BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
63-TC/KBNN
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 11 năm 1991
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 63-TC/KBNN NGÀY 9 THÁNG 11 NĂM 1991 HƯỚNG
DẪN VIỆC GIAO, NHẬN VÀ BẢO QUẢN VÀNG BẠC, KIM KHÍ QUÝ, ĐÁ QUÝ VÀ CÁC TÀI SẢN
QUÝ TỊCH THU, TẠM GIỮ TRONG HỆ THỐNG KHO BẠC NHÀ NƯỚC
Thi hành điểm A, điều 2 - Quyết
định số 07-HĐBT ngày 4-1-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập hệ thống
KBNN trực thuộc Bộ Tài chính; các điểm 11, 12, 13 (mục II) Thông tư Liên Bộ
NHNN - Tài chính số 12-TTLB ngày 17-2-1990 về việc bàn giao các quỹ dự trữ tài
chính Nhà nước từ Ngân hàng Nhà nước sang hệ thống KBNN; Bộ Tài chính hướng dẫn
việc giao, nhận và bảo quản vàng bạc, kim khí quý, đá quý, các tài sản quý thuộc
dự trữ Nhà nước, tài sản tịch thu, tạm giữ chờ quyết định, xử lý, tài sản của
các đơn vị, tổ chức và nhân dân gửi KBNN bảo quản như sau:
I - QUY ĐỊNH
CHUNG
1. Cơ quan Nhà nước, tổ chức xã
hội và công dân có tài sản là vàng bạc, kim khí quý, đá quý, các tài sản Nhà nước
(dưới đây gọi tắt là vàng bạc, vật quý), không phân biệt từ nguồn nào, khi gửi
KBNN bảo quản phải thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư này.
2. Việc giao, nhận và bảo quản
vàng bạc, vật quý đều phải theo thủ tục quy định, đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ,
chính xác về số lượng, chất lượng, khối lượng, hình thức.
3. Thủ trưởng KBNN chịu trách
nhiệm trong việc tổ chức giao nhận và bảo quản an toàn tuyệt đối và bí mật các
loại vàng bạc, vật quý của Nhà nước và của nhân dân được cất giữ tại kho của
KBNN.
II - NHỮNG
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
A- ĐỐI TƯỢNG VÀ
THỦ TỤC GIAO NHẬN
1. KBNN nhận giữ và bảo quản
vàng bạc, vật quý thuộc các đối tượng sau đây:
- Vàng bạc, vật quý thuộc dự trữ
tài chính Nhà nước do Trung ương và địa phương quản lý..
- Vàng bạc, vật quý tịch thu đưa
vào tài sản Nhà nước.
- Vàng bạc, vật quý của các cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền gửi tạm giữ chờ xử lý.
- Vàng bạc, vật quý của các cơ
quan Nhà nước, đoàn thể xã hội và tư nhân gửi KBNN bảo quản.
- Các bảo vật có giá trị nền văn
hoá, nghệ thuật Nhà nước giao cho hệ thống kho bạc bảo quản.
2. Hình thức nhận giữ của cơ
quan kho bạc Nhà nước như sau:
a. Kho bạc Nhà nước nhận giữ
theo nguyên gói niêm phong trong các trường hợp:
- Hiện vật do các cơ quan Nhà nước
bắt giữ trong các vụ vi phạm đã lập biên bản và đóng gói niêm phong theo đúng
thủ tục;
- Vàng bạc, vật quý của các cơ
quan Nhà nước, đoàn thể xã hội và tư nhân đề nghị KBNN giữ hộ phải được đóng
gói niêm phong theo đúng quy định và có cán bộ KBNN kiểm tra, chứng kiến.
b. Các trường hợp khác, KBNN nhận
giữ dưới hình thức cân, đo; kiểm đếm, xác định số lượng, chất lượng và giá trị
của hiện vật. Việc xác định số lượng, chất lượng của hiện vật do nhân viên
chuyên môn, kỹ thuật của KBNN hoặc của cơ quan chức năng được KBNN uỷ nhiệm
giám định bằng phương pháp và thiết bị cần thiết qua các bước; xem, thử, cân,
đo, đếm từng loại hiện vật. Căn cứ vào bảng kê các hiện vật xin gửi và kết quả
giám định, KBNN tính giá trị từng loại và toàn bộ vàng bạc; vật quý xin gửi
theo bảng giá quy định của Nhà nước.
3. Các loại vàng bạc, vật quý gửi
vào KBNN đều phải có công văn (đối với cơ quan, đoàn thể) hoặc đơn (đối với cá
nhân) xin gửi, kèm theo bảng kê hiện vật và các hồ sơ giấy tờ khác có liên
quan:
+ Vàng bạc, vật quý tịch thu nộp
NSNN phải có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
+ Vàng bạc, vật quý tạm giữ chờ
xử lý phải ghi rõ trong công văn xin gửi và biên bản giao nhận hiện vật.
+ Vàng bạc, vật quý của các cơ
quan, đoàn thể và nhân dân phải có đơn xin gửi và bảng kê chi tiết từng loại, số
lượng, chất lượng, hình thức và trọng lượng của hiện vật.
+ Vàng bạc, vật quý thuộc dự trữ
tài chính Nhà nước, Nhà nước tập trung gom thu - phải có đủ hồ sơ gốc và biên bản
giao nhận giữa NHNN và KBNN(nếu các tài sản này KBNN nhận bàn giao từ NHNN).
+ Vàng bạc, vật quý thuộc di sản
văn hoá, nghệ thuật - phải có đầy đủ hồ sơ và công văn đề nghị của cơ quan có
thẩm quyền.
4. Căn cứ vào bảng kê và kết quả
giám định chất lượng giá trị của hiện vật; KBNN lập 04 liên biên bản giao nhận:
02 liên giao cho bên gửi để làm chứng từ giao nhận; 01 liên giao cho kế toán
KBNN để làm thủ tục nhập kho và hạch toán sổ khi trả, 01 liên giao cho thủ kho
lưu kèm theo hồ sơ hiện vật xin gửi.
Người giao, người nhận, nhân
viên kỹ thuật và người đóng gói, kiểm đếm đều phải ký vào biên bản giao nhận.
Biên bản giao nhận phải ghi rõ:
- Ngày tháng năm giao nhận
- Họ tên, địa chỉ, số CMT nhân
dân của người giao hoặc đại diện cơ quan giao nhận hiện vật.
- Họ tên, chức vụ của người nhận
hiện vật.
- Họ tên, nhân viên kỹ thuật,
đóng gói, kiểm đếm.
- Tên hiện vật, số lượng, khối
lượng, chất lượng, giá trị.
- Hình thức giao nhận.
- Chênh lệch thừa, thiếu giữa bảng
kê hiện vật xin gửi và kết quả kiểm tra; giám định (nếu có).
- Thủ trưởng cơ quan bên giao,
bên nhận hiện vật ký tên, đóng dấu xác nhận.
5. Cơ quan, tổ chức và cá nhân đến
KBNN để lấy lại hiện vật phải xuất trình các loại giấy tờ sau:
- Công văn hoặc đơn xin lấy lại
hiện vật.
- Giấy giới thiệu của người đến
nhận hiện vật do cơ quan gửi hiện vật cấp.
- Biên bản gửi hiện vật vào
KBNN.
- Chứng minh thư ND của người đến
KBNN nhận hiện vật.
- Quyết định xử lý của cơ quan
có thẩm quyền (đối với vàng bạc và tài sản tạm giữ);
6. Khi xuất trả vàng bạc, vật
quý, thủ kho của KBNN phải kiểm tra các giấy tờ sau:
- Các loại giấy tờ đã quy định tại
điểm 5 nói trên.
- Lệnh xuất kho của Thủ trưởng
KBNN.
- Phiếu xuất kho của kế toán
KBNN.
Trên cơ sở biên bản gửi hiện vật,
KBNN phải lập biên bản giao trả hiện vật theo đúng thủ tục quy định tại điểm 4
nói trên.
Trường hợp người gửi hiện vật
xin lấy lại 1 phần trong tổng số đã gửi, cơ quan KBNN vẫn phải làm thủ tục nhận
lại số hiện vật khách hàng muốn gửi tiếp.
B - TRÁCH NHIỆM
BẢO QUẢN VÀNG BẠC, VẬT QUÝ.
1. Trách nhiệm của cơ quan KBNN
1.1. Mở sổ sách theo dõi và lưu
giữ toàn bộ hồ sơ, các tài liệu có liên quan đến vàng bạc, vật quý bảo quản
trong kho.
1.2. Hiện vật phải được hạch
toán, theo dõi đúng chế độ; mỗi loại phải được bảo quản riêng theo thứ tự, danh
mục để dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn khi xuất, nhập. Danh mục các loại vàng bạc,
vật quý được phân chia theo loại, phân loại và chất lượng.
1.3. Tất cả các loại vàng bạc, vật
quý phải được sắp xếp và bảo quản tuyệt đối an toàn, không để nhầm lẫn, hư hỏng,
ẩm mốc, ảnh hưởng đến chất lượng của tài sản. Mã số trên niêm phong phải khớp
đúng với mã số bảo quản và mã số thẻ kho.
1.4. Hướng dẫn đầy đủ các thủ tục
và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến gửi hoặc nhận lại vàng bạc, vật
quý tại Kho bạc Nhà nước.
2. Trách nhiệm của các cơ quan,
đơn vị và cá nhân gửi vàng bạc, vật quý vào Kho bạc Nhà nước.
2.1. Các cơ quan đơn vị có vàng
bạc, vật quý thuộc dữ trữ Nhà nước; vàng bạc, vật quý đã có quyết định tịch thu
nộp NSNN và vàng bạc, vật quý thuộc diện tạm giữ chờ xử lý nhất thiết phải gửi
vào Kho bạc Nhà nước bảo quản.
2.2. Thực hiện đầy đủ các thủ tục
đã quy định về việc gửi và nhận vàng bạc, vật quý tại Kho bạc Nhà nước.
2.3. Thực hiện nộp phí dịch vụ bảo
quản vàng bạc, vật quý theo tỷ lệ 0,05% (năm phần vạn) một tháng tính trên tổng
giá trị hiện vật gửi tại KBNN (mức thu tối đa là 500.000 đồng/tháng/ đơn vị).
Khoản phí dịch vụ thu được của
Kho bạc Nhà nước được sử dụng vào mục đích bổ sung sắm các phương tiện, thiết bị
để bảo quản an toàn tài sản của Nhà nước và của nhân dân gửi ở KBNN. Hàng năm
KBNN quyết toán với Bộ Tài chính việc sử dụng khoản phí dịch vụ này.
2.4. Các loại vàng bạc, vật quý
thuộc dự trữ Nhà nước; vàng bạc, vật quý đã có quyết định tịch thu đưa vào tài
sản Nhà nước, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm bảo quản, không thu phí dịch vụ.
III - TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Tất cả cán bộ, nhân viên làm
nhiệm vụ giao nhận, bảo quản các loại vàng bạc, vật quý tại KBNN phải chấp hành
đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định tại thông tư này. Ai làm tốt được khen thưởng,
ai thiếu tinh thần trách nhiệm cố ý làm sai nguyên tắc quy định, gây hư hỏng, mất
mát tài sản của Nhà nước và nhân dân phải bồi thường thiệt hại và bị xử lý hành
chính, hoặc truy tố trước pháp luật.
2. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức
xã hội và nhân dân có vàng bạc, vật quý gửi tại KBNN phải chấp hành đầy đủ các
quy định tại Thông tư này và hướng dẫn cụ thể của cơ quan Kho bạc Nhà nước.
3. Cục Kho bạc Nhà nước hướng dẫn
và tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ
ngày ký. Cục trưởng Cục KBNN, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, giám đốc các Sở
Tài chính - Vật giá, Chi cục trưởng KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện đúng các
nội dung đã hướng dẫn tại Thông tư này.