TỔNG
CỤC LƯƠNG THỰC - NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
58-TT/LB
|
Hà
Nội, ngày 20 tháng 05 năm 1961
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
QUY ĐỊNH QUAN HỆ VAY TRẢ GIỮA CÁC ĐƠN VỊ LƯƠNG THỰC ĐÃ HẠCH
TOÁN KINH TẾ (CÔNG TY LƯƠNG THỰC VÀ TRẠM CẤP I) VÀ CHI NHÁNH NGÂN HÀNG ĐỊA
PHƯƠNG
Căn cứ vào nhiệm vụ và phương
thức kinh doanh của Ngành Lương thực hiện nay, đồng thời để đảm bảo cho tổ chức
này chuẩn bị đầy đủ lực lượng dự trữ về lương thực cho Nhà nước để điều hòa thị
trường, đẩy mạnh luân chuyển vốn nhanh và củng cố chế độ hạch toán kinh tế,
Liên bộ Ngân hàng Nhà nước - Tổng cục lương thực quy định việc vay trả giữa các
Chi nhánh Ngân hàng địa phương và các đơn vị lương thực đã hạch toán kinh tế
như sau:
Điều 1.
Các đơn vị lương thực được vay tiền tại các Chi nhánh Ngân hàng địa phương để
tiến hành các hoạt động kinh doanh sau đây:
- Thu mua các loại lương thực:
thóc, gạo, ngô, khoai, sắn của nông dân;
- Ký hợp đồng đặt mua có ứng trước
cho nông dân;
- Thanh toán tiền mua thóc và hiện
vật khác của thuế nông nghiệp của Tài chính Nhà nước, thóc dự trữ của Cục Vật
tư, muối của các cơ quan muối, hàng của xuất nhập khẩu;
- Mua hàng điều động nội bộ (thóc,
gạo, ngô, khoai, sắn, muối) trong hệ thống ngành Lương thực;
- Trả chi phí gia công để chế biến
thóc thành gạo và gạo thành bột, v.v…
Ngoài các hoạt động kinh doanh kể
trên, trường hợp có loại kinh doanh mới phát sinh cần phải vay để có vốn hoạt động,
Tổng cục Lương thực sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Trung ương nghiên cứu và Chỉ
thị cho các Chi nhánh Ngân hàng địa phương sau.
Điều 2.
Để vay vốn thu mua lương thực, đặc biệt là thóc gạo của nông dân, các đơn vị
lương thực căn cứ vào kế hoạch thu mua từng vụ, từng quý hay tháng của địa
phương đã được Nhà nước duyệt y, tính toán mức tiền xin vay theo giá mua chỉ đạo
cộng thêm phí tổn mua hàng và thuế hàng hóa (nếu có).
Trong phạm vi mức tiền xin vay cả
vụ hay quý có chia ra từng tháng đã được địa phương (Chính quyền, Lương thực,
Ngân hàng, Tài chính), thảo luận và nhất trí, các đơn vị lương thực được vay dần
dần theo mức thực hiện kế hoạch thu mua.
Trong lúc thu mua các đơn vị
lương thực được vay theo một tài khoản riêng “tài khoản cho vay thu mua”. Sau
khi thu mua được lương thực thì cứ tuần kỳ 10 ngày, các đơn vị lương thực lập bảng
kê khai số tiền đã sử dụng thực tế vào thu mua gửi cho Ngân hàng để làm căn cứ
chuyển những số tiền đó qua khoản “vay về luân chuyển hàng hóa và dự trữ hàng
hóa” theo tài khoản cho vay đặc biệt (cần thi hành đúng Chỉ thị số 48-TD/TN,
ngày 05-05-1961của Ngân hàng Trung ương quy định việc vay trả giữa Chi điếm
Ngân hàng và cửa hàng lương thực).
Điều 3.
Các Chi nhánh Ngân hàng địa phương có trách nhiệm bảo đảm thỏa mãn vốn thu mua
cho các đơn vị lương thực, nghĩa là các đơn vị lương thực thu mua được bao
nhiêu, Ngân hàng cho vay bấy nhiêu, không hạn chế mức. Trường hợp có khả năng
thu mua được vượt mức kế hoạch thì càng tốt, Chi nhánh Ngân hàng cứ tiếp tục
cho vay thu mua vượt mức, đồng thời báo cáo về Ngân hàng Trung ương xin thêm chỉ
tiêu.
Điều 4.
Ngoài các khoản vay để thu mua trực tiếp các loại lương thực của nông dân, các
đơn vị lương thực còn được vay để luân chuyển và dự trữ hàng hóa theo “tài khoản
cho vay đặc biệt” đối với tất cả các khoản chi trả khác nói ở điều 1, cụ thể
là:
a) Vay để thanh toán tiền mua
thóc và hiện vật khác của thuế nông nghiệp của Tài chính Nhà nước:
Đối với khoản tiền mua thóc và
hiện vật khác của thuế nông nghiệp, các đơn vị lương thực được vay dần dần để
thanh toán cho ngân sách theo mức độ nhập kho. Nghĩa là trong quá trình thu thuế
cứ 5 hay 10 ngày là tối đa, các đơn vị lương thực nhập thóc và hiện vật khác
vào kho được bao nhiêu thì được vay bấy nhiêu để hoàn trả vào ngân sách đến đấy,
theo đúng Thông tư số 03-TT/LB, ngày 05-05-1961 của Liên Bộ Tài chính – Ngân
hàng Nhà nước - Tổng cục Lương thực đã quy định.
Khi cho vay, Chi nhánh Ngân hàng
địa phương ghi nợ “tài khoản cho vay đặc biệt”, đồng thời chuyển thẳng số tiền
vay vào “ tài khoản tổng dự toán” để nộp cho ngân sách Nhà nước.
b) Vay để mua hàng điều động
nội bộ trong Ngành Lương thực, mua thóc của Cục Vật tư, muối của cơ quan muối,
hàng của xuất nhập khẩu và trả chi phí gia công:
Đối với các khoản tiền mua các
loại hàng hóa này, các đơn vị lương thực đều được vay về “luân chuyển hàng hóa
và dự trữ hàng hóa”.
Căn cứ vào số tiền ghi trên hóa
đơn hay giấy đòi nợ của các đơn vị cung cấp, các đơn vị lương thực yêu cầu Chi
nhánh Ngân hàng địa phương cho vay để chi trả.
Khi cho vay, Chi nhánh Ngân hàng
địa phương ghi nợ “tài khoản cho vay đặc biệt”, đồng thời chuyển số tiền vay trả
thẳng cho các đơn vị cung cấp, không chuyển qua tài khoản tiền gửi thanh toán của
các đơn vị lương thực.
Điều 5.
Khi bán hàng ra, nguyên tắc là các đơn vị lương thực sẽ dùng toàn bộ số tiền
bán hàng theo giá vốn để trả nợ Ngân hàng. Nhưng để tranh thủ trả nợ, đẩy mạnh
luân chuyển vốn, hạ phí lưu thông trong quá trình kinh doanh, các tổ chức lương
thực có thể dùng toàn bộ số tiền bán hàng theo giá bán để trả nợ vào tài khoản
cho vay đặc biệt. Khi cần trả các chi phí, các đơn vị lương thực lại được trích
dần dần từ “tài khoản cho vay đặc biệt” chuyển qua “tài khoản tiền gửi thanh
toán”trong phạm vi mức phí lưu thông đã ghi trên kế hoạch thu chi tài vụ hàng
tháng hay quý. Việc trích tiền phí tổn sẽ làm theo từng tuần kỳ 5 hay 10 ngày một
lần tùy theo số dư tài khoản tiền gửi thanh toán còn nhiều hay ít.
Còn đối với các khoản tiền thuế,
lãi thì các đơn vị lương thực căn cứ vào tỉ lệ thuế, lãi định mức trong tổng số
tiền bán hàng đã nộp vào “tài khoản cho vay đặc biệt” mà đề nghị trích nộp cho
ngân sách mỗi tháng 2 lần (cũng có thể tính theo tỉ lệ thuế lãi thực tế của
tháng hay quý trước).
Khi điều chỉnh nợ hàng tháng.
Ngân hàng mới tính toán thu nợ theo giá vốn của hàng hóa bán ra.
Điều 6.
– Hàng tháng cứ 5 ngày (chậm nhất là 10 ngày) tháng sau, các đơn vị lương thực
phải gửi cho Chi nhánh Ngân hàng bản cân đối tài khoản (nếu hàng tháng có làm)
hay bản báo cáo thực hiện các chỉ tiêu chính để làm căn cứ điều chỉnh nợ tháng
trước cho kịp thời.
Trong việc điều chỉnh nợ, Chi
nhánh Ngân hàng cần chú ý đối chiếu:
- Xem số tiền trả nợ trong tháng
có ăn khớp với toàn bộ giá trị hàng hóa bán ra theo giá vốn không?
- Xem dư nợ cuối tháng có đủ
hàng hóa bảo đảm không? nếu số dư nợ còn thấp hơn số dư vật tư đảm bảo thì có
thể được vay thêm. Trường hợp hàng vay không đủ có hàng hóa đảm bảo hoặc số tiền
trả nợ ít hơn giá trị hàng hóa bán ra theo giá vốn. Chi nhánh Ngân hàng sẽ thu
hồi số tiền thiếu đó từ tài khoản tiền gửi thanh toán của các đơn vị lương thực.
Điều 7.
– Về thủ tục giấy tờ xin vay, cứ vào ngày 20 chậm nhất là 25 cuối tháng thứ ba
mỗi quý trước khi bắt đầu quý sau, các đơn vị lương thực gửi cho Chi nhánh Ngân
hàng các tài liệu sau đây:
- Kế hoạch mua hàng và bán hàng
cả quý có chia ra từng tháng đã được địa phương thảo luận và nhất trí.
- Kế hoạch vay trả Ngân hàng cả
quý có chia ra thành từng tháng đã được Ngân hàng thỏa thuận.
Căn cứ vào kế hoạch này. Chi
nhánh Ngân hàng địa phương lập kế hoạch cho vay, thu nợ cả quý gửi về Ngân hàng
Trung ương duyệt.
Tháng nào có sự thay đổi trong kế
hoạch, các đơn vị lương thực chỉ xin điều chỉnh lại không phải làm kế hoạch
khác.
Ngoài ra, các đơn vị lương thực
còn gửi cho Ngân hàng các báo cáo kế toán và báo cáo nghiệp vụ tháng, quý, năm,
để giúp Ngân hàng nghiên cứu nắm tình hình, tiến hành công tác cho vay kịp thời,
nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ thu mua và luân chuyển hàng hóa của Ngành Lương thực.
*
*
*
Trong quá trình chấp
hành Thông tư Liên bộ này, các Chi nhánh Ngân hàng và các đơn vị lương thực chú
ý theo dõi, nếu gặp khó khăn, trở ngại gì thì báo kịp thời phản ảnh cụ thể lên
ngành dọc nghiên cứu giải quyết.
Liên bộ rất mong các Chi nhánh
Ngân hàng và các đơn vị lương thực cùng nhau nghiên cứu kỹ, đặt kế hoạch cụ thể
thi hành tốt Thông tư này kể từ ngày ban hành.
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC LƯƠNG THỰC
TỔNG CỤC PHÓ
Nguyễn Văn Thi
|
TỔNG
GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Lê Viết Lượng
|