ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/CT-UBND
|
Thái Bình, ngày 14
tháng 8 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, PHÁT HIỆN, ĐẤU TRANH XỬ LÝ CÁC HÀNH VI XÂM HẠI TÌNH DỤC
TRẺ EM
Thời gian gần đây, tội phạm xâm hại trẻ em, đặc
biệt là xâm hại tình dục trẻ em diễn ra phức tạp, xu hướng gia tăng cả về số vụ
và tính chất. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 15 vụ xâm
hại tình dục trẻ em, tăng 114,3% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý, có nơi, có
thời điểm xảy ra liên tiếp; nhiều vụ việc tính chất rất nghiêm trọng, đối tượng
thực hiện hành vi xâm hại với nhiều nạn nhân và trong một thời gian mới bị phát
hiện, tố giác... gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu của
tình hình trên là do: Một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo quyết liệt công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; công tác tuyên
truyền, giáo dục phòng ngừa còn thiếu chiều sâu; sự phối hợp giữa gia đình, nhà
trường và xã hội trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em chưa chặt chẽ; các
tổ chức đoàn, hội, các mô hình tự quản về phòng chống tội phạm ở địa bàn cơ sở
chưa phát huy tốt vai trò; công tác quản lý, giáo dục con em, người thân trong
một số gia đình chưa được quan tâm đúng mức...
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu
quả đối với tội phạm và các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên
địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể
tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo thực
hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác
phòng, chống tội phạm, trọng tâm là Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X
về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm
trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa
XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về
tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về
phòng, chống xâm hại trẻ em; Chương trình phòng chống tội phạm giai đoạn
2016-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 13/7/2018 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống
tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng
chống bạo lực gia đình, mua bán người” giai đoạn 2018-2020; Chỉ thị số 08/CT-UBND
ngày 26/4/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác quản lý, kiểm
tra giám sát thực hiện chính sách pháp luật về trẻ em trên địa bàn tỉnh Thái
Bình; Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 31/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc
tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em
trên môi trường mạng; Công văn số 5021/UBND-KGVX ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân
dân tỉnh về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện các giải pháp
phòng, chống xâm hại trẻ em...; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn,
phối hợp của các ngành chức năng với các đơn vị, địa phương trong công tác phòng
ngừa, đấu tranh tội phạm này nhằm làm giảm thấp nhất về số vụ, số trẻ em bị xâm
hại tình dục trên địa bàn tỉnh.
2. Công an tỉnh
- Tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban,
ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa; cung cấp, thông báo
phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em để cán bộ,
nhân dân, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nâng cao ý thức tự cảnh giác,
tự phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
- Chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp
vụ nắm tình hình, xác định địa bàn trọng điểm, hệ loại đối tượng, nguyên nhân,
điều kiện, khó khăn, vướng mắc và dự báo tình hình hoạt động của tội phạm xâm
hại tình dục trẻ em; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng có tiền
án, tiền sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng có lối sống không
lành mạnh, lệch chuẩn... Quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh có
điều kiện về an ninh trật tự (nhà nghỉ, khách sạn, quán bar, karaoke,
massage...) kịp thời có biện pháp phòng ngừa không để tội phạm lợi dụng hoạt
động.
- Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận đơn thư,
tố giác, tin báo tội phạm, áp dụng đồng bộ các biện pháp xác minh, điều tra,
nâng cao tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Chủ động
phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh để thu thập, củng cố chặt chẽ tài liệu,
chứng cứ ngay từ ban đầu, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
3. Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành đôn đốc,
hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em;
thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em
bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột theo quy định tại Luật Trẻ em;
phối hợp các đơn vị liên quan phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ
em các cấp.
- Tăng cường tuyên truyền Tổng đài quốc gia bảo vệ
trẻ em (số điện thoại 111); đường dây tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan
đến trẻ em, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác vụ việc xâm hại trẻ em của
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội số 1900599926 để mọi trẻ em, cơ quan, tổ
chức, cá nhân liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác
nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; đôn đốc các huyện, thành phố rà soát, kiện
toàn, củng cố “Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em” theo quy định tại Khoản
2, Điều 94 Luật Trẻ em.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo, hướng
dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền phòng ngừa, tăng cường giáo dục
kiến thức giới tính và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh; phối
hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em; phấn đấu đạt các
tiêu chuẩn về trường học bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân
thiện, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; chủ động phát hiện các trường hợp
học sinh có dấu hiệu bị xâm hại tình dục để kịp thời thông báo, cung cấp thông
tin và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra, xử lý các vụ
việc xâm hại tình dục xảy ra đồng thời gần gũi, động viên tinh thần đối với các
em. Tăng cường theo dõi, giáo dục, uốn nắn học sinh có biểu hiện chán học, bỏ
học thường xuyên, ham chơi, đua đòi, thực dụng; tạo môi trường lành mạnh để các
em học tập, vui chơi.
5. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành có liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về
giám định pháp y đối với các trường hợp bị xâm hại tình dục, bảo đảm nhanh
chóng, kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn, chăm sóc sức
khỏe cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, phối hợp chặt chẽ với cơ
quan Công an để kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ y tế nhằm bảo vệ chứng
cứ, tránh làm mất dấu vết của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
6. Sở Tư pháp: Tăng cường công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em; chỉ
đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch
trợ giúp pháp lý cho những trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục nhằm bảo đảm
quyền lợi cho các em trong quá trình tham gia các hoạt động điều tra, xử lý vụ
việc liên quan trước pháp luật.
7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo,
hướng dẫn các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, tận
dụng ưu thế của mạng xã hội trong việc chia sẻ thông tin để tuyên truyền, giáo
dục pháp luật, phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em; các biện pháp, cách thức phòng,
chống xâm hại tình dục trẻ em để gia đình, nhà trường, cộng đồng hiểu rõ quyền,
trách nhiệm của mình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em; đồng
thời, để chính các em được trang bị những kiến thức cơ bản về tự bảo vệ mình
trước nguy cơ xâm hại tình dục.
8. Sở Tài chính: Phối hợp với các cơ quan,
đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí, bảo
đảm phục vụ triển khai tốt công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ
em trên địa bàn tỉnh.
9. Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa
án nhân dân tỉnh: Phối hợp với Cơ quan điều tra chỉ đạo tiếp nhận, giải quyết
kịp thời, nghiêm minh các vụ xâm hại tình dục trẻ em; rà soát hồ sơ các vụ xâm
hại tình dục trẻ em để xử lý dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài. Đẩy nhanh tiến
độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em theo đúng trình
tự, thủ tục quy định của pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và các đoàn thể tỉnh: Tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ
em; tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ,
kịp thời phát hiện, tố giác hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
11. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Tiếp tục
triển khai thực hiện Đề án 938 của Thủ tướng Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo
dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan
đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”; cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3
sạch”; Chương trình phối hợp giữa Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh và Công an tỉnh về
“Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội
giai đoạn 2017-2022”; Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công an,
Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình trong công tác bảo vệ phụ nữ và
trẻ em gái giai đoạn 2020-2022. Tổ chức vận động hội viên tích cực tham gia các
hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục. Tăng
cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em nữ về sức khỏe sinh sản và các
kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục.
12. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
- Tiếp tục triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm
túc, có hiệu quả Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn thi hành, ưu tiên bố trí
nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị xâm hại tình dục.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ
biến pháp luật; thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng xâm hại
tình dục trẻ em, nâng cao nhận thức cho trẻ em trong việc nhận diện, đề phòng
cảnh giác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục trẻ em;
có biện pháp hỗ trợ vật chất cho các em có hoàn cảnh khó khăn, cũng như kịp
thời động viên, giúp đỡ đối với những trường hợp bị xâm hại tình dục.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phát
động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”,
tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động chăm sóc,
bảo vệ, giáo dục giới tính, kỹ năng sống cho trẻ em bảo đảm đầy đủ điều kiện để
trẻ em phát triển về thể chất và tinh thần. Đồng thời, chủ động phát hiện, cung
cấp thông tin về những hành vi xâm hại tình dục trẻ em để cơ quan chức năng kịp
thời xác minh, xử lý nghiêm trước pháp luật. Kiện toàn, củng cố “Tổ chức phối
hợp liên ngành về trẻ em cấp xã”, “Nhóm Thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã”.
Nhận Chỉ thị này, yêu cầu các cơ quan, địa phương,
đơn vị triển khai thực hiện. Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, định kỳ báo
cáo kết quả thực hiện về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Thường trực Tỉnh ủy
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
CHỦ TỊCH
Đặng Trọng Thăng
|