
Là các trường hợp Tòa án xác định
trách nhiệm bồi thường đối với bị cáo quá cao hoặc quá thấp; không xác định
trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn hoặc hoàn trả, liên đới bồi thường; không
xác định đúng người có nghĩa vụ và người có quyền được hưởng lợi theo luật định.
Ví dụ như nhân viên gây thiệt hại trong khi làm nhiệm vụ được công ty giao,
nhưng không buộc công ty có trách nhiệm bồi thường; hoặc đối tượng mạo danh chữ
ký của khách hàng trong giấy đề nghị rút tiền để rút tiền của ngân hàng, cần buộc
bị cáo bồi thường cho ngân hàng và ngân hàng vẫn phải trả tiền cho khách hàng,
nhưng Tòa án lại buộc bị cáo trả cho khách hàng.
1.9. Vi phạm về áp dụng
các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành
Quá trình điều tra, truy tố,
xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán chưa nắm rõ được các quy định
của pháp luật thuộc các lĩnh vực chuyên ngành như kinh tế, tài chính, ngân
hàng, xây dựng, hải quan, quản lý đất đai, quản lý bảo vệ khai thác lâm sản, y
tế, giáo dục, từ đó không tìm được hoặc tìm không đúng văn bản, quy định cần
áp dụng, dẫn đến xét xử không đúng luật định, ảnh hưởng đến việc xác định trách
nhiệm hình sự, dân sự của các bên tham gia tố tụng.
1.10. Vi phạm về quyết định
biện pháp tư pháp
Đó là các biện pháp tịch thu vật,
tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi
thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; bắt buộc chữa bệnh, được quy định tại
Điều 46 Bộ luật hình sự. Vi phạm của Tòa án có thể là quyết
định không tịch thu công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội hoặc ngược lại
là tịch thu công cụ, phương tiện khi không chứng minh được bị cáo dùng vào việc
phạm tội.
2. Vi phạm
về luật tố tụng
Các vi phạm về tố tụng bao gồm
vi phạm về hành vi tố tụng và các quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến
hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Qua theo dõi, nhận
thấy có 12 dạng vi phạm thường phát sinh như sau:
2.1. Vi phạm về thẩm quyền
giải quyết vụ án
Thường là việc truy tố của Viện
kiểm sát và việc xét xử của Tòa án không đúng thẩm quyền, trong các trường hợp
vụ án xảy ra ở nhiều nơi hoặc ở nơi không phải là chỗ ở của bị cáo hay bị hại.
Hoặc việc Tòa án xét xử vượt quá giới hạn mà Viện kiểm sát đã truy tố.
2.2. Thu thập chứng cứ
không hợp pháp, không đầy đủ, không khách quan
Vi phạm này dẫn đến chứng cứ
không rõ, mâu thuẫn, không thể hiện rõ các vấn đề cần phải chứng minh của vụ
án. Ví dụ như không lấy đầy đủ lời khai của nhân chứng, chỉ lấy lời khai của
nhân chứng có lợi cho một hoặc vài bên nào đó; không thu thập đầy đủ vật chứng,
dấu vết, dữ liệu điện tử.
2.3. Sử dụng, đánh giá chứng
cứ không chính xác
Việc sử dụng, đánh giá chứng cứ
không theo đúng bản chất của vụ án, dẫn đến quan điểm xử lý vụ án không phù hợp.
Ví dụ như chỉ sử dụng các chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua nhiều chứng cứ bất
lợi, hoặc ngược lại chỉ sử dụng các chứng cứ bất lợi cho bị cáo, bỏ qua các chứng
cứ có lợi, dẫn đến việc đánh giá không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội
của bị cáo và dẫn đến hình phạt quá nhẹ hoặc quá nặng. Hoặc trường hợp có sử dụng
đúng các chứng cứ có tính buộc tội, gỡ tội, nhưng lại đánh giá không đúng về sự
phản ánh, sự thể hiện của chứng cứ đó với bản chất vụ án, làm nặng hoặc làm nhẹ
vai trò của chứng cứ nào đó trong việc chứng minh sự thật.
2.4. Không thực hiện hoặc
thực hiện không đúng các thủ tục tố tụng cần thiết theo luật định
Luật tố tụng quy định một số
các thủ tục bắt buộc phải thực hiện như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử
thi, trưng cầu giám định, định giá tài sản. Một số các thủ tục cần thực hiện
khi cần thiết, tùy thuộc vào sự đánh giá của cơ quan tố tụng như thực nghiệm điều
tra, nhận dạng, đối chất. Nhưng Cơ quan điều tra thường có khuynh hướng không
thực hiện trong những trường hợp thực sự cần thiết, hoặc thực hiện thiếu
chuyên nghiệp, như không ghi nhận chính xác đặc điểm hiện trường, không mô tả
đầy đủ các vết thương trên cơ thể nạn nhân, nội dung trưng cầu giám định không
rõ ràng, thực nghiệm điều tra không sát với thực tế, dẫn đến tình trạng không đủ
các thông tin, chứng cứ cần thiết để đánh giá toàn diện về vụ án.
2.5. Không chỉ định,
không tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia các hoạt động tố tụng
Một số trường hợp buộc phải
có người bào chữa như bị can, bị cáo phạm về tội mà Bộ luật hình sự quy định
mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; người bị
buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người dưới 18 tuổi,
nhưng cơ quan tố tụng không thực hiện việc chỉ định người bào chữa, ảnh hưởng
đến quyền lợi của bị can, bị cáo. Một số trường hợp, Điều tra viên, Kiểm sát
viên không báo trước trong thời gian hợp lý về thời gian, địa điểm diễn ra hoạt
động tố tụng, dẫn đến người bào chữa không thể bố trí tham gia, khiến cho hoạt
động tố tụng không đảm bảo tính khách quan.
2.6. Mớm cung, bức cung,
nhục hình vẫn còn xảy ra
Nhiều vụ án bị cáo còn phản ánh
về tình trạng này, thậm chí việc nhục hình còn để lại thương tích cho bị can,
được phản ánh qua các lần Trại tạm giam kiểm tra cơ thể phạm nhân. Việc mớm
cung, bức cung, nhục hình sẽ làm mất hoặc làm giảm giá trị chứng cứ chứng minh
trong lời khai nhận tội của bị cáo.
2.7. Xác định không đúng
tư cách người tham gia tố tụng
Thường xảy ra các trường hợp
xác định người bị hại với người có quyền lợi liên quan, người có quyền lợi
liên quan với người làm chứng, thậm chí có trường hợp giữa bị can với người
bị hại. Ví dụ như trong vụ án, đối tượng thứ nhất đánh gây thương tích cho đối
tượng thứ hai, nhưng ngay trước đó đối tượng thứ hai đã đánh gây thương tích
cho đối tượng thứ ba, thì đối tượng thứ hai vừa là bị can vừa là bị hại,
nhưng cơ quan tố tụng chỉ xác định đối tượng này là bị hại là không đúng.
2.8. Vi phạm trong việc lập
biên bản điều tra.
Việc thu giữ tài liệu, đồ vật
không lập biên bản thu giữ; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử
thi, thực nghiệm điều tra không ghi chép đầy đủ, rõ ràng các thông tin cần thiết;
biên bản hỏi cung ghi chép không đúng lời khai của bị can; các biên bản điều
tra tẩy xóa, sửa chữa câu chữ không có xác nhận của người tham gia, một Điều
tra viên cùng một lúc tiến hành nhiều hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện
trường, khám nghiệm tử thi những đồng thời có biên bản ghi lời khai… dẫn đến
làm mất hoặc giảm giá trị chứng minh.
2.9. Vi phạm trong việc
tách vụ án
Một hoặc nhiều bị can có nhiều
hành vi phạm tội có liên quan đến nhau nhưng cơ quan tố tụng lại tách ra thành
vụ án khác để xử lý sau, dẫn đến việc đánh giá không chính xác và toàn diện
tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị can, thậm chí còn bỏ lọt tội phạm,
vì sau khi vụ án được tách ra có thể không được tiếp tục điều tra, giải quyết.
2.10. Vi phạm trong xử lý
vật chứng
Có những trường hợp vật chứng
của vụ án không được thu thập đầy đủ, kịp thời, không bảo quản đúng quy định dẫn
đến không đảm bảo giá trị chứng minh; có trường hợp vật chứng có giá trị chứng
minh trong vụ án, cần phải thu nhưng không thu giữ hoặc có thu giữ nhưng lại trả
ngay cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, dẫn đến khó khăn trong việc
xác định sự thật của vụ án.
2.11. Vi phạm trong việc
tống đạt, giao nhận văn bản tố tụng
Việc giao nhận văn bản tố tụng
giữa các cơ quan tố tụng với nhau, nhất là việc tống đạt, gửi các văn bản tố tụng
của cơ quan tiến hành tố tụng cho người tham gia tố tụng nhiều trường hợp
chưa đúng luật định, chưa đầy đủ và kịp thời, dẫn đến việc họ không có điều
kiện bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời để có thêm chứng cứ từ
lời khai của họ để chứng minh các vấn đề của vụ án. Ví dụ như không gửi giấy
triệu tập người tham gia tố tụng như nhân chứng, người liên quan, bị hại đến
phiên tòa, không gửi đúng hạn luật định bản án, quyết định của Tòa án cho
người tham gia tố tụng để họ thực hiện quyền kháng cáo hoặc khiếu nại theo luật
định.
2.12. Vi phạm trong việc
xây dựng bản án, quyết định của Tòa án
Có nhiều nguyên nhân của các vi
phạm nhưng có thể tóm lại ở hai trường hợp: một là do Thẩm phán không nắm chắc
về các vấn đề của vụ án, như nội dung diễn biến vụ án, hồ sơ vụ án với các tài
liệu chứng cứ cụ thể, các quy định của pháp luật có liên quan; hai là do thực tế
họ nắm được các vấn đề của vụ án nhưng không loại trừ việc cố ý thực hiện sai
pháp luật. Từ những vi phạm đó, bản án thường có các biểu hiện diễn đạt sai
nội dung vụ án, ghi nhận sai về các chứng cứ tài liệu của vụ án, nhận xét,
đánh giá sai dẫn đến quyết định sai về vụ án. Nắm bắt được nguyên nhân của các
vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án giúp cho Kiểm sát viên thuận lợi và
chính xác hơn trong việc phân tích và xử lý các vi phạm đó.
3. Các vi
phạm cần kháng nghị, vi phạm cần kiến nghị
Quy chế về công tác thực hành
quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số
505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có
quy định về các căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm tại Điều
37; Bộ luật tố tụng hình sự quy định căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc
thẩm tại Điều 371, căn cứ kháng nghị tái thẩm tại Điều 398. Nghiên cứu các quy định trên nhận thấy, căn cứ kháng
nghị đối với bản án chưa hoặc đã có hiệu lực pháp luật đều là các vi phạm của
các cơ quan tố tụng dưới hình thức hành vi hoặc quyết định tố tụng, vi phạm luật
hình thức (tức luật tố tụng) và luật nội dung. Các vi phạm này đều dẫn tới việc
phán quyết của Tòa án không đúng với sự thật khách quan của vụ án.
Vấn đề đặt ra là vi phạm như thế
nào thì kháng nghị, kiến nghị? Thực tiễn cho thấy, quá trình thụ lý giải quyết
vụ án của các cơ quan tố tụng không hiếm các trường hợp vi phạm, cụ thể là
không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật đối với
pháp luật tố tụng hình sự, luật hình sự và các lĩnh vực pháp luật khác. Các vi
phạm này xảy ra trên nhiều cấp độ, có thể phân định ở 04 cấp độ như sau:
(1) Những vi phạm nhỏ,
còn gọi là các thiếu sót hay sai sót, không làm thay đổi bản chất và tính chất
vụ việc, không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các bên tố tụng, Viện
kiểm sát cần trực tiếp trao đổi, nhắc nhở Cơ quan điều tra hoặc Tòa án sửa chữa.
Vi phạm cần kiến nghị đối với
Cơ quan điều tra hoặc Tòa án khắc phục, sửa chữa là những vi phạm trực tiếp một
hay một số quy định nào đó của pháp luật, làm thay đổi tính chất và khía cạnh
nào đó trong bản chất sự việc, có ảnh hưởng trực tiếp, nhưng không đáng kể hoặc
chưa rõ đến quyền, nghĩa vụ của các bên tố tụng.
(2) Vi phạm cần kháng
nghị theo thủ tục phúc thẩm là những vi phạm một hay một số quy định nào đó của
pháp luật, làm thay đổi tính chất, một phần hay toàn bộ sự thật, tức bản chất của
sự việc, ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể trở lên đến quyền, nghĩa vụ của các bên
tố tụng. Ví dụ như từ việc quyết định mức hình phạt không phù hợp ngay trong
khung hình phạt, mức bồi thường không đúng với quy định của pháp luật đến việc
xét xử oan người không phạm tội hoặc bỏ lọt tội phạm, đều là các vi phạm cần
xem xét kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Điều 37 Quy chế
505 về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự nêu rõ các
căn cứ kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, bao gồm một trong các trường hợp: việc
điều tra, xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm không đầy đủ dẫn đến đánh giá không
đúng tính chất của vụ án; kết luận, quyết định trong bản án, quyết định sơ thẩm
không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; có sai lầm trong việc áp
dụng các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật
khác; thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng luật định hoặc có vi phạm
nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
(3)
Vi phạm cần xem xét kháng nghị giám đốc thẩm
là những vi phạm nghiêm trọng, trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng
hình sự, luật hình sự, luật dân sự và các lĩnh vực pháp luật khác, làm cho việc
xác định, đánh giá không đúng tính chất, sự thật hay bản chất của vụ án, ảnh hưởng
nghiêm trọng đến trách nhiệm hình sự, dân sự, quyền, nghĩa vụ của bị cáo hoặc của
những người tham gia tố tụng khác.
Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự quy định rõ các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm,
gồm một trong các trường hợp: kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án
không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng
thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng
trong việc giải quyết vụ án hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng
pháp luật.
(4)
Vi phạm cần xem xét kháng nghị theo thủ tục
tái thẩm là trường hợp vụ án có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi
cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án,
quyết định đó.
Điều 398 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về căn cứ kháng nghị tái thẩm, bao gồm một trong
các trường hợp: lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, kết luận định
giá tài sản, lời dịch của người phiên dịch, bản dịch thuật có những điểm quan
trọng không đúng sự thật; có tình tiết mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa
án do không biết được mà kết luận không đúng làm cho bản án, quyết định của Tòa
án đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án; vật chứng,
biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng
khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc
không đúng sự thật; những tình tiết khác làm cho bản án, quyết định của Tòa án
đã có hiệu lực pháp luật không đúng sự thật khách quan của vụ án.
III. KỸ NĂNG PHÁT HIỆN VI PHẠM TRONG THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ,
KIỂM SÁT XÉT XỬ CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
1. Về công tác quản lý chỉ đạo điều hành
Lãnh
đạo các đơn vị Vụ nghiệp vụ, Viện kiểm sát cấp cao, Viện kiểm sát cấp tỉnh, xác
định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc phát huy vai trò, chức
năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, trong công tác thực hành quyền công tố
và kiểm sát giải quyết các vụ án hình sự, từ đó tổ chức, phân công, bố trí
lãnh đạo phụ trách, phòng nghiệp vụ, cán bộ nghiên cứu phù hợp, triển khai thực
hiện kịp thời và đầy đủ nhiệm vụ được giao. Việc bố trí cán bộ phải theo hướng
chuyên sâu nhằm tạo kỹ năng nhanh, nhạy trong phát hiện vi phạm.
Lãnh
đạo Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự chỉ đạo đơn vị theo
dõi, nắm chắc tình hình công tác, tham mưu giúp Lãnh đạo Viện quản lý, chỉ đạo,
hướng dẫn, kiểm tra, thông báo rút kinh nghiệm khâu công tác này trong toàn
ngành, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đồng thời tăng cường phát hiện vi phạm của
Tòa án các cấp, nhất là Tòa án cấp cao trong hoạt động xét xử để kháng nghị, kiến
nghị.
Lãnh
đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao chỉ đạo tăng cường phát hiện vi phạm của
Tòa án trong khu vực thuộc thẩm quyền để kháng nghị, kiến nghị; theo dõi, nắm
chắc tình hình công tác của các Viện kiểm sát cấp tỉnh trong địa hạt để chỉ đạo,
kiểm tra, hướng dẫn việc giám sát phát hiện vi phạm của Tòa án, thực hiện kháng
nghị, kiến nghị.
Lãnh
đạo Viện kiểm sát cấp tỉnh chỉ đạo đơn vị và các Viện kiểm sát cấp huyện tập
trung theo dõi, nắm bắt đầy đủ vi phạm của Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh để kháng
nghị, kiến nghị hoặc đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền.
Lãnh
đạo cấp phòng của Vụ nghiệp vụ, Viện nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp cao, cấp
phòng của Viện kiểm sát tỉnh, Viện kiểm sát cấp huyện, tổ chức phân công cấp
phó trực tiếp chỉ đạo, Kiểm sát viên, cán bộ có năng lực và kinh nghiệm thực
hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết án hình sự; điều hành phối hợp, theo dõi sát
sao, thống kê đầy đủ, khoa học, kiểm tra, đôn đốc đối với việc thụ lý, kiểm sát
điều tra, kiểm sát xét xử từng vụ án, từ đó chủ động phát hiện kịp thời vi
phạm của Tòa án, yêu cầu, kiến nghị sửa chữa, kháng nghị hoặc đề nghị Viện kiểm
sát cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Kiểm
sát viên, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử cần
nhận thức rõ nhiệm vụ được giao, nâng cao ý thức trách nhiệm, triển khai thực
hiện nhiệm vụ kịp thời, đầy đủ và thường xuyên; theo dõi, nghiên cứu, phát hiện
chính xác các vi phạm của Tòa án để đề xuất xử lý kịp thời.
2. Xác định và tiếp nhận nguồn phát hiện vi phạm
Theo
các quy định của pháp luật và thực tiễn công tác, nhận thấy Viện kiểm sát các cấp
phát hiện, xem xét các vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án để kháng nghị,
kiến nghị trên cơ sở 7 nguồn thông tin như sau:
2.1.
Bản án, quyết định do Tòa án gửi
Theo
quy định tại Điều 262 Bộ luật tố tụng hình sự, Tòa án phải
giao bản án sơ thẩm đến Viện kiểm cùng cấp và gửi Viện kiểm sát cấp trên trực
tiếp. Tại các Điều 30, 52 Quy chế 505 và Hướng dẫn số
27/HD-VKSTC ngày 17/9/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có các quy định,
hướng dẫn cụ thể về công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án. Kiểm sát
viên phải nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định nêu trên.
Thông
qua việc theo dõi chặt chẽ việc Tòa án gửi bản án, quyết định cho Viện kiểm sát
đối với từng vụ án, cần nắm chắc các trường hợp đã gửi và chưa gửi. Trường hợp
Tòa án gửi chậm thì trực tiếp đôn đốc Tòa án gửi đầy đủ và kịp thời để có đủ
thời gian nghiên cứu xem xét việc kháng nghị, kiến nghị. Trường hợp Tòa án gửi
chậm hoặc không gửi nhiều bản án, quyết định thì tập hợp kiến nghị, yêu cầu khắc
phục và theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, thực hiện. Nếu không khắc phục thì kiến
nghị lên Tòa án cấp trên, đưa ra Ban Nội chính, Hội đồng nhân dân địa phương hoặc
báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối
cao.
2.2.
Bản án, quyết định của Tòa án do Viện kiểm sát cấp dưới gửi Viện kiểm sát cấp
trên
Theo
quy định tại các điều 30, 52 Quy chế 505 của Viện kiểm sát
nhân dân tối cao, Viện kiểm sát cấp trên kiểm sát bản án chưa có và đã có hiệu
lực pháp luật của Tòa án cấp dưới. Vì vậy, Viện kiểm sát cấp dưới phải gửi đầy
đủ và đúng thời hạn bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho Viện kiểm sát
cấp trên trực tiếp, riêng Viện kiểm sát cấp huyện còn phải gửi bản án, quyết định
sơ thẩm có hiệu lực pháp luật cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao để thực hiện
kiểm sát theo quy định.
2.3.
Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị
Theo
các điều 30, 52 của Quy chế 505, Viện kiểm sát cấp huyện có
thể đề nghị Viện kiểm sát cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án,
quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện; đề nghị Viện kiểm
sát cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định
có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện. Viện kiểm sát cấp tỉnh có thể đề
nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm bản án, quyết định
chưa có hiệu lực của Tòa án cấp tỉnh; đề nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị
giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án cấp huyện, cấp
tỉnh, nếu không đồng ý với quan điểm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp
cao thì có thể đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét; Viện kiểm sát cấp
cao có thể đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái
thẩm bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án cấp cao.
Việc
báo cáo đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới cần gửi kèm theo bản án sơ thẩm,
phúc thẩm của Tòa án và các văn bản, tài liệu có liên quan.
Trường
hợp Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị thì gửi ngay quyết định kháng nghị, bản
án, quyết định của Tòa án về kháng nghị của Viện kiểm sát, văn bản rút kháng
nghị nếu có cho Viện kiểm sát có báo cáo đề nghị. Trường hợp Viện kiểm sát cấp
trên không kháng nghị thì sau khi xem xét, gửi ngay văn bản trả lời, thông báo
không kháng nghị cho Viện kiểm sát đã báo cáo.
2.4.
Qua kiểm tra, thanh tra, giám sát nghiệp vụ
Thông
qua việc theo dõi, giám sát công tác, các hình thức thanh tra, kiểm tra của Viện
kiểm sát cấp trên đối với Viện kiểm sát cấp dưới có thể phát hiện việc giải quyết,
xét xử vụ án cụ thể có vi phạm cần phải kháng nghị theo các thủ tục phúc thẩm,
giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cấp trên có thể trực tiếp yêu cầu Viện
kiểm sát cấp dưới cung cấp các văn bản, tài liệu kèm theo để xem xét việc kháng
nghị theo luật định.
2.5.
Đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức
Điều 372 Bộ luật tố tụng hình sự quy định mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền phát
hiện các bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm và thông báo cho người có thẩm
quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm.
Trên
thực tế đây là nguồn thông tin lớn nhất mà Viện kiểm sát cấp cao và Viện kiểm
sát nhân dân tối cao tiếp nhận. Phần lớn số đơn này do người tham gia tố tụng
hoặc nhân thân của họ, đặc biệt là bị án, bị hại gửi đến Viện kiểm sát đề nghị
xem xét, kháng nghị. Việc gửi đơn có thể do công dân hoặc đại diện cơ quan, tổ
chức đưa đến trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện; một số trường hợp đơn gửi
các cơ quan, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và được các cơ quan, lãnh đạo
gửi đến Viện kiểm sát yêu cầu giải quyết.
2.6.
Phản ánh của phương tiện truyền thông, dư luận xã hội
Lãnh
đạo Viện kiểm sát các cấp cần phân công cán bộ chuyên theo dõi nguồn thông tin
từ các phương tiện truyền thông để kịp thời nắm bắt và xử lý trong quá trình
kiểm sát giải quyết vụ án, trong đó có việc xử lý các bản án, quyết định của
Tòa án có dấu hiệu vi phạm, nhằm góp phần ổn định tình hình dư luận xã hội.
2.7.
Việc quản lý xử lý nguồn thông tin về bản án, quyết định của Tòa án
Viện
kiểm sát các cấp xây dựng sổ theo dõi, ghi chép, phản ánh đầy đủ, cụ thể về các
bước tiếp nhận, xử lý đối với các thông tin về bản án, quyết định của Tòa án
từ 6 nguồn nêu trên. Sổ theo dõi ghi nhận đầy đủ về kết quả việc xử lý, giải
quyết các thông tin đó, như việc kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát, kết
quả xét xử vụ án do kháng nghị và việc tiếp thu, thực hiện kiến nghị của Tòa
án. Việc theo dõi cần thể hiện ở dạng phần mềm trên mạng máy tính.
Trường
hợp Viện kiểm sát cấp dưới gửi bản án, quyết định của Tòa án cho Viện kiểm sát
cấp trên, cả hai cấp đều theo dõi chặt chẽ trên sổ sách, qua đó nắm chắc từng
trường hợp đã gửi, chưa gửi để đôn đốc việc gửi được kịp thời, đầy đủ và đối
chiếu, kiểm tra định kỳ hoặc không định kỳ. Trường hợp Viện kiểm sát cấp dưới
báo báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị thì cả hai cấp đều theo
dõi trên sổ sách việc gửi, tiếp nhận báo cáo, tài liệu kèm theo và kết quả giải
quyết của Viện kiểm sát cấp trên.
Trên
cơ sở theo dõi, tiến hành tập hợp, đánh giá định kỳ theo tuần, tháng, 6 tháng,
cả năm hoặc khi cần thiết, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả công
tác kháng nghị, kiến nghị vi phạm của Tòa án.
3. Kỹ năng phát hiện vi phạm
3.1.
Chủ động phát hiện vi phạm qua phối hợp công tác với Tòa án trong giai đoạn xét xử
Việc
phát hiện vi phạm của cơ quan tố tụng diễn ra trong suốt quá trình giải quyết vụ
án, từ thụ lý xử lý tin báo tố giác tội phạm, điều tra vụ án đến khi xét xử. Đối
với vi phạm của Cơ quan điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện trong giai đoạn kiểm
sát điều tra, truy tố được kiến nghị với Cơ quan điều tra để khắc phục, sửa chữa
ngay trong giai đoạn này. Các vi phạm của Cơ quan điều tra được phát hiện trong
giai đoạn xét xử được tiếp tục kiến nghị yêu cầu sửa chữa.
Đối với
Tòa án, Kiểm sát viên không thụ động chờ đến khi Tòa án gửi bản án, quyết định
sang Viện kiểm sát mới tiến hành nghiên cứu, phát hiện vi phạm để kháng nghị mà
phải chủ động theo dõi, phát hiện vi phạm của các cơ quan tố tụng trong các
giai đoạn tố tụng, nhất là trong việc Tòa án xử lý, xét xử vụ án, từ đó chủ động
có phương án xử lý.
Viện
kiểm sát các cấp cần nghiên cứu kỹ, thực hiện đầy đủ Quy chế 505 ngày
18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thực hành
quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự và Hướng dẫn hằng năm của Viện kiểm
sát nhân dân tối cao về khâu công tác này. Quy chế và các văn bản hướng dẫn đã
nêu rõ các nhiệm vụ, kỹ năng nghiệp vụ rất cụ thể; thông qua việc thực hiện các
yêu cầu nhiệm vụ được nêu trong các văn bản này, Kiểm sát viên đã có thể phát
hiện được các vi phạm của Tòa án trong việc thụ lý, giải quyết vụ án.
Sau
khi chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa án, Kiểm sát viên thông qua Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa và các kênh thông tin khác nắm chắc tình hình, diễn biến quá trình xử
lý vụ án của Tòa án, phát hiện các vi phạm về hành vi, về quyết định tố tụng,
vi phạm về luật nội dung, về luật tố tụng, để kháng nghị hoặc kiến nghị. Trong
đó có các vấn đề về thẩm quyền xét xử của Tòa án; thời hạn chuẩn bị xét xử;
việc Tòa án tiếp nhận, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ; việc áp dụng, thay
đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; việc giải quyết yêu cầu,
đề nghị trước khi mở phiên tòa; việc giao, gửi quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Kiểm
sát viên lưu ý theo dõi, tiên lượng về khả năng Tòa án ra các quyết định tạm
đình chỉ, đình chỉ vụ án để chủ động xác định tính có căn cứ hay không có
căn cứ để kháng nghị. Ngay sau khi phát hiện các quyết định tạm đình chỉ, đình
chỉ của Tòa án có vi phạm, không có căn cứ pháp luật, Kiểm sát viên báo cáo
Lãnh đạo Viện xem xét quyết định việc kháng nghị, kiến nghị.
Trường
hợp Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử, Kiểm sát viên lưu ý thành phần Hội đồng
xét xử; thành phần những người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa, phát hiện
có vi phạm, như thành viên hội đồng, người giám định, người định giá tài sản
là người có quan hệ gia đình với bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng cần
thiết cho việc làm rõ vụ án nhưng không được triệu tập, cần kiến nghị hoặc yêu
cầu xử lý.
Quá
trình xét xử, Kiểm sát viên kiểm sát việc điều hành của Thẩm phán chủ tọa phiên
tòa, việc chấp hành pháp luật, nội quy phiên tòa của người tiến hành và người
tham gia tố tụng, phát hiện vi phạm thì yêu cầu sửa chữa ngay. Sau khi xét xử,
phiên tòa kết thúc, Kiểm sát viên tập trung kiểm sát biên bản phiên tòa, việc
ban hành và gửi các bản án cho Viện kiểm sát và những thành phần liên quan theo
đúng luật định.
3.2.
Kiểm sát biên bản phiên tòa
Việc
kiểm sát biên bản phiên tòa được thực hiện theo Hướng dẫn số 23/HD- VKSTC ngày
22/4/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Theo quy định tại khoản
3 Điều 258 Bộ luật tố tụng hình sự, ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa
phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với thư ký Tòa án ký vào biên bản đó.
Thông thường các vụ án đơn giản, biên bản phiên tòa không quá phức tạp về nội
dung và không quá dài, Kiểm sát viên tiến hành xem xét biên bản phiên tòa ngay
sau khi kết thúc phiên tòa và sau khi chủ tọa và thư ký ký biên bản. Trường hợp
vì lý do khách quan, chưa thể kiểm tra biên bản phiên tòa ngay được thì sau 15
ngày kể từ ngày kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền
công tố và kiểm sát xét xử phải kiểm sát biên bản phiên tòa theo quy định.
Thông
qua việc thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, Kiểm sát viên
phải chú ý theo dõi, nắm rõ diễn biến phiên tòa, cơ bản xác định được các nội
dung sẽ được thể hiện tại biên bản phiên tòa. Qua diễn biến phiên tòa, Kiểm sát
viên có thể xác định được những vi phạm trong việc xét xử của Tòa án. Đây là
cơ sở để Kiểm sát viên có thể nhanh chóng tiếp cận, kiểm tra biên bản phiên
tòa, từ đó chủ động phát hiện vi phạm để có biện pháp xử lý.
Yêu cầu
của việc kiểm sát biên bản phiên tòa là kiểm sát hình thức, nội dung của biên bản
phiên tòa, trong đó có thành phần người tiến hành, người tham gia tố tụng,
thủ tục bắt đầu, thủ tục xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa và những nội dung
khác. Kiểm sát việc hoãn phiên tòa của Tòa án, xem xét việc hoãn có căn cứ
hay không.
Sau
khi kiểm tra biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên phải lập phiếu kiểm sát theo mẫu,
phản ánh rõ các vi phạm nếu có và đề xuất xử lý của Kiểm sát viên. Kiểm sát
viên đánh giá về các vi phạm được phát hiện, từ đó có để xuất biện pháp xử
lý cho phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm, như yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung
vào biên bản phiên tòa, kiến nghị yêu cầu Tòa án sửa chữa hoặc kháng nghị khi
có vi phạm nghiêm trọng.
3.3.
Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án
Theo
Quyết định 139/QĐ-VKSTC , phải kiểm sát, nghiên cứu đầy đủ 100% bản án, quyết định
của Tòa án. Số lượng bản án, quyết định được tiếp nhận, nghiên cứu, kết quả
nghiên cứu, xử lý phải được theo dõi đầy đủ trên sổ sách hoặc phần mềm máy
tính, kèm theo các tài liệu cần thiết thể hiện việc kiểm sát đó.
Nghiên
cứu kịp thời, xử lý đúng hạn luật định các bản án, quyết định của Tòa án.
Không để xảy ra tình trạng bản án, quyết định có vi phạm cần kháng nghị song
không kháng nghị được vì quá hạn luật định.
-
Nghiên cứu quyết định của Tòa án.
Đối với
các quyết định bắt tạm giam, trả tự do cho bị cáo; quyết định tạm đình chỉ,
đình chỉ vụ án; thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, định giá,
phiên dịch, dịch thuật, hoãn phiên tòa, đình chỉ xét xử, thường có nội dung
đơn giản. Vấn đề Kiểm sát viên cần quan tâm, xem xét là thẩm quyền, thủ tục, nhất
là căn cứ ban hành các quyết định đó có đúng quy định của pháp luật hay
không.
Ví dụ:
quyết định đình chỉ vụ án do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ban hành, căn cứ vào
việc Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa; căn cứ
quy định tại khoản 2 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự, tức
trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu một cách tự nguyện; hoặc căn
cứ vào một trong các điểm 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này, cụ thể là
người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm
hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình
chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết,
trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. Quyết định đình chỉ vụ án phải
ghi rõ lý do đình chỉ và các thông tin có tính thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự. Quyết định về việc
thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án, hoãn
phiên tòa, bắt tạm giam hoặc trả tự do cho bị cáo phải được thảo luận, thông
qua tại phòng nghị án và được lập văn bản.
-
Nghiên cứu bản án của Tòa án.
Nội
dung Bản án sơ thẩm được quy định tại Điều 260 Bộ luật tố tụng
hình sự. Về mặt nguyên tắc, nội dung bản án phải dựa trên cơ sở kết quả
tranh tụng tại phiên tòa. Nội dung bản án có thể đơn giản, có thể phức tạp tùy
theo từng vụ án, song ngoài các phần có tính thủ tục, bản án sơ thẩm thường
có các phần (1) nội dung vụ án, (2) ghi nhận về chứng cứ, (3) nhận xét, đánh
giá và (4) phần quyết định của Tòa án.
+ Phần
nội dung vụ án đã được Kiểm sát viên nắm chắc trong quá trình kiểm sát điều
tra, kiểm sát xét xử tại phiên tòa và đã được thể hiện trong kết luận điều tra
của Cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện kiểm sát. Thực tế ở phần này, bản án
cũng thường thể hiện thống nhất như kết luận điều tra hoặc cáo trạng của Viện
kiểm sát, trừ khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án diễn đạt không phù hợp với diễn biến
của vụ án.
Kiểm
sát viên lưu ý những chỗ Tòa án có mô tả khác với kết luận điều tra hoặc cáo trạng,
vì đây có thể chính là những chỗ mà sau đó Tòa án có nhận xét, đánh giá khác
với Viện kiểm sát. Kiểm sát viên xem xét cách mô tả đó của Tòa án có đúng,
có phù hợp với thực tế, với các tình tiết, diễn biến cụ thể của vụ án hay
không, nếu đúng thì ghi nhận, nếu chưa đúng thì cần lưu ý. Đồng thời, qua
nghiên cứu phần nội dung vụ án của bản án, Kiểm sát viên cũng cần kiểm tra lại
xem tự mình đã nắm chắc nội dung vụ án hay chưa để rút kinh nghiệm khi xử lý vụ
án khác.
+ Phần
ghi nhận các chứng cứ và ý kiến đánh giá của các bên tại phiên tòa, ý kiến,
quan điểm, lập luận của các bên tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, về tất cả
các vấn đề liên quan đến vụ án, từ trách nhiệm hình sự, dân sự của bị cáo đến
quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Kiểm sát viên xem xét, xác định Tòa án có
ghi nhận đúng về các chứng cứ và về ý kiến của các bên tham gia phiên tòa hay
không.
+ Phần
nhận xét, đánh giá của Hội đồng xét xử. Đây là phần Kiểm sát viên cần lưu ý
xem xét nhất. Vi phạm của bản án thường xảy ra trường hợp mô tả sai nội dung
vụ án, ghi nhận sai các chứng cứ được kiểm tra tại phiên tòa, ghi nhận sai các
ý kiến, lập luận của các bên dẫn đến Tòa án phán quyết không đúng quy định của
pháp luật.
Ngay
khi nghiên cứu, xem xét cách Tòa án mô tả nội dung vụ án, cách ghi nhận các chứng
cứ trong bản án của Tòa án, Kiểm sát viên có thể biết được ngay quan điểm và
cách lập luận của Tòa án được thể hiện sau đó. Trong mọi trường hợp Tòa án
có quan điểm, lập luận không thống nhất với Viện kiểm sát, Kiểm sát viên phải
nghiên cứu, xem xét kỹ lập luận của Tòa án trên các khía cạnh: lập luận đó có
căn cứ, bám sát vào các tình tiết của vụ án hay không; có ghi nhận, mô tả, sử dụng
và đánh giá chính xác các chứng cứ của vụ án không; đó là chứng cứ từ tất cả
các nguồn: lời khai của người tham gia tố tụng, vật chứng, dấu vết, kết luận
giám định, định giá tài sản, biên bản tố tụng, dữ liệu điện tử, kết quả thực hiện
ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế, các tài liệu, đồ vật khác. Xem xét Tòa án
nhận thức và áp dụng có chính xác hay không về các quy định của pháp luật
liên quan, như luật hình sự, dân sự và các lĩnh vực pháp luật chuyên ngành
khác. Xem xét lập luận của Tòa án có lô gich hay mâu thuẫn, không nhất quán
trong diễn đạt và suy luận về các vấn đề của vụ án.
+ Phần
quyết định của bản án, bao gồm quyết định về hình sự, dân sự và các nội dung
khác. Đây là phần có giá trị pháp lý của bản án và là kết quả của phần nhận
xét, đánh giá của Tòa án; trường hợp kháng nghị chính là kháng nghị phần quyết
định này của bản án. Tuy nhiên, việc xem xét, đánh giá bản án đúng sai thế nào
lại cần tập trung vào phần nhận định của bản án vì như trên đã nêu, thường khi
Tòa án mô tả sai nội dung vụ án, ghi nhận sai các chứng cứ và ý kiến của các
bên về chứng cứ. Nhưng cũng có trường hợp Tòa án diễn đạt đúng nội dung vụ
án, ghi nhận đúng các chứng cứ, ý kiến, lập luận của các bên, song Tòa án lại
có đánh giá, lập luận khác biệt về chứng cứ, dẫn đến phán quyết không đúng.
Xem
xét quyết định của bản án có đầy đủ các nội dung cần thiết trong vụ án hay
không, nhất là các căn cứ cụ thể của các quyết định đó, ở từng điểm, khoản,
điều luật cụ thể.
3.4.
Nghiên cứu nội dung đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới, đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức, dư luận báo chí liên quan
Sau
khi Tòa án xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên cần rà soát lại việc giải quyết vụ án,
kiểm tra biên bản phiên tòa, kiểm tra bản án, nghiên cứu đơn kháng cáo của bị
cáo và những người tham gia tố tụng khác gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để xem
xét việc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Trường hợp Tòa án xét xử phúc thẩm,
giám đốc thẩm, tái thẩm, sau phiên tòa, phát hiện vi phạm, Kiểm sát viên đề xuất
lãnh đạo Viện báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục
giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Kinh
nghiệm cho thấy, báo cáo của Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp
trên kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc, tái thẩm thường có nội
dung khá rõ ràng và khách quan. Trong khi đó, đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức,
thường đứng về lợi ích của một bên tham gia tố tụng nào đó. Nhiều đơn có
cách trình bày phức tạp, lan man, không rõ nội dung, thậm chí nội dung không
liên quan trực tiếp đến vụ án. Kiểm sát viên cần nghiêm túc đọc kỹ nội dung
đơn, cố gắng nhận diện từng vấn đề mà người có đơn đề nghị để xem xét, không
được đọc qua loa rồi bỏ qua những nội dung đề nghị của người có đơn. Các nguồn
thông tin trên cũng thường phản ánh, phân tích các vi phạm của Tòa án nói
riêng và các cơ quan tố tụng nói chung về hành vi, về quyết định tố tụng, vi phạm
về luật nội dung, về luật tố tụng.
Việc
nghiên cứu báo cáo, đơn đề nghị hay thông tin báo chí cũng có các yêu cầu như
việc nghiên cứu bản án của Tòa án. Đó là cần xem xét các nguồn tin đó diễn đạt
nội dung vụ án thế nào, mô tả các diễn biến các tình tiết, hành vi phạm tội của
bị cáo có đúng thực tế hay không; các chủ thể ghi nhận, sử dụng, đánh giá các
chứng cứ có khách quan, đúng mức hay không; ý kiến, quan điểm của chủ thể về
các vi phạm có cơ sở hay không.
3.5.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tiến hành xác minh
Quá
trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Kiểm sát viên đã nắm
được hồ sơ vụ án. Sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, phát hiện có dấu hiệu vi
phạm, Kiểm sát viên cần thông qua hồ sơ kiểm sát để rà soát, nắm chắc lại vụ
án, nhất là những vấn đề có liên quan đến vi phạm cần xem xét. Trên cơ sở nắm
chắc hồ sơ vụ án, kết hợp với việc nghiên cứu biên bản phiên tòa, bản án của
Tòa án, đơn kháng cáo của người tham gia tố tụng, xác định rõ vi phạm trong bản
án, quyết định của Tòa án, Kiểm sát viên báo cáo đề xuất lãnh đạo Viện kháng
nghị đối với án sơ thẩm hoặc đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị đối với
bản án sơ thẩm, phúc thẩm của Tòa án cùng cấp.
Đối với
việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên cần đề xuất
yêu cầu Tòa án đã xét xử vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
chuyển hồ sơ vụ án để nghiên cứu. Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án được quy định tại
Quy chế số 505 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về kiểm sát xét xử
hình sự. Trong đó Điều 16 quy định việc nghiên cứu hồ sơ vụ
án trước khi tham gia phiên tòa sơ thẩm, Điều 40 nghiên cứu
trước khi tham gia phiên tòa phúc thẩm, Điều 55 quy định việc
nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm,
tái thẩm. Điều 55 ngoài việc đặt ra yêu cầu nghiên cứu hồ
sơ vụ án như các điều 16, 40 còn có quy định về việc
nghiên cứu đơn của người bị kết án, cá nhân, cơ quan, tổ chức, báo cáo đề xuất
kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới; các nguồn thông tin khác; chứng cứ, tài
liệu, đồ vật sau khi xác minh, thu thập được; nội dung bản án, quyết định đã
có hiệu lực pháp luật để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm,
tái thẩm.
Hồ sơ
vụ án chứa đựng hầu hết các thông tin, các tài liệu, văn bản, chứng cứ thể hiện
các vi phạm về luật nội dung cũng như vi phạm về luật tố tụng. Do vậy, nghiên cứu
hồ sơ vụ án là công việc rất quan trọng, có tính quyết định trong việc xem xét,
kết luận về các vi phạm.
Thực
tế, vụ án có nhiều vấn đề, nhiều nội dung, nhất là những vụ án lớn, phức tạp,
án kinh tế, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều hành vi phạm tội, ở các thời
điểm và địa điểm khác nhau, việc nghiên cứu hồ sơ vụ án theo thủ tục giám đốc
thẩm, tái thẩm không nhất thiết phải nghiên cứu tất cả các vấn đề của vụ án mà
cần tập trung vào các vi phạm trong bản án có hiệu lực pháp luật đã được phát
hiện qua 6 nguồn thông tin đã nêu ở trên. Ví dụ như vụ án có nhiều bị cáo, nhưng
chỉ có một bị cáo có khiếu nại, xin giảm nhẹ hình phạt, thì không nhất thiết phải
nghiên cứu lại toàn bộ chứng cứ kết tội đối với tất cả các bị cáo mà cần đi sâu
xem xét hành vi phạm tội, vai trò, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cụ thể của bị
cáo này để xem xét có kháng nghị về mức hình phạt đối với bị cáo đó hay không.
Vụ án mà người bị hại chỉ khiếu nại đề nghị tăng mức bồi thường thì không cần
thiết phải nghiên cứu lại toàn bộ chứng cứ kết tội đối với bị cáo mà cần tập
trung xem xét lại vấn đề bồi thường thiệt hại.
Các
vi phạm về tố tụng, chủ yếu thể hiện trong hồ sơ vụ án, vì trong đó có toàn bộ
các tài liệu, văn bản tố tụng, thể hiện các hành vi và quyết định tố tụng của
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Kiểm sát viên lưu ý nghiên cứu việc
thực hiện các thủ tục tố tụng của cơ quan và người tiến hành tố tụng, từ khi
thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm, khởi tố điều tra vụ án, bị can đến khi
xét xử xong vụ án. Tập trung nghiên cứu, xem xét, đối chiếu hành vi, quyết định
tố tụng với quy định cụ thể của pháp luật để xác nhận, kết luận về vi phạm.
Trên
cơ sở nghiên cứu đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới, đơn của cá nhân, cơ quan,
tổ chức, dư luận báo chí, biên bản phiên tòa, bản án, quyết định của Tòa án và
hồ sơ vụ án, nhận thấy vẫn còn những vấn đề chưa rõ liên quan đến các vi phạm
do các chủ thể cung cấp, Kiểm sát viên xem xét đề xuất lãnh đạo Viện cho tiến
hành xác minh làm rõ. Việc xác minh thực hiện theo Quy chế 505, tại Điều 39 đối với thủ tục phúc thẩm, Điều 54
đối với thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và Điều 399 Bộ luật tố
tụng hình sự về thủ tục tái thẩm.
Việc
xác minh không tiến hành như một cuộc điều tra toàn diện, kéo dài, quá nhiều
người tham gia mà chỉ tập trung vào các vấn đề có dấu hiệu vi phạm của bản án,
quyết định của Tòa án, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả. Mặt khác việc xác minh cũng
phải thận trọng, khách quan, không định sẵn từ trước về việc có vi phạm hay
không.
3.6.
Phát hiện vi phạm để kháng nghị
Qua
kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, qua nghiên cứu biên
bản phiên tòa, nghiên cứu bản án, quyết định của Tòa án, báo cáo đề nghị kháng
nghị của Viện kiểm sát cấp dưới, đơn đề nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức, dư
luận báo chí và việc xác minh nếu có; thông qua nghiên cứu cách các chủ thể phản
ánh về nội dung diễn biến của vụ án, sử dụng, đánh giá về chứng cứ và nhất là
cách lập luận, đưa ra ý kiến về vụ án, Kiểm sát viên phát hiện các vi phạm của
Tòa án nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung trong việc giải quyết vụ án.
Tham
khảo các hình thức vi phạm đã được tổng hợp.
Để có
thể phát hiện nhanh chóng các hình thức, các dạng, các kiểu vi phạm cũng như
tính chất, mức độ vi phạm, Kiểm sát viên cần tham khảo các dạng vi phạm đã được
nêu ở trên, bao gồm 10 dạng vi phạm về luật nội dung, 11 dạng vi phạm về luật tố
tụng. Đây là các trường hợp vi phạm mà qua theo dõi, nghiên cứu công tác giải
quyết án hình sự trong toàn ngành, qua thụ lý giải quyết án giám đốc thẩm, tái
thẩm đối với các bản án, quyết định có hiệu lực của cơ quan xét xử cao nhất là
Tòa án nhân dân cấp cao và tối cao, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét
xử đã nhận diện và tổng hợp được. Nắm chắc các dạng vi phạm khá cơ bản và phổ
biến này, Kiểm sát viên có sự thuận lợi trong việc nhận diện từng trường hợp
vi phạm cụ thể.
Nâng
cao năng lực nhận thức, khả năng vận dụng kiến thức, rèn luyện tư duy nhạy bén trong phát hiện vi phạm.
Kiểm
sát viên phải luôn trau dồi kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn, hình
thành tư duy nhạy bén, phát hiện nhanh và chính xác các vi phạm. Nắm chắc các kỹ
năng nghiệp vụ để có thể tương tác, phối hợp, hướng dẫn, yêu cầu Điều tra viên,
Thẩm phán thực hiện các thao tác nghiệp vụ phù hợp, giải quyết vụ án đúng theo
luật định; nắm chắc nội dung vụ án, diễn biến các tình tiết, hành vi của bị cáo
và các đối tượng liên quan; nắm chắc hồ sơ vụ án, nội dung các tài liệu, chứng
cứ cụ thể. Kiểm sát viên phải nhận thức và áp dụng chính xác các quy định của
pháp luật để giải quyết đúng đắn từng vấn đề của vụ án. Trên cơ sở đó, Kiểm
sát viên mới nắm bắt, nhận diện được các vi phạm trong các bản án, quyết định của
Tòa án, từ việc diễn đạt sai nội dung vụ án, ghi nhận sai về chứng cứ đến nhận
xét, đánh giá và quyết định sai về vụ án.
Thực
tế có những vụ án vi phạm khá đơn giản, dễ phát hiện, song cũng có nhiều
trường hợp vi phạm tinh vi, phức tạp, khó phát hiện. Như trường hợp Tòa án
có hướng tuyên bị cáo không tội hoặc xử nhẹ cho bị cáo thì luôn phân tích nhấn
mạnh các chứng cứ, các tình tiết có tính gỡ tội, có tính làm nhẹ cho bị cáo, đồng
thời bỏ qua các tình tiết buộc tội hoặc có tính tăng nặng trong hành vi phạm
tội của bị cáo. Vì thế mà cách mô tả của bản án không đi thẳng vào bản chất
khách quan của sự việc mà có sự lắt léo, có chỗ sơ sài, mơ hồ, không rõ nghĩa,
ngược lại có những chỗ lại quá chi tiết, thậm chí cường điệu quá mức so với
thực tế. Bởi vậy, Kiểm sát viên cần hết sức tỉnh táo, nhạy bén và kỹ lưỡng khi
nghiên cứu bản án, không để bị cuốn theo cách diễn đạt, cách lập luận của Tòa
án mà chủ động nhận diện được những điểm bất hợp lý để có sự phản biện và kết
luận về những sai trái của bản án.
Báo
cáo kết quả xét xử, đề xuất kháng nghị.
Viện
kiểm sát các cấp thực hiện nghiêm Điều 11 Quy chế 505 về
báo cáo kết quả xét xử, theo đó sau thực hành quyền công tố tại phiên tòa Kiểm
sát viên phải báo cáo lãnh đạo Viện về kết quả xét xử, theo mẫu của Viện kiểm
sát nhân dân tối cao. Báo cáo kết quả xét xử được gửi đến Viện kiểm sát cấp
trên trực tiếp để theo dõi, xem xét việc kháng nghị phúc thẩm trên cấp hoặc
kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Viện
kiểm sát phải chủ động trong việc kháng nghị ngang cấp theo thủ tục phúc thẩm đối
với bản án sơ thẩm của Tòa án, trong thời hạn luật định. Chỉ khi quá thời hạn
kháng nghị mới phát hiện vi phạm pháp luật hoặc phát hiện có tình tiết mới thì
Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát cấp mình đề nghị Viện trưởng Viện
kiểm sát cấp trên kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Viện kiểm sát cấp dưới báo
cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị theo các thủ tục giám đốc thẩm,
tái thẩm theo quy định tại Điều 52 Quy chế 505.
Dù Viện
kiểm sát trực tiếp kháng nghị đối với Tòa án cùng cấp hay đề nghị Viện kiểm sát
cấp trên kháng nghị, Kiểm sát viên đều phải kiểm sát, nghiên cứu kỹ bản án, quyết
định của Tòa án cấp mình theo các yêu cầu như đã nêu ở các phần trên. Kháng nghị
của Viện kiểm sát cùng cấp hay đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị đều phải
trên cơ sở xác định chính xác vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án, nêu
rõ vi phạm về vấn đề gì, với vấn đề đó thực tế vụ án xảy ra thế nào, chứng cứ
thể hiện vấn đề đó ra sao, Tòa án vi phạm thế nào, vi phạm điểm, khoản, điều
luật của văn bản pháp luật nào. Nêu rõ từng nội dung lập luận của Tòa án và
từng lập luận phản biện của Kiểm sát viên. Cần đánh giá về tính chất, mức độ,
hậu quả của các vi phạm đó, xác định vi phạm ảnh hường như thế nào đến trách
nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên tố tụng.
Lãnh
đạo nghe báo cáo, thận trọng cân nhắc việc kháng nghị.
Kiểm
sát viên lưu ý việc xây dựng báo cáo theo Điều 9 Quy chế 505
với các yêu cầu cụ thể về thủ tục và nội dung văn bản.
Lãnh
đạo Viện lắng nghe Kiểm sát viên báo cáo, yêu cầu báo cáo rõ Tòa án vi phạm về
nội dung gì, về nội dung đó thực tế vụ án xảy ra thế nào, chứng cứ thể hiện nội
dung đó ra sao, Tòa án vi phạm trong nội dung đó thế nào, vi phạm điểm, khoản,
điều luật của văn bản pháp luật nào, Kiểm sát viên phản biện các lập luận của
Tòa án ra sao.
Lãnh
đạo không xuôi chiều theo cách thức báo cáo, lập luận của Kiểm sát viên mà cân
nhắc thận trọng, khách quan, ý kiến, lập luận nào của Kiểm sát viên có cơ sở,
có sức thuyết phục thì ghi nhận, ý kiến nào chưa thuyết phục thì lãnh đạo có lập
luận phản biện lại chính quan điểm của Kiểm sát viên. Trường hợp cần thiết
lãnh đạo Viện có thể triệu tập các thành phần khác làm công tác kiểm sát giải
quyết án hình sự cùng nghiên cứu, tham gia buổi nghe án và có ý kiến về báo cáo
của Kiểm sát viên. Cho đến khi xác lập được quan điểm thống nhất, chắc chắn về
vi phạm của Tòa án mới quyết định có kháng nghị hay không.
Đối với
các vụ án phức tạp, nhiều quan điểm, có dấu hiệu oan, sai thì cần thảo luận
trong tập thể lãnh đạo Viện (đối với Viện kiểm sát cấp huyện), trong Ủy ban kiểm
sát (đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp cao) trước khi Viện trưởng
quyết định. Trường hợp cần thiết thì thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên.
Việc
xử lý với các vi phạm được phát hiện như phần trên là theo tinh thần chung,
kháng nghị hay kiến nghị cần thể hiện tính kiên quyết và bản lĩnh, tuy vậy đối
với từng trường hợp cụ thể cũng không nên máy móc, cứng nhắc mà cần có sự
linh hoạt phù hợp.Trên thực tế, có những trường hợp quan điểm nhận thức và áp
dụng pháp luật giữa các cơ quan tố tụng, thậm chí giữa các cá nhân trong cùng
đơn vị có thể khác nhau. Cho nên việc kháng nghị cần phải tính đến khả năng
Tòa án có chấp nhận hay không. Trường hợp quan điểm của Viện kiểm sát chưa có
cơ sở vững chắc, chưa thật thuyết phục thì cần cân nhắc kỹ việc kháng nghị.
Bên cạnh
đó, cần xem xét về tính cần thiết của việc kháng nghị. Các trường hợp có vi
phạm nghiêm trọng song không làm thay đổi căn bản sự thật hay bản chất vụ án,
không thay đổi cơ bản nội dung, quyết định của Hội đồng xét xử, chưa ảnh hưởng
hoặc ảnh hưởng không lớn đến quyền, nghĩa vụ của các bên thì cần xem xét, nếu
không thật cần thiết thì không kháng nghị mà kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh vi phạm.
3.7.
Xây dựng bản kháng nghị, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bộ luật
tố tụng hình sự quy định việc kháng nghị tại Điều 336 về
kháng nghị phúc thẩm và Điều 378 về kháng nghị giám đốc thẩm,
tái thẩm, theo đó ngoài một số chi tiết có tính thủ tục, kháng nghị phải nêu
được lý do, căn cứ kháng nghị, kháng nghị toàn bộ hay một phần nào đó của bản
án và nêu rõ yêu cầu của Viện kiểm sát.
Vấn đề
quan trọng Bộ luật quy định là phải “nhận xét, phân tích những vi phạm pháp luật,
sai lầm của bản án, quyết định bị kháng nghị”. Phân tích, lập luận, chứng minh
bản án đã mô tả sai các tình tiết, diễn biến thực tế của vụ án, ghi nhận, sử dụng,
đánh giá sai các chứng cứ đã được xác lập dẫn đến phán quyết không đúng các quy
định cụ thể nào đó của pháp luật.
Phân
tích vi phạm trong bản án phải phù hợp với các quy định tại Điều
37 Quy chế 505 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với kháng nghị phúc
thẩm, Điều 371 Bộ luật tố tụng hình sự, đối với kháng nghị
giám đốc thẩm, Điều 398 của bộ luật đối với kháng nghị tái
thẩm.
Nội
dung các văn bản kháng nghị cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc
làm rõ vi phạm trong bản án, không lan man, dài dòng. Việc phân tích, lập luận,
chứng minh tại bản kháng nghị về vi phạm trong bản án, quyết định của Tòa án cần
hết sức chặt chẽ, xác đáng, có sức thuyết phục cao, tạo điều kiện thuận lợi
cho việc bảo vệ kháng nghị tại phiên tòa.
3.8.
Bảo vệ kháng nghị tại phiên tòa
Theo
quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phải
phát biểu ý kiến về nội dung kháng nghị, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát
về việc giải quyết vụ án và phải tranh tụng với người tham gia tố tụng để bảo
vệ quan điểm của mình. Tại phiên tòa giá đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên
trình bày nội dung kháng nghị, phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về quyết định
kháng nghị và việc giải quyết vụ án, tranh tụng với những người tham gia tố tụng
tố tụng về những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Trên
cơ sở phát hiện các vi phạm, các tình tiết mới trong bản án, quyết định của Tòa
án, đã được phân tích, lập luận, chứng minh trong báo cáo lãnh đạo Viện, trong
bản kháng nghị đã được xây dựng và ban hành, Kiểm sát viên tiếp tục hoàn thiện
các luận cứ của mình để bảo vệ kháng nghị tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm.
Theo
quy định tại các điều 16, 40 và 55 Quy chế về công tác kiểm
sát xét xử hình sự, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm,
phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án để nắm
chắc về vụ án, nắm chắc các tình tiết, diễn biến của vụ án, các tài liệu, chứng
cứ, các quy định của pháp luật có liên quan. Đây là nhiệm vụ có tính quyết định
đến thành công trong việc bảo vệ kháng nghị. Chỉ khi nắm chắc hồ sơ vụ án mới
có cơ sở tranh tụng thắng lợi với người tham gia tố tụng, nhất là trong các vụ
án phức tạp khó khăn, có sự tranh luận quyết liệt, gay gắt và sắc bén của luật
sư bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
3.9.
Kỹ năng phát hiện vi phạm để kiến nghị
Phát
hiện vi phạm của Cơ quan điều tra và Tòa án để xử lý là nhiệm vụ thường xuyên,
thể hiện chức năng, vai trò của Viện kiểm sát trong công tác giải quyết các vụ
án hình sự. Không có sự phân định về mục đích giữa việc phát hiện vi phạm để
kháng nghị và phát hiện vi phạm để kiến nghị mà thực chất là yêu cầu phải phát
hiện được vi phạm đã phát sinh, còn kháng nghị hay kiến nghị là tùy vào tính chất,
mức độ nghiêm trọng của vi phạm.
Như
trên đã tạm phân định 04 cấp độ vi phạm, trong đó các vi phạm cần xem xét kiến
nghị đối với Cơ quan điều tra hoặc Tòa án là những vi phạm không phải ở mức chỉ
trao đổi, nhắc nhở yêu cầu sửa chữa và không ở mức phải kháng nghị phúc thẩm,
giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Những vi phạm này chưa đến mức nghiêm trọng, làm
thay đổi căn bản tính chất, bản chất vụ án, không thay đổi cơ bản nội dung bản
án, quyết định của Hội đồng xét xử, chưa ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến quyền,
nghĩa vụ của các bên tố tụng. Đó là những vi phạm trực tiếp một hay một số quy
định nào đó của pháp luật, chỉ làm thay đổi tính chất và khía cạnh nào đó
trong bản chất sự việc, có ảnh hưởng trực tiếp, song không đáng kể hoặc chưa rõ
đến quyền, nghĩa vụ của các bên tố tụng.
Kiểm
sát viên ngoài việc nhận diện, phân tích, xác định được vi phạm, cần có đánh
giá chính xác tính chất mức độ vi phạm và các khía cạnh liên quan đến vụ án cụ
thể. Đối với các vi phạm nghiêm trọng, xét thấy quan điểm của Viện kiểm sát thực
sự có cơ sở và xét việc kháng nghị thực sự cần thiết thì quyết định kháng nghị
và kiên quyết bảo vệ quan điểm kháng nghị. Đối với các vi phạm dù nghiêm trọng,
nhưng cân nhắc quan điểm của Viện kiểm sát chưa thật sự có cơ sở vững chắc,
chưa thật sự thuyết phục so với Tòa án hoặc xét chưa thật cần thiết phải kháng
nghị thì không nên kháng nghị. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhưng không cần
thiết kháng nghị thì chuyển sang kiến nghị đối với cơ quan có vi phạm.
Nội
dung bản kiến nghị cũng phải phân tích, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục
cao như đối với văn bản kháng nghị. Trong đó cần ghi rõ yêu cầu cơ quan được kiến
nghị thực hiện việc kiến nghị và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát trong
thời hạn nhất định.
Sau
khi ban hành kiến nghị, Kiểm sát viên cần tiếp tục theo dõi việc tiếp thu, thực
hiện kiến nghị của cơ quan được kiến nghị. Nếu các cơ quan này không thực hiện
kịp thời thì đề xuất với lãnh đạo có văn bản yêu cầu thực hiện, thậm chí tiến
hành làm việc trực tiếp để yêu cầu thực hiện nghiêm túc.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Viện
kiểm sát quân sự Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm
sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu trách
nhiệm triển khai thực hiện Hướng dẫn này.
2.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị Viện kiểm
sát các cấp tổng hợp, báo cáo bằng văn bản về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ
7) để được hướng dẫn, giải đáp./.
Nơi nhận:
- Đ/c Viện
trưởng VKSTC (để b/cáo);
- Các đ/c PVT VKSTC (để b/c);
- Các vụ 1, 2, 3, 4, 5, 6 (để p/hợp);
- Viện KSND cấp cao 1, 2, 3;
- Viện KSND các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Văn phòng VKSTC;
- Lưu VT (1b), Vụ 7 (3b)./.
|
TL. VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ HÌNH SỰ
Lại Viết Quang
|