QUYẾT ĐỊNH
VỀ TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỘ MỚI THOÁT NGHÈO
Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm
2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, có hiệu lực
kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2015 được sửa đổi, bổ sung bởi:
Quyết định số 02/2021/QĐ-TTg ngày 21 tháng 01
năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số
28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối
với hộ mới thoát nghèo, có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 3 năm 2021.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày
16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các Tổ chức tín dụng ngày 16
tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24
tháng 6 năm 2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
đến năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04
tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng
chính sách khác;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về
tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo[1].
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quyết định này quy định về tín dụng đối với hộ mới
thoát nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh
nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Quyết định
này là hộ gia đình đã từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, qua điều tra, rà soát hằng
năm có thu nhập bình quân đầu người cao hơn chuẩn cận nghèo theo quy định của
pháp luật hiện hành, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và thời gian kể từ
khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa là 3 năm.
Điều 3. Nguồn vốn cho vay
Nguồn vốn cho vay theo quy định tại Nghị định số
78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người
nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Điều 4. Mức cho vay
Mức cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ
mới thoát nghèo thỏa thuận nhưng không vượt quá mức cho vay cùng loại phục vụ sản
xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo được quy định trong từng thời kỳ.
Điều 5. Thời hạn cho vay
Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội
và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả
năng trả nợ của khách hàng nhưng không quá 5 năm.
Điều 6. Lãi suất cho vay
1. Lãi suất cho vay áp dụng đối với hộ mới thoát
nghèo bằng 125% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho
vay.
Điều 7. Gia hạn nợ, chuyển nợ
quá hạn
Gia hạn nợ, chuyển nợ quá hạn đối với các khoản
nợ của hộ mới thoát nghèo được thực hiện như đối với hộ nghèo theo quy định tại
Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng
đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Điều 8. Hồ sơ, thủ tục cho
vay và xử lý nợ bị rủi ro
1. Hồ sơ, quy trình và thủ tục cho vay đối với hộ
mới thoát nghèo được thực hiện như đối với cho vay hộ nghèo.
2. Việc xử lý nợ bị rủi ro đối với các khoản nợ
của hộ mới thoát nghèo được thực hiện theo cơ chế xử lý nợ bị rủi ro của Ngân
hàng Chính sách xã hội.
Điều 9. Trách nhiệm của các
đơn vị liên quan
1. Ngân hàng Chính sách xã hội:
a) Quy định hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục
cho vay đối với hộ mới thoát nghèo như đối với cho vay hộ nghèo, đảm bảo đơn giản,
rõ ràng, dễ thực hiện.
b) Thực hiện cho vay đối với hộ mới thoát nghèo
theo quy định tại Quyết định này.
c) Xây dựng kế hoạch nguồn vốn hằng năm để cho
vay các chương trình tín dụng chính sách, trong đó có cho vay đối với hộ mới
thoát nghèo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Định kỳ hằng tháng (chậm nhất là ngày 15 của
tháng kế tiếp), Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
về kết quả thực hiện cho vay đối với hộ mới thoát nghèo.
2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan
trong việc tổ chức, thực hiện tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo và đề xuất xử
lý các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
b) Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm; báo cáo Thủ
tướng Chính phủ về kết quả triển khai, thực hiện tín dụng đối với hộ mới thoát
nghèo và đề xuất giải pháp triển khai trong những năm tiếp theo.
3. Bộ Tài chính:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan
trình Thủ tướng Chính phủ về nguồn vốn từ ngân sách trung ương dành cho Ngân
hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách,
trong đó có tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo quy định.
b) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
trong việc tổ chức, thực hiện tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, đề xuất xử
lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Công bố số hộ mới thoát nghèo hằng năm và định
kỳ làm căn cứ cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện Quyết định này.
b) Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
trong việc tổ chức, thực hiện tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, đề xuất xử
lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.
5. Các Bộ, ngành có liên quan căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ được giao cùng phối hợp để triển khai thực hiện Quyết định này.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương chỉ đạo:
a) Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách các hộ mới
thoát nghèo, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và làm cơ sở
xác nhận để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay theo Quyết định này.
b) Các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp
phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện Quyết định này.
Điều 10. Điều khoản thi
hành [2]
1.[3] Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 9 năm
2015.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính
sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.