VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/HD-VKSTC
|
Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2022
|
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT ĐIỀU TRA VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ
SƠ THẨM ÁN MA TÚY NĂM 2022
Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày
27/12/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành
Kiểm sát nhân dân năm 2022.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng
dẫn Viện kiểm sát cấp dưới triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực
công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử sơ thẩm
án ma túy năm 2022 như sau:
I. NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM
1. Tổ chức
quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính
trị, Nghị quyết của Quốc hội, Kế hoạch và Chương trình của Chính phủ về công
tác phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống ma túy năm 2021; các Chỉ thị chuyên
đề và Chỉ thị công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về những
nội dung liên quan đến công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và
kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nói chung, trong lĩnh vực tội phạm và
tệ nạn ma túy nói riêng.
2. Công
tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố và xét xử tội phạm về
ma túy phải được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng
pháp luật. Tiếp tục tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động
điều tra và kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực liên quan đến
tội phạm ma túy, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan, sai và để lọt tội phạm.
Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 96/2019/QH14
ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp; các chỉ tiêu nghiệp vụ của
ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 139/QĐ-VKSTC ngày
29/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ
1. Công tác thực
hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp
Viện kiểm sát các cấp tuân thủ đúng
các quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự,
Bộ luật Hình sự, Thông tư liên tịch và các Quy chế nghiệp vụ của Ngành trong từng
khâu công tác để xử lý các vụ án, vụ việc hình sự nói chung. Riêng trong lĩnh vực
công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp liên quan đến tội
phạm ma túy cần chú ý các nội dung sau:
(1) Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt
chẽ với Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động
điều tra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để nắm và quản lý đầy đủ nguồn tin về
tội phạm ma túy, lưu ý quy định mới về thẩm quyền của Công an xã, phường, thị
trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; các tố
giác của bị can, bị cáo trong vụ án ma túy đang được thụ lý giải quyết ở giai
đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; quan tâm theo dõi nắm bắt các
nguồn tin về tội phạm ma túy trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội
trên Internet; chú trọng các nguồn tin báo, tố giác về tội phạm ma túy do quần
chúng Nhân dân cung cấp gửi đến Viện kiểm sát, phải tuân thủ tuyệt đối quy định
về bảo mật để đảm bảo an toàn cho những người cung cấp thông tin.
(2) Kiểm sát chặt chẽ về căn cứ pháp luật
và điều kiện cần thiết khi Cơ quan điều tra quyết định áp dụng biện pháp bắt, tạm
giữ, tạm giam, nhất là bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Viện kiểm
sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra khẩn trương xác minh, phân loại xử lý kịp thời,
trả tự do ngay cho người bị tạm giữ khi căn cứ không còn hoặc xét thấy không cần
thiết phải tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giữ, mục đích không để lọt tội phạm,
không làm oan người vô tội nhưng cũng hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ bắt, tạm
giữ, gia hạn tạm giữ sau đó không thể xử lý hình sự.
(3) Việc giám định tang vật, vật chứng
thu giữ để khẳng định chất ma túy là bắt buộc, có ý nghĩa quyết định hướng xử
lý đối với vụ việc và đối tượng liên quan. Viện kiểm sát phải đôn đốc Cơ quan
điều tra thực hiện ngay việc trích mẫu, trưng cầu giám định để có kết quả trả lời
trước khi hết thời hạn tạm giữ đối tượng (09 ngày); đồng thời kiểm sát chặt chẽ
nội dung Quyết định trưng cầu giám định, Kết luận giám định nếu thấy nội dung
các văn bản này còn có điểm chưa rõ ràng hoặc mâu thuẫn với các tài liệu, chứng
cứ khác thì phải yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan thực hiện giám định giải
thích, khắc phục ngay; trường hợp cần thiết có thể yêu cầu trưng cầu giám định
bổ sung hoặc giám định lại; tuyệt đối không được tự ý luận giải, cắt xén hoặc lựa
chọn những nội dung theo ý chủ quan của mình để sử dụng làm căn cứ giải quyết vụ
án, vụ việc; chỉ thực hiện phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can khi có đủ căn cứ
xác định tang vật, vật chứng thu giữ là ma túy (trừ trường hợp truy xét mở rộng
vụ án không thể thu giữ được vật chứng); nếu tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều
tra cung cấp để sử dụng làm căn cứ xét đề nghị phê chuẩn khởi tố bị can còn
chưa đầy đủ, phải yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung hoặc cho Kiểm sát viên tiếp
cận thêm các tài liệu đã thu thập trong hoạt động trinh sát để bổ trợ việc đề
xuất phê chuẩn.
(4) Trường hợp người đang bị tạm giữ,
bị khởi tố bị can không thừa nhận hành vi phạm tội, kêu oan thì Kiểm sát viên
phải tham gia cùng Điều tra viên hoặc trực tiếp lấy lời khai để làm rõ các nội
dung trong hồ sơ phục vụ việc đánh giá các tài liệu chứng cứ đã thu thập; yêu cầu
Cơ quan điều tra nếu thuận lợi thì chủ động tạo điều kiện để người bào chữa
tham gia việc lấy lời khai. Hầu hết các bị can phạm tội về ma túy đều bị áp dụng
biện pháp ngăn chặn là tạm giam tại cơ sở giam giữ, do vậy việc ghi âm hoặc ghi
hình có âm thanh là hoạt động bắt buộc phải được thực hiện khi Điều tra viên tiến
hành hỏi cung bị can, nếu không thực hiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
(khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự). Kiểm sát viên phải
yêu cầu Cơ quan điều tra tuyệt đối tuân thủ, tùy vào điều kiện thực tế để quyết
định thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
(5) Lưu ý quy định về thẩm quyền điều
tra theo Điều 163 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu thấy vụ án ma
túy đang điều tra không thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì phải
yêu cầu Cơ quan điều tra cùng cấp làm thủ tục đề nghị Viện kiểm sát ra Quyết định
chuyển vụ án đến đúng Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, trường hợp Viện
kiểm sát đã yêu cầu mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát chủ động
ra quyết định chuyển vụ án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều
169 Bộ luật Tố tụng hình sự.
(7) Đề ra yêu cầu điều tra đối với mỗi
vụ án là yêu cầu bắt buộc. Trong vụ án ma túy, yêu cầu điều tra không chỉ tập
trung duy nhất vào việc làm rõ hành vi phạm tội của bị can mà phải chú ý đến việc
xác minh, làm rõ nguồn tài sản bị can sử dụng vào việc phạm tội, tài sản do phạm
tội mà có để xử lý theo quy định; ngoài hành vi phạm tội về ma túy thì bị can
còn thực hiện thêm hành vi phạm tội về rửa tiền không; khẩn trương tiến hành
xác minh tài sản của bị can đang sở hữu (cả sở hữu chung và sở hữu riêng) làm
căn cứ đề nghị Tòa án áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền, tịch thu một phần
hoặc toàn bộ tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự; yêu cầu Cơ quan điều
tra thực hiện việc kê biên, tạm giữ tài sản hoặc phong tỏa tài khoản ngân hàng
trong thời gian sớm nhất có thể để đảm bảo cho công tác thi hành án sau này.
Khi giải quyết vụ án ma túy lớn, liên
tỉnh hoặc có yếu tố nước ngoài, Kiểm sát viên chú ý đến vấn đề mới xuất hiện là
tội phạm sử dụng các nền tảng mạng xã hội, mạng ngầm (mạng tối, Deep web) để thỏa
thuận giao dịch; dùng tiền kỹ thuật số (tiền điện tử) ẩn danh để thanh toán nên
sẽ có tài liệu điện tử, chứng cứ điện tử, tiền kỹ thuật số,... việc thu giữ, bảo
quản, khai thác sẽ cần phải có những công nghệ, thiết bị chuyên dụng và Kiểm
sát viên cũng phải có trình độ kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực này.
(8) Đối với các vụ án có yếu tố nước
ngoài cần phải yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, thì khẩn trương yêu cầu Cơ
quan điều tra thực hiện ngay quy trình, thủ tục yêu cầu tương trợ tư pháp theo
quy định mới có thể nhận được kết quả tương trợ (hồi đáp) trong thời hạn điều
tra luật định, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang
diễn biến phức tạp. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc cần liên hệ ngay với Vụ Hợp tác
quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự Viện kiểm sát nhân dân tối cao để được
hướng dẫn hoặc trợ giúp. Trong trường hợp sắp hết thời hạn điều tra vụ án nhưng
vẫn chưa có kết quả tương trợ tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát chủ động phối hợp
với liên ngành tố tụng tại địa phương họp bàn, thống nhất hướng xử lý phù hợp.
(9) Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra
viên hỏi cung bị can hoặc trực tiếp hỏi cung bị can ít nhất một lần trên một bị
can; đặc biệt lưu ý trường hợp bị can có đơn khiếu nại, kêu oan hoặc tố cáo Điều
tra viên vi phạm pháp luật, thiếu khách quan trong hoạt động điều tra thu thập
chứng cứ hoặc bị can có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội. Tuyệt đối tuân thủ
nguyên tắc suy đoán vô tội. Kiểm sát chặt chẽ mọi hoạt động tố tụng, đảm bảo bị
can được hưởng đầy đủ các quyền được quy định tại Khoản 2 Điều
60 Bộ luật Tố tụng hình sự. Trước khi vụ án kết thúc điều tra, Điều tra
viên và Kiểm sát viên phối hợp đánh giá tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong
hồ sơ, kịp thời phát hiện các vi phạm, thiếu sót để khắc phục, tránh để chuyển
hồ sơ sang Viện kiểm sát mới phát hiện vi phạm, thiếu sót phải trả hồ sơ để điều
tra bổ sung.
Giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên tiếp
tục nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, thực hiện trích cứu hồ sơ, số hóa hồ sơ, xây dựng
báo cáo tổng hợp, đánh giá phân tích các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; tiến hành
phúc cung, chú ý các trường hợp bị can không nhận tội, thay đổi lời khai hoặc lời
khai vẫn còn mâu thuẫn mà chưa được làm rõ, nếu thuận lợi chủ động mời người
bào chữa tham dự hoạt động hỏi cung; tổng hợp xây dựng báo cáo đề xuất, dự thảo
cáo trạng truy tố; việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội và đúng trình
tự thủ tục quy định.
(10) Viện kiểm sát các cấp thực hiện
đầy đủ các quy định về quy trình thủ tục và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực
hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về ma túy, chủ động
trong xét hỏi, tranh luận với người bào chữa và bị cáo; tham gia tranh tụng đến
cùng nhằm bảo vệ quan điểm truy tố trong cáo trạng. Quá trình xét xử, Hội đồng
xét xử có thể triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa để làm rõ những vấn đề liên
quan, Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp tốt với Điều tra viên để chuẩn bị nội
dung cần cung cấp cho tòa.
(11) Viện kiểm sát các cấp kịp thời
phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, xét xử, bào chữa,
phiên dịch, giám định tư pháp, xác minh thu giữ và xử lý tiền, tài sản do phạm
tội mà có hoặc có liên quan đến tội phạm,... để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc
phục. Đồng thời, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác
quản lý Nhà nước đối với chất ma túy, tiền chất để kịp thời ban hành kiến nghị
xử lý và phòng ngừa vi phạm.
(12) Công tác thụ lý giải quyết đơn
khiếu nại, tố cáo cần chú ý những đơn, thư khiếu nại liên quan đến việc giám định
khối lượng, hàm lượng, chất ma túy, về sử dụng các biện pháp nghiệp vụ khác,
trường hợp cần thiết phải có văn bản tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn
trước khi trả lời. Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động
tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm
phán, Thư ký, nếu có dấu hiệu của tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải
chuyển đến Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét giải
quyết theo thẩm quyền.
2. Công tác phối
hợp
(1) Khi được thông báo, Viện kiểm sát
cấp dưới cần chủ động phối hợp với Viện kiểm sát cấp trên để giải quyết các vụ
án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra theo
quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự;
giữ mối liên hệ chặt chẽ với Viện kiểm sát cấp trên xuyên suốt quá trình giải
quyết vụ án.
(2) Đối với các vụ án Viện kiểm sát cấp
dưới hết thẩm quyền gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam bị can phải đề
nghị Viện kiểm sát cấp trên quyết định gia hạn điều tra và gia hạn tạm giam. Viện
kiểm sát cấp dưới phải có văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ vụ án) tại Viện kiểm
sát cấp trên trước thời điểm hết hạn ít nhất là 10 ngày.
(3) Qua thực tiễn xử lý các vụ án, vụ
việc có liên quan đến ma túy cho thấy Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ
sung năm 2017) bộc lộ một số điểm chưa sát với thực tế hoặc còn có những cách
hiểu khác nhau, trong khi cơ quan có thẩm quyền chưa có văn bản giải thích hoặc
hướng dẫn thì Viện kiểm sát các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến
hành tố tụng cùng cấp, trao đổi để có đồng thuận hoặc thu hẹp sự khác biệt về
nhận thức pháp luật giúp cho việc giải quyết vụ án, vụ việc được thuận lợi.
(4) Viện kiểm sát cấp tỉnh phối hợp với
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 4) thực hiện 02 chuyên đề nghiệp vụ “Án tạm
đình chỉ” và “Án trả hồ sơ để điều tra bổ sung”. Tổng hợp số liệu, xây dựng báo
cáo phục vụ sơ kết, tổng kết toàn Ngành và báo cáo phục vụ xây dựng Báo cáo của
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại các kỳ họp Quốc hội. (sẽ có hướng
dẫn và đề cương nội dung yêu cầu cần báo cáo gửi riêng).
Riêng chuyên đề “Án tạm đình chỉ”,
các Viện kiểm sát địa phương tiếp tục chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra,
Tòa án cùng cấp thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT về quản lý, giải
quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ; lưu ý việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ về
lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm d Khoản 1
Điều 148, điểm c Khoản 1 Điều 299, điểm c Khoản 1 Điều 247 Bộ
luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021). Định kỳ rà soát
và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ điều
tra, không để xảy ra oan, sai và để lọt tội phạm.
(5) Các Viện kiểm sát địa phương phối
hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện chương trình phòng, chống
tội phạm ma túy và Tháng hành động phòng, chống ma túy, Ngày Quốc tế phòng, chống
ma túy (26/6) năm 2022 của Ban Chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân. Tổng hợp số
liệu, xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá diễn biến tình hình tội phạm và tệ nạn
về ma túy trên địa bàn, dự báo xu hướng thời gian tiếp theo, (sẽ có Kế hoạch và
đề cương nội dung yêu cầu cần báo cáo gửi riêng)
(6) Phối hợp trong theo dõi việc đình
chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, bị can do không phạm tội và đình chỉ miễn trách
nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự: Định kỳ hằng
tháng, 06 tháng, 12 tháng và thời điểm xây dựng báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao tại các kỳ họp Quốc hội, Viện kiểm sát cấp huyện phải có
báo cáo gửi Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp tỉnh phải có báo cáo tổng
hợp các trường hợp đình do không phạm tội và đình chỉ theo Điều 29
Bộ luật Hình sự trong lĩnh vực án ma túy gửi về Vụ 4. Trường hợp trong kỳ
báo cáo không có trường hợp đình chỉ nào phát sinh cũng phải gửi báo cáo để khẳng
định chắc chắn về số liệu. Khi phát sinh các trường hợp đình chỉ vụ án, đình chỉ
bị can, bị cáo hoặc miễn trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực ma túy. Viện trưởng
Viện kiểm sát cấp tỉnh phải tổ chức kiểm tra, đánh giá, xác định trách nhiệm cá
nhân và báo cáo kết quả đến Vụ 4 (pho to toàn bộ hồ sơ vụ án và hồ sơ kiểm sát
gửi kèm theo) để phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm theo lĩnh
vực công tác được phân công.
3. Công tác kiểm
tra, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới
- Viện kiểm sát cấp trên cần chủ động,
linh hoạt trong lựa chọn hình thức kiểm tra như: Tự kiểm tra, trực tiếp kiểm
tra, kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra chéo... Nội dung kiểm
tra phải bám sát Chỉ thị công tác năm 2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân
dân tối cao, Kế hoạch kiểm tra của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 và tình
hình thực tế của địa phương, kịp thời phát hiện và khắc phục những thiếu sót, tồn
tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử
sơ thẩm các vụ án hình sự về ma túy.
- Viện kiểm sát cấp trên thực hiện
phân công Lãnh đạo, Kiểm sát viên theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn công tác nghiệp
vụ đối với Viện kiểm sát cấp dưới theo từng địa bàn cụ thể; để việc theo dõi,
chỉ đạo, hướng dẫn có hiệu quả, chất lượng cần gắn trách nhiệm của cá nhân với
kết quả công tác của địa bàn được phân công theo dõi, lấy kết quả đó để đánh
giá thành tích cá nhân và bình xét thi đua khen thưởng hàng năm.
4. Chấp hành chế
độ báo cáo
Viện kiểm sát các cấp thực hiện
nghiêm túc việc gửi các báo cáo định kỳ và các loại báo cáo khác theo đúng quy
định tại các Điều 7, 8, 10, 11, 12, 13, 14,
17, 18, 19, 20 của Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo và quản lý công tác
trong ngành Kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 279/QĐ-VKSTC ngày
01/8/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo đột
xuất khác theo yêu cầu của Viện kiểm sát cấp trên. Lưu ý Báo cáo thỉnh thị xin
ý kiến Viện kiểm sát cấp trên phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Viện kiểm sát Quân sự Trung ương, Viện
kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh căn cứ Hướng dẫn này
và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị mình xây dựng Kế hoạch chương trình
công tác năm 2022 và Hướng dẫn cho Viện kiểm sát cấp dưới thuộc thẩm quyền,
hoàn thành trước ngày 15/01/2022 và gửi đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ
4) để tổng hợp theo dõi và quản lý chung trong toàn Ngành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị, đề nghị đơn vị kịp thời phản ánh về Vụ
4 để xử lý./.
Nơi nhận:
- Lãnh đạo VKSND tối cao
(để báo cáo);
- VKS Quân sự Trung ương;
- VKSND cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng VKSND tối cao (để theo dõi);
- Lưu: VT, V4.
|
TL.
VIỆN TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ
KIỂM SÁT ĐIỀU TRA ÁN MA TÚY
Nguyễn Văn Hải
|