NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
18/2022/TT-NHNN
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 12 năm 2022
|
THÔNG TƯ
SỬA
ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 09/2015/TT-NHNN NGÀY 17 THÁNG 7 NĂM
2015 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG MUA, BÁN NỢ
CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG, CHI NHÁNH NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Bộ Luật Dân
sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ
chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11
năm 2017;
Căn cứ Nghị định
102/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành
kinh tế;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông
tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài.
Điều
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17 tháng 7
năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua,
bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
1. Sửa đổi khoản
2 Điều 1 như sau:
“2. Thông tư này không áp
dụng đối với hoạt động mua, bán nợ xấu giữa tổ chức tín dụng và Công ty quản lý
tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); hoạt động mua, bán nợ phát
sinh từ hợp đồng vay, cho vay giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài.”.
2. Sửa đổi khoản
4 và bổ sung khoản 7a Điều 3
như sau:
“4. Bên mua nợ là
tổ chức, cá nhân, bao gồm:
a) Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây là Ngân
hàng Nhà nước) chấp thuận hoạt động mua nợ;
b) Tổ chức khác, cá nhân
(bao gồm cả tổ chức, cá nhân là người cư trú và người không cư trú).”
“7a. Giá trị ghi sổ nội
bảng của khoản nợ được mua bán: gồm giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, dư nợ lãi
của khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ (nếu có) đến
thời điểm mua, bán nợ đang được hạch toán nội bảng.”
3. Sửa đổi khoản
3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 và bổ sung khoản 11,
12 Điều 5 như sau:
“3. Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài được Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận hoạt động
mua nợ phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của
Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự
phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm đề nghị chấp thuận hoạt
động mua nợ, trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt. Tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận
hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy
phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là Giấy phép) và
có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng
Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi
ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời điểm ký hợp đồng mua nợ, trừ các trường
hợp quy định tại khoản 12 Điều này.
4. Trước khi thực hiện
mua, bán nợ theo quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức tín dụng, chi nhánh
ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ
(trong đó có quy định rõ về phân cấp thẩm quyền theo nguyên tắc phân định trách
nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định mua, bán nợ; phương thức mua, bán nợ,
phương thức thanh toán; quy trình mua, bán nợ; quy trình, phương pháp định giá
khoản nợ; quy trình quản trị rủi ro đối với hoạt động mua, bán nợ).”
“6. Mua lại khoản nợ đã
bán của tổ chức tín dụng:
a) Bên bán nợ không mua lại
khoản nợ đã bán, trừ các trường hợp sau:
(i) Tổ chức tín dụng mua
lại khoản nợ đã bán cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định
tại điểm a khoản 12 Điều này;
(ii) Tổ chức tín dụng hỗ
trợ mua lại khoản nợ đã bán cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo
phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt
theo quy định tại khoản 6 Điều 148đ Luật Các tổ chức tín dụng;
(iii) Tổ chức tín dụng nhận
chuyển giao bắt buộc mua lại khoản nợ đã bán cho ngân hàng thương mại được chuyển
giao bắt buộc theo quy định tại điểm c khoản 12 Điều này.
b) Tổ chức tín dụng thực
hiện mua lại khoản nợ đã bán quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản này theo nội
dung đã cam kết mua lại khoản nợ tại phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm
quyền phê duyệt trong trường hợp sau:
(i) Khoản nợ mua lại đang
được tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản
vay đặc biệt tại Ngân hàng Nhà nước nhưng không còn được phân loại là nợ đủ
tiêu chuẩn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và bán thay thế bằng khoản nợ đủ
tiêu chuẩn khác.
(ii) Đến hạn trả nợ vay đặc
biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chưa có đủ tiền để hoàn trả nợ
vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước theo kế hoạch trả nợ vay đặc biệt.
7. Tổ chức tín dụng không
được bán nợ cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ các trường hợp
sau:
a) Bán nợ cho công ty quản
lý nợ và khai thác tài sản theo phương án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê
duyệt;
b) Tổ chức tín dụng là
bên nhận chuyển giao bắt buộc bán nợ đủ tiêu chuẩn cho ngân hàng thương mại được
chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.”
“11. Tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng cho khách hàng để mua nợ
thuộc sở hữu của chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
12. Tổ chức tín dụng
không phải đáp ứng tỷ lệ nợ xấu dưới 3% khi mua nợ trong các trường hợp sau:
a) Tổ chức tín dụng được
kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 146a Luật Các tổ chức tín dụng;
b) Tổ chức tín dụng được
kiểm soát đặc biệt thực hiện mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng hỗ trợ
theo phương án phục hồi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê
duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 148b Luật Các tổ chức tín dụng;
c) Ngân hàng thương mại
được chuyển giao bắt buộc mua nợ đủ tiêu chuẩn của tổ chức tín dụng nhận chuyển
giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt;
d) Các trường hợp mua nợ
quy định tại điểm a(ii), a(iii) khoản 6 Điều này.”
4.
Sửa đổi khoản 1 Điều
7 như sau:
“1. Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài có nhu cầu được chấp thuận hoạt động mua nợ lập 01
(một) bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này gửi trực tiếp hoặc qua dịch
vụ bưu chính đến trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (Bộ phận Một cửa).”.
5. Sửa đổi khoản
2 Điều 10 như sau:
“2. Đấu giá: Bên bán nợ
ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của
pháp luật về đấu giá tài sản.”.
6.
Bổ sung Điều 10a như sau:
“Điều 10a. Mua, bán nợ
trong trường hợp bên mua nợ chưa thanh toán đủ số tiền mua nợ
Trường hợp bên mua nợ và
bên bán nợ có thỏa thuận về việc bên mua nợ được trả tiền mua nợ (một phần hoặc
toàn bộ số tiền mua nợ) sau thời điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu
khoản nợ từ bên bán nợ thì các bên phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Thời hạn hoàn thành
thanh toán số tiền mua, bán nợ của bên mua nợ cho bên bán nợ tối đa là 60 ngày,
tính từ ngày hợp đồng mua, bán nợ có hiệu lực.
2. Trừ trường hợp quy định
tại khoản 4 Điều này, số tiền mà bên mua nợ chưa thanh toán đủ cho bên bán nợ
theo hợp đồng mua, bán nợ phải được bảo đảm 100% khả năng thanh toán bằng các
loại tài sản có tính thanh khoản cao, bao gồm:
a) Tiền gửi, chứng chỉ tiền
gửi, kỳ phiếu, tín phiếu bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ do tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành;
b) Vàng miếng theo quy định
của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng;
c) Trái phiếu Chính phủ,
trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
d) Trái phiếu doanh nghiệp
được xếp hạng mức AA- trở lên (theo Standard & Poor’s hoặc Fitch Ratings)
hoặc từ mức Aa3 trở lên (theo Moody’s) và được niêm yết trên thị trường chứng
khoán;
đ) Cổ phiếu được niêm yết
trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
(trừ: các cổ phiếu bị cảnh cáo, kiểm soát, bị tạm ngừng, đình chỉ hoặc hạn chế
giao dịch theo quy định của pháp luật và quy chế của Sở giao dịch chứng khoán
Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng bảo đảm và các cổ phiếu có khối lượng giao dịch
dưới 300.000 cổ phiếu/ngày, tính trong 10 ngày giao dịch liền kề trước ngày ký
hợp đồng bảo đảm).
3. Giá trị của các tài sản
dùng để bảo đảm cho số tiền mua nợ được trả sau quy định tại khoản 2 Điều này
được xác định theo nguyên tắc xác định giá trị tài sản bảo đảm để tính khấu trừ
khi trích lập dự phòng rủi ro tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm.
4. Trường hợp tổ chức tín
dụng được kiểm soát đặc biệt, ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc
mua nợ theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 12 Điều 5 Thông tư này và sử dụng
khoản nợ được mua này để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay đặc biệt tại Ngân
hàng Nhà nước, việc bảo đảm cho số tiền mua nợ mà bên mua nợ được trả sau thời
điểm bên mua nợ đã nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ được mua bán từ bên
bán nợ (nếu có) do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.”.
7. Sửa đổi Điều
11 như sau:
“Điều 11. Hội đồng mua, bán nợ
Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập Hội đồng mua, bán nợ phù hợp với quy
định pháp luật, điều lệ, quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ. Thành phần,
nhiệm vụ, quyền hạn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định.”.
8. Sửa đổi Điều
12 như sau:
“Điều 12. Định giá khoản
nợ
Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán nợ phải thực hiện định giá khoản nợ để xác
định giá khởi điểm đối với trường hợp mua, bán nợ theo phương thức bán đấu giá
hoặc giá để đàm phán mua, bán nợ đối với trường hợp mua, bán nợ theo phương thức
thỏa thuận. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét lựa chọn
việc định giá khoản nợ theo các phương thức sau:
1. Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài tự xác định giá khoản nợ theo một hoặc các cơ sở
sau:
a) Giá trị ghi sổ khoản nợ,
khoản lãi mà bên nợ phải trả tại thời điểm định giá, phân loại nhóm khoản nợ,
tài sản bảo đảm (nếu có), tình hình tài chính khách hàng vay và các yếu tố khác
có ảnh hưởng đến giá trị khoản nợ (nếu có) tại thời điểm định giá;
b) Quy định, hướng dẫn của
Bộ Tài chính về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ.
2. Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thuê doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện
định giá khoản nợ được mua, bán.”.
9. Sửa đổi khoản
1 Điều 14 như sau:
“1. Bên mua nợ trở thành
người thế quyền, nghĩa vụ liên quan đến khoản nợ được mua, bán của bên bán nợ kể
từ thời điểm bên mua nợ nhận chuyển giao quyền sở hữu khoản nợ từ bên bán nợ
theo thỏa thuận tại hợp đồng mua, bán nợ”.
10. Bổ sung Điều 15a như sau:
“Điều 15a. Quản lý
theo dõi trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều
bên mua nợ
Việc quản lý, theo dõi
trong trường hợp bán một phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua
nợ theo quy định tại khoản 9 Điều 5 Thông tư này được thực hiện theo nguyên tắc:
1. Trường hợp bên bán nợ
còn sở hữu một phần khoản nợ được mua, bán, bên bán nợ phải tiếp tục làm đầu mối
thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm và các vấn đề khác
liên quan của khoản nợ. Phần nợ chưa bán, bên bán nợ tiếp tục thực hiện quản
lý, theo dõi, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp
luật.
Trường hợp, bên bán nợ
không còn sở hữu khoản nợ được mua, bán và đã nhận đầy đủ số tiền mua nợ, việc
chuyển giao hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm của khoản nợ và các vấn đề
khác liên quan đến khoản nợ của bên bán nợ cho các bên mua nợ được thực hiện
theo thỏa thuận của các bên mua nợ, phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Quyền, nghĩa vụ của
các bên và việc xử lý các vấn đề phát sinh trong trường hợp bên bán nợ làm đầu
mối thực hiện quản lý hồ sơ, tài liệu, các biện pháp bảo đảm và các vấn đề khác
liên quan của khoản nợ quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo thỏa
thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp bán một
phần khoản nợ hoặc bán một khoản nợ cho nhiều bên mua nợ, việc xử lý tài chính
và các vấn đề liên quan khác đối với phần nợ được mua, bán của bên mua nợ và
bên bán nợ được thực hiện như quy định đối với mua, bán khoản nợ và quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều này.”.
11. Sửa đổi điểm
b khoản 1 và bổ sung khoản 2a Điều
20 như sau:
“b) Việc phân loại nợ,
trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với số tiền mua nợ, tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật.”
“2a. Khoản nợ đã bán
nhưng chưa thu được đầy đủ tiền bán nợ thì số tiền bán nợ chưa thu được tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ thực hiện phân loại nợ, trích lập
và sử dụng dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật.”.
12.
Sửa đổi Điều 21
như sau:
“Điều 21. Xử lý tài
chính, hạch toán kế toán đối với khoản nợ đã mua, bán
1. Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ
a) Đối với khoản nợ có nợ
gốc đang hạch toán nội bảng
(i) Việc xử lý thu hồi nợ
được thực hiện theo nguyên tắc: thu hồi nợ gốc trước, nợ lãi sau;
(ii) Trường hợp giá bán nợ
cao hơn hoặc bằng giá trị ghi sổ nội bảng của khoản nợ được mua bán:
Sau khi thu hồi số nợ gốc,
nợ lãi của khoản nợ đã bán, phần chênh lệch (nếu có) giữa giá bán nợ và giá trị
ghi sổ nội bảng của khoản nợ được mua bán, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài ghi nhận vào thu nhập;
(iii) Trường hợp giá bán
nợ thấp hơn giá trị ghi sổ nội bảng của khoản nợ được mua bán, ngoài số tiền
thu được từ bán nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ sử
dụng tiền bồi thường (trong trường hợp bị tổn thất về tài sản do nguyên nhân chủ
quan và phải bồi thường theo quy định về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài), tiền bảo hiểm (nếu có) để thu hồi nợ. Sau khi
sử dụng hết số tiền thu được từ bán nợ, tiền bồi thường, tiền bảo hiểm nêu trên
để thu hồi nợ mà vẫn thiếu, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực
hiện như sau:
Đối với số nợ gốc không
thu được: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng được
trích lập trong chi phí, trường hợp thiếu được bù đắp bằng quỹ dự phòng tài
chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp quỹ dự
phòng tài chính không đủ bù đắp thì phần thiếu được hạch toán vào chi phí khác
trong kỳ. Sau khi hoàn thành việc xử lý tài chính nêu trên, tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện xuất toán đối với số nợ gốc không thu
được.
Đối với số nợ lãi không
thu được: Trường hợp, số nợ lãi đang được ghi nhận nội bảng đã hạch toán vào
thu nhập, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hạch toán
giảm thu nhập hoặc hạch toán vào chi phí theo quy định về chế độ tài chính đối
với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trường hợp, số nợ lãi
đang được ghi nhận ngoại bảng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
thực hiện xuất toán số nợ lãi của khoản nợ đã bán;
b) Đối với khoản nợ đang
theo dõi ngoại bảng
Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện xuất toán khoản nợ đã bán khỏi ngoại bảng
và ghi nhận số tiền bán nợ (theo giá bán nợ) vào thu nhập của tổ chức tín dụng,
chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
c) Đối với khoản nợ đã xuất
toán ra khỏi ngoại bảng
Số tiền bán nợ được ghi
nhận vào thu nhập của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ
a) Trường hợp giá mua nợ
nhỏ hơn hoặc bằng số dư nợ gốc của khoản nợ được mua
Số tiền nợ gốc thu được
theo hợp đồng tín dụng của khoản nợ đã mua, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài mua nợ, hạch toán thu hồi vào số tiền đã mua nợ. Trường hợp, số
tiền mua nợ đã được thu hồi hết, số nợ gốc còn lại (phần chênh lệch còn lại giữa
số nợ gốc của khoản nợ được mua với số tiền mua nợ) thu được được ghi nhận vào
thu nhập.
Số tiền nợ lãi thu được
theo hợp đồng tín dụng của khoản nợ đã mua, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng
nước ngoài mua nợ ghi nhận vào thu nhập;
b) Trường hợp giá mua nợ
lớn hơn số dư nợ gốc của khoản nợ được mua
Số tiền nợ gốc, nợ lãi
thu được theo hợp đồng tín dụng của khoản nợ đã mua, tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ, hạch toán thu hồi vào số tiền đã mua nợ. Đến
thời điểm khi số tiền đã mua nợ còn lại nhỏ hơn hoặc bằng số dư nợ gốc của khoản
nợ đã mua tại thời điểm đó, số tiền nợ gốc, nợ lãi thu được theo hợp đồng tín dụng
của khoản nợ đã mua, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua nợ thực
hiện xử lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.
Trường hợp nếu không thu
hồi hết số tiền đã mua nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực
hiện xử lý số tiền không thu hồi được theo quy định về chế độ tài chính của tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quy định pháp luật có liên
quan.
3. Việc hạch toán, kế
toán trong hoạt động mua, bán nợ; xử lý các khoản phát sinh do chêch lệch tỷ
giá khi mua nợ, bán nợ, thu hồi nợ của khoản nợ đã mua; xử lý tổn thất về tài sản,
tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện theo quy định về chế
độ tài chính, hạch toán kế toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước
ngoài và các quy định pháp luật có liên quan.
4. Tổ chức tín dụng, chi
nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ phải thực hiện theo dõi, lưu trữ thông tin đối
với các khoản bán nợ quy định tại điểm a(iii) khoản 1 và điểm b khoản 1 Điều
này để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra khi có yêu cầu.
5. Bên mua nợ không phải
là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thực hiện xử lý tài chính,
hạch toán kế toán đối với khoản nợ đã mua theo quy định pháp luật.”.
Điều
2. Thay thế một số cụm từ, khoản, điều của Thông tư số 09/2015/TT-NHNN
1. Thay thế cụm từ “đã xuất
toán ra khỏi bảng cân đối kế toán” tại khoản 2 và khoản 7 Điều
3 bằng cụm từ “đã xuất toán ra khỏi ngoại bảng”.
2. Thay thế cụm từ “giao
dịch bảo đảm” trong đoạn “Việc thực hiện đăng ký thay đổi bên nhận bảo đảm theo
quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm” tại khoản 2 Điều
14 bằng cụm từ “đăng ký biện pháp bảo đảm”.
Điều
3. Điều khoản chuyển tiếp
Các hợp đồng mua, bán nợ
được xác lập trước ngày Thông tư này có hiệu lực, bên mua nợ, bên bán nợ và các
bên có liên quan được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký và các quy định của
Thông tư số 09/2015/TT-NHNN. Trường hợp các
bên có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng mua, bán nợ, việc
sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua, bán nợ phải phù hợp với quy định tại Thông tư
này.
Điều
4. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng
Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu trách nhiệm
tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều
5. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực
thi hành từ ngày 09 tháng 02 năm 2023.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Ban lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Công báo;
- Lưu VT, PC, TDCNKT (5b).
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Đào Minh Tú
|