TÒA
ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
07-TANDTC/CT
|
Hà
Nội, ngày 22 tháng 12 năm 1983
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XÉT XỬ CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG HOẶC SỨC KHỎE
CỦA NGƯỜI KHÁC DO VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG HOẶC TRONG KHI THI HÀNH
CÔNG VỤ
Để bảo đảm cho mọi cán bộ và công dân tích cực
tham gia đấu tranh chống tội phạm, đồng thời ngăn ngừa, hạn chế thái độ thiếu
trách nhiệm, bừa ẩu, coi thường tính mạng hoặc sức khỏe của người khác của một
số người được giao vũ khí để làm công vụ, Tòa án nhân dân tối cao căn cứ vào Sắc
luật 03 ngày 15-3-1976 (các khoản a và b của điều 5) và Nghị định số 301 ngày 10-7-1957
của Thủ tướng Chính phủ (điều 22), đã ra chỉ thị số 73-TATC ngày 2-6-1980.
Chỉ thị này đã tổng kết thực tiễn xét xử, hướng
dẫn cách phân biệt giữa các trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng, phạm tội do sử dụng vũ khí ngoài trường hợp pháp luật cho phép
trong khi thi hành công vụ, với các trường hợp phạm tội thông thường.
Chỉ thị này có tác dụng nâng cao chất lượng xét
xử và góp phần nâng cao ý thức thận trọng của người sử dụng vũ khí để phòng vệ
hoặc trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên thực tiễn thi hành chỉ thị này cho thấy
cần có hướng dẫn bổ sung để đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống và phòng ngừa tội
phạm trong tình hình hiện nay.
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã họp,
có sự tham dự của các đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ
Nội vụ, để tổng kết thực tiễn xét xử các hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe
của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi hành
công vụ trên cơ sở thi hành Chị thị 73 nhằm uốn nắn và bổ sung một số vấn đề
trong công tác đấu tranh phòng và chống loại tội phạm nói trên.
Sau khi tổ chức phổ biến bản tổng kết thực tiễn
xét xử, nghiên cứu ý kiến đóng góp của đại diện các Tòa án nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương và sau khi có ý kiến tham gia
chính thức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Tòa án
nhân dân tối cao ra chỉ thị này hướng dẫn cụ thể, “về việc xét xử các hành vi
xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng hoặc trong khi thi hành công vụ” nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình và
thay thế Chỉ thị 73-TATC ngày 2-6-1980.
Việc xét xử các hành vi này, ngoài việc trừng trị
kẻ phạm tội còn nhằm:
- Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của mọi
công dân bảo vệ lợi ích của Nhà nước đồng thời chống mọi biểu hiện coi thường mệnh
lệnh đúng đắn của người có chức vụ, quyền hạn đang thi hành công vụ, phản ứng
tiêu cực đối với những người đấu tranh ngăn ngừa tội phạm;
- Bảo đảm sự hoạt động đúng đắn của người có chức
vụ, quyền hạn, nhưng chống thái độ hách dịch, coi thường quần chúng, tệ quan
liêu, mệnh lệnh, thậm chí coi rẻ tính mạng của người khác.
I- VỀ HÀNH VI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG
HOẶC SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC DO VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG
A- VỀ ĐỊNH TỘI
Đối với những hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức
khỏe của người khác đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì tuỳ trường hợp
mà định tội là: “Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, hay
“tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn ạhi cho sức khỏe của người khác do vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.
1- Để xác định tội danh được chính xác, cần phân
biệt ranh giới giữa phòng vệ chính đáng với vượt quá giới hạn phòng vệ chính
đáng.
Khoản 1 điều 13 phần chung Bộ luật hình sự được
Quốc hội khóa VII kỳ họp thứ 5 thông qua sơ bộ đã chỉ rõ: “phòng vệ chính đáng
là hành vi của người bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể hoặc bảo vệ lợi
ích chính đáng của mình hay của người khác, mà chống lại một cách tương xứng
người đang có hành vi xâm phạm lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải
là tội phạm”.
Vậy hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của
người khác được coi là phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, khi có đầy đủ
các điều kiện sau đây:
a) Hành vi xâm hại lợi ích của Nhà nước, của tập
thể hoặc lợi ích chính đáng của công dân phải có tính nguy hiểm cho xã hội với
mức độ đáng kể, mặc dù không nhất thiết phải là một hành vi phạm tội. Ví dụ:
Người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự, trong điều kiện bình thường, dùng
dao chém người khác; người không có năng lực chịu trách nhiệm hình sự (người mắc
bệnh tâm thần, trẻ em dưới 14 tuổi) có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội hay
cho người khác như đốt nhà hoặc dùng dao chém người khác.
Nếu hành vi xâm hại chỉ có tính chất nhỏ nhặt, tức
là tính nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, không phải là phạm tội (như trộm cấp
vặt, xô đẩy, đấm đá nhẹ…) thì việc phòng vệ bằng cách gây thiệt hại đến tính mạng
hoặc sức khỏe của người xâm hại không được coi là phòng vệ chính đáng, mà là
hành vi phạm tội theo các tội danh khác nhau, tùy từng trường hợp cụ thể (gọi tắt
là theo quy định chung của pháp luật).
Việc người có hành vi nguy hiểm cho xã hội khi bị
người khác bắt, giữ (tức là thực hiện hành vi có ích cho xã hội) đã chống trả lại,
gây thiệt hại cho người bắt giữ không được coi là phòng vệ chính đáng, mà phải
chịu trách nhiệm hình sự theo quy định chung của pháp luật. Ví dụ: Hành vi của
kẻ gây rối trật tự đánh lại nhân viên công an hoặc đội viên thanh niên cờ đỏ
đang dùng vũ lực để bắt giữ thì bị coi là tội chống người thi hành công vụ.
b) Hành vi nguy hiểm cho xã hội được coi là đã bắt
đầu, nếu nó đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng hoặc sức
khỏe của người xâm hại không được coi là phòng vệ chính đáng. Ví dụ: B gặp A
đang đi ngoài phố, B bảo A: “Nếu đến giờ X, ngày Y… mà A không đem tiền hoặc đồ
vật đến nộp ở địa điểm Z…, thì sẽ bị giết”, A bực mình rút ngay súng bắn chết
B. C cãi nhau với D và bị D đánh; khi D bỏ đi, C lấy súng bắn đuổi theo làm cho
D chết. Hành vi phòng vệ “quá sớm” của A và hành vi phòng vệ “quá muộn” của C
không được coi là phòng vệ chính đáng, mà cấu thành tội giết người thông thường
với tình tiết giảm nhẹ do nạn nhân có lỗi.
c) Hành vi phòng vệ chính đáng được thực hiện
không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà có thể bằng cách tích
cực, chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại và do đó chỉ
có thể là cố ý. Ví dụ: A cầm gậy đánh B, B tránh được rồi đâm A ngã gục.
Vì vậy, nếu một người dù có khả năng bỏ chạy hoặc
kêu cứu mà vẫn gây thiệt hại cho người xâm hại để phòng vệ, thì hành động của họ
vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Nếu trong khi phòng vệ mà gây thiệt hại, không
phải là cho người xâm hại, mà cho người thứ ba, thì hành vi gây thiệt hại không
được coi là phòng vệ chính đáng, mà tùy theo tình tiết của sự việc cấu thành tội
giết người, tội cố ý gây thương tích nặng, gây tổn hại cho sức khỏe người
khác…, theo quy định chung của pháp luật và có thể có tình tiết giảm nhẹ nhất định.
Ví dụ: vì bị A đánh, B vừa tránh vừa chém lại A, nhưng không may lại chém nhầm
phải C là người vừa vào để can ngăn.
Hành vi vô ý gây thiệt hại cho người xâm hại
không phải là phòng vệ chính đáng, mà có thể là hành vi phạm tội thông thường
vô ý. Ví dụ: Khi giằng co để không cho người say rượu đánh mình, người cầm súng
đã vô ý để súng nổ làm chết người say rượu.
Hành vi phòng vệ bằng cách cố ý gây thương tích,
nhưng dẫn đến hậu quả chết người (ngoài sự mong muốn của người gây thương
tích), cũng được coi là có tính chất phòng vệ.
d) Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi
xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính
chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.
Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người
phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người
xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Giữa hai thiệt hại đó
có thể không có sự phù hợp về lượng hoặc về chất, chỉ miễn là không có sự chênh
lệch quá đáng sau khi cân nhắc tính chất quan trọng của lợi ích được bảo vệ bằng
phòng vệ chính đáng, sức mạnh của sự xâm hại, khả năng và hoàn cảnh thực tế của
người phòng vệ. Ví dụ: một nhóm người xông vào đánh B, B bất ngờ bị đánh đau và
bỏ chạy; chạy được mấy chục mét vẫn thấy có một số người đuổi theo, B đứng lại,
mở dao nhíp có sẵn trong người để đe “đứa nào vào đây, tao đâm”; một trong số
những người đuổi theo xông vào để tiếp tục đánh, B dùng dao nhíp dâm bừa một
nháp vào ngực người đó làm người đó chết.
Trong ví dụ này, B ở vào tình thế bị một nhóm
người tấn công trước, bất ngờ nên phải bỏ chạy. Sự tấn công tuy là bằng chân
tay không, nhưng là do đông người gây ra, lại gây ra trong đêm tối, B phòng vệ
bằng dao có sẵn trong người, đã răn đe trước, nhưng vẫn bị đối phương ỷ thế
đông người tiếp tục tấn công. Hành vi phòng vệ của B… bằng cách dùng dao đâm một
trong số những người tấn công, dẫn đến chết người, được coi là tương xứng, là
chính đáng, là hợp pháp.
Nếu hành vi phòng vệ không tương xứng, không phù
hợp, có chênh lệch quá đáng so với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi
xâm hại, nghĩa là người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây
thiệt hại quá đáng cho người xâm hại, mà tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi
xâm phạm cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và
phương pháp đó, thì người phòng vệ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết
người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay tội cố ý gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính
đáng. Ví dụ: H tổ viên bảo vệ nhà trường, nghe tin có bọn càn quấy đến trường
gây sự đánh mình; đáng lẽ trong hoàn cảnh nhà trường có đông người, H có thể
cùng mấy người ra đối phó, nhưng H đã một mình vác súng ra cổng trường; hoặc
đáng lẽ trong trường hợp có súng để đối phó, H phải răn đe khi bị tấn công,
nhưng H đã sử dụng bắn chết ngay một người xông vào tấn công mình.
2- Thực tiễn xét xử còn đòi hỏi phải phân biệt
giữa phòng vệ chính đáng với phòng vệ tưởng tượng.
Phòng vệ tưởng tượng là việc gây thiệt hại cho
người khác do tưởng lầm rằng người đó hiển nhiên có hành vi xâm hại nguy hiểm
cho xã hội.
Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng gây thiệt
hại cho người khác chỉ được miễn trách nhiệm hình sự khi hoàn cảnh cụ thể cho
phép người đó tin một cách hợp lý rằng có sự xâm hại thực sự và người đó không
biết rằng mình đã tưởng lầm. Trong hoàn cảnh cụ thể nhất định, người phòng vệ
tưởng tượng không nhận thức được, không buộc phải nhận thức được, và không thể
nhận thức được là không có hành vi xâm hai nguy hiểm cho xã hội. Ví dụ: A đi
qua vườn hoa trong đêm tối gặp mây tên càn quấy, bọn này tưởng A là thiếu nữ,
do bọn chúng thách đố nhau, một tên đến gần và dở trò trêu ghẹo thì bị A rút
dao đâm, vì A tưởng lầm rằng tên đó có ý định cướp tài sản. Trong trường hợp
này hành động trêu ghẹo của nạn nhân mặc dù thực chất không phải là cướp tài sản,
nhưng đã là cơ sở cụ thể để cho A tin tưởng rằng bị cướp, do đó A được miễn
trách nhiệm hình sự.
Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng gây thiệt
hại cho người khác do tưởng lầm một cách không có căn cứ là có hành vi xâm hại
nguy hiểm cho xã hội, được coi là phạm tội do cố ý theo quy định chung của pháp
luật. Ví dụ: A đang đi trong vườn hoa lúc có nhiều người, thấy B đang ngồi ở ghế
đá đứng lên lững thửng đi về phía mình; A rút dao đâm B vì tưởng lầm là B đến
cướp tài sản của mình. Trong trường hợp này, mới chỉ trông thấy B đi lững thững
về phía mình trong hoàn cảnh vườn hoa có nhiều người mà đã vội nghi ngờ là B đến
cướp tài sản của mình. Sự nghi ngờ đó là hoàn toàn không có căn cứ; do đó hành
vi A đâm B là phạm tội do cố ý.
3- Hành vi xâm hại tính mạng hoặc sức khỏe của
người khác mà không được coi là phòng vệ chính đáng, thì có thể là hành vi phạm
tội thông thường (tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho
sức khỏe của người khác) hoặc là hành vi phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng.
Khoản 2 điều 13 phần chung Bộ luật hình sự được
thông qua sơ bộ đã chỉ rõ: “nếu hành vi chống trả rõ ràng là quá đáng, tức là
vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì người có hành vi đó phải chịu trách
nhiệm hình sự”.
Vì vậy hành vi xâm hại tính mạng hoặc sức khỏe của
người khác được coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi không có đầy đủ
4 điều kiện nói ở đoạn 1, nhất là hành vi phòng vệ không tương ứng với hành vi
xâm hại, tức là có sự chênh lệch quá đáng giữa tính chất và mức độ nguy hiểm của
hành vi xâm hại với hành vi phòng vệ, giữa phương tiện và phương pháp mà bên
xâm hại với bên phòng vệ đã dùng, giữa sức lực và khả năng của hai bên, phương
tiện họ có sẵn, hoàn cảnh cụ thể khi xảy ra sự việc.
Nếu sự chênh lệch giữa hành vi xâm hại và hành
vi phòng vệ rõ ràng là quá đáng, thì sự phòng vệ mới bị coi là vượt quá giới hạn
phòng vệ chính đáng, vì cần phải chú ý rằng người phòng vệ không phải bao giờ
cũng có khả năng đánh giá được một cách chính xác tính chất và mức độ nguy hiểm
của hành vi xâm hại và lựa chọn biện pháp phòng vệ cho thật thích hợp, nhất là
trong trường hợp tinh thần bị hành vi xâm hại kích động đột ngột. Vì vậy nếu sự
chênh lệch là không quá đáng, sự vượt quá là không rõ ràng, hoặc không đáng kể
thì sự phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Tóm lại, khi phân biệt ranh giới giữa phòng vệ
chính đáng với vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trong một vụ án cụ thể, cần
xem xét:
- Tính chất quan trọng của lợi ích bị xâm hại,
tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ;
- Tương quan sức lực giữa bên xâm hại và bên
phòng vệ (bao gồm cả phương tiện, phương pháp mà hai bên đã dùng) trong một
hoàn cảnh cụ thể.
B- VỀ ĐƯỜNG LỐI XÉT XỬ:
1- Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng là loại tội giết người có tình tiết được giảm nhẹ đặc biệt. Đối với
các trường hợp thuộc loại này, tùy theo mức độ vuợt quá giới hạn phòng vệ chính
đáng (xét về mức độ mãnh liệt của hành vi và về mức độ thiệt hại), Tòa án có thể
áp dụng Sắc luật 03 ngày 15-3-1976 (điều 5, khoản a, đoạn 1) phạt tù từ 3 tháng
đến 3 năm.
2- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức
khỏe cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là loại tội cố ý
gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có tình tiết được
giảm nhẹ đặc biệt. Đối với trường hợp phạm tội thuộc loại này, tùy theo mức độ
vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng Tòa án có thể áp dụng Sắc luật 03 ngày
15-3-1976 (điều 5, khoản b, đoạn 1) phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
II- VỀ HÀNH VI XÂM PHẠM TÍNH
MẠNG HOẶC SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ
A- VỀ TỘI DANH
Đối với những hành vi xâm hại tính mạng hoặc sức
khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ, thì tuỳ trường hợp mà định tội
là “Tội xâm hại tính mạng của người khác trong khi thi hành công vụ” (nếu là chết
người) hay “tội xâm hại sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ” (nếu
gây thương tích).
Cần nắm vững những dấu hiệu chủ yếu của các tội
phạm này là:
a) Đây là các trường hợp giết người, làm chết
người hay gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người
khác do sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp luật cho phép.
Giết người là hành vi cố ý trực tiếp hoặc gián
tiếp tước đoạt tính mạng của người khác. Làm chết người là hành vi cố ý gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, nhưng trong hoàn cảnh
nhất định gây ra hậu quả chết người.
Theo điều 22 Nghị định số 301 ngày 10-7-1957 của
Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật số 103-SL ngày 20-5-1957 đảm
bảo quyền tự do thân thể, thì:
Nếu trong khi tiến hành việc bắt, tạm giữ, tạm
giam, khám người, khám nhà ở mà gặp những trường hợp cần thiết sau đây, người
thi hành nhiệm vụ có thể dùng vũ khí
a) Khi thi hành việc bắt, giữ, giam, khám, mà gặp
sức kháng cự của kẻ phạm pháp, cần phải bảo vệ tính mệnh của mình hoặc của người
khác đang bị đe dọa nghiêm trọng.
b) Khi cần phải ngăn chặn những người phạm tội
chính trị hoặc hình sự quan trọng có hành động trốn tránh pháp luật.
c) Khi người bị giam đang vượt trại giam hoặc
khi can phạm quan trọng chạy trốn trong lúc đang bị dẫn giải.
Trong cả ba trường hợp trên, người thi hành nhiệm
vụ chỉ được dùng vũ khí sau khi đã cảnh cáo, đã ra lệnh hoặc đã hô “đứng lại”
hoặc “giơ tay lên” mà kẻ phạm pháp không tuân theo hoặc vẫn cố tình chống cự lại.
Giết người, làm chết người, gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong những trường hợp nói trên không
phải là phạm tội.
Vậy sử dụng vũ khí ngoài những trường hợp pháp
luật cho phép là sử dụng vũ khí trái với những quy định nói trên, là phạm tội,
tức là: Về phía nạn nhân thì chưa có hành vi kháng cự, mới bị tình nghi chứ
chưa có biểu hiện rõ ràng là phạm tội nghiêm trọng, hoặc tuy đã phạm tội nghiêm
trọng, nhưng không có hành động trốn tránh pháp luật; về phía người sử dụng vũ
khí, thì đã tỏ ra thiếu thận trọng, không làm đúng thủ tục quy định trước khi nổ
súng vào nạn nhân, như: cảnh cáo, ra lệnh hay hô “đứng lại” hoặc “giơ tay lên”
mà nạn nhân không tuân theo hoặc vẫn có tình chống cự lại.
Giết người, làm chết người, gây thương tích hoặc
gây tổn hại đến sức khỏe của người khác trong những những trường hợp này bị coi
là phạm tội trong khi thi hành công vụ.
Tội phạm hình sự quan trọng theo điểm b, điều 22
Nghị định 301 được hiểu là phạm tội về hình sự thường (tức không phải là tội phản
cách mạng hoặc tội khác xâm phạm an ninh quốc gia) thuộc loại tội nghiêm trọng.
(Điều 8 phần chung Bộ luật hình sự). Ví dụ: trong tình hình đấu tranh gay gắt
chống tội phạm hiện nay, tại một xí nghiệp đã nhiều lần bị kẻ trộm vào kho lấy
vật tư, hàng hóa (có lần kẻ trộm dùng dao hành hung nhân viên bảo vệ để thoát
thân) hiện tượng kẻ trộm vào kho được coi là phạm tội quan trọng (tức là tội
nghiêm trọng).
b) Người phạm tội là nhân viên Nhà nước, nhân
viên tổ chức xã hội (như bộ đội, công an, du lích, tự vệ, thanh niên cờ đỏ
v.v…) được giao vũ khí để làm công vụ cụ thể, rõ ràng. Người công dân thường,
hoặc nhân viên Nhà nước, nhân viên tổ chức xã hội ngoài nhiệm vụ chính của
mình, cũng được coi như làm công vụ khi tham gia đấu tranh chống tội phạm quả
tang hoặc chống hành vi bị nghi một cách hợp lý là phạm tội quả tang.
c) Hành vi cố ý do động cơ muốn thực hiện nhiệm
vụ của người sử dụng vũ khí nhằm đối phó với hành vi trái pháp luật hoặc hành
vi bị tình nghi một cách hợp lý là trái pháp luật, được coi là hành vi chính
đáng hoặc cần thiết trong khi thi hành công vụ.
Nếu khi thi hành công vụ mà sử dụng vũ khí vì động
cơ tư thù, vụ lợi, ghen tức, v.v… thì không được coi là thi hành công vụ.
Trong khi thi hành công vụ, nếu do vô ý mà gây
chết người gây thương tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người
khác thì tuỳ trường hợp mà định tội là vô ý làm chết người hay vô ý gây thương
tích nặng hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác.
Tóm lại, phải xem xét đầy đủ các dấu hiệu chủ yếu
như đã nêu ở trên để phân biệt:
- Trường hợp có xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe
của người khác, nhưng không phải là phạm tội;
- Trường hợp phạm tội xâm phạm tính mạng hoặc sức
khỏe của người khác, nhưng không phải là phạm tội;
- Trường hợp phạm tội xâm phạm tính mạng hoặc sức
khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ;
- Trường hợp thông thường phạm tội giết người,
vô ý làm chết người, cố ý gây thương tích… hoặc vô ý gây thương tích…
B- VỀ ĐƯỜNG LỐI XÉT XỬ
1- Đối với tội xâm phạm tính mạng của người khác
trong khi thi hành công vụ, có thể phạt tù trong trường hợp thông thường từ 1
năm đến 5 năm và trong trường hợp nghiêm trọng (giết người hoặc làm chết nhiều
người) có thể phạt từ 3 đến 15 năm (áp dụng Sắc luật 03 ngày 15-3-1976, điều 5,
khoản a, đoạn 1).
2- Đối với tội xâm phạm sức khỏe của người khác
trong khi thi hành công vụ, có thể phạt tù trong trường hợp thông thường từ 3
tháng đến 2 năm và trong trường hợp nghiêm trọng, từ 1 năm đến 5 năm, áp dụng Sắc
luật 03 ngày 15-3-1976, điều 5 khoản 1, đoạn 1).
Đối với hai tội phạm nói trên là trường hợp giảm
nhẹ đặc biệt của tội giết người, hoặc cố ý gây thương tích cho người khác, phải
tùy theo tính chất và mức độ trái pháp luật của nạn nhân, đồng thời tùy theo mức
độ thiếu thận trọng của việc sử dụng vũ khí, mà vận dụng khung hình phạt cho
sát hợp.
III- MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1- Đối với trường hợp một hành vi có dấu hiệu của
hai hay nhiều tội phạm trong đó có dấu hiệu của tội phạm do vượt quá giới hạn
phòng vệ chính đáng và dấu hiệu của một số tội phạm có tình tiết giảm nhẹ đặc
biệt khác như xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác trong khi thi
hành công vụ, giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh v.v… thì
tùy trường hợp mà định tội danh là “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng” hay “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác
do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”, và coi các tình tiết giảm nhẹ khác
là tình tiết để lượng hình.
2- Khi xét xử các trường hợp phạm tội do vượt
quá giới hạn phòng vệ chính đáng, cũng như phạm tội trong khi thi hành công vụ,
phải luôn luôn xem xét vấn đề một cách toàn diện, quan tâm đến yêu cầu đấu
tranh chống tội phạm ở từng nơi, từng lúc, đồng thời cũng quan tâm đến yêu cầu
là người được giao vũ khí để thi hành công vụ phải thận trọng khi sử dụng vũ
khí; hết sức đề phòng cách nhìn phiến diện, chỉ chú ý đến yêu cầu này mà quên
yêu cầu kia, dẫn đến xét xử lệch lạc.
Trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm
nhẹ, người phạm tội có nhân thân tốt, Tòa án có thể phạt dưới mức tối thiểu của
khung hình phạt, cho hưởng án treo, cảnh cáo hoặc tha miễn hình phạt.
3- Người có hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức
khỏe người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong khi thi
hành công vụ, ngoài phần phải chịu trách nhiệm hình sự, có thể còn chịu trách
nhiệm dân sự tức là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Thông tư số
173 ngày 23-3-1972) của Tòa án nhân dân tối cao, xem hệ thống hóa luật lệ về
hình sự tập I trang 64), còn phải chú ý là:
a) Nếu người bị thiệt hại cũng có hành vi nguy
hiểm cho xã hội thì cần dựa trên cơ sở đánh giá mức độ lỗi của người bị thiệt hại
và mức độ lỗi của người gây thiệt hại để ấn định mức bồi thường cho thỏa đáng.
b) Về người phải bồi thường thiệt hại: trong trường
hợp gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, về nguyên tắc thì
người phạm tội phải chịu trách nhiệm bồi thường, nếu là trường hợp vượt quá giới
hạn phòng vệ chính đáng vì bảo vệ lợi ích của xã hội, lợi ích chính đáng của
người khác, Tòa án có thể vận động cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội hoặc người
có lợi ích được bảo vệ giúp đỡ người bồi thường. Trong trường hợp phạm tội
trong khi thi hành công vụ, trường hợp phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ
chính đáng có tình tiết “trong khi thi hành công vụ”, cơ quan quản lý người gây
thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường.
* Chú thích
Nội dung của chỉ thị này không trái với quy định
của Bộ luật hình sự. Riêng về định tội và lượng hình, nay thực hiện theo điều
102, điều 103, điều 109 khoản 4 Bộ luật hình sự.