Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 139/2015/TT-BTC bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ

Số hiệu: 139/2015/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trương Chí Trung
Ngày ban hành: 03/09/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 139/2015/TT-BTC

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 2015

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC BẢO ĐẢM TIỀN VAY CHO KHOẢN VAY LẠI VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Nghị định số 78/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Chương I

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn việc ký kết hợp đồng bảo đảm tiền vay; kiểm tra, giám sát, xử lý tài sản bảo đảm, chế độ báo cáo và trách nhiệm của các bên đối với tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo quy định của pháp luật.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan cho vay lại, người vay lại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo đảm tiền vay, quản lý và sử dụng tài sản bảo đảm đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bên nhận bảo đảm: là Bộ Tài chính hoặc Cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện việc cho vay lại theo pháp luật hoặc tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay.

2. Bên bảo đảm: là người vay lại hoặc tổ chức, cá nhân dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người vay lại theo quy định của pháp luật.

3. Hợp đồng bảo đảm tiền vay là Hợp đồng được ký kết giữa Bên nhận bảo đảm và Bên bảo đảm để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của người vay lại đối với Bộ Tài chính hoặc Cơ quan cho vay lại theo Thỏa thuận cho vay lại đã ký.

4. Tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ: là tài sản hình thành từ khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và/hoặc các tài sản khác thuộc sở hữu của người vay lại hoặc tổ chức, cá nhân sở hữu tài sản (nếu có) được sử dụng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của người vay lại theo quy định của pháp luật.

5. Dự án: là chương trình, dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ của doanh nghiệp.

6. Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay là pháp nhân có chức năng thực hiện các nghiệp vụ có liên quan trong một giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, được giao thay mặt Bộ Tài chính ký kết hợp đồng bảo đảm tiền vay, kiểm tra, giám sát và xử lý tài sản thế chấp trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về giao dịch bảo đảm.

7. Hợp đồng dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay là Hợp đồng được ký kết giữa Bộ Tài chính, Bên bảo đảm và Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay để thực hiện các nghiệp vụ về giao dịch bảo đảm với Bên bảo đảm trong trường hợp Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp.

Điều 3. Nguyên tắc ký kết hợp đồng, kiểm tra và giám sát tài sản bảo đảm

1. Việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được thực hiện thông qua Hợp đồng bảo đảm tiền vay đối với 100% giá trị khoản vay lại.

2. Hợp đồng bảo đảm tiền vay phải được đăng ký giao dịch bảo đảm tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục đăng ký quốc gia về giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) hoặc tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Đối với tài sản chưa có quy định pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, Bên bảo đảm hoặc Cơ quan cho vay lại báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.

4. Tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được giám sát, kiểm tra và xử lý trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, bảng kê mô tả tài sản đăng ký giao dịch bảo đảm.

5. Bên bảo đảm chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay, kể cả dịch vụ trả cho Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay.

6. Bộ Tài chính hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay hoặc Cơ quan cho vay lại kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm

theo quy định của pháp luật.

7. Giá trị của tài sản bảo đảm được xác định:

a) Theo giá trị sổ sách do một công ty kiểm toán độc lập xác nhận trong trường hợp Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay.

b) Theo nguyên tắc của Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ bảo đảm tiền vay áp dụng đối với khách hàng có quan hệ tín dụng thông thường.

Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm thấp hơn dư nợ của khoản vay, Bên bảo đảm có trách nhiệm bổ sung tài sản để bảo đảm nghĩa vụ cho khoản vay.

8. Tài sản bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được chia sẻ theo tỷ lệ chia sẻ rủi ro tín dụng giữa cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính. Trường hợp Bộ Tài chính chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, Bộ Tài chính là bên nhận toàn bộ tài sản bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại.

9. Bên bảo đảm có nhu cầu sử dụng tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong giao dịch bảo đảm với Bộ Tài chính hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay để bảo đảm cho Bên thứ ba thì chỉ được bảo đảm phần giá trị lớn hơn dư nợ khoản vay theo nguyên tắc vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ và phải có chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.

10. Việc chuyển nhượng, chuyển giao dự án hoặc tài sản bảo đảm của Bên bảo đảm phải có sự đồng ý trước bằng văn bản của Bộ Tài chính. Người nhận chuyển nhượng, chuyển giao dự án kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, trách nhiệm của Bên bảo đảm về tài sản bảo đảm.

11. Công ty kiểm toán độc lập thực hiện việc kiểm toán xác định giá trị tài sản bảo đảm của các dự án phải nằm trong danh sách công ty kiểm toán độc lập đủ điều kiện để kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng do Bộ Tài chính công bố hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4. Hủy bỏ và chấm dứt bảo đảm tài sản

Việc hủy bỏ và chấm dứt Hợp đồng bảo đảm tiền vay cho nghĩa vụ thanh toán của Bên bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. KÝ KẾT HỢP ĐỒNG BẢO ĐẢM, KIỂM TRA VÀ GIÁM SÁT TÀI SẢN BẢO ĐẢM ĐỐI V ỚI CÁC KHOẢN VAY LẠI VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ

Điều 5. Ký kết Hợp đồng bảo đảm và Phụ lục Hợp đồng

1. Trường hợp Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp:

1.1. Bên bảo đảm đề xuất một Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay, ký kết hợp đồng bảo đảm, kiểm tra và giám sát tài sản bảo đảm đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài trên cơ sở tự thỏa thuận về mức phí dịch vụ thực hiện nghiệp vụ với Tổ chức này và đáp ứng các tiêu chí nêu tại điểm 1.2 của khoản 1 Điều này.

1.2. Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay, kiểm tra và giám sát tài sản bảo đảm đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí:

a) Có chức năng và năng lực thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay, ký kết hợp đồng bảo đảm, kiểm tra, giám sát, xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của luật pháp.

b) Là tổ chức tín dụng đủ tiêu chuẩn thực hiện nghiệp vụ ngân hàng phục vụ cho các dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ do Ngân hàng Nhà nước công bố trong năm lựa chọn hoặc của năm liền kề trước đó; hoặc là tổ chức có tình hình tài chính lành mạnh và có kinh nghiệp quản lý tài sản bảo đảm đối với nguồn vốn vay lại của Chính phủ.

c) Được Bên bảo đảm chấp thuận và đề xuất bằng văn bản với Bộ Tài chính.

1.3. Ký kết Hợp đồng dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay:

a) Trường hợp Bộ Tài chính chấp nhận đề xuất của Bên bảo đảm về Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay: Bộ Tài chính và Bên bảo đảm cùng ký Hợp đồng dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay với Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay do Bên bảo đảm đề xuất theo mẫu tại Phụ lục 1 Thông tư này.

b) Trường hợp Bộ Tài chính không chấp nhận đề xuất của Bên bảo đảm về Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay: Bộ Tài chính có văn bản trả lời cho Bên bảo đảm và đề nghị lựa chọn một tổ chức khác.

1.4. Hợp đồng bảo đảm tiền vay được ký kết giữa Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay theo điểm 1.3 khoản 1 Điều này với Bên bảo đảm và được thực hiện theo các nguyên tắc của Tổ chức này áp dụng đối với bảo đảm tiền vay của các khách hàng có quan hệ tín dụng thông thường.

1.5. Trong trường hợp đặc biệt, đặc thù không thể ủy quyền cho Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay, Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện các nghiệp vụ có liên quan:

a) Đối với tài sản đã hình thành: Bộ Tài chính và Bên bảo đảm ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay theo mẫu tại Phụ lục 2 Thông tư này trên cơ sở xác nhận về giá trị sổ sách của tài sản sử dụng để bảo đảm tiền vay của một công ty kiểm toán độc lập theo quy định của khoản 11 Điều 3 của Thông tư này.

b) Đối với tài sản hình thành trong tương lai:

(i) Bộ Tài chính và Bên bảo đảm ký kết Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 3 Thông tư này.

(ii) Bộ Tài chính và Bên bảo đảm ký Phụ lục Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai theo mẫu tại Phụ lục 4 Thông tư này phù hợp với tiến độ thực tế hình thành tài sản bằng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh.

c) Bên bảo đảm chịu mọi chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay (bao gồm cả các nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, xử lý tài sản bảo đảm) theo quy định tại khoản 5 Điều 3 của Thông tư này.

2. Trường hợp Bộ Tài chính ủy quyền cho vay lại qua Cơ quan cho vay lại:

a) Hợp đồng bảo đảm tiền vay được ký kết giữa Cơ quan cho vay lại với Bên bảo đảm theo Hợp đồng ủy quyền cho vay lại đã ký giữa Bộ Tài chính và Cơ quan cho vay lại và theo các nguyên tắc của Cơ quan cho vay lại áp dụng đối với tài sản bảo đảm của các khách hàng có quan hệ tín dụng với Cơ quan cho vay lại.

b) Phí thực hiện các nghiệp vụ về giao dịch bảo đảm nằm trong phí dịch vụ cho vay lại mà Cơ quan cho vay lại được hưởng và không thanh toán thêm theo quy định của Thông tư này.

Điều 6. Thời điểm ký kết Hợp đồng bảo đảm

1. Hợp đồng bảo đảm tiền vay hoặc Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai được ký kết giữa Bên nhận bảo đảm và Bên bảo đảm chậm nhất trước đợt rút vốn đầu tiên của khoản vay lại.

2. Trường hợp không thể ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay hoặc Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai trước đợt rút vốn đầu tiên vì lý do khách quan, các bên liên quan có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính nguyên nhân. Các bên thực hiện việc ký kết trước đợt rút vốn thứ hai.

3. Trường hợp các bên không ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay hoặc Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai theo quy định tại khoản 2 Điều này, Bên nhận bảo đảm báo cáo Bộ Tài chính tạm dừng khoản rút vốn tiếp theo cho người vay lại (Bên bảo đảm) hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Điều 7. Quy trình bảo đảm tiền vay đối với khoản vay Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay

1. Đối với tài sản đã hình thành:

a) Trong vòng 10 ngày làm việc sau khi Hợp đồng bảo đảm tiền vay được ký kết, Bên bảo đảm thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm.

b) Trong vòng 05 ngày làm việc sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký, Bên bảo đảm nộp cho Bộ Tài chính.

2. Đối với tài sản hình thành trong tương lai:

a) Trong vòng 10 ngày làm việc sau khi Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai được ký kết, Bên bảo đảm thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm.

b) Trong vòng 05 ngày làm việc sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký, Bên bảo đảm nộp cho Bộ Tài chính.

c) Phụ lục Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành trong tương lai của năm trước được ký kết giữa Bộ Tài chính và Bên bảo đảm căn cứ vào xác nhận của công ty kiểm toán độc lập (nếu có phát sinh mới) và hoàn thành trước ngày 30/6 của năm sau.

d) Sau khi tài sản đã được nghiệm thu chính thức, Bên bảo đảm gửi danh sách toàn bộ tài sản kèm theo mô tả cho Bộ Tài chính.

đ) Bên bảo đảm thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm nếu có sai khác so với thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản hình thành trong tương lai sau khi tài sản đã được nghiệm thu chính thức.

e) Trong vòng 05 ngày sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm sửa đổi do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký, Bên bảo đảm nộp cho Bộ Tài chính.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ về hợp đồng bảo đảm tiền vay, giao dịch bảo đảm và các biên bản kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm tiền vay.

Điều 8. Quy trình bảo đảm tiền vay đối với khoản cho vay lại thông qua Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay

Trong vòng 10 ngày làm việc sau khi Hợp đồng bảo đảm tài sản cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ được ký kết, Bên bảo đảm phối hợp với Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay để đăng ký giao dịch bảo đảm.

1. Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ về hợp đồng bảo đảm tiền vay, giao dịch bảo đảm và các biên bản kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm tiền vay.

2. Trong vòng 05 ngày làm việc sau khi nhận được văn bản chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm của cơ quan có thẩm quyền, Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay nộp cho Bộ Tài chính một bản chụp (có đóng dấu của cơ quan nộp) Hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký và Giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm cấp hoặc bản chụp (có đóng dấu của cơ quan nộp) Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký, kèm theo danh sách tài sản bảo đảm đã hình thành (nếu có) để phối hợp theo dõi.

Điều 9. Chế độ báo cáo

1. Báo cáo định kỳ:

a) Trước ngày 15/04 hàng năm, Bên bảo đảm có trách nhiệm báo cáo về tình hình tài sản bảo đảm đến ngày 31/12 của năm trước đó gửi Bộ Tài chính (trường hợp Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp) kèm theo xác nhận của công ty kiểm toán độc lập theo mẫu tại Phụ lục 4 hoặc Phụ lục 5 của Thông tư này hoặc Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay (các trường hợp được Bộ Tài chính giao thay mặt) theo mẫu do Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay quy định.

b) Trước ngày 30/4 hàng năm, Bộ Tài chính (trường hợp Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp) hoặc Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay (các trường hợp được Bộ Tài chính giao thay mặt) có trách nhiệm gửi Bộ Tài chính báo cáo tổng hợp về tình hình tài sản bảo đảm được ủy quyền quản lý đến ngày 31/12 của năm trước đó theo từng dự án và nguồn vốn vay theo mẫu tại Phụ lục 5 hoặc Phụ lục 6 của Thông tư này.

2. Báo cáo đột xuất:

Khi có yêu cầu hoặc khi giá trị tài sản bảo đảm có biến động so với lần báo cáo gần nhất, Bên bảo đảm có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính (trường hợp Bộ Tài chính cho vay lại trực tiếp) hoặc Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay (các trường hợp được Bộ Tài chính giao thay mặt) về những thay đổi liên quan đến tài sản bảo đảm theo mẫu tại Phụ lục 5 hoặc Phụ lục 6 Thông tư này.

Mục 2. XỬ LÝ TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Điều 10. Xử lý tài sản bảo đảm

1. Việc xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

2. Bên nhận bảo đảm được quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho Bộ Tài chính.

Điều 11. Cơ quan xử lý tài sản bảo đảm

1. Đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ mà Bộ Tài chính trực tiếp cho vay lại: Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay hoặc một tổ chức phù hợp được Bộ Tài chính giao (trường hợp Bộ Tài chính trực tiếp ký Hợp đồng bảo đảm tiền vay) có trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.

2. Đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ mà Bộ Tài chính ủy quyền cho Cơ quan cho vay lại: Cơ quan cho vay lại đề xuất với Bộ Tài chính phương án xử lý tài sản bảo đảm, trực tiếp xử lý tài sản bảo đảm theo ủy quyền của Bộ Tài chính và báo cáo Bộ Tài chính.

Điều 12. Sử dụng nguồn thu từ xử lý tài sản bảo đảm

Nguồn thu sau khi xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên sử dụng như sau:

1. Hoàn trả các khoản nợ:

a) Bên bảo đảm vay tạm ứng của Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

b) Nợ ngân sách nhà nước liên quan trực tiếp đến khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

2. Hoàn trả các khoản nợ phí cho vay lại có liên quan tới khoản vay.

3. Hoàn trả cho Bên bảo đảm (nếu còn dư).

Mục 3. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BÊN

Điều 13. Trách nhiệm của Bên bảo đảm

1. Thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm đối với Hợp đồng bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo quy định của pháp luật và theo hợp đồng dịch vụ quy định tại Thông tư này.

2. Thực hiện đánh giá hoặc kiểm kê định kỳ tài sản bảo đảm theo quy định tại pháp luật về kế toán và báo cáo Bộ Tài chính, Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay hoặc Cơ quan cho vay lại về kết quả đánh giá, kiểm kê; phối hợp với Bộ Tài chính, Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay hoặc Cơ quan cho vay lại thực hiện các thủ tục có liên quan tới việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp phải xử lý để thu hồi nợ đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

3. Thanh toán mọi chi phí phát sinh liên quan đến nghiệp vụ bảo đảm tiền vay trong quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm và xử lý tài sản bảo đảm.

4. Mua bảo hiểm cho tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

5. Cung cấp thông tin chính xác, trung thực, kịp thời về tình hình tài sản bảo đảm cho Bên nhận bảo đảm và tuân thủ chế độ báo cáo đầy đủ, đúng hạn theo quy định tại Thông tư này.

6. Sử dụng tài sản hình thành từ khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đúng mục đích.

Điều 14. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

1. Kiểm tra, giám sát đối với tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ do Bộ Tài chính trực tiếp cho vay lại, trực tiếp ký hợp đồng bảo đảm tiền vay.

2. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ các trường hợp đặc thù không thể thực hiện đăng ký tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

3. Lựa chọn hoặc phê duyệt đề xuất của Bên bảo đảm về tổ chức tài chính, tín dụng hoặc tổ chức phù hợp để thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.

4. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản vay lại trong trường hợp người vay lại hoàn toàn mất khả năng trả nợ.

Điều 15. Trách nhiệm của Cơ quan cho vay lại

1. Thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm quy định trong Hợp đồng ủy quyền cho vay lại, giám sát, kiểm tra và đề xuất xử lý đối với tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

2. Báo cáo định kỳ và đột xuất cho Bộ Tài chính về tình hình tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thuộc trách nhiệm được ủy quyền theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này và đánh giá về các rủi ro liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có).

3. Đề xuất phương án xử lý tài sản bảo đảm khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ khi phải thực hiện xử lý tài sản bảo đảm.

Điều 16. Trách nhiệm của Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay

1. Thực hiện đầy đủ, kịp thời trách nhiệm quy định trong Hợp đồng dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay, giám sát, kiểm tra và đề xuất xử lý đối với tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

2. Báo cáo định kỳ và đột xuất cho Bộ Tài chính về tình hình tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ thuộc trách nhiệm được ủy quyền theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này và đánh giá về các rủi ro liên quan đến tài sản bảo đảm (nếu có).

3. Đề xuất phương án xử lý tài sản bảo đảm khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ khi phải thực hiện xử lý tài sản bảo đảm.

Mục 4. XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Xử lý vi phạm đối với Bên bảo đảm

Trường hợp Bên bảo đảm không thực hiện các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định tại Thông tư này cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo một hoặc nhiều biện pháp như sau:

1. Tạm ngừng việc giải ngân đối với khoản vay đang rút vốn.

2. Thu hồi trước hạn toàn bộ số tiền cho vay đã giải ngân.

3. Không phê duyệt khoản vay mới cho Bên bảo đảm vi phạm.

4. Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 18. Xử lý vi phạm đối với Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay

Cơ quan cho vay lại hoặc Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay không thực hiện đúng quy định và đầy đủ trách nhiệm được Bộ Tài chính giao tại Hợp đồng dịch vụ, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý theo một hoặc nhiều biện pháp như sau:

1. Không ủy quyền cho vay lại các khoản vay mới hoặc lựa chọn là Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay đối với các dự án khác.

2. Không chấp thuận các tổ chức này làm ngân hàng phục vụ cho các dự án mới.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2015.

2. Trường hợp các văn bản được trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp

1. Khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã ký Thỏa thuận cho vay lại hoặc Hợp đồng ủy quyền cho vay lại trước ngày Thông tư này có hiệu lực theo quy định của pháp luật về vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ tại thời điểm ký Thỏa thuận cho vay lại hoặc Hợp đồng ủy quyền cho vay lại không phải bảo đảm tài sản thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật tại thời điểm ký Thỏa thuận hoặc Hợp đồng ủy quyền cho vay lại.

2. Khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã được phê duyệt vay lại trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa thực hiện ký hợp đồng bảo đảm tiền vay thì thực hiện việc ký hợp đồng bảo đảm theo quy định tại Thông tư này và theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính, Cơ quan cho vay lại, Người vay lại và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu VT, QLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trương Chí Trung

PHỤ LỤC 1

MẪU HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ THỰC HIỆN NGHIỆP VỤ VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY CHO KHOẢN VAY LẠI VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ DO BỘ TÀI CHÍNH TRỰC TIẾP CHO VAY LẠI

(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ
THỰC HIỆN NGHIỆP VỤ VỀ BẢO ĐẢM TIỀN VAY

Số:……………….

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của nước CHXHCN Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Thông tư số /2015/TT-BTC ngày / /2015 hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Văn bản đề xuất Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay của Bên bảo đảm (công văn số … ngày …của…) và

Theo thỏa thuận của các bên,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN GIAO DỊCH VỤ (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại: ……………………………………………………………

Điện thoại: …………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:…………...... ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN NHẬN DỊCH VỤ (Bên B)

(còn gọi là Tổ chức thay mặt Bộ Tài chính thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ………………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ………………. số fax: ……………… Email:...

- Họ và tên người đại diện: ……… Chức vụ: …… Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……. ngày …./…../….. do ………………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …………. cấp ngày …./…./…… tại: ………

- Địa chỉ liên hệ: …………………………….......

3. BÊN BẢO ĐẢM (Bên C)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ………………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ………………. số fax: ……………… Email:...

- Họ và tên người đại diện: ……… Chức vụ: …… Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……. ngày …./…../….. do ………………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …………. cấp ngày …./…./…… tại: ………

- Địa chỉ liên hệ: …………………………….......

Các bên cùng nhau thỏa thuận ký kết Hợp đồng dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay (sau đây gọi là Hợp đồng dịch vụ) cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ từ nguồn vốn …………. để đầu tư Dự án ……………(Dự án) với các nội dung sau:

Điều 1. Các nghiệp vụ thực hiện theo Hợp đồng dịch vụ

Bên A và Bên C giao cho Bên B thực hiện các nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay sau đây đối với Dự án và phù hợp với quy định của Thông tư số… /2015/TT-BTC ngày …/… /2015 hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ (Thông tư số …):

1. Ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay với Bên C theo Hợp đồng cho vay lại ký ngày… giữa Bộ Tài chính và Bên C để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán của người vay lại đối với Bộ Tài chính theo Thỏa thuận cho vay lại đã ký.

2. Phối hợp với Bên C đăng ký giao dịch bảo đảm theo Hợp đồng bảo đảm tiền vay đã ký kết tại cơ quan có thẩm quyền.

3. Kiểm tra, giám sát các tài sản bảo đảm tiền vay trong thời gian vay lại của Dự án.

4. Xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ cho Bộ Tài chính.

5. Thực hiện các nghiệp vụ khác có liên quan về giao dịch bảo đảm theo yêu cầu và quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và yêu cầu của Bộ Tài chính.

Điều 2. Quyền và trách nhiệm của Bên A

1. Cùng với Bên C ủy quyền cho Bên B thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ theo đề nghị của Bên C.

2. Phối hợp với Bên B và Bên C trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay (nếu có) và cho ý kiến về các vấn đề có liên quan theo đề nghị của Bên B và Bên C phù hợp với quy định của Thông tư số ...

3. Có ý kiến với Bên B và Bên C trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

4. Bên A có quyền chấm dứt Hợp đồng dịch vụ này nếu Bên B không thực hiện đúng quy định và đầy đủ trách nhiệm được Bộ Tài chính giao theo Hợp đồng dịch vụ này.

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của Bên B

1. Ký Hợp đồng bảo đảm tiền vay với Bên C trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng dịch vụ này và gửi cho Bên A bản sao Hợp đồng bảo đảm tiền vay trong vòng 07 ngày sau khi ký kết.

2. Gửi cho Bên A bản sao Giấy Chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm có chứng nhận của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm trong vòng 07 ngày sau khi hoàn thanh việc đăng ký.

3. Thông báo và trực tiếp thu phí dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay từ Bên C.

4. Báo cáo cho Bên A định kỳ và đột xuất theo quy định của Thông tư số…

5. Báo cáo và xin ý kiến Bên A các vấn đề phát sinh cần xử lý liên quan tới giao dịch bảo đảm theo quy định của Thông tư số…

6. Bồi thường thiệt hại cho Bên A trong trường hợp Bên B không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm gây thiệt hại cho Bên A.

Điều 4. Nghĩa vụ của Bên C

1. Phối hợp với Bên B trong quá trình thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

2. Định kỳ trực tiếp trả phí dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay cho Bên B theo yêu cầu của Bên B.

3. Chấp nhận chế tài của Bên A và Bên B trong trường hợp không thực hiện trả phí dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay.

Điều 5. Phí và thu phí thực hiện nghiệp vụ bảo đảm tiền vay

1. Bên B và Bên C trực tiếp thỏa thuận về mức phí dịch vụ thực hiện nghiệp vụ về bảo đảm tiền vay và thông báo cho Bộ Tài chính.

2. Bên B trực tiếp thông báo về phí dịch vụ cho Bên C và thu phí trực tiếp từ Bên C theo khoản 1 Điều này theo thỏa thuận giữa hai bên.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Hợp đồng dịch vụ này được lập thành 06 bản, mỗi bên giữ 02 bản và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Các Bên của Hợp đồng dịch vụ này có trách nhiệm thực hiện đúng các thỏa thuận trên đây.

3. Trong quá trình thực hiện,, căn cứ vào tình hình thực tế, nếu thấy cần thiết các bên sẽ cùng xem xét bổ sung, sửa đổi Hợp đồng dịch vụ này./.

Đại diện Bên nhận dịch vụ

Hà Nội, ngày…tháng … năm 20...

Đại diện Bên giao dịch vụ

Đại diện Bên bảo đảm

PHỤ LỤC 2

MẪU HỢP ĐỒNG BẢO ĐẢM TIỀN VAY CHO KHOẢN VAY LẠI VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ BỘ TÀI CHÍNH TRỰC TIẾP CHO VAY LẠI VÀ THỰC HIỆN NGHIỆP VỤ BẢO ĐẢM TIỀN VAY

(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

HỢP ĐỒNG BẢO ĐẢM TIỀN VAY

Số:……………….

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của nước CHXHCN Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Thông tư số /2015/TT-BTC ngày / /2015 hướng dẫn việc bảo đảm tài sản bảo đảm cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Theo thỏa thuận của các bên,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN NHẬN BẢO ĐẢM (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại: ……………………………………………………………

Điện thoại: …………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:…………...... ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN BẢO ĐẢM (Bên B)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ………………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ………………. số fax: ……………… Email:...

- Họ và tên người đại diện: ……… Chức vụ: …… Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……. ngày …./…../….. do ………………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …………. cấp ngày …./…./…… tại: ………

- Địa chỉ liên hệ: …………………………….......

Các bên cùng nhau thỏa thuận ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư Dự án …. từ nguồn vốn (nước ngoài)…… với các nội dung sau:

Điều 1. Tài sản bảo đảm:

1.1. Bên B là chủ sở hữu hợp pháp các tài sản sau đây: (ghi rõ loại tài sản, số lượng chất lượng, các thông tin chi tiết về tài sản như nhãn hiệu, số seri, diện tích…):

………………………………………………………………

………………………………………………………………

Sau đây gọi chung là “tài sản bảo đảm”.

1.2. Các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của Bên B bao gồm :(ghi rõ loại tài sản, số lượng chất lượng, các thông tin chi tiết về tài sản như nhãn hiệu, số seri, diện tích…)

……………………………………………………………………

…………………………………………………………………

1.3. Giá trị tài sản:

Tổng giá trị tài sản là : ……………

(Bằng chữ: ……………………………………………………………………)

1.4. Các trường hợp thuộc tài sản bảo đảm:

- Phần giá trị tăng lên do sửa chữa, thay thế bộ phận, nâng cấp tài sản cũng thuộc tài sản bảo đảm.

- Trường hợp tài sản bảo đảm được bảo hiểm, khi phát sinh sự kiện bảo hiểm thì toàn bộ số tiền bồi thường bảo hiểm cũng thuộc tài sản bảo đảm.

1.5. Định giá lại tài sản bảo đảm trong các trường hợp sau :

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp: cổ phần hóa, bán hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo các hình thức khác.

- Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nghĩa vụ được bảo đảm:

Bên B tự nguyện đem Tài sản nói trên (kể cả khoản tiền hoặc hợp đồng bảo hiểm cho tài sản đó - nếu có) bảo đảm cho Bên A để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của bên B theo Tổng trị giá vay lại bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả (nếu có), chi phí huỷ khoản vay và lệ phí, chi phí như được đề cập tại Thỏa thuận cho vay lại số …ngày…giữa Bên A và Bên B trong đó số tiền gốc là …………, phí cho vay lại và cho nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi, lãi chậm trả) của Bên B đối với Quỹ Tích lũy trả nợ phát sinh theo khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

(Bằng chữ: ……………………………………………………………….).

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của các bên:

3.1. Quyền của Bên B:

3.1.1) Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản bảo đảm;

3.1.2) Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản bảo đảm;

3.1.3) Yêu cầu Bên A bồi thường thiệt hại nếu giấy tờ về tài sản bảo đảm bị mất, hư hỏng;

3.1.4) Trong trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bên A, được bán, chuyển nhượng một phần tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh với giá trị tương ứng (theo tỷ lệ so với giá trị TSBĐ) với số tiền đã thực hiện nghĩa vụ, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của phần tài sản còn lại;

3.1.5) Nhận lại giấy tờ về tài sản bảo đảm (nếu có) khi hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm nêu tại Điều 2 của Hợp đồng này hoặc thay thế tài sản khác trên cơ sở chấp thuận bằng văn bản của Bên A.

3.2. Nghĩa vụ của Bên B:

3.2.1) Cung cấp các thông tin về tài sản bảo đảm cho Bên A; gửi đồng thời cho Bên A báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản cuối kỳ kế toán năm, trước khi lập báo cáo tài chính;

3.2.2) Giao bản chính các giấy tờ về tài sản bảo đảm cho Bên A khi ký Hợp đồng bảo đảm;

3.2.3) Thông báo cho Bên A về quyền của người thứ ba đối với tài sản bảo đảm (nếu có). Trong trường hợp không thông báo thì Bên A có quyền yêu cầu Bên B bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản bảo đảm nếu (các) bên thứ ba ký xác nhận đồng ý về việc bảo đảm tài sản theo hợp đồng này;

3.2.4) Thực hiện công chứng/ chứng thực hợp đồng bảo đảm, đăng ký/xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Bên A; chịu trách nhiệm thanh toán chi phí công chứng/ chứng thực, đăng ký /xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;

3.2.5) Thanh toán mọi chi phí phát sinh liên quan đến các nghiệp vụ về tài sản bảo đảm trong suốt quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo đảm tài sản và xử lý tài sản bảo đảm;

3.2.6) Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn, góp vốn liên doanh tài sản đang bảo đảm, hoặc sử dụng tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ khác không được thay đổi mục đích sử dụng tài sản trừ trường hợp được Bên A chấp thuận bằng văn bản;

3.2.7) Chấp nhận sự kiểm tra theo định kỳ hoặc kiểm tra bất thường của Bên A trong quá trình bảo quản, sử dụng tài sản;

3.2.8) Mua bảo hiểm vật chất đối với tài sản bảo đảm trong thời gian đảm bảo nghĩa vụ (nếu pháp luật quy định phải mua bảo hiểm hoặc Bên A yêu cầu) và hợp đồng bảo hiểm nêu rõ người thụ hưởng là Bên A. Thời hạn bảo hiểm không được ít hơn thời hạn bảo đảm. Mức bảo hiểm không thấp hơn giá thị trường của tài sản cùng loại tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm;

3.2.9) Phải bảo quản an toàn, áp dụng các biện pháp cần thiết kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng của tài sản, nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản bảo đảm; nếu làm mất, hư hỏng thì phải sửa chữa khôi phục giá trị, bổ sung tài sản bảo đảm, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận hoặc thực hiện nghĩa vụ trước hạn cho Bên A;

3.2.10) Phối hợp với Bên A tiến hành các thủ tục nhận tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm để thực hiện nghĩa vụ đối với Bên A trong trường hợp tài sản bảo đảm mất, hư hỏng mà tài sản đó đã được bảo hiểm;

3.2.11) Phối hợp với Bên A xử lý tài sản bảo đảm.

3.2.12) Trường hợp có thỏa thuận Bên B được tạm giữ giấy tờ tài sản theo quy định của pháp luật:

- Phải bảo quản an toàn giấy tờ tài sản; nếu làm mất, hư hỏng, thì phải bổ sung tài sản, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận;

- Giao lại giấy tờ tài sản bảo đảm khi Bên A có yêu cầu.

3.3 Quyền của Bên A:

3.3.1) Yêu cầu Bên B giao bản chính các giấy tờ về tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Bên A;

3.3.2) Yêu cầu Bên B cung cấp thông tin về thực trạng tài sản bảo đảm; được xem xét, kiểm tra trực tiếp theo định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tài sản bảo đảm;

3.3.3) Yêu cầu Bên B phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản hoặc ngừng sử dụng và bổ sung tài sản hoặc thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận nếu tài sản bảo đảm bị mất, hư hỏng, có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. Nếu Bên B không thực hiện thì Bên A được áp dụng các biện pháp để Bên B phải thực hiện nghĩa vụ trước hạn này.

3.3.4) Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Bên B hoặc bên thứ ba giữ tài sản bảo đảm bàn giao tài sản đó cho Bên A để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

3.3.5) Xử lý tài sản để Bên B thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 4 Hợp đồng này;

3.3.6) Yêu cầu Bên B thông báo những thay đổi liên quan đến tài sản bảo đảm.

3.4. Nghĩa vụ của Bên A:

3.4.1) Giữ và bảo quản giấy tờ về tài sản bảo đảm; bồi thường thiệt hại cho Bên B nếu làm mất, hỏng giấy tờ về tài sản bảo đảm;

3.4.2) Trả lại giấy tờ về tài sản (nếu có) tương ứng với số nợ Bên B đã trả, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của tài sản bảo đảm còn lại.

3.4.3) Trả lại giấy tờ về tài sản khi Bên B hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm hoặc thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận.

Điều 4. Xử lý tài sản

4.1. Bên A được quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ trong các trường hợp sau:

4.1.1) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

4.1.2) Xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp Bên B bị phá sản theo quy định tại Điều 57 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

4.1.3) Bất kỳ quy định nào của các tài liệu giao dịch hoặc hồ sơ pháp lý của bên B là vô hiệu hoặc bất hợp pháp hoặc bị bất kỳ cơ quan Nhà Nước có thẩm quyền nào, hoặc tòa án bất kỳ tuyên bố là vô giá trị, vô hiệu hoặc bất hợp pháp toàn bộ hay một phần;

4.1.4) Tòa án, trọng tài trong hoặc ngoài nước tuyên một bản án, đưa ra phán quyết chống lại bên B mà bản án hoặc quyết định đó theo ý kiến của bên A sẽ có thể dẫn đến thay đổi bất lợi đáng kể.

4.1.5) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Phương thức xử lý tài sản

4.2.1) Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bên A, Bên B phải chủ động phối hợp với Bên A xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ; Quá thời hạn trên, Bên A có quyền xử lý tài sản bảo đảm mà không cần ý kiến của Bên B.

4.2.2) Bên B phải bàn giao tài sản cho bên A theo thông báo của bên A; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên B không giao tài sản thì bên A có quyền thu giữ tài sản để xử lý; Bên B phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản bảo đảm; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên A thì phải bồi thường.

4.2.3) Bên A có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để xử lý tài sản bảo đảm:

- Bán tài sản bảo đảm;

- Bên A nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của Bên B;

- Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

4.3. Bán tài sản bảo đảm

4.3.1) Bên A chủ động quyết định phương thức bán tài sản bảo đảm, Bên A phối hợp với Bên B bán tài sản trực tiếp cho người mua hoặc ủy quyền cho bên thứ ba bán tài sản cho người mua. Bên thứ ba được ủy quyền bán tài sản có thể là Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng được mua tài sản để bán. Nếu Bên A trực tiếp bán tài sản thì phải báo trước cho Bên B về địa điểm, thời gian ít nhất 7 ngày để Bên B tham gia (trừ trường hợp đối với những tài sản mà pháp luật quy định người xử lý tài sản có quyền xử lý ngay). Sự vắng mặt của Bên B không ảnh hưởng đến việc bán tài sản bảo đảm.

4.3.2) Bên B cam đoan tạo mọi điều kiện thuận lợi, không làm bất cứ điều gì gây khó khăn trở ngại đến việc bán tài sản bảo đảm; phối hợp với Bên A để xử lý tài sản. Bên B ủy quyền cho Bên A lập, ký tên trên các giấy tờ liên quan; thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan tới tài sản bảo đảm và việc bán tài sản bảo đảm.

4.3.3) Bên A có quyền bán tài sản với giá khởi điểm do Bên A tự xác định hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xác định.

4.3.4) Bên A có quyền quyết định giảm từ 5 – 10% giá bán tài sản so với giá bán lần trước liền kề, sau mỗi lần thực hiện bán tài sản bảo đảm không thành.

4.3.5) Trường hợp tài sản bảo đảm bảo đảm cho nghĩa vụ bao gồm nhiều tài sản, Bên B đồng ý để Bên A được lựa chọn tài sản cụ thể để xử lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.

4.3.6) Số tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi các chi phí cho việc bán tài sản, các khoản phải nộp cho nhà nước (nếu có), sẽ dùng để thanh toán các nghĩa vụ của Bên B cho Bên A theo các thứ tự sau:

(i) Trả các chi phí phát sinh có liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm;

(ii) Trả các khoản nợ mà Bên B vay của Quỹ Tích lũy trả nợ;

(iii) Trả các khoản nợ ngân sách nhà nước liên quan trực tiếp đến khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

(iv) Trả các khoản nợ phí cho vay lại có liên quan tới khoản vay.

Phần còn dư sẽ trả lại cho Bên B; nếu còn thiếu thì Bên B có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ còn lại đối với Bên A theo thỏa thuận với Bên A.

4.3.7) Bằng Hợp đồng này Bên B ủy quyền và chỉ định không hủy ngang cho Bên A làm người đại diện theo ủy quyền của Bên B thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Bên B và ký kết bất kỳ văn kiện nào cần thiết trong trường hợp bán tài sản phải qua đấu giá tại Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng mua tài sản để bán.

4.4. Mọi vấn đề khác có liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo qui định của pháp luật.

Điều 5. Giải quyết tranh chấp:

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng này nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa án nơi Bên A đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các thỏa thuận khác:

6.1. Chuyển nhượng

Hợp đồng này có hiệu lực bắt buộc đối với các bên kế nhiệm và bên nhận chuyển nhượng và bên nhận chuyển giao được phép tương ứng của các Bên trong Hợp đồng này và các bên kế nhiệm, nhận chuyển nhượng, chuyển giao được phép đó được hưởng các lợi ích theo Hợp đồng này.

Bên B không được chuyển nhượng hoặc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ nào theo Hợp đồng này hoặc tài liệu giao dịch khác trừ khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của bên A.

6.2. Không từ bỏ quyền

Việc Bên A không thực hiện hoặc chậm thực hiện bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không được xem là sự từ bỏ các quyền đó. Việc thực hiện riêng rẽ hoặc một phần bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không cản trở việc thực hiện các quyền khác theo Hợp đồng này.

6.3. Hiệu lực từng phần

Tất cả điều khoản và từng phần của các điều khoản của Hợp đồng này sẽ có hiệu lực riêng rẽ và độc lập với các điều khoản khác. Nếu có bất kỳ điều khoản vô hiệu, bất hợp pháp hoặc không thể thi hành theo pháp luật Việt Nam, thì hiệu lực, tính hợp pháp và khả năng thi hành các điều khoản còn lại của Hợp đồng này sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào.

(Những thỏa thuận khác ngoài thỏa thuận đã nêu ở các điều khoản của Hợp đồng này nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của Bên A và tùy thỏa thuận của hai Bên…)

Điều 7. Cam đoan của các bên.

Bên A và Bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:

7.1. Bên A cam đoan:

7.1.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền và đúng sự thật.

7.1.2) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.

7.1.3) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

7.2. Bên B cam đoan:

7.2.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân, về tài sản và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền, hợp pháp, hợp lệ và đúng sự thật.

7.2.2) Tài sản thuộc trường hợp được bảo đảm tài sản theo quy định của pháp luật.

7.2.3) Tại thời điểm giao kết Hợp đồng này:

- Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp, được phép giao dịch và không có tranh chấp.

- Tài sản không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

7.2.4) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc.

7.2.5) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

Điều 8. Hiệu lực của Hợp đồng:

8.1. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký. Mọi sửa đổi, bổ sung phải được sự đồng ý của các bên trong hợp đồng và được lập thành văn bản.

8.2. Hợp đồng này hết hiệu lực trong các trường hợp sau:

8.2.1) Bên B đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm của Hợp đồng bảo đảm này, được bên A chấp nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định;

8.2.2) Các bên thỏa thuận đảm bảo nghĩa vụ bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận;

8.2.3) Tài sản bảo đảm đó được xử lý để thực hiện nghĩa vụ.

8.3. Hợp đồng gồm có ….. trang, được lập thành 02 (hai) bản có giá trị pháp lý như nhau, Bên A giữ 01 (một) bản, Bên B giữa 01 (một) bản.

8.4. Hợp đồng này có thể được sửa đổi theo yêu cầu của hai bên, phù hợp với quy định của pháp luật.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN BÊN B

CÁC ĐỒNG SỞ HỮU

(nếu có)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên, tên đệm và đóng dấu)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên, tên đệm và đóng dấu)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên, tên đệm và đóng dấu)

PHỤ LỤC 3

MẪU HỢP ĐỒNG BẢO ĐẢM BẰNG TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI CHO KHOẢN VAY LẠI VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ DO BỘ TÀI CHÍNH TRỰC TIẾP CHO VAY LẠI

(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

HỢP ĐỒNG BẢO ĐẢM TIỀN VAY BẰNG
TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

Số:……………….

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 ngày 14/06/2005 của nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm;

Căn cứ Thông tư số /2015/TT-BTC ngày / /2015 hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

Theo thỏa thuận của các bên,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN NHẬN BẢO ĐẢM (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại:……………………………………………………………

Điện thoại:…………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:…… ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN BẢO ĐẢM (Bên B)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ……………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ……… số fax: ……………… Email: .........................

- Họ và tên người đại diện: ……. Chức vụ: …………… Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……. ngày …./…../….. do ………………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: …… cấp ngày …./…./…… tại: ……………

- Địa chỉ liên hệ: …………………………………………………….......

Các bên cùng nhau thỏa thuận ký kết Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành trong tương lai cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư Dự án ……….từ nguồn vốn (nước ngoài) với các nội dung sau:

Điều 1. Tài sản bảo đảm:

1.1. Bên B sẽ là chủ sở hữu hợp pháp các tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với khoản vay theo Thỏa thuận cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ ký ngày… sau đây:

……………………………………………………………………………

Sau đây gọi chung là tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai.

1.2. Các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản hình thành trong tương lai từ khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các tài sản khác (nếu có):

……………………………………………………………………………

1.3. Tài sản hình thành trong tương lai gắn liền với thửa đất:

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: do cấp ngày / /

- Thửa đất số: ; - Tờ bản đồ số:

- Địa chỉ thửa đất:

- Diện tích: m2 (Bằng chữ: )

- Thời hạn sử dụng:

- Nguồn gốc sử dụng:

1.4. Giá trị tài sản hình thành từ vốn vay trong tương lai:

Bên A và Bên B định giá tài sản hình thành trong tương lai từ nguồn vốn vay lại trên cơ sở Hợp đồng thương mại đã ký giữa Bên B và … ngày …. Việc định giá lại tài sản sau khi phát sinh thực tế sẽ được thực hiện sau trên cơ sở giá trị sổ sách được một công ty kiểm toán độc lập xác nhận theo quy định của Thông tư số ….

1.5. Định giá lại tài sản bảo đảm trong các trường hợp sau:

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thực hiện chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp : cổ phần hóa, bán hoặc chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp theo các hình thức khác.

- Dùng tài sản để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nghĩa vụ được bảo đảm:

Bên B tự nguyện đem Tài sản nói trên (kể cả khoản tiền hoặc hợp đồng bảo hiểm cho tài sản đó - nếu có) bảo đảm cho Bên A để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của bên B theo Tổng trị giá vay lại bao gồm nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt chậm trả (nếu có), chi phí huỷ khoản vay và lệ phí, chi phí như được đề cập tại Thỏa thuận cho vay lại số …ký ngày …giữa Bên A và Bên B trong đó số tiền gốc là …………, phí cho vay lại và cho nghĩa vụ trả nợ (gốc, lãi, lãi chậm trả) của Bên B đối với Quỹ Tích lũy trả nợ phát sinh theo khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

(Bằng chữ: ……………………………………………………………….).

Điều 3. Quyền và nghĩa vụ của các bên:

3.1. Quyền của Bên B:

3.1.1) Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản bảo đảm;

3.1.2) Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản bảo đảm;

3.1.3) Yêu cầu Bên A bồi thường thiệt hại nếu giấy tờ về tài sản bảo đảm bị mất, hư hỏng;

3.1.4) Trong trường hợp được sự đồng ý bằng văn bản của Bên A, được bán, chuyển nhượng một phần tài sản là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh với giá trị tương ứng (theo tỷ lệ so với giá trị TSBĐ) với số tiền đã thực hiện nghĩa vụ, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của phần tài sản còn lại;

3.1.5) Nhận lại giấy tờ về tài sản bảo đảm (nếu có) khi hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm nêu tại Điều 2 của Hợp đồng này hoặc thay thế bằng tài sản khác trên cơ sở chấp thuận bằng văn bản của Bên A.

3.1.6). Được bổ sung, thay thế tài sản bằng tài sản bảo đảm khác có giá trị tương đương nếu được Bên A cho phép bằng văn bản.

3.2. Nghĩa vụ của Bên B:

3.2.1) Báo cáo kịp thời cho Bên A tiến độ hình thành tài sản và sự thay đổi tài sản bảo đảm; gửi đồng thời cho Bên A báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản cuối kỳ kế toán năm, trước khi lập báo cáo tài chính;

3.2.2) Giao bản chính các giấy tờ về tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai cho Bên A khi ký Hợp đồng bảo đảm;

3.2.3) Thông báo cho Bên A về quyền của người thứ ba đối với tài sản bảo đảm (nếu có). Trong trường hợp không thông báo thì Bên A có quyền yêu cầu Bên B bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản bảo đảm nếu (các) bên thứ ba ký xác nhận đồng ý về việc bảo đảm tài sản theo hợp đồng này;

3.2.4) Thực hiện công chứng/ chứng thực hợp đồng bảo đảm, đăng ký/xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của Bên A; chịu trách nhiệm thanh toán chi phí công chứng/ chứng thực, đăng ký /xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;

3.2.5) Thanh toán mọi chi phí phát sinh liên quan đến các nghiệp vụ về tài sản bảo đảm trong suốt quá trình đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo đảm tài sản và xử lý tài sản bảo đảm;

3.2.6) Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn, góp vốn liên doanh tài sản đang bảo đảm, không được thay đổi mục đích sử dụng tài sản trừ trường hợp được Bên A chấp thuận bằng văn bản. Trong trường hợp bán tài sản bảo đảm thì số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản bảo đảm thay thế cho tài sản đã bán;

3.2.7) Chấp nhận sự kiểm tra theo định kỳ hoặc kiểm tra bất thường của Bên A trong quá trình bảo quản, sử dụng tài sản;

3.2.8) Mua bảo hiểm vật chất đối với tài sản bảo đảm trong thời gian đảm bảo nghĩa vụ (nếu pháp luật quy định phải mua bảo hiểm hoặc Bên A yêu cầu) và hợp đồng bảo hiểm nêu rõ người thụ hưởng là Bên A. Thời hạn bảo hiểm không được ít hơn thời hạn bảo đảm. Mức bảo hiểm không thấp hơn giá thị trường của tài sản cùng loại tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo hiểm;

3.2.9) Phải bảo quản an toàn, áp dụng các biện pháp cần thiết kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng của tài sản, nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị tài sản bảo đảm; nếu làm mất, hư hỏng thì phải sửa chữa khôi phục giá trị, bổ sung tài sản bảo đảm, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận hoặc thực hiện nghĩa vụ trước hạn cho Bên A;

3.2.10) Phối hợp với Bên A tiến hành các thủ tục nhận tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm để thực hiện nghĩa vụ đối với Bên A trong trường hợp tài sản bảo đảm mất, hư hỏng mà tài sản đó đã được bảo hiểm;

3.2.11) Phối hợp với Bên A xử lý tài sản bảo đảm và thanh toán các chi phí liên quan đến việc xử lý tài sản (nếu có phát sinh).

3.2.12) Trường hợp có thỏa thuận Bên B được tạm giữ giấy tờ tài sản theo quy định của pháp luật:

- Phải bảo quản an toàn giấy tờ tài sản; nếu làm mất, hư hỏng, thì phải bổ sung tài sản, thay thế bằng tài sản khác được Bên A chấp nhận;

- Giao lại giấy tờ tài sản bảo đảm khi Bên A có yêu cầu.

3.3 Quyền của Bên A:

3.3.1) Yêu cầu Bên B giao bản chính các giấy tờ về tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Bên A;

3.3.2) Yêu cầu Bên B thông báo kịp thời tiến độ hình thành tài sản; sự thay đổi tài sản bảo đảm; cung cấp thông tin về thực trạng tài sản bảo đảm. Được xem xét, kiểm tra trực tiếp theo định kỳ hoặc kiểm tra đột xuất tài sản bảo đảm khi đã hình thành;

3.3.3) Yêu cầu Bên B phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản hoặc bảo đảm bằng tài sản khác nếu tài sản bảo đảm bị mất, hư hỏng, có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị. Nếu Bên B không thực hiện thì Bên A được áp dụng các biện pháp để Bên B phải thực thiện nghĩa vụ này.

3.3.4) Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu Bên B hoặc bên thứ ba giữ tài sản bảo đảm bàn giao tài sản đó cho Bên A để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

3.3.5) Xử lý tài sản để Bên B thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 4 Hợp đồng này;

3.3.6) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3.4. Nghĩa vụ của Bên A:

3.4.1) Giữ và bảo quản giấy tờ về tài sản bảo đảm; bồi thường thiệt hại cho Bên B nếu làm mất, hỏng giấy tờ về tài sản bảo đảm;

3.4.2) Trả lại giấy tờ về tài sản (nếu có) tương ứng với số nợ Bên B đã trả, nếu việc giải chấp một phần tài sản không ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu và giá trị của tài sản bảo đảm còn lại.

3.4.3) Trả lại giấy tờ về tài sản khi Bên B hoàn thành nghĩa vụ được bảo đảm hoặc thay thế bằng biện pháp bảo đảm tiền vay khác.

Điều 4. Xử lý tài sản

4.1. Bên A được quyền xử lý tài sản trong các trường hợp sau:

4.1.1) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà Bên B không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật về cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

4.1.2) Xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp Bên B bị phá sản theo quy định tại Điều 57 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

4.1.3) Bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào trưng thu, quốc hữu hóa, tịch biên hoặc trưng dụng dưới hình thức khác toàn bộ hoặc một phần đáng kể tài sản của bên B; tiến hành cầm giữ hoặc kiểm soát tài sản, hoạt động kinh doanh của bên B; thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm giải thể hay phá sản bên B.

4.1.4) Bất kỳ quy định nào của các tài liệu giao dịch hoặc hồ sơ pháp lý của bên B là vô hiệu hoặc bất hợp pháp hoặc bị bất kỳ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào, hoặc tòa án bất kỳ tuyên bố là vô giá trị; vô hiệu hoặc bất hợp pháp toàn bộ hay một phần.

4.1.5) Tòa án, trọng tài trong hoặc ngoài nước tuyên một bản án, đưa ra phán quyết chống lại bên B mà bản án hoặc quyết định đó theo ý kiến của bên A sẽ có thể dẫn đến thay đổi bất lợi đáng kể.

4.1.8) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4.2. Phương thức xử lý tài sản

4.2.1) Trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Bên A, Bên B phải chủ động phối hợp với Bên A xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ; Quá thời hạn trên, Bên A có quyền xử lý tài sản bảo đảm mà không cần ý kiến của Bên B.

4.2.2) Bên B phải bàn giao tài sản cho bên A theo thông báo của bên A; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên B không giao tài sản thì bên A có quyền thu giữ tài sản để xử lý; Bên B phải chịu các chi phí hợp lý, cần thiết cho việc thu giữ tài sản bảo đảm; trong trường hợp không giao tài sản để xử lý hoặc có hành vi cản trở việc thu giữ hợp pháp tài sản bảo đảm mà gây thiệt hại cho bên A thì phải bồi thường.

4.2.3) Bên A có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để xử lý tài sản bảo đảm:

- Bán tài sản bảo đảm;

- Bên A nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của Bên B;

- Phương thức khác theo quy định của pháp luật.

4.3. Bán tài sản bảo đảm

4.3.1) Bên A chủ động quyết định phương thức bán tài sản bảo đảm, Bên A phối hợp với Bên B bán tài sản trực tiếp cho người mua hoặc ủy quyền cho bên thứ ba bán tài sản cho người mua. Bên thứ ba được ủy quyền bán tài sản có thể là Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng được mua tài sản để bán. Nếu Bên A trực tiếp bán tài sản thì phải báo trước cho Bên B về địa điểm, thời gian ít nhất 7 ngày để Bên B tham gia (trừ trường hợp đối với những tài sản mà pháp luật quy định người xử lý tài sản có quyền xử lý ngay). Sự vắng mặt của Bên B không ảnh hưởng đến việc bán tài sản bảo đảm.

4.3.2) Bên B cam đoan tạo mọi điều kiện thuận lợi, không làm bất cứ điều gì gây khó khăn trở ngại đến việc bán tài sản bảo đảm; phối hợp với Bên A để xử lý tài sản. Bên B ủy quyền cho Bên A lập, ký tên trên các giấy tờ liên quan; thực hiện các quyền, nghĩa vụ liên quan tới tài sản bảo đảm và việc bán tài sản bảo đảm.

4.3.3) Bên A có quyền bán tài sản với giá khởi điểm do Bên A tự xác định hoặc thuê tổ chức, cá nhân khác xác định.

4.3.4) Bên A có quyền quyết định giảm từ 5 – 10% giá bán tài sản so với giá bán lần trước liền kề, sau mỗi lần thực hiện bán tài sản bảo đảm không thành.

4.3.5) Trường hợp tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ bao gồm nhiều tài sản, Bên B đồng ý để Bên A được lựa chọn tài sản cụ thể để xử lý, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.

4.3.6) Số tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi các chi phí cho việc bán tài sản, các khoản phải nộp cho nhà nước (nếu có), sẽ dùng để thanh toán các nghĩa vụ của Bên B cho Bên A theo các thứ tự sau:

(i) Trả các chi phí phát sinh có liên quan trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm;

(ii) Trả các khoản nợ mà Bên B vay của Quỹ Tích lũy trả nợ;

(iii) Trả các khoản nợ ngân sách nhà nước liên quan trực tiếp đến khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

(iv) Trả các khoản nợ phí cho vay lại có liên quan tới khoản vay.

Phần còn dư sẽ trả lại cho Bên B; nếu còn thiếu thì Bên B có trách nhiệm tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ còn lại đối với Bên A theo thỏa thuận với Bên A.

4.3.7) Bên B bằng Hợp đồng này ủy quyền và chỉ định không hủy ngang cho Bên A làm người đại diện theo ủy quyền của Bên B thực hiện các quyền, nghĩa vụ của Bên B và ký kết bất kỳ văn kiện nào cần thiết trong trường hợp bán tài sản phải qua đấu giá tại Trung tâm bán đấu giá tài sản hoặc doanh nghiệp bán đấu giá tài sản, tổ chức có chức năng mua tài sản để bán.

4.4. Mọi vấn đề khác có liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo qui định của pháp luật.

Điều 5. Giải quyết tranh chấp:

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng này nếu phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa án nơi Bên A đóng trụ sở để yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật. Quyết định của Tòa án có hiệu lực bắt buộc đối với các bên theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các thỏa thuận khác:

6.1. Chuyển nhượng

Hợp đồng này có hiệu lực bắt buộc đối với các bên kế nhiệm và bên nhận chuyển nhượng và bên nhận chuyển giao được phép tương ứng của các Bên trong Hợp đồng này và các bên kế nhiệm, nhận chuyển nhượng, chuyển giao được phép đó được hưởng các lợi ích theo Hợp đồng này.

Bên B không được chuyển nhượng hoặc chuyển giao bất kỳ quyền hoặc nghĩa vụ nào theo Hợp đồng này hoặc tài liệu giao dịch khác trừ khi có sự đồng ý trước bằng văn bản của bên A.

6.2. Không từ bỏ quyền

Việc Bên A không thực hiện hoặc chậm thực hiện bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không được xem là sự từ bỏ các quyền đó. Việc thực hiện riêng rẽ hoặc một phần bất kỳ quyền nào theo Hợp đồng này sẽ không cản trở việc thực hiện các quyền khác theo Hợp đồng này.

6.3. Hiệu lực từng phần

Tất cả điều khoản và từng phần của các điều khoản của Hợp đồng này sẽ có hiệu lực riêng rẽ và độc lập với các điều khoản khác. Nếu có bất kỳ điều khoản vô hiệu, bất hợp pháp hoặc không thể thi hành theo pháp luật Việt Nam, thì hiệu lực, tính hợp pháp và khả năng thi hành các điều khoản còn lại của Hợp đồng này sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất kỳ hình thức nào.

(Những thỏa thuận khác ngoài thỏa thuận đã nêu ở các điều khoản của Hợp đồng này nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của Bên A và tùy thỏa thuận của hai Bên…)

Điều 7. Cam đoan của các bên.

Bên A và Bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:

7.1. Bên A cam đoan:

7.1.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền và đúng sự thật.

7.1.2) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc.

7.1.3) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

7.2. Bên B cam đoan:

7.2.1) Những thông tin về tổ chức, cá nhân, về tài sản và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản đã ghi trong Hợp đồng này là đủ thẩm quyền, hợp pháp, hợp lệ và đúng sự thật.

7.2.2) Tài sản thuộc trường hợp được bảo đảm tài sản theo quy định của pháp luật.

7.2.3) Tại thời điểm giao kết Hợp đồng này:

+ Tài sản thuộc sở hữu hợp pháp, được phép giao dịch và không có tranh chấp.

+ Tài sản không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

7.2.4) Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối, không bị ép buộc.

7.2.5) Thực hiện đúng và đầy đủ các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này.

Điều 8. Hiệu lực của Hợp đồng:

8.1. Hợp đồng này có hiệu lực kể từ ngày ký. Mọi sửa đổi, bổ sung phải được sự đồng ý của các bên trong hợp đồng và được lập thành văn bản.

8.2. Hợp đồng này hết hiệu lực trong các trường hợp sau:

8.2.1) Bên B đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ được bảo đảm của Hợp đồng bảo đảm này, được bên A chấp nhận xóa đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện xóa đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định;

8.2.2) Các bên thỏa thuận đảm bảo nghĩa vụ bằng biện pháp khác;

8.2.3) Tài sản bảo đảm đó được xử lý để thực hiện nghĩa vụ.

8.3. Hợp đồng gồm có ….. trang, được lập thành 02 (hai) bản có giá trị pháp lý như nhau, Bên A giữ 01 (một) bản, Bên B giữa 01 (một) bản.

8.4. Hợp đồng này có thể được sửa đổi theo yêu cầu của hai bên, phù hợp với quy định của pháp luật.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN BÊN B

CÁC ĐỒNG SỞ HỮU

(nếu có)

(Ký, ghi đầy đủ họ, tên và đóng dấu)

PHỤ LỤC 4

MẪU PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG BẢO ĐẢM TIỀN VAY BẰNG TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI CHO KHOẢN VAY LẠI VỐN VAY NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ BỘ TÀI CHÍNH CHO VAY LẠI TRỰC TIẾP

(Mẫu này có thể được sửa đổi, bổ sung tùy vào tình hình thực tế thực hiện)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG BẢO ĐẢM TIỀN VAY
BẰNG TÀI SẢN HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

(Kèm theo Hợp đồng ………. Ngày …………..tháng…………năm……..)

Số:……………….

(Do Bộ Tài chính và Bên bảo đảm cùng lập)

Căn cứ Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành trong tương lai số ……….. ngày ……..tháng……………..năm………..,

Hôm nay, ngày ……./…../20…., chúng tôi gồm:

1. BÊN NHẬN BẢO ĐẢM (Bên A)

BỘ TÀI CHÍNH

Trụ sở tại: ……………………………………………………………

Điện thoại: …………………………… Fax…………………………

Người đại diện: Ông/Bà…………………… Chức vụ:…………………

(Theo giấy ủy quyền số:……… ngày…../…/20…. của ……………..)

2. BÊN BẢO ĐẢM (Bên B)

Tên tổ chức: ……………………………………………

- Địa chỉ: ………………………………………

- Giấy chứng nhận ĐKKD/ Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập số:………………………. ngày: …../ …… / …….. do: …………. cấp.

- Mã số doanh nghiệp: ………………………………………………..

- Số điện thoại: ……………số fax: ……………… Email: .........................

- Họ và tên người đại diện: …………Chức vụ: …………Năm sinh:……

- Giấy ủy quyền số: ……….. ngày …./…../….. do …………. ủy quyền.

- Giấy CMND/Hộ chiếu số: ………cấp ngày …./…./…… tại: ……………

- Địa chỉ liên hệ:

Hai bên thống nhất lập phụ lục hợp đồng với các nội dung sau:

Điều 1. Bên B cam kết các tài sản thuộc danh mục đính kèm sau đây đã được hình thành từ khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ để đầu tư Dự án …………..và làm bảo đảm cho nghĩa vụ được hai bên thỏa thuận tại Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành trong tương lai số………..ngày……tháng……năm...

Các tài sản trên thuộc quyền sở hữu/quyền quản lý, sử dụng của Bên B. Các giấy tờ có liên quan đến tài sản được giao cho Bên A giữ theo thỏa thuận, gồm:

-

-

Điều 2. Hai bên cam kết thực hiện đầy đủ và đúng các điều khoản đã thỏa thuận tại Hợp đồng bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành trong tương lai số…. ngày……tháng……..năm…..

BÊN BẢO ĐẢM

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu, các trường hợp bên bảo đảm có người đồng sở hữu thì phải có chữ ký của người đại diện và người đồng sở hữu)

BÊN NHẬN BẢO ĐẢM

(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

CÁC ĐỐNG SỞ HỮU (nếu có)

(Từng bên ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

PHỤ LỤC 5

Cơ quan báo cáo

BÁO CÁO RÀ SOÁT TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đã rút vốn xong và đang trả nợ gốc

(Kèm theo công văn số ….ngày…của Cơ quan báo cáo)

STT

Dự án

Trị giá Hợp đồng vay

Nguyên giá theo Hợp đồng EPC

Nguyên giá theo Hợp đồng EPC tương ứng với phần vốn vay lại

Tình trạng TSBĐ (cầm cố, bảo đảm…cho nghĩa vụ dân sự khác)

Thay đổi tài sản (thay đổi sở hữu, thanh lý, khác…) (tăng, giảm)

Giá trị còn lại của tài sản đến thời điểm báo cáo

Nguyên nhân tăng, giảm

1

2

3

4

5

6

7

8

9

I

Dự án A

1

Tài sản a

2

Tài sản b

II

Dự án B

1

Tài sản a

2

Tài sản b

Ghi chú: Chỉ liệt kê giá trị tài sản tương ứng với phần bảo đảm tiền vay

Người lập biểu

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

Hà Nội, ngày ….tháng…..năm

Thủ trưởng

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

PHỤ LỤC 6

Cơ quan báo cáo

BÁO CÁO RÀ SOÁT TÀI SẢN BẢO ĐẢM

Đối với khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đang rút vốn hoặc chưa rút vốn

(Kèm theo công văn số ….ngày…của Cơ quan báo cáo)

STT

Dự án

Trị giá Hợp đồng vay

Thời điểm hình thành tài sản

Trị giá tài sản hình thành

Thay đổi tài sản (thay đổi sở hữu, thanh lý, khác…) (tăng, giảm)

Nguyên nhân tăng, giảm

1

2

3

4

5

6

7

I

Dự án/Khoản vay A

1

Tài sản a

2

Tài sản b

II

Dự án/Khoản vay B

1

Tài sản a

2

Tài sản b

Ghi chú: Chỉ liệt kê giá trị tài sản tương ứng với phần bảo đảm tiền vay

Người lập biểu

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

Hà Nội, ngày ….tháng…..năm

Thủ trưởng

Ký, ghi rõ chức danh & họ tên

THE MINISTRY OF FINANCE
--------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness  
---------------

No. 139/2015/TT-BTC

Hanoi , September 03, 2015

 

CIRCULAR

PROVIDING GUIDANCE ON GUARANTEE FOR FOREIGN LOANS ON-LENT BY THE GOVERNMENT

Pursuant to the Civil Code No. 33/2005/QH11 dated June 14, 2005;

Pursuant to the Law on Public Debt Management No. 29/2009/QH12 dated June 17, 2009;

Pursuant to the Government’s Decree No. 163/2006/ND-CP dated December 29, 2006 on secured transactions and the Decree No. 11/2012/ND-CP dated February 22, 2012 on amendments and modifications to several articles of the Decree No. 163/2006/ND-CP;

Pursuant to the Government’s Decree No. 83/2010/ND-CP dated July 23, 2010 on secured transaction registration;

Pursuant to the Government’s Decree No. 78/2010/ND-CP dated July 14, 2010 on on-lending Government’s foreign loans;

Pursuant to the Government's Decree No. 215/2013/ND-CP dated December 23, 2013 on defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The Minister of Finance hereby promulgates the Circular on providing guidance on guarantee for foreign loans on-lent by the Government.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of application and applicable entities

1. This Circular shall provide guidance on signing loan guarantee contracts; inspecting, supervising and dealing with pledged assets, reporting regime and responsibilities of contracting parties for pledged assets for foreign loans on-lent by the Government in accordance with applicable regulations.

2. This Circular shall apply to on-lending agencies, sub-borrowers and other agencies, organizations or individuals involved in activities of loan guarantee, management and use of pledged assets for foreign loans on-lent by the Government.

Article 2. Interpretation of terms

In this Circular, terms used herein shall be construed as follows:

1. The obligee refers to the Ministry of Finance or the on-lending agency authorized by the Ministry of Finance to perform on-lending activities in accordance with laws, or the organization that acts on behalf of the Ministry of Finance to carry out the practice of loan guarantee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Loan guarantee contract refers to the on-lending arrangement concluded between the obligee and the obligor to secure the sub-borrower's debt obligations to the Ministry of Finance or on-lending agencies.

4. Pledged asset for foreign loans on-lent by the Government refers to the asset derived from foreign loans on-lent by the Government and/or other assets owned by the sub-borrower, or the organization and individual possessing assets (if any) used as collateral to secure the sub-borrower’s debt obligations in accordance with applicable regulations.

5. Project refers to the enterprise’s program or project for on-lending of Government’s foreign loans.

6. Organization acting on behalf of the Ministry of Finance to carry out the practice of loan guarantee refers to the legal entity competent in performing relevant operations in a secured transaction as stipulated by laws, or assigned to act on behalf the Ministry of Finance to sign loan guarantee contracts, examine, supervise and deal with pledged assets during the process of performing secured transaction operations.

7. Service contract to perform loan guarantee operations refers to the agreement signed between the Ministry of Finance, the obligor and the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations for the purpose of carrying out operations of secured transactions with the obligor in the event of the Ministry of Finance’s direct on-lending.

Article 3. Principles of contract conclusion, inspection and supervision of pledged assets

1. The guarantee for the entire value of foreign loans on-lent by the Government must be agreed upon in the loan guarantee contract.

2. The loan guarantee contract must be registered as a secured transaction with the center for transaction and asset registration affiliated to the national registration agency for secured transactions (the Ministry of Justice), or with competent authorities in accordance with legal regulations on secured transactions, unless otherwise prescribed by law.

3. With regard to assets which have yet to be governed by legal regulations on secured transaction registration, the obligor or the on-lending agency is required to report on application of regulations on secured transaction registration to the Ministry of Finance before submitting such report to the Prime Minister.  

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. The obligor shall be liable for expenses arising during the process of performing loan guarantee operations and even payments to the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations.

6. The Ministry of Finance or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations, or the on-lending agency, shall inspect and supervise pledged assets in accordance with legal regulations.

7. The value of pledged asset shall be determined according to:

 a) the book value verified by an independent audit company, in the event that the Ministry of Finance directly undertakes loan guarantee operations.

 b) the rules of the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations which are applied to customers having normal credit relationship.   

 In case the value of pledged asset is less than the outstanding debt, the obligor shall be responsible for adding more assets to secure their debt obligations.

8. The pledged asset used as collateral for foreign loans on-lent by the Government shall be provided according to the ratio of credit risks shared between the on-lending agency and the Ministry of Finance. Where the Ministry of Finance solely takes credit risks, it will become the only beneficiary of all pledged asset used as collateral for on-lent loans.

9. If the obligor wishes to use pledged assets for Government’s on-lent foreign loans in secured transactions with the Ministry of Finance or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations to give guarantee to the third party, the obligor shall only be allowed to give guarantee for the value greater than the outstanding debt and shall also be required to adhere to the principle that all obligations to repay debts must be fulfilled and obtain the written consent from the Ministry of Finance prior to commencement.

10. Assignment, transfer of projects or pledged assets from the obligor must obtain the prior written consent from the Ministry of Finance. Assignee or transferee of projects shall succeed all of the obligor’s obligations and liabilities regarding pledged assets.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Cancellation and termination of pledged assets

Cancellation and termination of loan guarantee contracts for the obligor’s payment obligations must comply with applicable laws.

Chapter II

SPECIFIC PROVISIONS

Section 1. CONCLUSION OF LOAN GUARANTEE CONTRACT, INSPECTION AND SUPERVISION OF PLEDGED ASSETS USED AS COLLATERAL FOR FOREIGN LOANS ON-LENT BY THE GOVERNMENT

Article 5. Finalization and conclusion of guarantee contract and appendix to the contract

1. In the event that the Ministry of Finance undertakes direct on-lending:

1.1. The obligor shall recommend an organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations, sign the guarantee contract, inspect and supervise pledged assets used as collateral for on-lent foreign loans on the basis of mutual agreements on the fee for the service provided by this organization and in conformity with requirements stated in Point 1.2 of Clause 1 of this Article.

1.2. The organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations, inspect and supervise pledged assets used as collateral for on-lent foreign loans shall be selected if it meets the following requirements:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Demonstrate that it is one of the credit institutions qualified to perform banking operations to assist projects for on-lending of the Government’s foreign loans as released by the State Bank in the chosen year, or the preceding year; or is one of the organizations having good financial health and excellent past performance of management of pledged assets used as collateral for loans on-lent by the Government. 

c) Obtain approval from the obligor that then submits the written request to the Ministry of Finance.  

1.3. Conclusion of the service provision contract to perform loan guarantee operations:

a) If the Ministry of Finance accepts the obligor’s aforesaid recommendation, the Ministry of Finance shall carry out loan guarantee operations by taking the following action: The Ministry of Finance and the obligor shall together enter into the service provision contract to perform loan guarantee operations with the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations recommended by the obligor by filing the form stipulated in Appendix 1 hereof. 

b) If the Ministry of Finance refuses the obligor’s aforesaid recommendation, the Ministry of Finance shall send the written response to the obligor and request them to select other organization.

1.4. The loan guarantee contract shall be signed between the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations as stated in Point 1.3 Clause 1 of this Article and the obligor, and shall be executed according to the rules of this organization which are applied to the loan guarantee given by customers having normal credit relationship.

1.5. In some special or particular cases, if it is impossible to authorize the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations, the Ministry of Finance shall directly perform relevant operations as follows:

a) With regard to assets which have already come into existence, the Ministry of Finance and the obligor shall enter into the loan guarantee contract by adopting the form given in the Appendix 2 hereof on the basis of the confirmation of the book value of assets used as collateral for loans provided by an independent auditing company under the provisions of Clause 11 Article 3 hereof.

b) With regard to assets which will be formed in the future:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(ii) The Ministry of Finance and the obligor shall mutually agree on the appendix to the contract for collateralization of assets formed in the future by adopting the form given in Appendix 4 hereof which is relevant to the actual progress of formation of these assets from Government-backed loans.

c) The obligor shall be liable for expenses arising during the process of performing loan guarantee operations (including inspection, supervision and handling of pledged assets) under the provisions of Clause 5 Article 3 hereof.

2. In the event that the Ministry of Finance authorizes an on-lending agency to perform on-lending operations:

a) The loan guarantee contract shall be signed between that on-lending agency and the obligor as agreed upon in the contract for on-lending authorization entered into between the Ministry of Finance and the on-lending agency, and conform to the rules of the on-lending agency applied to pledged assets of customers having credit relationship with this on-lending agency.

b) The fee for execution of secured transaction operations shall be included in the on-lending service charge paid to the on-lending agency and there shall not be any extra payments as stipulated hereby. 

Article 6. Time of conclusion of guarantee contract

1. The loan guarantee contract or the contract for collateralization of assets formed in the future shall be signed between the obligee and the obligor within the period which is not later than the first  disbursement of the on-lent loan.

2. If it is impossible to sign the loan guarantee contract or the contract for collateralization of assets formed in the future prior to the first disbursement of the on-lent loan on objective grounds, involved parties shall be responsible for reporting to the Ministry of Finance to clearly state the reasons. Such parties shall conclude the contract prior to the second loan disbursement.

3. If these parties fail to sign the loan guarantee contract or the contract for collateralization of assets formed in the future under the provisions of Clause 2 of this Article, the obligee shall report to the Ministry of Finance to temporarily suspend the next loan disbursement of the borrower (the obligor), or to competent authorities for consideration and decision-making purposes.   

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. With regard to assets which have come into existence:

a) Within 10 working days after finalization of the loan guarantee contract, the obligor shall carry out the secured transaction registration.

b) Within 05 working days of receipt of the secured transaction registration certificate issued by the secured transaction registry, or the written request for secured transaction registration certified by the secured transaction registry, the obligor shall submit it to the Ministry of Finance.

2. With regard to assets which will be formed in the future:

a) Within 10 working days after conclusion of the contract for collateralization of assets formed in the future, the obligor shall carry out the secured transaction registration.

b) Within 05 working days of receipt of the secured transaction registration certificate issued by the secured transaction registry, or the written request for secured transaction registration certified by the secured transaction registry, the obligor shall submit either to the Ministry of Finance.

c) The appendix to the contract for collateralization of assets formed in the future in the previous year shall be signed between the Ministry of Finance and the obligor on the basis of the confirmation received from the independent auditing company (if there is something new in the contract) and shall be made perfect by June 30 of the following year. 

d) After assets have passed the official acceptance test, the obligor shall send the description list of all assets to the Ministry of Finance.

dd) The obligor shall register any modification to secured transaction contents if there is any discrepancy against those provided at the time of secured transaction registration for assets formed in the future after the abovementioned acceptance test has been completed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Ministry of Finance shall be responsible for preserving documents relating to loan guarantee contracts, secured transactions and records of inspection and supervision of pledged assets used as collateral for loans.

Article 8. Procedure for loan guarantee for loans on-lent through the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations

Within 10 working days after finalization and conclusion of the contract for collateralization of assets for foreign loans on-lent by the Government, the obligor shall collaborate with the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations in applying for the secured transaction registration.

1. The on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations shall be responsible for preserving documents relating to loan guarantee contracts, secured transactions and records of inspection and supervision of pledged assets used as collateral for loans.

2. Within 05 working days of receipt of the written confirmation of secured transaction registration from competent authorities, the on-lending agency, or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations, shall provide the Ministry of Finance with one copy (sealed by the sender) of the signed loan guarantee contract and the certificate of secured transaction registration issued by the secured transaction registry, or one copy (sealed by the sender) of the written request for secured transaction registration accredited by the secured transaction registry, enclosing the list of assets which have already come into existence (if any) for the purpose of collaboration on monitoring and supervision activities.  

Article 9. Reporting regime

1. Periodic report:

a) Before April 15 every year, the obligor shall be responsible for sending the review report on pledged assets revised by December 31 of the previous year to the Ministry of Finance (if the Ministry of Finance is directly carrying out on-lending) enclosing the confirmation provided by the independent auditing company by completing the form given in Appendix 4 or Appendix 5 hereof, or to the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations (if the Ministry of Finance grants authorization) by completing the form stipulated by the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations.

b) Before April 30 every year, the Ministry of Finance (if the Ministry of Finance is directly carrying out on-lending) or the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations (if the Ministry of Finance grants authorization) shall be responsible for sending the Ministry of Finance the general report to review pledged assets managed under their delegated authority by December 31 of the previous year which is categorized by specific projects and funding sources by adopting the form given in Appendix 5 or Appendix 6 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Whenever necessary or when the value of pledged asset have been changed as against the latest report, the obligor shall be responsible for reporting to the Ministry of Finance (if the Ministry of Finance is directly carrying out on-lending) or the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations ((if the Ministry of Finance grants authorization) on changes regarding pledged assets according to the form given in Appendix 5 or Appendix 6 hereof.

Section 2. HANDLING OF PLEDGED ASSET

Article 10. Handling of pledged asset

1. Handling of pledged asset shall comply with the Government’s Decree No. 163/2006/ND-CP dated December 29, 2006 on secured transactions and the Decree No. 11/2012/ND-CP dated February 22, 2012 on amendments and modifications to several articles of the Decree No. 163/2006/ND-CP, and other documents stating modifications or amendments (if any).

2. The obligee shall be entitled to deal with pledged assets for the purpose of collecting debts on behalf of the Ministry of Finance.

Article 11. Pledged asset handling agency

1. As for the Government’s foreign loans directly on-lent by the Ministry of Finance, the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations or a proper organization authorized by the Ministry of Finance (if the Ministry of Finance directly signs the loan guarantee contract) shall be responsible for resolving difficulties that may arise during the process of handling pledged assets.

2. As for the Government’s foreign loans of which the Ministry of Finance authorizes the on-lending agency to take control, the on-lending agency shall suggest the plan to deal with pledged assets to the Ministry of Finance, or directly handle pledged assets under the delegated authority of the Ministry of Finance and report to the Ministry of Finance.

Article 12. Use of revenues derived from the work of handling pledged assets

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Repaying debts:

a) Advances taken out by the obligor from the accumulation fund for repayment of debts incurred from foreign loans on-lent by the Government;

b) Debts owed to the State budget which directly relate to foreign loans on-lent by the Government;

2. Repaying debts incurred from the unpaid on-lending fee relating to loans.

3. Payments refunded to the obligor (if the revenue has not been used up).

Section 3. RESPONSIBILITIES OF INVOLVED PARTIES

Article 13. Responsibilities of the obligor

1. Apply for secured transaction registration for the loan guarantee contract under which the Government on-lends its foreign loans as prescribed by laws and in conformity with the service contract stated herein.

2. Carry out the periodic assessment or checking of pledged assets in accordance with legal regulations on accounting and report on the result of assessment and checking to the Ministry of Finance, the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations or the on-lending agency; collaborate with the Ministry of Finance, the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations or the on-lending agency to implement procedures regarding the handling of pledged assets in the event that these assets need handled to recover debts from foreign loans on-lent by the Government.  

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Take out insurance policies to protect pledged assets in accordance with laws.

5. Provide accurate, authentic and timely information about the current condition of pledged assets for the obligee and comply with regulations under which reports must be sent in an adequate and on-time manner in accordance with provisions laid down in this Circular.

6. Use assets formed from foreign loans on-lent by the Government to serve the right purpose.

Article 14. Responsibilities of the Ministry of Finance

1. Check, supervise pledged assets used as collateral for the Government’s foreign loans directly on-lent by the Ministry of Finance, and directly sign the loan guarantee contract.

2. Report to the Prime Minister in some particular cases in which it is impossible to register pledged assets in accordance with laws.

3. Select or approve the plan of the obligor to select financial, credit institutions or proper organizations to perform loan guarantee operations and deal with issues that may arise during the process of handling pledged assets.  

4. Report to the Prime Minister on the plan to deal with pledged assets to recover on-lent loans in the event that subborrowers become insolvent.

Article 15. Responsibilities of the on-lending agency

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Send periodic and ad-hoc reports to the Ministry of Finance on the current condition of pledged assets used as collateral for foreign loans on-lent by the Government under the provisions of Article 9 hereof and assessment of risks relating to pledged assets (if any).

3. Propose plans to deal with pledged assets used as collateral for foreign loans on-lent by the Government if the agency is required to carry out handling of pledged assets.

Article 16. Responsibilities of the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations

1. Undertake responsibilities in a sufficient and timely manner as stated in the contract to perform loan guarantee operations, and supervise, inspect and propose measures to deal with pledged assets used as collateral for foreign loans on-lent by the Government.  

2. Send periodic and ad-hoc reports to the Ministry of Finance on the current condition of pledged assets used as collateral for foreign loans on-lent by the Government under the provisions of Article 9 hereof and assessment of risks relating to pledged assets (if any).

3. Propose plans to deal with pledged assets used as collateral for foreign loans on-lent by the Government if the agency is required to carry out handling of pledged assets.

Section 4. VIOLATION SETTLEMENT

Article 17. Settlement of violations committed by the obligor

If the obligor fails to comply with regulations on loan guarantee under the provisions of this Circular applied to foreign loans on-lent by the Government, the Ministry of Finance shall report to the Prime Minister to take one or several of the following measure(s):

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Prematurely recover all of disbursed loan amounts.

3. Refuse to approve new loans taken out by the defaulting obligor.

4. Apply other relevant measures in compliance with legal regulations.

Article 18. Settlement of violations committed by the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations

If the on-lending agency or the organization acting on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations fails to comply with regulations and fulfill all responsibilities agreed upon in the service contract, the Ministry of Finance shall report to the Prime Minister to take one or several of the following measure(s):

1. Refuse to grant such agency or organization authorization to on-lend new loans or to select such agency or organization to act on behalf of the Ministry of Finance to perform loan guarantee operations in respect of other projects.

2. Refuse to approve such agency or organization to be designated as a bank funding new projects.

Chapter III

IMPLEMENTARY PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. This Circular shall enter into force from November 1, 2015.

2. If documents mentioned in this Circular have been amended, supplemented or replaced, regulations laid down in documents after such amendment, supplementation or replacement shall prevail.

Article 20. Transitional provisions

1. Foreign loans on-lent by the Government as agreed upon in the on-lending arrangement or the on-lending authorization contract before the effective date of this Circular as stipulated by laws on sub-borrowing foreign loans on-lent by the Government at the date of signing the on-lending arrangement or the contract to grant authorization to on-lend loans which are not secured by assets shall continue to comply with the laws that take effect at the date of entering into the arrangement or the on-lending authorization contract. 

2. If foreign loans on-lent by the Government have been approved for on-lending before the effective date of this Circular but the loan guarantee contract has not been signed, finalization and conclusion of the guarantee contract shall be carried out in conformity with regulations laid down in this Circular and under the guidance of the Ministry of Finance. 

Article 21. Implementation

1. The Ministry of Finance, the on-lending agency, the sub-borrower, and involved agencies, organizations or individuals, shall be responsible for complying with regulations enshrined in this Circular.

2. In the course of implementation, if there is any difficulty that may arise, agencies, organizations or individuals concerned shall send timely feedbacks to the Ministry of Finance for consideration and resolution purposes./.

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

PP. THE MINISTER
THE DEPUTY MINISTER




Truong Chi Trung

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 139/2015/TT-BTC ngày 03/09/2015 hướng dẫn việc bảo đảm tiền vay cho khoản vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.110

DMCA.com Protection Status
IP: 18.190.156.214
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!