Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 21/2024/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Số hiệu: 21/2024/TT-NHNN Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Người ký: Đào Minh Tú
Ngày ban hành: 28/06/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Hồ sơ đề nghị cung cấp nghiệp vụ thư tín dụng

Ngày 28/6/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 21/2024/TT-NHNN quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

Hồ sơ đề nghị cung cấp nghiệp vụ thư tín dụng

Theo đó, khi có nhu cầu được cung cấp nghiệp vụ thư tín dụng, khách hàng phải gửi cho ngân hàng hồ sơ gồm các tài liệu sau:

- Thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định tại Điều 21, Điều 27, Điều 31 và Điều 40 Thông tư 21/2024/TT-NHNN .

- Thông tin về người có liên quan với khách hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nếu tổng mức dư nợ cấp tín dụng của khách hàng đó tại ngân hàng (bao gồm cả số tiền đang đề nghị cấp tín dụng) lớn hơn hoặc bằng 0,1% vốn tự có của ngân hàng tại thời điểm gần nhất của ngân hàng, trừ trường hợp khách hàng là tổ chức tín dụng ở nước ngoài.

Trường hợp ngân hàng có vốn tự có âm, tỷ lệ trên được áp dụng trên vốn điều lệ hoặc vốn được cấp (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Thông tin về người có liên quan gồm:

+ Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên, số định danh cá nhân đối với công dân Việt Nam; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với khách hàng;

+ Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với khách hàng.

- Các tài liệu khác do ngân hàng hướng dẫn.

Quy định về phí nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng

Theo đó, phí nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng được quy định như sau:

- Ngân hàng thỏa thuận với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) về việc thu các loại phí, mức phí cấp tín dụng liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng và mức phí áp dụng đối với các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

- Ngân hàng phải niêm yết công khai mức phí nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

- Trường hợp đồng tiền thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí cấp tín dụng bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Xem thêm tại Thông tư 21/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2024/TT-NHNN

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2024

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ NGHIỆP VỤ THƯ TÍN DỤNG VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN THƯ TÍN DỤNG

Căn cứ Bộ Luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 18 tháng 01 năm 2024;

Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối ngày 13 tháng 12 năm 2005; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối ngày 18 tháng 3 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nghiệp vụ thư tín dụng (trừ nghiệp vụ thư tín dụng dự phòng) và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng bao gồm: ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là ngân hàng).

2. Cá nhân và tổ chức là người cư trú và người không cư trú có liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghiệp vụ thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng để phục vụ cho hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.

2. Hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng là hoạt động mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ xuất trình theo thư tín dụng và các dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng ngoài các dịch vụ được ngân hàng cung cấp trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng cho khách hàng.

3. Thư tín dụng là cam kết không thể hủy ngang của ngân hàng phát hành cho bên thụ hưởng về việc sẽ thanh toán trên cơ sở nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp.

4. Phát hành thư tín dụng là việc ngân hàng phát hành cấp tín dụng cho khách hàng thông qua phát hành thư tín dụng cho bên thụ hưởng theo đề nghị của khách hàng. Khách hàng phải nhận nợ và hoàn trả đầy đủ gốc, lãi và phí theo thỏa thuận trong trường hợp ngân hàng phải thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng bằng nguồn tiền của ngân hàng hoặc đề nghị ngân hàng khác thanh toán thay cho khách hàng.

5. Xác nhận thư tín dụng là việc ngân hàng xác nhận theo đề nghị của ngân hàng phát hành cam kết thanh toán cho bên thụ hưởng trên cơ sở nhận được bộ chứng từ xuất trình phù hợp, ngoài cam kết của ngân hàng phát hành.

6. Thương lượng thanh toán là việc ngân hàng thương lượng mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi bộ chứng từ xuất trình theo thư tín dụng (có kèm hoặc không kèm hối phiếu) của bên thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.

7. Hoàn trả thư tín dụng là việc ngân hàng hoàn trả thỏa thuận với ngân hàng phát hành về việc thanh toán bằng nguồn tiền của mình cho bên thụ hưởng hoặc là việc ngân hàng hoàn trả theo đề nghị của ngân hàng phát hành cam kết với bên thụ hưởng về việc thanh toán cho bên thụ hưởng, ngoài cam kết của ngân hàng phát hành.

8. Hoạt động mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ theo thư tín dụng là việc ngân hàng mua bộ chứng từ và nhận chuyển giao bộ chứng từ chưa được thanh toán từ khách hàng; ngân hàng sẽ nhận số tiền được thanh toán từ ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận và không có quyền truy đòi khách hàng trong trường hợp ngân hàng không nhận được đầy đủ số tiền được thanh toán từ ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận.

9. Bộ chứng từ theo thư tín dụng là các chứng từ xuất trình để được thanh toán theo quy định tại thư tín dụng.

10. Bên thụ hưởng là bên bán, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ quy định tại thư tín dụng hoặc bên có quyền thụ hưởng theo thư tín dụng đã phát hành.

11. Bên đề nghị là bên mua, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đề nghị ngân hàng phát hành thư tín dụng.

12. Khách hàng là tổ chức (bao gồm cả ngân hàng, tổ chức tín dụng ở nước ngoài) hoặc cá nhân, cụ thể như sau:

a) Trong phát hành thư tín dụng, khách hàng của ngân hàng phát hành là bên đề nghị;

b) Trong xác nhận thư tín dụng, khách hàng của ngân hàng xác nhận là ngân hàng phát hành;

c) Trong thương lượng thanh toán, khách hàng của ngân hàng thương lượng là bên thụ hưởng đề nghị ngân hàng thực hiện thương lượng thanh toán;

d) Trong hoàn trả thư tín dụng, khách hàng của ngân hàng hoàn trả là ngân hàng phát hành;

đ) Trong hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng, khách hàng của ngân hàng là bên được ngân hàng cung cấp các dịch vụ, hoặc là bên đề nghị ngân hàng mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ xuất trình theo thư tín dụng.

13. Tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng là các quy tắc, tập quán, thực hành thống nhất do Phòng Thương mại quốc tế ban hành về thư tín dụng và tập quán thương mại khác không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam do các bên thỏa thuận lựa chọn.

14. Thỏa thuận cấp tín dụng cho nghiệp vụ thư tín dụng là thỏa thuận giữa ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận, ngân hàng thương lượng hoặc ngân hàng hoàn trả với khách hàng và các bên liên quan khác (nếu có) về việc cấp tín dụng cho khách hàng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng.

15. Ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng là ngày đến hạn thanh toán cuối cùng cho bên thụ hưởng theo điều khoản thanh toán trên thư tín dụng.

16. Tiền vay của khách hàng là số tiền bên đề nghị vay tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc vay nước ngoài để thực hiện thanh toán hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, về quản lý vay trả nợ nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh hoặc quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người không cư trú.

17. Phương án sử dụng vốn trong nghiệp vụ thư tín dụng là tập hợp các thông tin về việc sử dụng vốn của khách hàng, trong đó phải có các thông tin: Nguồn tiền để thanh toán nghĩa vụ cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng; mục đích phát hành hoặc xác nhận hoặc thương lượng hoặc hoàn trả thư tín dụng.

18. Ủy thác phát hành thư tín dụng là việc bên ủy thác cam kết giao vốn bằng tiền cho bên nhận ủy thác để bên nhận ủy thác thực hiện nghiệp vụ phát hành thư tín dụng cho bên thụ hưởng, phục vụ bên đề nghị là khách hàng của bên ủy thác. Bên ủy thác chịu mọi rủi ro từ khách hàng của mình. Bên nhận ủy thác chịu mọi rủi ro từ bên ủy thác.

19. Bên ủy thác là ngân hàng, tổ chức tín dụng ở nước ngoài (là ngân hàng mẹ hoặc chi nhánh của ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, chi nhánh hoặc công ty con là tổ chức tín dụng ở nước ngoài của ngân hàng thương mại) thực hiện ủy thác cho bên nhận ủy thác để phát hành thư tín dụng cho bên thụ hưởng.

20. Bên nhận ủy thác là ngân hàng theo ủy thác của bên ủy thác thực hiện phát hành thư tín dụng cho bên thụ hưởng.

Điều 4. Quyền tự chủ của ngân hàng

1. Ngân hàng có quyền tự chủ trong thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của mình.

2. Ngân hàng có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng của khách hàng nếu thấy không có hiệu quả hoặc không phù hợp với quy định nội bộ của ngân hàng, quy định tại Thông tư này, tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 5. Nguyên tắc thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng

1. Hoạt động nghiệp vụ thư tín dụng của ngân hàng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng. Khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng, ngân hàng phải tuân thủ các nội dung quy định tại Thông tư này, các quy định của pháp luật có liên quan về cấp tín dụng. Các nội dung khác về nghiệp vụ thư tín dụng, ngân hàng thực hiện theo tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng bằng ngoại tệ phải phù hợp với phạm vi hoạt động ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế được quy định tại giấy phép hoạt động của từng ngân hàng, các quy định của pháp luật về phạm vi hoạt động ngoại hối, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và phải tuân thủ quy định của pháp luật về kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và thị trường quốc tế của ngân hàng.

3. Khi thực hiện thu nợ gốc, lãi và phí bằng ngoại tệ trong nghiệp vụ thư tín dụng, trường hợp khách hàng không có hoặc chưa có đủ ngoại tệ để trả nợ, khách hàng được mua ngoại tệ tại ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng hoặc tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác để trả nợ.

Trường hợp khách hàng có nhu cầu mua ngoại tệ tại ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng, ngân hàng phải thực hiện bán ngoại tệ cho khách hàng. Trường hợp khách hàng mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán ngoại tệ phải chuyển số ngoại tệ đó cho ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng. Khách hàng phải bán ngoại tệ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã bán ngoại tệ cho khách hàng trong trường hợp có nguồn thu bằng ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó có nhu cầu.

4. Khi thực hiện nghiệp vụ thương lượng thanh toán cho khách hàng là người không cư trú, ngân hàng phải tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc cho vay, thu hồi nợ nước ngoài.

5. Khi thực hiện các nghiệp vụ phát hành, xác nhận, hoàn trả thư tín dụng đối với khách hàng là người không cư trú, ngân hàng không bắt buộc phải mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thu hồi nợ nước ngoài từ nghiệp vụ thư tín dụng. Trường hợp ngân hàng mở tài khoản chuyên dùng ngoại tệ tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu các tài liệu do ngân hàng xuất trình để đảm bảo thực hiện đúng các giao dịch liên quan đến việc thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng.

6. Ngân hàng thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng cho khách hàng theo thỏa thuận của các bên không trái với quy định tại Thông tư này, các quy định của pháp luật có liên quan và tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

7. Tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) về những hành vi bị nghiêm cấm, trường hợp không được cấp tín dụng, hạn chế cấp tín dụng, giới hạn cấp tín dụng.

Điều 6. Áp dụng tập quán và lựa chọn giải quyết tranh chấp

1. Các bên tham gia nghiệp vụ thư tín dụng được thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại theo quy định tại Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Khi áp dụng tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng, các bên phải dẫn chiếu cụ thể phiên bản áp dụng.

3. Việc xử lý tranh chấp phát sinh trong nghiệp vụ thư tín dụng thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ Luật Dân sự, các bên có thể thỏa thuận pháp luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp (bao gồm cả tòa án hoặc trọng tài thương mại quốc tế) để giải quyết.

Điều 7. Sử dụng ngôn ngữ

1. Thỏa thuận cấp tín dụng cho nghiệp vụ thư tín dụng phải được lập bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Bộ Luật Dân sự hoặc được lập qua mạng thông tin liên lạc quốc tế. Trường hợp sử dụng tiếng nước ngoài, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thỏa thuận cấp tín dụng phải được dịch sang tiếng Việt có xác nhận của người đại diện hợp pháp của ngân hàng hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực và được đính kèm bản tiếng nước ngoài.

2. Đối với các tài liệu khác trong nghiệp vụ thư tín dụng (ngoài thỏa thuận cấp tín dụng cho nghiệp vụ thư tín dụng), các ngân hàng được thỏa thuận với các bên liên quan sử dụng tiếng nước ngoài theo tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng khi thực hiện. Trường hợp sử dụng tiếng nước ngoài, khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, các tài liệu phải được dịch sang tiếng Việt có xác nhận của người đại diện hợp pháp của ngân hàng hoặc phải được công chứng hoặc chứng thực và được đính kèm bản tiếng nước ngoài.

Điều 8. Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng

1. Ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp bảo đảm khi thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng.

2. Trường hợp thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm, ngân hàng và khách hàng thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và theo quy định nội bộ của ngân hàng.

3. Khách hàng, bên bảo đảm phải phối hợp với ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm khi có căn cứ xử lý theo thỏa thuận cấp tín dụng cho nghiệp vụ thư tín dụng, hợp đồng bảo đảm và quy định của pháp luật.

Điều 9. Số dư nghiệp vụ thư tín dụng

1. Số dư nghiệp vụ thư tín dụng đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan bao gồm số dư phát hành thư tín dụng, số dư xác nhận thư tín dụng, số dư thương lượng thanh toán, số dư hoàn trả hoặc cam kết hoàn trả thư tín dụng cho khách hàng đó, khách hàng đó và người có liên quan.

2. Số dư nghiệp vụ thư tín dụng đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người có liên quan được tính từ ngày phát hành thư tín dụng, xác nhận thư tín dụng, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng.

Điều 10. Số tiền cấp tín dụng

Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận số tiền cấp tín dụng căn cứ vào giá trị hợp đồng mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ (đối với phát hành thư tín dụng) hoặc giá trị thư tín dụng (đối với xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng), các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng để phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng nhưng tối đa không được vượt quá giá trị hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa khách hàng và bên thụ hưởng hoặc giá trị thư tín dụng.

Điều 11. Đồng tiền phát hành, xác nhận, hoàn trả và thanh toán thư tín dụng

1. Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về việc phát hành thư tín dụng bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với đồng tiền phải thanh toán cho bên thụ hưởng tại hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.

2. Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về việc xác nhận, hoàn trả thư tín dụng bằng đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ phù hợp với đồng tiền phải thanh toán cho bên thụ hưởng tại thư tín dụng.

3. Ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận, ngân hàng hoàn trả thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng khi đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng theo đồng tiền thanh toán ghi trên thư tín dụng.

Điều 12. Lãi suất cấp tín dụng cho khách hàng

1. Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận về mức lãi suất áp dụng đối với nghiệp vụ hoàn trả, thương lượng thanh toán thư tín dụng.

2. Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn trong nghiệp vụ hoàn trả, thương lượng thanh toán thư tín dụng do các ngân hàng thỏa thuận trong thỏa thuận cấp tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cấp tín dụng trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

3. Lãi suất áp dụng đối với số tiền ngân hàng trả thay trong nghiệp vụ phát hành, xác nhận, hoàn trả thư tín dụng phù hợp với thỏa thuận cấp tín dụng nhưng không vượt quá lãi suất quá hạn cao nhất đang áp dụng cho các khoản cho vay quá hạn tại chính ngân hàng đó.

4. Lãi suất áp dụng đối với số tiền lãi chậm trả do các ngân hàng thỏa thuận trong thỏa thuận cấp tín dụng cho nghiệp vụ thư tín dụng nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

5. Trường hợp đồng tiền thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu lãi nghiệp vụ thư tín dụng bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Điều 13. Phí nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng

1. Ngân hàng thỏa thuận với khách hàng và các bên liên quan (nếu có) về việc thu các loại phí, mức phí cấp tín dụng liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng và mức phí áp dụng đối với các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

2. Ngân hàng phải niêm yết công khai mức phí nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng.

3. Trường hợp đồng tiền thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng là ngoại tệ, các bên thỏa thuận thu phí cấp tín dụng bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Điều 14. Hồ sơ đề nghị cấp tín dụng

Khi có nhu cầu được cung cấp nghiệp vụ thư tín dụng, khách hàng phải gửi cho ngân hàng:

1. Thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện cấp tín dụng theo quy định tại Điều 21, Điều 27, Điều 31Điều 40 Thông tư này.

2. Thông tin về người có liên quan với khách hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng nếu tổng mức dư nợ cấp tín dụng của khách hàng đó tại ngân hàng (bao gồm cả số tiền đang đề nghị cấp tín dụng) lớn hơn hoặc bằng 0,1% vốn tự có của ngân hàng tại thời điểm gần nhất của ngân hàng, trừ trường hợp khách hàng là tổ chức tín dụng ở nước ngoài. Trường hợp ngân hàng có vốn tự có âm, tỷ lệ trên được áp dụng trên vốn điều lệ hoặc vốn được cấp (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Thông tin về người có liên quan gồm:

a) Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên, số định danh cá nhân đối với công dân Việt Nam; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với khách hàng;

b) Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với khách hàng.

3. Các tài liệu khác do ngân hàng hướng dẫn.

Điều 15. Thẩm định cấp tín dụng

1. Ngân hàng thẩm định các điều kiện cấp tín dụng đối với khách hàng theo quy định tại Điều 21, Điều 27, Điều 31Điều 40 Thông tư này để xem xét quyết định phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng. Trong quá trình thẩm định, ngân hàng được sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, kết hợp với các thông tin tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các kênh thông tin khác.

2. Ngân hàng phải tổ chức xét duyệt cấp tín dụng theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng.

3. Trường hợp quyết định không cấp tín dụng, ngân hàng thông báo cho khách hàng về quyết định không cấp tín dụng và lý do khi khách hàng có yêu cầu.

Điều 16. Phân loại, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng

Ngân hàng thực hiện việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các cam kết và tài sản có khi cấp tín dụng trong nghiệp vụ thư tín dụng, khi thực hiện hoạt động mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ xuất trình theo thư tín dụng, ủy thác phát hành thư tín dụng theo quy định của pháp luật về phân loại tài sản có, mức trích lập, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Điều 17. Quy định nội bộ của ngân hàng về nghiệp vụ thư tín dụng

1. Căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, ngân hàng ban hành quy định nội bộ về nghiệp vụ thư tín dụng đối với khách hàng (bao gồm cả nội dung quy định về nghiệp vụ thư tín dụng điện tử (nếu có)), trong đó bao gồm quy trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng phù hợp với quy định về cấp tín dụng, đặc điểm kinh doanh của ngân hàng.

2. Ngân hàng gửi quy định nội bộ về nghiệp vụ thư tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng hoặc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố) theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 18. Nghiệp vụ thư tín dụng điện tử

1. Ngân hàng và khách hàng được lựa chọn thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là nghiệp vụ thư tín dụng điện tử). Việc thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này; quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền; giao dịch điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân; an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến trong ngành ngân hàng và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Khi thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử đối với khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với ngân hàng (trừ trường hợp khách hàng gửi đề nghị bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT hoặc khách hàng sử dụng chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật), ngân hàng thực hiện như sau:

a) Đối với khách hàng là người cư trú: Ngân hàng thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

b) Đối với khách hàng là người không cư trú: Ngân hàng thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng trên cơ sở tự đánh giá mức độ rủi ro để lựa chọn, quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ xác thực giao dịch điện tử phù hợp, đảm bảo an toàn và tự chịu rủi ro phát sinh.

3. Ngân hàng tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình nghiệp vụ, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

a) Biện pháp, hình thức, công nghệ được ngân hàng lựa chọn phải đảm bảo tiêu chuẩn về an ninh, an toàn, bảo mật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

b) Áp dụng các hình thức xác thực giao dịch điện tử để xác nhận việc khách hàng chấp thuận với ngân hàng khi thực hiện các giao dịch điện tử trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử theo quy định của pháp luật liên quan.

c) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết đối với các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử. Các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, xác thực khách hàng trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử; giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Thời gian lưu trữ, bảo quản thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và luật giao dịch điện tử;

d) Ngân hàng phải thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, bảo mật của biện pháp, hình thức, công nghệ và thực hiện tạm dừng cung cấp dịch vụ để nâng cấp, chỉnh sửa, hoàn thiện trong trường hợp có dấu hiệu mất an toàn;

đ) Phân công trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, bộ phận xây dựng, thiết lập và vận hành hệ thống thông tin phục vụ khâu thẩm định và quyết định cấp tín dụng trong nghiệp vụ thư tín dụng điện tử. Trường hợp có rủi ro phát sinh, ngân hàng phải có cơ chế để xác định từng cá nhân, bộ phận chịu trách nhiệm và xử lý kịp thời các vấn đề, rủi ro phát sinh để đảm bảo hiệu quả, an toàn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử của ngân hàng.

4. Hệ thống thông tin thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của ngân hàng phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng

1. Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng có quyền:

a) Chấp nhận hoặc từ chối đề nghị của khách hàng trong thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng;

b) Yêu cầu khách hàng và các bên liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến việc thẩm định khách hàng và tài sản bảo đảm (nếu có);

c) Yêu cầu khách hàng phải hoàn trả đầy đủ gốc, lãi và phí theo thỏa thuận;

d) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi các bên liên quan vi phạm nghĩa vụ đã cam kết;

đ) Các quyền khác theo thỏa thuận của các bên, phù hợp quy định của pháp luật liên quan và tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng có nghĩa vụ:

a) Thực hiện đúng các nội dung theo cam kết với khách hàng;

b) Các nghĩa vụ khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp quy định tại Thông tư này, phù hợp tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

Điều 20. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng

1. Khách hàng có quyền:

a) Từ chối các yêu cầu của ngân hàng không phù hợp với các thỏa thuận cấp tín dụng cho nghiệp vụ thư tín dụng đã ký và quy định của pháp luật;

b) Khởi kiện theo quy định của pháp luật khi các bên liên quan vi phạm nghĩa vụ đã cam kết;

c) Các quyền khác theo thỏa thuận với ngân hàng, phù hợp tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Khách hàng có nghĩa vụ:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu cho ngân hàng trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời để chứng minh đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp các thông tin, tài liệu, dữ liệu đó;

b) Hoàn trả đầy đủ gốc, lãi và phí theo đúng thỏa thuận và phù hợp tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng;

c) Nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với ngân hàng, quy định của pháp luật.

Chương II

NGHIỆP VỤ THƯ TÍN DỤNG

Mục 1. NGHIỆP VỤ PHÁT HÀNH THƯ TÍN DỤNG

Điều 21. Điều kiện đối với khách hàng

1. Ngân hàng xem xét, quyết định phát hành thư tín dụng khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Nhu cầu mở thư tín dụng để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;

c) Có phương án sử dụng vốn khả thi;

d) Có khả năng tài chính để thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ.

2. Trường hợp khách hàng là người không cư trú, ngân hàng (trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành thư tín dụng bằng ngoại tệ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này) chỉ xem xét, quyết định phát hành thư tín dụng cho khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phải đáp ứng một trong những yêu cầu sau:

a) Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư;

b) Khách hàng bảo đảm đủ 100% giá trị thư tín dụng bằng tài sản của khách hàng gồm: Số dư tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại chính ngân hàng phát hành hoặc khoản tiền khách hàng sẽ được thanh toán từ thư tín dụng khác do ngân hàng phát hành cho bên thụ hưởng là khách hàng;

c) Bên thụ hưởng là người cư trú.

3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ xem xét, quyết định phát hành thư tín dụng bằng ngoại tệ cho khách hàng là người không cư trú khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và bên thụ hưởng là người cư trú.

Điều 22. Thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng

1. Thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng là khoảng thời gian được xác định từ ngày tiếp theo ngày phát hành thư tín dụng cho đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng nhưng không vượt quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của ngân hàng và khách hàng.

2. Việc gia hạn thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng do các bên thỏa thuận phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

Điều 23. Thỏa thuận cấp tín dụng trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng

1. Thỏa thuận cấp tín dụng phải có các nội dung chính sau:

a) Thông tin về các bên trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng;

b) Loại tiền, số tiền đề nghị phát hành thư tín dụng;

c) Hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ;

d) Loại thư tín dụng;

đ) Nguồn tiền thanh toán hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ;

e) Phí, lãi suất, lãi phạt (nếu có) áp dụng;

g) Biện pháp đảm bảo (nếu có);

h) Nhận nợ bắt buộc, trích tài khoản ký quỹ, tài khoản tiền gửi (nếu có);

i) Mua bán ngoại tệ (nếu có);

k) Ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng;

l) Thời hạn cấp tín dụng;

m) Giải quyết tranh chấp phát sinh;

n) Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

2. Thỏa thuận cấp tín dụng phải đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên, được lập dưới hình thức thỏa thuận cấp tín dụng đối với từng giao dịch cụ thể hoặc thỏa thuận khung áp dụng chung đối với tất cả các giao dịch phát hành thư tín dụng, đính kèm thỏa thuận cụ thể.

Điều 24. Phát hành thư tín dụng

1. Căn cứ thỏa thuận cấp tín dụng, ngân hàng phát hành thư tín dụng cho bên thụ hưởng. Nội dung thư tín dụng và việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thư tín dụng do các bên thỏa thuận, phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Ngân hàng được phát hành các loại hình thư tín dụng theo thỏa thuận với khách hàng phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

3. Ngân hàng chỉ được phát hành thư tín dụng trả chậm có điều khoản trả ngay hoặc trả trước ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng trong trường hợp khách hàng là người cư trú.

Điều 25. Thực hiện nghĩa vụ theo cam kết tại thư tín dụng

1. Ngân hàng phát hành phải thanh toán cho bên thụ hưởng theo đúng quy định tại thư tín dụng và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Trường hợp ngân hàng phát hành thư tín dụng trả ngay hoặc trả chậm, ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về việc trích tài khoản ký quỹ, tài khoản tiền gửi (nếu có), sử dụng tiền vay của khách hàng để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên thụ hưởng. Trường hợp số tiền của khách hàng không đủ giá trị thanh toán cho bên thụ hưởng, khách hàng phải nhận nợ bắt buộc với ngân hàng số tiền khách hàng còn thiếu. Khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ bắt buộc và tiền lãi, phí theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này.

3. Trường hợp ngân hàng phát hành thư tín dụng trả chậm có điều khoản thỏa thuận bên thụ hưởng được thanh toán trả ngay hoặc trả trước ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, các bên thực hiện như sau:

a) Ngân hàng phát hành đề nghị ngân hàng hoàn trả thanh toán cho bên thụ hưởng. Trường hợp bên thụ hưởng là người không cư trú, ngân hàng phát hành chỉ được đề nghị ngân hàng hoàn trả là người không cư trú để thanh toán cho bên thụ hưởng;

b) Khi ngân hàng hoàn trả thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng, ngân hàng phát hành phải nhận nợ với ngân hàng hoàn trả, đồng thời khách hàng phải nhận nợ với ngân hàng phát hành số tiền ngân hàng hoàn trả đã thanh toán cho bên thụ hưởng theo cam kết tại thư tín dụng. Các ngân hàng hạch toán ghi nợ đối với khách hàng khi nhận được thông báo của ngân hàng hoàn trả. Ngân hàng hoàn trả và ngân hàng phát hành phải tính số dư nợ này vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng;

c) Đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ và lãi cho ngân hàng phát hành, ngân hàng phát hành có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ và lãi, phí cho ngân hàng hoàn trả theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này;

d) Trường hợp khách hàng không hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ cho ngân hàng phát hành khi đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, ngân hàng phát hành chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn. Ngân hàng phát hành phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;

đ) Trường hợp ngân hàng phát hành không hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ cho ngân hàng hoàn trả, ngân hàng hoàn trả thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 43 Thông tư này, trừ trường hợp ngân hàng hoàn trả là người không cư trú;

e) Các bên có thể thỏa thuận hoàn trả số tiền nhận nợ trước ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng và phí trả nợ trước hạn.

4. Trường hợp ngân hàng phát hành đề nghị ngân hàng hoàn trả là người không cư trú thanh toán cho bên thụ hưởng theo quy định tại khoản 3 Điều này, ngân hàng phát hành phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

5. Trường hợp khoản nợ bằng ngoại tệ, khách hàng thực hiện trả nợ bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Điều 26. Hợp vốn trong nghiệp vụ phát hành thư tín dụng

1. Ngân hàng thực hiện đồng phát hành thư tín dụng theo nguyên tắc, điều kiện, quy trình tổ chức thực hiện quy định tại Thông tư này, quy định của Ngân hàng Nhà nước về cấp tín dụng hợp vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Trường hợp có sự tham gia đồng phát hành thư tín dụng với tổ chức tín dụng ở nước ngoài và khách hàng là người cư trú, khách hàng phải đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về quản lý vay trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

Mục 2. NGHIỆP VỤ XÁC NHẬN THƯ TÍN DỤNG

Điều 27. Điều kiện đối với khách hàng

1. Ngân hàng xem xét, quyết định xác nhận thư tín dụng khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:

a) Thư tín dụng do khách hàng phát hành để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;

b) Có phương án sử dụng vốn khả thi;

c) Có khả năng tài chính để thanh toán nghĩa vụ cam kết tại thư tín dụng.

2. Ngân hàng không phải xem xét điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều này đối với khách hàng trong các trường hợp sau:

a) Khách hàng là ngân hàng mẹ hoặc chi nhánh trong hệ thống tại Việt Nam của ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Khách hàng là tổ chức tín dụng là chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

3. Trường hợp khách hàng là người không cư trú, ngân hàng (trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác nhận thư tín dụng bằng ngoại tệ thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này) chỉ xem xét, quyết định xác nhận thư tín dụng cho khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và phải đáp ứng một trong những yêu cầu sau:

a) Là tổ chức tín dụng ở nước ngoài là chi nhánh hoặc công ty con của ngân hàng thương mại; là ngân hàng mẹ hoặc chi nhánh trong hệ thống của ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Khách hàng bảo đảm đủ 100% giá trị thư tín dụng bằng tài sản của khách hàng gồm số dư tiền gửi, tiền ký quỹ tại chính ngân hàng xác nhận;

c) Bên thụ hưởng của thư tín dụng là người cư trú.

4. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ xem xét, quyết định xác nhận thư tín dụng bằng ngoại tệ cho khách hàng là người không cư trú khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và bên thụ hưởng là người cư trú.

Điều 28. Thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ xác nhận thư tín dụng

Thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ xác nhận thư tín dụng là khoảng thời gian được xác định từ ngày tiếp theo ngày xác nhận thư tín dụng cho đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng nhưng không vượt quá thời hạn hoạt động còn lại của ngân hàng và khách hàng.

Điều 29. Thỏa thuận cấp tín dụng trong nghiệp vụ xác nhận thư tín dụng

1. Thỏa thuận cấp tín dụng trong nghiệp vụ xác nhận thư tín dụng phải có các nội dung sau:

a) Thông tin về các bên có liên quan bao gồm ngân hàng phát hành, ngân hàng xác nhận, bên đề nghị, bên thụ hưởng và các bên liên quan khác (nếu có);

b) Thông tin về thư tín dụng, biện pháp đảm bảo (nếu có), các thông tin khác theo yêu cầu của ngân hàng xác nhận;

c) Loại tiền, số tiền đề nghị xác nhận thư tín dụng;

d) Thời hạn cấp tín dụng khi xác nhận thư tín dụng;

đ) Các loại phí, lãi suất, lãi phạt (nếu có).

2. Thỏa thuận cấp tín dụng được lập dưới hình thức thỏa thuận cấp tín dụng cụ thể đối với từng giao dịch hoặc thỏa thuận khung áp dụng chung đối với tất cả các giao dịch xác nhận thư tín dụng, đính kèm thỏa thuận cụ thể.

Điều 30. Thực hiện nghĩa vụ theo cam kết xác nhận tại thư tín dụng

1. Ngân hàng xác nhận thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng theo đúng quy định tại thư tín dụng và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Ngân hàng xác nhận thỏa thuận với khách hàng về việc trích tài khoản ký quỹ, tài khoản tiền gửi của khách hàng (nếu có) hoặc khách hàng chuyển tiền thanh toán vào tài khoản chỉ định của ngân hàng xác nhận để ngân hàng xác nhận thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên thụ hưởng. Trường hợp số tiền của khách hàng không đủ giá trị thanh toán cho bên thụ hưởng, khách hàng phải nhận nợ bắt buộc với ngân hàng xác nhận số tiền khách hàng còn thiếu. Khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ bắt buộc và tiền lãi, phí cho ngân hàng xác nhận theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này.

3. Trường hợp khoản nợ bằng ngoại tệ, khách hàng thực hiện trả nợ bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Mục 3. NGHIỆP VỤ THƯƠNG LƯỢNG THANH TOÁN

Điều 31. Điều kiện đối với khách hàng

1. Ngân hàng xem xét, quyết định thương lượng thanh toán khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;

b) Thư tín dụng để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;

c) Bộ chứng từ đủ điều kiện quy định tại Điều 32 Thông tư này;

d) Có phương án sử dụng vốn khả thi;

đ) Có khả năng tài chính để hoàn trả số tiền được thương lượng thanh toán.

2. Trường hợp khách hàng là người không cư trú, ngân hàng (trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài thương lượng thanh toán bằng ngoại tệ thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này) chỉ xem xét, quyết định thương lượng thanh toán bộ chứng từ theo thư tín dụng cho khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và phải đáp ứng một trong những yêu cầu sau:

a) Là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại nước ngoài có vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam dưới hình thức đầu tư quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư hoặc dưới hình thức đầu tư khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư;

b) Ngân hàng phát hành thư tín dụng là người cư trú.

3. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ xem xét, quyết định thương lượng thanh toán bộ chứng từ theo thư tín dụng bằng ngoại tệ cho khách hàng là người không cư trú khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này và ngân hàng phát hành thư tín dụng là người cư trú.

Điều 32. Điều kiện đối với bộ chứng từ theo thư tín dụng được thương lượng thanh toán

1. Thư tín dụng kèm bộ chứng từ được xuất trình để thương lượng thanh toán được phát hành theo tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Thuộc quyền thụ hưởng hợp pháp của khách hàng.

3. Chưa được thanh toán.

Điều 33. Đồng tiền thương lượng thanh toán

1. Đối với bộ chứng từ theo thư tín dụng phát hành bằng đồng Việt Nam, ngân hàng thương lượng thanh toán bằng đồng Việt Nam cho khách hàng.

2. Đối với bộ chứng từ theo thư tín dụng phát hành bằng ngoại tệ, ngân hàng thương lượng thanh toán bằng ngoại tệ ghi trên thư tín dụng hoặc thương lượng thanh toán quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Điều 34. Đồng tiền trả nợ số tiền thương lượng thanh toán khi hết thời hạn thương lượng thanh toán

1. Đối với bộ chứng từ được thương lượng thanh toán bằng đồng Việt Nam thì đồng tiền trả nợ bằng đồng Việt Nam.

2. Đối với bộ chứng từ được thương lượng thanh toán bằng ngoại tệ thì đồng tiền trả nợ bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Điều 35. Phương thức thương lượng thanh toán

Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận, lựa chọn các phương thức thương lượng thanh toán sau đây:

1. Mua có kỳ hạn bộ chứng từ theo thư tín dụng là việc ngân hàng mua và nhận chuyển giao bộ chứng từ theo thư tín dụng chưa đến hạn thanh toán từ khách hàng, đồng thời khách hàng phải cam kết hoàn trả số tiền được thương lượng thanh toán, lãi suất và chi phí sau một khoảng thời gian được xác định tại thỏa thuận thương lượng thanh toán.

2. Mua có bảo lưu quyền truy đòi bộ chứng từ theo thư tín dụng là việc ngân hàng mua bộ chứng từ và nhận chuyển giao bộ chứng từ chưa đến hạn thanh toán từ khách hàng, ngân hàng có quyền truy đòi khách hàng trong trường hợp ngân hàng không nhận được đầy đủ số tiền được thanh toán từ ngân hàng có trách nhiệm thanh toán bộ chứng từ khi đến hạn thanh toán thư tín dụng. Khách hàng phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền thương lượng thanh toán, lãi suất thương lượng thanh toán và các chi phí hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động thương lượng thanh toán trong trường hợp ngân hàng không nhận được đầy đủ số tiền được thanh toán từ ngân hàng có trách nhiệm thanh toán bộ chứng từ.

Điều 36. Giá, thời hạn, lãi suất thương lượng thanh toán và các chi phí liên quan

1. Ngân hàng và khách hàng thỏa thuận giá mua bộ chứng từ và giá mua lại bộ chứng từ trên cơ sở giá trị thanh toán khi đến hạn thanh toán, mức độ rủi ro của bộ chứng từ, lãi suất thương lượng thanh toán, thời hạn còn lại của bộ chứng từ và các yếu tố khác.

2. Thời hạn thương lượng thanh toán theo phương thức mua có kỳ hạn do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 01 năm và không vượt quá thời hạn còn lại của bộ chứng từ.

3. Thời hạn thương lượng thanh toán theo phương thức mua có bảo lưu quyền truy đòi do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 01 năm và không vượt quá ngày kết thúc của thời hạn truy đòi. Thời hạn truy đòi do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận, được tính từ ngày tiếp theo ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng đến ngày khách hàng phải có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cho ngân hàng số tiền mà người có trách nhiệm thanh toán bộ chứng từ không thanh toán đầy đủ cho ngân hàng.

4. Lãi suất thương lượng thanh toán và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động thương lượng thanh toán do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận, phù hợp với quy định của pháp luật.

5. Mức lãi suất phạt áp dụng đối với khoản tiền thương lượng thanh toán quá hạn do ngân hàng và khách hàng thỏa thuận phù hợp theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Điều 37. Thỏa thuận thương lượng thanh toán

1. Thỏa thuận thương lượng thanh toán phải bao gồm tối thiểu các nội dung chính sau:

a) Thông tin về các bên có liên quan bao gồm ngân hàng thương lượng, bên thụ hưởng và các bên liên quan khác (nếu có);

b) Thông tin về bộ chứng từ kèm thư tín dụng, các thông tin khác theo yêu cầu của ngân hàng thương lượng;

c) Giá thương lượng thanh toán;

d) Đồng tiền thương lượng thanh toán;

đ) Phương thức thương lượng thanh toán;

e) Thời hạn thương lượng thanh toán;

g) Lãi suất, lãi suất phạt và các chi phí liên quan;

h) Các trường hợp chấm dứt thỏa thuận thương lượng thanh toán trước thời hạn (nếu có);

i) Xử lý vi phạm;

k) Hiệu lực của thỏa thuận thương lượng thanh toán;

l) Các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Các bên có thể lập thỏa thuận thương lượng thanh toán cụ thể đối với từng giao dịch hoặc thỏa thuận khung áp dụng chung đối với tất cả các giao dịch thương lượng thanh toán, đính kèm thỏa thuận cụ thể.

Điều 38. Thủ tục thương lượng thanh toán bộ chứng từ

1. Khi ngân hàng chấp nhận thương lượng thanh toán cho khách hàng, khách hàng chuyển giao bộ chứng từ cho ngân hàng theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục thương lượng thanh toán phải quy định cụ thể trong quy định nội bộ về hoạt động thương lượng thanh toán của ngân hàng.

Điều 39. Chuyển nợ quá hạn

1. Trường hợp mua có kỳ hạn bộ chứng từ, đến ngày khách hàng phải trả nợ mà khách hàng không thực hiện, ngân hàng sẽ chuyển nợ quá hạn đối với số tiền khách hàng không hoàn trả đủ cho ngân hàng. Đến ngày thanh toán thư tín dụng, nếu số tiền thanh toán thư tín dụng nhỏ hơn số tiền ngân hàng thương lượng thanh toán cho khách hàng cộng với phí và lãi thì ngân hàng tiếp tục theo dõi khoản chênh lệch này và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ.

2. Trường hợp mua có bảo lưu quyền truy đòi bộ chứng từ, đến hết thời hạn truy đòi tại thỏa thuận thương lượng thanh toán giữa ngân hàng và khách hàng mà khách hàng không trả được nợ cho ngân hàng, ngân hàng chuyển nợ quá hạn đối với số tiền đã thương lượng thanh toán cho khách hàng và áp dụng các biện pháp thu hồi nợ.

3. Ngân hàng phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

Mục 4. NGHIỆP VỤ HOÀN TRẢ THƯ TÍN DỤNG

Điều 40. Điều kiện đối với khách hàng

1. Ngân hàng xem xét, quyết định hoàn trả thư tín dụng theo đề nghị của khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:

a) Thư tín dụng do khách hàng phát hành để phục vụ hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp;

b) Có phương án sử dụng vốn khả thi;

c) Có khả năng tài chính để trả nợ.

2. Ngân hàng không phải xem xét điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều này đối với khách hàng trong các trường hợp sau:

a) Khách hàng là ngân hàng mẹ hoặc chi nhánh trong hệ thống tại Việt Nam của ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Khách hàng là tổ chức tín dụng là chi nhánh ở nước ngoài của ngân hàng thương mại.

3. Trường hợp khách hàng là người không cư trú, ngân hàng (trừ chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoàn trả thư tín dụng bằng ngoại tệ thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều này) chỉ xem xét, quyết định hoàn trả thư tín dụng cho khách hàng khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và đáp ứng một trong những điều kiện sau:

a) Là tổ chức tín dụng ở nước ngoài là chi nhánh hoặc công ty con của ngân hàng thương mại; là ngân hàng mẹ hoặc chi nhánh trong hệ thống của ngân hàng mẹ của chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

b) Khách hàng bảo đảm đủ 100% giá trị thư tín dụng bằng tài sản của khách hàng gồm số dư tiền gửi, tiền ký quỹ tại chính ngân hàng hoàn trả;

c) Bên thụ hưởng của thư tín dụng là người cư trú.

4. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ xem xét, quyết định hoàn trả thư tín dụng bằng ngoại tệ cho khách hàng là người không cư trú khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và bên thụ hưởng là người cư trú.

Điều 41. Thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng

1. Trường hợp hoàn trả thư tín dụng theo hình thức thỏa thuận với khách hàng thanh toán bằng nguồn tiền của ngân hàng hoàn trả, thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng là khoảng thời gian được xác định từ ngày tiếp theo ngày ngân hàng hoàn trả thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng cho đến ngày đến hạn của khoản cấp tín dụng nhưng không vượt quá ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng và đảm bảo không vượt quá 01 năm và không vượt quá thời hạn hoạt động còn lại của ngân hàng và khách hàng.

2. Trường hợp hoàn trả thư tín dụng theo hình thức phát hành cam kết hoàn trả, thời hạn cấp tín dụng trong nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng là khoảng thời gian được xác định từ ngày tiếp theo ngày phát hành cam kết hoàn trả thư tín dụng cho đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng nhưng không vượt quá thời hạn hoạt động hợp pháp còn lại của ngân hàng và khách hàng.

Điều 42. Thỏa thuận cấp tín dụng trong nghiệp vụ hoàn trả thư tín dụng

1. Thỏa thuận cấp tín dụng để hoàn trả thư tín dụng phải có các nội dung chính sau:

a) Thông tin về các bên có liên quan bao gồm ngân hàng phát hành, ngân hàng hoàn trả, bên đề nghị, bên thụ hưởng và các bên liên quan khác (nếu có);

b) Thông tin về thư tín dụng, biện pháp đảm bảo (nếu có), các thông tin khác theo yêu cầu của ngân hàng hoàn trả;

c) Loại tiền, số tiền đề nghị hoàn trả thư tín dụng;

d) Thời hạn cấp tín dụng khi hoàn trả thư tín dụng;

đ) Phí hoàn trả thư tín dụng, lãi, lãi phạt (nếu có).

2. Các bên có thể lập thỏa thuận hoàn trả thư tín dụng cụ thể đối với từng giao dịch hoặc thỏa thuận khung áp dụng chung đối với tất cả các giao dịch hoàn trả thư tín dụng, đính kèm thỏa thuận cụ thể.

Điều 43. Phát hành cam kết và thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thư tín dụng

1. Trường hợp hoàn trả thư tín dụng theo hình thức phát hành cam kết hoàn trả, căn cứ thỏa thuận cấp tín dụng, ngân hàng phát hành cam kết hoàn trả thư tín dụng cho bên thụ hưởng. Nội dung cam kết và việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ cam kết hoàn trả thư tín dụng do các bên thỏa thuận, phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Ngân hàng hoàn trả thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng theo đề nghị hoàn trả của khách hàng hoặc bên thụ hưởng trên cơ sở tuân thủ tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

3. Trường hợp hoàn trả thư tín dụng theo hình thức thỏa thuận với khách hàng thanh toán bằng nguồn tiền của ngân hàng hoàn trả:

a) Khi ngân hàng hoàn trả thực hiện thanh toán cho bên thụ hưởng theo đề nghị của khách hàng, ngân hàng hoàn trả phải hạch toán ghi nợ đối với khách hàng số tiền ngân hàng hoàn trả đã thanh toán cho bên thụ hưởng theo cam kết tại thư tín dụng;

b) Đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ và lãi, phí cho ngân hàng hoàn trả theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này;

c) Trường hợp khách hàng không hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ cho ngân hàng hoàn trả khi đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, ngân hàng hoàn trả chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn. Ngân hàng hoàn trả phải thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

4. Trường hợp hoàn trả thư tín dụng theo hình thức phát hành cam kết hoàn trả, ngân hàng hoàn trả thỏa thuận với khách hàng về việc trích tài khoản ký quỹ, tài khoản tiền gửi (nếu có) của khách hàng hoặc khách hàng chuyển tiền thanh toán vào tài khoản chỉ định của ngân hàng hoàn trả để ngân hàng hoàn trả thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên thụ hưởng. Trường hợp số tiền của khách hàng không đủ giá trị thanh toán cho bên thụ hưởng, khách hàng phải nhận nợ bắt buộc với ngân hàng hoàn trả số tiền khách hàng còn thiếu. Khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ bắt buộc và tiền lãi, phí cho ngân hàng hoàn trả theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này.

5. Trường hợp khoản nợ bằng ngoại tệ, khách hàng thực hiện trả nợ bằng ngoại tệ hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

Mục 5. ỦY THÁC VÀ NHẬN ỦY THÁC PHÁT HÀNH THƯ TÍN DỤNG

Điều 44. Điều kiện thực hiện ủy thác và nhận ủy thác của ngân hàng

Ngân hàng được thực hiện ủy thác, nhận ủy thác phát hành thư tín dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hoạt động ủy thác, nhận ủy thác phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động.

2. Có quy định nội bộ về quản lý hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, trong đó có nội dung về nhận dạng, đo lường và quản lý các rủi ro của hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phù hợp với tính chất, quy mô hoạt động của ngân hàng.

3. Hoạt động ủy thác và nhận ủy thác phải được quản lý rủi ro bởi một bộ phận quản lý rủi ro.

4. Bên nhận ủy thác có cơ sở vật chất, mạng lưới và đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn, kỹ thuật để đảm bảo thực hiện nội dung ủy thác.

5. Bên nhận ủy thác phải xem xét thẩm định khả năng tài chính để đảm bảo việc giao vốn của bên ủy thác trước khi xem xét, quyết định chấp thuận nhận ủy thác phát hành thư tín dụng.

Điều 45. Nguyên tắc ủy thác

1. Ủy thác phải được lập thành hợp đồng, phù hợp với quy định tại Điều 46 Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Bên nhận ủy thác không được ủy thác lại cho bên thứ ba.

3. Việc giao vốn ủy thác phải phù hợp với ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng.

4. Bên nhận ủy thác không được sử dụng vốn ủy thác trái với mục đích, nội dung ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác.

5. Bên ủy thác phải tính số dư các khoản ủy thác phát hành thư tín dụng vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng, bên nhận ủy thác phải tính số dư phát hành thư tín dụng vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với bên ủy thác theo quy định của pháp luật về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

6. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhận ủy thác của ngân hàng mẹ hoặc chi nhánh của ngân hàng mẹ ở nước ngoài để phát hành thư tín dụng; ngân hàng thương mại nhận ủy thác của chi nhánh hoặc công ty con của ngân hàng ở nước ngoài để phát hành thư tín dụng và các bên liên quan thực hiện theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài, quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

7. Các khoản ủy thác bằng ngoại tệ phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định của pháp luật có liên quan.

8. Bên ủy thác, bên nhận ủy thác phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với số dư ủy thác theo quy định của pháp luật về phân loại tài sản có, mức trích lập, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

9. Ngân hàng không được ủy thác phát hành thư tín dụng cho bên đề nghị thuộc các trường hợp không được cấp tín dụng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

Điều 46. Hợp đồng ủy thác

1. Hợp đồng ủy thác phải có tối thiểu các nội dung sau:

a) Thông tin của bên ủy thác và bên nhận ủy thác;

b) Các thông tin liên quan đến bên đề nghị, bên thụ hưởng, hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ và các thông tin liên quan khác để có đủ căn cứ thực hiện phát hành thư tín dụng;

c) Mục đích ủy thác;

d) Phạm vi, nội dung ủy thác;

đ) Thời hạn ủy thác;

e) Phí ủy thác, lãi suất phạt (nếu có);

g) Vốn ủy thác, thời gian giao vốn ủy thác;

h) Đồng tiền phát hành thư tín dụng;

i) Quyền, nghĩa vụ của bên ủy thác, bên nhận ủy thác, trong đó phải quy định rõ bên ủy thác chịu mọi rủi ro từ khách hàng của mình và hưởng mọi lợi ích từ hoạt động ủy thác, bên nhận ủy thác chịu mọi rủi ro từ bên ủy thác và được hưởng phí ủy thác;

k) Xử lý tranh chấp.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, hợp đồng ủy thác có thể có các nội dung khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 47. Thời hạn ủy thác

Thời hạn ủy thác do bên ủy thác và bên nhận ủy thác thỏa thuận, là khoảng thời gian được tính từ thời điểm bên nhận ủy thác thực hiện phát hành thư tín dụng cho đến thời điểm bên nhận ủy thác thanh toán cho bên thụ hưởng được quy định tại hợp đồng ủy thác.

Điều 48. Phí ủy thác

Bên ủy thác và bên nhận ủy thác thỏa thuận số tiền phí ủy thác mà bên ủy thác trả cho bên nhận ủy thác để thực hiện phát hành thư tín dụng, được quy định tại hợp đồng ủy thác, phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 49. Thực hiện nghĩa vụ theo cam kết tại thư tín dụng

1. Ngân hàng phát hành là bên nhận ủy thác phải thanh toán cho bên thụ hưởng theo đúng quy định tại thư tín dụng và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, bên nhận ủy thác thỏa thuận với bên ủy thác về việc trích tài khoản ký quỹ, tài khoản tiền gửi (nếu có) của bên ủy thác hoặc bên ủy thác chuyển tiền vào tài khoản chỉ định của bên nhận ủy thác để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên thụ hưởng.

Trường hợp số tiền của bên ủy thác không đủ giá trị thanh toán cho bên thụ hưởng, bên ủy thác phải nhận nợ bắt buộc với bên nhận ủy thác số tiền còn thiếu mà bên nhận ủy thác đã trả thay cho bên ủy thác. Bên ủy thác có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ bắt buộc và tiền lãi phạt theo thỏa thuận tại hợp đồng ủy thác.

3. Đến ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng, bên ủy thác trích tài khoản ký quỹ, tài khoản tiền gửi (nếu có), sử dụng tiền vay của khách hàng theo thỏa thuận để thực hiện chuyển tiền cho bên nhận ủy thác thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên thụ hưởng.

Trường hợp số tiền của khách hàng không đủ giá trị thanh toán cho bên thụ hưởng, khách hàng phải nhận nợ bắt buộc với bên ủy thác số tiền khách hàng còn thiếu. Khách hàng có nghĩa vụ hoàn trả đầy đủ số tiền nhận nợ bắt buộc và tiền lãi, phí theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư này.

Điều 50. Quyền và nghĩa vụ của bên ủy thác

1. Bên ủy thác có các quyền sau:

a) Yêu cầu bên nhận ủy thác cung cấp hồ sơ, tài liệu chứng minh bên nhận ủy thác được phép thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu bên nhận ủy thác cung cấp tài liệu, thông tin, dữ liệu về tình hình, kết quả thực hiện hợp đồng ủy thác;

c) Giám sát, kiểm tra việc bên nhận ủy thác thực hiện nội dung, phạm vi được ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác;

d) Các quyền khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Bên ủy thác có các nghĩa vụ sau:

a) Xem xét, đánh giá bên nhận ủy thác có đủ khả năng thực hiện nghiệp vụ phát hành thư tín dụng;

b) Chuyển vốn ủy thác cho bên nhận ủy thác để bên nhận ủy thác thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo cam kết tại thư tín dụng phù hợp với ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng quy định tại hợp đồng ủy thác;

c) Cung cấp cho bên nhận ủy thác các tài liệu, thông tin, dữ liệu có liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời của các thông tin, tài liệu, dữ liệu đó;

d) Thanh toán phí ủy thác, tiền lãi phạt (nếu có) cho bên nhận ủy thác quy định tại hợp đồng ủy thác;

đ) Các nghĩa vụ khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 51. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy thác

1. Bên nhận ủy thác có các quyền sau:

a) Từ chối các yêu cầu của bên ủy thác liên quan đến phạm vi và nội dung ủy thác không được quy định tại hợp đồng ủy thác hoặc không đúng quy định của pháp luật;

b) Được nhận phí ủy thác, tiền lãi phạt (nếu có) theo quy định tại hợp đồng ủy thác;

c) Yêu cầu bên ủy thác cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến ủy thác theo quy định tại hợp đồng ủy thác và theo yêu cầu của các bên có liên quan;

d) Các quyền khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Bên nhận ủy thác có các nghĩa vụ sau:

a) Xem xét, đánh giá phạm vi hoạt động của bên ủy thác để đảm bảo bên ủy thác được phép thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng theo quy định của pháp luật;

b) Thực hiện đúng nội dung, phạm vi ủy thác được quy định tại hợp đồng ủy thác;

c) Thông báo kịp thời, đầy đủ cho bên ủy thác về tình hình thực hiện phát hành thư tín dụng và thanh toán cho bên thụ hưởng theo quy định tại hợp đồng ủy thác;

d) Chuyển trả cho bên ủy thác tất cả lợi ích hợp pháp, các hồ sơ, giấy tờ có liên quan (nếu có) theo quy định tại hợp đồng ủy thác;

đ) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định tại hợp đồng ủy thác.

Chương III

HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN THƯ TÍN DỤNG

Điều 52. Hoạt động mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ theo thư tín dụng

1. Điều kiện đối với bộ chứng từ theo thư tín dụng được mua hẳn miễn truy đòi:

a) Được phát hành theo tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng;

b) Thuộc quyền thụ hưởng hợp pháp của khách hàng;

c) Chưa được thanh toán;

d) Bộ chứng từ đã được ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận chấp nhận thanh toán.

2. Trường hợp khách hàng là người không cư trú, ngân hàng chỉ được mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ theo thư tín dụng khi ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận thư tín dụng là người cư trú.

3. Đồng tiền mua bộ chứng từ:

a) Đối với bộ chứng từ theo thư tín dụng phát hành bằng đồng Việt Nam, ngân hàng được mua bằng đồng Việt Nam;

b) Đối với bộ chứng từ theo thư tín dụng phát hành bằng ngoại tệ, ngân hàng thực hiện mua bằng ngoại tệ ghi trên thư tín dụng hoặc quy đổi ra đồng Việt Nam, đồng ngoại tệ khác theo tỷ giá thỏa thuận.

4. Ngân hàng đánh giá rủi ro đối với ngân hàng phát hành (trừ trường hợp ngân hàng mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ theo thư tín dụng do chính ngân hàng phát hành) hoặc ngân hàng xác nhận nếu thư tín dụng được xác nhận để xem xét, thỏa thuận với khách hàng về việc mua hẳn bộ chứng từ, trong đó bao gồm nội dung: giá mua bán bộ chứng từ, đồng tiền mua bán, một số trường hợp được phép truy đòi từ khách hàng (nếu có), các nội dung khác do các bên thỏa thuận trên cơ sở giá trị thanh toán khi đến hạn thanh toán, ngày đến hạn thanh toán thư tín dụng và các nội dung khác.

5. Trình tự, thủ tục mua và thanh toán bộ chứng từ thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên, phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng và phải quy định cụ thể trong quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng.

6. Tổng số dư mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng theo thư tín dụng được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng mua bộ chứng từ đối với ngân hàng phát hành hoặc ngân hàng xác nhận nếu thư tín dụng được xác nhận, trừ trường hợp ngân hàng mua hẳn miễn truy đòi bộ chứng từ theo thư tín dụng do chính ngân hàng phát hành.

Điều 53. Các dịch vụ khác liên quan đến thư tín dụng

Ngân hàng được cung cấp cho khách hàng các dịch vụ khác liên quan đến thư tín dụng theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 114 Luật Các tổ chức tín dụng phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng, gồm:

1. Các dịch vụ cung cấp cho khách hàng là bên bán, xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ:

a) Thông báo thư tín dụng, thông báo sửa đổi thư tín dụng;

b) Kiểm tra, xử lý, xuất trình bộ chứng từ;

c) Sửa đổi, điều chỉnh thư đòi tiền theo yêu cầu của khách hàng;

d) Thanh toán bộ chứng từ;

đ) Hủy thư tín dụng theo yêu cầu;

e) Chuyển nhượng thư tín dụng; sửa đổi chuyển nhượng thư tín dụng; hủy chuyển nhượng thư tín dụng;

g) Điện phí;

h) Chuyển phát bộ chứng từ;

i) Lập bộ chứng từ theo thư tín dụng;

k) Kiểm nháp chứng từ;

l) Tư vấn nghiệp vụ thư tín dụng;

m) Hoàn trả thư tín dụng bằng tiền của khách hàng;

n) Chuyển nhượng bộ chứng từ theo thư tín dụng;

o) Thông báo chấp nhận bộ chứng từ;

ô) Các dịch vụ khác phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

2. Các dịch vụ cung cấp cho khách hàng là bên mua, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ:

a) Tư vấn nghiệp vụ thư tín dụng;

b) Bảo lãnh nhận hàng, ký hậu vận đơn, ủy quyền nhận hàng;

c) Điện phí;

d) Chuyển phát bộ chứng từ;

đ) Các dịch vụ khác phù hợp với tập quán thương mại quốc tế về thư tín dụng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 54. Hạch toán kế toán, thông tin báo cáo

1. Ngân hàng thực hiện hạch toán kế toán đối với nghiệp vụ thư tín dụng theo quy định của pháp luật hiện hành về chế độ hạch toán kế toán.

2. Ngân hàng báo cáo tình hình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng theo quy định về chế độ báo cáo thống kê của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 55. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế có trách nhiệm:

a) Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra tình hình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng của các ngân hàng đối với khách hàng là người cư trú;

b) Đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng đối với khách hàng là người cư trú.

2. Vụ Quản lý ngoại hối có trách nhiệm:

a) Theo dõi, tổng hợp, kiểm tra tình hình thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng của các ngân hàng đối với khách hàng là người không cư trú;

b) Đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng đối với khách hàng là người không cư trú.

3. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có trách nhiệm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng của các ngân hàng và xử lý các vi phạm phát sinh theo thẩm quyền.

4. Vụ Tài chính - Kế toán có trách nhiệm hướng dẫn các ngân hàng thực hiện chế độ hạch toán kế toán đối với các giao dịch liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng theo quy định tại Thông tư này.

5. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra các ngân hàng trong việc chấp hành Thông tư này theo thẩm quyền.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 56. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các hợp đồng, thỏa thuận, cam kết, giao dịch khác liên quan đến nghiệp vụ thư tín dụng được ký kết, thỏa thuận trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, ngân hàng và khách hàng được tiếp tục thực hiện, theo dõi cho đến hết thời hạn hiệu lực và nghĩa vụ của các bên liên quan đã hoàn thành. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hợp đồng, thỏa thuận, cam kết, giao dịch khác chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung, gia hạn phù hợp với quy định của Thông tư này.

2. Ngân hàng đã được cấp phép thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng mà không phải sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

3. Ngân hàng đã được cấp phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước; dịch vụ thanh toán quốc tế; dịch vụ thanh toán giữa các khách hàng; cung ứng dịch vụ thanh toán trên thị trường trong nước hoặc quốc tế trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng đến ngày 31/12/2025 mà không phải sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

Điều 57. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

Điều 58. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 58;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Cổng thông tin điện tử NHNN;
- Lưu: VP, Vụ PC, Vụ QLNH, Vụ TDCNKT (05).

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Đào Minh Tú

THE STATE BANK OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 21/2024/TT-NHNN

Hanoi, June 28, 2024

 

CIRCULAR

PROVIDING FOR LETTER OF CREDIT OPERATIONS AND OTHER BUSINESS ACTIVITIES RELATED TO LETTERS OF CREDIT

Pursuant to the Civil Code dated November 24, 2015;

Pursuant to the Law on the State Bank of Vietnam dated June 16, 2010;

Pursuant to the Law on Credit Institutions dated January 18, 2024;

Pursuant to the Ordinance on Foreign Exchange dated December 13, 2005; Ordinance on Amendments to some Articles of the Ordinance on Foreign Exchange dated March 18, 2013;

Pursuant to the Government’s Decree No. 102/2022/ND-CP dated December 12, 2022 defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the State Bank of Vietnam;

At the request of the Director General of the Department of Credit for Economic Sectors and the Director General of the Department of Foreign Exchange Management;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Circular stipulates letter of credit operations (hereinafter referred to as “L/C operations”) (except for standby letter of credit operations) and other business activities related to L/C provided by credit institutions (hereinafter referred to as “CIs”) and foreign bank branches (hereinafter referred to as “FBBs”) to customers.

Article 2. Regulated entities

1. CIs and FBBs that are entitled to perform L/C operations and other business activities related to L/C consist of commercial banks, cooperative banks and FBBs (hereinafter referred to as “banks”).

2. Individuals and organizations that are residents and non-residents related to L/C operations and other business activities related to L/C.

Article 3. Definitions

For the purposes of this Circular, the terms below shall be construed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. “other L/C-related business activities” mean the outright purchase without recourse of a set of documents presented under an L/C and the services provided by a bank to customers in addition to the services provided by the bank in the process of providing L/C operations for customers.

3. “letter of credit (L/C)” means any irrevocable undertaking of an issuing bank to pay the beneficiary on the basis of the received set of documents under a complying presentation.

4. “issuance of L/C” means an issuing bank extending credit to a customer through issuance of an L/C to a beneficiary at the customer’s request.  The customer must accept the debt and fully pay the principal, interest and fees as agreed in case the bank must make payment to the beneficiary using its own funds or request another bank to make payment on the customer's behalf.

5. “confirmation of L/C” means a confirming bank undertaking to paying the beneficiary on the basis of the received set of documents under a complying presentation at the request of the issuing bank, in addition to the issuing bank's undertaking.

6. “payment negotiation” means a negotiating bank buying forward or purchasing in the form of recourse factoring a set of documents presented under an L/C (with or without bills of exchange) from the beneficiary before the payment is due.

7. “reimbursement of L/C” means a reimbursing bank agreeing with an issuing bank on the payment made using its own funds to the beneficiary or a reimbursing bank undertaking pay the beneficiary at the request of the issuing bank, in addition to the issuing bank's undertaking.

8. “outright purchase without recourse of a set of documents presented under L/C” means a bank buying a set of documents and receive the unpaid documents from the customer. The bank will receive a payment from the issuing bank or confirming bank and has no recourse against the customer in case it does not receive the payment in full from the issuing bank or confirming bank.

9. “set of documents under L/C” means the documents which are presented so as for a payment to be made as specified in the L/C.

10. “beneficiary” means the seller or exporter of goods or services as specified in an L/C or the party for whom, and for whose benefit, an LC is issued.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12. “customer” means an organization (including overseas bank or overseas CI) or an individual. To be specific:

a) In the case of issuing L/C, customer of the issuing bank is the applicant;

b) In the case of confirming L/C, customer of the confirming bank is the issuing bank;

c) In the case of negotiating payment, customer of the negotiating bank is the beneficiary requesting the bank to negotiate payment;

d) In the case of reimbursing L/C, customer of the reimbursing bank is the issuing bank;

dd) In the case of other L/C-related business activities, customer of the bank is the party to whom or to which services are provided or the party requesting the bank to make outright purchase without recourse of the set of documents presented under L/C.

13. “international commercial practice for L/C” mean uniform rules, customs and practice for L/C issued by the International Chamber of Commerce and other commercial practices not contrary to basic principles of Vietnamese law, which are agreed upon by the parties.

14. “agreement on credit extension serving L/C operations” means an agreement between the issuing bank, confirming bank, negotiating bank or reimbursing bank with the customer and other related parties (if any) on the extension of credit to the customer through issuance, confirmation, negotiation of payment and reimbursement of L/C.

15. “L/C due date” means the last due date of payment to the beneficiary in accordance with the terms of payment under the L/C.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



17. “capital use plan in L/C operations” means a collection of information about the use of capital by a customer, including at least the following information: source of funds for honoring obligations committed under an L/C; purposes of issuing or confirming or negotiating or reimbursing the L/C.

18. “L/C issuance trust” means a fiduciary relationship in which one party, known as the trustor, gives another party, known as the trustee, the monetary assets so as for the trustee to issue L/C to the beneficiary and serve the applicant that is the trustor’s customer.  The trustor assumes all risks incurred by its customers, while the trustee assumes all risks incurred by the trustor.

19. “trustor” means an overseas bank or overseas CI (being a parent bank or branch of the parent bank of the FBB, branch or subsidiary that is an overseas CI of a commercial bank) entrusting the trustee with issuing L/C to the beneficiary.

20. “trustee” means a bank that issues L/C to the beneficiary as entrusted by the trustor.

Article 4. Autonomy of banks

1. Every bank has its autonomy for performing L/C operations and other L/C-related business activities and assume responsibility for its financial performance.

2. Every bank reserves the right to reject any customer's request for credit extension or provision of other L/C-related business activities if it is found ineffective or unconformable with its internal regulations, regulations in this Circular, international commercial practice for L/C and other relevant regulations of law.

Article 5. Principles of performing L/C operations and other L/C-related business activities

1. Any L/C operation provided by a bank to a customer shall be bound by an agreement between the bank and the customer. Upon performing an L/C operation, the bank must comply with the regulations enshrined in this Circular and relevant regulations of law on credit extension. Other contents regarding L/C operations, the bank shall comply with international commercial practice for L/C.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Upon collecting principal, interest and fees in a foreign currency in L/C operations, if a customer does not have or is yet to have enough foreign currency to repay a debt, the customer may buy foreign currency at the bank performing the L/C operations or at another CI or FBB to repay the debt.

Where the customer wishes to buy foreign currency at the bank performing the L/C operations, that bank must sell foreign currency to the customer. Where the customer buys foreign currency at another CI or FBB, that CI or FBB must transfer such foreign currency to the bank performing L/C operations. The customer must sell foreign currency to the CI or FBB that sold foreign currency to the customer as that CI or FBB so wishes in the case where the customer has foreign currency derived from revenues from production and business activities.

4. Upon performing the payment negotiation operation for non-residents, the bank must comply with the regulations set forth in this Circular and relevant regulations of law on management of foreign exchange with regard to grant of foreign loans and collection of debts thereof.

5. Upon performing the operation of issuing, confirming or reimbursing L/C for non-residents, the bank is not required to a specialized foreign currency account at a payment service provider to collect foreign debts using the L/C operation. Where the bank opens a specialized foreign currency account at a payment service provider in Vietnam, the payment service provider shall examine and compare the documents presented by the bank to correctly conduct transactions involving the performance of L/C operations.

6. Each bank shall perform other L/C-related business activities for customers under the agreement between parties in accordance with regulations of this Circular, relevant regulations of law and international commercial practice for L/C.

7. Regulations set out under the Law on Credit Institutions and guidelines of the State Bank of Vietnam (hereinafter referred to as “SBV”) regarding prohibited acts, cases of ineligibility for credit extension, restrictions on credit extension and limits on credit extension shall be complied with.

Article 6. Application of practices and resolution of disputes

1. Parties to L/C operations are entitled to apply commercial practices as prescribed in Article 3 of the Law on Credit Institutions.

2. When applying commercial practice for L/C, the parties shall explicitly state the version thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 7. Use of language

1. An agreement on credit extension serving L/C operations must be made in Vietnamese, unless it contains foreign elements as prescribed in the Civil Code or is made via an international communication network. In case of using a foreign language, the credit extension agreement must, at the request of a competent authority, be translated into Vietnamese with confirmation of the bank's legal representative or notarized or authenticated and accompanied by a foreign language version.

2. For other documents used in L/C operations (in addition to the agreement on credit extension serving L/C operations), each bank is permitted to agree with relevant parties about the use of foreign language ​​in accordance with international commercial practice for LC. In case of using a foreign language, these documents must, at the request of a competent authority, be translated into Vietnamese with confirmation of the bank's legal representative or notarized or authenticated and is accompanied by a foreign language version.

Article 8. Security for performance of obligations of customers

1. The bank shall agree with the customer about whether to apply any security interest upon performing an L/C operation.

2. In case of agreeing to apply a security interest, the bank and the customer shall adhere to regulations of law on security for performance of obligation and internal regulations of the bank.

3. The customer and the securing party must cooperate with the bank to realize collateral when there are grounds for the realization under the agreement on credit extension serving L/C operations and regulations of law.

Article 9. Balance in L/C operations

1. Balance in L/C operations provided to a customer or a customer and their related person(s) includes balance in issuance of L/C, balance in confirmation of LC, balance in negotiation of payment of L/C, balance in reimbursement or undertaking to reimburse L/C to such customer, such customer and their related person(s).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 10. Amount of extended credit

Banks and customers shall agree to an amount of extended credit based on the value of the sales contract (in case of L/C issuance) or the value of L/C (in case of L/C confirmation, payment negotiation and reimbursement) and limits on credit extension to the customer so as to issue, confirm, negotiate payment of or reimburse L/C but that amount must not exceed the value of the sales contract between the customer and the beneficiary or the value of the L/C.

Article 11. Currencies used in L/C issuance, conformation, reimbursement and payment

1. The bank and the customer shall agree whether to issue the L/C in Vietnamese dong or foreign currency in order to match the currency payable to the beneficiary under the sales contract.

2. The bank and the customer shall agree to confirm or reimburse the L/C in Vietnamese dong or foreign currency in order to match the currency payable to the beneficiary under the L/C.

3. The issuing bank, confirming bank or reimbursing bank shall pay the beneficiary on the L/C due date using the payment currency written on the L/C.

Article 12. Interest rates on credit extended to customers

1. The bank and the customer shall agree to the interest rates applying to the L/C reimbursement and payment negotiation.

2. The interest rate on overdue principal balance in the case of L/C reimbursement and payment negotiation shall be agreed to by banks under the credit extension agreement but not exceed 150% of the interest rate on extended credit prior to its maturity at the time of debt delinquency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. The late payment interest rate shall be agreed to by banks under the credit extension agreement for the L/C operations but not exceed 10%/year of the overdue interest over the late payment period.

5. If a foreign currency is used to perform L/C operations, the parties shall agree to collect interests on L/C operations in the same foreign currency or convert it into Vietnamese dong or another foreign currency at the agreed exchange rate.

Article 13. Fees for L/C operations and other L/C-related business activities

1. The bank shall agree with the customer and related parties (if any) on the collection of fees and rates of fees for credit extension in relation to L/C operations and rates of fees applicable to other L/C-related business activities.

2. Each bank shall openly post fees for operations and other L/C-related business activities.

3. If a foreign currency is used to perform L/C operations, the parties shall agree to collect fees for L/C operations in the same foreign currency or convert it into Vietnamese dong or another foreign currency at the agreed exchange rate.

Article 14. Application for credit extension

Any customer that wishes to be provided with L/C operations must submit the following to a bank:

1. Information, documents and data proving their eligibility for credit extension as prescribed in Article 21, Article 27, Article 31 and Article 40 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information about a related person being an individual: full name, personal identification number in case of a Vietnamese citizen; nationality, passport number, date of issue, place of issue in case of a foreigner; relationship with the customer;

b) Information about a related person being an organization: name, enterprise ID number, and headquarters address of the enterprise, number of enterprise registration certificate or another document of equivalent legal effect, legal representative and relationship with the customer.

3. Other documents required by the bank.

Article 15. Carrying out appraisal for credit extension

1. A bank shall appraise the conditions for credit extension applicable to its customer as prescribed in Article 21, Article 27, Article 31 and Article 40 of this Circular to consider deciding the L/C issuance, confirmation, payment negotiation and reimbursement. In the course of appraisal, the bank shall use the internal credit rating system associated with information available at the National Credit Information Center of Vietnam and other communications channels.

2. The bank must establish credit extension approval procedures according to the principle of assignment of responsibilities in the appraisal and decision-making stages.

3. In the event of refusal to extend credit, the bank shall notify the customer of its decision on refusal and reasons for such refusal if the customer so requests.

Article 16. Classification, amounts established for risk provisions and methods for establishing risk provisions and use of provisions for credit risk management

Each bank shall classify assets and decide amounts established for risk provisions, methods for establishing risk provisions and use of these provisions for risk management regarding the undertakings and assets upon extending credit in L/C operations, making outright purchase without recourse of sets of documents presented under L/C and establishing the L/C issuance trust in accordance with regulations of law on classification of assets, amounts established for risk provisions, methods for establishing risk provisions and use of these provisions for management of risks arising from operations of CIs and FBBs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Pursuant to regulations of the Law on Credit Institutions, this Circular and other relevant regulations of law, every bank shall promulgate its internal regulations on L/C operations performed for customers (including regulations on electronic L/C operations (if any)), which include the process for performing L/C operations in accordance with regulations on credit extension and business characteristics of the bank.

2. The bank shall send its internal regulations on L/C operations to SBV (Banking Supervision Agency or SBV branch of province or city) as per relevant regulations of law.

Article 18. Electronic L/C operations

1. The bank and the customer are entitled to select to perform L/C operations and other L/C-related business activities by electronic means (hereinafter referred to as “e-L/C operations). The performance of e-L/C operations shall comply with regulations of this Circular; regulations of law on anti-money laundering; e-transactions; personal data protection; safety and security for provision of online services in the banking industry and relevant regulations of law.

2. When identifying a customer and verifying customer identification information via electronic means for customers establishing a relationship with the bank for the first time (except where the customer sends an authenticated SWIFT message or uses electronic signature according to regulations of law), the bank shall follow the instructions below:

a) For the customer being a resident: The bank shall identify the customer and verify customer identification information according to SBV’s regulations on opening and use of checking accounts at payment service providers.

b) For the customer being a non-resident: The bank shall identify the customer and verify customer identification information by way of conducting self-assessment of level of risks to select and decide appropriate measures, methods and technology for e-transaction authentication, ensuring safety and facing all risks that arise.

3. The bank shall decide measures, methods and technology for performance of e-L/C operations for all or each stage in the business process, take all risks (if any) that arise and meet the following minimum requirements:

a) Measures, methods and technology selected by the bank must satisfy security, safety, and confidentiality standards according to SBV’s regulations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Documents, information and customer identification data shall be fully stored and preserved during the process of performing e-L/C operations. Information and data must be stored safely, kept confidential and backed up and the adequacy and integrity of data must be assured to serve the examination, comparison and authentication of customers in the course of performing e-L/C operations; tracing requests, complaints and disputes must be resolved and information must be provided at the request of competent authorities. Period of storage and preservation shall comply with regulations of law on anti-money laundering and law on e-transactions;

d) The bank must inspect and evaluate the level of safety and confidentiality of measures, methods and technology and suspend services to upgrade, modify and perfect them in case safety is threatened;

dd) Responsibility shall be delegated to each individual or division in charge of building, establishing and operating the information system in service of credit appraisal and decision on credit extension in e-L/C operations. In case any risk arises, a mechanism should be in place to identify each responsible individual or division and promptly handle the issues and risks that arise to ensure efficiency and safety during performance of e-L/C operations.

4. The information system serving e-L/C operations must satisfy level-3 or higher-level information system security requirements laid down in regulations of law on assurance of security of information systems by classification and SBV’s regulations on information system security in banking operations.

Article 19. Rights and obligations of banks issuing, confirming, negotiating payment of and reimbursing L/C

1. Banks performing L/C operations have the following rights:

a) Accept or reject customers’ request in performance of L/C operations;

b) Request customers and related parties to provide information, documents and data related to appraisal of credit and collateral (if any);

c) Request customers to fully pay the agreed principal, interest and fees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Other rights agreed upon by the parties in accordance with relevant regulations of law and international commercial practice for L/C.

2. Banks performing L/C operations have the following obligations:

a) Honor their undertakings to customers;

b) Other obligations agreed upon by the parties in accordance with regulations of this Circular and international commercial practice for L/C.

Article 20. Rights and obligations of customers

1. Customers have the following rights:

a) Reject bank’s requests which are unconformable with signed agreements on credit extension serving L/C operations and regulations of law;

b) Initiate a lawsuit according to provisions of law as any related party is in breach of their committed obligations;

c) Other rights under agreement with banks in accordance with international commercial practice for L/C.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Provide information, documents and data to banks in a truthful, accurate, adequate and timely manner to prove that they meet all conditions for credit extension and take responsibility for the information, documents and data provided;

b) Fully pay the agreed principal, interest and fees in accordance with international commercial practice for L/C;

c) Other obligations under agreement with banks and regulations of law.

Chapter II

L/C OPERATIONS 

Section 1. ISSUANCE OF L/C

Article 21. Conditions to be satisfied by customers

1. A bank shall consider and decide the issuance of an L/C if a customer fully satisfies the following conditions:

a) They have civil legal personality and capacity for civil acts as prescribed by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) They have a feasible capital use plan;

d) They are financially capable of paying for the sales contract.

2. Where the customer is a non-resident, the bank (except for the FBB issuing L/C in a foreign currency as prescribed in clause 3 of this Article) shall only consider and decide the issuance of an L/C to the customer if they satisfy the conditions set out in clause 1 of this Article and one of the following requirements:

a) The customer is an enterprise established and operating in a foreign country with capital contributed from a Vietnamese enterprise in the form of investment prescribed in points a and c clause 1 Article 52 of the Law on Investment or in other investment form prescribed in point dd clause 1 Article 52 of the Law on Investment;

b) 100% of the L/C value shall be secured by the customer's assets, including their deposits and deposit certificates at the issuing bank or the amount that the customer will be paid from another L/C issued by the bank to the beneficiary being the customer;

c) The beneficiary is a resident.

3. Each FBB shall only consider and decide the issuance of an L/C in a foreign currency to any customer being a non-resident provided that they fully meet the conditions set forth in clause 1 of this Article and the beneficiary is a resident.

Article 22. Time limit for credit extension in L/C issuance

1. The time limit for credit extension in L/C issuance means a period of time beginning from the day following the date of issuing an L/C to the L/C due date but must not exceed the remaining duration of legal operation of the bank and the customer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 23. Credit extension agreement in L/C issuance

1. A credit extension agreement shall contain the following main details:

a) Information about the parties in L/C issuance;

b) Requested currency and amount;

c) A sales contract;

d) Type of L/C;

dd) Source of funds for paying for the sales contract;

e) Fees, interest rates, penalty interest rate (if any) applied;

g) Security interest (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



i) Trading of foreign currency (if any);

k) L/C due date;

l) Time limit for credit extension;

m) Resolution of disputes that arise;

n) Other details not contrary regulations of law.

2. The credit extension agreement shall secure rights and obligations of the parties and be made in the form of a credit extension agreement individually applying to each specific transaction in L/C issuance or a framework agreement generally applying to all transactions in L/C issuance, accompanied by a specific agreement.

Article 24. Issuance of L/C

1. According to the credit extension agreement, the bank shall issue an L/C to the beneficiary. Details of L/C and the amendment or annulment of the L/C shall be agreed to by the parties and conform to international commercial practice for L/C.

2. Banks are entitled to issue types of L/C under agreement with customers in accordance with international commercial practice for L/C.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 25. Fulfillment of obligations committed under L/C

1. The issuing bank shall pay the beneficiary in accordance with regulations set out in the L/C and international commercial practice for L/C.

2. Where a bank issues a sight or deferred payment L/C, the bank shall agree with the customer about the deduction of the escrow account or deposit account (if any) or use of loans of the customer so as for the former to make payment to the beneficiary. Where the customer's amount is not sufficient to pay the beneficiary, the customer must be indebted to the bank for the arrears. The customer is obliged to fully pay the indebtedness amount, interest and fees as prescribed in Articles 12 and 13 of this Circular.

3. In case a bank issues a deferred payment L/C which contains a provision that the beneficiary is entitled to receive sight payment or advanced payment before the L/C due date, the parties shall follow the instructions below:

a) The issuing bank shall request the reimbursing bank to pay the beneficiary. Where the beneficiary is a non-resident, the issuing bank shall only request the reimbursing bank being the non-resident to pay the beneficiary;

b) As the reimbursing bank pays the beneficiary, the issuing bank must be indebted to the reimbursing bank and the bank must also be indebted to the reimbursing bank for the amount paid by the latter to the beneficiary as committed under the L/C. The banks shall record the debt incurred by the customer upon being notified by the reimbursing bank. The reimbursing bank and issuing bank must include such outstanding debt in the total credit extension balance of the customer;

c) On the L/C due date, the customer is obliged to fully pay the indebtedness amount and interest to the issuing bank and the issuing bank is obliged to fully pay the indebtedness amount, interest and fees to the reimbursing bank as prescribed in Articles 12 and 13 of this Circular.

d) In case the customer fails to fully pay the indebtedness amount to the issuing bank by the L/C due date, the issuing bank shall convert the principal amount that the customer fails to repay by the due date into delinquent debt. The issuing bank must notify the customer of such debt delinquency. The notification shall contain at least the outstanding amount of overdue principal, time of debt delinquency and interest rate charged for that overdue principal amount as prescribed in Article 12 of this Circular;

dd) In case the issuing bank fails to pay the indebtedness amount to the reimbursing bank, the reimbursing bank shall comply with the regulation set out in point c clause 3 Article 43 of this Circular, unless the reimbursing bank is a non-resident;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. In case the issuing bank requests the reimbursing bank being a non-resident to pay the beneficiary as prescribed in clause 3 of this Article, the issuing bank shall comply with regulations of law on management of enterprise’ foreign borrowing and repayment of foreign debts which are not guaranteed by the Government.

5. In the event of debt in a foreign currency, the customer shall pay it in the same foreign currency or convert the foreign currency into Vietnamese dong or another foreign currency at the agreed exchange rate.

Article 26. Syndicated loans in L/C issuance

1. Banks shall co-issue L/C according to the principles, conditions and procedures prescribed in this Circular, SBV’s regulations on grant of syndicated loans to customers by CIs and FBBs and relevant regulations of law.

2.  In case the L/C is co-issued by the bank and an overseas CI and the customer is a resident, the customer must adhere to the regulations set out in this Circular and regulations of law on management of enterprise’ foreign borrowing and repayment of foreign debts which are not guaranteed by the Government.

Section 2. CONFIRMATION OF L/C

Article 27. Conditions to be satisfied by customers

1. A bank shall consider and decide the confirmation of an L/C if a customer fully satisfies the following conditions:

a) The L/C issued by the customer to serve their legal sale of goods and services;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) They are financially capable of honoring the obligations committed under the L/C.

2. The bank is not required to consider the condition specified in point c clause 1 of this Article applicable to the customer in the following cases:

a) The customer is a parent bank or branch in the system in Vietnam of the FBB’s parent bank;

b) The customer is a CI being a commercial bank’s overseas branch.

3. Where the customer is a non-resident, the bank (except for the FBB confirming L/C in a foreign currency as prescribed in clause 4 of this Article) shall only consider and decide the confirmation of the L/C for the customer if they satisfy the conditions set out in clauses 1 and 2 of this Article and one of the following requirements:

a) The customer is an overseas CI being the branch or subsidiary of a commercial bank; is a parent bank or branch in the system in Vietnam of the FBB’s parent bank;

b) 100% of the L/C value shall be secured by the customer's assets, including their deposits and deposit certificates at the confirming bank;

c) The beneficiary of the L/C is a resident.

4. Each FBB shall only consider and decide the confirmation of an L/C in a foreign currency to any customer being a non-resident provided that they fully meet the conditions set forth in clauses 1 and 2 of this Article and the beneficiary is a resident.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The time limit for credit extension in L/C confirmation means a period of time beginning from the day following the date of confirming an L/C to the L/C due date but must not exceed the remaining duration of legal operation of the bank and the customer.

Article 29. Credit extension agreement in L/C confirmation

1. A credit extension agreement in L/C confirmation shall contain the following main details:

a) Information about related parties, including issuing bank, confirming bank, applicant, beneficiary and other related parties (if any);

b) Information about the L/C, security interest (if any), other information requested by the confirming bank;

c) Requested currency and amount;

d) Time limit for credit extension upon L/C confirmation;

dd) Fees, interest rates, penalty interest rate (if any).

2. The credit extension agreement shall be made in the form of a credit extension agreement individually applying to each specific transaction in L/C issuance or a framework agreement generally applying to all transactions in L/C confirmation, accompanied by a specific agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The confirming bank shall pay the beneficiary in accordance with regulations set out in the L/C and international commercial practice for L/C.

2. The confirming bank shall agree with the customer about the deduction of the latter's escrow account or deposit account (if any) or the customer shall transfer their payment to the confirming bank’s nominated account so as for the confirming bank to confirm the fulfillment of obligation to pay the beneficiary. Where the customer's amount is not sufficient to pay the beneficiary, the customer must be indebted to the confirming bank for the arrears. The customer is obliged to fully pay the indebtedness amount, interest and fees to the confirming bank as prescribed in Articles 12 and 13 of this Circular.

3. In the event of debt in a foreign currency, the customer shall pay it in the same foreign currency or convert the foreign currency into Vietnamese dong or another foreign currency at the agreed exchange rate.

Section 3. PAYMENT NEGOTIATION

Article 31. Conditions to be satisfied by customers

1. A bank shall consider and decide the payment negotiation if a customer fully satisfies the following conditions:

a) They have full civil legal personality and capacity for civil acts as prescribed by law;

b) The L/C is meant to serve legal sale of goods and services;

c) The set of documents satisfies the conditions mentioned in Article 32 of this Circular;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) They are financially capable of reimbursing the amount for which payment negotiation is requested.

2. Where the customer is a non-resident, the bank (except for the FBB negotiating payment in a foreign currency as prescribed in clause 3 of this Article) shall only consider and decide the negotiation of payment for the set of documents under the L/C for the customer if they satisfy the conditions set out in clause 1 of this Article and one of the following requirements:

a) The customer is an enterprise established and operating in a foreign country with capital contributed from a Vietnamese enterprise in the form of investment prescribed in points a and c clause 1 Article 52 of the Law on Investment or in other investment form prescribed in point dd clause 1 Article 52 of the Law on Investment;

b) The bank issuing the L/C is a resident.

3. Each FBB shall only consider and decide the negotiation of payment for the set of documents under L/C in a foreign currency for any customer being a non-resident provided that they fully meet the conditions set forth in clause 1 of this Article and the bank issuing the L/C is a resident.

Article 32. Conditions applicable to set of documents under L/C for which payment negotiation is requested

1. Any L/C accompanied by a set of documents presented for payment negotiation shall be issued in accordance with international commercial practice for L/C.

2. The customer is the lawful beneficiary of the set of documents.

3. Payment for the set of documents is yet to be made.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. For the sets of documents under L/C issued in Vietnamese dong, banks shall negotiate payment in Vietnamese dong for customers.

2. For the sets of documents under L/C issued in a foreign currency, banks shall negotiate payment in the foreign currency written on the L/C or convert it into Vietnamese dong or another foreign currency at the agreed exchange rate.

Article 34. Currency used for reimbursement for amount being negotiated upon expiry of time limit for payment negotiation

1. For the sets of documents negotiated to be paid for in Vietnamese dong, the currency used for reimbursement shall also be Vietnamese dong.

2. For the sets of documents negotiated to be paid for in a foreign currency, the currency used for reimbursement shall also be foreign currency or converted into Vietnamese dong or another foreign currency at the agreed exchange rate.

Article 35. Methods of payment negotiation

Banks and customers shall agree to and select the following methods of payment:

1. Buying forward of a set of documents under an L/C which refers to an instance where a bank buys and receives the set of documents under the L/C that are not mature from the customer and the customer must undertake to reimburse the amount for which payment negotiation is requested, interest rate and fees after a definite amount of time specified in the payment negotiation agreement.

2. Purchase of a set of documents presented under an L/C in the form of recourse factoring which refers to an instance where a bank buys and receives the set of documents that is not mature from the customer and the bank is entitled to claim the remaining from the customer in case the bank does not receive the payment in full from the bank responsible for paying for the set of documents by the L/C due date. The bank shall reimburse the amount for which payment negotiation is requested, interest rate applying to payment negotiation and other legitimate costs related to the payment negotiation in case the bank does not receive the payment in full from the bank responsible for paying for the set of documents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Banks and customers shall agree to purchase and repurchase prices of sets of documents on the basis of payment value on the due date, level of risks of the sets of documents, interest rate applying to payment negotiation, term to maturity of the sets of documents and other factors.

2. The time limit for making negotiated payment using the method “buying forward” shall be agreed upon by the bank and the customer but not exceed 01 year and the term to maturity of a set of documents.

3. The time limit for making negotiated payment using the method “purchase in the form of recourse factoring” shall be agreed upon by the bank and the customer but not exceed 01 year and the ending date of the time limit for recourse. The time limit for recourse shall be agreed upon by the bank and the customer, beginning from the day following the L/C due date to the date on which the customer must fully pay the bank the amount that the person responsible for paying for the set of document failed to pay.

4. The interest rate applying to payment negotiation and other costs related to the payment negotiation shall be agreed upon by the bank and the customer and conform to regulations of law.

5. The penalty interest rate on the overdue amount of payment negotiation shall be agreed upon by the bank and the customer in conformity with Article 12 of this Circular.

Article 37. Payment negotiation agreement

1. A payment negotiation agreement shall contain at least the following details:

a) Information about related parties, including negotiating bank, beneficiary and other related parties (if any);

b) Information about the set of documents under L/C, other information requested by the negotiating bank;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Currency in payment negotiation;

dd) Methods of payment negotiation;

e) Time limit for payment negotiation;

g) Interest rate, penalty interest rate and related costs;

h) Cases where the payment negotiation agreement is terminated ahead of schedule (if any);

i) Actions against violations;

k) Effect of the payment negotiation agreement;

l) Other details agreed upon by the parties in conformity with regulations of law.

2. The parties may agree to make a payment negotiation agreement individually applying to each specific transaction in payment negotiation or a framework agreement generally applying to all transactions in payment negotiation, accompanied by a specific agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. As a bank agrees to make the negotiated payment to a customer, the customer shall transfer the set of documents to the bank as prescribed by law.

2. Payment negotiation procedures must be elaborated in the bank’s internal regulations on payment negotiation.

Article 39. Debt delinquency

1. In case of buying forward a set of documents: If the customer fails to pay debt by the due date, the bank shall convert the amount that the customer failed to pay into delinquent debt. On the L/C due date, if the payment for L/C is lower than the amount which the bank negotiates to pay the customer plus fees and interest, the bank shall continue to monitor this difference and adopt debt recovery methods.

2. In case of purchasing a set of documents in the form of recourse factoring: If the customer fails to pay debt to the bank upon the expiry of the recourse time limit specified in the payment negotiation agreement between the bank and the customer, the bank shall convert the amount negotiated to be paid to the customer into delinquent debt and adopt debt recovery methods.

3. The bank must notify the customer of the debt delinquency specified in clauses 1 and 2 of this Article. The notification shall contain at least the outstanding amount of overdue principal, time of debt delinquency and interest rate charged for that overdue principal amount.

Section 4. REIMBURSEMENT OF L/C

Article 40. Conditions to be satisfied by customers

1. A bank shall consider and decide the reimbursement of an L/C at the request of a customer if they fully satisfy the following conditions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) They have a feasible capital use plan;

c) They are financially capable of paying debts.

2. The bank is not required to consider the condition specified in point c clause 1 of this Article applicable to the customer in the following cases:

a) The customer is a parent bank or branch in the system in Vietnam of the FBB’s parent bank;

b) The customer is a CI being a commercial bank’s overseas branch.

3. Where the customer is a non-resident, the bank (except for the FBB reimbursing L/C in a foreign currency as prescribed in clause 4 of this Article) shall only consider and decide the reimbursement of an L/C to the customer if they satisfy the conditions set out in clauses 1 and 2 of this Article and one of the following requirements:

a) The customer is an overseas CI being the branch or subsidiary of a commercial bank; is a parent bank or branch in the system in Vietnam of the FBB’s parent bank;

b) 100% of the L/C value shall be secured by the customer's assets, including deposits and deposit certificates at the reimbursing bank;

c) The beneficiary of the L/C is a resident.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 41. Time limit for credit extension in L/C reimbursement

1. In case of reimbursing an L/C in the form of an agreement with the customer to make payment using the reimbursing bank’s funds, the time limit for credit extension in L/C reimbursement means a period of time beginning from the day following the date on which the reimbursing bank makes payment to the beneficiary until the due date of the amount of extended credit but must not exceed the L/C due date and not exceed 01 year and remaining duration of operation of the bank and the customer.

2. In case of reimbursing an L/C in the form of issuing a reimbursement undertaking, the time limit for credit extension in L/C reimbursement means a period of time beginning from the day following the date of issuing the L/C reimbursement undertaking to the L/C due date but must not exceed the remaining duration of legal operation of the bank and the customer.

Article 42. Credit extension agreement in L/C reimbursement

1. A credit extension agreement in service of L/C reimbursement shall contain the following main details:

a) Information about related parties, including issuing bank, reimbursing bank, applicant, beneficiary and other related parties (if any);

b) Information about the L/C, security interest (if any), other information requested by the reimbursing bank;

c) Requested currency and amount;

d) Time limit for credit extension upon L/C reimbursement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The parties may agree to make an L/C reimbursement agreement individually applying to each specific transaction in L/C reimbursement or a framework agreement generally applying to all transactions in L/C reimbursement, accompanied by a specific agreement.

Article 43. Issuance of undertakings and fulfillment of obligations to reimburse L/C

1. In case of reimbursing an L/C in the form of issuing a reimbursement undertaking, the bank issuing the reimbursement undertaking shall rely on the credit extension agreement to reimburse the L/C to the beneficiary. Details of the reimbursement undertaking and the amendment or annulment of the reimbursement undertaking shall be agreed to by the parties and conform to international commercial practice for L/C.

2. The reimbursing bank shall pay the beneficiary at the request of the customer or the beneficiary on the basis of adhering to international commercial practice for L/C.

3. In case of reimbursing an L/C in the form of an agreement with the customer to make payment using the reimbursing bank’s funds:

a) As the reimbursing bank pays the beneficiary at the customer’s request, the reimbursing bank must record the amount paid by the reimbursing bank to the beneficiary as a debt to be incurred by the customer according to the undertaking in the L/C;

b) On the L/C due date, the customer is obliged to fully pay the indebtedness amount, interest and fees to the reimbursing bank as prescribed in Articles 12 and 13 of this Circular;

c) In case the customer fails to fully pay the indebtedness amount to the reimbursing bank by the L/C due date, the reimbursing bank shall convert the principal amount that the customer fails to repay by the due date into delinquent debt. The reimbursing bank must notify the customer of the debt delinquency. The notification shall contain at least the outstanding amount of overdue principal, time of debt delinquency and interest rate charged for that overdue principal amount as prescribed in Article 12 of this Circular.

4. In case of reimbursing an L/C in the form of issuing a reimbursement undertaking, the reimbursing bank shall agree with the customer about the deduction of the latter’s escrow account or deposit account (if any) or the customer shall transfer their payment to the reimbursing bank’s nominated account so as for the reimbursing bank to fulfill its obligation to pay the beneficiary. Where the customer's amount is not sufficient to pay the beneficiary, the customer must be indebted to the reimbursing bank for the arrears. The customer is obliged to fully pay the indebtedness amount, interest and fees to the reimbursing bank as prescribed in Articles 12 and 13 of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 5. OFFER AND ACCEPTANCE OF L/C ISSUANCE TRUSTEESHIP

Article 44. Conditions for offer and acceptance of the trusteeship to/from banks

A bank is eligible for the offer and acceptance of L/C issuance trusteeship if it fully meets the following conditions:

1. Trusteeship offer and acceptance transactions must be specified in the license for its establishment and operation.

2. It is required to set out the internal regulations on management of trusteeship offer and acceptance transactions under which risks to such transactions must be identified, weighed and managed in conformity with the operating characteristics and scope of the bank.

3. All risks incurred from the trusteeship offer and acceptance transactions must be managed by a risk management unit.

4. The trustee must provide necessary facilities, network and staff of professional, skilled and well-trained personnel that are required to fulfill their fiduciary duties.

5. The trustee must consider and evaluate the financial capacity for the distribution of trust property by the trustor before considering and deciding the acceptance of L/C issuance trusteeship.

Article 45. Trust principles

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The trustee is not permitted to delegate the trusteeship to the third party.

3. The trust property must be transferred by the L/C due date.

4. The trustee is not permitted to misuse the trust property and breach their contractual fiduciary duties as agreed upon in the trust agreement.

5. The trustor must include the balance of entrusted accounts in the total credit extension balance of the customer, the trustee must total credit extension balance of the trustor in accordance with regulations of law on prudential ratios and limits in operations of banks and FBBs.

6. FBBs entrusted by the parent banks or branches of the parent banks in foreign countries with the issuance of L/C; commercial banks entrusted by the branches or subsidiaries of the banks in foreign countries with the issuance of L/C and relevant parties shall comply with regulations laid down in this Circular and regulations of law on foreign borrowing and repayment of foreign loans, exchange management as well as other relevant regulations of law.

7. Entrusted assets in foreign currencies must conform to regulations of law on foreign exchange management and other relevant regulations of law.

8. The trustor and the trustee must carry out the debt classification and establish provisions for risk management with respect to the balance of the trustor’s assets held in trust in accordance with regulations of law on classification of assets, amounts established for risk provisions, methods for establishing risk provisions and use of these provisions for management of risks arising from operations of CIs and FBBs.

9. Banks are not permitted to delegate the trusteeship for L/C issuance to the applicant in the cases of ineligibility for credit extension set out under the Law on Credit Institutions.

Article 46. Trust agreement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information about the trustor and the trustee;

b) Information relating to the applicant, the beneficiary, sales contract and other related information as the basis for issuance of L/C;

c) Fiduciary purpose;

d) Fiduciary scope, terms and conditions;

dd) Trust term;

e) Fiduciary fee, penalty interest rate (if any);

g) Trust property; the time of transferring the trust property;

h) Agreed currencies used for the trust;

i) Rights and obligations of the trustor and trustee, which must clearly mandate that the trustor shall take all risks from their customers and be entitled to the benefit or interest of the trust, and the trustee shall take all risks from the trustor and be entitled to trust fees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In addition to the information mentioned in clause 1 of this Article, the trust agreement can enclose other information agreed by contracting parties in conformity with regulations laid down in this Circular and relevant regulations of law.

Article 47. Trust term

Trust term which shall be agreed upon by the trustor and the trustee refers to the period of time that begins from the date on which the trustee commences issuing an L/C until the date on which the trustee makes payment to the beneficiary specified in the trust agreement.

Article 48. Trust fee

The trustor and the trustee shall agree to the trust fee that is paid by the trustor to the trustee for issuance of L/C, specified in the trust agreement and conforms to regulations of law.

Article 49. Fulfillment of obligations committed under L/C

1. The issuing bank being the trustee must pay the beneficiary in accordance with regulations set out in the L/C and international commercial practice for L/C.

2. On the L/C due date, the trustee shall agree with the trustor about the deduction of the latter’s escrow account or deposit account (if any) or the trustor shall transfer an amount to the trustee’s nominated account to fulfill the obligation to pay the beneficiary.

Where the trustor’s amount is not sufficient to pay the beneficiary, the trustor must be indebted to the trustee for the arrears paid by the trustee to the trustor. The trustor is obliged to fully pay the indebtedness amount and penalty interest as agreed in the trust agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where the customer's amount is not sufficient to pay the beneficiary, the customer must be indebted to the trustor for the arrears. The customer is obliged to fully pay the indebtedness amount, interest and fees as prescribed in Articles 12 and 13 of this Circular.

Article 50. Rights and obligations of the trustor

1. The trustor shall be vested with the following rights:

a) Request the trustee to provide documentary evidences proving that the trustee has obtained permission to perform L/C operations as prescribed by law;

b) Request the trustee to report and provide documents, information and data on the status and result of trust agreement execution;

c) Supervise and inspect the compliance of the trustee with their fiduciary duties and scope defined in the trust agreement;

d) Exercise other rights in accordance with provisions enshrined in the trust agreement and regulations of law.

2. The trustor shall take on the following obligations:

a) Consider and assess whether the trustee is sufficiently competent to issue L/C;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Provide the trustee with documents, information and data pertaining to their fiduciary duties specified in the trust agreement and take responsibility for the truthfulness, accuracy, adequacy and timeliness of such documents, information and data;

d) Pay fiduciary fees and penalty interest (if any) to the trustee as specified in the trust agreement;

dd) Discharge other obligations in accordance with provisions enshrined in the trust agreement and regulations of law.

Article 51. Rights and obligations of the trustee

1. The trustee shall be vested with the following rights:

a) Refuse any of requests of the trustor pertaining to scope and terms and conditions of the trust which is not agreed in the trust agreement, or infringes regulations of law;

b) Receive fiduciary fees and penalty interest (if any) in accordance with terms and conditions of the trust agreement;

c) Request the trustor to provide necessary information, documents and data pertaining to the trust as specified in the trust agreement and as requested by related parties;

d) Exercise other rights in accordance with provisions enshrined in the trust agreement and regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Consider and assess scope of the trustor in order to ensure that the trustor is permitted to perform L/C operations as prescribed by law;

b) Conform to fiduciary duties and scope as agreed upon in the trust agreement;

c) Inform the trustor about the issuance of L/C and making of payment to the beneficiary in a timely and sufficient manner as specified in the trust agreement;

d) Transfer all of the legal benefits and related documents (if any) to the trustor as specified in the trust agreement;

dd) Discharge other obligations in accordance with provisions enshrined in the trust agreement.

Chapter III

OTHER L/C-RELATED BUSINESS ACTIVITIES

Article 52. Outright purchase without recourse of sets of documents under L/C

1. Conditions applicable to a set of documents under an L/C which is outright purchased without recourse:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The customer is the lawful beneficiary of the set of documents;

c) Payment for the set of documents is yet to be made;

d) The payment for the set of documents has been accepted by the issuing bank or the confirming bank.

2. In case the customer is a non-resident, the bank shall only outright purchase without recourse of the set of documents under L/C as the L/C issuing bank or the L/C confirming bank is a resident.

3. Currencies used to purchase a set of documents:

a) For the set of documents under L/C issued in Vietnamese dong, banks are permitted to purchase it in Vietnamese dong;

b) For the set of documents under L/C issued in a foreign currency, banks shall purchase it in the foreign currency written on the L/C or convert the foreign currency into Vietnamese dong or another foreign currency at the agreed exchange rate.

4. The bank shall assess risks to the issuing bank (except where the bank outright purchases the set of documents without recourse under LC issued by the bank itself) or the confirming bank if the L/C is confirmed to consider and agree with the customer about the outright purchase of the set of documents, including the following details: purchase price of the set of documents, currency used for purchase, some cases where recourse from the customer (if any) is allowed, other details agreed upon by the parties on the basis of payment value when due, L/C due date and other details.

5. Procedures for purchasing and paying a set of documents shall be agreed upon by the parties, conform to international commercial practice for LC and be specified in the bank’s internal regulations on other business activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 53. Other L/C-related services

Banks are entitled to provide customers with other L/C-related services as prescribed in point e clause 1 Article 114 of the Law on Credit Institutions in accordance with international commercial practice for L/C, including:

1. Services provided to customers being sellers or exporters of goods/services:

a) L/C notification, notification of L/C amendment;

b) Examination, processing and presentation of sets of documents;

c) Amendment of claims at the request of customers;

d) Payment for sets of documents;

dd) Cancellation of L/C upon request;

e) Transfer of L/C; amendment of L/C transfer; cancellation of L/C transfer;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Delivery of sets of documents;

i) Preparation of sets of documents under L/C;

k) Draft document review;

l) L/C operations consulting;

m) Reimbursement of L/C using customer’s amount;

n) Transfer of sets of documents under L/C;

o) Notification of document set acceptance;

oo) Other services in accordance with international commercial practice for L/C.

2. Services provided to customers being purchasers or importers of goods/services:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Guarantee for receipt of goods, endorsement of bill of lading, authorization to receive goods;

c) Telegraph fee;

d) Delivery of sets of documents;

dd) Other services in accordance with international commercial practice for L/C.

Chapter IV

IMPLEMENTATION

Article 54. Accounting and reporting

1. Banks shall carry out accounting for L/C operations in accordance with prevailing regulations of law on accounting.

2. Banks shall report their performance of L/C operations in accordance with regulations on SBV’s statistical reporting regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Department of Credit for Economic Sectors shall:

a) Monitor, review and inspect the performance of L/C operations and other L/C-related business activities by banks for customers being residents;

b) Act as a conduit and cooperate with relevant units to resolve difficulties that arise from L/C operations and other L/C-related business activities for customers being residents.

2. The Department of Foreign Exchange Management shall:

a) Monitor, review and inspect the performance of L/C operations and other L/C-related business activities by banks for customers being non-residents;

b) Act as a conduit and cooperate with relevant units to resolve difficulties that arise from L/C operations and other L/C-related business activities for customers being non-residents.

3. The Banking Supervision Agency shall act as a conduit and cooperate with relevant units to inspect, audit and supervise L/C operations and other L/C-related business activities of banks and take actions against violations within their power.

4. The Department of Finance and Accounting shall instruct banks to do accounting for transactions related to L/C operations and other L/C-related business activities as prescribed in this Circular.

5. SBV branches of provinces and cities shall supervise, inspect and audit the compliance with this Circular by banks within their power.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION CLAUSE

Article 56. Transitional clauses

1. Any contract, agreement, undertaking or other transaction related to L/C operations signed and agreed upon before the effective date of this Circular shall continue to be executed and monitored until its expiry date and fulfillment of related parties' obligations.  The amendment or extension of the contract, agreement, undertaking or other transactions shall be made only when such amendment or extension conforms to regulations of this Circular.

2. Any bank issued with a license to perform L/C operations before the effective date of this Circular may perform L/C operations and other L/C-related business activities without having to apply for amendment of its license.

3. Any bank issued with a license to provide domestic payment services; international payment services; payment services between customers; provide payment services on the domestic or international market before the effective date of this Circular may continue to perform L/C operations and other L/C-related business activities until December 31, 2025 without having to apply for amendment of its license.

Article 57. Effect

This Circular comes into force from July 01, 2024.

Article 58. Responsibility for organizing implementation

Chief of Office, Director General of Department of Credit for Economic Sectors, Director General of Department of Foreign Exchange Management, heads of units affiliated to SBV, CIs and FBBs are responsible for organizing the implementation of this Circular./.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

PP. THE GOVERNOR
THE DEPUTY GOVERNOR




Dao Minh Tu

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 21/2024/TT-NHNN ngày 28/06/2024 quy định về nghiệp vụ thư tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến thư tín dụng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


35.916

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.88.18
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!