HIỆP ĐỊNH
GIỮA
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ Ô-XTRÂY-LIA VỀ CHUYỂN GIAO NGƯỜI BỊ KẾT
ÁN PHẠT TÙ
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtrây-lia
(sau đây gọi là “các Bên”);
Có tính đến các luật và quy định hiện hành về thực thi
pháp luật của các Bên và mong muốn tăng cường các nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực
thi hành pháp luật và hoạt động tư pháp;
Mong muốn hợp tác trong lĩnh vực chuyển giao người
bị kết án phạt tù nhằm tạo thuận lợi cho họ tái hòa nhập thành công vào xã hội,
và
Mong muốn hợp tác trong việc thi hành các bản án
hình sự;
Đã thỏa thuận như sau:
ĐIỀU 1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Trong Hiệp định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
(a) “Bên chuyển giao” là Bên mà từ đó người bị kết
án có thể hoặc đã được chuyển giao;
(b) “Bên nhận” là Bên mà người bị kết án có thể hoặc
đã được chuyển giao đến;
(c) “Người bị kết án phạt tù” là người phải bị giam
giữ trong trại giam, bệnh viện hoặc bất cứ nơi nào khác trên lãnh thổ của Bên
chuyển giao để chấp hành bản án do Toà án của Bên chuyển giao tuyên;
(d) “Hình phạt” là sự trừng phạt hoặc biện pháp tước
tự do khác do Tòa án áp dụng; và
(e) “Lãnh thổ”;
(i) Đối với Việt Nam: là lãnh thổ của Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam; và
(ii) Đối với Ô-xtrây-lia: là tất cả các bang và các
vùng lãnh thổ của Ô-xtrây-lia.
(f) “Mối quan hệ cộng đồng” là:
(i) Nơi cư trú chính của phạm nhân trên lãnh thổ
Bên nhận ngay trước khi người đó bị tuyên hình phạt tù trên lãnh thổ của Bên
chuyển giao; hoặc
(ii) Cha mẹ, ông bà hoặc con cái của phạm nhân đó
có nơi cư trú chính trên lãnh thổ của Bên nhận; hoặc
(iii) Phạm nhân đó đã kết hôn hoặc có quan hệ hôn
nhân thực tế với người có nơi cư trú chính trên lãnh thổ của Bên nhận; hoặc
(iv) Trong trường hợp đặc biệt, phạm nhân đó có mối
quan hệ chặt chẽ và liên tục (liên lạc cá nhân một cách thường xuyên và lợi ích
cá nhân liên quan đến phúc lợi của người khác) với người có nơi cư trú chính
trên lãnh thổ của Bên nhận.
ĐIỀU 2. MỤC ĐÍCH CỦA HIỆP ĐỊNH
(1) Các Bên cam kết dành cho nhau sự hợp tác rộng
rãi nhất trong việc chuyển giao người bị kết án phạt tù theo các quy định của
Hiệp định này.
(2) Người bị kết án phạt tù có thể được chuyển giao
từ lãnh thổ của Bên chuyển giao đến lãnh thổ của Bên nhận theo các quy định của
Hiệp định này để chấp hành hình phạt đã tuyên đối với người đó.
ĐIỀU 3. CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG
(1) Cơ quan trung ương của Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam là Bộ Công an; Cơ quan trung ương của Ô-xtrây-lia là Bộ Tổng Chưởng
lý Chính phủ Ô-xtrây-lia. Bên ký kết có thể thay đổi Cơ quan trung ương của
mình nhưng phải thông báo cho Bên kia về sự thay đổi đó.
(2) Các Cơ quan trung ương phải xử lý các yêu cầu
chuyển giao theo các quy định của Hiệp định này.
(3) Các Cơ quan trung ương có thể liên hệ trực tiếp
với nhau khi thực hiện Hiệp định này.
ĐIỀU 4. ĐIỀU KIỆN CHUYỂN GIAO
Người bị kết án phạt tù chỉ có thể được chuyển giao
theo Hiệp định này với các điều kiện sau đây:
(a) Hành động hoặc không hành động đã bị tuyên hình
phạt cấu thành một tội phạm theo pháp luật Bên nhận, hoặc sẽ cấu thành tội phạm
đó nếu như được thực hiện trong phạm vi quyền tài phán của Bên nhận. Điều kiện
này có thể được miễn trong trường hợp đặc biệt nếu cả hai Bên đồng ý và trong
phạm vi pháp luật của Bên nhận cho phép;
(b) Khi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Bên
nhận thì người đó phải là công dân Việt Nam;
(c) Khi Ô-xtrây-lia là Bên nhận thì người bị kết án
phạt tù là:
(i) Người có quốc tịch Ô-xtrây-lia; hoặc
(ii) Người được phép đến, nhập cảnh và lưu lại
không thời hạn tại Ô-xtrây-lia theo quy định của pháp luật Ô-xtrây-lia và có mối
quan hệ cộng đồng với một bang hoặc lãnh thổ của Ô-xtrây-Iia;
(d) Vào thời điểm yêu cầu chuyển giao, người bị kết
án phạt tù còn ít nhất một năm phải chấp hành hình phạt tù. Điều kiện này có thể
được miễn theo thỏa thuận của các Bên;
(e) Phán quyết đó là cuối cùng và không còn bất kỳ
thủ tục tố tụng nào liên quan đến tội phạm đó hoặc bất kỳ tội phạm nào khác
đang chờ được tiến hành trên lãnh thổ của Bên chuyển giao;
(f) Bên chuyển giao và Bên nhận và người bị kết án
đều đồng ý với việc chuyển giao. Trong trường hợp người bị kết án phạt tù không
đủ năng lực để đồng ý theo pháp luật Bên chuyển giao thì phải có sự đồng ý của
người đại diện hợp pháp của người đó;
(g) Khi Ô-xtrây-lia là Bên chuyển giao và khi người
bị kết án phạt tù chấp hành bản án theo pháp luật của một bang hoặc lãnh thổ của
Ô-xtrây-lia thì chính quyền bang hoặc lãnh thổ đó phải đồng ý với việc chuyển
giao;
(h) Khi Ô-xtrây-Iia là Bên nhận, chính quyền bang
hoặc lãnh thổ của Ô-Xtrây-Iia nơi sẽ thi hành bản án phải đồng ý với việc chuyển
giao;
(i) Người bị kết án phạt tù đã được Bên nhận thông
báo đầy đủ về các chi phí của việc chuyển giao mà Bên nhận có thể thu lại chi
phí từ người bị kết án phạt tù theo quy định tại Điều 12 (2).
ĐIỀU 5. THỦ TỤC CHUYỂN GIAO
(1) Các Bên phải thông báo cho người bị kết án phạt
tù về nội dung của Hiệp định này.
(2)
(a) Nếu người bị kết án phạt tù có nguyện vọng được
chuyển giao thì có thể trình bày nguyện vọng đó cho Bên chuyển giao hoặc Bên nhận,
một trong hai Bên phải thông báo việc này cho Bên kia bằng văn bản.
(b) Yêu cầu chuyển giao có thể do Bên chuyển giao
hoặc Bên nhận đưa ra.
(c) Yêu cầu chuyển giao phải được lập thành văn bản
và bao gồm các nội dung sau đây:
(i) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của
người bị kết án phạt tù;
(ii) Quốc tịch hoặc tình trạng cư trú của người bị
kết án phạt tù; và
(iii) Địa điểm và địa chỉ hiện nay của người bị kết
án phạt tù.
(3) Khi có yêu cầu chuyển giao, Bên chuyển giao phải
cung cấp cho Bên nhận những thông tin sau đây:
(a) Một bản báo cáo về sự việc là căn cứ cho việc kết
án và tuyên hình phạt và luật hiện hành quy định về tội phạm đó;
(b) Ngày kết thúc hình phạt, nếu có, và thời gian
người bị kết án đã chấp hành hình phạt và bất kỳ quyết định nào về việc giảm án
mà người bị kết án được hưởng căn cứ vào thành tích lao động, hạnh kiểm tốt, thời
gian giam giữ trước khi xét xử hoặc lý do khác;
(c) Một bản sao giấy chứng nhận hoặc biên bản về việc
kết án và hình phạt và, nếu có, bản sao các phán quyết và nhận xét về hình phạt;
(d) Chi tiết về yêu cầu dẫn độ người bị kết án phạt
tù đã được gửi đến Bên chuyển giao hoặc về bất cứ quốc gia nào đã thể hiện sự
quan tâm đến việc dẫn độ người bị kết án hoặc theo ý kiến của Bên chuyển giao
thì quốc gia đó chắc chắn sẽ yêu cầu dẫn độ;
(e) Các báo cáo về vấn đề cải tạo, y tế hay xã hội
liên quan đến người bị kết án phạt tù, thông tin về quá trình điều trị của người
bị kết án phạt tù tại Bên chuyển giao, và khuyến nghị về việc tiếp tục điều trị
người đó tại Bên nhận, nếu có; và
(f) Các thông tin bổ sung khác do Bên nhận yêu cầu.
(4) Nếu có yêu cầu của Bên chuyển giao, Bên nhận phải
cung cấp cho Bên chuyển giao những thông tin sau đây trước khi chuyển giao:
(a) Một tài liệu hay tuyên bố nêu rõ người bị kết án
phạt tù đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu tại Điều 4 (b) hoặc 4 (c);
(b) Bản tuyên bố về hành động hoặc không hành động
đã bị tuyên hình phạt cấu thành tội phạm theo pháp luật của Bên nhận hoặc sẽ cấu
thành tội phạm nếu như được thực hiện trên lãnh thổ của Bên nhận. Hoặc là một
tuyên bố về việc Bên nhận từ bỏ yêu cầu này theo quy định của pháp luật nước
đó;
(c) Bản mô tả cách thức mà Bên nhận sẽ thi hành
hình phạt đã tuyên đối với người bị kết án phạt tù; và
(d) Các thông tin bổ sung khác.
(5) Nếu có yêu cầu, các Bên phải cung cấp cho nhau
tối đa thông tin, tài liệu, văn bản có liên quan trước khi gửi yêu cầu chuyển
giao hoặc quyết định có đồng ý với việc chuyển giao hay không.
(6) Cơ quan có thẩm quyền của Bên chuyển giao sẽ
giao người bị kết án phạt tù cho cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận vào thời
gian và địa điểm trong phạm vi lãnh thổ của Bên chuyển giao theo thỏa thuận giữa
hai Bên.
ĐIỀU 6. SỰ ĐỒNG Ý CỦA NGƯỜI BỊ
KẾT ÁN
(1) Bên chuyển giao phải bảo đảm rằng người bị kết
án phạt tù đồng ý với việc chuyển giao một cách tự nguyện và với nhận thức đầy
đủ về những hệ quả pháp lý của việc chuyển giao. Thủ tục thể hiện sự đồng ý sẽ
do pháp luật của Bên chuyển giao quy định.
(2) Nếu Bên nhận mong muốn, trước khi chuyển giao,
Bên chuyển giao phải tạo điều kiện cho Bên nhận xác minh sự đồng ý của người bị
kết án về việc chuyển giao nói tại Điều 4 (f) là tự nguyện với sự hiểu biết đầy
đủ về hệ quả pháp lý của việc này thông qua một quan chức do Bên nhận chỉ định.
ĐIỀU 7. BẢO LƯU QUYỀN TÀI PHÁN
Bên chuyển giao bảo lưu quyền tài phán đối với việc
xem xét lại, sửa đổi, huỷ bỏ, ân xá, đặc xá hoặc giảm án và hình phạt mà Tòa án
nước mình đã tuyên.
ĐIỀU 8. TIẾP TỤC THI HÀNH HÌNH
PHẠT
(1) Bên nhận phải thi hành hình phạt được tuyên ở
Bên chuyển giao.
(2) Việc tiếp tục thi hành hình phạt sau khi chuyển
giao quy định tại Điều 8 (3) dưới đây phải theo quy định của pháp luật và trình
tự của Bên nhận.
(3) Nếu tính chất hoặc thời hạn của hình phạt đó
không tương thích với pháp luật của Bên nhận thì Bên nhận có thể chuyển đổi hình
phạt đó cho phù hợp với hình phạt mà pháp luật của mình quy định đối với tội phạm
tương tự. Khi chuyển đổi hình phạt, cơ quan có thẩm quyền của Bên nhận phải căn
cứ vào các kết luận về sự kiện của vụ án được thể hiện trong các ý kiến, bản luận
tội, phán quyết hoặc hình phạt đã được Bên chuyển giao tuyên. Hình phạt chuyển
đổi không được nghiêm khắc hơn hình phạt mà Bên chuyển giao đã tuyên về tính chất
và thời hạn.
(4) Nếu người bị kết án phạt tù là người chưa thành
niên theo pháp luật của Bên nhận thì Bên nhận có thể đối xử với người đó như một
người chưa thành niên bất kể người đó có thân phận gì theo pháp luật của Bên
chuyển giao.
(5) Sau khi người bị kết án phạt tù được chuyển
giao, Bên nhận thực hiện việc giảm án hoặc tha tù cho người bị kết án ngay sau
khi nhận được thông báo về quyết định của Bên chuyển giao theo quy định tại Điều
7.
(6) Các Bên thông báo cho người bị kết án bằng văn
bản về bất kỳ hành động hoặc quyết định của Bên chuyển giao hay của Bên nhận
theo quy định tại khoản (2) đến khoản (5) Điều này.
ĐIỀU 9. THÔNG TIN VỀ VIỆC THI
HÀNH HÌNH PHẠT
Bên nhận cung cấp các thông tin liên quan đến việc
thi hành hình phạt cho Bên chuyển giao trong các trường hợp sau đây:
(a) Người bị kết án phạt tù được tạm tha có điều kiện;
(b) Khi Bên nhận cho rằng việc thi hành hình phạt
đã kết thúc;
(c) Người bị kết án phạt tù bỏ trốn khỏi nơi giam
giữ hoặc chết trước khi chấp hành xong hình phạt;
(d) Bên chuyển giao yêu cầu một bản báo cáo.
ĐIỀU 10. QUÁ CẢNH NGƯỜI BỊ KẾT
ÁN
Nếu một trong hai Bên chuyển người bị kết án phạt
tù đến hoặc từ một địa điểm bên ngoài lãnh thổ của mình, Bên kia phải, phù hợp
với pháp luật của mình, hợp tác để tạo thuận lợi cho việc quá cảnh người bị kết
án qua lãnh thổ của mình. Bên có ý định thực hiện việc di chuyển phải thông báo
trước cho Bên kia về việc quá cảnh này.
ĐIỀU 11. NGÔN NGỮ
Yêu cầu chuyển giao và các tài liệu liên quan phải
kèm theo bản dịch sang ngôn ngữ chính thức của Bên nhận.
ĐIỀU 12. CHI PHÍ
(1) Bên nhận phải chịu các chi phí sau đây:
(a) Chuyển giao người bị kết án phạt tù, trừ chi
phí phát sinh trên lãnh thổ của Bên chuyển giao; và
(b) Tiếp tục thi hành bản án sau khi chuyển giao.
(2) Tuy nhiên, Bên nhận có thể tìm cách thu hồi
toàn bộ hay một phần chi phí chuyển giao từ người bị kết án phạt tù.
ĐIỀU 13. THAM VẤN
Cơ quan trung ương của các Bên ký kết có thể tham vấn
nhau để nâng cao hiệu quả áp dụng của Hiệp định này và đồng ý về các biện pháp
thực tiễn cần thiết để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Hiệp định này.
ĐIỀU 14. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
(1) Mọi tranh chấp phát sinh từ việc giải thích, áp
dụng hoặc thực hiện Hiệp định này được giải quyết thông qua Cơ quan trung ương.
(2) Nếu các Cơ quan trung ương không giải quyết được
tranh chấp theo quy định tại Điều 14 (1), các Bên có thể giải quyết tranh chấp
thông qua đường ngoại giao.
ĐIỀU 15. LÃNH THỔ ÁP DỤNG
Hiệp định này được áp dụng trên lãnh thổ Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lãnh thổ Ô-xtrây-lia.
ĐIỀU 16. NGÀY CÓ HIỆU LỰC VÀ
VIỆC CHẤM DỨT HIỆU LỰC
(1) Hiệp định này có hiệu lực sau ba mươi ngày kể từ
ngày các Bên thông báo cho nhau bằng văn bản về việc yêu cầu của mỗi Bên để Hiệp
định có hiệu lực đã được tuân thủ.
(2) Hiệp định này được áp dụng đối với yêu cầu chuyển
giao đưa ra sau khi Hiệp định này có hiệu lực, kể cả trong trường hợp hình phạt
đã được tuyên trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.
(3) Mỗi Bên đều có thể chấm dứt Hiệp định này bất cứ
lúc nào bằng cách thông báo bằng văn bản cho Bên kia. Trong trường hợp này, Hiệp
định chấm dứt hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày nhận được thông báo.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được sự ủy
quyền đầy đủ của Nhà nước mình, đã ký Hiệp định này.
Được làm thành hai bản tại Can-bê-ra, ngày 13 tháng
10 năm 2008 bằng tiếng Anh và tiếng Việt, các bản có giá trị như nhau.
THAY MẶT CỘNG
HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Trung tướng Trần Đại Quang
|
THAY MẶT
Ô-XTRÂY-LIA
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Hon. Robert Debus
|