QUYẾT ĐỊNH[1]
VỀ
TÍN DỤNG ĐỐI VỚI HỘ GIA ĐÌNH SẢN XUẤT, KINH DOANH TẠI VÙNG KHÓ KHĂN
Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 về tín
dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, được sửa đổi,
bổ sung bởi:
Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg ngày 05/6/2023 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05
tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất,
kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7
năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với thương nhân hoạt động
thương mại tại vùng khó khăn, có hiệu lực thi hành từ ngày 08/8/2023.
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12
năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng
10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng
chính sách khác;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2006/NQ-CP ngày 04 tháng
5 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính[2].
Điều 1. Tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng
khó khăn là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho
vay phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển
nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước.
Ngân hàng Chính sách xã hội là tổ chức được giao thực hiện chính sách tín dụng
đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết
định này.
Điều 2. Vùng khó khăn[3]
1. Vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách tín dụng
đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy định tại Quyết định này bao gồm:
a) Các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung
là xã) quy định trong Danh mục các đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn
do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ;
b) Các huyện đảo không có đơn vị hành chính cấp
xã nhưng thuộc Danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo
do Thủ tướng Chính phủ ban hành cho từng thời kỳ;
c) Các thôn không thuộc các xã quy định tại điểm
a khoản này nhưng thuộc Danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân
tộc thiểu số và miền núi do cấp có thẩm quyền ban hành cho từng thời kỳ.
2. Các đơn vị hành chính thành lập trên cơ sở
chia, tách, sáp nhập các đơn vị hành chính thuộc các Danh mục nêu tại khoản 1 Điều
này cũng được hưởng chính sách tín dụng theo Quyết định này.”
Điều 3. Đối tượng được vay vốn[4]
Các hộ gia đình theo quy định của pháp luật (bao
gồm cả hộ gia đình làm kinh tế trang trại) thực hiện các hoạt động sản xuất,
kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm tại vùng khó khăn theo
quy định tại Điều 2 và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy
định tại Điều 4 Quyết định này (sau đây gọi chung là người
vay vốn).”
Điều 4. Điều kiện được vay vốn
1. Người vay vốn phải có dự án hoặc phương án sản
xuất, kinh doanh được Ủy ban nhân dân xã nơi thực hiện dự án hoặc phương án sản
xuất, kinh doanh xác nhận.
2. Người vay vốn phải có năng lực hành vi dân sự đầy
đủ.
3. Người vay vốn cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện
dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh.
4. Người vay vốn không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận
nghèo và hộ mới thoát nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ[5].
5. Người vay vốn không có dư nợ tại Ngân hàng
Chính sách xã hội đối với các chương trình[6]:
a) Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy
trì và mở rộng việc làm theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ tạo việc
làm và Quỹ quốc gia về việc làm;
b) Chương trình cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển
vùng trồng dược liệu quý theo quy định của pháp luật về chính sách tín dụng ưu
đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn
1: từ năm 2021 đến năm 2025 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
c) Các chương trình tín dụng cho vay khác đối với
hộ gia đình để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của
pháp luật (nếu có).
Điều 5. Nguyên tắc vay vốn
1. Người vay vốn phải sử dụng vốn vay đúng mục đích
xin vay của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh quy định tại Điều 6 Quyết định này.
2. Người vay vốn phải trả nợ, trả lãi đúng hạn theo
hợp đồng tín dụng đã cam kết.
3. Người vay vốn có thể vay đầu tư một hoặc nhiều dự
án, hoặc phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tổng dư nợ cho một hộ gia đình
vay vốn tại một thời điểm không vượt quá mức quy định tại Điều 7
Quyết định này.
Điều 6. Mục đích sử dụng vốn
vay
1. Mua sắm vật tư, thiết bị, phương tiện phục vụ sản
xuất; cây trồng, vật nuôi; sửa chữa, xây dựng mới nhà xưởng sản xuất, kinh
doanh; xây dựng và cải tạo đồng ruộng, trang trại chăn nuôi; các nhu cầu về vệ
sinh môi trường; thanh toán tiền thuê nhân công và các dịch vụ phục vụ sản xuất,
kinh doanh.
2. Góp vốn thực hiện các dự án hoặc phương án hợp
tác sản xuất, kinh doanh.
3. Giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở,
điện thắp sáng và đào tạo tay nghề có liên quan mật thiết đến dự án hoặc phương
án sản xuất, kinh doanh.
Điều 7. Mức vốn cho vay[7]
Mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người
vay vốn.
Điều 8. Lãi suất cho vay[8]
1. Lãi suất cho vay bằng 9%/năm.
2. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho
vay.
3. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ
tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở để xuất của Hội đồng
quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội.
4. Lãi suất cho vay đảm bảo nguyên tắc bù đắp
lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý đối với Chương trình này. Trong
đó, lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý xác định theo hướng dẫn của
Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.”
Điều 9. Thời hạn cho vay
1. Thời hạn cho vay được xác định theo các loại cho
vay: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
2. Thời hạn cho vay của từng dự án hoặc phương án sản
xuất, kinh doanh do Ngân hàng Chính sách xã hội quyết định, phù hợp với mục
đích sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của người vay vốn và chu kỳ sản xuất,
kinh doanh của từng dự án hoặc phương án vay vốn.
3. Thời hạn gia hạn nợ đối với các khoản vay vốn ngắn
hạn bằng một chu kỳ sản xuất, kinh doanh liền kề. Thời hạn gia hạn nợ đối với
các khoản cho vay trung hạn và dài hạn, tối đa bằng 1/2 thời hạn cho vay ghi
trong hợp đồng tín dụng.
Điều 10. Bảo đảm tiền vay[9]
Người vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền
vay.
Điều 11. Phương thức cho vay
Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện phương thức ủy
thác cho vay từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội hoặc trực tiếp cho
vay tùy theo mức vốn cho vay đối với một dự án hoặc phương án sản xuất, kinh
doanh và khả năng quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với phương thức ủy
thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, việc quản lý vốn bằng tiền, ghi chép kế
toán và tổ chức giải ngân đến người vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
Điều 12. Xử lý rủi ro[10]
Việc xử lý rủi ro được thực hiện theo quy định của
pháp luật về xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 13. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội
1. Quy định quy trình và nội dung lập và thẩm định
dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh; hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục
cho vay bảo đảm đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện.
2. Xây dựng quy trình và thực hiện việc kiểm tra,
giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của người vay vốn phù hợp với
đặc điểm hoạt động của ngân hàng, tính chất của khoản vay nhằm bảo đảm hiệu quả
và khả năng thu hồi vốn vay.
3. Hội đồng quản trị Ngân hành Chính sách xã hội
trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mức lãi suất cho vay trong từng
thời kỳ[11].
Điều 14. Trách nhiệm của người vay vốn
1. Lập hồ sơ vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng
Chính sách xã hội và chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của các tài
liệu gửi Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Thực hiện đầy đủ nguyên tắc vay vốn theo quy định
tại Điều 5 Quyết định này.
3. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và các cam kết
khác trong hợp đồng tín dụng.
4. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản
lý nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức làm dịch vụ ủy thác về
việc sử dụng vốn, trả nợ, trả lãi ngân hàng.
Điều 15. Trách nhiệm của các tổ chức làm dịch vụ ủy thác
Các tổ chức làm dịch vụ ủy thác cho vay vốn tại
vùng khó khăn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát người vay vốn trong việc vay vốn,
trả nợ, trả lãi theo đúng hợp đồng ủy thác đã ký với Ngân hàng Chính sách xã hội
và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm pháp luật của
mình.
Điều 16. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với chính sách tín dụng
tại vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định này, tạo điều kiện thuận lợi cho
hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Bộ Tài chính
a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tài
chính theo thẩm quyền[12].
b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp kế
hoạch tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trong
kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch cấp bù chênh lệch lãi suất hàng năm
trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội để giao Ngân hàng Chính sách xã hội
thực hiện.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ
Tài chính tổng hợp kế hoạch tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại
vùng khó khăn theo Quyết định này trong kế hoạch tín dụng chính sách và kế hoạch
cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trình Thủ tướng
Chính phủ, trình Quốc hội để giao Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chức năng
quản lý nhà nước về tiền tệ, ngoại hối, tín dụng, thanh toán có liên quan đến
tín dụng chính sách vùng khó khăn.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, sở, ban, ngành ở
địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép các chương
trình, dự án sản xuất, kinh doanh; lựa chọn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật
nuôi; phát triển ngành, nghề; tổ chức đào tạo tay nghề, chuyển giao công nghệ;
thực hiện các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chỉ
dẫn thị trường với việc sử dụng vốn tín dụng; kết hợp chương trình văn hóa - xã
hội nhằm hỗ trợ người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả và hạn chế
rủi ro;
b) Chỉ đạo Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng
Chính sách xã hội các cấp, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các
đơn vị Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn, chấp hành đầy đủ chủ trương,
chính sách tín dụng, thực hiện giải ngân trực tiếp đến người thụ hưởng, không qua
cầu cấp trung gian, thực hiện "dân chủ hóa", "công khai
hóa" kế hoạch cho vay hàng quý, hàng năm;
c) Chỉ đạo các tổ chức làm dịch vụ ủy thác của Ngân
hàng Chính sách xã hội trong việc chấp hành chính sách tín dụng đối với hộ gia
đình sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người
vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết;
cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện xử lý các khoản nợ bị rủi ro
đúng quy định của pháp luật.
Điều 17. Hàng năm, Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị
Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp xem xét những địa phương, những tổ chức và
cá nhân có thành tích trong việc tạo lập nguồn vốn, chấp hành tốt việc thực hiện
chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn
đạt hiệu quả kinh tế thiết thực để khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền
khen thưởng.
Điều 18. Hiệu lực thi hành[13]
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày,
kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính
sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công
báo);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC (5b).
|
XÁC THỰC VĂN BẢN
HỢP NHẤT
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Đức Chi
|